Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
782
123.240.501
 
Tết cố hương
Thanh Giang

Thời chiến chinh, Tết chiến khu gian khổ, Tết chiến trường đạn bom, nhớ Tết cố hương da diết đã đành. Thời hòa bình, Tết thành phố tiện nghi, Tết làng quê điện sáng; nào karaôkê, ti vi, nào trò chơi điện tử hiện đại … Ấy vậy mà Tết cố hương vẫn cứ lừng lững sống lên trong hòai niệm. Và cũng chỉ còn trong hòai niệm mà thôi!…

Trước tiên là nhớ má tôi tết năm nào cũng quết bánh phồng, từ  20 tháng chạp, sau khi tảo mộ xong rồi. Đó là tục lệ của ông bà. Bánh phồng là một món bánh đặc trưng cho ngày tết quê tôi. Nhưng nhà nghèo, má tôi quết bánh phồng để bán lấy lời cho con ăn, mỗi năm chỉ một lần. Tôi được dịp theo má đi chợ huyện Mỏ Cày coi pháo “ông thiên” bắn lên đỏ trời cho càng thêm rạo rực tuổi thơ.

Vào những khuya ngày ấy, tôi tự thức dậy, co ro trong hơi gió bấc lạnh lùng, ngồi chực hờ bên hông lò ấm áp, để chờ được má cho nắm xôi vừa mới dỡ ra trong trả, bốc hơi nóng hổi thơm lừng. Cầm nắm xôi để trong tấm lá chuối xanh, tôi bước ra bờ sông vừa thổi, vừa ăn. Một niềm thú vị nhớ đời! bấy giờ trời hừng đông. Bên bờ sông Cái Sấu, một nhánh của con sông Vàm Nước Trong ăn ra sông Hàm Luông, ra biển. Màn sương chan hòa hơi nước trắng mờ, cho cảm giác như là dòng sông sương mang hương xôi trôi êm đềm. Hương sương dâng tràn lan lên tàn cây vú sữa lúc lĩu những chùm trái no tròn trắng tươi. Bên cạnh là cây me vào mùa ra hoa, đàn ong về hút mật, phát lên hợp âm ù u… ảo huyền. Cùng với tiếng chày má tôi quết bánh, thôn xóm hòa nhịp đối nhau : ran lên bụp bùm, bụp pình!…Nghe thật là vui tai! Rồi như bản hòa tấu được đệm trống, tiếng pháo lùng, pháo tre, vấn bằng lạt tre, hoặc đốt ống lói cũng bằng ống tre, thụt mắt, khoét lỗ ở đáy, bỏ cục khí đá( đất đèn ) và đổ ít nước vào, lắc ống cho khí đá sôi, chăm lửa vào lỗ, phát tiếng nổ cỡ bằng pháo cối 60 ly. Những ngày quê tôi đồng khởi, bà con cũng đốt ống lói phụ họa với trống mõ, làm nhão tinh thần binh lính rồi xông vô lấy bót. Nói về chơi pháo lùng, pháo tre cũng là một điệu nghệ do kinh nghiệm dân gian lưu truyền. Đốt pháo lùng, pháo tre, người ta sắp hàng pháo đài theo đường làng, rồi cầm cây rọi vừa đi vừa châm ngòi. Pháo nổ đì đùng đuổi theo sau lưng. Ai chơi sang, sắp hàng pháo nhặt thì vừa chạy vừa châm ngòi, pháo nổ thành tràng dài…Miền thôn dã quê tôi không đốt pháo tập trung đêm giao thừa mà đốt lai rai suốt đêm từ rằm tháng chạp cho đến mùng bảy hạ nêu, coi như là sự giao lưu giữa thôn này xóm khác, giữa trong sông Cái Sấu hòa điệu với ngoài Vàm Nước Trong, ai nổ dòn hơn ai?

Sáng mùng Một Tết, má tôi kêu dậy sớm, thay quần áo mới, đó cũng là nỗi nôn nao như câu ca : Cu kêu ba tiếng cu kêu; trông mau tới tết dựng nêu ăn chè. Rồi cúng nuớc, thắp nhang lạy bàn thờ ông bà, khoanh tay mừng tuổi má, được má hôn và cho tiền xu. Có tiền xu trong túi áo mới rủng rẻng đi đánh đáo, hoặc mua pháo chuột đốt đì đẹc. Lại nhớ câu thơ trong bài học lớp Đồng ấu : Đì đẹc ngòai sân tràn pháo chuột. Om thòm trên vách bức tranh gà. Nhưng “vui như tết” đối với tôi thích thú nhất là các trò chơi dân gian như: leo sơn trong, cạp chão, nhay chỉ, bắt vịt…Có lẽ xôm tụ nhất là trò chơi bắt vịt. Quê tôi miền sông rạch, ngày đêm hai con nước lớn ròng xoay vần theo trăng. Hằng tháng, trăng rằm nước kém, chiều 30 nước rong dâng đầy sông; những chiều sau muộn dần. Chiều mùng Ba Tết là ngày tổ chức cuộc chơi, con nước lớn gần đầy sông. Người tham dự là những chàng trai làng bơi lội giỏi như rái. Con vịt hãng vốn từng kiếm ăn trên sông nước, được thả xuống sông, quạt cánh kêu “cạp cạp” như thách thức. Các chàng trai lưng nách, săn gân bắp, phóng đùng từ trên cây cầu ngang xuống sông. Lãnh thủy của mình, chú vịt bơi lặn thật nhanh nhẹn. Các chàng trai trỗ tài không kém, song cũng phải đỏ lừ con mắt mới bắt được chú vịt. Bắt được con vịt này, con khác được thả xuống; cuộc chơi kéo dài. Trên cây cầu ván, cột sạn bắc qua sông và đôi bờ người coi chen chúc nhau, hò reo ầm ĩ cả dòng sông. Trong đó khá đông là các cô thôn nữ, khiến cho các chàng trai thêm hừng chí lớn, vừa bơi lội dưới sông, vừa “ đá lông nheo ” trên bờ…

Sau hòa bình.

Mỗi lần Tết về quê thắp nhang mồ mẹ, tôi không khỏi rưng rưng nhớ những khuya gió bấc lạnh lùng, ngồi chực hờ bên lò lửa ấm, chờ má cho nắm xôi… Và lòng cứ bồi hồi đứng trên cây cầu ngang lát bằng những tấm đan bắc qua con rạch Cái Sấu mà hồi nhỏ tôi coi nó là con sông lớn mênh mông. Lạ sao, bây giờ trông nó như thu nhỏ lại ! Con nước lớn vẫn như chiều xưa chảy vô ngọn nguồn dâng đầy sông, nhưng mà lặng lẽ quạnh hiu! Đâu rồi trò chơi bắt vịt xôn xao sông nước ? Đâu rồi bà con dân làng cùng các cô thôn nữ ngồi trên cây cầu ngang hò reo cỗ võ các chàng trai ầm vang cả khúc sông ! Tiếng hát qua những băng từ điện tử vẳng lên mang màu sắc hiện đại vẫn không sao bù lấp được nỗi trống vắng niềm vui thôn dã của cộng đồng dân gian !…

Ôi ! Niềm hạnh phúc, niềm vui  của Tết Hòa Bình phải trả giá bằng xương máu cực kỳ đắt !

Cuộc đời bây giờ “ Vui như Tết” đã trở về đúng nghĩa.

Song mỗi độ Xuân về, trước dồi dào món ngon vật lạ, trước đa dạng trò chơi điện tử chóng mặt, ngốn vô độ thời gian vào đam mê hưởng thụ, lòng tôi hằng ai hoài niềm vui sáng tạo và nhớ nhung đến xao xuyến những ngày Tết Cố Hương với hình ảnh mẹ kính yêu cùng những trò chơi dân gian hòa điệu với thiên nhiên bình dị mà lắng sâu hồn người. Một nguồn vui ấm cúng hòa điệu giữa Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa bổ dưỡng tâm hồn, trí tuệ cho con người vô giá,  không có điện tử hay phép mầu nào thay thế được !     

Thanh Giang
Số lần đọc: 2973
Ngày đăng: 28.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bữa cơm gạo mới - Thanh Giang
Bửu Chỉ, người chiến sĩ, chiến sĩ quả cảm - Võ Quê
Thời tiết Huế - Võ Quê
Nhớ đất - Nguyễn Ngọc Tư
Một mái nhà - Nguyễn Ngọc Tư
Mùa xoài - Lâm Triều An
Dòng sông quê mẹ - Trần Minh Trường
Cá rô lội ngược - Võ Ðắc Danh
Mùa trái mắm - Võ Ðắc Danh
Nhớ đồng - Võ Ðắc Danh