Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.279
123.158.832
 
Người Thơ
Hà Thúc Sinh

Tôi thích chàng ta. Đừng hỏi thích thơ, con người, cá tính, tôi không trả lời được đâu. Vả thú nói chuyện sẽ dị ứng với sự vặn vẹo lắm đấy. Chúng ta đâu phải bọn con nhà luật, phải cãi nhau sùi bọt mép để phân thắng bại cho một chuyện cỏn con; chúng ta là thi sĩ, tạ ơn trời đã không bắt chúng ta mang trong đầu ngón phân tích chi li -- Phân tích như thế làm sao nhìn trái đất ngang bằng giọt mực cho được! Thế nên tôi chỉ có thể nói chung chung tôi thích chàng ta, thích trên một tổng thể xấu đẹp, cao thấp, mới cũ với những mâu thuẫn không thể tách biệt. Sự thích ấy quả có bất ngờ vì đối tượng không hẳn là một cái gì sang trọng, cần chọn lựa đến cả ánh mắt ngắm nhìn đầu tiên như người ta vẫn có đối với một bảo vật trong ngăn kính bảo tàng viện. Không, chàng ta xoàng thôi. Tôi gặp và thích chàng ngẫu nhiên như một người một ngày thất nghiệp buồn bã, lang thang vào một cửa tiệm bán đồ cũ, bắt gặp một bức điêu khắc sần sùi, tróc sơn, nhưng qua nội dung, những đường dao, qua lối cách điệu khiến tôi xúc động. Nhưng bạn cũng chớ vội tưởng cái nội dung đó to lớn sâu sắc, lối cách điệu màu mè tân kỳ mà lầm. Cũng vừa phải, khiêm tốn thôi. Tôi thích vì nó phản ảnh khá trung thực một bức điêu khắc tôi từng liều lĩnh thực hiện ngày ở tuổi đôi mươi, vụng về mà chân thật. Nhưng thẳng thắn với bạn giờ tôi vẫn thấy nó có một giá trị chắc chắn, nếu như nó còn được tiếp tục xếp trong một quần thể hợp lý, một quần thể tôi từng phân vân sắp đặt ở cái tuổi sự nhạy cảm luôn chiếm vị trí ưu thắng trong tâm hồn. Vậy bạn cũng chớ buộc tôi lôi chàng ra ánh sáng để bạn chiêm ngắm. Lôi chàng ta ra khỏi cái quần thể chàng đã tự chọn là tiêu, là hỏng ngay. Hãy đến tận nơi chàng cư ngụ, có một tí bóng tối và hơi ẩm của cỏ cây, của nước, có mùi hôi hôi của súc vật bạn mới nhìn ra được chàng, và bạn sẽ thấy tôi hợp lý biết bao. Hãy để chàng là bức điêu khắc phải trà trộn trong một xó xỉnh nhiều tĩnh vật bừa bộn, bẩn nữa, của một cửa tiệm bán đồ cũ nào đó thì chàng mới chính là chàng.

 

*

Vâng, câu chuyện của tôi với chàng thường nối qua đường dây viễn liên. Chúng tôi ở cách nhau năm trăm, bảy trăm, một ngàn dặm? Tiếng nói chàng luôn rõ bên tai thì tôi cần quan tâm chi đến chuyện đó. Nhưng có thể nói bạn biết chàng ở miền bắc tôi ở miền nam. Công việc đăng đăng đê đê chẳng bao giờ cho chúng tôi cơ hội thuận tiện đi thăm nhau, cho dù sự thuyết phục của chàng nhiều khi vừa ngon lại vừa bổ.

 

Chàng cà kê:

“Lên đây chơi một chuyến anh. Thi sĩ chỉ tìm lại được mình ở một nơi xa lạ. Ôi chao, đường đi bên biển bên núi anh ạ. Anh sẽ thấy được tất cả sự cẩm tú của nước Mỹ ngàn dặm, nhưng trên hết anh được hưởng những khoảnh khắc lãng quên nỗi phức tạp nội tại của sự cẩm tú ngàn dặm ấy. Trời, anh đã tưởng tượng ra chưa? Biển vào mùa xuân anh ơi. Nó xanh sẫm và phẳng như miếng thạch cắt ngang ấy thôi. Ngoài xa khơi những con tàu chết sửng, nằm ngó nắng phóng tay vãi vàng vãi bạc trên những lượn sóng êm đềm. Xa quá anh không thấy được lũ thuỷ thủ đâu. Nhưng bọn thi sĩ chúng ta đừng nên thấy, cứ sống với thứ thực phẩm trời ưu đãi dành riêng cho bọn mình là sự tưởng tượng, và chúng ta sẽ tự hỏi: Lũ thuỷ thủ chúng đang làm gì vậy nhỉ, đang mơ tưởng một chân trời mới, những bến bờ mới, hay đang mong ngóng ngày trở lại với một khối tình dở dang, những quán biển, rượu mạnh và điệu vũ thâu đêm? Lạ lắm anh, cứ hễ thấy những con tàu thả neo ngoài xa là tôi không tài nào tránh được sự liên tưởng rộn ràng. Tôi cứ tự hỏi hay lũ thuỷ thủ đang nhíu mắt nhìn vào bến bờ, bồi hồi ngâm lại những dòng thơ lắm háo hức, lắm đợi chờ của Puskin:

 

With the hour of my freedom come?

'Tis time, 'tis time! To it I call;

I roam above the sea, I wait for the right weather,

...

when shall I start on my free course?

 

Rồi tôi lại không tin chính tôi anh ạ. Biển như thế việc gì phải đợi đúng mùa. Mà lũ thuỷ thủ cũng không là chàng Puskin hay như tụi mình đang sống thời lưu đày, chỉ là chết sửng đấy thôi; họ chết sửng vì chẳng muốn trong một phút giây vội vã sẽ suồng sã để mũi tàu cày nát đi cái khối thạch khiến con người mùa xuân, như bọn thi sĩ chúng ta, từ trên bờ xa đứng chiêm ngắm cảnh biển phải cau mày buồn bực. Nhưng anh đừng quên núi, nhớ nhá, đừng quên núi vùng California. Anh cho rằng lại cũng thứ non bất cao thuỷ bất thâm? Nhảm quá chừng chừng. Núi vùng này nó như có sự khôn ngoan phương đông lắm đấy. Hay là nó cũng hiểu ra cái đạo trung dung của ông Khổng, hồng thắm thời hồng chóng phai, thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu? Gì chứ mùa này đố những ngọn cao chót vót trên dãy Rocky Mountain biết được mùi hoa cỏ mùa xuân. Ngọn nào ngọn nấy như lũ đầu bạc tàn tạ, nhìn xuống vùng sa mạc mà tự thương cho thân kẻ đứng cao lấm đầu. Nó chỉ gợi lên cho ta tí lòng cao ngạo tuyệt vọng của một thứ Độc Tọa Kính Đình Sơn thôi anh ạ. Nhưng sống thì phải sát với mặt đất. Núi ở đây như con người vậy. Nó bám lấy sát mặt đất anh ơi. Nó phô ra những vẻ đẹp thiết thực và gần kề -- như cơm áo và đàn bà vậy. Anh cứ lên đây, lên chỗ tôi chơi một chuyến khắc thấy. Bình dị lắm. Mà cũng phơi phới lắm. Núi cứ như lũ đàn bà đẹp nằm khoả thân dưới nắng ấy thôi. Tôi đặt tên cho từng ngọn đó anh. Tôi hay hỏi chúng, ‘Hoàng Mai, trận tắm mưa hả hê quá, em hỉ’; hay, ‘Thu Hường, đêm qua sương quá em có ướt vai không’; hoặc, “Phương Thuỷ ơi, trận hoả hoạn dưới phố đã cháy tới đâu rồi?” Ối dào, hỏi cho có cớ vậy thôi chứ mong chi họ trả lời. Họ lười lắm anh ạ. Họ chỉ thích nằm phơi nắng, thậm chí có nàng còn lả lơi duỗi một chân vào tới cửa sau nhà tôi nữa kìa. Vâng, thật đấy, căn nhà này anh ghé anh sẽ phải thích. Không có nó tôi chẳng làm được những câu thơ có lần anh khen tặng đâu. Tôi dám đoan chắc ghé đây chơi, có thể buổi sáng hôm sau ra đi anh sẽ thấy sự bất bình của lão Giả Đảo là quá đáng:

 

Nhị cú tam niên đắc

Nhất ngâm song lệ lưu

Tri âm như bất thưởng

Quy ngọa cố sơn thu.

 

Chúng ta sẽ thấy chúng ta thừa tri kỷ tri bỉ đến chừng nào. Vậy đừng chần chừ nữa nhá. Anh cứ làm một chuyến bắc du xem đã chết ai. Biết bao vẻ đẹp, màu sắc, tâm tình bất ngờ sẽ đến với anh, và anh sẽ tiếc sao con đường từ anh đến tôi không dài hơn nữa; nhất là anh sẽ đồng ý với tôi bọn nhà văn miêu tả, bọn hoạ sĩ phong cảnh đều là bọn nói dối. Họ xem voi cả đấy thôi.”

 

*

 

Thế là tôi chiều lòng chàng ta như tôi có lần chiều tôi. Tôi bắc du. Trên đoạn đường nửa ngàn dặm thú thật tôi không cảm nhận quang cảnh bằng con mắt của chàng. Khi đi người ta mới hiểu thế nào là sự nôn nóng đến. Tôi nhìn trời, nhìn đất, nhìn núi, nhìn biển, nhìn cỏ hoa, nhìn những quán trọ bên đàng với lòng dửng dưng khốn khổ. Tôi cật vấn tôi kịch liệt (như thường cật vấn nhiều năm qua) là tại sao tôi luôn dửng dưng với sự cẩm tú nơi này? Trăm lần như một trái tim tôi không sao tránh được câu trả lời ích kỷ đến phi lý: Vì giản dị đất nước này không là của bạn! Tôi chỉ mong cho chóng đến nơi chàng ở với tất cả những dấu hỏi kỳ quặc nổ ra trong đầu. Cứ thế, tôi thấy con đường dài quá. Chàng làm gì trên ấy? Chàng ở với ai? Giờ chàng béo hay gầy? Nhưng có điều tôi an tâm là chắc chắn chàng đang sống vì chàng đang mơ mộng. Thế nào rồi tôi cũng len lén xem lại chiếc gối của chàng. Có thể túi chàng suốt đời không tiền, nhưng trong chiếc gối ấy -- ôi những chiếc gối thi sĩ -- sẽ phải óng ả, mềm mại, xanh thơm những giấc mộng ngời. Và chắc là, chắc là... Nhưng thôi, nếu tò mò tôi sẽ còn cả khối, nhưng tôi phải đủ khôn ngoan dừng lại trong một sự tự trọng cần thiết.

 

Và chúng tôi gặp nhau. Tôi đã nói rồi. Chàng ta không có gì đặc biệt cả. Điều ấy có nghĩa chàng gầy yếu, và nếu không đang ở giữa xứ Mỹ thừa mứa tôi dám ngờ chàng lao do thiếu dinh dưỡng. Chàng lại cao, dáng đi khòm khòm như chiếc đũa cong, có đôi mắt buồn sâu. Mái tóc chàng mỏng mà nhiều gầu. Giọng nói chỉ liên tu bất tận qua điện thoại, nhưng trực diện lại e ấp, hơi tẻ. Và dù chàng mò đến tận lữ điếm tìm tôi (xưa nay tôi có thói quen đến thành phố lạ là ngủ lữ điếm) với bộ quần áo sạch sẽ, tí cà-vạt trang trí, tôi vẫn thấy chàng chẳng thay đổi chút nào. Tôi tin bộ quần áo cũ có lọt vào chiếc máy giặt tân kỳ nó cũng không thể trở thành mới. Nhưng đó lại là lý do khiến tôi yên tâm, khiến tôi hân hoan gặp lại chàng sau ba mươi năm xa cách. Bạn ngạc nhiên? Thật đấy, thời gian nhanh như tiếng vỗ tay bạn ạ.

 

Vẫn với thói quen kẹp điếu thuốc bằng ngón giữa và ngón cái  của bàn tay trái, khi gặp khách điếu thuốc chỉ địa, ngón trỏ nhịp nhịp liên tục như đang bối rối gạt tàn vào một chiếc gạt vô hình, chàng nói:

“Mới đó đã ba mươi năm, anh nhỉ?”

“Vâng, nhanh thế đấy.”

“Anh còn nhớ mấy điều tôi nhắc anh trong lá thư gửi từ bên nhà?”

Tôi ngượng ngầm. Đời tôi từ sang đây lu bu như một anh phân loại thư trong sở bưu điện, làm sao còn nhớ được lá thư  nào là lá thư của chàng. Nhưng tôi gật đại vì không thể thành thật. Không có những lá thư của chàng tôi làm gì tái bắt được liên lạc và nhỏ to hò hẹn để có ngày hôm nay.

 

Tôi nói khoả lấp:

“Vâng, anh lúc nào cũng tươi trẻ, lạc quan.”

Chàng hơi nhíu mày nhưng cười xoà ngay. Rõ là một dấu hiệu thông cảm. Chàng biết tôi đang làm cái nghề chẳng để sống mà là để chết dở ở đây: Nghề báo! Rồi chàng niềm nở mời tôi đi ăn. Tôi không khách sáo bao giờ. Chàng bảo đi xe của chàng. Anh lái thế là đã quá xá, dài hơn nhiều con đường tình kim cổ rồi. Tôi vui quá. Chàng vẫn nhớ tính tôi lười lái xe từ thủa Sài Gòn. Thủa ấy hẹn hò đi chơi chung với ai, dù là xe tôi, tôi luôn trao tay lái cho bạn để được thản nhiên nhìn ngắm quang cảnh, con người trong vị trí một động tử nhàn nhã. Thế là tôi bỏ xe nơi lữ điếm, leo lên chiếc Chevrolet xám của chàng mà tuổi dám đã ngang thằng con lớn của tôi. Chàng đem tôi vào cuộc phiêu lưu kỳ thú! Ồ, xưa chúng tôi vẫn vậy. Chúng tôi là những kẻ đi không cần biết nơi đến. Nhưng sao hôm nay lòng tôi nóng nảy khác thường. Rõ ràng tôi đã lây phần nào căn bệnh thực tế Mỹ: Đã đi phải chắc chắn có nơi đến. Trời đất ơi chàng lạc thê thảm! Lên dốc xuống đồi. Thoắt cái thấy mình đang ở Presidio, thoắt cái nữa lại thấy chạy trên cầu Golden Gate, chạy lòng vòng một hồi lại thấy đã trở về khu Golden Gate Park. Lạ, chàng lẩm bẩm. “Có cái quán ăn tuyệt lắm nằm bên bờ hồ, mà sao... Hay lại sập tiệm mất rồi?” Tôi cố nở nụ cười thâm cảm. “Thật là thời kỳ kinh tế quái đản anh nhỉ,” tôi nói. “Mới tưng bừng khai trương đã âm thầm dẹp tiệm.” Rồi tôi dè dặt đề nghị, “Hay mình đến phố Tàu?” Chàng bảo có người bạn từng đem chàng đến chơi phố Tàu đôi ba lần nhưng không nhớ đường. Tôi nói, “Anh có bản đồ đấy chứ?” Chàng thở dài, “Tôi toàn đi theo quán tính, tệ thật, chưa bao giờ nghĩ mình cần phải mua một tấm bản đồ.” Tôi thăm dò, “Anh ở đây thế là được bao lâu rồi hả?” Hai mắt chàng bắt đầu hớt hải nhìn hai bên đường, giống mẹ tìm con lạc. “Đủ lâu để quên cả ngày tháng anh ạ!” chàng đáp khẽ. Tôi hết ý, để chàng muốn đưa tới đâu mặc lòng. Chín giờ tối hôm đó chàng trả tôi về lữ điếm. Chúng tôi đã ních chặt một bụng McDonald! Chàng ân cần hẹn ngày mai đến đón tôi về chơi nhà. Tôi thắc mắc, “Thế còn những cô bạn gái của anh, các cô ấy đâu?” Chàng suỵt một cái, trịnh trọng gom tất cả các người đẹp vào một tên chung:

“Anh lên đúng lúc Hương Hoa bận việc đi xa!”

 

Tôi cười thông cảm:

“Người đẹp của bọn thi sĩ chúng ta có bao giờ ở gần.”

Chàng cúi đầu bước ra. Tôi ngờ chàng không hiểu nụ cười sau đó của tôi theo đúng ý tôi.

 

*

 

Cây cối xanh um. Căn nhà cheo leo, biệt lập, đứng bên một triền núi và từ đây tôi có thể nhìn xuống mặt hồ xanh biếc, nhìn xuống một phần thành phố San Francisco đổ dốc, giống bức hoạ đồ dựng nghiêng để hứng lấy gió biển và nắng trời. Có nhiều loại hoa rực rỡ trồng bên lối đi. Tôi hít một hơi dài, cảm nhận cái mùi thơm thơm, ngai ngái, giống người ta đứng trong một khuê phòng bao la. Quả là núi non sau nhà phơi phới như bầy gái hớ hênh nằm tắm nắng thật. Tất cả như được dàn trải trong một quần thể mờ ảo, lạnh lùng, đứt đoạn, nhưng bất tử trong tranh khoả thân của Barbara Kacicek -- hoạ sĩ có tranh in trong tạp chí The World & I. Tôi trộm nhìn sang một mé nhà, quả có chiếc đùi đàn bà gác lên thật.

 

Chàng dẫn tôi băng vuông sân trước có nhiều cây cảnh và hoa, có vuông hồ tắm trong vắt gọi mời. Những chùm dương xỉ xanh um lan ra cả lối đi trải sỏi. Một chú chó con trắng như bông ngóc đầu qua cửa sổ sủa inh ỏi. “Nina, yên nào, ngoan nào,” chàng nói. Con chó đã nhận ra chàng. Nó phóng một cái ra sân và nhảy vào vòng tay chàng mở rộng. “Khôn kinh khủng,” chàng khoe. “Đi đâu mà nó biết tôi bỏ nó ở nhà, nó khóc như con nít anh ạ.”

 

Tôi nhìn chàng âu yếm con chó và thấy chàng ít nhất văn minh hơn tôi. Đã mười bốn năm sống xứ này, nhìn chó tôi toàn liên tưởng tới mắm tôm, riềng, mẻ, lá mơ.

Tôi gật gù:

“Đẹp!”

“Mời anh vào nhà. Nhiều loại cà phê ngon lắm. Tôi sẽ pha anh dùng.”

“Chớ chớ, xin tách trà thôi. Tôi kỵ cà phê như kỵ chứng tim đập ấy anh ạ.”

“Ối trời ơi thế thì đúng gu với gia chủ rồi. Tôi quên không nói với anh người đẹp của tôi là một danh trà, không loại hiếm nào lại thiếu ở đây. Lạ lắm anh. Nàng là người nhạy cảm khác thường, cứ hễ đọc lại cái tuỳ bút ‘Những Chiếc Ấm Đất’ là thế nào cũng rưng rức khóc. Thế sự thăng trầm... Tiếc sao hôm nay Hương Hoa đi vắng.”

 

Lại thao thao bất tuyệt về việc nàng đi vắng. Tôi cười cười nghĩ đến chuyện phải xin ngày tháng bấm cho chàng một lá tử vi.

 

Phòng khách hiện ra trước mắt tôi có trình độ phối trí nghệ thuật cao và có tính toán khôn ngoan. Những màn gió kép chỉ hé mở tạo cho căn phòng một màu tối đủ mờ ảo. Khách tinh mấy cũng khó định những bàn ghế màu gụ Tàu đen nhánh là của giả hay của thật; cặp ngà voi cẩn khắc tinh vi là sản phẩm đến từ một gia đình giàu có, chạy theo họ Tưởng ra Đài Loan năm xưa phá sản bán ra, hay chỉ là một sản phẩm hàng loạt, do những tay thợ khéo Thái Lan khắc trên một hợp chất nhựa, kể từ ngày chính phủ nước này chùn bước giết voi do áp lực của thế giới văn minh? Tôi ngồi xuống tấm nệm bọc gấm Thượng Hải sang trọng, ngó những bức sơn mài lớn, có nội dung phong phú và lộng lẫy treo trên vách. Nghệ thuật trang hoàng như phô rõ cá tính cực kỳ bảo thủ của gia chủ: Chúng tôi không để cho bọn Âu Mỹ lấn chiếm phân nào trong thế giới Á đông tinh tuyền của chúng ta đâu đấy!

 

Chàng ngồi chìm trong chiếc phô-tơi, hai tay ôm con chó trong lòng. Con chó nhỏ nằm yên tận hưởng sự âu yếm, thỉnh thoảng đưa đôi mắt ươn ướt dòm chừng khách, gầm gừ. Tôi đứng ngắm mấy bộ ấm tách trong tủ chè, chắc là đồ cổ, bắt mê.

 

Tôi hỏi:

“Thế nhà ai mà sang trọng thế này?”

Hơi ngẩn ra có lẽ vì sự ấm ớ của câu hỏi, chàng nói:

“Thì của người thơ!”

Tôi quả có kinh ngạc pha chút ngẩn ngơ. Tôi muốn nói với chàng dường như những người thơ xa xưa của chúng tôi không ai có nhà, thay vào đó tôi gãi lông mày, lắng nghe nhiều tiếng chó sủa.

“Như có ai vào cửa sau đấy.”

“Không đâu, để tôi dẫn anh đi xem những công trình nghệ thuật.”

 

Tôi đi theo chàng mà thầm tiếc không gặp người thơ để được thưởng thức của nàng một tuần trà.

 

Tôi đã bước vào một thế giới khác, một sở thú, một thảo cầm viên thu nhỏ giữa lòng thành phố San Francisco! Những chậu bonsai đủ loại. Một con két lớn sặc sỡ đứng lắc lư trên cánh cung sắt, dáng hậm hực như đã bị khoá chân lầm chỗ nhiều năm. Lại có cả chuồng lưới nhốt cắc kè, rắn mối đủ màu đủ loại. Bầy chó trắng hàng chục con nhốt trong căn buồng nhỏ, thấy người sủa ầm ĩ đòi ra. Thực phẩm gia súc xếp từng bao từng két bên lối đi. Bầu không khí âm u, trộn lộn một mùi vị thường có phía sau một gánh xiếc. Một tiếng chim cất lên, rung và thanh như tiếng dây đàn cao. Tôi sửng sờ nhìn vào chiếc lồng sơn màu kim nhũ, reo lên:

“Ồ, hoạ mi!”

Chàng lắc đầu:

“Không, sơn ca đấy. Anh không nhận ra cái màu dễ nhầm với đám sẻ đồng xoàng xĩnh của nó sao? Nàng nói nàng không thích hoạ mi, chỉ thích sơn ca.”

“Sao thế?”

“Hoạ mi tầm thường, khích là nó hót; sơn ca bảnh hơn nhiều, thích nó mới hót. Nó y bọn thi sĩ chúng ta.”

 

Tôi hơi ngượng cho sự kém hiểu biết của mình, hỏi tránh đi:

“Như có tiếng suối chảy đâu đây hả anh?”

“Không, hồ cá. Lại đây, lại đây để xem hồ cá của người thơ.”

Tôi lại sửng sờ vì hồ cá lớn ngoài dự tưởng. Nó là một cái hồ bằng sắt, thể tích phải to bằng nửa căn bếp bình thường. Nước từ hệ thống lọc đổ vào như ngọn suối nhỏ, sủi tăm như dãi bò. Trong hồ có đến năm bảy chục cá chép Nhật Bổn xanh đỏ vằn vện. Có con bằng cườm tay, có con lớn ngang bắp chân.

Tôi kinh ngạc:

“Cái này là buôn chứ đâu phải chơi?”

“Chơi cả đấy. Trời ơi nàng thương cá như gì. Có lần một con chết nàng khóc cả tuần.”

Nguy, tôi nghĩ bụng, không may đổ lộn hoá chất chết cả bầy người thơ khóc mãn đời chăng? “Anh biết không?” chàng tiếp với giọng tha thiết như đang kể về gia sản đầy công khó của chính chàng. “Vài trăm bạc một con chứ ít ỏi gì? Tôi thấy chơi cá thế này tốn kém vô cùng.”

“Nếu là tôi chắc không tốn lắm đâu. Gì chứ có mấy thứ lá mơ, lá ổi, sung, đinh lăng, vọng cách, húng, kinh giới vân vân thả vào thì phải biết!”

“Giống này nó thích ăn mấy lá đó hả anh?”

“Mình ấy chứ.”

Chàng trố mắt. Tôi cười, “Anh quên đến cả món gỏi cá tụi mình từng ưa thích nữa sao?”

Chàng cười cười như trúng một phát, rồi lôi tôi vào căn buồng cánh trái.

 

*

 

Đây là một căn buồng bé tí, dễ chỉ bốn thước dài ba thước rộng, có một tấm nệm quăng dưới đất, một máy chụp bản sao cũ, có chiếc bàn lay-out lồng kính, ngọn đèn chụp, có hai chiếc bàn viết kê sát nhau đặt đầy sách báo giấy tờ bừa bộn, có chiếc dương cầm trầy tróc nằm trong góc. Ở một góc khác có chiếc bàn nhỏ đặt một máy truyền hình. Volume vặn nhỏ nhưng hình ảnh cho tôi biết đó là đài tin tức CNN. Tôi ngẩn người. Quái, trong thế giới đầy mộng mơ kéo dài của chàng sao cũng có lắm món lôi thôi thế này? Bao năm qua tôi đã giam mình trong một căn phòng y hệt. Nhắm mắt tôi vẫn có thể nhận ra mấy cục phân chó đen thui ở góc nhà do con Popeye hư đốn thường làm bậy. Chậu cá vàng nằm trên chiếc bục gỗ gần cửa chẳng còn con nào sống và nước đã lên rêu. Mấy chậu dương xỉ treo lủng lẳng trên trần úa vàng như những dòng lệ, thương cho mấy cây vợt tennis bị treo cổ trên vách vì sẽ không bao giờ còn được rớ tới. Vài chậu bonsai khô đét. Một cái giá sét gỉ treo một lồng chim cũng sét gỉ nốt; trong chiếc lồng ấy từng có một con két tôi dạy nói ba năm vẫn câm như hến, sau đem cho thằng bé Mễ lối xóm dù mấy đứa con hết sức cự nự. Mấy hộp trà thổ tả xếp đống sát mé tường, bên cạnh chiếc khay đựng bộ ấm chén cáu bẩn đã mẻ tùm lum; chỗ đó sớm tối khi mệt, tôi hay sà xuống làm một màn độc ẩm vô vị. Trên vách chỗ bàn sách gắn xiêu vẹo hai tấm bản đồ một của thế giới một của tiểu bang California do tờ National Geographic ấn hành. Hai tấm bản đồ bôi quẹt đầy những vết mực xanh đỏ, thủng nhiều chỗ. Có một số địa điểm du lịch tôi đánh dấu, từng tính đem cả nhà đi một chuyến nhân những ngày lễ, thế mà mười mấy năm chưa thực hiện được. Tệ hơn tôi còn nghe rõ mồn một tiếng nước róc rách, chẳng phải của bồn cá chép Nhật Bổn mà là trong cầu tiêu. Vâng, trong một căn phòng y thế này đã bao đêm tôi đứng kiểm những cột báo đến ngủ gục; đã bao ngày mơ ước một chuyến đi xa, không vướng bận, đi tới một vùng có mây có gió, có sông có biển, đi vào một căn nhà khang trang sạch sẽ, có chăn gối thơm tho, có người đàn bà lạ, có núi phía sau và có thơ phía trong. Tất cả, ôi chao, tất cả cứ như lật bàn tay một cái, cảnh đời đang trắng hoá đen, đang mộng hoá thực.

 

Tôi quay hỏi chàng nhưng tôi phải giữ yên lặng. Chàng vừa trịnh trọng ngồi xuống, cúi thổi lớp bụi trên chiếc dương cầm cũ. Bàn tay chàng khoắng nhanh mấy octave. Lưng chàng khom khom. Chàng đang rải nhè nhẹ khúc Traumeri -- Giấc Mơ -- của Robert Schumann. Tim tôi thắt lại. Một lần, đúng, tôi nhớ như in một lần tôi đã bắt gặp người này, cảnh này, khúc nhạc này, tiếng đàn này ở đâu rồi.

 

Chàng ngưng đàn quay ngó tôi. Tôi đã nằm xuống tấm nệm cũ tự bao giờ. Chàng ngó tôi như ngó một kẻ đang trở màu sau lúc qua đời, rồi khẽ la lên, “Anh sao thế, sao như mới trông thấy một xác chết thế kia!” Tôi bồi hồi quá, rán ngồi lên tựa vách, run run cố đốt điếu thuốc. Ánh mắt xoi bói ấy khiến tôi hoang mang. Chàng lại la lên khi tôi vẩy vẩy tàn thuốc xuống tấm nệm, “Coi chừng, cháy nhà chết mất!”

 

Cánh cửa bật mở. Một phụ nữ vóc nhỏ nhắn, tóc dài đen óng, ăn mặc giản dị với nụ cười ngặt nghẽo bước vào. Nàng tự động mở tung các màn gió. Ánh sáng tràn lan. Nhìn quang cảnh, rồi nhìn tôi, như phụ hoạ với chàng, nàng rên lên, “Trời ơi là khói thuốc! Nếu cứ tiếp tục không cho dọn dẹp thì sẽ thành một nhà kho, một tiệm đồ cũ hay một thảo cầm viên!”

 

Tôi ngạc nhiên hết sức về sự suồng sã của nàng. Nhưng đàn bà mà, dù chỉ khiêm tốn xin được quỳ lạy họ thôi thì điều tiên quyết cứ phải niềm nở với họ cái đã nếu ta mong được họ đoái hoài. Thế là tôi niềm nở reo lên, “Ồ, người thơ!” Nhưng người thơ cứ làm như đã quen tôi từ lâu lắm. Nàng loay hoay muốn đặt cái gì đó như tô cháo xuống chiếc ghế dương cầm. Lại có cả hộp thuốc nữa thì phải. Tôi hoảng quá. Ô hay, bộ nàng không thấy chàng đang ngồi đó sao. Ôi một tô cháo nóng mà đổ vào đũng quần người đàn ông. Tôi la lớn, “Coi chừng, anh ơi coi chừng!”

 

Nàng nhìn quanh, mặt hằn nét lo âu, rồi ngồi xuống bên tôi vuốt nhẹ trên trán. Tôi sảng khoái ngửi thấy hương thơm từ áo người đàn bà lạ. Nàng nói, “Đỡ sốt rồi. Mà anh nào thế, người thơ nào thế, hả mình?” Tôi cố đập tay cái đét vào trán. Chao ôi, mộng hay thực đây? Sao người thơ mới đó đã hoá ra vợ tôi. Nàng tiếp, “Tỉnh hẳn chưa nào. Giờ ăn tô cháo đi cho khoẻ rồi uống thuốc. Anh lôi thôi quá!”

 

Tôi loáng thoáng nghe nàng nhắc những chuyện ngày qua: Hoạ vô đơn chí, què chưa lành lại tai nạn, lại cúm. Tôi nuốt thìa cháo, nghĩ chắc miệng sẽ nhạt đắng hơn nhiều nếu không được kèm theo những lời an ủi ngọt ngào. “Cứ mừng là chưa phải cưa chân anh ạ,” nàng nói. “Còn cúm uống thuốc qua quýt là khỏi. Đôi ba tháng nữa anh lại đi đứng thoải mái đấy thôi. Mùa xuân sắp lướt qua cửa nữa rồi, phải khoẻ, rồi mình đi chơi xa; chúng ta sẽ cùng đuổi tóm lấy mùa xuân chứ. Nào, ăn cho hết để em yên tâm đi làm.”

 

Tôi đã gần hiểu ra mọi sự, chỉ mỗi điều tôi không hiểu là tại sao tôi vẫn buột miệng hỏi một câu vớt vát khi tai tôi vừa thoáng một tiếng sơn ca lảnh lót ngoài vườn:

“Thế anh bạn thơ đâu rồi?”

 

Vợ tôi ngưng thìa cháo giữa chừng, nhìn tôi xa xôi như nhìn dĩ vãng. Cố nén tiếng thở dài, nàng đáp:

“Quên đi mình. Gặp lại sao được kẻ đã thuộc về một thế giới không còn có thực.”

 

Rồi nàng đứng lên. Trước khi bước ra, nàng dặn, “Tấm chi phiếu tiền nhà em để trên bàn. Ông chủ nhà đến, trước khi đưa mình nhớ nhắc tha giùm chiếc Chevrolet đi cho. Ông ấy xin đấy. Hỏng cứ đậu mãi lề đường thế nào cũng bị phạt. Nhất là giục ông ta sửa nhà cầu. Nước rả rích cả đêm mất ngủ.” Mỉm cười, nàng tiếp, “Và người đau ốm chôn chân một chỗ dễ bị cuốn vào cơn viễn mộng, dễ lạc lối về.”./.

    

Alhambra 10-94

Hà Thúc Sinh
Số lần đọc: 1725
Ngày đăng: 03.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vịt và người - Phạm Toàn
Lạc Nhau - Hà Thúc Sinh
Một Cuộc Dành Lại - Nguyễn Thanh Hiện
Chạnh Lòng - Nguyên Minh
Đêm Khải Huyền - Quý Thể
Lũ Mèo Hoang - Trần Hoài Thư
Món Ăn Cuối Cùng - Trần Minh Nguyệt
Phở Hách - Hà Thúc Sinh
Ê-va xóm cồn - Quý Thể
Chiếc phao - Lê Văn Thiện