Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.118
123.139.496
 
Chiều 30 Tết Ở Đình Bảng Xưa
Nguyễn Khôi

Vào thời điểm trước năm 1945...

Cụ Tú Xương xưa đã từng viết: "đêm 30 công nợ rối Canh tân..." Thật vậy! Nếu ở làng quê thuần Việt thì ngày này cũng yên ả thôi; Còn ở Làng buôn như Đình Bảng (Phủ Từ Sơn) thì là rối rít tít mù, cái ngày thiêng liêng...sướng vui đỉnh điểm hoặc buồn tủi thất vọng cực độ cũng "kết" lại ở ngày này với một con người, một gia đình ở làng. Đó là ngày "tập kết" của các nhà giầu sang, quyền thế (của trôi vào nhà) để khoe tài, khoe sướng...Còn cánh nhà nghèo (ở đâu mà chả có người nghèo, dù rằng tỷ lệ này ở Đình Bảng không cao so các nơi thì:

 

Đêm 30,tết lại 30...

Bánh Chưng không gạo,vợ trông chồng

Tranh pháo không tiền,con cấu bố...

 

Đó là chiều và tối của những con "nặc nô", những thằng"Chí Phèo" đi đòi nợ thuê tha hồ mà dọa dẫm, gào thét ầm ầm ngõ xóm. Chiều 30 tết cũng là dịp các chàng rể sang "gửi tết" bố mẹ vợ. Đó là con gà sống thiến "mào thâm như cục tiết", hai cặp bánh Xu Xuê, một chai rượu tăm, ít tiền mặt (tùy khả năng)...đồng thời cũng không quên "bánh pháo chuột", bức tranh Đông Hồ (sang là tranh Tàu), con lợn đất để đựng tiền mừng tuổi cho Thằng Cò em vợ.

 

Chiều 30 tết, nhà nhà ở Đình Bảng cứ như ngày hội.

 

Ông chủ nhà đang loay hoay đặt bày mấy chậu hoa cây cảnh hoặc đang thả bút làm bài Đường thi "tống cựu" tổng vịnh một năm đã qua...Bà  chủ nhà thì còn đang đi thanh toán công nợ chỗ nọ chỗ kia hoặc đang lên Chợ Giầu (Phù Lưu) bán bán mua mua nốt những món hàng cuối năm.

 

Bữa chiều 30 là làm cỗ thịt Vịt để cúng tất niên. Nó có ý nghĩa (như ăn thịt chó cuối tháng)nhằm tẩy xóa đi tất cả những gì xui xẻo, không may trong năm qua-coi như xóa đi những vận hạn một năm (niên hạn) của cái kiếp người! đồng thời là mừng Ông Táo từ Trời về cùng đón một năm mới an khang thịnh vượng.

  

Chiều 30 tết xưa, với tôi...sướng nhất là cùng Thầy tôi dọn dẹp nhà cửa, trồng một cây Nêu cao ở trước sân nhà để trừ ma quỷ không được về quấy nhiễu; được cùng em bé gái ra vườn nhẩn nha nhặt hoa bưởi rụng về ngâm làm nước hoa để bôi lên đầu nhau cho thơm; được chạy lăng xăng bám váy mẹ nhõng nhẽo xin tiền đi đánh đáo. Đêm 30,trời tối đen như mực. Nhà nhà kín cổng cao tường. Ngoài ngõ vẫn tiếng chân người đi rình rịch gấp gáp. Tiếng chó sủa. Tiếng lợn kêu. Trong màn đêm, phải chăng là các cuộc lùng sục, rượt đuổi của các tay Tuần đinh cùng các tên Đạo Chích tài ba chưa biết mèo nào cắn mèo nào?

 

Và đêm 30, cả nhà xum họp quây quần quanh nồi bánh chưng,được đun bằng củi gốc tre già phơi nỏ...bén lửa thật đượm,"xình xịch,xình xịch" từ từ như chuyến tầu hỏa chở mọi người đi đón  giao thừa giữa thời khắc chuyển giao của đất trời mịt mùng bao la kỳ lạ. Ôi, mấy chục năm trời mà trôi qua như mộng. Bây giờ đến lượt  các con tôi cùng các cháu lại diễn lại cái vòng sinh trưởng "tân trần đại tạ": ngày 30 tết thiêng liêng trong hồn người Việt Nam ta-lũ con cháu Lạc Hồng đời đời sung mãn./.

 

Nguyễn Khôi
Số lần đọc: 2814
Ngày đăng: 03.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tết Ở Đình Bảng Xưa - Nguyễn Khôi
Bài chòi ngày xuân Xưa và Nay - đi tìm lời giải mã - Phạm Phù sa
Tục Ngữ Khánh Hoà - Lê Khánh Mai
Tìm Hiểu Thang Âm Ngũ Cung Trong Âm Nhạc Huế - Nguyễn Phú Yên
Cây dừa trong văn hóa Tây Nam Bộ - Tiền Văn Triệu
Hệ Thống Phân Loại Nhạc Cụ Trung Quốc - Vương Trung Hiếu
Ma Quỷ Trong Văn Học Việt Nam - Trần Minh Thương
Cách Nói Của Người Miền Tây Nam Bộ Qua Ca Dao - Trần Minh Thương
Cây Bần Trong Văn Hoá Dân Gian Tây Nam Bộ - Trần Minh Thương
Hình Tượng Con Rùa Trong Văn Hoá Dân Gian Nam Bộ - Trần Minh Thương
Cùng một tác giả
Xuân (thơ)