Đọc một số truyện ngắn Việt Nam, ta không khỏi liên tưởng đến điện ảnh. Người viết xin nhấn mạnh ở từ ngữ “làm liên tưởng”, thay vì viết: “những truyện ngắn chịu ảnh hưởng” từ điện ảnh. Bởi vì, những tác giả của các truyện ngắn nêu ra dưới đây chưa bao giờ khẳng định họ đã viết truyện theo phim này hay phim nọ. Chỉ là do ta có cảm nghĩ mà thôi. Có khi tác giả không muốn nói ra ảnh hưởng đó, có khi hoàn toàn do độc giả khám phá thấy. Trường hợp sự liên đới do ta khám phá, đây là trùng hợp về ý hướng sáng tác giữa các tác giả, điều này cũng không phải là hiếm hoi trong tâm thức nhân loại. Trường hợp có chịu ảnh hưởng điện ảnh mà tác giả truyện viết không muốn nói ra, có thể nói ra làm mất mát ít nhiều về tính độc đáo sáng tạo, có thể tác giả truyện viết không thích bị phê bình theo thời thượng của giới ái mộ điện ảnh. Xin lần lượt nêu ra các truyện ngắn làm liên tưởng đến các cuốn phim mà người viết bài này đã có xem:
Phim “Tuyết Trên Đỉnh Kilimanjaro” và truyện “Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời” của nhà văn Mai Thảo - Cuốn phim trên đã từng chiếu ở Miền Nam Việt Nam trong những năm cuối của thập niên 1950 (phim thực hiện vào năm 1952 với các ngôi sao điện ảnh lúc bấy giờ là Gregory Peck, Susan Hayward và Ava Gardner). Phim này thực hiện rất sát với truyện ngắn cùng tên của nhà văn Mỹ Ernest Hemingway (sáng tác năm 1938). Tác giả viết theo lối “Dòng Cảm Thức Đan Chen Khi Hồi Tưởng”, một điều cũng dễ thực hiện qua điện ảnh: cảnh này bắc qua cảnh khác khi nhớ lại dĩ vãng, không cần báo trước lúc đổi không gian-thời gian một khúc quanh khác trong cuộc đời nhân vật. Ví dụ đang lúc nhân vật nằm điều trị vết thương làm độc dưới chân núi cao ngất Kilimanjaro ở Phi Châu, ta đồng thời thấy cảnh hồi tưởng lúc nhân vật hệ lụy với những người nữ tại Paris, hoặc lúc đang dự trận chiến chống độc tài ở Tây Ban Nha. Đây là một trong những truyện ngắn danh tiếng của Hemingway, các nhà phê bình văn học tìm thấy qua truyện ngắn các chủ đề như về tình ái, về chiến tranh, về cái chết, về hư vô chủ nghĩa, về hiện sinh chủ nghĩa, về sự săn bắn, về cảnh vật hoang dã… Cả đến tiếng máy bay nghe được rồi mất hút khi nhân vật sắp chết và sau đó hồi sinh trong căn lều dưới chân núi Kilimanjaro, cũng có nhà phê bình nói về chủ đề sự cứu rỗi. Bí ẩn như lời phù chú, câu văn dưới đây được tác giả Hemingway đặt liền ngay dưới nhan đề và chỉ được nhắc lại ở đoạn cuối sau bao thăng trầm của đời nhân vật, từ đó đưa tới quyết định đi săn thú trong vùng núi xa xôi Kilimanjaro: “Sát với sườn phía Tây (của Kilimanjaro) có xác chết khô và đóng băng của một con beo. Không có lời giải thích nào về việc con beo tìm kiếm gì ở cao độ ấy”. Chính câu nói được lặp lại ấy, khi nhân vật thầm thì với hai cô gái điếm, và làm họ cũng không rõ nhân vật nói cái gì. Điều bí ẩn tại sao con beo vốn sinh sống dưới đồng cỏ bạt ngàn Phi Châu, tại sao nó từng có mặt trên sườn núi cao quanh năm tuyết phủ. Chính điều bí ẩn được nói ra một cách cũng lạ lùng trong phim, nhân vật nói với mình hơn là nói với hai cô gái không cần nghe, phải chăng đã gây cảm hứng cho nhà văn Mai Thảo viết truyện ngắn “Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời” (in chung trong tập gồm một số truyện ngắn khác của ông, do Sáng Tạo xuất bản, Sài Gòn, 1963): Truyện một người có nguồn gốc thuộc tộc người thích mạo hiểm, thừa hưởng bản năng của tổ tiên từ ngàn xưa thường đi xâm chiến chinh phục đất đai. Tiếng gọi huyền bí thúc đẩy nhân vật phải chinh phục ngọn đỉnh trời, nhưng khi gần đạt tới thì tự buông mình xuống khe sâu, vì cảm thức một cách không hiểu nổi đối với thế gian: ngọn đỉnh trời chỉ là vật đang bị chinh phục, cần phải đi vào vô hạn mới là Vực Thẳm. Có khác nào con beo từ chốn bình địa bạt ngàn hoang dã, có tiếng gọi huyền bí nào đó bắt nó lần mò lên sườn tuyết phủ cao ngất phía Tây núi Kilimanjaro, nơi mà người bản địa Masai gọi là “nhà của Thượng Đế”. Xin nhắc lại, sự liên đới giữa phim “Tuyết Trên Đỉnh Kilimanjaro” và truyện ngắn “Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời” chỉ là sự liên đới với chừng mực nào thôi, vì như đã nói truyện của Hemingway hàm chứa nhiều thông điệp chủ đề do các nhà phê bình văn học đã đề cập, không phải chỉ với chủ đề niềm khát vọng vô hạn (trong Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời thì khát vọng vô hạn là chủ đề duy nhất). Cảm thức chủ đề vô hạn lẩn quẩn với ta, do câu viết đầu tiên ấy khi vào truyện: “Close to the western summit, there is the dried and frozen carcass of a leopard. No one has explained what the leopard was seeking at that altitude.”
Phim “Lão Như Ông và Biển Cả” và truyện ngắn “Bên Sườn Núi Đá” của nhà văn Dương Nghiễm Mậu – Có hai cuốn phim được thể hiện từ truyện Lão Ngư Ông và Biển Cả của nhà văn Hemingway, một do Spencer Tracy thủ vai lão ngư ông, một do Anthony Quinn. Phim được đề cập ở đây do Spencer Tracy, thực hiện năm 1958, và có trình chiếu ở Miền Nam Việt Nam vào khoảng thời gian ấy. Đây là truyện cũng viết theo dòng cảm thức trộn lẫn quá khứ và hiện tại khi hồi tưởng (The Stream of Consciousness Method). Cốt truyện thật giản dị: lão ngư ông một mình đi câu cá ngoài khơi Vịnh Mexico, ít khi thành công như các ngư phủ trẻ. Nhưng sau mấy ngày lênh đênh ngoài biển, ông câu được một con cá-lưỡi-kiếm khổng lồ. Ông phải vô cùng vất vả kiềm giữ nó đang bị mắc câu, bị nó lôi đi ngoài đại dương, may mà trời không có sóng gió. Tay ông bị giây câu cứa chảy máu khi trì kéo con cá có sức mạnh ghê gớm. Cuối cùng ông cũng đã thắng, con cá đuối sức sau mấy ngày lôi kéo ca-nô của lão ngư ông, và bị đâm chết lúc nó đã ngất ngư. Ông cột con cá bên mạn ca-nô, bề dài của nó tương đương với ca-nô. Và ông dong buồm trở về bờ. Đó là ta thuật lại cốt truyện giản dị theo tuyến thời gian trước sau, còn nhà văn Hemingway thì với phương pháp thuật truyện theo Dòng Cảm Thức Lẫn Lộn, và phim ảnh thực hiện cũng trung thực: xen kẽ cảnh vật lộn với thiên nhiên khi mưa lạnh khi nắng rát ngoài biển trong lúc kiềm giữ con cá khổng lồ, là cảnh thiên nhiên khi ông đi săn bắn ở Phi Châu; và xen kẽ với cảnh ông đấu vật (bằng cánh tay) khi sống trong một thành phố. Đồng thời với cảnh ba con sư tử nơi đồng cỏ là cảnh bầy cá voi trên hành trình hùng vĩ ở đại dương. Là nhà văn lớn, thì đâu phải chỉ mô tả cảnh này xen kẻ với cảnh khác, mà qua đó còn là những cảm nghĩ sâu sắc lồng vào những điều hiện ra gợi dòng hồi tưởng, như lúc ông nói gì với con chim biển ghé đậu trên ca-nô, cảm nghĩ gì khi đàn cá chuồn bay là là trên mặt nước, thầm thì gì khi đàn chim săn cá bay rợp trên trời, độc thoại nội tâm những gì sau ba lần mệt mỏi chiến đấu với bầy cá mập… Cuộc chiến đấu với bầy cá mập thật cam go: trên đường dong buồm về bến với chiến thắng câu được thì chúng xuất hiện giành giật công khó của lão ngư ông. Hết bầy cá mập này lại đến bầy cá mập khác, chúng rúc rỉa con cá chết khổng lồ. Ông phải hết sức đánh đuổi chúng giang xa, bằng những phương tiện có trong ca-nô: bằng cái lao bén để đâm cá, lao dính vào cá mập và bị nó kéo đứt luôn sợi giây buộc vào lao (đó là lần đầu chiến đấu với cá mập). Rồi bằng lưỡi dao quấn vào cây chèo dài và dao bị gảy lưỡi; bằng cái cái lưỡi móc và lưỡi móc dính luôn vào thân cá mập; bằng cán cây ngắn đập mạnh xuống và mỏi quá cán cây cũng rơi mất (trận chiến lần thứ hai với bầy cá mập). Rồi bằng thanh cây rút ra từ bánh lái và lần này thì ông ngã xỉu xuống ca-nô (trận chiến lần thứ ba). Cuối cùng ông về đến bến khi hoàng hôn vừa sụp tối với các ánh đèn thuyền chài. Tặng phẩm trùng dương ông đem vào bến chỉ còn là bộ xương cá trắng hếu, vì bọn cá mập đã rút rỉa hết thịt. Chính ở chỗ ông đã dùng hết mọi phương tiện để chiến đấu với cá mập mà ta thấy trùng hợp với những việc xảy ra trong truyện ngắn “Bên Sườn Núi Đá” của nhà văn Dương Nghiễm Mậu. Truyện ngắn này đăng trong Tạp chí “Thế Kỷ 20” xuất bản tại Sài Gòn, số 4, tháng 10 năm 1960. Cốt truyện: một ông già tên Hai và một thanh niên tên Trình làm nghề đánh bắt cá để bán cho những lái buôn từ xa tới mỗi mùa. Họ ở vùng biển bên sườn núi đá. Gặp mùa biển động kéo dài nhiều ngày, sau khi Trình ra khơi, ông phải chịu đựng rét mướt trong hốc đá, phải đốt hết mọi cái có thể đốt được để sưởi ấm. Đáng lẽ nên bỏ cuộc, không cần giữ đúng ngày giao hẹn với lái buôn sẽ tới đây, nhưng ông cương quyết ở lại với biển. Trước đó, ông còn muốn đi theo ghe đánh bắt cá với Trình, đáp lại khát vọng yêu biển lạ lùng nơi ông, nhưng Trình đã bỏ ông lại vì thấy ông quá yếu. Ong Hai muốn khắc phục điều ông mặc cảm là vô dụng, muốn đáp lại tiếng gọi siêu hình trong thâm tâm phải chiến thắng khó khăn. Nhưng ông và tất cả dấu vết trú ngụ bị mưa lớn và sóng biển cuốn đi mất tích: “Ông già đốt lửa qua ngày này đêm khác không biết bao lâu. Có lúc ông chợt ngủ rồi lại thức và tiếp tục đốt lửa cho đến lúc không còn một thanh củi, ông tìm mọi cái có thể cháy được mà đốt… Ngọn lửa tàn theo những trang sách cuối cùng. Ông già tin ở điều mình nói, nhất định thắng… Sau mùa biển động ít lâu, có một chiếc xe theo con đường độc đạo ra ven sườn núi đá, người ta theo lời hẹn tới lấy cá, nhưng khi những người lái buôn tới nơi thì không tìm thấy dấu vết gì tỏ ra rằng ở đó có bàn chân người đã đặt đến.” Cùng một tâm thức khát vọng vô hạn như nhân vật của nhà văn Mai Thảo đã kể trên, ông Hai mang tâm thức “nhớ biển lạ lùng” trong khi quê quán của ông thuộc vùng núi, chưa từng thấy biển bao giờ từ khi sinh ra đến tuổi thanh niên. Những con cá khô từ miền biển đem lên bán ở mạn ngược hé lộ cho ông thấy biển là cái gì rất quyến rũ. Ông lấy vợ, có con, nhưng tiếng gọi của biển khiến ông đi giang hồ với nghề thủy thủ, bỏ bê vợ con, ít khi thăm nhà. Rồi vợ ông mất vì bệnh tật, và cũng vì ông bỏ phế gia đình. Hối hận, ông đem con lên mạn ngược làm nghề thư ký, định tâm một đời còn lại sẽ tránh xa biển. Nhưng khi lớn lên, con ông cũng có tâm thức siêu hình nhớ biển, xin đăng vào ngành hải quân, mặc cho ông khuyên can không nên. Một lần nữa, ông Hai quay về biển, cũng như xưa từ vùng mạn ngược, sau khi con ông bỏ đi, và ông xin vào đội lính kèn trực thuộc một đồn binh đóng ở ven biển. Sau một thời gian thì đồn binh dẹp bỏ, phần lớn lính thuyên chuyển, riêng ông Hai ở lại biển và hợp tác với Trình làm nghề đánh bắt cá bán cho lái buôn… Ngoài chủ đề ý chí chiến thắng hoàn cảnh tương tự như chủ đề ở truyện phim “Lão Ngư Ông và Biển Cả”, ta thấy nhà văn Dương Nghiễm Mậu cũng manh nha áp dụng cách viết “theo dòng ý thức trộn lẫn quá khứ và hiện tại”, như ở trong đoạn ông Hai và con ông tranh luận nên hay không nên theo tiếng gọi giang hồ, gồm cả chi tiết cuộc đối thoại giữa hai người, giao thoa trong toàn bộ truyện có nhiều đối thoại giữa ông Hai và Trình. Kể như một truyện nhỏ lồng trong một truyện chính. Hai đặc điểm: chủ đề ý chí chiến thắng và phương pháp viết theo dòng ý thức làm đồng hiện việc xưa và việc mới xảy ra, cho ta cảm nghĩ truyện của nhà văn Dương Nghiễm Mậu có những tương hợp với truyện phim “Lão Ngư Ông và Biển Cả”.
Phim “Cây Cầu Trên Sông Kwai” và truyện ngắn “Con Suối và Chiếc Cầu Treo” của nhà văn Lâm Chương – Cuốn phim “Chiếc Cầu Trên Sông Kwai” thực hiện dựa vào truyện của nhà văn người Pháp tên Pierre Boulle, phổ biến vào năm 1957 và cũng đã được trình chiếu ở Miền Nam Việt Nam khoảng thời gian ấy. Các tài tử điện ảnh thủ vai trong phim là William Holden (Mỹ), Alec Guinness (Anh) và Sessue Hayakawa (Nhật). Phim thực hiện tại địa điểm có sông Kwai chảy qua gần giữa biên giới Thái Lan - Miến Điện (Myanmar), là nơi thời Thế Chiến Thứ Hai quân đội Nhật xây chiếc cầu xe lửa (vào năm 1942-1943) để vận chuyển quân sự giữa hai nước bị Nhật chiếm đóng. Cầu xây tại địa hình hiểm trở, nước sông chảy xiết vùng rừng núi, nên quân đội Nhật xây nhiều lần không hoàn hảo. Chuyện xảy ra khi nguồn nhân lực để xây cầu là hàng ngàn tù binh Anh và Úc (do Nhật bắt giữ khi họ đánh chiếm Thái Lan, Miến Điện và vài hải đảo trong Thái Bình Dương). Đông đảo là tù binh Anh. Đám tù binh rất kỷ luật nghe theo vị chỉ huy của họ là một đại tá. Trong số tù binh có những chuyên viên công binh của Anh giỏi về kiều lộ. Thấy quân đội Nhật yếu kém kỹ thuật xây cầu, đám tù binh Anh muốn chứng tỏ sự tài giỏi của mình, và họ đem hết lòng xây cho được chiếc cầu xe lửa, vâng theo vị chỉ huy đại tá Anh. Chỉ với sức lao động không có sẵn cơ giới hỗ trợ, vậy mà chẳng bao lâu chiếc cầu xe lửa đồ sộ hoàn thành. Đó là một cây cầu chiến lược tối hệ trọng, vì vậy mà trước đây quân đội Nhật đã làm tốn hao bao nhiêu công của, nhiều sinh mạng nhân công Thái Lan và Miến Điện bỏ mình nơi chốn sơn lâm chướng khí. Có một điều thật mâu thuẫn: cây cầu xe lửa chiến lược cần thiết cho quân đội Nhật, tại sao chỉ vì muốn chứng tỏ tài giỏi của người Anh mà tù binh Anh lại xây cầu giúp dễ dàng quân vận cho Nhật. Không thể chấp nhận được, nên bộ chỉ huy Anh ở Đông Nam Á quyết định phái đặc công tới đặt mìn phá cây cầu. Mâu thuẫn giữa quân Anh và Nhật đã đành, mà còn mâu thuẫn giữa danh dự về tài năng (tù binh Anh muốn chứng tỏ) và sự cần thiết phá hoại cơ sở Nhật mà quân đội Anh đang tìm cách phản công. Đúng ngày khánh thành cho thông xe, một tù binh Anh và một đại tá Nhật, cùng lúc ở hai nơi dưới gầm cầu, khám phá thấy sợi giây gài mìn phá hoại. Và chạm súng giữa đặc công Anh và quân Nhật, nhưng không còn kịp ngăn chặn, chiếc cầu đã bị phá hủy sau một tiếng nổ rền vang rừng núi, kéo xuống sông đoàn tàu xe lửa quân vận Nhật đang chạy qua cầu. Rồi thời gian qua, Thế Chiến đã chấm dứt sau hai trái bom nguyên tử thả xuống nước Nhật. Dấu vết chiến tranh còn lại ở vùng biên giới Thái Lan-Miến Điện là những nhịp cầu gảy đổ dưới dòng nước Kwai vẫn âm thầm trôi đi. Chỉ có thiên nhiên là chiến thắng sau cùng, rừng núi lấy lại vẻ hoang sơ của nó… Không rõ nhà văn Lâm Chương có thật sự chịu ảnh hưởng từ cuốn phim này, hay do ta hoàn toàn liên tưởng, mà truyện ngắn “Chiếc Cầu và Con Suối” cũng cùng có ý tưởng về sự chiến thắng sau cùng của thiên nhiên. Truyện viết như một mảnh hồi ký trong thời gian ông đi tù cải tạo vùng sơn lâm gần hồ Thác Bà ở Việt Bắc. Trại tù rừng núi ở gần một con suối nước chảy xiết, cực mạnh vào mùa lũ. Bên kia suối là con đường dẫn về tỉnh Tuyên Quang. Không có chiếc cầu qua suối thì trại tù bị cô lập với những bản làng bên kia, cho nên năm nào cũng phải bắc một cây cầu mới phục vụ cho mùa khô, đến mùa lũ thì bỏ mặc cho cầu bị nước cuốn phăng đi. Chẳng phải là điểm sung yếu nên không có kinh phí xây cầu vững chắc, vì thế cây cầu năm nào cũng chỉ tạm bợ do dân chúng trong vùng lo liệu. Nhưng bây giờ có nguồn nhân lực tù cải tạo độ 250 người, các cán bộ quản giáo có ý nghĩ phải làm cầu bền vững. Đồng ý nghĩ như đám tù binh Anh xây cầu trên sông Kwai với tâm thức muốn tỏ ra tài năng, hình như tác giả Lâm Chương muốn nói như vậy: “Các cán bộ trại đề ra kế hoạch làm cầu treo. Nghĩ ra kế hoạch là cái đầu của những kẻ coi tù. Thực hiện kế hoạch là những người tù”. Tác giả viết như trên thì chưa đề cao nhiều lắm vai trò chủ động của tù cải tạo. Họ tỏ ra tài năng ở công trình khôn khéo là làm sao đem về được những thân cây hai người ôm mới giáp vòng. Họ đốn cây rồi cho lăn từ trên núi xuống suối, và nhờ sức nước con suối đem bốn thân cây tới nơi làm trụ cầu treo. Mà đám tù binh Anh xây cầu sông Kwai xưa kia, họ cũng đâu có chủ động sáng kiến phải bắc cây cầu, họ chỉ chủ động về tài khéo xây cầu mà thôi. Cây cầu do tù cải tạo làm có vẻ vững chắc này cũng chỉ tồn tại được một mùa hè, vì mùa lũ tiếp theo lại là một mùa lũ mạnh chưa từng có trước đây, nước vang dội hợp với cây ngã đổ từ trên ngàn xuống đánh gục bốn trụ cầu lớn. Thiên nhiên mãnh liệt một lần nữa chiến thắng trước con người. Trong truyện được thực hiện qua phim “Cây Cầu Trên Sông Kwai”, tác giả Pierre Boulle viết ra với tâm thức phản chiến, có màu sắc khác với truyện của Lâm Chương viết ra với tâm thức duy tâm muốn thể hiện lòng tôn kính sức mạnh thiên nhiên: “Chuyện cây cầu treo năm ấy, là bài học quý giá, dạy cho con người đức tính khiêm cung, biết được thân phận nhỏ nhoi của mình có nghĩa lý gì đâu, so cái lớn lao vô cùng trời đất”./.
Walnut, California, tháng 9.2009 và tháng 11.2010