Hồi tôi còn học trường làng, trước khi chuẩn bị nấu cơm, mẹ thường sai anh tôi đi thăm lưới, thăm câu để xem có cá không; còn tôi thì hái rau nấu canh hoặc để ăn sống. Nông thôn ngày xưa mà, có gì dùng nấy, không bán chác như bây giờ. Còn chuyện ăn thịt heo thì… đến Tết mới có, họa hoằn lắm là đám tiệc mới được dịp thưởng thức. Đơn điệu như thế đó nhưng thăm thẳm trong lòng tôi vẫn dồi dào tình cảm và chan chứa ân sâu. Chứ không phải “ kinh tế” như hôm nay đâu, có người đem mấy lọn rau lang, rau cần nước, rau húng, dăm con cá, thậm chí bắt cá cả lòng ròng ( cá lóc con khi vừa mới sinh ) đem ra chợ bán. Đúng là thời buổi kinh tế thị trường có khác.
Nói như thế để thấy cơ chế của thời kỳ đổi mới đã tác động mạnh mẽ như thế nào đến đời sống của bà con quê mình. Vừa mừng, vừa lo. Chỉ hy vọng là dù có thay đổi đến đâu thì cũng nên cố gắng gìn giữ nếp văn hóa xưa vậy.
Quay lại cái chuyện hái rau. Thời điểm không khí se lạnh là lúc rau đắng đất bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên là ở mép đất non quanh các ao, hồ gần nhà. Đến khi thu hoạch lúa xong là chúng đã mọc dày ở các rãnh thoát nước khai thông cho dòng chảy trên mặt ruộng. Nhớ “ Còn thương rau đắng mọc sau hè” của nhạc sĩ Bắc Sơn hết biết!
Rau đắng có hai loại. Rau đắng biển và rau đắng đất. Loại mọc quanh năm suốt tháng dưới ao xem xép nước hay trên rìa mương lầy lội bùn đất là rau đắng biển. Cũng giống như các loại rau đồng khác, rau đắng biển ở chợ vẫn có bán hàng ngày và không đắt giá, dễ ăn, tính lành, ta có thể luộc, xào hay nấu canh đều được. Nhưng cũng không nên ăn nhiều vì dễ đau bụng lắm đó! Còn rau đắng đất chỉ mọc vào mùa khô và hay ăn kèm với món cá lóc nấu cháo tống. Ngon tuyệt! Đã nói như thế này rồi thì cũng phải dông dài một chút cho bạn tận tường cái mùi cháo đặc trưng Nam bộ. Tháng này, các ao đìa đã có cá lóc bự rồi. Nếu chúng ta ở thành thị thì phải mua tất, cả cá, cả rau.
Sau khi cá lóc được đánh vảy, cạo nhớt sạch sẽ thì khứa đầu cá để riêng, phần còn lại cắt nhỏ ra, ướp gia vị gồm tiêu, đường, bột ngọt, nước mắm ngon, gốc hành băm nhuyễn và một muỗng mỡ nước, nhớ dùng đũa trộn đều lên cho thật thấm nhé. Vo một ít gạo nấu cháo, khi hạt gạo nở ra, ta cho đầu cá vào, tiếp tục nấu cho đến khi đầu cá chín, xắt vài lát gừng thành sợi bỏ vào để ăn cho ấm bụng. Tùy khẩu vị của từng người mà nêm nếm cho vừa ăn là được. Bây giờ cái bếp ga mini đã trở nên phổ biến rồi. Thử tưởng tượng xem, năm bảy người bạn quây quần bên nhau để thưởng thức món cháo tống ăn kèm với rau đắng đất, ăn đến đâu, bỏ cá đã cắt nhỏ lên nồi cháo đang sôi sùng sục đến đó, chú ý: cá vừa chín tới là ngon nhất ( bỏ một ít rau đắng đất vào chén trước khi múc cháo lên ).Húp cháo nhễ nhại mồ hôi, lâu lâu đánh “chóc” ly rượu đế quê hương rồi “khà” lên một tiếng, ngon hết biết! Riêng bộ lòng cá thì người có uy tín nhất trong bữa rượu mới được dùng, nếu không, có đổi 5 ly rượu đế chưa chắc đã được sở hữu. Dân dã là thế!
Một chiều cuối tuần nào đó, trong tiết trời se lạnh, rủ bạn bè nâng cốc bên nồi cháo tống ăn kèm rau đắng đất để mà thương, mà nhớ. Ăn nhưng vẫn còn nghe văng vẳng bên tai những câu hát chạnh lòng:
“ Nắng hạ đi/ mây trôi lang thang cho hạ buồn/ để một mình ngồi/ chợt thèm/ rau đắng nấu canh…”