( Trích trong tập Sách trên đảo nguyệt quế)
( Khi con người ngồi trên đập chắn nước, thả đôi chân đung đưa, và ngắm cá bơi lội)
Những điều sau đây phân biệt trật tự sống của người phương Bắc và phương Nam: ở phương Bắc kẻ buông những lời đề nghị, khởi xướng sẽ bị thua thiệt.- nhưng ở phương Nam kẻ bị mất là kẻ khư khư chiếm hữu những lời khởi xướng, những đề nghị và không tự buông thả mình ra.
Sự khác biệt này là bản chất.
Ở phương Bắc, con người phải nắm chặt lấy những đề nghị của mình bởi vậy trung tâm của mọi sự vật: cái TÔI.
Ở phương Nam cần phải từ bỏ mọi khởi xướng, bởi vậy trọng tâm của sự vật: là Thượng đế.
Người nào muốn đi về phương Nam, hãy nghĩ cho kỹ, cần từ bỏ sự hoạt động, và thả lỏng bản thân mình ra.
Đối với dân chính gốc phương Bắc thật khó. Khó vì cái mạnh nhất trong con người họ lại cần buông xả. Nhiều người không chịu được. Họ phát ốm vì sự thay đổi trạng thái này. Căn bệnh này có tên: sự buồn chán.
Con người tinh thần đặc biệt nhậy cảm với sự biến đổi trạng thái. Chính vì vậy, khi anh định đến phương Nam, hãy đào một cái hố bên cạnh những tảng đá, và đặt cái TÔI vào đấy.
Nếu anh sợ người ta ăn cắp mất, hãy cắm một danh thiếp bên cạnh, hoặc gói nó vào giấy, đánh dấu bằng chữ cái đầu tiên, rồi lấy đá đè lên. Khi quay trở về, anh lại lấy ra và đặt nó vào vị trí của nó.
Trong quá trình thực hiện nghi lễ, anh sẽ thấy, thiếu cái TÔI vẫn hoàn toàn có thể sống được.
Kinh nghiệm đầu tiên con người thu được là TÔI biến mất. Có bầu trời màu xanh biếc, nắng chan hòa, ấm áp, gió thổi hiu hiu, có nước vị mặn, có tàu thủy, tiếng động rầm rì.
Sự đơn giản hóa nhiều sự vật này chứng minh hiện hữu của thượng đế. Không có việc gì dành cho con người hết. Điều quan trọng nhất là có con người, và thượng đế làm thay nó. Con người không làm gì hết.
Và bởi vì con người không làm gì hết, nên nó không mệt. Và bởi thế, ở phương Nam con người ngủ mới ngon giấc làm sao.
Một kinh nghiệm khác, hãy thử bắt đầu không cần vội vã. Chẳng có gì đáng vội vã. Càng chậm và càng ít.
Người phương Nam sống như thể lúc nào cũng đang nghỉ phép. Người ta nhận ra, không tồn tại một cái TÔI luôn thúc dục, giục giã. Họ yên lòng, và từ phút ấy trở đi, họ nhàn rỗi.
Kinh nghiệm thứ ba quan trọng nhất. Không cần phải Suy nghĩ. Nếu mọi giá cần, có thể. Nhưng không bắt buộc và hoàn toàn thừa thãi. Tôi suy nghĩ nên tôi tồn tại? Điều này người phương Bắc nghĩ ra.
Nói chung không đúng vậy. Tôi không suy nghĩ, tôi vẫn hoàn toàn tồn tại dễ chịu. Thậm chí không có tôi luôn.
Có thượng đế và tôi chỉ rong chơi. Thậm chí, không phải tôi, mà là một người nào đấy, thư thái hơn, tỉnh táo hơn, bình yên hơn một cái TÔI, một người nào đấy lơ lửng trên thế gian một cách tự do và yên bình.
Thay vì suy nghĩ, ở phương Nam, các sự vật hiện ra trong óc con người. Hiện ra thế thôi, không một cách cưỡng ép, thậm chí, càng ít sự cưỡng ép càng tốt. Giống như bây giờ sự vật đang hiện ra trong óc tôi.
Ta đặt giả thuyết, hai dân tộc đánh lẫn nhau trong một cuộc chiến tranh. Điều này không hiếm, có thể lôi ra ngay vài ví dụ. Những kẻ điên rồ xông vào nhau, giết lẫn nhau chất xác chết thành đống.
Điều họ đạt được, là kẻ kia bao giờ cũng điên tiết hơn, và nếu thua, họ thề trả thù. Họ tích lũy sức lực, vài năm sau lại một lần nữa xông vào kẻ nọ, và có thể họ thắng. Thế là mọi việc lại bắt đầu lại từ đầu.
Nếu chẳng may tôi vướng phải cuộc chiến với một ai đấy, có lẽ việc đầu tiên của tôi: ngay lập tức, kể cả với những điều kiện nhục nhã nhất, không chần chừ tôi sẽ ký kết hòa bình.
Tôi sẽ hứa, ba mươi năm ròng rã tôi sẽ là nô lệ cho dân tộc của kẻ kia. Tôi sẽ phục vụ cho quyền lợi của kẻ đó bằng toàn bộ sức lực.
Tôi sẽ chuyên chở trên những con đường sắt của tôi cho họ những thứ tôi trồng được từ đất, bằng những tàu thủy của mình tôi chở của cải của họ đi đến những miền xa hơn. Nhiều loại gia vị, đồ ngọt, lụa là, vàng bạc ngọc quý, tất cả, tôi sẽ cho họ.
Đến cái áo khoác có tên gọi dân tộc tôi cũng cởi ra và cho họ nốt. Tôi sẽ trở nên hết nhân từ. Thế là tôi sẽ thu tóm được của cải của toàn bộ thế gian, để họ không làm được gì khác ngoài việc ngồi xoa tay xuýt xoa. Tôi sẽ vỗ béo họ, nhồi tọng cho họ, không ngớt lời ca ngợi họ. Tôi rải dưới chân họ hoa thơm quả lạ, cá thịt, lúa gạo, cafe, bông vải, tất cả những gì có trên thế gian.
Một chống lại một trăm, một dân tộc không thể chịu đựng được quá ba mươi năm. Họ sẽ béo quay, lười biếng, ngu muội, đờ đẫn đến mức không thể nào khởi tiến quân đội chống lại kẻ thù nữa. Nếu thuyết phục họ bằng vũ khí, tôi sẽ nhấn mạnh tới điều này vì như vậy bản năng hài lòng của họ sẽ tăng lên. Từ trước tới nay các quốc gia đều chết ngập chết lụt trong các phúc lợi được hưởng.
Đấy, tôi nghĩ như thế đấy. Tôi không biết, mình nghĩ thế đúng hay sai, tôi thậm chí không buồn để ý cả tới điều này./.
Nguyễn Hồng Nhung dịch từ bản tiếng Hung
( 2011.01.15)