- Cô có bao giờ ngắm kỹ một cành hồng tỉ muội chưa? Nếu chưa từng trải qua nỗi đau khổ như tôi- không- chính xác là nỗi ân hận, ám ảnh, dày vò thì tôi đoan chắc là chẳng ai rỗi hơi để tâm vào một cành hoa tầm thường, chẳng có chút gì đặc biệt, quý giá. Hoa hồng tỉ muội bày bán lủ khủ ngoài mấy đại lý hoa kiểng, rẻ rề. Khi đụng hàng, hồng nhung còn ế nhệ, huống gì mấy giỏ hồng tỉ muội phấn lạt hương phai. Nhưng với tôi, chỗ nào trong vườn cũng có hồng tỉ muội. Hoa của nó đo đỏ, bé bé, xinh xinh, mọc ra từ nách lá. Mà cách mọc của chùm hoa cũng kỳ lạ lắm. Hai bông lớn quấn quýt bên nhau chẳng chịu rời, còn một bông nhỏ hơn như người vợ lẻ cam phận mọc tẻ ra ngoài, trông thật cô độc, lẻ loi. Trong một chùm có ba bông hoa ấy, đâu cô đoán tôi thuộc loại nào? Quấn quýt, nói nói cười cười bên người mình yêu thương hay lẻ loi, cô độc?
Tôi hoàn toàn bất ngờ trước bầu tâm sự tràn bờ của chủ nhân thảo am Kỳ Mai. Theo quán tính, tôi ngước nhìn ra vườn. Những khóm hồng tỉ muội vươn lên rực rỡ trong nắng. Đúng như lời của chủ nhân, cách mọc của chùm hoa rõ là kỳ lạ. Hoa chị nép hoa em, xiết bao thắm thiết, yêu kiều. Nhưng có mối liên hệ nào giữa những đóa hoa hồng tỉ muội và chủ nhân thảo am. Một bà lão đã bước sang tuổi 80, suốt ngày giam mình trong tịnh xá tư gia. Thành, con trai bà là một kiến trúc sư nổi tiếng. Một hôm, anh ta tìm đến cơ quan tôi, tự giới thiệu mình. Tôi còn chưa hết ngạc nhiên nguyên cớ nào “rồng đến nhà tôm” thì anh ta giải thích: “Tôi đến đây do yêu cầu của mẹ tôi”. Anh ta ngập ngừng một lúc rồi nói tiếp: “Mẹ tôi… có lẽ bị trầm uất, sinh ra chứng hoang tưởng, một thứ bệnh thần kinh, không nặng lắm nhưng mãn tính, dai dẳng. Bà nhớ nhiều việc không đáng nhớ, quên nhiều việc không đáng quên. Bà có lúc tỏ ra vô cùng minh mẫn, lúc ngây ngây dài dại như sống trong một thế giới huyền ảo. Hình như bà có một tâm sự trĩu nặng mà không tiện giải bày với người thân của mình. Một hôm, đọc bài viết của chị về thân phận một phụ nữ, nhìn thấy chân dung của chị, bà yêu cầu tôi tìm gặp chị. Bởi chị rất giống một người mà suốt mấy mươi năm qua mẹ tôi tìm kiếm. Nếu chị sẵn lòng…”. Tôi ngạc nhiên thốt lên: “Tôi chưa từng biết cụ bà. Tôi đoan chắc là giữa tôi với cụ bà không có mối liên hệ nào cả. Người giống người cũng là chuyện thường tình thôi. Tôi sợ mẹ anh sẽ thất vọng”. “Không sao, miễn là chị chịu khó dành chút thời gian đến với mẹ tôi. Tôi van xin chị đó!”. Sự khẩn thiết của anh ta khiến tôi càng ngạc nhiên bội phần. Linh tính nghề nghiệp mách bảo tôi đây là một câu chuyện “có vấn đề” nhưng thật không dễ dàng chút nào. Nó vượt qua khả năng của tôi. Trước sự tin cậy của anh ta, tôi chân thành nói: “Thưa anh, tôi không phải là một nhà tâm lý học. Chuyện của tôi còn ê hề, làm sao có thể…”. Như đoán trước tôi sẽ từ chối, Thành động viên: “Chỉ cần chị chịu khó lắng nghe, như sẵn lòng chia sẻ tâm tư trĩu nặng của bà là đủ rồi. Bước đầu, tôi chỉ cần có vậy”. Tôi không khỏi hoang mang: “Anh là người thân thiết nhất của cụ bà, lẽ nào…”. Một nỗi buồn lướt qua mặt Thành: “Đó mới là điều bí ẩn. Mẹ tôi tuyệt không nói với ai về điều bí ẩn ấy dù tôi hiểu rất rõ. Sĩ diện, mặc cảm và nhiều thứ khác nữa, mẹ tôi có nỗi khổ riêng của bà. Vì vậy mà tôi đến đây để gặp chị. Chỉ cần chị sẵn lòng…”. Tất nhiên là tôi rất sẵn lòng nhưng trước mặt một người đàn ông cao lớn, đẹp trai, có danh tiếng như anh ta, tôi hiểu mình nên từ tốn, đúng mực trong ứng xử: “Vậy khi nào tôi có thể đến gặp cụ bà?”. Suy nghĩ một lúc, Thành ghi trên danh thiếp ngày giờ hẹn. Trước khi chào từ biệt tôi, anh nói: “Cô cứ đến thẳng thảo am Kỳ Mai, phía sau biệt thự. Cô đừng ngạc nhiên vì tôi không đón cô. Tôi muốn mẹ tôi được tự nhiên, thoải mái. Có lẽ… chị sẽ phải chịu đựng. Thần kinh mẹ tôi không bình thường, có điều gì, xin chị bỏ qua cho…”. Tôi đọc được trong mắt anh ta sự thiếu tin tưởng vào tôi. Anh ta đến đây gặp tôi với hy vọng mong manh về một liệu pháp chữa bệnh tâm lý cho mẹ. Nhưng cho dù chỉ là một chút hy vọng, tôi nghĩ mình không thể từ chối. Đó là nguyên nhân để tôi có mặt ở thảo am này…
- Cô năm nay bao nhiêu tuổi?
- Thưa bà, đã 40.
- Bốn mươi?
- Chồng con sao rồi?
- Dạ, hai con.
- Hả? Đôi mắt bà cụ nhấp nháy, ánh lên tia nhìn cảm thông, pha lẫn chút ngạc nhiên thú vị. Cụ bà có vẻ rất chăm chú lắng nghe những lời tôi tiết lộ về bản thân nhưng liền sau đó gương mặt lộ rõ vẻ thất vọng, bởi giữa tôi và bà có lẽ chẳng có mối liên hệ nào như bà mong đợi. Tuy vậy, cụ bà vẫn muốn cầm chân khách, dường như để giải tỏa một điều gì- Được. Vậy là cô không còn quá trẻ, đường đời chua cay chắc đã nếm nên có thể chia sẻ với tôi bầu tâm sự trĩu nặng này. Bà cụ thở dài- Mới đó mà đã già nửa thế kỷ. Mới chớp mắt một cái, tóc tôi đã bạc. Còn cô ấy…
Đôi mắt cụ bà trở nên xa xôi, hoang vắng. Tôi ngước nhìn lên tường, chợt sửng người khi nhận ra bức chân dung thời trẻ của bà. Trong ảnh là một thiếu nữ trạc ngoài hai mươi có mái tóc bồng bềnh chảy dài theo bờ vai thanh mảnh, khuôn ngực nhô cao, căng tròn dưới làn áo dài in những bông hoa li ti. Mắt phượng, mày ngài, mũi cao thanh tú, cô gái trong ảnh thật xinh đẹp, đầy quí tướng. Tường đối diện treo bức ảnh của một tướng quân. Mày đậm, sắc như dao kiếm, môi dày, nhân trung sâu… Tất cả đều sắc nét trên gương mặt chữ điền. Tướng quân có vẻ đẹp mạnh mẽ, uy nghiêm. Một gương mặt rất quen, hình như tôi đã gặp ở đâu đó… À, tôi nhớ ra rồi, đó là một vị tướng tài danh, có công lớn với đất nước nhờ vào khả năng chế tạo vũ khí. Bắt gặp ánh mắt ngưỡng mộ của tôi dừng lại trên bức chân dung vị tướng, cụ bà lên tiếng:
- Không nói ra chắc cô cũng đoán người đó là ai. Bà khẻ mỉm cười- Chồng của tôi đó. Rồi mắt bà nhìn ra vườn, nơi có những cành hồng tỉ muội ngả nghiêng trong gió:
- Tôi mời cô đến đây là để kể cho cô nghe về sự tích một loài hoa…
“Sự tích một loài hoa? Đây có lẽ là điều mình phải chịu đựng. Điên, hoang tưởng? Nếu gọi là hoang tưởng, là điên thì cái điên của cụ bà cũng thật sang trọng và lãng mạn”. Tôi nhìn xuống màu trà xanh biếc, phát một thứ ánh sáng kỳ ảo trong chiếc tách sứ trắng muốt, thầm nghĩ. Giọng của bà trở nên thật lạ, như từ một tầng tâm linh nào vọng đến. Tâm hồn bà dường như thoát khỏi sự già nua của một thân xác ngoài 80, trở về với miền cổ tích xa xăm:
- Hoa hồng tỉ muội. Ngày xưa…
Ngày xưa, một gia đình điền chủ nọ ở Bạc Liêu sinh được hai cô con gái xinh đẹp. Người cha đặt tên cô chị là Tỉ, cô em là Muội, ngụ ý hai chị em luôn yêu thương, quấn quýt bên nhau, cùng dắt díu, nương tựa nhau trên đường đời. Chị ngã em nâng. Em té chị đỡ. Đường đời dài thăm thẳm, có chị có em đỡ cu ky, hiu quạnh. Tỉ, Muội lớn lên trong sự chăm bẳm, cưng chiều của cha mẹ. Quả là hai chị em rất yêu thương, quấn quýt nhau. Tỉ rực rỡ, sắc xão. Muội tươi mát, mủm mỉm. Mỗi cô là mỗi đóa hồng, mỗi người mỗi vẻ, không ai kém ai. Tỉ học xong đíp-lôm, làm cô giáo, lấy chồng. Muội cũng vừa thi đỗ vào “Nữ học đường” ở Sài Gòn. Thấy Tỉ lấy chồng, trong đáy lòng Muội không vui lắm, thầm nghĩ: “Mình sẽ không như Chị Hai, cột đời vào đàn ông sớm quá, thật uổng phí”. Ngày vu quy, đàng trai qua nhà ông bà điền chủ rước dâu, Muội choáng váng trước vẻ đẹp của anh rể. Cô lại nghĩ: “Đẹp trai, đi xa, học rộng, tài giỏi như anh hai, Chị Hai lấy được tấm chồng như vậy thật không uổng”. Trước giờ hoàng đạo, Tỉ ôm Muội khóc nức nở. Hai chị em đã cùng lớn lên trong trang viên phú hộ, thật êm đềm, hạnh phúc. Giờ, Tỉ phải đến một nơi mới, sống một quảng đời mới, xây đắp một tổ ấm mới. “Con trai con gái lớn lên phải lấy vợ lấy chồng, đâu ở mãi bên nhau được”. Ông bà điền chủ giải thích, dỗ dành Muội: “Chị Hai con lấy chồng, chỗ danh giá, cha mẹ nở mày nở mặt, con phải mừng cho chị Hai. Mai mốt, con lên Sài Gòn, ở nhà anh chị Hai con học thêm mấy năm nữa, lấy cái đíp-lôm, đi lấy chồng, cũng danh giá như Chị Hai con. Tụi bây tạm thời xa nhau vài bữa, có bỏ đi luôn đâu mà khóc lóc mùi mẫn, thiếu điều ngập lụt tới thềm nhà!”. Nghe cha khuyên giải, Muội lau nước mắt, cố nuốt lại nỗi buồn xa chị.
Khi lên Sài Gòn tiếp tục chuyện đèn sách, không muốn làm phiền đôi vợ chồng mới cưới, Muội quyết định ở nội trú trong “Nữ học đường”. Ngày nghỉ, Muội mới về nhà thăm anh chị. Anh rể kiến thức uyên bác, nói chuyện có duyên, khiến Muội thấy bữa cơm gia đình thật ngon miệng, ấm cúng. Một ngày về thăm chị thường trôi đi rất nhanh. Thấy Tỉ tươi trẻ, ngập tràn hạnh phúc Muội thầm chúc phúc cho chị, vừa nghe trong lòng len nhẹ nỗi buồn tủi. Muội hiểu tất cả đều do lòng ích kỷ mà ra. Từ khi lấy chồng, hình như Tỉ không còn dành cho Muội tình cảm thắm thiết như xưa. Trong mắt Tỉ chỉ có anh rể. “Đàn bà lấy chồng phải yêu chồng, có gì lạ, chẳng qua là vì mình…”. Muội cũng cảm nhận mình trở nên già dặn hơn do trong lòng chứa đựng quá nhiều mâu thuẫn. Muội muốn Tỉ dành tất cả tình cảm cho mình, vừa muốn chị phải là một người vợ tốt. Muội không muốn anh rể xen vào cuộc đời hai chị em, làm đảo lộn tất cả, vừa thấy mừng cho Tỉ lấy được người chồng xứng đáng. Tuy nhiên, đó chỉ là những ý nghĩ thầm kín, Muội ít khi bộc lộ ra bên ngoài. Còn Tỉ vì quá hạnh phúc nên cũng không mấy chú ý đến tính nết trái khoáy, đồng bóng của em gái. Là út, Muội vốn được cha mẹ cưng chiều hơn nên cũng nhỏng nhẽo hơn. Mới mấy tháng trăng mật nồng đậm, Tỉ hồ hỡi báo tin cho Muội:
- Em gái, vào đây chị cho xem cái này!
Hôm ấy anh rể đi vắng. Lần đầu tiên Muội bước vào phòng riêng anh chị. Một hương thơm kỳ lạ tỏa ra từ tổ uyên ương làm Muội ngây ngất. Muội cảm nhận được đó là mùi hương của hạnh phúc. Mắt long lanh, má ửng hồng, Tỉ như bông hoa vừa uống đẫm sương đêm, tươi mát, đẹp rực rỡ. Vẻ đẹp của Tỉ làm lòng Muội cũng phải xao xuyến. Tỉ cầm lấy tay Muội, đặt lên bụng mình:
- Em xem này, chị có mang rồi!
Tay muội run lên:
- Thật sao chị, sao…em hỏng thấy gì hết vậy?
Tỉ véo mũi em gái:
- Làm sao em thấy được, nó chỉ đập nhẹ thôi, ngu ơi là ngu. Đàn bà có mang, em hãy xem cái này…
Tỉ cởi nút áo, để lộ ra bầu ngực căng tròn, trắng ngần nhưng núm vú đen thẫm. Màu đen của đầu vú càng làm nổi bật màu trắng đôi tuyết lê. Có một cái gì tràn qua làm Muội thấy sụp đổ, thất vọng, chếnh choáng. Bàn tay Muội buông thỏng. Tỉ cốc vào đầu em:
- Vậy là có bầu, em hiểu không, chị được làm mẹ rồi, ngu ơi là ngu! Mai mốt lấy chồng, em cũng sẽ…
“Ngu ơi là ngu”. Lâu lắm rồi, Muội mới được nghe lại tiếng gọi yêu của chị. Tự dưng Muội thấy muốn khóc quá. Tỉ đã đổi khác biết bao. Cái gì làm chị mình thay đổi như vậy. Anh rể. Cái gì của anh rể… Muội nóng bừng mặt. Nhìn vẻ đẹp viên mãn của Tỉ, Muội có cảm giác chị mình là người phụ nữ hạnh phúc nhất trên đời. “Không biết đến khi lấy chồng, có mang, mình có vui sướng, hạnh phúc như chị Tỉ không?”. Ý nghĩ ấy làm Muội vừa thích thú, vừa thấy thật xấu hổ. Vẫn chưa nguôi niềm hạnh phúc làm ngất ngây tâm hồn, Tỉ phấn khích nói:
- Nhỏ ơi, học nhanh lên, đậu đip-lôm rồi lấy chồng. Rồi em cũng sẽ có bầu, đẻ con như chị. Con của chị sẽ chơi với con của em. Tụi nó có chị có em quấn quýt bên nhau, như chị với em ngày xưa…
Muội chợt nhớ những ngày thơ dại đầm ấm, hạnh phúc bên Tỉ. Đúng là hai chị em luôn yêu thương, quấn quýt nhau. Hai chị em đi đến đâu cũng được người yêu kẻ quý. Đó là hai bông hoa biết nói, thật xinh xắn, thật dễ yêu. Nhưng ngày ấy giờ đã xa. Sao mọi việc sớm thay đổi như vậy. Vốn bản tính đa cảm, Muội để mặc cho nước mắt tuôn rơi. Tỉ cuống quýt, lấy khăn lau nước mắt cho em:
- Sao vậy Muội, em gái lại mau nước mắt rồi. Em nhớ nhà hả. Ừ, chúa nhựt tới, chị biểu anh rể lái xe đưa chị em mình về thăm cha mẹ.
- Không, em không sao, chỉ vì quá mừng cho chị đó thôi.
Muội vùi gương mặt còn đẫm nước vào lòng chị. Cô chợt nghe như trái tim của chị mình đập mạnh hơn. “Ờ, thì trong người chị giờ có hai quả tim là gì”. Muội chợt thấy đôi phần vui lên khi khám phá ra điều kỳ diệu ấy.
Thời điểm khai hoa nở nhụy của Tỉ rơi vào kỳ nghỉ hè của Muội. Muội nhận được thư của cha mẹ: “Hè này con thu xếp đến nhà anh rể, chăm sóc chị Hai sinh con. Con gái sinh con so lẽ ra về nhà mẹ đẻ nhưng anh rể con ngại làm phiền ba má. Chuyện coi sóc điền đất dưới này cũng ê hề quá. Hơn nữa, ở Sài Gòn dù sao cũng có bệnh viện lớn, đầy đủ bác sĩ, thuốc men hơn xứ Bạc Liêu mình. Con đừng ngại, chuyện nặng nhọc đã có người giúp việc đỡ đần. Con chỉ coi sóc chuyện chung trong nhà. Lúc anh rể đi làm, con phụ giúp trông nom cháu, bầu bạn với chị cho đỡ buồn. Có người thân bên cạnh, chị con cũng yên tâm hơn”. Muội cảm thấy ngài ngại, sờ sợ. Dẫu sao thì cha mẹ giao cho cô một việc hơi quá sức. Xưa nay, cô chưa từng chăm sóc trẻ. Về chuyện này, cô thấy mình rất thiếu kinh nghiệm. “Không sao, mình sẽ đọc sách. Sách chỉ cách chăm sóc trẻ rất khoa học, tỉ mỉ.”. Muội tự trấn an. Nghĩ đến việc ẳm trên tay một đứa bé xinh xắn, bụ bẫm cô cảm thấy mình trở nên can đảm, phấn chấn hơn.
Lần này về nhà chị gái, Muội có cảm giác anh rể già dặn hơn. “Làm cha rồi, có khác”. Muội liếc nhìn anh rể, thầm nghĩ. Bắt gặp cái cười tủm của cô em, anh rể dứ nắm đấm trước mặt Muội: “Tôi biết tỏng Dì út đang nghĩ gì, chế nhạo tui hả. Đừng nói là tui không biết gì đó nghen!”. Muội biết anh rể rất giỏi. Anh rể vốn là kỷ sư cơ khí du học ở Pháp về, là người An-nam duy nhất được hãng ô tô Renault cử làm đại diện kỷ thuật cho Sở hoả xa Đông Dương. Anh rể rất bận rộn trong vai trò giám đốc kỷ thuật một xưởng cơ khí lớn nhất nhì Sài Gòn. Không chỉ giỏi về máy móc, anh rể còn am hiểu văn chương, nghệ thuật…
“Lòng ta mang nặng khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thu
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay…”
Một hôm Muội đi dạo ngoài vườn, chợt dừng bước, lặng người khi nghe giọng đọc thơ trầm ấm, rất diễn cảm từ thư phòng anh rể vọng ra. Muội hiểu anh rể đang hạnh phúc. Có lẽ vì cảm hứng khúc xonnê của Ácve, không dừng được mà ngâm nga vậy thôi…
Đi nhiều, đọc nhiều, hiểu rộng, vậy mà anh rể cứ lóng ngóng bồng em bé. Để mẹ có nhiều sữa, anh tự tay làm món giò heo nấu đậu đen. Anh rể dành cả buổi sáng chúa nhựt nấu món này, đúng theo công thức của một đầu bếp người Hoa. Đến trưa, anh rể trịnh trọng dâng “món ăn có sữa” lên cho vợ. Kỳ lạ thay, Tỉ vừa nếm muỗng canh đầu tiên đã nôn thốc nôn tháo. “Cấp cứu, cấp cứu!”. Anh rể la hoảng. Muội giao đứa bé cho bà vú chạy vào phòng. Muội nếm thử món ăn, cũng vội vàng nôn ra. Cô kêu lên:
- Không ổn rồi, sao “món ăn có sữa” này thum thủm. Anh chế biến nó ra sao?
Anh rể rầu rỉ phân bua:
- Anh thề là nấu nó rất kỷ. Móng mua xong, anh mang về nhà rửa nước muối thật sạch. Để chắc ăn, anh rửa nó một lần nữa bằng xà bông, lấy bàn chải chà từng cái móng heo, rồi đem nấu, mất cả buổi…
Muội chăm chắm nhìn vào tô canh, chợt trợn tròn mắt khi phát hiện ra “thủ phạm”:
- Trời, ông giám đốc cơ khí ơi, trước khi nấu món này anh phải đập dập, gở móng già của heo ra, chỉ chừa lại móng non. Anh để nguyên cả móng già đem nấu, nó bốc mùi thum thủm là phải.
- Vậy hả? Lần đầu tiên vô bếp, định lập công với “hoàng hậu” nào ngờ bị “bể dĩa”. Anh xin lổi.
Nhìn vẻ mặt rầu rĩ của anh rể, Muội không nhịn được cười. Cô nói:
- Thôi, anh làm chuyện khác lập công chị Hai đi, để chuyện nấu nướng này cho em. Em còn biết nấu nhiều “món ăn có sữa” khác, đâu chỉ có món chân heo nấu đậu đen này. Đàn ông các anh phải dành sức lo chuyện quốc gia đại sự…
- Dì út nói nghe hay lắm.
Tỉ lên tiếng:
- Nhưng mỗi tuần một lần “món ăn có sữa” thôi. Hãy đặt vị trí của anh vào em, anh sẽ thấy ngán khủng khiếp!
- Anh hiểu rồi, cưng yên tâm. Anh rể nhanh chóng đưa ra kế hoạch- Được rồi, ngày chúa nhật anh lái xe đưa Dì út ra chợ mua mấy món nấu cho có sữa. Dì út làm đầu bếp, coi như anh cũng có góp công dự phần.
- Cách đó hay đấy!
Muội hồn nhiên vỗ tay tán thưởng. Món móng heo hầm đậu đen hoặc hầm với đu đủ non, có khi là bắp chuối hột Muội nấu cho Tỉ thơm lừng, không có mùi thum thủm như anh rể làm đầu bếp. Tỉ có nhiều sữa. Thằng bé bú sữa mẹ phổng phao, trắng ngần, trông thật đáng yêu. Thấm thoát, ba tháng hè trôi nhanh, Muội xin phép anh chị trở lại trường nội trú. Trước khi đi, Muội căn dặn bà vú nhiều thứ, chỉ cách nấu nhiều “món ăn có sữa” cho Tỉ. Ba tháng trôi qua, Tỉ thấy mình tràn ngập hạnh phúc. Mẹ con cô được sống trong bầu không khí đầm ấm, tràn ngập yêu thương. Chồng yêu, em gái quấn quýt, thật đề huề. Tỉ bồng con, dịu dàng nói với chồng:
- Anh đưa Dì út về trường dùm em nhé. Quay sang Muội, Tỉ căn dặn- Chúa nhựt về chơi với anh chị nghen!
Muội không nói gì, mắt đỏ hoe, mặt buồn rười rượi. “Tội nghiệp em Muội, mấy tháng hè chị em bên nhau, Muội thật chu đáo, tận tâm với mình. Bồng thằng nhỏ riết mến tay mến chưn, quyến luyến chẳng nỡ rời. Không biết lúc em nó lấy chồng, sinh con, mình có được ở bên em, chăm sóc cho mẹ con em chu đáo như Muội đã làm cho mình không? Không, bất luận thế nào mình cũng tìm mọi cách thể hiện lòng yêu thương nó, chăm sóc nó, bảo vệ nó. Muội nó lớn xác chớ cũng còn khờ dại lắm, không có mình bảo ban, coi sóc chắc là không xong. Biết đâu, chồng nó sẽ bỏ bê, ăn hiếp nó. Đừng hòng, có Tỉ này ở trên đời, mình không bao giờ cho phép gả đàn ông nào xử tệ với em mình”. Lòng Tỉ tràn lên tình thương dành cho Muội, muốn ôm em thật chặt mà hôn nhưng tay đã ôm thằng bé.
Dẫu yêu thương em vô hạn nhưng Tỉ nào hiểu được lòng Muội. Mọi việc bắt đầu từ sự cố “món ăn có sữa” do anh rể đích thân nấu dâng lên cho Tỉ. Sau buổi Muội dành phần bếp núc, anh rể chỉ có việc đưa Muội đi chợ. Ngoài các vật liệu chế biến “món ăn có sữa” cho Tỉ, Muội mua rất nhiều thứ. Anh rể đậu xe bên lề, chờ Muội mua trái cây, mua hoa. Bàn tay Muội chọn lấy những trái cây chín mọng, nõn nà, những cành hoa tươi thắm, rực rỡ. Lần đầu tiên, anh rể nhận ra Muội có bàn tay tháp bút tuyệt đẹp. Những ngón tay trắng muốt, thon dài như hoa ngọc lan làm anh rể chết lặng trên xe. Anh rể chợt nhớ đến một khúc ca trữ tình ca ngợi nét đẹp phụ nữ:
“Mẹ em đẻ em trong buồng,
Ngón tay tháp bút, mặt vuông chữ điền,
Càng nhìn càng thấy thêm duyên,
Càng tươi nhan sắc càng hiền nết na.
Em là con út nhất nhà…”
Anh rể chợt nhận ra Muội đẹp nào đâu chỉ có bàn tay, mà cánh tay, chiếc cổ thon dài như cuống huệ đở lấy gương mặt trái xoan thanh tú, khả ái. Ánh mắt anh rể lướt từ trên đỉnh đầu Muội xuống gót chân rồi dừng lại trên khuôn ngực căng tròn sau làn áo lụa màu tím hoa cà của Muội. Muội ngước lên, bắt gặp đôi mắt anh rể đắm đuối nhìn mình. Ánh mắt làm cô bị đốt cháy. Từ gian hàng hoa quả đến chiếc xe chỉ mấy bước chân mà sao Muội thấy thật khó di chuyển. Muội thần tượng, kính trọng anh rể. Từ sự kính trọng đến sự đốt cháy mình thật mong manh. Muội biết anh rể không nên làm vậy. Mình cũng không nên buông thả cảm xúc như vậy. Nhưng mà Muội…
Muội không cưởng lại được lời đề nghị của anh rể: “Trời chiều nóng bức quá. Có lẽ sắp có mưa giông, hay là chúng ta đến quán giải khát một chút”. Không đợi Muội có đồng ý hay không, anh rể đưa Muội đến một nhà hàng sang trọng, trên đường Catinat. Họ chỉ nói với nhau những câu chuyện thường ngày như ở nhà họ từng trò chuyện, trao đổi, có cả Tỉ dự phần. Nhưng những câu chuyện ấy ngày hôm nay mang sắc thái, dư dị khác. Chiều hôm ấy họ về nhà muộn hơn thường lệ. Chiều hôm ấy cũng là ngày Muội đánh vỡ cái chén quý khi loay hoay nấu “món ăn có sữa” cho Tỉ. Không ai hiểu nguyên nhân vì sao Muội vô ý như vậy. Tỉ là người phóng khoáng, cái chén có quý đến đâu cũng chẳng quý bằng tình tỉ muội. Chuyện nhỏ nhặt, Tỉ chẳng quan tâm. Chỉ có anh rể và Muội thì biết rõ vì sao Muội bất ổn, bối rối…
Mối tình giữa Muội và anh rể như sóng tràn bờ, không gì ngăn nổi. Muội sợ gặp Tỉ, sợ phải đóng kịch, sợ để chị phát hiện ra nỗi lòng đầy giằng xé của mình. Càng gần anh rể, Muội khám phá ra anh rể có những vùng trời trong tâm hồn mà Tỉ không bao giờ với tới được. Anh rể không đơn thuần là một kỷ sư, không đơn thuần là giám đốc điều hành một xưởng cơ khí, mà trong trái tim kia, ngoài chỗ dành cho gia đình, phụ nữ, còn có một hoài bảo to lớn. Anh rể kể sau khi tốt nghiệp bằng kỷ sư cơ khí, anh được một hãng xe hơi nước ngoài mời làm việc nhưng anh đã từ chối để được sống ở Việt Nam. Sở Hỏa xa Đông Dương muốn anh làm việc cho Sở và hứa cho anh “vô dân Tây”, “ăn lương Tây” nhưng anh một mực từ chối. Con người “cơ khí” trông có vẻ khô khan và chính xác ấy chứa đựng một trái tim đầy nhiệt huyết. Anh nói khi học ở bên Pháp, anh căm thù tên gọi “Annamite” đầy miệt thị. “Biết bao giờ người Việt Nam là Việt Nam”. Mắt anh rể buồn rười rượi, đầy ắp tâm tư. Muội biết anh rể còn là một trong những thành viên then chốt trong các hội đoàn nghề nghiệp. Anh mê bóng đá, tham gia vào một câu lạc bộ văn hóa gồm một số trí thức được đào tạo từ Pháp trở về nước và có xu hướng chống lại nền cai trị của người Pháp. Khi Nhật vào Đông Dương, thanh tra chính trị của Pháp ở Nam kỳ rất muốn tranh thủ anh vào bộ máy cai trị của họ. Nhưng anh rể đã từ chối. Anh nói: “Cái anh cần là được sống trong một đất nước độc lập”. Muội sửng sờ nghe anh rể bộc bạch nỗi lòng mình. “Những điều anh rể chất chứa trong lòng, có lẽ chị Tỉ không bao giờ biết”. Muội hiểu trước một tâm hồn giản đơn như Tỉ, anh không dễ dàng thố lộ những áp lực quá lớn trên vai anh. Càng gần Muội, anh rể nhận ra Muội khác hẳn Tỉ. Muội không yên phận trong giấc mơ con của một người đàn bà bình thường. Muội không thích người khác sắp đặt cho mình. Anh rể nhớ lại chuyện hôn nhân với Tỉ. Khi anh tốt nghiệp về nước, hai gia đình đã chọn ngày. Thoạt đầu anh phản đối cha mẹ, thấy không mấy hào hứng chuyện cha mẹ cưới vợ cho mình. Nhưng khi nhận ra Tỉ xinh đẹp, có học thức, anh thấy sự áp đặt này cũng không đến nỗi quá mức chịu đựng. Vậy là đám cưới. Sau hôn nhân, tình vợ chồng có nhiều sợi dây để ràng buộc, nảy nở tình cảm. Tỉ tin chồng tuyệt đối. Niềm tin ấy của Tỉ làm anh rể và Muội không khỏi đau khổ, dằn dặt. Mặc nhiên, Tỉ giao nhiệm vụ cho chồng làm cầu nối giữa hai chị em. Từ nhà đến xưởng cơ khí của anh rể phải ngang qua trường nội trú của Muội. Chuyện anh rể gặp Muội không có gì lạ đối với Tỉ. Nhờ những lần gặp gỡ ấy mà Tỉ biết thêm những thông tin về em gái. Loay hoay với cục cưng, Tỉ không còn thời gian ra ngoài. Thấy em lâu không đến Tỉ nhớ. Nghe em nói đang bận học thi Muội cảm thông, căn dặn: “Mình nhớ nhắn Dì út thi xong về nhà anh chị chơi, thằng cu nhớ dì Muội không ngủ được”. Thằng cu thì đêm đêm ngon giấc, ngủ say sưa trong chăn êm nệm ấm, thấm đẫm hơi ấm, tình thương cha mẹ. Chỉ có anh rể là không ngủ được. Thấy chồng thao thức, Tỉ nghĩ chắc dạo này ở xưỡng cơ khí nhiều việc. Muội càng không ngủ được. Muội rùng mình sợ hãi khi phát hiện ra cơ thể mình có những dấu hiệu như chị Tỉ đã khoe ngày trước. Bầu ngực căng tròn, trắng ngần nhưng núm vú đen thẫm. Màu đen của đầu vú càng làm nổi bật màu trắng đôi tuyết lê. Thôi chết rồi, mình đã mang bầu. Mình rất giống chị Tỉ… Tất cả triệu chứng người đàn bà có mang đều giống, chỉ khác nhau trong hoàn cảnh. Muội nuốt lại nỗi đắng xót. Chị Tỉ khi mang bầu rất vui, kéo Muội vào phòng kiêu hãnh khoe sự thay đổi cơ thể mình. Còn Muội, Muội không dám hé răng điều này với ai. Muội phải giấu kín, Muội bấn loạn…
Đột ngột, Muội xuất hiện trước mặt Tỉ. Anh rể đi làm chưa về. Tỉ rối rít:
- Dì út, sao lâu quá…
Tỉ mở to mắt ngạc nhiên, nhìn Muội. Mới mấy tháng không gặp mà em gái cao lớn, phổng phao hơn trước rất nhiều. Gương mặt Muội xinh đẹp, đầy đặn hơn nhưng cũng già dặn hơn. Đôi mắt Muội không còn vẻ ngây thơ, trong sáng như xưa mà sâu thẳm, thâm quầng, hoang dại. Ngực Muội căng tròn dưới làn áo dài lụa tím… Linh tính đàn bà khiến Tỉ thảng thốt hỏi:
- Muội,việc gì đã xảy ra với em?
Muội quỳ dưới chân Tỉ:
- Chị, em đã…, em xin lỗi chị!
Tỉ chết điếng. “Cái gì, sao Muội lại xin lỗi mình, vì cái gì? Lẽ nào…”. Tỉ như hét lên:
- Cái gì, nói đi!
Thằng bé trong nôi khẽ giật mình vì cường độ âm thanh phát ra từ miệng mẹ khác hẳn lời ru dịu dàng được nghe thường ngày. Muội òa khóc, vì vẻ xinh đẹp của đứa bé hơn là nỗi sợ hãi:
- Chị ơi, em đã có mang.
Mắt Tỉ như nổ đom đóm. Đội nhiên Tỉ cảm thấy sợ. Cô rất muốn biết mà không dám hỏi. Tỉ run run giọng, thật khó khăn mới bật lên tiếng hỏi:
- Với ai?
Muội cúi gằm mặt. Chợt hiện về trong mắt Tỉ ánh mắt trìu mến của chồng nhìn em gái. Những ngày Muội tung tăng sóng bước cùng anh rể đi lo “món ăn có sữa” về nhà muộn. Vẻ mơ màng khó hiểu của chồng. Và gần đây là nỗi đăm chiêu của anh. Từ khi có con trai đầu lòng, Tỉ quá bận bịu, quá mê con, dành tất cả thời gian cho con, Tỉ dường như không mấy hào hứng chuyện chăn gối cùng chồng. Anh ấy cũng bận bịu hơn trước. “Dạo này ở xưởng cơ khí nhiều việc”. Nghe anh giải thích, tỉ càng yêu và tự hào về người chồng tận tụy chuyện gia đình, sự nghiệp. Thì ra, anh ấy còn tận tụy cho công việc đồi bại, loạn luân này. Đất dưới chân Tỉ như nứt vở ra từng mảng. Tỉ lảo đảo, chỉ vào mặt Muội, mắt bắn ra những tia lửa nóng bỏng vì phẩn uất, căm hận:
- Đừng bao giờ, hãy đi đi, tôi không có đứa em… khốn nạn như cô!
Ruột Tỉ như bị cắt ra thành từng đoạn. Tỉ biết từ giây phút này, cô đã mất đi một phần quý giá của đời mình. Tình tỉ nuội vĩnh viễn bị tổn thương, vĩnh viễn đã không còn. Muội đứng lên, lau nước mắt. Trước khi quay lưng bước đi, Muội len lén nhìn đứa bé trong nôi. Tỉ nghe lòng quặn đau. Cô đã từng khuyên Muội thi đíp-lôm xong, lấy chồng, sinh con. “Con của chị sẽ chơi với con của em. Tụi nó có chị có em quấn quýt bên nhau, như chị với em ngày xưa…”. Giờ đây, vĩnh viễn không có phía trước, cũng chẳng còn có ngày xưa. Cho đến chết, Tỉ cũng không quên dáng Muội thất thểu bước ra khỏi ngôi nhà mình năm đó…
Muội bỏ đi biệt tích. Cha mẹ Tỉ vô cùng đau khổ. Họ cho đăng báo, tìm kiếm con gái khắp nơi nhưng biệt vô âm tín. Cho đến khi ông bà lần lượt qua đời, sự mất tích của Muội vẫn còn là một ẩn số. Với sự từng trải nhất định, họ lờ mờ đoán ra điều gì khiến Muội dứt áo ra đi nhưng không ai dám thừa nhận sự thật phũ phàng ấy. Con gái một dòng họ danh giá không thể có chuyện đồi bại, loạn luân. Họ thà sống trong mơ hồ, huyễn hoặc hơn là phải đối mặt với sự thật. Rất may cho ông bà điền chủ, bởi tuổi cao sức yếu, họ phải từ giả cuộc đời này sớm nên chịu đựng nỗi đau ít hơn. Người phải sống trong dày dò đau khổ dài dằng dặc suốt phần đời còn lại là Tỉ. Có nỗi đau nào lớn hơn, khi trải qua bao dâu bể, khi chồng mình đã trở thành một con người tiếng tăm lừng lẫy, vậy mà ông vẫn không quên được hình bóng của Muội. Một hôm tình cờ phu nhân vào thư phòng của tướng quân lau bụi, dọn dẹp. Một bức ảnh trong quyển nhật ký rơi ra. Tỉ nhặt lên xem, choáng váng, rụng rời khi khi nhận ra đó là bức ảnh của “Dì út”. Cho đến khi mái đầu đã bạc trắng, phu nhân mới nhận ra “Dì út” thật sắc nước hương trời. “Hồi đó, sao trong ý nghĩ của mình, Dì út lúc nào cũng là một đứa em bé bỏng, “ngu ơi là ngu”, cần mình chăm sóc, bảo ban. Phải chi mình nhận ra vẻ đẹp chết người của em Muội thì… biết đâu mọi việc đã khác”. Phu nhân cầm bức ảnh trả lại vị trí cũ, ngậm ngùi: “Vậy là mấy mươi năm qua, ông ấy vẫn không quên nổi “Dì út”. Thật đáng thương cho ta, đáng thương cho cả Muội…”. Phu nhân ngồi chết lặng như tượng đá trong phòng, để mặc nước mắt tuôn rơi…
Tôi không còn nhẫn nại được nữa, dù biết rằng câu hỏi mình thốt ra có thể làm tổn thương chủ nhân thảo am Kỳ Mai:
- Sự tích loài hoa hồng tỉ muội vừa buồn, vừa đắng chát. Cả Tỉ lẫn Muội đều thật đáng thương. Nhưng thưa bà, phụ nữ vốn nhẹ dạ cả tin, bị đốn ngã là chuyện thường tình. Trong chuyện này, người gây ra mọi tội lỗi, bi kịch chính là vị tướng quân đáng kính kia. Lẽ nào ông ta không hề bị trả giá…
- Nhẹ dạ, cả tin, bị đốn ngã, trả giá… Cụ bà lẩm bẩm, mắt dài dại buồn. Rồi đột nhiên bà xoay người lại, nhìn xoáy vào tôi, giọng trở nên bình thản lạ thường- Không, Muội của tôi chẳng nhẹ dạ, cả tin chút nào. Nó dám yêu, dám sống và sẵn sàng trả giá. Đó cũng là điều làm tôi âm thầm đau khổ suốt mấy mươi năm qua, khi biết chồng không yêu mình, mà vẫn sống với mình rất tốt, rất chu đáo, rất ân cần nhưng men tình tắt lịm. Ông ấy dã dành trọn cho Muội thứ men ấy. Cô sẽ hỏi vậy tại sao tôi chấp nhận và chịu đựng được? Vì tôi sinh ra trong một thời có quá nhiều trói buộc, cả sự tự trói buộc mình. Tệ hơn nữa là tôi quá yêu chồng, yêu theo cách của tôi. Tạo hóa trao tặng cho mỗi người đàn bà một nét duyên riêng. Thứ duyên mặn mà, tâm hồn nhạy cảm của Muội tôi không có được. Nhưng chắc gì tôi không yêu ông ấy hơn Muội đã yêu. Hơn nữa ông ấy là một người có tài. Tài năng của người đàn ông dễ làm cho đàn bà tha thứ họ. Rồi thời cuộc, Cách mạng tháng Tám làm thay đổi vận mệnh đất nước, huống chi là vận mệnh của từng cuộc đời bé nhỏ. Ông ấy là một trong những trí thức phục vụ đắc lực cho quân đội. Ông ấy chế tạo ra vũ khí, ông ấy lập nhiều chiến công, dùng cả đời còn lại cống hiến cho việc ích quốc lợi dân. Tôi thấy mình bé nhỏ trước ông. Trước những công việc lớn lao ông ấy dấn thân, tôi thấy mình đem chuyện năm xưa ra cằn nhằn, dằn dặt ông chẳng hợp thời chút nào. Nhưng nỗi đau năm ấy như vết thương mãn tính, luôn làm lòng tôi nhức nhối. Năm xưa, tôi là kẻ có quyền để phán xử. Chính vì có được cái quyền ấy mà tôi âm thầm đau khổ, chịu đựng, hối hận dày dò… Sau này, ngẫm lại tôi thấy thương Muội quá. Nó phải vượt cạn một mình, tứ cố vô thân, ở đâu, làm gì, cho tới giờ, tin Muội vẫn biền biệt. Nhớ năm mình sinh con, có người chăm sóc, đở đần chân tay mà còn thấy khổ. Muội côi cút một mình, không biết xoay sở ra sao. Bà cụ thở dài- Cô có biết không, đầu tôi chẳng lúc nào yên. Tôi có lúc như người mộng du, giữa đêm mưa đội áo mưa đi tìm Muội. Tôi sẽ vui mừng biết bao nếu tìm được Muội, cho dù trong hoàn cảnh thật trái khoáy, đau thương. Đi trên đường, cứ nhìn thấy có mụ ăn xin bồng con nào trên vỉa hè là tôi tấp vô nhìn mặt. Riết rồi thành bệnh. Mấy mụ ăn xin đâu hiểu được nỗi lòng tôi, tưởng tôi là mẹ mìn rình bắt con nít, mấy lần đánh bà già này sưng mặt. Tôi giấu người nhà, nói là bị đụng xe. Mấy mươi năm qua, nhiều đêm tôi nằm mơ thấy Muội. Kỳ lạ thay, lúc nào tôi cũng nhìn thấy mẹ con Muội trong cảnh ảm đạm, não lòng… Kìa, mưa giông rồi, mưa lớn lắm, mưa như vầy mẹ con của Muội ở đâu, nhà có bị dột không, mẹ con nó có bị ướt không. Bây đâu, áo mưa của bà đâu, đưa đây, để bà đi tìm Muội!
Cụ bà lật đật bước ra sân. Sợ đường trơn, bà già té gãy xương thì mang họa, tôi chạy ra đứng trước cửa, ngăn lại:
- Bà ơi, bình tâm lại. Bà đang kể chuyện cho cháu nghe mà, chuyện hoa hồng tỉ muội…
Rất khó khăn tôi mới đưa bà trở lại thảo am. Có lẽ tôi hơi mạnh tay nên làm bà đau. Nhờ vậy, cụ bà bừng tỉnh. Bà ngồi thụp xuống ghế, ôm mặt khóc nức nở:
- Phải, tôi mời cô đến đây là để kể chuyện hoa hồng tỉ muội. Muội bỏ đi lâu lắm rồi, lâu lắm, già nửa thế kỷ rồi sao, Muội ơi, em ở đâu, hãy về với chị!
Tôi đứng lặng nhìn bà khóc, tay chân cứng đờ không biết phải làm gì. Chợt Thành xuất hiện trong thảo am, cao lớn, lùng lững. Dường như đã quá quen với trạng thái thần kinh bị kích động của mẹ, anh nói:
- Bà khóc được là ổn rồi, rất cám ơn cô.
Thấy cảnh cụ bà được người nhà túc trực săn sóc, tôi biết mình không còn việc gì để tồn tại nơi đây, từ biệt chủ nhân ra về. Tôi men theo bờ tường trồng đầy những khóm hoa hồng tỉ muội, lòng bâng khuâng, ngẫm ngợi. Mới trải qua có một trận cuồng phong mà những bông hoa đã tàn tạ, tả tơi.
Một tuần sau, tôi nhận được tin buồn của bà trên báo…
Sài Gòn tháng 6.2003