Những người biểu tình tràn gập các đường phố ở Cairo đòi nhiều quyền hơn
Babak Dehghanpisheh và Mandi Fahmy, NEWSWEEK, 25/01/ 2011, Hiếu Tân dịch
http://www.newsweek.com/2011/01/25/tunisia-effect-grips-egypt.html
Đó là hiệu ứng Tunisia. Trong gần hai tuần lễ, các học giả Trung Đông đã suy đoán liệu việc tống cổ nhà độc tài Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali có dẫn đến những bất ổn khác nữa trong khu vực hay không. Và hôm nay câu trả lời đã đến: hàng ngàn người biểu tình đổ ra các đường phố Cairo và một số thành phố nhỏ hơn của Ai cập hô vang những khẩu hiệu chống tổng thống Hosni Mubarak và đòi nhiều quyền hơn. Đây là cuộc phản kháng lớn nhất từng thấy trên đất nước này, và cảnh sát chống bạo động đã đối phó bằng hơi cay và súng phun nước.
Người dân Ai cập cũng có nhiều nỗi bất bình như những người Tunisia đồng cảnh ngộ: một chính phủ tham nhũng và vô tích sự, tình hình kinh tế ảm đạm, sự tra tấn trong tay các lực lượng an ninh. Đó là lý do những người tổ chức biểu tình cố ý lập kế hoạch cho cuộc tập hợp của họ vào ngày hôm nay, chính là “Ngày Cảnh sát” chính thức của chính phủ. Một trang Facebook do những người tổ chức phản kháng lập ra đã tập hợp được hơn 90.000 người tham gia. Chính phủ Ai cập chắc đã nhận ra rằng, giống như với Tunisia, Internet có thể là một công cụ tập hợp mạnh mẽ: được biết Twitter bị chặn hầu như cả ngày thứ Hai. “Điều này vượt quá mọi mong đợi” Shadi Hamid, giám đốc nghiên cứu tại trung tâm Doha của Viện Brookings nói. “Người ta nghi ngờ về con số người tham gia. Trước đó đã có ba cuộc biểu tình được tổ chức bởi Facebook. Nhưng có sự khác nhau giữa hoạt động trên mạng và hoạt động trên đường phố. Hôm nay thật sự là đông vô kể.”
Ở Cairo những người biểu tình tập trung quanh Quảng trường Tahrir, một trong những không gian mở lớn nhất thành phố và là địa điểm của Bảo tàng Ai cập nổi tiếng. Wael Abbas, một trong những nhà hoạt động blogger nổi tiếng nhất Ai cập, đã từng bị bắt và bị đe dọa nhiều lần, đã đến thật sớm trong buổi sáng biểu tình tại Cairo, với ít hy vọng. Nhưng trái lại, Abbas đã thấy anh bị vây bọc bởi hàng ngàn người. “Có đủ loại người, những người chưa bao giờ thấy có trong các cuộc biểu tình trước đây,” Abbas nói. Những người biểu tình hô những khẩu hiệu như “Đả đảo Murabak” và “Dù thế nào thì cách mạng Ai cập cũng sẽ đến.” Những người khác thông minh hơn với những câu châm biếm sắc nhọn, có những câu chĩa vào người con trai có khả năng kế tục Murabak là Gamal. Một nhóm hô: “Gamal, nói với cha mày: nhân dân Ai cập ghét chúng mày. “Gamal, nói với cha mày: đây không phải trại chăn nuôi của nhà mày.” Ở một số nơi, những người biểu tình ném đá vào cảnh sát và thậm chí tấn công một xe phun nước. Những người khác xé những bức ảnh lớn của Mubarak treo dọc trên đường phố và thậm chí ném chúng vào lửa.
Nhiều người biểu tình ở Cairo hôm nay mô tả cùng loại vấn đề được chia sẻ. Những nỗi bất bình cũng dường như hết sức giống với nỗi bất bình đã đẩy đến sự tự hy sinh của Mohammed Bouazizi - người bán rau quả, đã châm ngòi cho cuộc cách mạng Tunisia. Ahmed Atta, một người 33 tuổi đã tốt nghiệp đại học, nói anh tham gia biểu tình vì anh không thể tìm được một công việc thích hợp và không có sự quen biết đặc biệt trong chính quyền để giúp anh tìm ra lối thoát. “Đất nước này đã sôi sục lên thậm chí còn trước cả Tunisia, nhưng người Tunisia đã bước đi trước Ai cập. Chúng tôi đã chậm bước rồi,” Atta nói. “Các bộ trưởng của chúng tôi tham nhũng và nguồn nước của chúng tôi bị ô nhiễm. Tôi mua thứ bánh mì không thể ăn được, nhưng chúng tôi vẫn phải ăn. Chúng tôi có thể làm gì đây? Chết đói ư?” Tarek Hamdy, một bác sĩ thú y 31 tuổi, cũng đang vật lộn để tìm công việc. Anh đã đi tìm hơn năm năm nay nhưng chỉ có thể tìm được những công việc vặt kiếm được dưới 100$ mỗi tháng. Rời khỏi Ai cập dường như bây giờ là lối thoát tốt hơn đối với anh. “Cách duy nhất để có việc làm là thông qua quan hệ và hối lộ. Nhưng đây không phải là cách chúng tôi nên làm sau khi cha mẹ chúng tôi đã phải tốn rất nhiều tiền nuôi chúng tôi ăn học,” anh nói. “Tôi không chống cảnh sát. Tôi chống cả chế độ này.” Ngay cả một số cảnh sát có mặt trong đám đông cũng đồng tình với sự nghiệp này. Tại một địa điểm trung tâm Cairo, một phóng viên NEWSWEEK hỏi một sĩ quan cảnh sát đứng gần bên rằng anh có đồng ý với những gì những người biểu tình đang nói không. Anh trả lời, “Tất nhiên!”
Một sự bất ngờ ngày hôm nay là tổ chức Muslim Brotherhood (Huynh đệ Hồi giáo) nhóm chống đối lớn nhất nước này. Nhóm này tuyên bố nó không chính thức tham gia cuộc biểu tình phản đối, và chính phủ dường như đã tiến hành những bước để đảm bảo nó giữ lời. Cảnh sát ngăn một nhóm cựu nghị sĩ thuộc Brotherhood ra khỏi các văn phòng của Bar Association vào buổi chiều, có lẽ để giữ họ cách xa khỏi những người biểu tình. Tuy nhiên, một số thành viên cố gắng chen vào trong đám đông. Gamal Heshmat, một cựu nghị sĩ thuộc Brotherhood, từ tận Damanhour, một thành phố cách Cairo khoảng 100 dặm về phía tây bắc đến đây. “Mọi người nên đòi hỏi các quyền của mình,: Heshmat nói. “Thay đổi đang diễn ra.”
Liệu Mubarak có sớm đến Saudi Arabia tụ hội với Ben Ali của Tunisia không (như một số người biểu tình hôm nay đã hô)? Vào thời điểm này, dường như điều đó không xảy ra. Bộ máy an ninh khổng lồ của Ai cập được nhiều người coi là tàn ác hơn nhiều so với những đồng sự ở Tunisia và đã giữ được Mubarak tại vị gần 30 năm. Các hãng điện tín đã báo cáo có một số người biểu tình bị giết trong các cuộc biểu tình ngày hôm nay. Nếu các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục, con số người chết nhất định sẽ tăng lên. “Chế độ đang quay trở lại rất mạnh,” Hamid của Brookings nói. “Không giống như đồng sự Tunisia, chúng tàn nhẫn hơn nhiều. Chúng không đơn giản ngồi yên để cho phong trào chống đối lớn lên.”./.
Cùng với Mike Giglio ở New York