1.
Tôi nghĩ là tôi không bao giờ biết tin về hắn qua bao năm cách biệt. Sau biến cố 75, lịch sử đã cuốn chúng tôi chìm dập như cơn bão dữ, làm tan nát cả một thời vang bóng. Trong những năm đầu chúng tôi điêu đứng vì nghèo đói, cùn mòn về tâm hồn, không có thì giờ để nghĩ đến nhau, bạn bè tan nát đâu cả. Muốn biết tin nhau không phải là dễ, nói gì đi tìm đến nhau, để ngồi nói chuyện văn chương chữ nghĩa.
Tôi biết tên hắn, và mến phục hắn qua những truyện ngắn mà tôi đã đọc trên một vài tạp chí văn học tại Sài Gòn. Khi tôi còn làm tờ báo Ý Thức quay ronéo, một hôm nhận được thư của Lữ Quỳnh từ Qui Nhơn gởi về kèm theo bản thảo một truyện ngắn của hắn. Tôi đọc một hơi và bàng hoàng, cho đăng ngay. Từ đó thư qua lại, đọc văn mường tượng ra người, chứ chúng tôi chưa gặp mặt nhau. Nhưng rồi ngày ấy cũng đến.
Chiến tranh, mỗi ngày một khốc liệt, sau biến cố Mậu Thân, tràn về thị thành, trải dài nông thôn, tiếng đại bác đêm đêm dội về thành phố, tiếng rốc két, tiếng bom rơi rãi khắp xóm làng. Thanh niên và kể cả trung niên đều bị động viên vào quân ngũ. Hắn cũng vậy. Hắn phải bỏ dở việc học hành, năm cuối cùng đại học khoa học, đi chiến đấu ngoài chiến trường. Khi hành quân, hắn dừng chân ven rừng, trùm poncho lên người, dưới ánh đèn pin lờ mờ, người khom lưng, co ro mà viết nguệc ngoặc những bài thơ, những truyện ngắn, hầu hết phản ảnh tình người, tình đồng đội. Hắn viết bất kỳ lúc nào rỗi rảnh, cả đêm lẫn ngày, viết vội vàng, như những lời trăn trối với bạn bè, anh em, sợ một mai mình chết đi dưới những lằn đạn vô tình thì cũng còn những trang bản thảo để lại, những điều muốn nói, những ray rứt cần phải giải tỏa, trút đi một gánh nặng nằm mãi trong lòng.
Một buổi chiều, tôi lang thang, tìm lên đê, đứng trên cao, nhìn xuống dòng sông Dinh, hướng về khúc quành con sông sau những lũy tre làng rậm rạp và biến mất, nhớ lại tuổi thơ của mình gởi lại một phần nơi bãi cát trên sông, những khu vườn, làng mạc bên kia Thuông, gợi lại những kỷ niệm về một tuổi thơ êm đềm thanh bình. Nhớ đến những thằng bạn còn ở chỏm, mặc quần xà lỏn, giờ đã lớn già và tản mác đâu đây, hoặc đã chết. Những cô bạn gái láng giềng, be bé, xinh xắn, vô tư cười đùa, cứ bị những thằng con trai cùng xóm là chúng tôi nghịch phá những trò chơi con nít của họ. Lớn lên, thành những thiếu nữ xinh đẹp, rồi cũng lấy chồng sinh con. Họ cũng theo chồng tản mác bốn phương. Trong cái bồi hồi nhớ lại, để hình thành một truyện dài về họ lúc còn thơ ấu, tôi thong dong trở về nhà, với lòng phấn khởi, vừa rảo bước vừa huýt sáo. Bước lên những bậc thang gỗ, đứng trước cửa phòng, ngạc nhiên tự hỏi: “Sao lại có ánh đèn, ai lên phòng mình?” Bước vào phòng, nơi chiếc ghế dựa đặt cạnh cánh cửa sổ mà tôi thường ngồi để đọc sách, tôi bắt gặp một dáng dấp đàn ông, mặc đồ lính trận, vẫn không quay lui để nhìn tôi, mà vẫn ngồi im như tượng đá, hai bàn tay nắm chặt vào song cửa, mắt nhìn ra ngoài trời, mái tóc muối tiêu lốm đốm trắng bạc, bồng bềnh theo gió. Rồi người lạ đó cũng quay lại. Tôi vẫn còn ngơ ngác, chưa nhận diện ra người trước mặt mình. Người lạ đứng dậy, bây giờ tôi mới thấy anh cao lêu nghêu, ốm o, bộ bồ lính trận màu cứt ngựa rộng thùng thình, đôi giày đinh trầy trụa, khuôn mặt dài, mang đôi kính cận dầy cộm, đôi mắt lờ đờ mỏi mệt. Tôi nghĩ đó là bạn của Ký - thằng bạn văn nghệ mà tôi kéo về cùng ở chung một phòng với tôi. Tôi chưa kịp hỏi về hắn thì hắn đã cười, nhưng nụ cười không tươi chút nào, nhưng rất thật, giọng trọ trẹ gốc Huế: “Đúng rồi! Cậu là Nguyên, theo lời diễn tả của Lữ Quỳnh. Nhỏ con.” Tôi gật đầu, miệng ấp úng: “Còn cậu?” –“Thế ông nghĩ mình là ai? Có giống một con ngựa hoang đang bơ vơ không?” Như một lời nhắc nhở, tôi vừa đọc xong bản thảo “Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang”, nỗi bàng hoàng xúc động vẫn còn tiềm tàng trong tôi. “- À, thì ra ông?” Tôi cười mừng rỡ là mình đã gặp được hắn, rồi tôi nói: “Sao cậu ốm nhom, già cỗi, mới hai mươi mấy tuổi mà như ông cụ, tóc bạc trắng?” – Hắn cười: “Tại mình máu xấu”. Tôi không hỏi làm sao hắn tìm ra nhà tôi, và ai dẫn hắn lên phòng tôi. Người cho địa chỉ tôi biết là Lữ Quỳnh. Còn người dẫn hắn lên phòng tôi là chị Hồng. Chỉ có bạn văn nghệ, dù chưa quen nhưng nghe bút danh là chị xem họ như tôi, đứa em trai mà chị thương mến, chị đưa ngay họ lên phòng tôi. Ký lần đầu gặp tôi cũng thế. Hắn tự xem như người trong nhà, trong khi chờ đợi gặp tôi, Ký ung dung ngồi hút thuốc, mở máy hát nghe nhạc, tiếng hát của Thái Thanh da diết trong bài Đồi tím hoa sim. Rồi chúng tôi thân nhau, cùng làm tờ báo mà tôi đang thực hiện. Tôi giới thiệu Ký với hắn. Nghe bút danh cả hai đều gật đầu: “Mình có đọc bài cậu. Thích lắm.” Tôi chỉ phòng tắm cho hắn và ỵêu cầu: “Cởi bỏ quần áo lắm bụi trần, thay đồ mới, của mình thì bạn bè không mặc vừa được.” Không cần tôi gợi ý Ký đã mở tủ lôi ra quần áo của anh cho hắn rồi.
Cả ba thằng bạn kéo qua nhà Hữu, rồi cù Hữu cặp nách một chai rượu Rhum, nhập bọn cùng đi, lội qua sông Dinh, mùa này nước cạn, trơ ra một bãi cát trắng rộng thênh thang, đến ngôi nhà cổ trong làng Thuông tìm Tấn, anh chàng làm thơ lại ký tên của một cô gái hoàng tộc triều Nguyễn: Tôn Nữ Hoài Mi. Bỏ những nghi lễ, ngượng ngùng đối với kẻ lạ, chúng tôi thân nhau ngay như đã quen nhau từ lâu.
Dưới ánh trăng vằng vặc, gió thổi từ khoảng trống mênh mông làm rung rinh mặt nước sông trong vắt. Cả bọn bốn đứa ngồi trên cát, ven bờ sông, cắn một miếng xoài xanh chua lét mà Tấn vừa hái vội nơi vườn nhà mình mang theo, hớp một chút rượu nồng, nuốt vào lòng những nỗi đắng cay của rượu mà nghĩ như những khổ đau của cuộc đời thời chiến. Rượu đã hết, chúng tôi cũng đủ say, khập khểnh dìu nhau về nhà, lên gác của tôi. Phải uống tới nơi, say tới bến, để thấy những gì mà chúng tôi đã giấu kín trong lòng. Uống thêm một chai rượu Whisky số 7 thì cả bọn lăn quay, nằm rải rác trên sàn gác. Trong cái nửa tỉnh nửa mê, mình tự hỏi mình đã làm gì trong cơn say đó. Đứa này hỏi đứa kia: “Tao đã làm gì?” – “Mày gọi tên T., tao nhận ra tên nhân vật nữ trong những truyện ngắn của mày.” – “Cũng như mày vậy. Mày cứ gọi thầm mãi tên Quỳnh. Trong các chuyện của mày tao thích nhất nhân vật Quỳnh đó! Nhưng mày lại ôm tao mà khóc tức tưởi, nhắc đến những tên lạ hoắc.” – “Những đồng đội của tao.”
Tôi nói đến ước mơ hình thành một tạp chí văn học nghệ thuật. Hai thằng cùng lấy chăn mền đắp lên thân thể ba thằng bạn còn vùi say trong giấc ngủ. Tôi xuống gác lấy bình nước sôi mà chị Hồng thường thức dậy sớm nấu sẵn cho tôi để pha trà và cà phê. Hai thằng bạn hút thuốc, khói tỏa lên mặt nhau, cùng nói lên một ý tưởng. Làm nhà văn trước hết phải là một chứng nhân của thời đại. Phải sống. Phải viết. Không chần chờ.
Sau khi ba tên kia thức dậy, thì Kim đến. Sáng nay Kim thướt tha trong chiếc áo dài lụa trắng. Dáng nàng gầy gầy. Hắn nhìn Kim rồi nhìn sang tôi như ngầm hỏi: “Có phải T. đó không?” Tôi như hiểu ý nên trả lời: “T., như con chim họa mi đã bay xa, rất xa!” Kim hỏi nhỏ tôi: “Ai vậy?” – “Một con ngựa hoang vừa mới lạc bầy, đang bơ vơ.” – “Sao già vậy?” – “Bơ vơ, lạc loài trong cuộc chiến nên tóc bạc sớm.” Thư cười gật đầu chào Kim. Tôi nói với Thư: “Tờ báo tụi mình chữ đẹp hay không là nhờ bàn tay của Kim đó. Cả hai vợ chồng Kim là bạn của mình. Lát nữa ông sẽ thấy Tòa soạn báo và cả nhà in của mình”
Kim là một cô gái 24 tuổi, sính văn chương đọc rất nhiều truyện, và thích thơ văn của những cây bút trẻ, nói lên được những khổ đau cũng như niềm hạnh phúc ngắn ngủi của cuộc đời, thế hệ của chúng tôi. Truyện của hắn thường làm Kim cảm động. Nàng phải ở nhà bà ngoại, chờ ngày chồng trở về. Mẹ nàng đã tái giá khi nàng vừa lên ba, cha nàng đã theo Việt Minh ngay những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, rồi tập kết ra Bắc. Bà ngoại mang nàng về nuôi từ đó. Kim là bạn thân với em gái tôi, nhưng sau lại là bạn văn nghệ của chúng tôi. Nàng đến đánh máy bài vở cho tờ báo, không nhận một thù lao nào. Nhìn nụ cười duyên dáng, nhìn đôi bàn tay trắng trẻo, thon thon gõ từng tiếng một lên bàn phím. Thỉnh thoảng, Kim cũng ngừng tay hát khẽ vài câu hát. Kim cười, nhỏ nhẹ nói: “Tòa soạn theo chân người viết. Còn nhà in là một máy đánh chữ xách tay, vài tờ stencil, và quai guốc phụ nữ, một lọ mực.” Hắn ngạc nhiên, trố mắt: “Làm sao có thể hình thành một tạp chí văn nghệ quay ronéo mà chữ nghĩa sắc nét, ngay hàng thẳng lối và rõ ràng như in typo tại Sài Gòn vậy?” Chúng tôi đều cười và reo lên: “Chỉ cần bọn mình kéo nhau ra phố ăn mì Quảng, lát nữa trở về thì ông sẽ thấy.”
Thật vậy lúc tôi trở về, căn phòng đã thay đổi. Nó biến thành một phòng làm việc. Kim ngồi vào bàn, gõ máy chữ. Bên cạnh là chồng bản thảo. Những trang giấy đã in xong xếp từng chồng theo thứ tự dàn trải ra để chúng tôi bắt cuốn và đóng lại thành từng tập. Tôi chỉ tay về chiếc ghế dựa, và mở máy cassette để nhạc độc tấu ghi-ta, nói với hắn: “Chỉ riêng ông là được ngồi không, nhìn chúng tôi hành nghề, còn anh em khác người một tay phụ giúp”. Tôi mang ra những tờ stencil mà Kim đã đánh máy xong từ hôm trước gắn lên khuôn gỗ, rồi đỗ mực lên, một tay cầm cuối tờ stencil giở lên giở xuống theo nhịp tay kia cầm quai guốc đã kẹp chặt trong một thanh gỗ mỏng, kéo mực lên xuống. Tấn ngồi bên tôi, lấy giấy đã in xong, đưa ra phơi trên sàn gác. Hữu và Ký bắt cuốn. Rất đơn giản, hoàn toàn bằng thủ công, tờ báo được chuyển đến anh em bạn bè mọi nơi bằng cách gói lại gởi bưu điện về địa chỉ đã có. Hắn ngồi hút thuốc, nghe nhạc ra chiều thoải mái. Hắn nói trổng: “Sao không xuất bản cho mình một tập truyện ngắn đầu tay bằng phương pháp này” Tôi ngừng tay thích thú trả lời: “Ủng hộ hết mình. Những ngày sống với bọn mình, ông sáng tác đi, gom lại những truyện đã đăng ở các tạp chí văn học ởSài Gòn, mình có đủ cả. Một tuần lễ sau là xong ngay cả ngàn cuốn.”- “Khi chưa nhìn thấy như hôm nay, cầm tờ báo Y.T, chữ nghĩa rõ ràng, đẹp đẽ, bài vở của anh em ở rải rác khắp miền đất nước, mình tưởng là báo được in ở Sài Gòn trong một nhà in lớn. Chịu thôi. Chịu ông bạn nhỏ!”
Hắn tiến tới xin vài tờ giấy trắng nơi Kim. Cây viết máy lúc nào hắn cũng dắt nơi túi áo, hắn lấy ra, hai chân co lên, cuốn sách dầy làm tựa, hắn viết nguệch ngoạc, say sưa. Chữ hắn viết nhỏ li ti, xấu xí và khó đọc. Kim thường hỏi tôi những chữ nàng không nhận ra khi đánh máy bài của hắn, tôi đọc theo cảm nhận mạch văn chương. Cả mấy anh em đều nhận xét, chỉ có tôi là nhận ra văn hắn. Nhìn hắn say sưa viết, hình như tất cả những ray rứt khổ đau đang nằm sẵn trong tim hắn chỉ chờ có dịp là tuôn ra, chảy dài trên trang giấy.
Tập truyện “Nỗi bơ bơ của bầy ngựa hoang” đuợc in ra trong trường hợp này.
Rồi hắn lại ra đi. Sau hơn mười ngày sống chung với tôi, trên căn gác nhỏ này. Tôi tuyệt nhiên không hỏi hắn về gia đình, cha mẹ, anh em, tôi cũng không hỏi về Quỳnh. Thường chúng tôi vẫn im lặng. Hắn mặc lại bộ đồ phong trần, tiếp tục ra đi
Vài năm sau, khi tôi bỏ thị trấn bé nhỏ này, vào Sài Gòn trông nom nhà xuất bản cho vợ chồng nhà văn, nhà thơ TDT và NC, học hỏi thêm về ngành in, tôi ở một mình trong căn phòng nhỏ nhưng đầy tiện nghi, phía trên lầu của một cơ sở in báo, hắn lại tìm đến thăm tôi. Hắn đưa cho tôi những trang bản thảo, cùng tôi một đêm say túy luý. Cũng những lời thốt ra từ miệng hắn những tên đồng đội đã chết . Cũng những giọt nước mắt chảy dài khi ôm lấy vai tôi, rồi gục đầu lên đó, rồi thiếp ngủ. Sáng dậy, hắn chào tôi, lại ra đi và nhắn nhủ: “Khi báo đã có giấy phép chính thức, và tòa soạn đặt tại Sàigòn. Dù ở nơi đâu, mình cũng mua một tờ tại nhà sách, để mừng các cậu đã đạt được ý nguyện.” Hắn nắm chặt tay tôi và gật đầu.
Rồi tôi cũng rời nhà in, nhà xuất bản Thương Yêu đến ở nhà mới của chị tôi vừa xây xong ở đường Phan Thanh Giản. Ngày ra mắt báo Ý Thức đầu tiên, không có hắn. Anh em trong Tòa soạn có người chưa gặp mặt hắn bao giờ, tôi có kể với họ về hắn. Có Tuyên ngồi cạnh tôi, tôi nói biết đâu có một ngày rồi Tuyên sẽ gặp hắn. Một tuần lễ sau, tôi nhận được thư hắn từ Buôn Mê Thuột báo tin là đã cầm trên tay “tờ báo Ý Thức của chúng mình”, và hẹn ngày hắn xuống thành phố thăm anh em.
2.
Tòa soạn không còn theo chân người viết, lưu động. Sau khi được cấp giấy phép báo chí chính thức, chúng tôi đã thuê một nhà in nhỏ, đặt một chiếc bàn ở một góc phòng trước, tạm làm nơi văn phòng, để có địa chỉ liên lạc với anh em. Báo ra được vài số, lại dời chỗ. Tòa soạn đã chững chạc tọa lạc trong một ngôi nhà cao tầng và sang trọng. Trong một lầu đúc bao quanh toàn kính, máy điều hòa tỏa hơi lạnh, làm tòa sọan tờ báo, nhà xuất bản và hệ thống phát hành. Nhà in trang bị những máy offset tối tân, nhân viên, thợ thầy đông đảo. Tôi trông nom cả nhà in. Tấn, sẵn dịp hè nghỉ dạy, vào phụ giúp tôi. Ký, cũng vào Sài Gòn, trong khi chờ đợi du học ở Mỹ, đắc lực hỗ trợ tôi.
Hắn lại tìm đến tôi, vẫn trong bộ đồ phong trần, thất tha thất thểu, ngơ ngác nhìn tôi như thầm hỏi về sự đổi thay tòa soạn quá đột ngột. Bề thế quá. Nhà in tối tân quá. Cũng như vài anh em trong nhóm chủ trương, ở tận Qui Nhơn, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Sa Đéc, có dịp đến thăm mới hiểu ra. Chủ nhà in là chị ruột của tôi. Cùng một lúc hắn gặp tôi có cả Ký và Tấn. Hắn cười ha hả, rất tự nhiên, như đang ở giữa đồng trống. Tôi hỏi hắn: “Ông sốt ruột về tập truyện thứ hai do bọn mình ấn hành lắm hả. In xong rồi, chỉ còn xếp may, cắt xén. Vài ba ngày nữa là phát hành. Ở lại với anh em để chờ ra mắt Những Vì Sao Vĩnh Biệt!” Cầm trên tay tập truyện đã in, hắn run run, hai mắt chớp lia lịa và rưng rưng nước mắt. Hắn tháo kính ra, chiếc kính cận dầy 7 độ, lấy tay dụi mắt. Hắn nói: “Mình xúc động vì nỗi vui mừng, cùng một lúc hai niềm hạnh phúc đang đến”. Tôi bảo hắn ngồi dựa vào ghế nệm nghỉ sức, và hỏi: “Điều vui thứ hai là gì?” – “Cưới vợ.” Cả ba chúng tôi đều ngạc nhiên hỏi lại: “Thật không?” Hắn quả nhiên nói: “Mình về đây để cưới vợ?” – “Quỳnh hả?”.Hắn lắc đầu. Tôi hỏi: “Ai vậy? – “Một cô gái mình chưa biết mặt!” Hắn giải thích: “Tụi mình quen nhau qua thư từ. Nàng là độc giả của mình. Nàng thích truyện và thơ của mình. Nàng đang làm việc ở thư viện trường Đại học Cần Thơ. Nàng cùng tên với cô chủ nhiệm báo chúng ta. Hôm nay nàng về Sài Gòn, hiện đang có mặt ở tòa soạn báo Bách Khoa. Tụi mình viết thư hẹn ngày giờ gặp nhau.” Hắn nhìn đồng hồ: “Còn cả tiếng nữa!” Ký và Tấn giục: “Cậu đi với bọn mình, phải tân trang lại, rũ bỏ mùi phong sương, bụi trần, bằng cách nhuộm tóc cho ra chàng trai trẻ. Mặc đồ mới tinh, thẳng nếp.” Hắn ngượng nghịu nhưng cũng làm theo. Tôi hỏi: “Đã định ngày chưa?” – “Rồi.” – “Chừng nào? – “Ngày mai, 18 tháng 6 năm 1971, tức ngày 26 tháng 5 Tân Hợi.”- “Hôn lễ cử hành tại đâu? Quê nàng hả? Tại Cần Thơ à?” – “Không, Sài gòn, nhà chị họ của nàng?” Chị Mai vừa từ trên lầu ba bước xuống, gặp chị tôi giới thiệu: “Thằng bạn nhà văn của em cưới vợ, mà nhà trai không có ai, và cũng ngờ nghệch lễ nghi, chị xem giúp nó.” Chị vui vẻ nhận lời mà còn nói: “Tưởng ai chớ bạn em thì chị cũng xem như em mình thôi!” Chị lại trách tôi: “Còn cậu, có một cô bồ xinh đẹp mà cũng bỏ quên người ta giữa đường, người ta bỏ cậu cũng phải!” Tôi nói nhỏ với hắn: “T. đã lấy chồng.”
Tôi vội cho thợ xếp chữ đăng bảng báo tin chia vui ngày cưới của hắn trên tờ báo sắp ra, thế thiệp cưới. Tôi gọi điện thoại cho Ngọc đem xe hơi tới, và bắt Ngọc phụ rể, vì Ngọc đã lấy vợ nên rành rỏi hơn bọn tôi. Chị Mai đại diện nhà trai, sau đó là bọn tôi, lại thêm có Hùng từ quân trường Thủ Đức về phép ghé thăm tòa soạn, tình cờ biết tin vui này. Hùng cứ cười mãi, đắc chí: “Ai ngờ, chuyện tưởng đùa mà thành sự thật.” Rồi Hùng kể lại với bọn tôi. Lúc còn học Đại học Cần Thơ anh quen với Y. một người con gái xinh đẹp, hiền từ, trắng trẻo, giọng nói nhỏ nhẹ, đang trông coi thư viện trường Đại học. Y. xem Hùng như người em trai. Y. rất sính văn chương, thì giờ rỗi rảnh nàng đọc rất nhiều thơ văn, và rất thích những truyện của hắn đăng trên tạp chí Bách Khoa, Ý Thức… Nàng xúc động và cảm thông được những nỗi cô đơn, nỗi bơ vơ của anh chàng Tân trong “Cuộc sống tôi”. Những con ngựa hoang chạy nhảy trong những khu rừng rậm đầy chông mìn, tiếng hí vang bị át đi bởi tiếng rít trong gió của rocket, tiếng nổ cắc kù của súng đạn. Con ngựa hoang lồng lên, phản kháng, khó thở trong môi trường đầy khói lửa, nhà cháy, cánh đồng trơ trụi, đầy mùi hôi tanh của xác người vắt qua mương rãnh. Con ngựa hoang muốn trở thành con ngựa thuần thục. Khi biết Hùng cũng là một nhà văn. Y. hỏi Hùng có biết gì về hắn không. Hùng cười bắt chị Y. phải đãi hắn một bữa cơm có cá rô kho tộ thì Hùng mới cho biết. Thế là Y. biết một ít về hắn, vì Hùng cũng không biết nhiều về đời tư của hắn, cũng như tôi vậy, nhưng chắc chắn một điều hắn là lính đa tình. Hùng viết thư cho hắn biết có một cô gái Cần Thơ muốn liên hệ với hắn. Hùng thành ông mai, bắt cầu cho hai người. Tôi cười: “Như vậy, ngày mai cậu dù, không về quân trường, mặc cho bị kỷ luật, để làm ông mai cho đôi trẻ chứ!” – “Phải vậy thôi!”
Đám cưới của hắn diễn ra tốt đẹp, đầy đủ lễ nghi. Hai xe du lịch chở hắn và chúng tôi. Hắn đã thay đổi, thành chú rể bảnh trai. Báo Ý Thức đại diện nhà trai, báo Bách Khoa đại diện nhà gái. Rước dâu về khách sạn. Cô dâu hôm ấy, trong chiếc áo dài gấm vàng, đầu đội vương miện, đẹp như một nàng thơ. Trong lời chúc mừng họ tôi chỉ nói được: “Con ngựa hoang, tuổi của cậu, giờ đã có nài, nài hay thì ngựa mới thuần đuợc. Mong rằng Y. với đôi bàn tay dịu hiền, vuốt ve làm con ngựa này không đi hoang nữa!” Cả anh em đều cười. Cô dâu bẽn lẽn nhưng lại gật đầu còn hắn thì mắng tôi: “Thằng khỉ!”
Trước khi dắt vợ về Cần Thơ, anh em trong toà soạn và các bạn trong giới văn chương của chúng tôi tại thủ đô tụ họp lại nhà cô chủ nhiệm Ý Thức cùng chung vui với hắn vừa cưới được vợ vừa ra mắt tập truyện “Những vì sao vĩnh biệt”. Hôm ấy tôi say túy lúy. Trong cơn mê tôi gọi mãi tên T.
3.
Tưởng rằng chỉ có hắn mới có chuyện cưới vợ lạ đời, trong thời chiến, của một người lính trận. Một năm sau đám cưới của tôi cũng như vậy, nhưng là của một người thường dân bình thường, trong thời loạn. Sau khi T. đi lấy chồng, để lại những vết thương nhức nhối trong lòng, tôi trở thành con người lạnh lùng, không một mảy may xúc cảm khi ngồi trong rạp chiếu bóng bên cạnh cô gái xinh xắn mới quen. Ngồi bên nhau, dưới bãi biển Vũng Tàu, gió thổi từ khơi vào lồng lộng, tóc cô gái bay phất phơ chạm vào mắt tôi, tôi cũng không cảm thấy gì. Thỉnh thoảng bàn tay thon thả chạm vào tay tôi, tôi cũng không có một xúc cảm gì dù nhỏ nhặt. Cô gái ấy tâm sự với Thành – một người bạn thân của tôi từ thuở còn cắp sách và là anh họ của cô – là tôi không có quả tim. “Đi bên anh ấy, lạnh tanh.” Tôi biết thế nhưng không làm sao có thể xoay chuyển được. Bao lần chị Mai cứ hối thúc mãi: “Sao em không quên T. đi, lấy vợ đi em ơi, đã trên ba mươi rồi. Không còn ba mẹ, lấy vợ để chị còn có cháu mà cưng chìu chứ!” Mẹ tôi đã chết khi tôi vừa đến tuổi thành niên. Ba tôi mất sau đó vài năm. Tôi sống với chị Mai khi còn ở bậc trung học. Chị thương yêu tôi từ tấm bé. Chị cứ trách mãi: “Tại mày hồi nhỏ tao phải nghỉ học để bồng bế mày đó!” Tuổi chị hơn tôi một giáp. Cả hai chị em cùng tuổi Tỵ, tuổi con rắn. Mỗi lần tôi sai phạm một điều gì, làm phật lòng chị, thay bằng xin lỗi chị tôi cười trừ: “Bao giờ em cũng xem chị như người mẹ, chị nâng niu em từ nhỏ, lớn lên làm sao chị bỏ em được.” Chị mắng yêu: “Mày khéo nịnh tao” Chị cười dòn tan, bao nhiêu giận hờn về tôi đều tan nhanh. Bao lần chị giới thiệu với tôi những cô gái, em của bạn chị, chỉ cần tôi gật đầu là chị lo hết. Tôi tự nhủ lòng mình, tôi sẽ lấy vợ, với một người mà tôi không yêu, người ấy không biết gì về tôi, suốt đời để xem tôi có hạnh phúc hay không? Tôi vỗ về chị: “Chị đừng lo rồi em cũng lập gia đình. Duyên số cả mà thôi.”
Trong một lần ra miền trung giao thiệp với tất cả các nhà sách ký hợp đồng để họ nhận sách của nhà phát hành do tôi sáng lập. Về Tuy Hòa, tôi ghé thăm người cậu ruột - người em út mà mẹ tôi hết lòng yêu thương – đang ngồi trước hiên nhà, cậu cháu tâm sự với nhau, cậu kể về mẹ tôi những ngày còn con gái. Tôi chăm chú lắng nghe. Tôi thích ai nói về chuyện ngày xưa nhất là về những người thân yêu đã khuất của mình. Cậu tôi cũng hối thúc: “Sao cháu chưa lấy vợ?” Tôi chỉ cười trừ. Tiếng ai hát, vọng từ nhà hàng xóm, bên kia đường. Giọng thanh cao, tự nhiên: Nhà em bên chiếc cầu soi bóng, anh đến thăm một lần, như cánh chim trời, hợp đàn bên bến xuân…
Tôi hướng mắt về phía đó, một dáng người con gái, trong bộ đồ bà ba trắng, vừa đi vừa hát, băng qua đường để gặp vài ba cô bạn đang đứng đợi. Cậu tôi tinh mắt cũng hướng về nơi đó. Tôi hỏi cậu: “Cô bé nào vậy cậu?” – “Cháu ruột của mợ đó.” Rồi tôi nói như một người trong cơn mộng du: “Không hiểu sao lần về quê ngoại này con có cảm tưởng có một cái gì đó lôi cuốn con, cuốn chặt con, hay mẹ con dẫn đường cho con đây.” – “Để làm gì?” – “Lấy vợ?” – “Ai vậy?” Tôi chỉ về cô gái đang vui cười với bạn bè kia: - “Cô bé đó!” Cậu tôi reo lên: - “Thật không con?” – “Con không biết nữa. Hình như thật vậy cậu ạ!” Cậu tôi khuyên nhủ: “đừng xem hôn nhân là chuyện đùa.” – “Hình như mẹ con giao việc này cho cậu đó.” Tôi thấy cậu tôi lộ vẻ xúc động hiện lên trên nét mặt. Trước khi từ giã cậu ra về, cậu dặn dò: “Nếu thật sự như vậy, con nói với chị Mai điện thoại nói một tiếng với cậu để cậu yên tâm, cậu sẽ làm mai mối cho con.” Tôi cười và gật đầu. Cô gái có khuôn mặt phúc hậu. Tiếng cười khúc khích, hồn nhiên vẫn vang lên trong cuộc chuyện trò với mấy đứa em gái họ của tôi. Bỗng tôi bắt gặp cái nhìn của cô gái lướt qua tôi. Đôi mắt to và sáng. Khuôn mặt trái xoan. Môi mỏng và đỏ tươi. Lòng tôi gợn lên một chút xao xuyến, như những ngày đầu gặp T. Cũng ngây thơ. Tuổi 18. Nhí nhảnh xem đời như một bài thơ đẹp.
Vào Sài Gòn tôi báo tin với chị Mai là tôi muốn cưới vợ. Chị vui mừng hỏi tới: - “Ai thế? Tên gì. Gốc gác ra sao?” Giựt mình khi nhận ra tôi vẫn chưa hỏi cậu tôi về cô gái, ngay cả tên họ tôi cũng chưa biết. Tôi thú thật: - “Em mới thấy lần đầu, cô ta còn trẻ lắm. Cháu của vợ cậu.” Chị cười như không tin quyết định vội vàng của tôi: - “Thôi đi cậu ơi, đã nhiều lần tôi chuẩn bị nhẫn cưới cho cậu, thế mà cậu lại quên đi, sau một tuần xa cách!” Nhưng rồi chị xuống nước nhỏ: - “Biết đâu duyên số của em như thế. Em về thưa chuyện với dì để dì ra ngoài đó cùng cậu lo toan việc dạm hỏi?” Tôi cũng nghĩ là tôi nói đùa. Cô gái mang dáng dấp của một người tôi yêu tha thiết. Tuyên đã vụt khỏi tầm tay. Có phải tôi bắt cô gái kia thế chân vào không?
Trước khi đi ra Tuy Hòa, dì tôi vẫn còn hỏi lại tôi: - “Con suy nghĩ kỹ chưa. Vẫn còn kịp để dì khỏi mất công ra đó.” – “Dì cứ đi, xin họ ngày làm đám hỏi, thư thả một thời gian mới làm đám cưới.” Theo dự tính, cả đi lẫn về chỉ gọn trong ba ngày. Thế mà đã hơn tuần lễ vẫn không thấy dì về. Thời chiến tranh mọi bất trắc thường có thể xảy ra hằng ngày. Tôi đâm lo hay tôi đang sốt ruột về kết quả chuyến đi của dì. Về đến nhà dì cho hay ngày cưới vợ của tôi đã định sẵn, chỉ mười ngày sau. Đã làm đám hỏi rồi. Đã nạp lễ đàng hoàng. - “Mai con vào lại Sài Gòn cho chị Mai hay, lo in thiệp cưới gởi cho thân quyến, bạn bè ngay mới kịp.”
Ngày tôi cưới vợ nhằm đúng ngày lễ 19 tháng 8, an ninh không bảo đảm, nhất là trên những chuyến xe đò phải lo tránh mìn gài trên đường lộ, hoặc bị chặn đường bắt xuống xe kéo khách vào ngồi men rừng nghe họ thuyết phục, hoặc bắt đi những anh lính cộng hòa mặc đồ dân thường về phép thăm nhà. Tôi lo cho Ký. Hai thằng ngồi trên xe đò chạy vùn vụt, lắc lư ngả nghiêng khi xe lên đèo Cả và qua những khúc cua ngặt nghèo. - “Dự đám cưới của hắn thì tao cứ cười thầm. Làm phụ rể cho mày thì tao hồi hộp quá chừng.” Ký nói nhỏ vào tai tôi khi xe chạy đến Hảo Sơn, nơi mà Việt Cộng thường xuyên từ núi xuống. Tôi nói: - “Nếu không có mày đi với tao chắc gì tao ra đây cưới vợ.” – “Tao chịu mày. Mày là thằng cà chớn!” Buổi sáng trước khi đi, Ký đùa với tôi, là anh xin phép đơn vị được nghỉ vài ngày. Ông thiếu tá hỏi làm gì? Ký phải nói dối là đi hỏi vợ. Ở đâu? Nha Trang? Ông thiếu tá lắc đầu. Tôi đâm hoảng, giãy nảy nói: - “Thôi tao không đi nữa” Dì tôi hốt hoảng: - “Con nói gì lạ vậy?” Ký cười lôi tôi ra ngoài và nói: “Sức mấy đơn vị không cho, khi nhìn cái mặt giả vờ hớn hở của tao?”
Như đã hợp đồng từ khi ở Sài Gòn, tôi và Ký đến nhà Mạnh em họ tôi ở Tuy Hòa, chờ anh chị tôi sẽ bay ra bằng trực thăng. Đúng 12 giờ trưa nhà trai sẽ đến nhà gái làm lễ thành hôn. Vừa thấy bọn tôi, Mạnh mừng rỡ: - “Hú hồn, tưởng có chuyện gì, chú rể phải có mặt từ sáng sớm chứ, cậu Chín cứ thấp thỏm mãi.” Còn cả tiếng đồng hồ nữa, tôi ra đứng hút thuốc ngoài hành lang. Từ xa, hai người con gái đi tới, tôi thoáng thấy hơi quen quen. Hai người đi ngang qua tôi, Mạnh hỏi: - “Ủa, sao ông không chạy theo đi, hỏi người ta vài câu.” Thấy tôi vẫn tỉnh bơ, Mạnh nói: “Ông không nhận ra vợ sắp cưới của ông đi với cô em họ của ông à.” Lúc đó tôi mới rảo bước theo sau, ú ớ hỏi vài câu vô duyên.
Đám cưới được tổ chức đơn giản nhưng cũng đầy đủ nghi lễ. Sau khi vái lạy bàn thờ tổ tiên, tôi và Lan dắt nhau đến từng bàn chào hỏi người thân, họ nâng ly chúc mừng. Tôi nhìn Lan trong chiếc áo dài gấm vàng, đầu đội vương miện, ngây thơ, rụt rè khép nép đi bên tôi. Sao không phải là Tuyên. Tuyên như con chim đã về nơi trời xa xôi, mất Tuyên rồi tôi mới thấy là tôi yêu nàng đến mức độ nào. Khi nàng ở trong tay mình thì mình không biết quí, biết chìu chuộng, nâng niu.
Tôi nắm chặt tay Lan, như muốn níu lại cái gì quí giá mà mình vừa đánh mất.
Buổi tiệc sắp tàn. Anh chị tôi vội trở về Nha Trang và hẹn chúng tôi có mặt tại Phan Rang vào ngày mai, để làm lễ ra mắt bà con giòng họ. Còn tối nay tôi phải dẫn vợ đến khách sạn Khánh Hòa mà chị tôi đã đặt sẵn. Sáng mai cả anh chị tôi và vợ chồng tôi cùng đi xe du lịch của chị tôi về nhà ở Phan Rang. Tôi nói nhỏ với cậu tôi xin phép cho chúng tôi được đi sớm để kịp về Nha Trang. Đường sá xa xôi và mất an ninh, nên nhà gái thông cảm, ba mẹ vợ tôi vội thu xếp đồ đạc của con gái mình vào chiếc va li nhỏ, và từ giã đứa con gái yêu của họ. Lan cũng rơm rớm nước mắt khi ôm lấy mẹ.
Ký theo chúng tôi ra bến xe, mua được ba chiếc vé của chuyến xe chót về Nha Trang. Xe vào bến Nha Trang lúc trời vừa chạng vạng tối. Thấy còn duy nhất một chiếc xe đò nhỏ cuối cùng đang từ từ lăn bánh, tôi vội chặn lại: -“Còn chỗ không?’ – “ Mấy người? Ba?” – “ Chỉ còn hai, mà phải ngồi sau cốp xe.” Ký thắc mắc: - “ Ủa, ngày mai mới được về Phan rang mà mày. Tao chịu thôi. Tụi mày về trước, tao đến báo với chị Mai, và mai tao cùng đi với anh chị ấy vậy.”
Tôi dắt Lan lên xe, chui vào ngồi co ro sau cốp xe. Giữa đường, qua khu rừng vắng, khói lam chiều vương vấn từ xa của một buôn làng, và mấy người đàn bà thượng để ngực trần, đeo chiếc gùi sau lưng mang con trẻ, thong dong qua đường cái. Lan ngạc nhiên, như thầm hỏi quê chồng mình ra sao, có hoang dã như vầy không . Tôi chọc nàng: - “Sắp đến nhà rồi.” Nhìn đôi mắt ngơ ngác, bỡ ngỡ, tôi chạnh lòng thương mến người sắp bước vào đời tôi, sống suốt chặng đường còn dài của cuộc đời mình.
Hai vợ chồng tôi ngồi trên chiếc xích lô, dừng lại trước nhà, bước xuống dưới sự ngạc nhiên của mọi người thân. Nga, em gái tôi cùng chồng cũng từ Cam Ranh, vào từ trưa, la hoảng lên: - “Dự tính là mai mới rước dâu về, có ngày có giờ đàng hoàng chứ. Sao giờ này lại lù lù dắt vợ về thế?” Chị Mận cầm tay Lan dẫn vào nhà và đỡ lời. – “Nói gì nữa, lo chuẩn bị bàn thờ để hai em tôi vái lạy ông bà, cha mẹ.” Nga hối chồng: - “Anh chạy ra chợ mua một bình hoa.” – “Chợ đã tan rồi.” - “Cứ đi đi, may ra…” Mọi người định tối nay, tụ họp lại, mới trang hoàng nhà cửa. Cả một đêm và trưa ngày mai, đúng 11 giờ mới đến giờ làm lễ thành hôn. Tôi có hiểu lễ nghĩa gì đâu? Có tiếng xầm xì: - “Chịu cho cái ông nhà văn cà trớt.” Dì tôi và mấy chị em xúm lại bàn: - “Thôi, mấy chị trang điểm hộ cô dâu, đơn sơ thôi.” - “Rót rượu tơ hồng cho đôi vợ chồng mới cưới. Cho ra mắt ông bà cha mẹ rồi làm lễ động phòng.” Cả mọi người trong nhà đều cười làm Lan đỏ mặt, ngượng ngùng. Lan chỉ biết riu ríu làm theo lời chị Mận.
Đám cưới rồi cũng xong. Qua hôm sau tôi lại dẫn Lan vào Sài Gòn, bắt đầu làm việc, để hoàn tất tờ báo ở khâu in ấn, để phát hành kịp ngày đã ấn định vào đầu tháng. Lan bỡ ngỡ trong sinh hoạt của chúng tôi, nhưng rồi cũng lần hồi hòa đồng được.
4.
Năm 1975. Bạn bè, anh em đều tản mác, không biết tin tức gì của nhau. Ai còn ai mất. Người đã đi xa về một nơi nào cách biệt. Kẻ còn trong trại cải tạo. Không biết hắn nằm trong trường hợp nào? Cũng như tôi không bao giờ nghĩ tôi có ngày hôm nay. Bỏ Sài Gòn. Bỏ thị xã bé nhỏ, đi về nông thôn. Gác bút, cầm cuốc làm ruộng. Lội nước, đĩa đeo quanh bắp chân hút máu. Nhổ mạ non mà cứ tưởng lầm với cỏ kê, chưa biết phân biệt đồng thau lẫn lộn. Tấn vẫn còn dạy học, nhưng thôi làm hiệu trưởng của một trường lớn nhất tỉnh, về làm anh giáo quèn ở thôn nhà. Thỉnh thoảng chúng tôi có gặp nhau, kéo nhau đến một quán cóc bên đường, cùng hút chung một điếu thuốc thơm, rân rân cả người vì chất nicotine thì ít mà se lòng nhớ các bạn một thời cùng nhau làm báo thì nhiều. Trong những năm 1980 cả nước cùng ăn độn gạo với bo bo, con cái đi học còn chia thành phần lý lịch gia đình, tình cờ tôi mới biết tin về hắn. Trong quán nước, ngồi quay lưng lại với tôi và Tấn mấy người đàn ông nói giọng Quảng Nam chuyện trò với nhau. Tôi nghe họ nhắc đến hắn với giọng bùi ngùi. “Ngày trước tao thích đọc truyện của ông ta, mỗi lần về phép thăm nhà. Sau khi ra trại cải tạo ở Tánh Linh, có đứa bạn thấy ông ta đi bán cà rem ở Cần Thơ, quê vợ.” Tôi xót xa, mường tượng đến một người đàn ông tuổi đã bốn mươi, gầy gò trong bộ đồ lao động cũ kỹ, tóc bạc trắng, đôi mắt nặng trĩu, hai mí lim dim trong đôi kính cận dầy 7 độ, vai mang thùng xốp, tay cầm cái chuông rung leng keng qua các trường học trong giờ ra chơi mà mời mọc bọn trẻ nhỏ. Có khác gì tôi gặp lại Chương, thời nhỏ hắn là con nhà giàu nhất tỉnh, lớn lên Chương hào hoa lúc nào cũng quần áo bảnh bao, đôi giày đen bóng nước, cổ thắt cà vạt, đạo mạo lên lớp, nói tiếng Pháp thao thao bất tuyệt. Sau biến cố lịch sử 1975, tôi gặp Chương xơ xác, ảm đạm trong bộ đồ rách nát, thất tha thất thểu, đạp xích lô sống qua ngày. Tôi nghĩ đến ngày trước năm 1975. Hắn làm báo viết văn thì bị xem như một kẻ phản chiến. Cũng như tôi, hắn chỉ là nhà văn như một chứng nhân của lịch sử, của thế hệ chiến tranh. Tôi và Tấn nhìn nhau như tự hỏi họ là ai, độc giả hay chiến hữu của hắn ngày trước. Tôi nghe thêm tin về hắn, với tiếng cười thầm trong bụng, là hắn cùng vợ con đã vượt biên và hiện sống trên đất Mỹ. Người kia còn kể chuyện hi hữu một anh chàng bán cà rem nói chuyện với người ngoại quốc bằng tiếng Anh thông suốt. Sau khi biết anh chàng bán cà rem từng là một nhà văn, thà bán cà rem kiếm sống qua ngày chứ không chịu uốn cong ngòi bút, tô hồng hay bôi đen chế độ, họ tìm đường cho hắn đi.
Trong những ngày gian truân, tôi cũng gác bút, mà lao mình vào cuộc, lấp kín những cảnh đời đã trải qua, những niềm đau mất mát của riêng mình, ấp ủ trong lòng. Một ngày nào đó sẽ tuôn ra trên trang giấy. Cuộc sống đã dễ chịu hơn, vật chất cũng như tinh thần, tôi nhiều lần tìm cách về Sài Gòn sinh sống. Một vài lần đổi nghề, bỏ bút cầm kéo làm thợ may. Thất bại là phải. Bán thuốc tây lậu cứ bị tịch thu, mất vốn lại suýt bị tù. Ở nhà, vợ tảo tần nuôi chồng con. Thời mở cửa, thì tuổi mình đã xế chiều. Con cái đã yên bề gia thất và làm ăn khá giả. Chúng sắm cho tôi một bộ vi tính, máy in laser cá nhân và khuyến khích tôi: “Ba còn chờ gì nữa mà không tiếp tục làm văn chương, mộng ước của cả đời ba, giờ phải trả.”
5.
Tôi tập sử dụng vi tính. Như ngày nào gõ lọc cọc trên bàn máy chữ, giờ thì gõ mấy ngón tay lên bàn phím, tiếng lạch cạch êm ái chỉ phát ra trong sự tĩnh lặng buổi sáng sớm. Từng ý nghĩ tuôn trào trên trang chữ. Bao nhiêu năm tôi không viết được dù một đôi lần tôi cố sức cầm bút viết lên trang giấy trắng, chỉ đôi ba hàng thì tịt ngòi. Con suối văn chương của tôi như bị lấp cạn, chôn vùi trong ghềnh đá lớn. Tôi đau khổ, sống như một kẻ vô hồn. Bỗng một hôm nằm nghe con suối róc rách chảy trong hồn, luồn khắp cơ thể làm hồi sinh. Người đến khơi cát bụi của thời gian, bật đi sự chai lỳ của cuộc sống, vực tôi dậy tiếp tục bước, không ai khác ngoài T. Tôi như người trong mộng, gặp lại người yêu xưa, sau ba mươi năm xa cách. Những ngày nàng trở về thăm quê hương, đi bên cạnh nàng, qua những hàng cây me trên những con đường tỏa đầy bóng mát mà hồn mình thì lênh đênh, như lạc vào cõi thiên thai. Con suối trong tôi bắt đầu reo vui tuôn chảy vượt qua bao nhiêu ghềnh đá, trở thành những thác nước lớn. T. có đem về cho tôi một tờ báo Văn Học, mà người chủ trương không ai khác là một bạn văn cũng là một trong những người chủ trương báo của tôi ngày xưa. Ở một trang quảng cáo, tôi thấy hình bìa “Thế hệ chiến tranh” tập truyện của hắn. Tôi mừng vui vô kể. Năm xưa, T. chỉ biết hắn là một anh em trong nhóm của chúng tôi. T. chỉ đọc truyện của hắn mà không thấy mặt. T. thích văn của hắn, vì T. tìm được những nỗi đau khổ của người lính trận. Chồng T. cũng là một sĩ quan. Và T. thành người quả phụ. Ở Mỹ, T. cũng đọc truyện của hắn. Tôi thấy địa chỉ e-mail của hắn, vội đánh ít chữ gởi qua, nối lại liên lạc đã mất từ gần ba mươi năm.
Thư qua thư lại, hình ảnh hắn và những người bạn văn đang lưu lạc trên đất người lần lượt được chuyển về từ mạng internet cho tôi và bạn bè hắn còn ở quê hương. Ngày nào hắn hỏi tôi T. là ai, lúc ấy T. là người yêu đầu tiên của tôi và cũng là người cuối cùng. T. là một cô gái mới lớn, xinh đẹp. Giờ T. thành người đàn bà luống tuổi. Trở về Mỹ, T. đến thăm vợ chồng hắn. Còn Quỳnh của hắn là ai mãi đến giờ tôi cũng không hình dung được. Chỉ mang máng trong tác phẩm của hắn mà thôi: một cô giáo trẻ. Chính bây giờ hắn cũng bặt tăm người xưa, không biết nàng lưu lạc phương trời xa xăm nào, còn sống hay đã chết.
Tôi hỏi T. về hắn, những gì T. đã thấy trong chuyến T. ghé thăm vợ chồng hắn ở Mỹ. Tóc hắn đã bạc phơ. Cặp kính cận càng ngày càng dầy thêm. Hắn cũng vừa bị cho thôi việc mặc dù qua bao nhiêu năm hắn đã cống hiến sức lực và khối óc cho một hãng computer lớn nhất nước Mỹ. Hắn là chuyên gia với bằng cấp cao, được đào tạo ở một trường đại học Mỹ. Từ lâu, kể từ ngày cưới vợ, cuộc đời lính tráng, sống chết chỉ cách nhau mong manh như đường tơ kẻ tóc, Yến đã tảo tần chăm lo cho chồng con, để hắn yên tâm viết lách. Lúc hắn ra khỏi trại cải tạo, Yến cũng khuyên hắn nằm nhà dưỡng sức, mọi việc áo cơm nàng lo, hắn cười bảo vợ rằng mình cần phải lăn lộn trong cuộc đời đầy khổ ải này để có chất liệu sau này mà viết. T. cho tôi biết hiện tại hắn còn có một nhà in nhỏ, kể cả máy xén, máy đóng sách. Hắn lục đục suốt thời gian rỗi rảnh để in một tạp chí văn học, tụ hội lại những bạn văn còn sống ở hải ngoại cũng như còn lại ở trong nước. Hắn say mê công việc in ấn mà từ trước tôi không bao giờ nghĩ tới hắn có thể làm được. Ngày xưa, mỗi lần ghé thăm tòa soạn, nhìn anh em cặm cụi làm việc trong nhà in, hắn chỉ đứng nhìn mà cười rồi nói: - “Mình chịu thua. Mình chỉ viết văn, làm thơ. Còn cậu lại thêm đam mê nghề in này, để in ra những tác phẩm của anh em ngày mỗi đẹp và trang trọng lên. Mình chịu.” Thế mà giờ đây trên đất Mỹ hắn có được cái mà ở quê nhà tôi đã mất. Chạnh lòng, tôi nắm chặt lấy tay T.
Đọc những tác phẩm hắn viết sau này, tôi vẫn xúc động như xưa. Vẫn một mạch, như dòng suối miên man chảy. Cuộc chiến vừa qua mà cả thế hệ chúng tôi đã gánh chịu, vẫn còn thấm đậm trong lòng hắn, dù đã bao nhiêu năm trôi qua, không còn tiếng súng.
Dù lịch sử có lập đi lập lại. Nhưng với thiên chức của nhà văn bao giờ cũng phải nói lên những nỗi đau do chiến tranh gây nên. Phải không Trần Hoài Thư./.