Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
938
123.366.840
 
Bạn Xa Xứ
Nguyễn Thị Hậu

Internet mang lại cho con người những trải nghiệm thú vị về một thế giới mênh mông mà cũng vô cùng nhỏ bé. Thế giới rộng lớn qua các địa danh nhưng lại nhỏ xíu khi chỉ một cái clich là có thể đến bất cứ  nơi nào mình muốn. Dù ở nơi đâu trên trái đất người ta cũng dễ dàng quen biết nhau, có thể cả đời chẳng gặp mặt mà vẫn trở thành bạn bè.

 

Tôi đã quen nhiều người bạn như thế. Dù gặp gỡ đổi trao thân thiết hàng ngày trên mạng nhưng khi có cơ hội thì chúng tôi vẫn cố gắng tìm gặp nhau, và thật may mắn vì những cuộc gặp gỡ ấy chưa bao giờ làm chúng tôi thất vọng.

 

Vào những ngày cuối thu năm 2010 tôi có chuyến công tác dài ngày ở Cộng hòa liên bang Đức. Trước khi đi tôi đã nhận được từ nhiều bạn bloggers lời “rủ rê” đến chơi nơi này nơi khác. Nhưng rồi lịch làm việc kín mít nên tôi chỉ có thể gặp được vài người.  

 

Ngay buổi chiều đầu tiên tôi đến Berlin, một người chị mà tôi cũng chỉ quen trên mạng, đã đến đón và đưa tôi đi đến một nơi khá đặc biệt: Khu tưởng niệm Hồng quân Liên xô trong thế chiến II, một nơi rất ít khi có khách Việt Nam đến tham quan. Chị bảo đây là một trong những nơi đẹp nhất Berlin. Quả nhiên như vậy, khi đứng trước tượng đài Người mẹ và các chiến sĩ Hồng quân, tôi hiểu chị cũng như chúng tôi, ký ức của một thời chiến tranh một thời gian khó không dễ gì trôi qua dù hòan cảnh đã có nhiều đổi thay. Sống ở Berlin gần 20 năm mà chị vẫn giữ phong cách Hà Nội thuần khiết, chu đáo, nhiệt tình, giọng nói nhẹ nhàng. Những ngày sau đó dù công vịêc rất bận rộn mà chị vẫn tranh thủ buổi chiều sau giờ làm việc đưa tôi đi nơi này nơi kia. Đường đông đúc mà chị vừa lái xe rất “lụa” vừa nói chuyện với tôi. Anh chị thường xuyên lên mạng xem tin tức ở nhà, rồi trao đổi với các con để chúng gần gũi với quê hương hơn. Hai con của  anh chị học rất giỏi, và nói tiếng Việt cũng rất hay dù chúng được sinh ra trên đất Đức. Có hôm hai chị em về đến nhà đã thấy cháu trai nấu xong nồi cơm, đang sửa sọan thức ăn. Tôi hỏi cháu có thích ăn thức ăn Việt Nam không, cháu nói rất thích vì mẹ cháu nấu rất ngon. Chị bảo, cả ngày cháu ở trường ăn đồ ăn Tây, nói tiếng Đức tiếng Anh nên về nhà nấu cơm Việt để trong bữa ăn nói tiếng Việt nhiều hơn. Học ngôn ngữ qua đường… dạ dày là nhanh nhất, phải không, chị cười hóm hỉnh.

 

Cũng qua một người bạn trên mạng mà tôi được đến thăm một lớp học đặc biệt ở Berlin: Lớp dạy nhạc dân tộc của anh Hùng và chị Hoa, cũng là người Hà Nội. Đến thăm anh chị vào một buổi chiều muộn, bước vào gian phòng nhỏ tôi đã nhìn thấy hàng chục lọai nhạc cụ Việt Nam: đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc, trống phách… Trong lớp có 4,5 cháu gái đủ lứa tuổi đang chăm chú hòa tấu bản nhạc Trống cơm, Bắc Kim thang… Hỏi thăm, có cháu nói tiếng Việt không sõi nhưng sử dụng nhạc cụ thành thạo, say mê đánh đàn. Chị Hoa vốn là nghệ sĩ múa, anh chị qua đây làm ăn cũng lâu rồi, khi công việc đã ổn định anh chị nhận thấy nhiều người trong cộng đồng người Việt ở Berlin muốn con em mình phải biết về văn hóa dân tộc, vậy là anh chị mở lớp dạy nhạc này vừa để đỡ “nhớ nghề” như chị bảo, vừa tạo sự thích thú cho các em. Không ngờ lớp học duy trì đã được mấy năm, các em theo học hầu như suốt ngày, chia làm nhiều lớp. Giờ thì lớp học của anh chị rất nổi tiếng, ngòai con em người Việt còn có cả các em nhỏ người Đức nữa. Âm nhạc luôn là “sứ giả’ của các dân tộc, anh chị đã góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè, đồng thời cũng góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của người Việt Nam ở nơi đất khách.

 

Một lần tôi nhận được một cuộc điện thọai, chị ơi em là P. đây, anh C. nói chị qua đây và cho em số điện thọai của chị. Chị ơi chị rảnh hôm nào em đón chị về chơi với em và cháu? Ôi cô em dễ thương và cậu con trai ở cách Berlin gần 500km, làm sao mà tôi đến thăm em được? Xa thế mà em vẫn thu xếp công việc để gặp nhau. Sáng sớm đi tàu đến Berlin để rồi xế chiều quay về ngay. Hai chị em chỉ ngồi với nhau có vài tiếng, tôi hỏi thăm công việc của em, cuộc sống của hai mẹ con, biết em vẫn ổn mà cũng biết em vất vả thế nào để sinh sống nơi đây mà không có một người đàn ông làm trụ cột trong gia đình! Em bảo: gia đình muốn em quay về Việt Nam, em cũng nhớ nhà, thương bố mẹ lắm… nhưng giờ về thì làm sao em kiếm được được việc làm để nuôi mình, nuôi con? Bên này làm công nhân vất vả lắm nhưng dù sao đã ổn định, hai mẹ con em có một mái nhà đơn sơ nhưng ấm cúng. Con trai đang tuổi lớn, không biết có thích nghi được với trường lớp với cuộc sống ở nhà không? Tôi bảo: thôi hai mẹ con cứ ở bên này cho con trai có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Khi cháu có nghề rồi muốn về cũng không muộn. Vả lại bây giờ thế giới như cái “làng tòan cầu”, ở đâu cũng vậy nếu lòng mình luôn nhớ về quê cha đất tổ. Ở đâu cũng được miễn là mình sống lương thiện và tử tế, không có gì phải xấu hổ với cha mẹ là được. Em đừng băn khoăn.

 

Tiễn em lên tàu tôi không khỏi ngậm ngùi, khi nhìn dáng em nhỏ bé với mái tóc dài em cố giữ qua bao năm dài như giữ gìn những ký ức quê nhà. Cầu mong hai mẹ con em luôn được bình yên…

Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần tôi cùng cô bạn đang học thạc sĩ ở Hà Lan qua Paris thăm một người bạn vong niên ở đó. Anh chị T. là sinh viên ở Paris từ thập niên 60, giờ đã là hai “ông bà già” nhưng vẫn còn khỏe mạnh trẻ trung. Anh chị đón chúng tôi ở ga xe lửa, rồi chỉ trong vài giờ ở Paris anh chị đã kịp đưa chúng tôi đến Nhà thờ Đức bà, lên đồi Monmartre, uống cà phê vỉa hè, và gặp gỡ một số anh chị Việt kiều trong một quán ăn Việt Nam. Cũng tòan là bạn bè chỉ biết nhau trên mạng nhưng khi gặp gỡ sao thấy thân thiết lạ lùng! Xa xứ đã gần nửa thế kỷ, trải qua bao biến cố dù hòan cảnh riêng thế nào mà các anh chị vẫn  đau đáu nỗi nhớ thương quê hương. Là những người trí thức các anh chị còn quan tâm sát sao tình hình trong nước, tự hào với mỗi thành công của đất nước bao nhiêu thì cũng đau lòng, phẫn nộ vì những tệ nạn trong đời sống bấy nhiêu… Sự quan tâm thực sự chẳng khác gì các anh chị đang sống trong nước, như mọi người, chứ không phải như người ngòai cuộc từ một thế giới khác để “phán xét”, chê bai, đả kích. Không phô trương “lòng yêu nước”, cũng chẳng khoe khoang sự thành đạt của mình nhưng những người Việt như các anh chị, dù có ở đâu trên thế giới này cũng luôn hữu ích cho quê hương. Tôi hiểu, điều quan trọng không phải là các anh chị muốn được hưởng vật chất gì cho cá nhân mà là có những điều kiện nào để các anh chị và đồng nghiệp trong nước có thể làm hết khả năng của mình cho đất nước.

 

Ở những nước tôi qua, trong các ga metro, ga đường sắt tôi hay gặp những quầy bán hoa của người Việt. Những loài hoa tươi tắn trong cái se lạnh mùa thu: hoa cúc, hoa hồng, layơn, hoa ly, mimoda, thạch thảo… Những chậu hoa lớn nhỏ sẽ theo người về trang trí từng ngôi nhà, những bó hoa xinh xắn sẽ được trao tặng cho các cô gái những người phụ nữ. Đôi bàn tay khéo léo của người bán làm tăng thêm vẻ đẹp của những bông hoa. Cần mẫn kiếm sống và góp phần làm đẹp cho cuộc sống, tôi chợt nghĩ rằng có lẽ từ công việc này con người sẽ yêu quý thiên nhiên, yêu quý cái đẹp hơn chứ không chỉ coi đây là một việc để kiếm tiền, dù trên gương mặt họ vẫn nhiều ưu tư. Tôi bỗng nghĩ những người bạn xa xứ của tôi cũng là những bông hoa bình dị nhưng rất đáng yêu. Họ tô điểm thêm vẻ đẹp cho đất nước nơi họ sinh sống và tỏa hương thơm của quê hương lan xa.

 

Chia tay bạn bè, chúng tôi đều hẹn sẽ gặp lại nhau, hàng ngày, trên internet. Để chia sẻ với nhau những khó khăn những nỗi buồn, để góp từng niềm vui mang lại cho mọi người chút bình yên khi cuộc sống còn quá nhiều bề bộn và đầy bất trắc…/.

 

Nguyễn Thị Hậu
Số lần đọc: 2597
Ngày đăng: 22.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mẹ ngồi vá áo thềm xưa - Huỳnh Thúy Kiều
Ghi Chép Buổi Sáng - Hamvas Béla
Hớt tóc ngày tất niên - Huỳnh Như Phương
Những ngày ở Vĩnh Điện - Trần Trung Đạo
Nắng vàng trong rừng khô - Trương Vũ
Trên Mạng Người Ta Có Cô Đơn…? - Nguyễn Thị Hậu
Nụ Tháng Chạp - Trần Quang Phong
Thư từ Miền Nam, - Đặng Kim Côn
Một Thời Chưa Xa - Nguyễn Thị Hậu
thôi nôi - Du Tử Lê
Cùng một tác giả
Những mảnh vỡ (26) (truyện ngắn)
Café một mình (tạp văn)
Những mảnh vỡ… (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (2) (truyện ngắn)
Truyện rất ngắn (3) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (4) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (5) (truyện ngắn)
Sông gốm (tạp văn)
Những mảnh vỡ (6) (truyện ngắn)
Happy end (tạp văn)
Những mảnh vỡ (7) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (8) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ 9 (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (10) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (31) (truyện ngắn)
Say bờ (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (11) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (12) (truyện ngắn)
Nhà thờ (tạp văn)
Những mảnh vỡ (13) (truyện ngắn)
Nắng lạnh (tạp văn)
Chùa trong phố (tạp văn)
(tạp văn)
Những mảnh vỡ (14) (truyện ngắn)
Sân bay (tạp văn)
Tháng tư về (tạp văn)
Những mảnh vở (15) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (16) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (17) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (18) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (19) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (21) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (20) (truyện ngắn)
Mùa Thu Berlin (tạp văn)
Cà Phê Mùa Thu (tạp văn)
Mùa Thu Xanh (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (22) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (23) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (24) (truyện ngắn)
Cao Nguyên (tạp văn)
Những mảnh vỡ (25) (truyện ngắn)
Bạn Xa Xứ (tạp văn)
Vùng Biên (tạp văn)
Sơ Tán (tạp văn)
Những mảnh vỡ (27) (truyện ngắn)