Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.074
123.138.328
 
Từ Thế Mộng, Thơ đời thường
Đặng Tiến

Người làm thơ, khi làm thơ, thường sống trong thế giới của mình ; khi đạt đến nghệ thuật ngôn từ, thì tạo ra một thế giới riêng, với địa đồ, phong cảnh riêng, có khi là một lãnh thổ có hiến pháp riêng. Đầu tập thơ Tôi không còn cô độc, 1956, Thanh Tâm Tuyền đã ngang nhiên công bố quy luật đó – vẫn có từ ngàn xưa. Yêu một câu thơ đơn giản, chân quê của Nguyễn Bính, dù muốn dù không cũng phải nhập cư vào thế giới của ông ấy.

 

Từ Thế Mộng [1], 1937-2007, thì không vậy. Anh làm thơ bằng thế giới thường ngày và đời sống, ngôn ngữ ngày thường. Thơ Từ Thế Mộng kể chuyện gia đình, cha mẹ, vợ con, bè bạn, con đường Hải Thượng Lãn Ông, nơi anh ở, bãi biển Thượng Chánh, nơi anh thường tắm, tại Phan Thiết. Anh thuộc nhiều thơ cổ kim, nhưng khi sáng tác không tìm hình thức cách tân.

 

Muốn làm mới bài thơ, anh lên dòng xuống dòng, rồi vẫn rơi vào lục bát. Dường như anh cũng không tha thiết với việc lập danh, in ấn, xuất bản tác phẩm, dù làm nhiều bài thơ từ khoảng 1960. Mãi gần đây, 2002, bạn bè ở nước ngoài mới in và phát hành thi phẩm Lẽo đẽo một phương quỳ [2].

 

Không gian thơ của Từ Thế Mộng là quê nhà lẩn thẩn (tr.64) chung quanh thành phố Phan Thiết, nơi anh theo cha mẹ từ Thừa Thiên vào sinh sống, và qua đời ngày 13-5-2007.

 

Phan Thiết không phải là địa danh nổi tiếng trong văn học. Nhiều người chỉ biết, và tưởng tượng, qua Lầu Ông Hoàng trong thơ Hàn Mạc Tử. Từ Thế Mộng từ tốn cho biết biểu tượng của Phan Thiết là cái Satô-đô tên thường gọi để chỉ tháp nước ; nhưng anh vẫn có thơ hay :

 

Cây cao lúp xúp cây mù xanh

Lớp lớp che im khuất mặt thành

Phan Thiết nhìn lên, mây cúi xuống

Château d’eau hồng ngọn đổ chênh vênh

 

Tôi rời nắng mới tôi đi xuống

Nghĩa địa bay bay mùi cỏ non

1971, tr. 93

 

Lời thơ điệu nghệ, nhưng chân thành, khởi sắc nhờ những địa danh nôm na :

 

Bát ngát trời xa một núi xa

Sương len từng lớp mỏng như ngà

Tà Dôn một vút xanh sừng sững

Mường Mán cong mình êm ái ru

 

(…) Mờ xa một dải hồng phe phất

Mũi Né hồng xa mờ chân mây

Bài đã dẫn

 

Nguyễn Bắc Sơn, bạn thơ và cùng quê Phan Thiết, có câu :

 

Đôi khi ta lên núi Tà Dôn uống rượu

Trời đất bao la, ta chỉ một mình

 

(Ới ông Nguyễn Bắc Sơn ơi, lần này lên Tà Dôn ông uống dùm Từ Thế Mộng một chén quan san. Mùa xuân muốn tìm ông, tôi điện thoại nhờ Từ Thế Mộng đạp xe lùng ông khắp Phan Thiết ; hôm nay đúng ngày đầu thu, muốn tìm ông, phone nhờ ai đây ?

 

Ngon lành, ông uống thêm chén nữa, gọi là chén quan hà, để tưởng niệm Y Uyên, Ngã Đạn tại Tà Dôn ngày 8-1-1969, tại cái đồn Nora gì gì đó nay ai còn nhớ... Tà Dôn ôi Tà Dôn, không ai nhớ mình, thì mình cam phận nhớ nhau. Biết làm sao đây ? Ngoài đề)

 

Từ Thế Mộng yêu biển và Phan Thiết nhiều biển. Nhưng biển đây không phải là phong cảnh bốn bề bát ngát xa trông, trước lầu Ngưng Bích, mà là bãi tắm Thương Chánh ở tỉnh nhà :

 

Bồi hồi Thương Chánh bay mưa

 

Vì nắng mưa gì anh cũng tắm

 

Biển ôm ta siết trong lòng

Quẫy mình ta lội một vòng sướng ghê

 

Chịu khó lắm thì xuống đến biển Ninh Chữ, buổi trưa, rượu ngà ngà :

 

Biển xanh

Xanh ngắt lưng trời

Ta tan vào giữa trưa đời

Lặng xanh

1995, tr.12

 

Và biển tạo ra nhiều hình ảnh đẹp, câu thơ hay, không phải vì cảnh sóng rủ nhau đi bát ngát cười trong  thơ Huy Cận, mà vì bóng dáng ai đó đi tắm biển về :

 

Không phải suối

Không phải sông

Mà ướt đầm mái tóc

 

Không phải rực vàng

Một màu hoa cúc

Mà đơn sơ áo ướt một đôi vùng

 

Em tắm biển về biển ướt ở sau lưng

Vàng mấy khoảng cho mặt trời tới đậu

 

Em đạp xe về

Dáng hiền thục quá

Đơn giản vậy mà sao lòng anh lạ

Nghiêng theo em như thể đóa hoa quỳ

Ôi màu vàng đâu thể dễ phải đi

 

Màu vàng không phai

Mặt trời vẫn ướt

Nên phương em lẽo đẽo một phương quỳ

tr.30

 

Tôi trích toàn văn bài Một phương quỳ, câu cuối dùng làm tựa đề cho cả tập thơ, có thể tiêu biểu cho phong cách và tâm hồn Từ Thế Mộng, an phận, vui với cái đơn sơ, hiền thục, đơn giản, nhưng vô cùng tinh tế. Phải tinh tế lắm mới nhận ra được ánh mặt trời đậu vào nước biển còn đọng trên lưng áo; rồi phải nhìn theo, nhìn thật lâu phía sau, mới nhận ra màu vàng không phai/mặt trời vẫn ướt. Cái nhìn ảo hóa không gian và thời gian. Giây phút không có gì lạ ấy là hạnh phúc của loài người trong một trần gian không vĩnh viễn.

 

Nắng là hiện tượng thiên nhiên. Mặt trời vẫn ướt là lời tình tự của mặt trời gửi về một đóa hoa quỳ - lạc đường vì một mái tóc.

 

Thơ Từ Thế Mộng tằn tiện chút hạnh phúc đời thường, ngày thường đang phôi pha.

 

*

 

Với tâm thái an phận, thì đi đâu cũng vậy thôi. Từ Thế Mộng lẩn quẩn ở quê nhà, đi xa lắm thì cũng chỉ lên tới ... Đà Lạt

       

Đà lạt có ta về

Cõng em đi chợ Tết

tr.71

 

Thời trẻ, anh cũng phải đi lính, xê dịch đó đây. Nhưng những con đường đi qua không để dấu vết gì sâu đậm trong thơ anh; có nhắc đến Cheo Reo, Tuy Hòa, Quy Nhơn, cũng vì nhớ bạn quá cố :

 

Đạn trổ đường tim đạn đỏ hồng

Tuy Hòa vang dội tiếng xung phong

Còn anh một giấc chiều êm ái

Đã ngủ yên – yên trọn giấc nồng

1966, tr. 55

 

Thơ Từ Thế Mộng không mang nhiều vết tro than của lịch sử; thơ kể chuyện đời bình thường của con người bình thường, không có thành tích gì vẻ vang, cũng không chịu bi kịch gì thảm khốc. Không có tư tưởng cao xa, tình cảm đặc sắc. Chuyện anh cưới vợ

 

Hôm nay

Tôi cưới nàng

Trời mưa rất nhiều hôm qua

Mà vụt nắng

tr. 24

 

Năm 1965 anh làm bài Chúc thư của người con trai gởi con 18 tháng :

 

Ngày ba còn ở Blao

Ba trao cho má con một phần sức sống

(...) ba lớn lên từ chiến tranh

thôi cũng để ba trả về cho chiến tranh

như cây khô trả về cho đất

Huế, 1965, tr. 59

 

Năm đó, anh bị động viên, mới ra trường sĩ quan trừ bị, nghĩ đến  vợ con vì e không có ngày về

 

Máu thịt của ta ruột rà của vợ

Cũng trả cho đời, ta chiều thu buồn thiu

Lấy vợ ba năm, con vừa một tuổi

Cũng trả cho đời ta biết mang gì theo

Huế, 1965, tr.47

 

Anh kể năm đến 1976 mới được con trai đầu lòng, bài thơ mừng vui đượm nhiều chua xót. Anh có đứa con bị hội chứng down, lên 9 vẫn chưa nói được. Anh gửi tất cả những buồn vui vào thơ. Có khi là buồn vui nhỏ nhặt :

 

Sáng nay nổi lửa kêu con

- Mẹ mày để gói trà ngon đâu rồi

tr. 38

Anh tiếp thu vũ trụ, cũng từ thềm nhà :

 

Trăng đẹp quá

Đẹp đến nỗi những chiếc lá đều sáng trắng như bạc

Anh treo mùng ngủ trước hàng hiên

Mùng thao thức

Nghe anh trằn trọc sáng

tr.92

 

Chữ độc đáo trong khúc thơ là treo mùng.  Thơ ngắm trăng – nhất là trung thu – xưa nay không hiếm. Nhưng không thấy ai cẩn thận giăng màn.

 

Lý Bạch có bài Tĩnh dạ tư nổi tiếng :

 

Trăng rạng sáng đầu giường

Ngỡ mặt đất lên sương

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương

 

Lý Bạch nói đến giường chõng, mà đâu có treo mùng.

Chi tiết này, tự nó không to tát gì, nhưng biểu lộ thi pháp Từ Thế Mộng. Trong đời sống ai cũng phải phân biệt công việc lớn lao với cử chỉ nhỏ nhặt, nhưng trong thơ, sự việc mang một kích thước khác : cơn gió heo may ngang tiềm lực với trận bão tố. Nhà thơ có khả năng gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao... Trong thơ anh, việc lớn việc nhỏ, chuyện chung chuyện riêng ngang tầm. Thậm chí anh chủ tâm nhiều hơn vào những việc riêng tư và nhỏ bé. Vì vậy, thơ anh vừa dễ, vừa khó đọc. Khó đọc với những độc giả tìm ở thi ca những điều thâm viễn tân kỳ, trong khi thơ anh dừng lại ở những nét bình dị, trong sáng.

 

Đọan đầu, tôi có nói: yêu một câu thơ dù đơn giản của Nguyễn Bính, cũng phải nhập cư vào lãnh thổ của nhà thơ, ví dụ câu này :

 

Viết cho chị lá thư này,

Giữa đêm hăm bốn rạng ngày hăm nhăm

 

Rõ là ngớ ngẩn. Thư viết cho chị, thì cần gì phải nói “cho chị”. Sau đêm hăm bốn, thì cần gì phải nói hăm nhăm ? Và bề nào, trên thư cũng đã... đề ngày.

 

Diễn ngôn không mang lại một thông tin nào đáng kể, vì vậy nó là một câu thơ, khác với câu nói thường và câu văn xuôi.

 

Và là thơ hay. Mà có lẽ chỉ có Nguyễn Bính mới làm được một câu như thế.

Hoặc câu ca dao này, có lẽ nguyên gốc là câu hát ru em :

 

Hai tay cầm bốn tao nôi

Tao mô thẳng thì thôi

Tao mô dùi thì sửa lại cho cân...

(Tao nôi : dây nôi. Dùi : chùng, trái với thẳng)

 

Đây lại là thơ ngớ ngẩn, tương đương với việc treo mùng của Từ Thế Mộng. Nhưng là thơ hay và hiện đại.

Từ Thế Mộng và bạn bè anh là những con người sinh ra, lớn lên, có người đã ra đi, trong nghịch cảnh. Nghịch cảnh đã hà khắc với  đời họ. Với tác phẩm của họ, còn hà khắc hơn nữa. Con người đời thường có thể thỏa hiệp, ngậm thẻ qua sông, sống qua ngày. Con người nghệ thuật, tác phẩm nghệ thuật, con người đã trưởng thành, tác phẩm đã định hình thì không có cách gì thỏa hiệp. Con người có thể đầu hàng, và nhiều người đã đầu hàng. Tác phẩm thì vô phương.

 

Do đó, khi các bạn Trần hoài Thư, Phạm văn Nhàn đứng ra làm Thư Ấn Quán in lại những tác phẩm Miền Nam Xưa đã xiêu lạc, và ra những  số báo Thư Quán Bản Thảo, kỳ này  tưởng niệm nhà thơ Từ Thế Mộng vừa quá cố, là tôi hoan nghênh, không chỉ cổ võ suông, mà tận tình góp sức. Vì nếu các bạn, nay cùng vào tuổi chiều xế bóng, không chịu khó, bỏ công và bỏ của, bỏ chút tàn hơi, thì chẳng còn ai biết, chẳng còn ai nhớ Từ Thế Mộng, tác giả Lẽo đẽo một phương quỳ.

 

Một tác phẩm chơn chất, dễ đọc nhưng không phải là dễ thưởng thức. Thơ Từ Thế Mộng không ồn ả hay sắc sảo, nhưng đằm thắm và tinh tế - mà tinh tế là một « đức tính tiêu cực » - vertu négative, chữ của Camus - mà thời cuộc đã và đang dần dần bôi xóa.

Cuộc đời không dễ dàng gì nhận diện được một Từ Thế Mộng : đời đòi hỏi cao thâm, anh trả lời tế nhị ; đời muốn huy hoàng mà thơ anh thanh đạm ; đời vốn ồn vang, thơ anh nhỏ nhẻ.

 

Nhỏ nhẻ cho đến ngày im tiếng.

 

Trần gian anh bỏ lại, vẫn chung thủy một phương quỳ.

 

Orléans, đầu thu. 21-9-2007.

 

[1] Từ Thế Mộng tên thật là Nguyễn đình Tư, sinh 1937 tại làng Phước Yên, Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Năm lên 10 tuổi, theo gia đình vào sống ở Phan Thiết, cho đến ngày qua đời, ngày 13-5-2007.

 

[1] Nxb Thư Ấn Quán, New Jersey, USA, 2002, tái bản 2007, qua tranhoaithu@verizon.net

 

                                                             

 

Đặng Tiến
Số lần đọc: 2360
Ngày đăng: 26.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sartre Và Văn Học. 1 - Đỗ Ngọc Thạch
Sartre Và Văn Học. 2 - Đỗ Ngọc Thạch
Vài Cảm Nhận Về Môtip “Đôi Ta …”Trong Ca Dao Tây Nam Bộ - Trần Minh Thương
Milarepa - Hamvas Béla
Sự Tồn Tại Của Nền Văn Chương Mỹ Latinh - Phạm Quang Trung
Con Đường Đi Tới Nhân Loại Của Văn Chương Mỹ Latinh - Phạm Quang Trung
Văn học miền Nam - Thụy Khuê
Thi Ca Và Sáng Tác. 4 - Khổng Ðức
Thi Pháp Học – Lịch Sử Và Vấn Đề - Đỗ Ngọc Thạch
Báo chí và phê bình văn học - Huỳnh Như Phương