Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.279
123.158.019
 
Đêm Khải Huyền
Quý Thể

Người ta kể lại rằng đêm đó khi nàng cất lên tiếng hát, đại thính đường tràn ngập một mùi thơm đặc biệt, ban đầu không ai biết mùi gì, sau có người nói mùi Long Diên Hương. Chị Tro, một người đàn bà ốm nhom như con cá hố phơi khô, ở thôn Cận Hải, làm nghề rỗi, có chồng đi biển, lượm về một thứ, mới trông như sáp ong, mùi thơm lạ lùng, bỏ trong hai ba cái túi ni lông cột chặt lại, mùi thơm vẫn bốc ra ngoài . Trong làng chẳng ai biết là gì, đem tới nhà ông cụ Luận, tám mươi chín tuổi, ba đời làm nghề thầy thuốc, cụ nói đó là Long diên hương, cái mùi ái tình của cá voi đánh dấu con đường nó đi giữa biển cả mênh mông cho con cái tìm thấy. Thầy nói mùi lạ lắm, ngửi một lần nhớ ba năm, đêm nằm chiêm bao thấy sóng, sáng dậy nửa ngày còn say sóng lao đao…


Nàng hát hay đến nổi thính giả hàng ngàn người tràn ngập đau đớn, quằn quại trong một thứ hạnh phúc dữ dội, tàn nhẫn. Có người nức nở, có người đê mê, có người ngất xỉu. Xe cứu thương tới lui chở người bị thác loạn thần kinh tới bệnh viện tấp nập. Tiếng còi của những chiếc xe sơn trắng có hình thập tự đỏ, nghe không ghê rợn mà dịu dàng thánh thót như nhạc giáo đường. Tiếng hát của nàng trong vắt giống như đựng trong lọ thuỷ tinh mở nút bay ra một làn hương. Tiếng hát trong như một khoảng chân không, đó là thứ vật chất chẳng có gì, gọi là ê-te, theo cách nghĩ ở thời của những nhà giả kim thuật. Tiếng hát sắc như dao cạo, con dao sắc bén đến nổi cứa vào da tê tái đê mê. Tiếng hát cao dần, cao dần, từ bát độ này sang bát độ kia, trở thành siêu âm. Khi âm thành rung động đã đến tần số siêu âm thì tai người chẳng còn nghe, nhưng những chiếc bóng đèn thuỷ tinh cảm nhận trước tiên. Tội nghiệp, những chiếc đèn nội hoá làm dõm, mỏng manh  treo ở quầy bán vé nổ trước tiên. Nơi đây tối như đêm ba mươi, tiền bán vé rơi lả tả, chẳng ai nhặt, sau này phải dùng chổi để gom lại. Rồi tới mấy bóng đèn trong phòng vệ sinh không chịu nổi tần số rung động siêu âm, biên độ siêu âm nổ lốp bốp như ngô rang. Người ra vào không còn đủ ánh sáng phân biệt nơi nào dành cho nam, cho nữ, để xảy ra vài đụng chạm hoặc hiểu lầm, thực đáng tiếc. Rồi thì tới lượt mấy cửa kính vỡ, thuỷ tinh rơi loảng xoảng. Chiếc vòng đeo tay bằng thứ ngọc thạch giả rẻ tiền nơi cánh tay bà bộ trưởng gảy làm ba. Bà làm bộ kêu to :”Ôi chao ! Chiếc vòng ngọc thạch đáng giá bốn cây rưỡi vàng gảy rồi !”. Ông bộ trưởng nói:”Để tôi đền”. Bà ta cười thầm trong bóng tối, cám ơn nàng ca sĩ có tiếng hát lạ thường. Rồi thì tất cả đèn đóm trong phòng lần lượt vỡ tung, từ trên cao trút xuống một trận mưa thuỷ tinh trông như chiếc đuôi ngôi sao băng. Đèn đuốc tắt ngấm  cả nhưng căn phòng to lớn luốm nhuốm một thứ ánh sáng màu xanh, ánh sáng ma trơi, ánh sáng lân tinh, ánh sáng huyền hoặc do nọc độc loài rắn nhả vào vết thương gây ảo giác lập loè đom đóm.


Và nàng quị xuống. Một con rắn lục từ chiếc mi-crô phóng ra cắn vào môi nàng. Tiếng hát tắt nửa chừng, cơn thác loạn đi qua để lại tàn phá như một cơn bão, đồ vật đổ bể ngổn ngang. Mọi người sực tỉnh kéo nhau ra về. Chị Diên bán đồ khô ở chợ Đầm, ngày thường bán cá khô, mắm ruốc, rằm mùng một bán tương chao. Chị chống tay lên thành ghế ngủ ngon lành. Ông Thuận chồng chị, suốt đời chẳng làm việc gì ngoài việc tụng kinh gõ mỏ, thuộc lòng bộ kinh Niết Bàn, hiện là cư sĩ tu tại gia. Ông Thuận đánh thức vợ dậy vừa đúng lúc tiếng hát đưa bàn chân trái của chị Diên lên phiến đá nơi cửa Địa Đàng. Chị tức lăm, vì chỉ còn một bước nữa đã vào cõi cực lạc thế mà bị kéo ra. Tối đó chị không cho chồng ngủ chung. Ông Thuận ôm mền gối, nói:”Chẳng cần, ra hiên ngủ sướng hơn!”. Nói thế nhưng đêm đó ông Thuận chui xuống bếp vùi đầu vào mái tóc rậm và cứng như đuôi trâu đầy mùi nước mắm hành tiêu ớt tỏi của con mụ giúp việc tên là Cối. Ông nghĩ lại rất giận vợ và ghét luôn cái Niết Bàn. Đêm đó ông mơ thấy mình lần mò tới tới tầng thứ bảy cõi A Tỳ. Ông thấy địa ngục cũng chẳng đến nỗi nào, nhà cửa khang trang, đường sá sạch sẽ. Người với quỉ sống chung hoà bình vui vẻ và lịch sự. Ông đến gần một con quỉ đang điều khiển nút giao thông hỏi đường, nó đứng nghiêm chào theo kiểu nhà binh rỗi nhã nhặn chỉ đường cho ông. Không biết do hắn làm việc tắc trách hay mới từ quê lên thành phố, chưa thuộc tên đường, thay vì chỉ cho ông xuống tầng thứ tám hắn lại chỉ đường trở lại dương thế. Ông giật mình tỉnh dậy. Mụ Cối, người đàn bà hôi mùi nhà bếp chẹn cái bắp đùi to bằng gốc chuối lên ngực ông làm cho ông nghẹt thở sinh ra giấc mơ kỳ dị vừa qua. Gà gáy sáng, ông ôm gối mền lên nhà trên. Lúc này, sau một giấc ngủ đầy, chị Diên thấy trong người khoan khoái, hết cả giận, kêu chồng vào nằm chung. Ông Thuận sợ vợ nghi, trưa không cho ăn cơm nên dù đã ngấy đàn bà tới cổ cũng lết vào nằm. Vợ thấy chồng nằm yên, tức lắm, nhưng chẳng biết nói sao, hỏi :”Đêm qua cô gái hát hay không ?”. Ông Thuận nói :

- Hay ho gì, làm vỡ hết cửa kính với bóng đèn. Hát hò kiểu đó chủ rạp phá sản !


Anh em nhà Tạo xem hát xong trở về cãi cọ nhau một trận kịch liệt.  Nhà Tạo có ba người, Tạo cha, Tạo anh, Tạo em. Tạo cha Tạo anh làm nghề hớt tóc dạo, cha xóm trên, con xóm dưới. Riêng có Tạo em không theo nghiệp cha, cha ghét lắm, gọi là đồ bất hiếu. Thằng em ở nhà mài dao kéo với tông đơ cho cha và anh, ngoài ra còn đi chợ nấu ăn. Hắn có tài mài dao. Hắn tin rằng có thể mài con dao bén đến nổi cắt đứt da thịt mà người ta không hay. Khi ấy không còn gọi là con dao mài mà phải xem đó là một “phương tiện giải thoát”. Giải thoát gì ? Hắn tự trả lời :”Giải thoát con người ra khỏi cuộc đời héo hon chật chội này”.


Tạo anh cải lộn với em không lại tức quá, lúc đầu tính xô đổ tủ đựng chén đĩa, sau thấy tiếc, lựa mấy cái chén đất mà đập cho hả giận. Tạo em ra sân ngồi một mình dưới ánh trăng cuối tháng. Mặt trăng trông xấu xí như mắc bệnh phong hủi. Tạo em nghĩ tới thân phận con người, không cầm được nước mắt.


Hai anh em cải nhau về việc con rắn lục từ đâu chui ra? Từ hộp  đàn dương cầm hay từ máy phóng thanh?  Tạo em ngoài việc mài dao còn đọc sách đông tây kim cổ. Hắn cho con rắn chỉ là phương tiện của đấng hoá công mà cụ Nguyễn Du đã nói trong lý thuyết xuyên suốt của truyện Kiều “Tài mệnh tương đố”. Vì tiếng hát của nàng quá hay, đạt tới tuyệt đỉnh rồi nên nàng phải chết. Nàng không thể hát hay hơn thế nữa, chấm dứt vào thời điểm cực sáng ấy là vừa. Con rắn đúng là một nhà hiền triết. Tạo em cầm quyển sách rắn học, nọc độc học vào nhà thắp đèn lên đọc. Chương mười bảy nói về rắn lục. Loài rắn này màu xanh lá mạ, con cái biết trang điểm cho mình cái đuôi hồng vào thời kỳ yêu đương. Chúng nó thường sống trên giàn hoa thiên lý, bắt chim se sẻ để ăn, cắn người để chơi. Chúng sống ở trên cao nên không thể mổ vào tay chân con người được. Chúng cũng không thể tấn công vào đỉnh đầu vì chúng rất sợ tóc. Tóc người ta là một thứ lông lá đáng sợ. Trên đất, trong rừng, dưới biển, không có con vật nào có một chõm lông dài trên đầu còn thân thể lại trần trụi. Rắn lục chỉ thích cắn vào môi, môi hồng, môi trái tim, môi cắn chỉ, môi dày, môi mỏng, miễn là môi đàn bà con gái, vì môi họ thường ăn hàng, nói láo và dùng để hôn là tốt nhất. Có những chiếc hôn ngọt ngào chết người! Rắn lục sợ có kẻ cạnh tranh với mình. Cô gái nào bị cắn vào môi phát ra thứ ánh sáng màu xanh lân tinh, màu xanh chất đồng vị phóng xạ côban, thứ người ta chứa trong những chiếc kim cắm vào khối u ung thư. Thứ ánh sáng quái quỉ này trong phút chốc tràn lan gây ảo giác cho những người chung quanh.


Tạo anh đập xong mấy cái chén rẻ tiền đã hả giận, hối hận tới ngồi cạnh em vuốt ve an ủi:”Thôi con rắn lục nơi đâu chui ra cũng được, miễn là nó tồn tại và nó đã cắn môi người con gái. Con rắn đã thực hiện xong công việc của nó, chẳng thể xoay chuyển gì được nữa, mọi sự đã được an bài, dù có phi lý cách mấy cũng phải chịu“. Người em nghe thế lại khóc to hơn. Tạo anh không  biết tưởng em còn giận mình. Tạo em thở dài nói:”Ôi cuộc đời phù du, ngắn ngủi, tro bụi nhọc nhằn…”Tạo anh tưởng thằng em mình làm thơ. Nó mà mê làm thơ thì còn ai mài tông đơ với dao kéo?  Nhưng không. Tạo em hỏi :”anh có biết ông cụ Tuần không ?”. Tạo anh đáp, biết. Tạo em thở dài than :

- Suốt một đời bon chen danh lợi, lúc qua đời con cháu đem đi hoả táng mang tro về, ai cũng tưởng ít nữa phải được một thúng, đâu dè không đựng đầy cái gáo dừa ! Ôi “những gì còn lại” mỉa mai là thế …


Người em lại khóc. Những giọt nước mắt rơi xuống đất chẳng có thứ cây trái huyền thoại nào mọc lên cả. Nước mắt chỉ là những giọt mằn mặn, chừng vài phần ngàn muối, độ mặn thua xa nước biển, thế mà tại sao có người ví đời là bể khổ, nước mắt thành biển, nói như thế là nói ngoa. Hai anh em nhà Tạo làm lành với nhau. Họ vẫn còn thắc mắc, tại sao con rắn và người phụ nữ là đồng minh lâu đời với nhau từ thuở trong vườn địa đàng tại sao nay lại xích mích ? Sự thực vào đêm hôm đó có con rắn cắn môi người ca sĩ hay không ?


Lão Niên, một lão già sáu mươi chín tuổi, đi lính hai mươi bốn năm bị một viên đạn kẹt lại trong cột sống. Cái đầu đạn này là đạn súng săn làm bằng chì. Lão bị thương không phải do hòn đạn mũi tên của quân thù mà chỉ vì người ta lầm tưởng lão là con nai chà đang xuống khe uống nước. Hôm đó lão mặc bộ đồ ka ki màu vàng, trời chập choạng tối, mấy thằng lính thấy lão tưởng con nai, bắn một phát. Chất chì gây nhiễm độc dần dần hệ thần kinh, chất độc chạy đến chân làm lão bị liệt, chạy lên não làm cho lão ăn nói lung tung. Ban ngày, đến đâu lão cũng thấy ma quỉ. Quân đội không còn dùng con người này nữa. Họ cho lão cái chức trung sĩ với cái huy chương. Lão mang hai thứ này đi xin việc sáu năm không ai nhận. Cuối cùng nhà hát cho làm chân kéo màn. Không hiểu có phải vì chất chì làm biến dị hệ thần kinh hay không mà lão có một biệt tài, đó là “cảm giác nghệ thuật”. Lão biết kéo màn vào đúng thời điểm đáng kết thúc nhất. Không sớm, không muộn một giây, khi nào thì nên cho cuộc đời kết thúc từ từ, khi nào cho cuộc sống kết thúc một cách đột ngột đều do lão chọn cả, và thường chẳng bao giờ sai. Đào chính, đào phụ, kép chính, kép phụ, đạo diễn phó đạo diễn, kể cả tác giả kịch bản đều giao cho lão cái  quyền kết thúc, kết thúc một cuộc đời kịch. Từ đó lão có tên là :”người kéo màn”, có khi còn gọi là “người kết thúc”. Ôi trong cuộc đời sự kết thúc đúng lúc thường hiếm thấy. Có nhiều người khôn ngoan, từng trải, thủ đoạn, làm to, biết đủ thứ nhưng lại không biết kết thúc để cho nó đổ vỡ vào phút cuối, thực đáng tiếc. Đúng là chẳng biết cái thuật “xuất xứ” của cổ nhân .


Không biết giữa cô gái và ông lão có một sự giao tiếp bí ẩn theo kiểu sóng điện từ, phóng lên tầng điện li phản xạ xuống cái cột sống có kẹt viên đạn chì nào không mà ông lão kéo màn đúng lúc cần thiết nhất. Chính nàng muốn như thế, để đến khi già, khi xấu, chết như một bà già ở trên giường thì còn gì vô duyên cho bằng. Không phải kịch bản mà chính cái cảm giác kịch quyết định tất cả. Mỗi khi hai cánh màn nhung khép lại thì luôn luôn ngày hôm sau ông chủ rạp phải cho người leo lên nóc rạp thay mấy viên ngói, đóng lại mấy cái đinh, ngói nứt, đinh long do tiếng vỗ tay vang như sấm. Mỗi lần đóng đinh thay ngói ông chủ rạp, ông bầu gánh không buồn, họ rất vui. Hôm đó thường cả hai ngồi lại với nhau đếm tiền đến khuya, tiền rách, tiền lẻ dùng để ăn cháo gà với đấm bóp. Đêm nay cũng thế.Cô gái quị xuống cùng với hai cánh màn nhung khép lại, khép lại một cuộc đời, thực là một kết thúc tuyệt hảo, chẳng mong đợi gì hơn. Ngôi sao sáng nhất, ngôi sao đẹp nhất đã vỡ tung và người nghệ sĩ già kéo màn hay bấm máy vào đúng cái thời khắc bi tráng nhất. Đêm đó ông chủ rạp hát với ông bầu không còn đủ hơi sức đếm tiền . Tiền nhiều quá, họ tuôn đại vào những chiếc bao tải, một người cầm miệng bao, người kia leo vào ra sức dẫm. Ông chủ rạp người to béo, nặng cả tạ nhảy chồm chồm trong bao vẫn không đè bẹp tiền. Hai người làm việc tới khuya, mệt quá ngủ li bì cạnh mấy bao tiền, bỏ hai mụ vợ nằm suông ở nhà .


Đêm đó lão Niên “người kéo màn” thất thểu trở về.  Trên đường ai hỏi gì lão cũng không nói. Về nhà vợ lão hỏi cũng ngậm câm. Lão run rẩy như người vừa trải qua kinh nghiệm khủng khiếp. Ngày hôm sau lão hoàn hồn, lão kể :”Khi tiếng hát của nàng lên cao dần, mọi thứ có thể vỡ đã vỡ, chỉ riêng dép lốp quí ông cán bộ, nịt vú quí bà trong hội liên hiệp bằng cao su mút là không vỡ thôi, tất cả mọi nguồn sáng đều tắt ngấm,  đèn hột vịt thắp lên cũng tắt thì cả sân khấu đại thính phòng nhuốm một thứ ánh sáng màu xanh, xanh như mắt mèo, xanh như ma trơi, màu xanh quỉ, canh trứng sáo, xanh rắn lục … Lão còn kể tới tám mươi mốt màu xanh khác nhau, thật là sản phẩm của bộ óc nhiễm độc chì. Tóm lại lão muốn nói tiếng hát đã thăng hoa thành ánh sáng thì cảm giác kịch cháy bùng trong cái cột sống có viên đạn chì, xui lão lết tới chỗ có hai sợi dây kéo màn. Lão kịp thấy nàng gục xuống, cổ áo loang vệt đỏ…


Về sau vợ lão kể lại cho mấy mụ hàng xóm nghe, mụ không nói cổ áo “loang vệt đỏ”. Mụ nghĩ, cổ áo loang vết đỏ nghĩa lý gì? Làm chi có chuyện đó ? Nói như thế thì xoàng quá, chẳng xứng đáng với huyền thoại sống. Mụ nói  (nguyên văn):”Từ miệng nàng khạc ra một hoa hồng nhung!”. Lần thứ hai mụ kể :”Một bông hồng nhung đỏ thắm mọc ra từ miệng cô gái”. Mấy người nghe kể lại cho người khác:”Miệng cô gái mọc ra cành hồng sáu bông hoa đỏ tươi cùng với cành lá và những chiếc gai hình móc câu!”. Bây giờ nó trở thành một khóm hoa .


Không phái tất cả đều láo thêu dệt tưởng tượng, thật đấy. Bác sĩ Báu, trưởng khoa cấp cứu bệnh viên trung tâm, bảo cô y tá chuẩn bị cho ông bốn túi máu, loại máu O cho ca mổ khâu tĩnh mạch thanh quản. Trong lúc giải phẩu áp huyết xuống, truyền cả bốn túi vẫn chưa đo được, phải tiếp thêm hai túi máu nữa. Mỗi túi máu 250cc, sáu túi vị chi lít rưỡi. Trong trường hợp này  vị bác sĩ không tiếc máu, ông cố cứu lấy tiếng hát mà bấy lâu nay ông hằng ngưỡng mộ. Sáu túi máu đỏ có khác chi sáu đoá hoa hồng nhung ? Sáu đoá hoa làm thành khóm hoa. Mọi chuyện không ngoa lắm đâu, chỉ có một điều thực đáng tiếc, hoa hồng thứ sáu chưa kịp nở thì mùa băng giá đã tràn ngập khu vườn rồi!


Mọi bi kịch thường bắt đầu hết sức đơn giản. Quả núi sụp đổ có khi chỉ vì hạt cát nằm không đúng nơi lẽ ra nó phải nằm. Trong hàng ngàn tỉ tế bào đã có một cái mà bi kịch chui vào trong hai cái dãi xoắn DNA quáí quỉ nào đó và cứ thế nỗi bất hạnh nhân lên như mối đùn .


Nữ danh ca Hải Lý đau họng, khan tiếng và khó nuốt. Nàng cho rằng mình bị cảm, ai cũng tưởng là bệnh xoàng kể cả mấy ông bác sĩ. Đã cảm thì chữa theo cách chị Xuân, người hàng xóm là hay hơn cả. Chị Xuân  nói :”Liên ơi mày chui vô bụi tre lượm cho tao miếng mảnh chai đem vô đây”. Con Liên làm theo, nó lượm miếng thuỷ tinh vỡ rửa qua loa, chị Xuân đập ra lấy một miếng, chị nói :”Trúng gió thì phải cắt lể, cắt lể xong lấy đồng tiền cũ, thứ bạc thiệt có hình mụ đầm già , nếu không có lấy đồng bạc năm hào bằng nhôm, vạn bất đắc dĩ mà không có nữa thì lấy cái muỗng cạo cũng được. Cạo cho ra hết gió, nấu nồi nước xông lá sả lá chanh, không có, lấy hộp cao vàng bỏ vào nước sôi đậy nắp lại xông cũng được. Xông cho đổ mồ hôi, cho ra hết “cảm” xong ăn tô cháo hành cho thật nhiều tiêu vào, cái chứng đau cổ khản giọng  hết ngay.

 

Mà cũng tệ, mình làm nghề ca hát mà chẳng biết giữ gìn để cho nhiễm hàn…” Nghe chị Xuân trách Hải Lý nói :”Ừ, lần sau phải giữ, đêm nọ trở về mắc mưa”.


Cách chữa bệnh rườm rà này chẳng đem lại kết quả. Hải Lý tới bác sĩ ông này cho mấy viên thuốc átpêrin với tiêm mũi thuốc . Ông bác sĩ này rất “tâm lý”. Ông biết khám bệnh theo kiểu cũ, nghe rồi gõ, xong lấy tiền, bệnh nhân không thích, phải tiêm mũi thuốc họ mới an tâm, và không tiếc tiền. Thường ông tiêm mũi nước cất với cái vẻ trịnh  trọng như tiêm thuốc hồi dương cứu tử.


Bệnh vẫn không thuyên giảm. Hình như có cái gì vướng trong cổ nàng. Nó níu thanh quản làm không rung lên được. Hay nàng bị hóc xương? Nàng đi tìm ông thầy thuốc tai mũi họng. Ông bảo Hải Lý cởi quần áo ra, nàng không chịu, hỏi:”Tôi đau họng, cởi quần làm chi ? “Ông nói :”Cơ thể con người là một thể thống nhất”, thống nhất hay phân lập nàng không cần biết, cương quyết không chịu cởi quần! Ông bảo nàng há miệng nói:”A” thực to. Ông dùng que gỗ đè lưỡi nàng xuống, lấy đèn pin rọi vào. Nàng hỏi :”Có thấy cái xương cá ở trong đó không ?”. Bác sĩ nói :

-  Có một chỗ màu nhạt hơn chắc là nấm …


Nàng nghĩ cây nấm mọc trong họng là chuyện quái dị. Hải Lý tưởng tượng hình ảnh cây nấm trông như cô gái cầm chiếc ô nhiều màu đứng nơi gốc cây. Hồi mười hai tuổi nàng đã là cô gái đó. Nàng tự hỏi, tại sao cây nấm kia không chịu đứng nơi gốc cây lại chui vào cổ nàng ? Hay tại lễ Vu Lan vừa qua nàng lên chùa ăn chay, trong đó có món canh nấm ? Hay là loài nấm độc có màu sắc rực rỡ in trong quyển tự điển? Hay là cây nấm nguyên tử khủng khiếp tàn phá hai thành phố bên Nhật. Đó là hai chiếc nấm khổng lồ do con người làm ra sáng như hàng ngàn mặt trời mọc cùng một lúc. Trong khi nàng thả cho đầu óc tưởng tượng rong chơi nhảy nhót như con chim chuyền cành thì ông thầy thuốc trao cho nàng  mấy viên thuốc hình vuông màu trắng. Ông bảo ngậm chớ không được nhai, vài ngày thì hết, lại lên sân khấu hót như con sơn ca. Ông nói với giọng tin tưởng lẫn chút hài hước và nàng cũng cười và tin như thế.


Nhưng sự việc không phải đơn giản và dễ dàng như người ta có thể cười cợt được. Nàng quay trở lại phòng mạch. Ông lại dùng que gỗ đè lưỡi. Giờ đây cây nấm không chỉ đổi màu, nó còn đổi cả số phận, xô nàng đến vực thẳm. Lần này vị bác sĩ không còn buộc nàng cởi quần, không đùa cợt. Ông thất sắc, run rẩy. Ông cho cây kéo nhỏ. Mũi nhọn vào, lấy một mẩu thịt đi thử.

Mươi phút sau có kết quả, nghi ung thư thanh quản, ”thử thịt” lần thứ hai, mất cái từ “nghi”.

Loài nấm độc mọc rất nhanh trong thanh quản cô gái. Cắt nó mọc lại, cắt nữa nó mọc nhanh hơn. Cả chất phóng xạ Côban tạo ảo giác màu xanh mà anh em nhà Tạo đổ thừa cho con rắn lục hoang đường cũng chẳng thể diệt loài nấm quỉ. Nó chồng chất lên nhau tạo thành quả đồi chết trong chiếc cổ cao ba ngấn đẹp như cổ hoàng hậu, cổ thiên nga. Bây giờ nó là tảng băng chặn dòng nước. Nó như cái nút chai giữ giọng hát trong trẻo của nàng ở trong chiếc lọ thuỷ tinh. Bệnh viên đi tới một quyết định táo bạo: Cắt, cắt thực sâu, cắt triệt để, may ra…

 

*

Hải Lý đang nằm trong phòng hậu phẩu. Lúc này thuốc mê đã tan, đầu óc nàng lảng đảng khói sương. Chung quanh chỉ có mấy chiếc giưòng trải ra trắng. Nàng nhìn ra cửa kính, chòm sao Mỹ nữ rực sáng phía trời tây, những ngôi sao nối đuôi nhau sáng lấp lánh, sáng dần lên, sáng nữa, chói loà rồi nổ tung, làm thành cơn bão ánh sáng. Nàng nghĩ ngôi sao cư xử thật đúng. Một ngôi sao sáng không thể lụi tàn  trong cô đơn như những ngôi sao khác. Nó phải tự mình nghĩ ra một kết thúc. Phải tự đốt mình lên rực sáng như mặt trời. Đêm nay ta cũng phải tự đốt ta lên, dâng hiến tiếng hát cho đời, và quị ngã chính cái nơi đã làm nên vinh quang. Không thể nằm nơi đây tàn tạ như ngọn đèn hết dầu. Nàng tháo mọi thứ dụng cụ y khoa trên người, lén qua những người gác trong bệnh viện, kêu xe tới nơi đêm đêm nàng vẫn dâng tiếng hát đem lại hạnh phúc cho bao nhiêu người. Lần này ngôi sao sáng nhất sẽ nổ tung kết thúc một cách rực rỡ nhất.  

*
Lần trình diễn cuối cùng đó nàng đã gây ra biết bao nhiêu huyền thoại, và nàng đã tắt giống như một ngôi sao .


Người y sĩ trực phòng cấp cứu nửa đêm mơ thấy có người tới rủ đi xem ảo thuật. Họ đi vào một căn lều không lồ chứa đầy khán giả. Trên sàn diễn người ta không thấy nhà ảo thuật truyền thống với bộ quần áo bí hiểm, màu đen rộng thùng thình có nhiều túi để dấu bộ bài, mấy chiếc khăn lụa, đoạn dây thừng, thỏ và chim. Người diễn trò ảo thuật hôm nay là một cô gái trẻ và đẹp. Cô mặc áo cưới bằng voan trắng có hai đứa bé mang đôi cánh bằng giấy giả làm thiên thần nâng tà áo dài giống như trong lễ đăng quang. Khán giả thì thầm : “Ăn mặc như thế này làm sao xoay trở diễn trò ?”. Giàn nhạc  chơi một khúc tình ca. Mấy mụ đàn bà son phấn mồ hôi nhễ nhại, quạt phành phạch cười đùa:”Không lẽ bọn này làm đám cưới trong rạp xiếc?”. Có người nói :”Ao thuật mà. Cô dâu sẽ lôi chàng rể  từ trong chiếc váy rộng của cô ra “.. Một vài tiếng cười. Lại có người nói :”Rồi cô làm chàng rể biến đi bằng cách nhét hắn ta vào chiếc giày bé tí tẹo của cô”. Lại có người cười. Có tiếng loa giới thiệu tiết mục “Mưa hoa hồng”. Khán giả chưa bao giờ được xem trò này, họ háo hức chờ đợi. Cô gái cầm ngọn lao mũi rất nhọn. Có người nói :”Đừng có tin đó là thứ thiệt, đồ dõm, bằng giấy bạc, thứ trong bao thuốc lá, khiến người ta tưởng mũi dáo nhọn “. Mũi dáo chốc chốc lớp loà lên giống như đèn máy ảnh. Có người thét:”Ôi sáng quá, có thể chụp hình được !” Rồi người khác kể:”Bên Nhật người ta làm được cái máy  ảnh chụp linh hồn người chết. Anh chụp ra có hình hai người lồng vào nhau. Đã có người mua về chụp thử rồi. Chụp người ngủ thấy cái “vía” rời xác đi chơi. Lúc ấy mà lấy lọ nồi vẽ mặt, lúc quay về cái vía nhận không ra xác, nó bỏ đi, người chết luôn. Có tiếng người thét thực to :”Diễn đi! Lôi chàng rễ trong cái xú chiêng ra đi !”


Cô gái không lôi người nào ra cả. Cô từ từ mở mấy sợi dây đăng ten màu tím, thắt thành nơ rất đẹp nơi ngực áo cô. Khán giả cười ồ khi nàng phơi ra bộ ngực xẹp lép như con trai, một làn da trắng, trắng và mỏng như giấy. Có người la to :”Đồ Pê đê”.


Cô gái trình diễn một các lặng lẽ chậm chạp. Có ai đó nói trong loa :”Khán giả chú ý! Cô gái sẽ phóng ngọn lao lên trời và hoa hồng sẽ trút xuống như mưa. Hoa nhiều lắm, ai cũng có phần”. Lại có tiếng người nói:” Trò bịp rẻ tiền, một kẻ nào đó núp trên nóc rạp, nơi này đầy bóng tối, hắn bắt lấy ngọn lao và ném hoa hồng xuống. Có người đòi vạch mặt trò bịp, đòi tiền lại, nhiều người la ó, rạp xiếc như cái chợ. Ba ngọn đèn quét những ống ánh sáng quanh sân khấu tròn đổ đầy bột cưa, hôi nồng mùi nước đái ngựa, rồi cả ba nguồn sáng tập trung vào cô gái. Cô giang thẳng cánh phóng thực mạnh chiếc lao lên cao. Cô ngữa người phanh ngực chờ đón. Chiếc lao nhọn từ trên cao rơi thẳng xuống cắm vào miệng cô gái. Đúng lúc đó mọi người thấy một cơn mưa hoa hồng. Họ vỗ tay reo hò nhiệt liệt. Bỗng nhiên mọi người cùng phẫn nộ hét lên:”Không phải hoa hồng. Đồ bịp!”. Bàn tay ai cũng nhầy nhụa máu. Mấy mụ đàn bà kêu lên:

- Nó làm hỏng áo em rồi !

- Nó làm hỏng tóc em rồi !

- Nó làm hư giấc mơ của ta rồi !

-         ………………………… 


*
Y sĩ trực phòng cấp cứu thức dậy, ngáp liền mấy cái, tự nhủ: Mơ với mộng, thực chẳng ra làm sao. Anh ta đi qua phòng khác. Nơi đây có đặt mấy cái tủ lớn, trong đựng đầy chai lọ, có những chiếc thẩu đựng tim gan người chết để các sinh viên y khoa tới nghiên cứu. Có chiếc lọ thực to, trong chứa đầy thứ nước màu vàng, ngâm một thai nhi hai đầu, cái rốn của nó lòng thòng quăn queo như dồi chó, anh ta mở nắp lọ, mùi cồn bay ra. Anh ta cười nói với đứa bé:” Thích nhé cậu bé hai đầu. Ở trong này tha hồ mà nốc rượu!”. Anh thấy cảnh tượng chẳng khác gì người ta ngâm rắn với chim bìm bịp và nghĩ : Múc một cốc nếm thử sao nhỉ ? Anh ta thấy bỗng ham lý giải sự đời: Mỗi người một số phận. Một cái trứng với hai chú tinh trùng chui vào cạnh tranh nhau, cuối cùng anh chàng nào cũng có phần, thực công bằng, hai cái đầu. Cái số  thằng bé này là được bơi trong cồn. Nó mà lớn lên sẽ là tay nát rượu. Một thằng ghiền rượu uống gấp đôi người khác, bởi vì nó có tới hai cái mồm. Thằng bé hai đầu này cũng chỉ là lỗi lầm của tạo hoá .Bệnh tật là đòn chí tử mà lại rất vô lý vì chẳng do tội lỗi, đó là sự bất công của tạo hoá .


Anh lần tới chỗ cô gái mà người ta đem lại tối nay. Đêm qua cả bệnh viện rộn lên vì cô nầy. Anh bắt đầu làm công việc của người y sĩ trực. Anh thấy túi máu không chảy. Anh trách mấy cô y tá: Thực là một lũ con gái vô dụng, chỉ được cái ăn hàng với nói chuyện yêu đương. Nghĩ lại anh thấy tội nghiệp cho họ, những con cái lãnh trách nhiệm sinh tồn, một trọng trách của tạo hóa giao cho. Họ phải nghĩ tới việc kiếm con đực để làm tròn chức năng đó. Nhưng dầu sao truyền máu cho bệnh nhân mà không mở ống dẫn là quá tắc trách. Anh đưa tay thử lại khoá, anh thấy khoá đã mở hết cỡ. Bình truyền dịch cũng không chảy giọt nào, anh kiểm tra cũng thấy khoá đã mở. Chỉ có lọ ôxy là còn sủi bọt. Anh phân vân tự nhủ: tại sao có hiện tượng lạ kỳ này? Anh cầm tay cô gái lên, tay Nàng lạnh ngắt và cổ tay cứng như đá. Thảo nào dịch truyền và máu không chảy ra. Cả người nàng lạnh ngắt và trong như một khối băng. Anh thì thầm:”chết rồi…chết lâu rồi…”

Anh mở mặt nạ ôxy che mặt người chết, anh thấy một khuôn mặt quen quen, hình như đã gặp đâu đó rồi. Anh cố nhớ nhưng chịu. Anh vỗ trán, cái tên cô gái không chịu văng ra. Anh thấy nơi cổ người chết có mang cây thánh giá bằng bạc nhỏ, thì ra đây là người của nhà thờ. Tội nghiệp, cô không được làm phép trong lúc lâm chung. Không biết ông thành Phê rô có mở cửa thiêng đàng cho cô vào không? Nhìn vẻ mặt cô gái anh biết con người này đã sống một cuộc đời lương thiện. Kìa, hãy xem khuôn mặt toát lên cái thần thái yên bình hạnh phúc xiết bao !


Mười năm làm việc nơi đây anh chứng kiến nhiều hiện tượng kỳ dị không thể dùng khoa học giải thích được. Có nhiều kẻ nghèo nàn xấu xí thất học, trước khi chết còn bị cơn bệnh vò nát như tấm giẻ rách, thế mà lúc vừa qua đời, có một giây phút ngắn ngủi hiện lên một khuôn mặt đẹp tuyệt vời, hào quang của sự nhân hậu toả ra lấp lánh. Hiện tượng kỳ bí này chẳng kéo dài. Vài giây sau linh hồn họ đã vút lên tới cõi cực lạc, bỏ lại đàng sau cái thân thể ô trọc không cần thiết nữa, giống như phi thuyền bỏ lại đằng sau tên lửa đã hết nhiên liệu. Nhưng ngược lại cũng nhiều trường hợp có người khi còn sống trông sang trọng, phương phi, bệ vệ, ra dáng kẻ cả, khi chết trông như đồ trộm cướp.. có phu nhân kiều diễm phúc hậu đoan trang, lúc tắt thở hoá thành khuôn mặt đĩ điếm. Chắc họ ra đi vội vàng quên mang cho mình chiếc mặt nạ da người. Gặp trường hợp này người ta cũng có cách chữa, cứ tô son điểm phấn giống như người ta trang điểm cô dâu để qua bên kia thế giới còn tiếp tục cuộc sống hư nguỵ.


Người y sĩ này thấy cô gái giống như không chết mà đang ngủ, đang mơ, giấc mơ đằm thắm về một thế giới tốt lành .


*
Một buổi sáng màu tro đứng đợi bên ngoài cửa kính. Người y sĩ rút thuốc lá ra hút, trầm ngâm đứng nhìn một ngày âm thầm nở ra như một bông hoa. Khói thuốc quanh quẩn trong căn phòng chẳng chịu tan. Anh thấy một cái bóng trắng trong cửa gương. Bóng anh hay bóng cô gái ? Cả hai đều mặc áo trắng. Anh cho rằng áo mình không trắng bằng áo cô gái. Đêm nay anh đã ngủ quên, lại còn mơ thấy chuyện lung tung, không làm hết nhiệm vụ người trực, để cô gái phải vĩnh biệt cuộc đời trong nỗi cô đơn. Anh kêu thầm :”Cô ơi hãy tha lỗi cho tôi, tôi đã không tới kịp tiễn đưa cô về cõi vĩnh hằng. Giờ đây mặc dù biết cô chẳng cần cái thế gian nầy nữa nhưng tôi đã hút thuốc trong phòng làm cho bẩn giấc mơ của cô”.


Có tiếng hát văng vẳng. Anh lắng nghe, không rõ nó phát ra từ đâu, bên phải, bên trái? Trước hay sau? Một ca khúc hư thực, lặng lẽ, và tráng lệ. Anh rùng mình, tiếng hát này có hực hay sao? Anh bước đến chỗ cô gái nằm, nhìn lại lần nữa. Bây giờ cái tên người đó mới chịu hiện ra. Ôi, dễ quá mà! Đó là nàng ca sĩ Hải Lý, ảnh nàng in trên tấm lịch treo trên tường nhà anh. Anh đặt bàn tay dịu dàng lên trán cô gái, vỗ về :

- Ngủ ngoan hiền nhé con chim sơn ca bé nhỏ tội nghiệp. Sáng nay chẳng có mặt trời. Mặt trời tắm biển âm u. Bình minh chết đuối. Một ngày của tiếng thở dài… Ngủ đi…đừng hát nữa… ngủ đi…

Tiếng hát tắt./.

Quý Thể
Số lần đọc: 1851
Ngày đăng: 31.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lũ Mèo Hoang - Trần Hoài Thư
Món Ăn Cuối Cùng - Trần Minh Nguyệt
Phở Hách - Hà Thúc Sinh
Ê-va xóm cồn - Quý Thể
Chiếc phao - Lê Văn Thiện
Đêm Màu Hồng - Võ Công Liêm
Sai Một Li Đi Một Dặm - Vũ Anh Tuấn
Tìm về - Phạm Văn Nhàn
Chiến tranh - Trần Hoài Thư
Kẻ hát rong không cần quen biết - Trần Hạ Tháp
Cùng một tác giả
Cổ thụ lùn (truyện ngắn)
Bà cụ Tuần (truyện ngắn)
Chơi vơi tình buồn (truyện ngắn)
Cây hậu sự (truyện ngắn)
Cỏ xanh (truyện ngắn)
Của chìm của nổi (truyện ngắn)
Vàng ba con chín (truyện ngắn)
Khóa xuân (truyện ngắn)
Ê-va xóm cồn (truyện ngắn)
Đêm Khải Huyền (truyện ngắn)
Hảo Hán (truyện ngắn)
Hoa nở cho người (truyện ngắn)
Đêm Mưa (truyện ngắn)
Đi Với Ma (truyện ngắn)
Hai Người Mẹ (truyện ngắn)
Đêm Qua Hoa Chết (truyện ngắn)
Giáng Tiên (truyện ngắn)
Hoa Nghĩa Địa (truyện ngắn)
Cương Thổ Cô Liêu (truyện ngắn)
Kích cổ thôi hoa (truyện ngắn)
Lan huệ sầu ai (truyện ngắn)
Tuyệt Tình Ca (truyện ngắn)
Một Thuở Tạo Sơn (truyện ngắn)
Khách Thơ (truyện ngắn)
Mộng Bá Vương (truyện ngắn)