Tái phát hiện Tunisia với tốc độ kỷ lục
Mathieu von Rohr và Volkhard Windfuhr /Tunis, SPIEGEL, 24/01/2011, Hiếu Tân dịch
Nguồn: http://www.spiegel.de/international/world/0,1518,741278,00.html
Getty Images
Người Tunisia đang say sưa với tự do mới tìm thấy của mình. Các phương tiện thông tin đại chúng đang đưa những tình cảm bị đè nén từ lâu, trong khi các nhà hoạt động đang thành lập các đảng mới, thanh niên lao vào các cuộc tranh luận sôi nổi trên các góc phố. Nhưng đất nước đang gặp thách thức lớn trong cố gắng trở thành một nền dân chủ hiện đại.
Mười tám người cả nam lẫn nữ làm thành một nhóm, kẻ đứng người ngồi. Họ đang tổ chức một trong những cuộc họp ban biên tập đầu tiên từng được tổ chức tại La Presse, một tờ nhật báo ở Tunis thủ đô Tunisia. Họ thảo luận về những sự kiện to lớn đang diễn ra trong nước, và nên đưa gì lên số báo ngày mai.
Họ đang say sưa với nghị lực mới tìm được. Lúc này họ muốn làm mọi việc mà trước đây họ chưa từng làm. Họ muốn kể những câu chuyện làm xôn xao cả nước, những câu chuyện về một hiệu sách nhỏ nằm ở một góc phố bày bán những cuốn sách trước đây bị cấm, về những tiệm thực phẩm dần dần mở cửa lại nhưng thực phẩm thì vẫn thiếu, và về nhân dân trên đường phố đang phê phán chính phủ mới như thế nào. Tất cả những gì có thể cho xuất hiện trên số báo ngày mai.
Họ cũng muốn viết về mạng xã hội diễn đàn trên internet Facebook, đã trở thành một nguồn tin thay thế cho tuổi trẻ trong nước. Thậm chí họ còn đang xem xét việc tải xuống những hình ảnh đang lưu hành trên mạng về những vụ bạo lực và phá hoại của cảnh sát từ khắp nơi trong nước.
Tuy nhiên họ chưa dám chắc họ có thể tự cho phép mình đi xa đến mức nào. Họ tranh luận và cãi cọ về việc liệu có nên phê phán các cá nhân bộ trưởng đặc biệt bất tài hay không, và có nên đưa tên tác giả của tất cả các ý kiến lên không.
Phởn phơ và hiểu biết
Faouzia Mezzi đang điều khiển cuộc họp. Khi tổng thống độc tài vẫn còn thống trị đất nước, đã có nhiều lần chị bị cấm viết báo. Hôm nay chị đang cố sức làm nguội bớt những thành viên ban biên tập thích thay đổi mọi thứ ngay tức khắc. “Trước hết chúng ta cần phải xem chúng ta có thể ngay cả xuất bản một tờ báo không đã,” chị nói. “Hãy kiên nhẫn.”
Lúc này mới chỉ năm ngày sau khi Ben Ali, nhà độc tài suốt 23 năm của Tunisia, trốn khỏi đất nước, và mới chỉ năm ngày được hưởng tự do báo chí. Không có ai mang nó đến cho các nhà báo, họ chỉ đơn giản nhận lấy nó. Trong khi đất nước đứng lên chống chế độ, họ cũng phát động cuộc cách mạng của riêng họ.
Nhưng đã xuất hiện những hạn chế đối với tự do báo chí. Chính phủ lâm thời đã đóng cửa đài truyền hình tư nhân nổi tiếng nhất, Hannibal TV, vào đêm Chủ nhật. Tờ The New York Times, dẫn lời hãng thông tấn nhà nước Tunisia, nói rằng chính phủ đã bắt chủ nhân đài truyền hình này, buộc tội ông ta mưu phản do đã phát “những thông tin sai có khả năng tạo ra khoảng trống hiến pháp và gây bất ổn cho đất nước.” Một người phát ngôn của đài truyền hình, đã từng chỉ trích chính phủ Ben Ali trong quá khứ, nói rằng nó đã bị đóng cửa mà không báo trước, và gọi hành động này là vi phạm tự do báo chí.
Tuy nhiên, sáng thứ Hai, đài truyền hình này lại tiếp tục phát, rõ ràng là sau khi một thành viên phe đối lập trong chính phủ lâm thời can thiệp. Các nhà quan sát ở Tuinisia nói với The New York Times rằng việc đóng cửa này làm hại uy tín của chính phủ lâm thời và nói rằng số phận của đài này có thể coi như một phép thử đối với cam kết của nhà nước về tự do báo chí.
Thực hành tự kiểm duyệt
Tờ La Presse, xuất bản bằng hai thứ tiếng Pháp và A rập, là một trong những tờ báo lâu đời nhất của đất nước. Giống như phần lớn nguồn tin ở Tunisia, nó là sở hữu nhà nước, có nghĩa là nhà nước chỉ định các biên tập viên cao cấp. Dưới chế độ độc tài, những biên tập viên này ban ra những vấn đề sẽ được đề cập, cũng như cắt bỏ bất cứ cái gì có thể làm cho chế độ cảm thấy khó chịu. Tất nhiên các nhà báo cũng tự kiểm duyệt mình. Quả thật, cho đến khi cách mạng nổ ra, La Presse chỉ là chiếc loa nhạt nhẽo cho những tuyên bố của chính phủ.
Ngày Thứ Sáu, 14 tháng Giêng 2011, thậm chí trước cả khi Ben Ali và gia đình ông ta bị tống khỏi đất nước, ban biên tập tờ báo này đã tự cho phép nó nhiễm một chút lòng thèm khát tự do đã lôi cuốn cả nước. Nó tước quyền của tổng biên tập và chỉ định một nhóm 10 người chịu trách nhiệm điều hành tờ báo.
Tổng biên tập cũ vẫn còn trong văn phòng của ông ta với chiếc ghế bành bọc da, và người ta có thể bắt gặp ông ta lẩn lút trong hành lang, nhưng ông ta không có tiếng nói nào. Các nhà báo trước đây dưới quyền ông ta đang còn bận rộn khám phá xem sống trong một xã hội tự do có ý nghĩa như thế nào - đúng như mọi người trên khắp đất nước Tunisia những ngày này.
Trở lại cuộc họp, Olfa Belhassine thuộc ban văn hóa của tờ báo đề nghị một bài xã luận nhan đề “Ai sợ Tự do Báo chí?” Chị bổ sung rằng, trong 20 năm làm việc trong ngành truyền thông, chị đã luôn luôn mơ về việc viết đúng một bài như thế. Ngày hôm sau, nó xuất hiện trên báo.
Một cuộc cách mạng có trật tự
Tại tòa soạn báo trên Phố Ali Bach Hamba ở Tunis, bạn có thể cảm nhận mọi cảm xúc mà người dân Tunisia trải nghiệm kể từ khi quét nhà chuyên chế ra khỏi đất nước. Có một tâm trạng phởn phơ vỡ òa ra khi người ta nhìn ra phía trước mong chờ một kỷ nguyên mới. Nhưng cũng có những lo sợ rằng tất cả rồi chẳng bao lâu sẽ chấm dứt. Mỗi ngày trôi qua, nỗi lo sợ ấy lại bớt đi một chút.
Trong tuần lễ Ben Ali đổ, người Tunisia đã trải qua một biến chuyển xã hội với tốc độ khủng khiếp. Mỗi ngày, những người trong chính quyền lại có thêm những nhân nhượng mới cho những người biểu tình trên đường phố. Vào thứ Ba, 18 tháng Giêng, Mohamed Ghannouchi vị thủ tướng tạm thời thay quyền tổng thống, rời bỏ đảng cầm quyền RCD. Hôm thứ Năm, các bộ trưởng còn lại theo chân ông. Sau đó, ban chấp hành trung ương đảng bị giải tán, và một bộ trưởng của chế độ cũ từ chức. Trong cuộc họp đầu tiên, nội các mới quyết định đại xá toàn bộ tù chính trị và công nhận thế hợp pháp của tất cả các chính đảng, kể cả đảng của những người Islamist.
Đây là một cuộc cách mạng trong trật tự. Các đường phố vẫn được quét, những chuyến xe điện vẫn chạy theo lịch trình của chúng, trong khi rẽ qua các đám đông. Ga xe lửa chính của thủ đô qua các cuộc biểu tình chỉ bị hư hại đôi chút. Một người soát vé tự hào nói không có chuyến tàu đường dài nào phải hủy bỏ.
Được cứu bởi quân đội.
Ít nhất trong tâm trí nhiều người dân Tunisia, quân đội đã cứu đất nước. Chỉ trong vài ngày, họ đã thành công trong việc đánh bại các lực lượng giết người trung thành với nhà độc tài đã bỏ trốn, và đặt cảnh sát về lại vị trí của họ. Tuần trước, khi có vẻ như chính phủ chuyển tiếp có thể đột ngột sụp đổ lần nữa, nhiều người thậm chí đã hy vọng rằng quân đội sẽ can thiệp. Nhưng nó vẫn đứng sau hậu trường.
Vào cuối tuần trước, tình hình tỏ ra đã ổn định, mặc dầu vẫn còn xe tăng trên đường phố, và binh lính đứng gác dọc theo những con đường đi bộ chính và trước những tòa nhà chính phủ.
Nhưng tình hình ở thủ đô Tunis vẫn căng thẳng. Hôm thứ Hai, cảnh sát dùng hơi cay phun vào đám biểu tình không tuân theo lệnh giới nghiêm tụ tập trước văn phòng phủ thủ tướng, tại đó họ hô những khẩu hiệu chống chính phủ. Những người biểu tình lấy làm buồn rằng nhiều bạn thân của Ben Ali vẫn còn trong chính quyền. Các trường học đã đến lúc mở cửa trở lại sau khi phải đóng cửa trong thời kỳ náo loạn, nhưng được biết các thầy giáo tiếp tục bãi công để phản đối chính phủ lâm thời. Một số học sinh tham gia biểu tình thay vì đến trường.
‘Trả thù chỉ là chuyện nhỏ’
Trong phòng đợi bên ngoài văn phòng của Almed Ibrahim, bộ trưởng mới được bổ nhiệm phụ trách giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học, vẫn còn những chiếc đinh trên bức tường nơi cách đây mấy ngày treo ảnh Ben Ali. Bộ mặt thỏa mãn của ông ta, thường thấy khắp nơi trong thành phố này, nay đã biến mất.
Ibrahim, một người đàn ông đường bệ 64 tuổi với cái đầu tròn, đã bị Ben Ali bỏ tù nhiều lần. Nhưng bây giờ ông là một thành viên của chính phủ. Trong những cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất, năm 2009, ông được phép ra tranh cử. Chế độ của Ali muốn dùng ông để tạo vẻ hợp pháp trang trí cho các nghi thức. Chính thức, ông đã nhận được 1,57 phần trăm số phiếu bầu.
“Trả thù bây giờ chỉ là chuyện nhỏ,” Ibrahim nói trong văn phòng tối tăm của ông trong Bộ Giáo dục Đại học. Ông không muốn nhìn thấy những gì đã xảy ra ở Iraq xảy ra ở đây; ông không muốn có một cuộc tìm-diệt những đảng viên cũ của RCD. Khoảng một phần mười dân số 10 triệu người của Tunisia thuộc về đảng cầm quyền cũ, nhưng phần lớn họ làm thế là vì lợi ích vật chất chứ không phải là những kẻ bảo thủ đến cùng.
Theo ý kiến Ibrahim, chỉ những tên tội phạm thật sự mới nên bị trừng trị. Điều quan trọng hơn nhiều, ông nói, là tập trung vào chuẩn bị cho những cuộc bầu cử tự do. Hiến pháp của đất nước quy định rằng phải tổ chức [những cuộc bầu cử ấy] trong 60 ngày, nhưng ở Tunisia hiện nay có ít chính đảng có tổ chức. Đất nước cần nhiều thời gian hơn, Ibrahim nói. Ông nghĩ sẽ cần đến sáu hay bẩy tháng.
Dân chủ đường phố
Ít nhất thì dân chủ đã đến trên các đường phố. Đại lộ Habib Bourguiba, một đại lộ lớn ở khu thương mại Tunis, đã phát triển thành một diễn đàn chính trị nơi mọi người có thể tổ chức những cuộc tranh luận say sưa. Tất cả họ ghét giới thượng lưu cũ. Nhưng, khi đề cập đến tương lai, họ có những ý kiến rất khác nhau.
Buổi chiều thứ Năm, khoảng hơn chục thanh niên râu ngắn đeo kính mát đứng trên đại lộ. “Thượng đế đã làm tất cả những việc này” một người nói trước khi tiếp tục biện hộ cho một chính phủ tôn giáo. Một người khác đang tranh cãi với một thiếu phụ có trang điểm. Chị nói chị sợ những người ấy, rằng chị lo ngại về khả năng những người Islamist trở thành một lực lượng chính trị lớn. Hiện nay, không có nơi nào trong thế giới A rập mà người phụ nữ có nhiều quyền như ở Tunisia, không đâu khác bạn có thể thấy nhiều phụ nữ không đội mũ trùm đầu như vậy.
Vào lúc này, những người Islamist chỉ là một thiểu số rải rác, và những chuyên gia được SPIEGEL phỏng vấn tin rằng giỏi lắm họ chỉ có thể đạt được 20 phần trăm số phiếu bầu. Nhưng tuần lễ trôi đi, họ cho thấy sự có mặt của họ ngày càng nhiều trên các đường phố, với một cố gắng tập hợp những cảm nghĩ chống lại “những ý tưởng ngoại nhập.”
Hơn hết mọi điều, những người biểu tình muốn thấy một sự chấm dứt tham nhũng. Và những người biểu tình thì không phải chỉ là lớp thanh niên có học tập hợp nhau trên Facebook. Trong hàng ngũ của họ có cả những người như Khaled Gasmi, một người đàn ông gầy gò 57 tuổi, có bộ ria mép, người đã chơi cho đội tuyển quốc gia Tunisia trong giải World Cup 1978. Gasmi nói rằng Fouad Mebazaa, tổng thống lâm thời, là một người của chế độ cũ và cũng tham nhũng như Ben Ali.
Rạng đông của một kỷ nguyên mới.
Chỉ cách đó mấy bước, một người đàn ông đi bộ dọc phố đầu đội một chiếc mũ fez màu xanh cây. Tên ông là Maatoug Mohsen, và ông đang trên đường đi đến một cuộc họp để thành lập một Đảng Xanh mới cho Tunisia. Trong nhiều năm, Mohsen làm hướng dẫn viên du lịch, và bây giờ ông muốn hiến mình cho hai vấn đề mà ông quan tâm nhiều nhất: đấu tranh vì phát triển bền vững và đấu tranh chống thuốc trừ sâu trong nông nghiệp.
Còn thời gian để thành lập các đảng mới và lao vào các cuộc tranh luận nghiêm túc. Tunisia đang sống qua những ngày đầu tiên của nó trên đường trở thành một nền dân chủ.
Những biểu tượng của kỷ nguyên mới là những lâu đài dinh thự của phe cánh tổng thống bị phá hủy, nó mang ngọn lửa giận dữ của dân chúng. Cơn giận này trước hết hướng vào các biệt thự của Trabelsis, gia đình của vợ hai của tổng thống, những kẻ khét tiếng về sự vơ vét làm giàu vô sỉ. Những ngôi nhà của các thành viên gia đình này, tọa lạc trong vùng ngoại vi giàu có của Tunis, nay nằm trong cảnh hoang tàn sau khi bị cướp phá. Hàng ngàn người đã hành hương đến đó - có nhiều gia đình đưa cả những đứa trẻ đang cần trông nom theo - để được tò mò nhìn tận mắt cảnh đổ nát của nền độc tài.
Một tòa nhà đặc biệt nhạt nhẽo và lòe loẹt là dinh cơ của Belhassen Trabelsi, em vợ của Ben Ali. Hiện giờ những gì còn sót lại của cái cơ ngơi hai tầng, có công viên riêng, chỉ còn là cái xác nhà bằng gạch trơ trụi. Nội thất đã bị đốt cháy khô và bị moi hết ruột, thậm chí các khung cửa sổ cũng biến mất. các sàn nhà ngập rác rưởi, như một tuýp thuốc nhuộm tóc gửi từ Dolce & Gabbana bên Paris sang, và một mảnh giấy xé từ một quyển giáo trình công dân giáo dục, với dòng chữ “Hiến pháp: Nền tảng của Nhà nước” viết bằng nét chữ trẻ con.
Khi họ chứng kiến cảnh phá hoại đó, nhiều vị khách trở nên bối rối. Như họ thấy, ngôi nhà đáng lẽ nên được giữ lại và chuyển giao cho nhân dân. Dù vậy, tất cả họ đều có chung một nỗi căm giận đối với gia đình đã cuốn xéo này. “Chúng là lũ ăn cắp,” Dorra Kallel Chtourou nói - chị là một thiếu phụ trong trang phục công sở đến đây nghỉ trưa cùng với một đồng nghiệp. Chị làm cho LG Electronics, một công ty điện tử khổng lồ của Hàn quốc. chị giải thích Belhassen đã thường buôn lậu các hệ thống stereo và máy giặt vào nước này như thế nào, và cho người của hắn đi bán trên các góc phố với nửa giá tiền.
Đây chỉ là một trong nhiều câu chuyện được kể về bè lũ mà sự thân cận với kẻ thống trị tối cao của đất nước cho phép chúng làm giầu một cách tàn bạo. Những thành viên của bè lũ này thậm chí có một loại giấy phép riêng nhờ đó cảnh sát để chúng yên.
Đúc nên nước Tunisia mới
Người đàn ông chịu trách nhiệm về diện mạo tương lai của nước Tunisia mới là Yadh Ben Achour. Ông ta bước vào thư viện riêng trong bộ quần áo chạy đua màu đen và ngồi xuống bên dưới một bức chân dung của người ông của ông, là một nhà học giả quan trọng về tôn giáo.
Hiếm có nơi nào cách xa các cuộc biểu tình và các cuộc tranh cãi huyên náo của tuần qua như căn phòng này, nằm trên tầng cao nhất của biệt thự đồ sộ ở La Marsa, một thành phố giầu có ven biển gần Tunsis. Những mẫu mực ngàn năm tuổi của thư pháp Hồi giáo treo trên tưòng, trong khi các căn phòng trưng bày những chiếc đồng hồ bỏ túi từ thời đại Ottoman.
Ben Achour là một nhà văn và luật gia. Một con người thạo đời và cũng là một học giả về kinh Koran ông thuộc về một gia đình quý tộc xa xưa của Tunisia được nhiều người kính trọng. Ông là một trí thức đeo kính gọng kim loại đen mỏng, nói tiếng Pháp bằng giọng Paris hoàn hảo. Tháng Năm năm 1968, khi ông đang học luật tại Paris, cảnh sát đã dùng dùi cui nện vào đầu ông.
Ben Achour nói không phải những nhu cầu kinh tế đã thúc đẩy tuổi trẻ của đất nước nổi loạn. Đúng hơn, đó là không khí áp bức bên trong hệ thống, trong đó việc có một loại giấy phép đặc biệt như thế chỉ là một ví dụ.
Ông đã được giao một công việc đứng đầu một ủy ban cải cách chính trị. Trong vai trò đó, ông sẽ góp một tay vào việc sáng tạo và làm hình thành nước Tunisa mới. Ngay cả nếu ông không ra quyết định một mình, ông nói việc cá nhân ông muốn Tunisia trở thành một nước như thế nào là rõ ràng: một nước có quốc hội được bầu ra một cách dân chủ, được dẫn dắt bởi một chính phủ và một thủ tướng. Ông cũng thừa nhận rằng đất nước cần một tổng thống, nhưng ông nói vị trí ấy nên được trao quyền lực hạn chế.
“Đó là thực chất của dân chủ,” Ben Achour nói. “Bất cứ ai thắng cũng không thể hoàn toàn tận hưởng thắng lợi của mình. Tất cả vấn đề là ở đấy.”
Vào lúc này, ông không biết ông sẽ đi đến mục tiêu ấy như thế nào. Các thành viên khác của ủy ban thậm chí vẫn chưa được chỉ định. Dù sao, ông nghĩ rằng đất nước cần nhiều hơn hai tháng trước khi nó có thể tổ chức các cuộc bầu cử.
Nhưng Ben Achour cũng nói rằng nếu Ấn độ với dân số khổng lồ và rất nhiều ngôn ngữ, có thể trở thành một nước dân chủ, thì Tunisia với dân chúng được giáo dục tốt, cũng có thể cố gắng để trở thành một nước tiến bộ nhất và hiện đại trong thế giới A rập.
Josh Ward dịch từ tiếng Đức.
HT 260111