Nửa thế kỷ qua, nghệ sĩ Viễn Châu đã sáng tác hơn 50 vở cải lương và 2.000 bài ca vọng cổ. Ông là cây đại thụ hiếm hoi của nền nghệ thuật cổ truyền dân tộc thế kỷ XX còn lại đến hôm nay.
Mặc dù đã có một số lượng tác phẩm đồ sộ như vậy, nhưng đến nay lão nghệ sĩ vẫn không ngừng sáng tác. Ông xuất hiện thường xuyên trong các chương trình cổ nhạc hay làm giám khảo thi tuyển giọng ca cải lương.
Nhớ về thời tuổi trẻ, ông cho biết, gia đình chính là chiếc nôi khơi nguồn cảm hứng nghệ thuật cho mình: "Cha tôi là hương cả trong, làng, biết Hán văn, lại rất mê cổ nhạc. Anh em chúng tôi vừa lớn lên được ông nội và cha dạy cho Hán văn và khuyến khích chơi nhạc. Tôi rất thích chơi đờn tranh tài tử. Chính nhờ ngón đờn tranh đã nuôi sống tôi trong thời gian đầu lang thang lên Sài Gòn chơi nhạc".
Bên cạnh việc chơi nhạc tài tử khi còn ở quê nhà, Viễn Châu còn tập viết văn, làm thơ. Năm 16 tuổi, lần đầu tiên ông có truyện ngắn Chàng trẻ tuổi và bài thơ Thoi mộng được đăng trên nhật báo Dân mới và Tổng xã báo.
Nghệ sĩ Viễn Châu nhớ lại: "Khi thấy bài mình in trên báo, tôi sướng lắm. Máu nghệ sĩ nổi lên, tôi quyết chí giang hồ, trốn nhà lên Sài Gòn chơi nhạc. Nhưng mới hơn một năm thì anh tôi lên tìm bắt về. Mấy năm sau, tôi mới lên lại Sài Gòn lần thứ hai cùng chơi nhạc với các danh cầm Văn Vĩ, Năm Cơ. Nghệ danh Bảy Bá cũng có từ đó".
Năm 1950, được sự khuyến khích của bậc đàn anh Năm Châu (tức NSND Nguyễn Thành Châu), Viễn Châu đã hoàn thành vở cải lương đầu tay Nát cánh hoa rừng. Ngay sau đó, vở tuồng này được chính nghệ sĩ Năm Châu cho dàn dựng biểu diễn trên sân khấu Việt kịch ở Sài Gòn và gây được tiếng vang.
Từ sự khởi đầu thuận lợi đó, Viễn Châu tiếp tục sáng tác hàng chục vở, tiêu biểu như: Hoa Mộc Lan, Đời cô Nga, Tình mẫu tử, Bông ô môi, Cưới vợ cho vua, Ai điên ai tỉnh, Sau bức màn nhung, Chuyện tình Hàn Mặc Tử, Hai nụ cười xuân... Thời đó, Viễn Châu còn sáng tác hàng nghìn bản vọng cổ nhưng vẫn không kịp cung ứng cho các hãng, đĩa cổ nhạc. Những bản vọng cổ của ông khi lãng mạn trữ tình, khi bi hùng ai oán: Tình anh bán chiếu, Cô hàng chè tươi, Lá trầu xanh, Lan và Điệp, Gánh nước đêm trăng, Hán Đế biệt Chiêu Quân...
Theo đánh giá của giới nghệ sĩ nếu như bậc tiền bối Cao Văn Lầu có công khai sinh bản vọng cổ thì Viễn Châu lại góp công lớn làm cho nó hay hơn, đẹp hơn, nâng lên một tầm vóc mới.
Giống như sự cách tân trong hội họa hay thi ca, kể từ năm 1964, Viễn Châu đã thổi một luồng sinh khí mới vào làng cổ nhạc khi ông công bố những bản "tân cổ giao duyên" bằng thể nghiệm ghép tân nhạc vào bản vọng cổ truyền thống, làm cho nó phong phú hơn, linh động hơn.
"Tân cổ giao duyên" - cái tên đáng yêu do chính Viễn Châu đặt ra cũng nhanh chóng trở nên quen thuộc với khán thính giả như chính bài ca vọng cổ cách tân đã nhanh chóng được chấp nhận. Sức sống của tân cổ giao duyên trong gần 40 năm qua đủ minh chứng cho sự thành công của soạn giả Viễn Châu.
Nghệ sĩ Viễn Châu tâm sự: "Điều cốt yếu là thời trước anh em chúng tôi sống gắn liền với sân khấu, lấy sân khấu làm nhà, nghệ sĩ với nhau như anh em ruột thịt. Tôi thích cổ nhạc từ nhỏ, ước mơ mang tiếng đờn đi chơi để kết nối tình bạn, chớ không nghĩ nó là nghề sinh kế" .
Ông cũng tỏ ra hết sức lo lắng cho nên âm nhạc cổ truyền dân tộc hiện nay: "Cổ nhạc hiện có nhiều anh em trẻ giỏi, những chơi hơi thiếu cái hồn nhạc. Hình như do cuộc sống xô bồ nên nét nhạc của họ ít truyền cảm đi. Muốn giỏi, người nghệ sĩ cần phải có tâm nhạc".