Benjamin Bidder, Moscow, SPIEGEL, 21/01/2011, Hiếu Tân dịch
Nguồn:http://www.spiegel.de/international/
europe/0,1518,740841,00.html
Ảnh: dpa
Lễ nhậm chức Tổng thống Belarus của Lukashenko hôm thứ Sáu vắng mặt các vị khách phương Tây một cách rõ ràng sau khi Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu tẩy chay nó. Con người được mô tả như nhà độc tài cuối cùng của châu Âu còn lên án Đức và Ba lan âm mưu lật đổ ông ta. Belarus bây giờ nhìn sang Nga và Trung quốc tìm ủng hộ.
Mới cách đây chưa lâu châu Âu còn được ưa chuộng tại Minsk và các nhà ngoại giao châu Âu cấp cao còn trông đợi được đón tiếp nồng nhiệt ở thủ đô Belarus. Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã đến thăm xã giao tổng thống độc tài của nước này, Alexander Lukashenko, trong khi Guido Westerwelle là bộ trưởng ngoại giao Đức đầu tiên sau 15 năm thăm nước này.
Lukashenko đã ấp ủ hy vọng xáp lại gần châu Âu: ông ta cho phép các ứng cử viên đối lập tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống, thậm chí cho các đối thủ của ông ta xuất hiện đôi chút trên truyền hình nhà nước. Trong một bài đăng trên tờ báo nhà nước Soviet Belarus, ủy viên hội đồng Mở rộng Liên hiệp châu Âu Stefan Füle còn được phép biện luận cho một “đối tác vì cải cách.”
Tuy nhiên, chẳng có gì cải cách, và mối quan hệ đối tác vẫn đóng băng. Các đại sứ từ Hoa Kỳ và các nước Liên hiệp châu Âu đã bác bỏ lời mời đến dự lễ nhậm chức của Lukashenko hôm thứ Sáu. Trong một nghị quyết, Nghị viện châu Âu đã yêu cầu nghiêm khắc trừng phạt nước này để phản ứng cuộc đàn áp bạo lực theo sau các cuộc bầu cử ở Belarus ngày 9 tháng Mười Hai. Hình phạt có thể bao gồm cấm vào LH châu Âu những quan chức và chính khách nào dính líu vào cuộc đàn áp các đối thủ của Lukashenko hay gian lận bầu cử.
Sau khi tự công bố là người thắng cử với 79,7 phần trăm phiếu bầu, Lukashenko, kẻ đã tại vị trong chính quyền 16 năm, đã dập tắt một cách dã man các cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người đối lập. Nhiều ứng cử viên tổng thống bị đả thương và bị bắt. Andrei Sannikow, lãnh tụ của phong trào "European Belarus" vẫn còn ở trong tù, cũng như vợ ông, nhà báo Irina Khalip. Đứa con ba tuổi của họ, Daniil, đang được bà trông giữ.
Âm mưu Berlin-Warsaw
Trong khi đó Lukashenko muốn thần dân của ông ta tin rằng các cường quốc bên ngoài nham hiểm đứng đằng sau những người phản kháng, trong một nỗ lực làm mất ổn định nước này. Truyền hình nhà nước chiếu những hình ảnh về những súng phóng lựu đạn và súng máy, rõ ràng được đưa lậu từ Nga vào để lật đổ Lukashenko bằng bạo lực. Đài Truyền hình chính của nhà nước chiếu cảnh một căn nhà giống như nhà kho ở Minsk, được cho là một kho vũ khí. Nhưng ít lâu sau những người ở gần đấy tiếp xúc với một tờ báo đối lập và vạch trần rằng cảnh đó đã được dàn dựng.
Theo các báo cáo của truyền thông Minsk trung thành với chế độ, cái bị cáo buộc là “chiến dịch Putsch” chi phí đến 20 triệu $, (15 triệu €). Những kẻ chủ mưu đằng sau nó được cho là thành viên của các cơ quan tình báo ở Berlin và Warsaw. Lukashenko loan báo rằng ông ta cảm thấy “buộc phải tiết lộ rằng một khoản tài chính khổng lồ đến từ Đức và Ba lan.” Ông ta cảnh báo rằng “các kế hoạch nhằm lật đổ trật tự hợp hiến” đã được vạch ra tại hai nước nói trên. Bộ trưởng Ngoại giao ở Berlin nhanh chóng bác bỏ những lời cáo buộc đó như vô nghĩa, và Westerwell đã triệu tập đại sứ Belarus. Trong khi đó Ba lan ra lệnh cấm cửa Lukashenko.
Tuy nhiên Lukashenko tỏ ra bình thản không lo sợ trước những động thái của Đức và Ba lan. Dù sao, đây không phải lần đầu EU áp đặt trừng phạt lên ông ta. Brussels chỉ mới dỡ bỏ lệnh cấm vào [EU] trong tháng 10, 2008 trong quá trình lập lại quan hệ vào thời gian ấy. “Nếu châu Âu và Mỹ muốn lặp lại sai lầm lần thứ hai, chỉ có Trời mới cứu họ,” Lukashenko nói.
Vô điều kiện
Tuy nhiên, mọi việc dần dần trở nên bất lợi cho con người cứng rắn ở Minsk. Trong quá khứ, Lukashenkp theo đuổi một đường lối hành động cân bằng giữa Moscow và Brussels. Có lúc ông ngả về bên này, lúc khác lại nghiêng về bên kia, lúc nào cũng chỉ tìm kiếm sự trợ giúp tài chính và các nguồn cứu trợ cho nền kinh tế ọp ẹp của nước ông.
“Lukashenko đang hoàn toàn mất hết khả năng vận động ở bên ngoài” Alexei Pikulik thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Belarus lưu vong đóng ở Luthuania viết. “Một sự đào thoát sang phương Tây là không thể vào lúc này, cũng như cơ hội dùng sự thân với châu Âu để tống tiền nước Nga.
Mặc dù Nga đã phát động một chiến dịch bôi nhọ chống Lukashenko vào mùa hè 2010, nay nó đang kiếm một cơ hội để kéo nước láng giềng Slavơ lại gần Moscow một lần nữa, cả về kinh tế lẫn chính trị. Hai nước hiện nay đang thương lượng các điều kiện để cung cấp dầu của Nga, mà nền kinh tế Belarus phụ thuộc vào. Hôm thứ Năm Thủ tướng Nga Vladimir Putin hứa với người đồng cấp Belarus một khoản giảm giá lên đến 4,1 tỉ $ (3,5 tỉ €) trong năm nay.
Lukashenko cũng cảm thấy thỏa mãn về sự chú ý mà ông ta nhận được từ một đồng minh mới kiếm được, nó tỏ ra ít quan tâm đến những vụ đàn áp và vi phạm nhân quyền ở Belarus. Tuần trước, một đặc phái viên Trung Hoa loan báo tại Nhà Hữu Nghị ở Minsk rằng Bắc Kinh sẽ đầu tư 5 triệu $ vào 20 dự án ở Belarus. Sự viện trợ từ anh nhà giầu châu Á này đặc biệt hấp dẫn với Lukashenko. “Trung Hoa không bao giờ gắn đầu tư của nó với các điều kiện chính trị,” vị tổng thống này nói. “Họ chấp nhận chúng ta như chúng ta có.”./.