Bạch thủ tương tri do án kiếm…
( Đã biết nhau đến bạc đầu mà còn rút gươm ngờ nhau...)
thơ cổ
Đối với tôi thì cha tôi cũng khó hiểu như cuộc đời này vậy.
Có thể nói cách thừa kế sự nghiệp cha ông của cha tôi là ngược với cách của ông nội tôi. Ông tôi là thừa kế thứ qui trình làm ăn có tính truyền thống: Bán gà mua heo, bán heo mua bò, và bán bò mua ruộng. Nhưng cha tôi thì bán ruộng mua sách.
Đỗ xong cái tú tài Hán học khoa cuối cùng, cha tôi bắt ông tôi phải nuôi tiếp ông ăn học chữ quốc ngữ và chữ Tây, cho đến khi đọc thành thạo các sách tân thư mới chịu thôi. Đấy cũng là lúc ông nội tôi không còn đi cày ruộng nổi. Người ta kể lại rằng tới lúc này thì dưới mắt ông tôi, cha tôi là đứa con phá nghiệp tổ tiên. Tới lúc này thì cha tôi thay ông tôi đi cày ruộng. Nhưng ông chỉ để lại mấy khoảnh để đủ lúa gạo cho ba miệng ăn (là ông tôi, cha tôi, và mẹ tôi, bấy giờ mới về làm vợ cha tôi) còn bao nhiêu đem bán hết để mua sách đọc. Vừa cày ruộng, vừa đọc sách, cho nên đối với những người trong làng thì cha tôi cũng rất gần mà cũng rất xa. Người ta coi ông vừa là ông bạn cày, vừa là ông đạo học. Chữ đạo học người làng tặng cho cha tôi là chỉ cho kẻ thông thuộc chữ nghĩa thánh hiền, am hiểu cả đông tây kim cổ. Mà nói chi người làng, cả tôi, là con cái trong nhà, mãi tới khi học xong đại học, ra trường đi dạy học, cũng vẫn thấy ông vừa rất gần vừa rất xa. Này thằng Hai, con thấy việc đó thế nào?…Tôi là con đầu, là thứ hai, có tên khai sinh đường hoàng, nhưng cha tôi vẫn gọi tôi như thế cho đến khi ông mất. Cái cách trò chuyện với con trai cũng rất ít lời như ông Khổng tử trò chuyện với học trò. Trên giá sách của ông phải nói là gần đủ mặt các bậc đại gia trên thế giới. Sách là các đại lý thuyết chép bằng chữ quốc ngữ có, bằng chữ Tây chữ Tàu có. Cha thì cha thích những lý thuyết nào hơn, Đông hay là Tây? Mãi đến khi học xong đại học, tôi mới dám hỏi thử cha tôi như thế. Tôi nhớ là lúc ấy ông đang đọc sách Luận Ngữ, vốn được coi là cuốn chủ yếu của Khổng Tử. Tất nhiên cha tôi có nghe tôi hỏi, song, ông vẫn lặng lẽ đọc sách. Ở trong nhà thì tôi đã quá quen với sự lặng lẽ của cha tôi. Lặng lẽ vác cày ra ruộng. Lặng lẽ ngồi vào mâm ăn… Dường việc nói năng là chiếm một phần rất nhỏ trong cuộc sống của ông. Mà mẹ tôi như cũng bị lây nhiễm chất lặng lẽ của cha tôi. Tôi nhớ là trong việc dạy dỗ tôi, mẹ tôi cũng rất kiệm lời. Có thể nói là tôi đã được lớn lên trong một khung cảnh gia đình lấy việc nói ít để làm nền tảng cho cuộc tồn sinh. Này thằng Hai, có phải đất trời rộng lớn vậy nên người ta phải phân ra thành đông thành tây cho dễ nhìn hay không? Tôi biết ông hỏi vậy có nghĩa là đã trả lời cho câu hỏi tôi hỏi ông trước đó. Tôi cũng chẳng hiểu có phải là cách chuyện trò chẳng dẫn đến kết cuộc nào đã làm cho những ông bạn cày của ông thích thú. Nhưng nói kết cuộc là kết cuộc nào? Bão lũ có cuốn sạch lúa sắp trỗ trên đồng thì sau đó người ta lại lật đất lên, gieo lúa khác xuống, và lúa lại trỗ nữa ở trên đồng, cuộc sống có tính cách sinh tử của con người và của cây lúa ở làng quê tôi là cuộc đồng hành bất tận. Này, các ông có thấy như tôi hay không, con chim đã biết đi mà còn biết bay, nên trời chỉ cho có hai chân? Các ông bạn cày của cha tôi đã dẫn đến những hệ luận có vẻ bất tận. Con bò chỉ biết đi mà không biết bay nên trời cho tới bốn chân, con rết chỉ biết bò nên trời cho đến hằng trăm chân…Tôi còn nhớ tuổi lên mười làm công việc lừa bò ra ruộng cho cha, vào những lúc nghỉ cày, tôi đã dự vào các cuộc bàn luận về thế giới như thế giữa những người bạn cày của cha tôi sau cái cách khơi gợi đầy ấn tượng của ông. Nhưng đấy cũng chỉ là một cách hiểu về cha tôi. Cái lần mà ông dẫn tôi ra chợ làng để sắm cho tôi nón mới, vì bấy giờ mẹ tôi đã mất, gặp cảnh kẻ chợ đương rượt đuổi một thiếu phụ rách rưới, hô là kẻ cắp, ông cứ hối tôi, ta về thôi, ta về thôi, sau này khi đọc các sách về Khổng Tử, tôi cứ nghĩ là cha tôi đã bị nhiễm cách nói năng của ông Khổng. Trong khi những người khác duy lý duy nghiệm, hay duy tâm duy vật, thì cha tôi duy Khổng chăng? Tôi vừa mới qua tuổi lên mười thì mẹ tôi mất. Bà mất vì bị sốt ác tính. Cũng là do cha tôi thuật lại tôi mới biết là bấy giờ ông gần như sắp nổ tung cả đầu óc vì một cuốn sách cao thâm kỳ bí, mà ông gọi là kỳ thư của thế kỷ mười chín, cuốn sách của ông Hê ghen. Việc cha tôi say mê đọc một cuốn sách hay lại xảy ra vào lúc mẹ tôi ốm đau, nên khi nhắc đến cái chết của mẹ tôi cha tôi luôn tỏ ân hận về việc thiếu chăm sóc của ông. Về chuyện này thì trời không dung cho cha đâu. Có lần ông bảo tôi thế. Tôi nói mẹ tôi có số chết trẻ, như quan niệm của người đời, có muốn tránh cũng không được. Phải, nếu quả là định mệnh, thì đấy là thứ định mệnh khắc nghiệt nhất. Ông buông tiếng thở dài sau khi luận một cách vắn tắt về định mệnh. Nhưng căn cứ vào việc cha tôi cũng nói đến định mệnh và đam mê trước tác của một nhà văn hóa tuyệt đối duy tâm để nói rằng ông là duy tâm, thì e rằng cũng chưa xác đáng.
Làng quê tôi thuộc hạng mục những làng quê nghèo của đất nước. Triều đại nào cũng nói đến việc xóa bỏ nghèo đói ở đây, nhưng cũng chưa có triều đại nào làm được. Bỡi sức của con người là không thể xóa nổi cái tình huống chẳng có ưu đãi của thiên nhiên đã được ban cho nơi này tự buổi khai thiên lập địa. Cho đến nay người làng tôi vẫn giữ nguyên những lũy tre nơi vườn nhà không phải vì nó có một chỗ đứng cao sang trong văn chương nước nhà, mà vì người ta không dám thay nó bằng một giống cây nào trong công cuộc chuyển đổi cây trồng. Đất cằn, không có cây nào trụ được như cây tre, trăm năm qua, nghìn năm qua vẫn làm nguyên liệu cho việc đan đát thúng mủng, một thứ tiểu thủ công nghệ góp thêm cơm áo cho cuộc sống ở đây. Phải nói rằng những lũy tre làng nơi đây là dấu ấn của thứ quá khứ ngàn năm dâu bể. Mỗi lần đi đâu về, đứng từ xa mà nhìn những lũy tre như đang phong kín xóm làng, tôi lại cảm thấy có một nỗi buồn cố cựu đang lẩn quất nơi làng quê của mình. Cả cha, cả những người cày ruộng ở đây tựa những con sâu tằm đang cố sức để cắn vỏ kén mà ra. Cha tôi bảo thế, khi nghe tôi hỏi có phải những lũy tre làng là nguyên nhân của nỗi buồn của tôi hay không (Con sâu tằm chui ra khỏi vỏ kén để làm con bướm truyền sinh, có nghĩa cháu của con sâu tằm lại chui trở lại vào vỏ kén) Cha nói thế có nghĩa là sao? Tôi không hiểu cách nói của cha tôi, nên hỏi. Ông chỉ im, và lặng lẽ đọc sách. Nhà tôi là cái kho chứa lặng lẽ đã đành. Mà làng quê tôi vào các buổi trưa cũng là cái kho chứa lặng lẽ. Vào các buổi trưa thì từ đám heo gà bò trâu đến con người đều ngủ nghỉ, nếu có gió thì chỉ nghe tiếng gió và tiếng đám tre ở các bờ tre cứa nhau. Hãy thử hình dung trong cái lặng lẽ đó lại nổi lên tiếng của một con người, không phải là người bình thường, mà là một người thợ thiến heo. Anh thợ thiến heo cả làng đều quen mặt ấy có giọng rao khiến người ta không thể không chú ý. Có ai thiến heo cái không? Chỉ nuôi heo cái sinh sản thì không thiến, còn nuôi heo cái lấy thịt thì ở làng tôi có quan niệm truyền thống là phải thiến đi để loại trừ việc động đực vốn làm phương hại quá trình tăng trọng. Có nhà ai có heo cái để thiến không? Kiểu rao chào ấy khiến người nghe cảm thấy lo lắng như thể một thứ định mệnh oan nghiệt nào đó sắp ập xuống xóm làng. Cả một đời của cha cũng chỉ làm được mỗi việc cắn vỡ cái vỏ kén mà thôi. Tôi nhớ vào một buổi trưa có tiếng rao của người thợ thiến heo, cha tôi đã nói với tôi thế. Tôi biết đấy là câu trả lời cho câu hỏi tôi đã hỏi ông trước đấy. Cả một đời cha tôi sao lại chỉ có thế? Tôi cứ muốn thêm vào đó theo cách hiểu của tôi, rằng các biến động của lịch sử thì cứ trôi qua, chiến tranh và phản chiến tranh, cách mạng và phản cách mạng…, còn cha tôi thì cứ lặng lẽ chui ra chui vào cái vỏ kén đầy sắc màu ấy, rằng các bậc đại gia trên đời này thì không ngừng đưa ra các thuyết lý, còn cha tôi thì cứ lặng lẽ cố làm con tằm mà nhả ra tơ.
Cha tôi vẫn khỏe, ông vẫn đi cày và đọc sách. Nhưng tôi cứ có cảm tưởng cả lúc theo cặp bò trên ruộng, cả lúc đi đứng ở trong nhà, cả lúc ngồi ăn cơm hay ngồi đọc sách, ông như đang quằn xuống ở bên dưới một sức nặng nào đó. Sức nặng đó là cuộc sống khốn khó của làng quê tôi, hay là cái cuộc đời muôn ngàn khác biệt với những gì chép ở trong sách vở? Tôi không biết. Một hôm nghỉ dạy học, tôi định ra ruộng để cày thế cho cha tôi một bữa, đến ruộng thì thấy bò đã ngừng cày, còn cha tôi thì đang dở cây cày lên khỏi luống cày, dở thật cao, và ném sang bên. Ông vừa vứt bỏ một cái gì đó chăng? Tôi không biết.
Cho đến một hôm, đó là vào một ngày mùa đông không có mưa, cha tôi gọi tôi, này thằng Hai, lại đây cha bảo. Bấy giờ là vào lúc sáng sớm, thứ ánh mặt trời ban mai của mùa đông dịu mát đang chiếu vào cửa sổ, nơi kê bàn nước của cha tôi. Tôi ngồi xuống ghế đối diện với cha tôi, ngồi xuống nơi vô cùng thân thuộc với mình, nhưng hôm ấy thì cứ như đang ngồi xuống một nơi xa lạ, bỡi cung cách của cha tôi lúc bấy giờ là cũng vô cùng xa lạ. Quả thứ cảm giác của con người là thường dẫn đến những sai lạc. Đám sách của cha đã bị mối ăn cả rồi. Cha tôi nhìn tôi, nói thế, cũng bình thường như thể nói với tôi những chuyện sinh hoạt ở trong nhà. Tôi thất kinh. Phải nói thứ tài sản cha tôi vun quén bấy lâu là sách. Tôi vụt đứng lên, chạy lên nhà trên, nơi kê giá sách của cha tôi. Tất cả sách vở của cha tôi vẫn còn nguyên như cũ. Sự thật đó lại làm tôi bối rối hơn. Làm chi có chuyện mối ăn hết sách, thưa cha? Tôi hỏi, nhưng cũng chẳng biết hỏi thế là có đúng hay không, bỡi cái hiện thực cha tôi vừa mô tả lại không khớp với cái hiện thực ông muốn mô tả. Như thế là kể từ nay cha đã giành lại được chỗ đứng cho riêng mình, chẳng có cái gì là có thể đạt đến cõi gọi là toàn chân toàn thiện. Cha tôi nói, có phần nhiều hơn mọi khi. Thì ra cái đám mối trong giấc mơ của cha tôi trong đêm hôm đó đã giúp ông thoát ra khỏi đám sách của ông. Kể từ hôm đó cha tôi trở nên khác hẳn, không còn lặng lẽ như trước. Nhưng ông cũng chỉ vui được mấy hôm thì mất. Lúc sắp xếp lại giá sách của ông, tôi có ý lục tìm thử ông có để lại trước tác hay không. Nhưng chỉ có tờ chúc thư viết có vẻ cẩn thận, được kẹp trong một cuốn sách của Khổng tử. Chúc thư cha tôi gởi cho các con. Đấy là cách nói cho sầm uất thôi, chứ con cái của cha tôi chỉ có mỗi mình tôi. Gởi các con của cha : Nếu chỉ dừng lại ở chừng ấy thì loài người cũng dễ rơi vào đêm trường lạnh lẽo u buồn, hoặc cũng chỉ nhỉnh hơn các loài khác một chút. Có phải cha tôi nói chừng ấy là chừng ấy những đại lý thuyết hay chừng ấy văn minh loài người đã có được, tôi cũng không biết. Chắc là chúc thư được chép ngay sau cuộc giành lại của ông./.
2004-2008