Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.080
123.198.457
 
Giữ đất
Huỳnh Kim

“Ba ngày Tết tôi với bả về trong Ô Môn cúng ông bà ăn tết với ba đứa con, chòi ruộng này thuê người giữ. Ngày thường cũng vậy, chỉ có giỗ chạp hay lâu lâu sum họp gia đình tôi mới bỏ ruộng về chợ”. Ông Ba Gon nói tiếp: “Làm nông dân mà bị mất đất là coi như tiêu luôn”.

 

Dựa lưng vào vách lá căn nhà nhỏ bên bờ ruộng, nheo mắt nhìn lướt qua cánh đồng lúa đông xuân cuối năm xanh mơn mởn, ông Ba Gon nói: “Nhưng giữ đất là giữ cái gốc để làm nông nghiệp chớ chỉ làm lúa thì không sống nổi”. Bà Ba vừa ngồi đan lưới vừa xem ti vi, cười ran đồng tình. Bà đan lưới để chắn gà vịt không cho xuống ruộng phá lúa; bầy gà vịt cả trăm con được bà bao trong những ô lưới quanh nhà. Ông bà tính gộp lãi ròng năm 2010 từ hơn một héc ta đất ruộng ở đây: 25 triệu đồng làm lúa + 10 triệu đồng nuôi gà, vịt, cá + 50 triệu đồng làm dịch vụ nông nghiệp. Ông giải thích: “Nhưng lúa tôi làm là lúa giống nguyên chủng bán cho Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long giá 8.000 đồng một kí chớ hổng phải lúa ăn bình thường. Còn làm dịch vụ thì tôi làm đủ thứ quanh năm cho bà con nông dân xã Tân Thạnh như bơm nước, cày đất, suốt lúa… bằng máy hợp đồng thuê của viện lúa”. Nhìn ông, chỉ thấy bộ ria là mới chứ còn áo sơ mi trắng thì đã trổ màu đất ruộng từ lâu. Ông lại chỉ tay ra cánh đồng trước mặt: “Hổng bám trụ như vậy thì chắc tôi đã bán luôn miếng ruộng này rồi”. Hỏi ra mới biết cái “miếng ruộng” 1,1 héc ta của vợ chồng ông Ba Gon giờ nằm trong bờ bao rộng tới 200 héc ta ruộng lúa thuộc Viện Lúa ĐBSCL.

 

Tết này lên tuổi 60, ông Cao Văn Gon làm ruộng từ năm 1975, vậy là tròn 36 năm làm nông dân ở đất Ô Môn, Cần Thơ. “Trải bao thăng trầm mà mình vẫn vượt qua được, cũng thấy tự hào”, ông nói nhỏ nhẹ. Lúc đầu ông nghĩ làm ruộng có thể đủ nuôi ba đứa con ăn học, nhưng rồi tới năm 1987 ông bắt đầu bán đất. Tới giờ, khi ba người con học xong đại học thì ông đã bán  gần hết một héc ta ruộng ở Long Hưng, giữ lại ba công vườn và một căn nhà cho con lập nghiệp. Tuổi già nhưng vẫn mê ruộng đồng nên sau khi con cái nên người ông kéo bà vô xã Tân Thạnh, giữ lại miếng ruộng cuối cùng này do cha ông để lại và làm nông theo kiểu như ông nói là phải “có nghề”.

 

Ông Ba Gon học xong lớp 12 trước năm 1975, biết tiếng Anh và có nhiều năm lăn lộn với hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ thời bao cấp nên ông hiểu ruộng đồng cần gì, nông dân cần gì. Lại được tiếp xúc thường xuyên với các nhà khoa học ở Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, được áp dụng kỹ thuật canh tác mới và mê thông tin thị trường, nên ông đã biết cách gắn ruộng đồng với dịch vụ nông nghiệp. “Tới vụ, tôi làm quyết liệt, đêm bơm nước thuê, ngày đi suốt lúa khắp nơi”, ông nói tiếp: “Tỉ như vụ đông xuân sau Tết này, tôi sẽ mở thêm dịch vụ kéo lúa từ ruộng lên bờ bằng xe cải tiến. Một héc ta kiếm được 80.000 đồng, ngày làm 5 héc ta, mỗi vụ lúa làm một tháng, một năm hai vụ, kiếm được cả chục triệu. Tôi giữ đất như vậy đó”.

 

Với chuyện áp dụng kỹ thuật nông nghiệp, ông Ba Gon nói gọn lỏn: “Tôi tiếp thu nhanh, sẵn sàng dạy lại cho bà con”. Có một thứ mà ông cho là mình đam mê, đó là thông tin kinh tế. “Tôi đọc báo, nghe đài, xem ti vi kĩ lắm. Thông tin nào liên quan tới thị trường trong nước và thế giới là tôi không bỏ sót”, ông kể. Khi nhắc tới chi phí canh tác, ông không xài chữ “thuốc trừ sâu” một cách dễ dãi như cách bà con nông dân quen xài khi kể chi phí “phân bón, thuốc trừ sâu…” mà dùng cụm từ “thuốc bảo vệ thực vật” như nhiều nhà khoa học hay nói.

 

Nhờ chuyên trồng lúa giống nguyên chủng giá cao và tính toán giỏi nên ông Ba Gon làm lúa luôn được lợi hơn nông dân khác. Nhưng vì mọi thứ, từ vật tư nông nghiệp đến hàng tiêu dùng ở nông thôn đều đang tăng giá, nên ông vẫn cho là “hai vợ chồng tôi làm chỉ đủ sống”. Ông nhận xét: “Mấy năm trước nông dân hơi nhẹ thở, năm nay mệt lắm, đời sống rất khó khăn”. Ông so sánh: “Tôi làm một năm hai vụ đông xuân và hè thu, lời 15 triệu đồng một héc ta trong khi nông dân nơi khác làm ba vụ chỉ lời khoảng 5,5 triệu đồng một héc ta, mà đa phần bà con chỉ dựa vào cây lúa, thì làm sao đủ sống?”. Rồi ông đề xuất: “Muốn nông dân không bán đất thì chắc là Nhà nước đang tính nhiều chuyện nhưng trước tiên theo tôi Nhà nước phải có kế hoạch bình ổn giá cho dân, nhất là giá lúa, và phải tính toán ngay từ đầu vụ. Chớ như vụ đông xuân năm rồi nông dân chỉ bán được giá 2.700 – 2.800 đồng một kí lúa thì chỉ có chết”.

 

Vẫn trăn trở với chuyện giữ đất ruộng, ông Ba Gon nói: “Bà con nông dân mình giờ đây đã tiếp cận được thông tin kỹ thuật nông nghiệp, làm lúa năng suất gấp đôi trước kia. Nhưng về tài chính thì eo hẹp lắm. Vô vụ thì phải vay ngân hàng hoặc vay nóng bên ngoài, thu hoạch xong thì phải bán lúa trả nợ chớ không thể giữ lúa để chờ giá được. Cứ quanh quẩn như vậy hoài. Nhà ai có hai con cho đi học là đuối sức liền”. Rồi ông thổ lộ: “Tôi đang ấp ủ một dự án làm ăn ở nông thôn. Đó là một kiểu hợp tác mới, một kiểu hùn vốn của những người tâm huyết, gắn được đồng ruộng với thị trường, nông dân có cổ phần. Có thể hình dung nó như một loại công ty cổ phần nông nghiệp vậy”./.                

Huỳnh Kim
Số lần đọc: 1831
Ngày đăng: 30.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tưởng Nhớ Anh Hoàng Ngọc Hiến - Lại Nguyên Ân
Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường - Ban Mai
Ai Về Quê Cũ Cho Tôi Nhắn - Mây Ngàn Phương
Di Sản Nỗi Buồn - Nguyễn Hàng Tình
Gặp Lại Sài Gòn - Thụy Vi
Ngày của Mẹ, Cám Ơn Con - Nguyễn Xuân Tường Vy
Riêng Với Cù Lao - Lê Trâm
Ngày Ấy Ở Krache - Trần Trung Sáng
Ngựa Hoang - Đồng Sa Băng
Tháng Tư Vữa - Nguyễn Thị Thanh Bình
Cùng một tác giả
Hàn vi (thơ)
(thơ)
Xa nhau (thơ)
Đêm (thơ)
Thu (thơ)
Nuôi cu (thơ)
Cánh Bướm nâu (truyện ngắn)
đất (thơ)
(thơ)
Đây là Scotland. (lịch sử)