Tony Karon, TIME, 28/01/2011, Hiếu Tân dịch
Nguồn: http://www.time.com/time/world/article/0,8599,2045099,00.html
Một người biểu tình hôn một sĩ quan cảnh sát trong cuộc biểu tình ở Cairo.
Ảnh: AAmr Abdallah Dalsh / Reuters
“Nước Mỹ không có bạn” Henry Kissinger đã có lần nhận xét như thế. “Nước Mỹ chỉ có các quyền lợi.” Theo logic đó, chính quyền Obama hôm thứ Sáu có lẽ đã bị động buông lỏng các quan hệ với Hosni Mubarak - không phải quan hệ cá nhân, bạn hiểu chứ, mà là tổng thống Ai cập đã trở thành tiêu điểm của sự thù địch căng thẳng từ nhân dân của ông ta sau 30 năm chính quyền độc tài ủng hộ ông ta trước một cuộc nổi dậy dân chủ đang lớn lên có thể đe dọa làm tổn hại những lợi ích khu vực lâu dài của Mỹ ở Ai cập.
Khi những đường phố ở Cairo, Alexandria và Suez sôi sục với những cuộc biểu tình chống chế độ hôm thứ Sáu, Chính quyền vẫn khăng khăng nói rằng các lực lượng an ninh của Mubarak kiềm chế không dùng vũ lực chống lại những người biểu tình hòa bình, và trái lại, không chỉ tôn trọng các quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp của họ, mà còn lưu ý đến những nỗi bất bình của họ.Những tuyên bố của Nhà Trắng dường như ngày càng có vẻ nói với “các nhà cầm quyền” Ai cập trên đầu Mubarak. Liệu có thật Tổng thống Obama đã nói chuyện qua điện thoại với đồng minh cực kỳ quan trọng của Mỹ này, trong lúc cuộc khủng hoảng đang diễn ra hôm thứ Sáu không? Không, ông không nói, thư ký báo chí Nhà trắng Robert Gibbs đã thú nhận chiều Thứ Sáu, lặp đi lặp lại câu thần chú về ‘kiềm chế, cải cách, và lắng nghe những đòi hỏi của những người biểu tình’.
Nhưng đòi hỏi đầu tiên của những người biểu tình lại chính là đòi hỏi mà Mubarak không có ý định lưu ý: đòi ông ta ra khỏi chính quyền. Khi tiến sĩ Mohammed ElBaradei, con người ôn hòa đoạt giải Nobel Hòa bình và là cựu thanh tra hạt nhân, người đã đóng một vai trò dẫn đầu trong phong trào dân chủ đang trỗi dậy, nói rõ trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu - trước khi ông bị đặt vào vòng quản thúc - “chúng tôi sẵn sàng dàn xếp với chế độ để đảm bảo một cuộc chuyển đổi trật tự và êm thấm, nhưng vấn đề Mubarak phải ra đi thì không có gì phải bàn cãi.”
Khi Mubarak không lên nói trên truyền hình quốc gia vào đầu buổi tối như đã hứa, người ta càng suy đoán rằng chế độ đã bối rối về sức mạnh của các cuộc biểu tình hôm thứ Sáu. Và sự kiện quân đội do Mubarak phái đến các đường phố để kiểm soát lệnh giới nghiêm đã kéo đến nhưng có một thái độ tương đối dễ dãi thoải mái với những người biểu tình, đã tiếp thêm vào hy vọng lạc quan chung rằng con người bạo lực này có lẽ đang tính đường chạy trốn. Bỗng nhiên, tên tuổi của Hussein Tantawi, Bộ trưởng Quốc phòng 75 tuổi của nước này, người ở Washington trong một chuyến viếng thăm định trước trong tuần lễ biểu tình này, được đem ra chào như một [người có thể có thể là] tổng thống lâm thời.
Một số nhà phân tích suy đoán rằng Mỹ có thể đã học được từ sự sụp đổ của tổng thống Ben Ali của Tunisia, và những cuộc thất bại trước đây như sự sụp đổ của Shah ở Iran năm 1979, bằng cách thiết kế sự ra đi của một tay độc tài mà sự thống trị của ông ta đã trở nên không thể giữ lại được nữa, nhằm tháo ngòi nổ cuộc nổi dậy và chuyển giao cho một chính phủ có trách nhiệm hơn, được điều hành bởi một lãnh đạo tiếp tục ưu tiên cho các lợi ích của Mỹ trong khu vực. Dù sao, những người biểu tình cũng cho thấy rõ họ không quan tâm gì đến những hứa hẹn về một Mubarak hiền lành hơn, và sẽ không chịu yên cho đến khi ông ta ra khỏi chính quyền.
Nhưng quy tắc của Kissinger đúng với các đồng minh và chư hầu của Mỹ hơn là với Washington: những quyền lợi của Mubarak không nhất thiết phải phù hợp với của Mỹ. Ông ta nói chung đã nhiều năm phớt lờ sức ép của chính quyền Obama và những người tiền nhiệm, là tiến hành cải cách để nhằm tránh cái kịch bản mà hiện nay ông ta phải đối mặt, và trong một bài nói trên ti vi cuối cùng cũng đã được thực hiện vào lúc nửa đêm, giờ địa phương, Mubarak xuất hiện trông dao động, giải tán chính phủ của ông ta và hứa chỉ định một chính phủ mới vào Thứ Bảy, tự tuyên bố ông ta là một tác nhân của cải cách và nhân quyền, và tuyên bố rằng “chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc cải cách chính trị, kinh tế, và xã hội của chúng tôi, vì một xã hội Ai cập tự do và dân chủ.” Nói cách khác, ông ta không đi đâu cả. Thật ra, Mubarak đã biện hộ cho sự đàn áp thẳng tay của ông ta, thề rằng ông ta sẽ “bảo vệ” Ai cập khỏi “sự vô chính phủ” của những người biểu tình.
Bài nói bị mọi người chế nhạo trên các đường phố, và các nhà phân tích cảnh báo rằng nó sẽ có thể làm mạnh thêm các cuộc biểu tình. Và vì sợ mọi người nghi ngờ rằng Nhà trắng công nhận lập trường của Mubarak như một tuyên bố thách thức với Washington, Tổng thống Obama vội tuyên bố sau đó một giờ rằng ông đã nói chuyện với đối tác Ai cập sau bài nói, và đã làm “rất rõ” rằng Mubarak có một nghiã vụ kiềm chế khỏi bạo lực chống lại những người biểu tình hòa bình, mở lại SMS và Imternet mà chế độ của ông ta đã ngăn chặn, và tiến hành “những bước cụ thể” tới cải cách. “Cuối cùng tương lai của A cập sẽ được quyết định bởi người Ai cập,” Obama nói. “Các chính phủ có nghĩa vụ trả lời công dân của họ.” Thư ký báo chí Gibbs treo giá lên hành vi xấu của Mubarak sau này, cảnh cáo rằng một gói viện trợ hàng năm 1,3 tỉ $ của Mỹ gửi cho các lực lượng an ninh Ai cập sẽ được xem xét lại trên cơ sở cách Ai cập đối xử với những người biểu tình.
Chính quyền đang trong thế kẹt, nhưng đó là kẹt về chiến lược hơn là về đạo đức: Ủng hộ những tên bạo chúa dù bị chính nhân dân của họ kinh tởm nhưng sẵn lòng tuân lệnh Washington trong những vấn đề quốc tế, là truyền thống kéo dài nhiều thập kỷ ở Trung Đông cũng như ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. Các vấn đề với Mubarak không đơn giản là những phương pháp của ông ta xung đột với những giá trị mà Mỹ công khai thừa nhận, nó là ở chỗ cái chế độ độc tài sắp vỡ của ông ta có vẻ như đang đi vào giai đoạn tàn tạ cuối cùng, với khả năng Mỹ có thể ở vào phía trái của lịch sử. Khả năng kiểm soát toàn thể nhân dân của ông ta có lẽ đã bị choảng một đòn trí mạng bởi những cuộc biểu tình hôm thứ Sáu, trong đó mười ngàn người đã hết sợ hãi thách thức chính quyền. Trong một ngày, những người dân Ai cập bình thường đã chiếm các đường phố, các lực lượng an ninh không có khả năng kiềm chế họ - mặc dầu 26 người chết trong buổi cuối ngày nhấn mạnh tổn thất đau thương của cuộc đấu tranh ở một số nơi. Và khi đêm xuống ở Cairo, những ngọn lửa thiêu rụi các trụ sở của đảng Dân tộc Dân chủ của Mubarak như một biểu tượng hùng hồn của một niềm say mê bùng vỡ. Đối với một con người mà những quyền lợi chủ chốt của Mỹ, như đường buôn bán qua kênh Suez hay hòa bình giữa Israel với các nước láng giềng A rập, phụ thuộc vào chính quyền của ông ta, Mubarak bỗng nhiên trông không còn có vẻ một cửa đặt cược an toàn.
Cái logic của quyền lợi dài hạn ấy có thể ra lệnh cho Mỹ tránh xa khỏi Mubarak và cố gắng giành cảm tình của phe dân chủ đối lập - phần lớn họ vẫn còn nghi ngờ sâu sắc về những động cơ của Mỹ, sự ủng hộ vô điều kiện của nó cho con người bạo lực cho mãi đến gần đây hôm thứ Ba, khi Hillary Clinton còn bình luận rằng chế độ này là “ổn định” và “đang tìm cách” để xử lý những nỗi bất bình của những người biểu tình đã khiến các đám biểu tình la ó phản đối. Nhưng phong trào phản kháng giăng ra chống Mubarak là một phong trào rộng rãi bao gồm cả những nhân tố mà Washington nhìn với con mắt nghi ngờ, nhất là trong số họ có cả phong trào mạnh Muslim Brothehood.
Tuy nhiên, dù kết quả nào là tối ưu cho sự ổn định và các lợi ích của Mỹ, Mubarak cho thấy rõ ông ta vẫn đang cố thủ. Điều này có nghĩa là biểu tình chống đối sẽ còn dữ dội hơn trong những ngày tới, những tuần tới. Và cuộc đấu tranh để loại bỏ ông ta càng nhiều đau đớn, thì càng ít có khả năng những người bảo trợ lâu dài của ông ta được hưởng lợi về mặt chiến lược từ sự thay đổi này./.
HT 290111