Được Anh Trần Hoài Thư và anh Phạm Văn Nhàn của Thư Quán Bản Thảo đồng ý, VCV lần lượt giới thiệu những tác giả, tác phẩm, cuối mỗi bài sẽ ghi rõ nguồn TQBT.
Em Yêu
Hồi tối hơi lên cơn, anh uống luôn hai viên thuốc ngủ một giấc ngon tới sáng.
Trong mơ, anh thấy một chiếc xe G.M.C chở đầy sĩ quan ra phi trường. Anh hốt hoảng đến nỗi phải lạnh buốt cả xương sống để rùng mình thức giấc.
6g45 phút. Anh bật người dậy, đá tung mền, đứng lên. 7g30 ph lên phi trường.
Hấp tấp đủ chuyện, vậy mà anh cũng còn nhớ chạy ra phố mua một ổ bánh mì dài mang theo. Anh ì-à-ì-ạch khiên túi quân trang tới quân vận khu để lên xe đưa đi.
Xe chạy đến phi trường Ban Mê Thuột gần 8 giờ. Giã từ những hàng cây âm thầm bụi đỏ.
8g 15 phút máy bay C.130 ồn ào tới. C130 to như con bọ hung trần cứng cáp. Anh nhớn nhác chạy ra. Lạy trời máy bay đi Tuy Hòa! Nhiều người khác cũng hùng hục chạy tới, vẻ mong ngóng. Ði đâu? Ði đâu? Có tiếng hô lớn: máy bay đi Tuy hòa. Anh mừng như nghe lời Chúa phán. Mừng ơi là mừng.
Anh lôi xềnh xệch túi quân trang cồng kềnh tới gần phi cơ, như sợ mất phần. Cánh quạt còn quay vù cù. Một thằng Mỹ chận anh lại. Nó chỉ cánh quạt rồi chỉ ngang cổ. Anh cười.
Phi cơ khi sắp cất cánh, động cơ nổ mạnh quá, anh có cảm giác như chính anh cũng phát nổ theo. Nó chạy mạnh để lấy đà rồi cất mình bay lên. Khung cảnh chao nghiêng ở dưới.
Ban Mê Thuột lảo đảo, từng chùm xanh mờ khuất.
Anh nhìn chếch qua lòng phi cơ bên kia. Tụi Mỹ, đứa ngồi yên lặng coi báo, đứa ngủ gà ngủ gật. Ðặc biệt có một thằng rất trẻ, đôi mắt hòn bi ve ngơ ngác. Nó cỡ 17,18 có vẻ gì ngờ, nó nhìn về hướng anh. Chắc nó thấy anh nhìn nó quá chăm chú và cười như chế diễu, nó rụt tay lại rất nhanh, dáng bẽn lẽn, hai bàn tay xoa xoa vào nhau. Nó cố trấn tỉnh, ngờ nghệch, một cách thú vị.
Lúc đến Nha Trang, khi tất cả xuống phi cơ nghỉ một tí cho thoải mái, anh thấy nó mãi mê đùa giỡn với con sóc thật xinh. Con sóc, lông xám mướt, đuôi dài xòe ra như cỏ măng, chạy tung tăng từ bàn tay nó rồi lên vai rồi thoát nhanh ra sau lưng, như chạy trốn. Ðôi mắt nó 10 phần thích thú, tay nghịch ngợm như một đứa bé. Hình như nó đang sống trong một thế giới khác, rất non tơ. Nó đeo lon trung sĩ. Chắc chú bé làm thơ nhiều lắm.
Ðộ 10 giờ, phi cơ quần trên thành phố Tuy Hòa. Phi cơ rung chuyển như chiếc thuyền đang gặp nghìn con sóng lớn. Anh bị giật mạnh và nhẹ thót cả bụng dưới. Nhẹ thót hẳn lại.
Anh vẫn cố ráng ngoái đầu nhìn qua khung cửa nhỏ. Tuy Hòa lượn lờ nhỏ bé ở dưới. Mênh mông cát. Bãi hoang đầy. Cây từng lùm thưa thớt. Nhà cửa lổn ngổn, cong quanh.
Phi cơ xuống được phi trường Tuy Hòa cũng thật là vất vả. Ðường piste quá ngắn, lót toàn những vỉ sắt nhỏ đã bị cát mấp manh xâm lấn. Nó xuống không phải bằng chạy dài mà bằng nhảy vọt, như cóc. Nó tung người lên, dằn mạnh xuống. Anh có cảm giác như nó đang chập choạng nhảy. Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra. Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó. Nó đậu lại em ạ. Cũng thình lình như khi xuống, nó đứng sững!
Cạnh phi trường, những nhà lá nhà tôn xô lấn nhau. Vài chiếc xe ngựa lóc cóc chạy qua. Anh khệ nệ khiêng túi quân trang ra cùng một ông lính già. Ông ta cũng về Trung đoàn 47. Việt cộng bắt ông ta gần cả năm trong một cuộc phục kích gần Di Linh. Ông ta vừa mới được thả ra, hom hem một cách thảm hại.
Anh và người lính già xin đi nhờ một chiếc xe dodge đến thành phố. Người tài xế hỏi: Chuẩn úy về đâu? Xe đang chạy nhanh, anh phải hét lớn: Trung đoàn 47. Người tài xế cũng hét lớn không kém: để tôi đưa chuẩn úy tới luôn. Xe qua khỏi con đường lớn ở trung tâm thành phố, rẽ trái rồi ngoặt ngược lên.
Từ xa, Trung đoàn 47 xuất hiện như một vùng sa mạc, lơ thơ một vài cây dương, một ít nhà tôn xơ xác. Có lẽ anh chưa thấy một Trung đoàn nào xơ xác hơn. Trung đoàn 2 ở Ðông Hà vậy mà còn khá hơn.
Xe ngừng trước bộ chỉ huy. Nhà ngói, một cái lầu cũ nào đó còn sót lại từ thời Pháp thuộc. Có lẽ vậy. Vài chiếc xe lèo tèo đậu ở đó. Một số binh sĩ đang nhễ nhại khiêng những thùng cây, những bàn ghế...Anh mới biết trung đoàn vừa từ xa dọn lại.
Ông lính già rủ anh đi thăm qua một vài phòng. Phòng nào cũng bừa bãi mà trống trơn. Ngoài rác. Nhiều lắm là một cái bàn cũ vừa được khiêng vào, để ngổn ngang, để ngổn ngang, xiu vẹo. Không gặp sĩ quan nào. Anh vòng ra sau.
- A! Hạ sĩ.
Một người nào đó vừa gọi ông lính già đi bên cạnh. Hạ sĩ vừa mới về? Ừ. Ôi chà, vậy mà vợ hạ sĩ chạy lung tung để lo giấy tờ lãnh tiền tử.
Người lính già nghe nói đến vợ con, mắt sáng lạ thường. Vậy hả. Anh biết bả đâu không chỉ giùm tôi chút. Vừa hỏi ông ta vừa giợm chưn như muốn chạy.
Anh bỏ đi, vòng ra đàng trước, lên lầu còn kịp nghe người kia trả lời: không biết. Lầu vẫn trống trơn. Ở một hai phòng, binh sĩ đang hì hục kê lại bàn ghế.
Anh quành xuống, gặp một ông đại úy già đang đi trở lên. Anh chào và nói anh đến để trình diện. Ông ta đúng là trưởng ban ở đây. Anh trình sự vụ lịnh. Ông ta dẫn anh vào phòng hỏi vài ba điều. Xong bảo nhân viên lập phiếu lý lịch cho anh, đồng thời ông ta quay điện thoại bảo người ở tiểu đoàn 3 lên nhận anh về.
Hậu cứ Tiểu đoàn 3 vẻn vẹn một cái nhà tôn rỗ nát, bốn bề vách tre thưa thớt, ba cái bàn lỏng chỏng. Anh hỏi ngay xem chứng chỉ ngưng lương và lương bổng của anh từ Huế đã gởi vào chưa. Người trung sĩ ngồi gần đó trả lời: có.
Anh mừng hết lớn, sà lại ngay. Có thiệt, hở trung sĩ? Thiệt. Gởi từ khi Trung đoàn còn trên Di Linh. Lâu rồi, mà sao chừng này chuẩn úy mới tới? Anh ậm ự cho xong chuyện. Xong, nhờ trung sĩ lục hồ sơ xem lại cho chắc. Anh như nín thở, hồi hộp theo dõi. Ðây rồi. À, tôi lầm. Chuẩn úy chỉ có hồ sơ về đây chứ không có gì khác. Anh nhìn kỹ, đọc từng dòng. Chẳng có dòng nào dính dáng đến lương phạn hết.
Anh đành bám vào hi vọng cuối cùng: mượn tạm số tiền ở Trung đoàn. Anh đem ý đó ra hỏi. Người trung sĩ nói: Ðược chớ. Chuẩn úy thử lên ban tài ngân coi.
Anh lên ban tài ngân, gặp thiếu úy chỉ huy ở đó, lùn, quãng 40 tuổi. Anh hỏi mượn lương. Ông ta bảo: có giấy đình trả lương không? Không. Vậy không được.
Anh xìu hẳn đi, mồ hôi vã ra như tắm. Ông ta bảo tại sao anh không lãnh lương và lấy phiếu đình trả lương ngay từ Huế. Anh nói anh về Huế đã trên ba tháng mà lương bổng tại đó làm chưa xong. Ông ta cười khẩy, miệng chím chím như chế nhạo. Anh nhờ ông ta đánh công điện về Huế thúc dục giùm. Ông ta lắc đầu lia. Ðâu được. Lấy bằng cớ nào mà hỏi giùm ông. Dám ông tiêu hết lương rồi nại cớ cũng có.
Nỗi tức run đầy ngực, mắt kè đỏ, anh muốn vung bàn tay lên tát thật mạnh. Anh mím môi cố không thốt ra một lời nào. Nếu mở miệng chắc chắn anh văng tục tùm lum.
Rồi thôi, anh về. Cúi đầu đi giữa cái nắng ngút ngàn ở Tuy Hòa, anh như bị trói gô người lại, thở không nổi. Hết cả vùng vẫy. Hai trăm bạc làm sao tiêu cả tháng?
Anh đến túi quân trang, lục ổ bánh mì không, mua từ sáng, nhai mà buồn. Mái tôn như có lửa. Võng nằm như đá nóng. Thôi hết cả xoay trở rồi. Heo ơi heo, heo còn sướng hơn ta!
Anh dật dờ đi về phía thành phố. Ðường ngút nắng, cả người anh khô teo. Giá vắt anh ra cũng không tìm đâu được một giọt nước. Anh ăn một ly chè đâu đen ở bên lề. Vẫn khát. Cái khát hậm hực như một nỗi uất nghẹn kín bưng.
Ðường phố thì dài, không một bóng cây nhỏ. Nắng như nổi lửa lên từ gót chân. Chẳng còn chút hy vọng nào. Thôi thì buông xuôi, buông xuôi. Hai trăm bạc tiêu vài ngày. Rồi sau? Rồi sau?. Âm thanh nhói lên tận óc. Chẳng có ai quen để xòe tay ra vay tạm một ít. Anh nhìn anh . Chẳng có một thứ gì để cầm, để bán. Ðồng hồ? Không ai cầm đồng hồ ở đây. Không ai cầm một thứ gì khác, ngoài vàng. Anh đã hỏi và đã được trả lời như vậy.
Anh nhìn chiếc nhẫn vàng méo mó trên tay anh, nghĩ đến em mà muốn khóc. Anh đã hứa với em là anh sẽ mang chiếc nhẫn vàng này cho đến chết. Như một kỷ vật nghìn đời không nguôi quên. Như tình yêu nghìn đời không bao giờ đổi sắc. Nó đó, méo mó, khờ dại, vặn vẹo ôm ngón tay áp út của anh. Ðơn sơ mà âu yếm biết chừng nào!
Cái méo mó tuyệt đẹp của những ngày những tháng yêu thương ôm ấp. Nó đó, như biển nhớ nghẹn ngào. Anh thà chết chớ làm sao đem cầm nổi nguồn yêu thương vô cùng đó của anh!
Thật nhục nhã khi nghĩ rằng anh không đủ sức nuôi em và con. Lại còn tiền. Tiền! Những tờ giấy bạc tanh tưởi, chó má, vô nghĩa đó! Vậy mà cần, mà chết sống về nó, mà xấu hổ đớn đau vì nó!
Còn nếu em không gởi tiền, anh lấy gì sống cho tròn tháng? hai trăm bạc đâu phải là một số tiền to tát gì. Không người quen. Không bà con, thân thuộc. Mai đi hành quân để rồi nằm gục ra như một con chó đói?
Em ơi, trưa Tuy Hòa nóng, cái nóng ngứa ngáy, rồ dại, nhưng đã không nóng bằng anh lúc đó. Cả người anh như khối lửa nung sâu. Gởi tiền? Không gởi tiền? Lạy trời cho anh không đến nổi điên loạn để còn là chồng em, là cha một đứa con xinh xắn.
Anh ngồi chờ bưu điện mở cửa trong một trạng thái hốt hoảng và thất thần như vậy giữa cái nóng hừng hực của Tuy Hòa.
Lạy trời, anh đã phải bám víu vào em như bám víu nguồn tin yêu rực rỡ nhất của anh.
Chắc ở nhà, khi nhận điện tín, em đã cuống cuồng lo cho anh. Dáng điệu hốt hoảng đến đau khổ của em lo chạy đàng này, đàng kia...Thôi càng viết anh càng như không cầm được nước mắt.
Em ơi, anh về Trung đoàn mau như chạy, Không hiểu để làm gì. Chỉ biết khi đến tiểu đoàn, cởi quần áo ra nghỉ, anh như ngất đi. Mà anh ngất thật em ạ. Ngất đi trong giấc ngủ sau trưa ngầy ngật, lúc tỉnh lúc mê. Khi tỉnh hẳn, anh nghe người nhân viên hậu cứ tiểu đoàn đang đọc lại bản công văn gởi về Trung đoàn 3 ở Huế bảo gởi tiền và giấy đình trả lương cho anh.
Anh mở mắt, mệt nhọc, chẳng muốn làm gì, nói gì.
Buổi chiều anh xuống phố ăn cơm. Cơm khá rẻ. Anh uống hai ly trà đá lớn. Tuy Hòa đã trở lại vẻ dịu dàng của một thành phố ven biển khi trời chặp choạng tối.
Nhà mới cất, đường rộng. Tuy có dáng dấp một Nha Trang tám năm về trước. Cũng như Phan Thiết, Tuy Hòa chỉ có một con đường độc nhất dài. Cảnh sát mặc đồ trắng, đứng đầy đường.
Anh đi lây phây; mắt nhìn chỗ này, đầu óc bay chỗ kia, bỗng nghe roét roét, anh sực tỉnh nhớn nhác nhìn chung quanh mới nhận ra ông cảnh sát đang trợn mắt cố sức thổi to để đuổi anh lên lề đường mà đi.
Trông anh như thằng khùng vậy mà.
Tuần báo Khởi Hành. Số 63. Bộ cũ
( Ngày Mới Ðến Tuy Hòa, tùy bút của anh Từ Thế Mộng do nhà văn Trần Hoài Thư sưu tập được trên Khởi Hành bộ cũ trước 1975)-TQBT