1. Cửa khẩu.
Năm năm rồi tôi mới trở lại Lạng Sơn. Khỏang năm 2005 tôi có dịp lên cửa khẩu Hữu nghị quan. Hồi đó đường biên là con đường thằng, ranh giới hai bên phân biệt là màu nhựa đường. Nhìn qua Hữu nghị quan thấy có phần gần gũi vì vẻ rêu phong cổ xưa của nó. Cột mốc cây số 0 của hai bên đứng khiêm nhường bên đường. Đồn công an cạnh barie cũng giống nhau. Hai tòa nhà trụ sở Hải quan cũng tương đương về quy mô. Có khác chăng là phía Việt Nam hàng đòan xe tải chở trái cây chờ nhập khẩu sang Trung quốc, còn phía Trung quốc là những xe tải nhỏ chở hàng hóa tiêu dùng qua Việt Nam. Thật ra lúc ấy hàng hóa nhập từ Trung quốc qua cửa khẩu cho “phải phép” thôi vì hàng lậu đã tung hòanh khắp nơi.
Lần này đến đây tôi không nhận ra nơi mình đã đến cách đây mới 5 năm. Từ phía trụ sở Hải quan Viết Nam nhìn qua bên kia, tòan bộ khu vực cửa khẩu cao hẳn lên như một ngọn đồi, rộng như quảng trường, được lát đá sáng bóng, lát gạch sạch sẽ. Cột mốc phía Trung quốc là một tảng đá to lớn dựng giữa quảng trường, một hàng rào inox chạy suốt chiều ngang, vì vậy khách nhập cảnh không thể đi thằng mà phải đi theo đường hành lang ven lề trái để vào trụ sở Hải quan được xây mới đồ sộ hơn trước. Còn phía nhà ta thì vẫn là tòa nhà cũ, đường bê tông, bước ra khỏi trụ sở Hải quan là bụi mù. Mấy năm rồi mới xây được thêm bãi đậu xe hơi và nhà chờ ở tuốt phía ngòai. Có vài chiếc xe chở khách từ Hải quan ra bãi xe cũng là xe lam Trung quốc…
“Hữu nghị quan” đã biến thành tòa nhà lầu cửa kính hiện đại, tường xây sạch sẽ, không còn vẻ rêu phong cổ kính. Cũng phải thôi, “hữu nghị quan” giờ ngự trên “ngọn đồi” đá lát sáng bóng, cây đa cổ thụ gần đó cũng được xây bệ gạch tròn xung quanh, ghế đá, bồn hoa… Mọi thứ có vẻ quy củ và hòanh tráng. Chỉ buồn cười những bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt: nhà xí (nhà vệ sinh), “do đó nhập” (lối vào), “nơi tiêu độc đế giày” (thảm chùi chân)… không hiểu dịch kiểu gì nữa?
Từ bên này đi qua bên đó thì phải gò lưng lên dốc, nhìn qua bên đó thì cứ phải “ngước nhìn”. Từ bên kia nhìn về phía mình đúng là kiểu “nhìn xuống” đầy “hạ cố”… Có ai nhận ra điều đó không?!
2. Bằng Tường là một thị trấn của tỉnh Quảng Tây (Trung quốc) sát biên giới phía Bắc của Việt Nam. Lần trước tôi đến Bằng Tường chỉ là thị trấn nhỏ có phần hiu quạnh, mấy con phố cũ lác đác xe máy xe đạp, vài chiếc xe lôi do phụ nữ lái tập trung ở ga xe lửa. Ngày có vài chuyến xe lửa từ Bằng Tường đi Nam Ninh làm cho thị trấn nhộn nhịp chốc lát… Lang thang ngòai cửa ga trong lúc chờ tàu đến tôi còn kịp ngắm nghía sạp đồ cổ của một ông già bày ở lề đường, tiền xưa bạc cũ gốm cổ đủ cả, đẹp nhất là mấy chiếc tô đĩa gốm vẽ gà trống men màu xanh đỏ của các lò gốm Quảng Đông, trông quen thuộc vì giống gốm Biên Hòa. Cửa hàng bên kia đường bảng hiệu cũng có tiếng Việt “cửa hàng bách hóa” bán đủ lọai quần áo giày dép nước giải khát kẹo bánh. Màu sắc sặc sỡ, giá không đắt, hàng bình dân mà.
Bây giờ Bằng Tường đã trở thành một thành phố mới nơi cửa khẩu: đường phố rộng rãi chiếu sáng bởi hai dãy đèn đường uốn hình hoa râm bụt – biểu tượng của tỉnh Quảng Tây. Nhà đang xây ngổn ngang khắp nơi nhưng phố xá vẫn gọn gàng. Những phố xưa vẫn là những căn nhà phố hình ống một trệt một lầu cửa sổ trang trí hồi văn treo đèn lồng đỏ, như những con phố từ truyện của Lỗ Tấn bước ra. Chỉ khác là nhiều cửa hàng cửa hiệu dùng 2 thứ tiếng Trung – Việt, công ty du lịch, nhà hàng đặc sản san sát, khách du lịch đông đúc, cả Việt cả Trung, đều nói nhiều nói to, như nhau.
Trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố là một tòa nhà 4 lầu mới xây dựng. Bên kia đường một khách sạn 5 sao đang xây tựa lưng vào núi và nhìn lên một ngôi chùa cổ cheo leo vách núi. Bằng Tường đang xây nhiều chung cư cao tầng, có lẽ dân cư ở đây đang tăng lên nhanh chóng.
Thành phố cửa khẩu nối liền với Nam Ninh bằng con đường cao tốc nội địa mỗi bên 3 làn xe hơi và một làn đường phụ. Dải phân cách trồng hoa râm bụt suốt tuyến dài gần 180km. Khỏang 50 km có một trạm dừng rộng mênh mông đủ chỗ cho hàng chục xe lớn, nhà hàng luôn có thức ăn nóng sốt, siêu thị nhỏ nhưng đầy đủ hàng hóa cần cho người đi đường xa. Nhà vệ sinh sạch sẽ. Xe chạy tốc độ khỏang 100km/h, không hề thấy bóng công an vì suốt con đường được theo dõi bằng camera. Đường tốt làm khỏang cách như gần hơn. Không có cảm giác đây là vùng biên, càng không có cảm giác xa xôi heo hút dù con đường chạy giữa những ngọn núi đá nhấp nhô
Trên đường đôi lúc có cảm giác như đi giữa hai hàm răng sói khổng lồ…
3. Nam Ninh không phải là một thành phố trẻ. Khởi đầu thuộc vùng đất này thuộc tộc Bách Việt, về hành chính thì Nam Ninh đã có ít nhất hơn 2000 năm lịch sử từ khi vùng Quảng Tây thuộc về nhà Tần vào khỏang đầu thế kỷ 3 trước công nguyên. Trải qua những thời kỳ lịch sử khác nhau, Nam Ninh luôn có vị thế quan trọng tại miền biên giới phía Nam, là trung tâm cư trú của người Choang - dân tộc có đông dân chỉ sau người Hán trong cộng đồng 53 dân tộc của Trung Hoa. Đầu năm 1950 thành phố Nam Ninh được thành lập đồng thời được xác định là thủ phủ tỉnh Quảng Tây. Từ tháng 3 năm 1958 trở thành thủ phủ của khu tự trị người Choang Quảng Tây. Khỏang 10 năm trước Nam Ninh còn mang dáng dấp tỉnh lẻ, chỉ khu trung tâm là có dáng vẻ của một thành phố hiện đại với nhà cao tầng, khu thương mại, đường rộng rãi sáu làn xe hơi, nhưng xe đạp vẫn thong thả quay vòng trên những làn đường này… Từ khách sạn trung tâm nhìn ra nhà ga Nam Ninh, mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu đến, trăm ngàn lượt khách chủ yếu vẫn là nông dân từ các tỉnh miền núi phía nam đổ về tìm việc làm ở các công trường xây dựng ở phía Đông thành phố. Hôm nay đến Nam Ninh, nếu chỉ quan sát bằng con mắt thường ta khó có thể tìm ra mối liên hệ giữa “khu tự trị người Choang” với thành phố đang lớn lên từng ngày, “phố Đông” ở Nam Ninh đã hiện hữu, đẹp đến ngỡ ngàng!
Điều nhận thấy đầu tiên Nam Ninh là một “thành phố xanh”, xanh từ những hàng cây giữa dải ngăn cách của đường cao tốc, xanh từ những bóng mát từ những hàng cây ven đường, xanh từ những thảm cỏ xanh, luống hoa nho nhỏ trên vỉa hè, xanh dưới cầu vượt, xanh trước những chung cư, và xanh từ những công viên rộng mênh mông giữa lòng thành phố. Có đến 36% diện tích thành phố được phủ xanh, một con số đáng kể nếu ta biết rằng Nam Ninh đã lớn gấp đôi so với trước đây, khỏang 23.000 km2. Dân số hiện nay của Nam Ninh gần 7 triệu người, chưa kể số lượng gần 3 triệu người nhập cư “thời vụ”. Thành phố đang hướng đến mốc 10 triệu dân, bởi vậy dọc những con đường tôi qua chỉ thấy những chung cư cao vài chục tầng (trông xa xa không hiểu sao những tòa nhà ở đây lại “dẹp lép” như vậy, hóa ra vì chúng dài mà cao quá). Những ngôi nhà riêng ngòai mặt phố dần biến mất, chỉ ở khu phố trung tâm còn vài căn nhà mang dáng vẻ cổ xưa nay là cửa hàng bán đồ lưu niệm luôn tấp nập khách du lịch. Bù lại, nhiều nhà hàng, khách sạn kiến trúc rất hiện đại nhưng có lối trang trí đậm nét văn hóa truyền thống với mái ngói xanh, đèn lồng đỏ và vô số kiểu dáng và chi tiết hoa văn trong nội thất. Chung cư cao tầng là chính sách nhất quán trong sự quy họach của nhiều thành phố Trung quốc để tạo ra sự “an cư” cho cư dân đồng thời để có thế xây dựng cảnh quan đô thị quy củ, hiện đại.
Cũng như nhiều thành phố khác ở Trung quốc, đường phố ở Nam Ninh rất rộng với 6 làn xe chính, vỉa hè rộng rãi đủ chỗ cho người đi bộ đổ ra từ những bến xe bus hay từ những tòa nhà cao tầng. Giao thông công cộng phát triển nhất là xe bus, nhiều tuyến nhiều lọai xe bus tùy thuộc vào khỏang cách và mức độ dân cư đi lại. Xe máy điện, xe đạp vẫn còn phổ biến nhưng xe hơi cũng đã bắt đầu có hiện tượng kẹt đường vào giờ tan tầm. Giao thông công cộng phát triển ở Nam Ninh thể hiện 2 mặt: sự họach định chính sách lâu dài, quy họach đô thị từng bước chặt chẽ, những biện pháp chế tài nghiêm ngặt của chính quyền thành phố, đồng thời cũng là quá trình của tự giác và ý thức cư dân đô thị. Ví dụ: trên xe bus chỉ có tài xế (sư phụ), hai cửa lên xuống phân biệt rõ ràng. Cửa lên phía trước, hành khách tự giác bỏ tiền lẻ vào khe hộp tiền hay trình vé tháng. Cửa xuống phía sau, tự giác nhường cho người già, trẻ em. Được như vậy cần có sự thực hiện đồng bộ: nhiều tuyến xe, nhiều chuyến xe, bến xe thuận tiện, giá vé rẻ, tiển lẻ phổ biến, khuyến khích mua vé tháng, nhưng “kiểm tra giao thông” cũng thường xuất hiện bất ngờ trong vai người đi xe bus, phát hiện ngay người lậu vé hay sai phạm của tài xế như bỏ bến phóng nhanh vượt ẩu. Mỗi lỗi như vậy bị phạt khá nặng nên tính răn đe cao. Chỉ mới hơn 5 năm mà “văn hóa xe bus” đã phổ biến ở Nam Ninh. Đây là bước chuẩn bị cho cư dân làm quen với metro: tính tự giác, thói quen khẩn trương đúng giờ, đúng bến. Hiện nay Nam Ninh bắt đầu xây dựng tuyến metro xuyên đông tây thành phố.
Trong lịch sử, vùng Hoa Nam từ phía nam sông Trường Giang nằm trong khu vực văn hóa Đông Nam Á cổ với kỹ nghệ đúc đồng và nông nghiệp trồng trọt hình thành và phát triển từ rất sớm. Nhưng từ thời nhà Hán vùng này xa dần văn hóa truyền thống Đông Nam Á mà hòa nhập vào khối văn hóa Hoa hạ của miền Trung nguyên. Vùng Quảng Tây có thể được coi là một trong những “cửa ngõ” quan trọng để văn hóa Hoa Hạ đi về phía Nam. Bởi vậy thật dễ hiểu khi Quảng Tây xây dựng Trung tâm hội nghị và triển lãm ASEAN. Tòa nhà rất đẹp nằm trên một ngọn đồi cao ở phía đông Đại lộ Dân tộc. Đây là nơi thường xuyên tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế được tạo hình một bông hoa dâm bụt, loại hoa tiêu biểu cho Nam Ninh, 12 cánh hoa màu trắng lộng lẫy tỏa sáng dưới ánh nắng, tượng trưng cho 12 dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Tây. Một sự trùng hợp tình cờ chăng vì hiện nay Đông Nam Á có 12 quốc gia, trong đó 10 quốc gia đã gia nhập khối ASEAN. Chỉ tiếc một điều, tại sao chúng ta không xây dựng được một trung tâm như thế ở Lạng Sơn, Quảng Ninh hay Lào Cai, Cao Bằng, khi mà địa đầu phía Bắc của ASEAN là các tỉnh biên giới của Việt Nam? “Cái bóng” của nền văn minh Hoa hạ đến giờ vẫn còn quá lớn chăng, hay là ý thức tự chủ về kinh tế - văn hóa của chúng ta đã bị “cớm nắng”?!
Một lần tôi đến thăm xưởng chế tác đá ngọc ở khá xa trung tâm thành phố – nơi có nhiều sản phẩm độc đáo lấy mẫu từ những di vật tìm thấy trong các di tích khảo cổ học ở Quảng Tây. Bên kia xưởng đá ngọc là khỏang trống rộng mênh mông. Bức tường bao quanh cao vút phía trên có vòng dây thép gai, đưa mắt ra xa hơn thấp thóang mấy tháp canh. Những dãy nhà cao 5,6 tầng còn mới, tường sơn màu xanh, khung cửa màu trắng trông sạch sẽ, bình yên, nhưng nhìn kỹ mới thấy song sắt đan vào nhau khá dày. Đó là nhà tù của thành phố Nam Ninh. Giữa trưa nắng chói chang, một tiếng kèn ôboa vọng ra, bản valse nổi tiếng “dòng Đanuyp xanh” của Johann Strauuss. Tiếng kèn ngập ngừng những nốt đầu tiên nhưng cứ đến nốt cao nhất thì nghẹn lại…
Người tập kèn kiên nhẫn thổi lại đọan nhạc… thời gian với anh ta chắc còn dài lắm…/.