Khi các nhà xuất bản in một phiên bản mới tác phẩm kinh điển của Mark Twain “'The Adventures of Huckleberry Finn” không có vết nhơ phân biệt chủng tộc, TIME nhìn lướt qua những cuốn khác đã từng bị cắt xén.
Sau đây là những câu chuyện về 10 cuốn sách hàng đầu bị kiểm duyệt, VCV sẽ lần lượt đăng giới thiệu cùng bạn đọc.
8. Năm 1984
George Orwell
Nhờ vừa châm biếm vừa thích hợp, “1984” lọt vào danh mục những cuốn sách thách đố chung biết rằng sự cảnh báo lạnh lùng của nó đối với kiểm duyệt toàn trị. Được viết năm 1949 bởi tác giả người Anh trong khi ông đang hấp hối vì bệnh lao, cuốn sách ghi chép tương lai khắc nghiệt của một xã hội bị cướp mất tự do ý chí, quyền tư hữu và sự thật. Một số nhà điểm sách gọi nó là cuộc tấn công giấu mặt chống Joseph Stalin và những cuộc “thanh trừng lúc nửa đêm” khét tiếng của nhà cầm quyền Xô viết, mặc dầu, thật kỳ cục là các bậc phụ huynh ở quận Jackson, bang Florida, đã phản đối cuốn sách vì nó “thân cộng.” Cuốn sách đã đẻ ra những thuật ngữ như Big Brother (“Anh Lớn”) hay Orwellian (theo kiểu Orwell) và tiếp tục xuất hiện trong văn hóa đại chúng - gần đây nhất như cảm hứng cho một tiết mục hài chính trị được mến mộ trên YouTube. Năm 1984 có thể đã qua, nhưng những thông điệp của cuốn sách thì mãi còn thích đáng.
Bài điểm sách năm 1949
Nơi cầu vồng kết thúc
TIME, Monday, Jun. 20, 1949, NINETEEN EIGHTY-FOUR (314 pp.)—George Orwell—Harcourt, Brace ($3).
http://www.time.com/time/magazine/
article/0,9171,800425-1,00.html
Ở nước Anh năm 1984 công nguyên, không ai có thể nghi ngờ rằng Winston và Julia có thể crimethink - suy nghĩ tội lỗi (những ý nghĩ nguy hiểm) hay mong muốn bí mật về ownlife - đời riêng (chủ nghĩa cá nhân). Dù sao thì Winston Smith, đảng viên, là một trong những kẻ giả mạo đáng tin cậy nhất của Bộ Sự thật, bản thân anh luôn luôn gắn cả trái tim và linh hồn vào việc chế ra các số liệu thống kê giả của chính phủ. Và đảng viên Julia thì hướng ngoại tư tưởng tốt (chính thống bản năng) đến nỗi, sau tuổi thanh nữ rực rỡ ở Cục Gián điệp, cô trở thành đoàn viên tích cực của Đoàn Thanh niên Chống Tình dục và bị chộp bởi tiểu ban Khiêu dâm, một tiểu ban thuộc Cục Hư cấu của chính phủ, có nhiệm vụ nghiền các sách báo khiêu dâm tạo-sướng cho quần chúng. Tóm lại tờ báo London Times tàn nhẫn và xám xịt đã không thể nhắc đến Winston và Julia khi nó khịt mũi khinh bỉ "Old-thinkers unbellyfeel Ingsoc," nghĩa là, “Những kẻ nào mà tư tưởng hình thành trước cách mạng thì không thể có hiểu biết đầy xúc cảm về những nguyên tắc của Chủ nghĩa Xã hội Anh.”
Winston và Julia đã nổi loạn, đã yêu và trả giá, chịu trừng phạt trong cái thế giới khủng khiếp của ngày mai như thế nào là sợi chỉ trên đó nhà văn Anh George Orwell đã xe nên tác phẩm hư cấu cuối cùng và hay nhất của ông. Trong Trại Súc vật (TIME, 4 tháng 2,1946) Orwell đã chế nhạo hệ thống cộng sản bằng những thuật ngữ trào phúng gà vịt; nhưng trong “1984” (cùng với Đằng sau bức Màn của John Gunther - xem dưới đây - là cuốn Sách của Tháng do Câu lạc bộ chọn cho Tháng Bẩy); không có nụ cười nào hay một lời chế nhạo nào mà không kèm thêm nỗi cay đắng vào cái nhìn thất vọng cùng cực của Orwell về điều có thể đến với thế giới trong 35 năm nữa.
Tuyệt đối siêu việt. Trong “năm 1984” của Orwell, nước Anh không còn là nước Anh nữa, nó chỉ còn là một bộ phận của siêu-nhà nước Oceania (Các hòn đảo của Anh và các đảo Đại Tây Dương, Bắc và Nam Mỹ, Nam Phi châu, Úc). Từ 1960 trở đi Oceania chiến tranh liên miên, đôi khi là đồng minh và đôi khi là kẻ thù, với Eurasia và Eastasia, những cường quốc khác còn lại. Cả ba siêu nhà nước nguyên khối này có bom nguyên tử, không nước nào đã từng dùng nó vì những cuộc chiến tranh liên tiếp, lãng phí và không dứt khoát đã trở thành thiết yếu về mặt kinh tế - “để tận dụng các sản phẩm của máy móc mà không nâng cao mức sống chung.”
Về mặt tư tưởng hệ, Oceania, Eastasia và Eurasia không có tranh cãi; chúng giống nhau như ba chiếc dùi cui. Nhưng chiến tranh đã trở thành cách đơn giản nhất để thuyết phục quần chúng rằng đất nước họ và đời sống của họ đang trong tình trạng khẩn cấp, chỉ có thể được đáp ứng nếu tất cả mọi tư tưởng, cũng như mọi chính phủ là đối tượng của một nền chuyên chính tuyệt đối. Bởi vậy ba khẩu hiệu lớn mà các công dân khốn khổ của Oceania đọc và nghe mỗi giờ trong cuộc đời họ là:
CHIẾN TRANH là HÒA BÌNH
TỰ DO LÀ NÔ LỆ
NGU DỐT LÀ SỨC MẠNH
Tình yêu Anh Lớn. Phần lớn những cuộc chiến tranh bắn giết trong “năm 1984” được tiến hành bởi các chuyên gia trong những vùng biên giới xa xôi của các siêu-nhànước hay xung quanh các Pháo đài nổi bảo vệ những vị trí chiến lược trên các giải biển. Tuy nhiên, đời sống ở London thì đồi bại không sao tả xiết - một kết hợp giữa sự khổ hạnh siêu-Crippsian và chủ nghĩa khủng bố Dachau. Yêu nhau là có tội, tất cả mọi đam mê phải dùng vào nhiệt tình dân tộc chủ nghĩa, và lòng căm thù hoang dại đối với “Emmanuel Goldsteinz,” lãnh tụ giống Trotzky của tổ chức chính trị ngầm phản đảng. Tất cả mọi ngưỡng mộ phải dành cho “Anh Lớn,” nhà độc tài Stalinesque mà chưa ai được biết mặt, nhưng bộ mặt “tóc đen, ria mép đen” của ông ta chứa chất “quyền lực và im lặng bí hiểm,” từ trên các bức tường nhìn trừng trừng xuống các đường phố và các phòng khách. Công dân lý tưởng của Oceania là Đồng chí Ogilvy:
“Ở tuổi lên ba Đồng chí Ogilvy đã từ chối tất cả các đồ chơi chỉ trừ một cái trống, một khẩu súng máy và một mô hình máy bay trực thăng. Lên sáu - sớm hơn một năm do sự nới lỏng các quy tắc - đồng chí gia nhập cục Gián điệp, lên chín đồng chí đã là một lãnh đạo phân đội. Mười một tuổi đồng chí đã tố cáo chú của đồng chí với Cảnh sát Tư tưởng sau khi nghe lén được một cuộc nói chuyện hóa ra ông chú có những khuynh hướng phạm tội… 19 tuổi đồng chí thiết kế một loại lựu đạn, đã được Bộ Hòa bình duyệt, và trong lần thử đầu tiên đã giết được 31 tên tù Eurasian trong một lần nổ. Năm 23 tuổi đồng chí đã hy sinh vì nhiệm vụ. ..Đồng chí là người tuyệt đối không uống rượu và không hút thuốc, không vui chơi trừ mỗi ngày một giờ rèn luyện thân thể và đã thề sống độc thân… Đồng chí không có đề tài nào để trò chuyện ngoài các nguyên tắc Ingsoc (chủ nghĩa xã hội Anh) và trong cuộc đời không có mục đích nào khác ngoài đánh bại kẻ thù Eurasian và săn lùng bọn gián điệp, bọn phá hoại, bọn tội phạm tư tưởng, và bọn phản bội nói chung.”
Ở Oceania các “prole” (vô sản) óc gia súc, được cho ăn tồi tệ, kéo lê cái gọi là một cuộc sống tự nhiên - trong những khu ổ chuột gớm guốc. Phần còn lại của dân cư bao gồm hàng triệu đảng viên khốn khổ, sống một cuộc sống-trong-cái-chết dưới con mắt nhìn-thấy-tất của Bộ Tình yêu, những màn hình TV của nó (nghe và nhìn mọi cử chỉ và tiếng động, và quát ra những mệnh lệnh cộc cằn) được gắn ở mọi căn buồng. Mỗi ngày ảm đạm trôi qua lại thấy biến mất một đồng nghiệp hay một người bà con vào trong những xàlim-chết của Bộ này. Không ai viết thư; không được phép ghi lại chân thực quá khứ, không có trí nhớ nào là an toàn dưới cái liếc nhìn lão luyện của Cảnh sát Tư tưởng. Chậm chạp nhưng chắc chắn, thứ tiếng Anh cũ, với kho tàng những tư tưởng nguy hiểm và những cách biểu đạt tai hại của nó, bị nghiền bẹt dí và bị biến thành “Tânngôn” (Newspeak), một thứ tiếng không ngữ điệu và không có những ý nghĩ tội lỗi (crimethink-less)
Đảng ta. Nó là Anh. Kẻ lạc loài về tư tưởng Winston Smith không chỉ phạm tội lạc thú tình dục với Julia, anh ta còn lôi kéo cô cùng với anh ta vào những hoạt động ngầm - nhưng rồi thấy rằng nó đang được điều hành bởi các ông chủ Oceania, nó chính là một cái bẫy cho những kẻ có-thể-nổi-loạn. Trong các phòng tra tấn của Bộ Tình yêu anh ta đã phát hiện ra tín điều toàn trị đã trở nên tinh túy như thế nào từ những ngày đầu tiên của Hitler và Stalin. Các lãnh đạo đảng không còn giả vờ là họ cướp chính quyền vì những lý do ý thức hệ và trong niềm hy vọng tạo ta một thế giới tốt đẹp hơn. Bây giờ nói trắng ra quyền lực là mục đích tự thân. “Thượng đế là quyền lực,” nhân viên tra tấn mỉm một nụ cười thầy tu, giải thích. Như vậy, để làm người giống Chúa, con người của năm 1984 phải có sức mạnh như vậy đối với bản thân về khả năng không gì khác hơn là “quy phục tuyệt đối” với vị “Anh Lớn” vô hình. Bằng cách thực hành nghệ thuật nghĩ nước đôi của tânngôn, hắn phải học để tin từ trong thâm tâm của hắn rằng ngay cả “các vì sao cũng có thể gần hay xa, tùy theo chúng ta [đảng] cần chúng.” Chỉ khi đó hắn mới có thể trở thành “bất tử”- nhân dạng của hắn mất hút trong sự thống nhất không-chết của đảng.
Phần lớn các tiểu thuyết về thế giới tưởng tượng (như Gulliver phiêu lưu ký, Erewhon) đều có nhân vật trung tâm, hay người dẫn chuyện, một người cách nào đó thoát ra ngoài thời đại của tác giả và tìm thấy bản thân trong một thế giới mà ông chưa bao giờ làm ra. Nhưng Orwell, giống như Aldous Huxley trong Thế giới Mới Tươi đẹp, xây ác mộng về ngày mai của ông trên những nền tảng vững chắc của hôm nay. Ông không cần một người phát ngôn đương thời để giải thích và nói rõ - vì lý do đơn giản là bất kỳ bạn đọc nào năm 1949 dù không dễ dàng thấy những đặc tính đã bị hủy hoại của bản thân mình trong Winston Smith, vẫn có thể ngửi thấy trong cái thế giới của năm 1984 một mùi hôi thối đã quen thuộc.
Bài liên quan: Không Tưởng và Phản-Không tưởng trong Văn Học
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=12166&LOAIID=33&LOAIFID=1&TGID=1303