Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.225
123.153.374
 
Trần Anh Hùng: tính nữ của tôi rất lớn
Nguyễn Thị Dạ Thương

Trò chuyện bình thường với một người từng khiến bạn mất ăn mất ngủ khi xem phim của anh ta không dễ dàng. Và để dập tắt cái suy nghĩ “anh ta nên là nữ và không nên lấy ai cả” đã trót nhen nhóm lên trong đầu bạn về người đàn ông tài hoa ấy càng trở nên khó khăn, khi chính anh ta thừa nhận tính nữ của bản thân rất lớn và không thực sự yêu ai.

 

 

Thuộc thế hệ baby – bommers, rời khỏi Việt Nam từ khi còn rất nhỏ do biến cố chiến tranh, cảm xúc về Việt Nam được lưu giữ trong kí ức cậu bé 4 tuổi đã được Trần Anh Hùng tái hiện lại trong những khuôn hình đầy chất thơ với bối cảnh và cảm hứng hiện đại. Người ta đặt nhiều câu hỏi về tính Việt Nam trong những bộ phim của anh, nhưng người đàn ông nhỏ bé ấy chưa từng chính thức thừa nhận điều này, mà luôn khẳng định “quốc ngữ của tôi là điện ảnh, tôi không bao giờ đặt quốc tịch cho các bộ phim của mình”. Tuy nhiên, trong lần về nước để ra mắt bộ phim mới nhất “Rừng Na Uy”, anh cũng chia sẻ ý định chọn Việt Nam làm bối cảnh cho bộ phim tiếp theo của mình.

 

 

                   

Sự cô đơn trong tình yêu của con người là một trong những yếu tố được Trần Anh Hùng nhấn mạnh trong “Rừng Na Uy”. Xây dựng một kịch bản loại bỏ gần hết các chi tiết gợi tả số phận nhân vật hay các biểu tượng như trong sách, Trần Anh Hùng đưa tới cho người xem một sự xúc động lạ lùng về những diễn biến tâm lý tưởng chừng rất giản đơn của những người trẻ. Tình yêu song hành với tình dục, sau sự mất mát luôn là những phương thức làm lành với cuộc sống, khán giả sẽ cảm thấy sự chân thực cũng như thấy đồng cảm với cảm xúc của các nhân vật trong phim. Điều này khác với nguyên bản cuốn sách với cách lí giải “rất Murakami” khiến người đọc đôi khi hoang mang. Qua bộ phim, Trần Anh Hùng cũng chia sẻ một điều anh suy ngẫm từ lâu với khán giả - tình yêu không bao giờ tinh khiết. 

 

Tôi chỉ yêu tình yêu

 

Thẳng thắn đến mức cực đoan, vị đạo diễn tài hoa khẳng định chúng ta lớn lên với những ý tưởng về tình yêu rất sai lầm, khi gắn cho nó những mỹ từ trong sáng và tinh khiết. Trần Anh Hùng cho rằng khi tình yêu nảy nở giữa hai con người thì tự nó đã pha trộn rất nhiều thứ từ cảm xúc tới những yếu tố của môi trường xung quanh, nên sự tinh khiết là không thể có. Không chỉ thế, Trần Anh Hùng còn chia sẻ một suy nghĩ mà chính anh cũng thấy rằng sẽ khó chịu với nhiều người: “Mình không yêu ai cả, mà chỉ yêu tình yêu của chính mình. Con người là nơi mình thể hiện tình yêu có sẵn trong cơ thể. Nếu mình có một người tình, thì cảm xúc ấy sẽ làm tăng men tình trong người. Khi đó, cả vợ lẫn người tình đều sẽ thụ hưởng cảm xúc thăng hoa của mình. Cái ý này rất khó chấp nhận nhưng Hùng thực sự nghĩ nó là như thế. Mình có thể yêu vợ vì buổi sáng hôm ấy thấy một ánh sáng rất đẹp ở trên đường. Khi đó không phải vợ mình mà là một người đàn bà rất đẹp đi ngang qua. Ngay lập tức nó tạo cho mình một cảm giác, nhập vào tình yêu mình dành cho vợ. Nhưng rõ ràng khởi nguồn vẫn là từ một người đàn bà khác. Điều quan trọng ở đây là cảm giác của mình phấn khởi, mức độ tình yêu trong người mình tăng lên, và chính vợ mình là người nhận lại khối cảm xúc đó.”

 

Trong “Rừng Na Uy” cũng vậy, Trần Anh Hùng cho rằng Naoko và Midori là hai cá tính trong bản thể của một người phụ nữ mà Murakami đã cố tình tách riêng để khắc họa rõ nét. Naoko gợi hình ảnh như một người tình quyến rũ như liều thuốc độc nhưng không thể chối từ. Còn Midori là hình ảnh người vợ có thể chung sống bên ta trọn đời. Lý giải về các bước chuyển tình cảm của Toru, anh cho rằng chính lúc Naoko đẩy Toru ra là lúc tình yêu của Toru lên cao nhất. Cũng chính điều này thúc đẩy cảm xúc của Toru dành cho Midori phát triển. Đó là cảm xúc yêu rất phức tạp của một người đàn ông mà không mấy ai thấu hiểu, thừa nhận, và đưa vào trong phim tinh tế như Trần Anh Hùng.

 

 

Tính nữ của tôi rất lớn

 

Năm 1993 khi tới Cannes với “Mùi đu đủ xanh”, Trần Anh Hùng đã nhận được nhiều sự ngạc nhiên khi anh là đàn ông!!! Sự tinh tế đến hoàn hảo, cùng chất thơ gây say đắm lòng người trong các thước phim của anh khiến người ta liên tưởng tới một nữ đạo diễn với nhiều suy nghĩ bay bổng. Bản thân anh cũng thừa nhận tính nữ của mình rất lớn. Sự nhạy cảm giàu nữ tính đã giúp Trần Anh Hùng tạo ra ngôn ngữ điện ảnh khá riêng biệt.  Điểm mạnh trong những bộ phim của anh là sự dàn cảnh (Mise – en – scene) với những sắp đặt gây yếu tố thị giác. Mọi chi tiết xuất hiện dường như có một chức năng riêng biệt nhưng vẫn luôn nằm trong tổng hòa, đó là màu sắc cuả những bức tường, chất liệu trang phục, đạo cụ bài trí… Từ đó, Trần Anh Hùng đã tạo được không khí riêng hay “tâm trạng” của bộ phim. Mỗi cảnh đều chứa đựng “tâm trạng” riêng, như một điệu nhạc thấm sâu trong lòng người xem. Bởi thế, không ngạc nhiên khi có nhiều người nhớ những bộ phim của anh bởi những chi tiết, hình ảnh nhiều hơn là tổng thể câu chuyện hay diễn xuất của diễn viên.

 

Tính nữ của Trần Anh Hùng còn thể hiện ở sự duy mỹ gần như tuyệt đối, mặc dù anh luôn khẳng định cái đẹp trong phim của mình chỉ mang ý nghĩa đúng và đủ. Vẻ đẹp hiện lên trong phim phải đúng với cốt truyện, với mạch cảm xúc của nhân vật mới không trống rỗng. “Tôi không quan tâm tới việc tạo dựng khuôn hình đẹp. Tôi chỉ nghĩ làm sao cho khuôn hình đúng vào lúc đó,  cảnh đó, đủ cho cảm giác tôi đang có về cảnh đó. Mọi thứ đều bắt đầu ở trường quay, khi làm việc dần dần cảm giác của tôi bộc lộ rõ hơn, mình đi gần điều đó và thực hiện nó như bản năng mách bảo. Nhiều lúc đặt máy xuống là thấy  góc đó là đúng, là quay, không nên can thiệp vào góc máy đó nữa. Có thể nói cái đẹp là yếu tố đến sau cùng chứ không nằm trong những điều tôi muốn đầu tiên của một bộ phim.” – song bên cạnh sự khẳng định này chính Trần Anh Hùng cũng cho biết yêu cầu của anh đối với diễn viên phải đạt đến độ tinh tế hoàn hảo. Chẳng hạn khi diễn thoại thì phải cảm thấy “vị ngon của ngôn từ” để lan toả niềm vui đó tới người xem, hoặc diễn viên phải hiểu cơ thể mình để mỗi cử chỉ nhỏ nhất như cài nút áo đều mang nét tinh tế nhẹ nhàng. Đối với diễn viên đó là một điều rất khó, người ta bắt buộc phải suy nghĩ về tất cả những cái đó, và họ phải tạo ra cảm giác chân thực chứ không thể giả tạo từ cách họ đi đứng, cách nghiêng đầu nói chuyện… Rõ ràng, cái đẹp đối với Trần Anh Hùng đã trở thành một tín ngưỡng tự thân, hoà hợp với cảm xúc thật và ngôn ngữ điện ảnh để tạo thành một chất nhạc riêng biệt. Su khi ra khỏi rạp, trong người khán giả vẫn thấm đẫm chất nhạc đó. Nó sẽ ám ảnh họ, ai càng từ chối thì nó càng ăn sâu.

 

Thẳng thắn thừa nhận tính nữ của bản thân, Trần Anh Hùng còn cho biết “I come with the rain” là bộ phim duy nhất không còn tính nữ bởi anh đã không được dựng phim trong sự bình an do những mâu thuẫn với nhà sản xuất. Anh cũng bông đùa về việc hi vọng một ngày nào đó mình không giống như Laurence Wachowski (đồng đạo diễn phim The Matrix), đã phẫu thuật thành phụ nữ do tính nữ trong người ngày càng phát triển mạnh hơn. Anh cũng tự hào khoe về chuyện mình đi chợ rất khéo, là người rửa bát chuyên nghiệp, công việc yêu thích là đưa đón các con đi học và trong tương lai sẽ học nấu ăn.

 

Đừng trao cho Yên Khê quyền năng quá lớn

 

Những người tôn thờ giá trị gia đình truyền thống hẳn sẽ không tiếc lời khen ngợi Trần Anh Hùng trong vai trò một người chồng luôn trân trọng vợ. Anh từng chia sẻ rằng bản thân học được rất nhiều từ vợ, biết yêu, làm cha cũng nhờ người phụ nữ của mình. Những bộ phim anh làm đều có sự góp mặt của Trần Nữ Yên Khê, nếu không ở vị trí diễn viên chính thì cũng phụ trách khâu quan trọng như phục trang, bối cảnh. Đó không phải là sự ưu ái cực đoan, mà dựa trên sự thông hiểu sau những năm tháng làm việc và sống cùng. Yên Khê duyên dáng là khơi nguồn cho nhiều ý tưởng của người chồng tài năng. Đối với anh mỗi nụ cười, mỗi ánh mắt của cô đều khiến anh nảy nở những câu chuyện.

 

Song khác với suy nghĩ của nhiều người về một câu chuyện tình lãng mạn trong đó người vợ là nguồn sống và cảm hứng sáng tạo bất tận, Trần Anh Hùng khẳng định “Yên Khê là cảm hứng sáng tạo, nhưng đừng trao cho cô ấy quyền năng quá lớn.” Đó là những lời mở đầu cho một suy nghĩ phức tạp khác về việc dẫn dắt nguồn cảm xúc. Trần Anh Hùng tâm sự sống và làm việc chung với vợ khiến anh luôn có nguồn cảm hứng dồi dào, nhưng không hẳn mọi cảm xúc đều xuất phát từ Yên Khê hay chỉ dành cho cô. “Mọi người thường muốn cho cô ấy một vai trò lớn để tạo dựng một câu chuyện dễ hiểu và hay ho. Nhưng thực ra không phải thế, nó phức tạp hơn rất nhiều. Ví dụ tôi nhìn thấy một quả xoài chín mọng trên cây cũng có thể tạo ra một cảm giác, một không khí phim hay một giai điệu. Từ đó, tôi sẽ nghĩ ra một câu chuyện để nói về quả xoài đó. Trong hành trình đó thì Yên Khê là người gợi ra cảm hứng về các câu chuyện liên quan khác…” .

 

Quá trình hình thành nhân vật từ những nét cảm hứng duyên dáng mà vợ anh gợi ra cũng rất vòng vèo phức tạp. Những điều Yên Khê khơi gợi ra có thể không thuộc về nhân vật Yên Khê đóng trong phim, mà thuộc về nhân vật của Như Quỳnh hay Lê Khanh. Có thể nói Trần Anh Hùng đã dựa trên những cảm hứng từ người vợ để sáng tạo ra phần lớn các nhân vật của mình. Điều tài tình ở chỗ những nhân vật này có cá tính rất riêng biệt dù được gợi lên từ một nguồn cảm hứng chung. Lí giải về điều này, anh cho biết việc gặp gỡ một nữ diễn viên, như Lê Khanh chẳng hạn, anh sẽ nhìn theo một cảm giác mà Yên Khê đã gợi ra trước đó, và sẽ chỉ nhìn thấy điều mà mình muốn cho nhân vật đó, cho bộ phim đó. Nghĩa là hoàn toàn đi theo bản năng mách bảo và hoàn toàn tin tưởng vào “chất lượng” sự nhạy cảm của mình. Phải chăng chính cách thức làm việc tưởng chừng nguy hiểm vì có thể bị lạc bất cứ lúc nào này, lại là điểm mạnh của Trần Anh Hùng khi nhờ nó mà tính cá nhân của anh được khắc hoạ rõ nét trong khi khán giả vẫn tìm thấy sự sẻ chia?

 

Khẳng định thế giới sáng tạo của mình là vô tận, Trần Anh Hùng cũng chia sẻ một nguồn cảm hứng khác. Đó chính là Việt Nam. Với anh mỗi lần trở về nước là một lần được bồi đắp thêm cảm xúc để làm phim. “Về Việt Nam, tôi thấy người ta ăn xôi, gói trong lá chuối, ăn xong bỏ đi nhưng còn vài hạt dính lại trên lá chuối cũng khiến tôi phấn khởi lạ lùng. Cảm giác sung sướng ấy tô không thể giải thích được khi thấy những hạt xôi trắng đọng trên lá xanh gợi cảm một cách khủng khiếp.” Còn đi là mất chất thơ. Những hình ảnh thay đổi của Việt Nam không tác động nhiều đến vị đạo diễn này, mà những chi tiết rất nhỏ ít ai để ý như thế lại khiến anh rung động. Giọng nói của phụ nữ Việt Nam cũng tạo cảm xúc rất lớn cho anh, dù đôi khi chỉ là tạp âm trên đường phố không hiểu hết ý nghĩa cũng tạo ra niềm hứng thú rất riêng. Đó có lẽ, là minh chứng cho sự tinh tế ở tầng cao nhất đã giúp Trần Anh Hùng có khả năng nhận ra sắc đẹp trong mọi khoảnh khắc.của đời sống, rồi thai nghén ý tưởng và làm phim chia sẻ với khán giả của mình./.

Nguyễn Thị Dạ Thương
Số lần đọc: 1623
Ngày đăng: 27.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đường đi của kịch bản /Ngôn ngữ điện ảnh 1 - Sâm Thương
Đường đi của kịch bản /Ngôn ngữ điện ảnh 2 - Sâm Thương
Yilmaz Guney , Người tử tù bị săn đuổi. - Sâm Thương
Francois Trufaut- nhà điện ảnh cổ điển của đợt sóng mới - Sâm Thương
Điện Ảnh Việt Nam Thời Khai Sinh-1 - Sâm Thương
MƯỜI BA BẾN NƯỚC : Từ văn chương sang điện ảnh. - Nguyễn Hoàng Đức
Nguồn gốc của tên gọi Nghệ thuật thứ bảy. - Vũ Quang Chính
Cũng một đời nghệ sĩ - Hoàng Nguyên Nhuận
ĐIỂM PHIM: Đàn Bà Trên Đời - Phim Truyền hình Hàn Quốc. - Lê Xuân Quang
ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM: Nên Xã Hội Hóa hay Tư Nhân Hóa? - Lê Xuân Quang