Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.159
123.162.462
 
Đinh Hùng ( 1920-1967), Giải Quán Quân Thơ ” Văn Chương Toàn Quốc 1961 ”( miền Nam ).
Thế Phong

Đinh Hùng sinh năm 1920, con út môt gia đình trung lưu, gốc làng Phượng Dực ( tỉnh  Hà Đông) –  từ lâu ra lập nghiệp tại Hà Nội. Ông bà Phán, còn gọi ông bà Hàn, sinh  được hai trai, bốn gái. Trưởng nam Đinh Lân, và các chị Loan, Yến, Hồng, và Thục Oanh- cô chị này hơn cậu em  1 tuổi và chiếm được trọn vẹn tin yêu của cậu em khó tính là Đinh Hùng.   Thật vậy, Đinh Hùng từ nhỏ đã khó tính, lại ưa cô đơn. Sống trong 1 gia đình đông vui, mà Hùng vẫn tưởng đâu là đang sóng giữa chiếc đảo nhỏ nhoi giữa một quần đảo, tứ bề xa cách.  Phải chăng vì bà Phán hoài thai nhà thơ của chúng ta ở Manila ( Philippines) – nơi ông Phán được bổ nhiệm sang đây làm Chánh văn phòng Tòa Lãnh sự Pháp từ 1918. ( theo Tạ Tỵ- sách đã dẫn)

 

Chị ruột ông, Đinh Thị Thục Oanh ( sinh 1919 ở Manila)  còn Đinh hùng sinh sau 1 năm – đích thị bà Phán đã hòai thai chàng thi sĩ bẩm sinh từ nơi quần đảo xa xôi ấy- sau  này Vũ Hoàng Chương đã cho rằng thơ của cậu em vợ đã chịu ảnh hưởng này cách bất ngờ, rơi rớt lạc vào  dòng thơ, có câu:

 

“…Hỏi bao quần đảo vừa ly tán

Trần tục là đâu hỡi đất bằng ! “

( Mê hồn ca )

 

Vẫn theo Vũ Hoàng Chương- Đinh Hùng bị cú sốc tinh thần vào lúc 11 tuổi - hoa khôi Đinh thị Tuyết Hồng nhảy xuống hồ Trúc Bạch tự vẫn. Cái chết của người chị trước đó, kéo theo sau  tang tóc từ cụ thân sinh thất lộc khi tuổi chưa tới 50 – rồi 3 năm sau Đinh Hùng lại phải từ biệt  một người chị đã lập gia đình, mà tuổi còn rất trẻ. Người chị cả đó là chị Loan. 

 

Đinh Hùng tốt nghiệp Tú tài bản xứ- vừa khi đó-  ông lại bị cú sốc tình đầu – yêu đơn phương một chiều- nàng Kiều Hương. Nàng đi lấy chồng, hệt Tố của Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng khắc họa chân dung nàng  qua thơ:

 

Tần Hương ôi Tần Hương

Tên nàng như hoa đẹp

Chàng là bướm tơ vương

Nên chàng là Hoài Điệp…”

( Đường vào tình sử)

 

Và chẳng ngạc nhiên gì, sau này Đinh Hùng dùng bút danh Hoài Điệp ( trước ) và sau là Hoài Điệp Thứ Lang trong  tiểu  thuyết đăng nhiều kỳ trên báo từ sau 1954 – kể cả bút danh trào lộng Thần Đăng  -  và ông còn phụ trách ban Tao Đàn trên Đài Phát thanh Saigon, tiếng thơ réo rắt, và giọng nói Đinh Hùng nhừa nhựa sắc như lưỡi gươm bén, phóng vào đêm tối âm vang.

 

Thi sĩ Bàng Bá Lân, nhà thơ tiền chiến; khi phân tích thơ của nhà thơ trẻ Đinh Hùng- ông chú ý  ngay từ khi “Bài ca man rợ”- được tập san “Giai phẩm”) Nxb Đời Nay của nhóm Tự lực văn đoàn, tâng bốc :

 

“… trước hết là trí tưởng tượng phong phú của tác giả. Ông tưởng tượng ra một con người nguyên lòng sơn dã, từ lâu ông sống một đời man rợ thiên nhiên trong núi sâu rừng thẳm, bỗng một ngày kia trở về đô thị”.

Cùng đọc một số đoạn trong “ Bài ca man rợ”:

 

“ Lòng đã khác ta trở về đô thị

Bỏ thiên nhiên huyền bí của ta xưa

Bóng ta đi trùm khắp lối hoang sơ

Và chân bước nghe chuyển rung đồi suối

Lá cờ sắc vương đầy trên tóc rối

Ta khoác vai manh áo đẫm hương rừng

Rồi ta đi khí núi bốc trên lưng

Mắt hung ác và hình dung cổ quái

Trông thấy ta cả cõi đời kinh hãi

Dòng sông con nép cạnh núi biên thùy

Đường châu thành quằn quại dưới chân đi

Xao động hết loài cỏ hoa đồng nội

 

Người và vật nhìn ta không dám nói

Chân lảng xa, từng cặp mắt e dè

Ta ngẩn ngơ nhìn theo bóng ngựa xe

Nhìn theo mãi đến khi đời lánh cả

Và ta thấy hiện nguyên hình sơn dã …”

 

Tôi trích 17/ 55 câu - một trong những bài thơ đầu đời Đinh Hùng - dường như đã quá đủ biểu hiện dòng thơ lãng mạn thời tiền chiến- mà không cần trích đủ toàn bài, như  Bàng Bá Lân  xưng tụng, trích dẫn về Đinh Hùng ..

 

Vậy bài thơ đầu tiên nào của Đinh Hùng được đăng báo ? Đó là “ Đám ma tôi “, Đinh Hùng ký Hoài Điệp, do  Nguyễn Đức Chính đưa cho Nxb Tân Việt in – rồi Nguyễn Đức Chính lại đem thơ Đinh Hùng giới thiệu” ông Trùm  coi sóc  thi đàn Nxb Đời Nay- Thế Lữ”. chăng ? Tư liệu này do Vũ Hoàng Chương tiết lộ, và qua một nguồn khác lại cho rằng: Thạch Lam mới là người giới thiệu Đinh Hùng ( tác giả cùng  tác phầm) với “ ông Trùm Thế Lữ” ?  Câu chuyện được  kể lại :

 

“…. Khi Thạch Lam xuất bản” Hà Nội 36 phố phường” , tác giả ở trong 1 ngõ rất sâu thuộc làng Trung Phụng ( ngoại ô Hà thành) – nơi này cũng là một nơi  đất nhiều ma quái, đẫm lệ -  nào có  những bộ xương khô cùng lưỡi hái dài nanh ác luẩn quất trong lùm cây khế to đùng, cả cây cam âm u của trại Trung Phụng…”

 

Lại nói về Thạch Lam- mỗi khi  lên phố, phải đi qua nhà ông bà Phán ( cha mẹ Đinh  Hùng). Biết vậy, Đinh Hùng nghĩ kế cách nào để làm quen được với nhà văn nổi danh nhóm Tự lực văn đoàn? Ông bèn viết một lá thư kèm bài văn có tựa đề ”Thịt chó”- rồi chặn đường, gặp được  Thạch Lam, trao cho đọc, xin ý kiến. Thế rồi, có một buổi, Thạch Lam ghé vào nhà Đinh Hùng thật - lần này” nhà thơ trẻ” sửng sốt,  gây một ấn tượng tốt đẹp khó quên trong đời. Dần dà, Thạch Lam quen thân Đinh Hùng hơn, ông dắt đưa bạn trẻ đến trụ sở Nxb Đời nay ở phố Quán Thánh, rồi giới thiệu hết lời về Đinh Hùng với Thế Lữ, Khái Hưng, cả Nhất Linh nữa - toàn “ tay tổ” của nhóm Tự lực văn đoàn.

 

Và sau, chính Thế Lữ-  là người đầu tiên nâng đỡ đích thực nghiệp văn thơ đầu đời nhà thơ trẻ -  và Đinh Hùng  tự-sự- kể:

 ‘….Hồi đó mỗi khi làm xong bài thơ nào, tôi thường tìm Thế Lữ để đọc cho ông nghe.  Lần nào cũng vậy, nghe xong, ông lắc đầu bảo: “ Chưa được, cậu cần phải chịu khó hơn nữa”. Tôi buồn quá vì tự ái nổi dậy, nghĩ thế nào cũng phải làm cho được 1 bài thơ hay. Không lẽ cứ để cho Thế Lữ chê hoài ?...”

 

Hồi ấy, Đinh Hùng đang yêu thầm nhớ trộm một cô đầu trẻ ở phố Khâm Thiên- khi  tác giả làm xong bài thơ “Kỹ nữ”,liền đem đến khoe nhắng với Thế Lữ. Thi sĩ “ ông Trùm thơ Đời Nay thông cảm háo thắng bạn trẻ, đọc ngay,  im lặng hồi lâu, chậm rãi, phán:

“-…được lắm !  cậu nên làm theo thể loại này!”

Thế là’ Mê hồn ca  được hình thành  từ thời kỳ đó.

 

Qua một thời gian tham gia Kháng chiến  ở Khu IV - bỗng một ngày kia, khăn gói lẩn trốn về Thành ( Hà Nội- lại gặp được ngay Hồ Dzếnh ) lúc này đã là chồng bà Nhật- chủ một hiệu, sách  Bình Minh ở góc Phố Huế + Reinach)- Hồ Dzếnh đọc xong,  nhận in ngay ” Mê hồn ca”. Khi đang xúc tiến in, gần xong, thì Hội nghị Genève 1954, Việt Minh và Pháp ký hiệp định chia đôi Việt nam -  thì Mê hồn ca  chịu chung số phận. Kẻ bỏ tiền in không có cơ hội phát hành ở ngoài Bắc, lại cũng không di cư vào Nam - Hồ Dzếnh giao cho tác giả cả ngàn tập Mê hồn ca cùng tác giả di cư vào Saigon- vừa phát hành, vừa  bán, vừa tặng.

 

Rồi Đinh Hùng làm ” chủ soái banTao Đàn” -  từ 7 giờ tối  hàng đêm réo rắt giọng ngâm thơ hiều  tài tử, nghệ sĩ tài danh:  nào những Quách Đàm, Hoàng Thư, Tô Kiều Ngân, cả ca sĩ Thái Hằng và Hồ Điệp- một giọng ngâm thơ thật đặc biệt sáng giá! .

 

Vào đầu thập niên 1960,  một chuyện như giai thoại thật trớ trêu xảy ra- khi  chủ soái Tao Đàn  mặc complet xám chững chạc, vừa hoàn thành thâu thanh, bước ra khỏi Đài Phát thanh Saigon –  một cô chặn lại hỏi:

- thưa ông, có phải  ông là Đinh  Hùng?

- Phải, chính tôi- Đinh Hùng đáp.

Người vừa lên tiếng hỏi chủ soái ban Tao Đàn-  một cô mặc đầm, nói năng lễ độ, miệng cười tươi. Nghe xong câu thứ 2,  Đinh  Hùng ngỡ ngàng:

-    Ông có nhớ 3 câu thơ mà ông vừa ngâm trên ban Tao Đàn tối thứ 2 không ?

-    Nhớ chứ , 3 câu ca dao  nói  về Án sát, Tuần phủ chứ gỉ ?  Đinh Hùng đáp.:

-    Rất đúng thưa ông, và  bắt đầu bằng :

-    Thứ nhất rắn hổ mang hoa

-    thứ 2 Trần Tán..

-    thứ 3 là Bùi  Bành “

-    có phải không ạ ?

-    ..mà ông có biết Trần Tán… là ai không nhỉ ?

-    Đinh Hùng chưa kịp trả lời – nét mặt duyên dáng cô gái biến sắc, chuyển sang” tông” khác-  cúi xuống lấy chiếc guốc dưới chân trái , rồi  nện thẳng vào đầu nhà thơ.

-    Trần Tán  là Trần Tán Bình, ông nội tôi. Bố tôi là con Cụ Tuần Bình : Trọng Lang- Trần Tán Cửu,  chắc là ông có biết?

-    Nói xong,  bỏ chiếc guốc vào chân trái, bước ra xe rất nhanh –một sĩ quan mặc đồ trận chờ ở ngoài lề đường -  chở trên xe gắn máy đi mất tăm.

-    Thấy Đinh Hùng lấy tay ôm đầu máu, Hoàng Thư ( thì phải)  lại dìu vào quán phở 44 đối diện.  Hỏi han, Hoàng Thư cho biết tên sĩ quan chở cô em phang guốc vào đầu Đinh Hùng – đó là   trung úy Trần Tán Đ…- trưởng nam nhà văn tiền chiến Trọng Lang có tên thật Trần Tán Cửu.

 

Rồi tới một buổi trưa thứ 7, trước cửa nhà số 38 đường Tú Xương ( Saigon 3) là Trường Cán sự Xã hội Caritas- tôi đến để đón C.M.N. và gặp Đinh Hùng vẫn trong bộ cánh “ complet xám” tự khai :”  ông đón ai, còn tôi đón nàng thơ  có phương danh Hoài Diệu. “ Và Đinh Hùng kể tiếp:

- Đáng lý” toa” phải lãnh nguyên cái guốc mới phải - thế mà “ moa” đã phải nhận thay” toa” rồi đấy ! “Toa” có nhớ không, chỉ vì 3 câu” ” phải gió căn răng trong” Nhà văn tiền chiến. ..”  của” toa” – “ moa”  cho ngâm trên  Tao đàn” – mà giờ này đầu “ moa” còn “ u” một cục !

 

Năm 1961, Đinh Hùng được  giải 1-  Giải thưởng Thơ Toàn quốc -  sách in tuyệt đẹp ( linograph) tại” Kim Lai Ấn quán”:- với lời tựa đính kèm rất trịnh trọng của “ thi sĩ” Đoàn Thêm., . tay này đậu Cử nhân Luật thời tây- bấy giờ là đương kim Phó Đổng lý Phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm.  Ông là tác giả đôi ba tập thơ, sách viết về  lý luận thơ, dịch sách  hội họa vv.. Dư luận “ phê” ngầm” :

- Có “ ông  Phó” Đoàn Thêm “đề’ tựa thì  Đường vào tình sử” của Đinh Hùng, “ bố” thằng giám khảo nào  dám  tự ý “ lắc đầu”  không  bỏ phiếu thuận.

 

Cùng nghe Du Tử Lê, tác giả´Năm sắc diện, năm định mệnh:  Đinh Hùng, Bùi  Giáng,  Tô Kiều Ngân, Thanh Tâm Tuyền, Thế Phong – Saigon 1965) kể  về giai thoại giải thưởng kia – với  lý do nào Đinh  Hùng “dễ “được bỏ phiếu thuận để  ẵm” chót lọt Giải thơ Toàn quốc của Tổng thống Diệm ?

 

Trước tiên, sách phải in đẹp, bây giờ chỉ có  Nam Chi Tùng Thư  ( Lãng  Nhân giám đốc ), in đẹp  nhất  là Kim Lai Ấn quán, do tổng quản lý “ kỹ thuật” Nguyễn Doãn Vượng. mà thôi. Anh là thi sĩ, được lắm- thơ có hay” không nhưng trước tiên còn phải có tiền in thơ cho đẹp vào –  thì mới lọt mắt Ban Giám khảo... Nếu không sẵn tiền cho lắm, - thì  anh phải  kiếm được người” sáng giá”   viết” tựa”- cỡ ông Phó Đổng lý Tổng thống phủ  Đoàn Thêm chẳng hạn thì mới” ăn  giải” được !

Nhưng muốn có tiền để in thơ - sắp chữ linograph - tư nhân chỉ có Kim Lai Án quán, ắt phải có Bình Nguyên Quân; nhưng là ai đây ? .

Xin trả lời ngay

- Ông Đoàn Thêm, tác giả thi tập” Nhạc dế”- chuyên viên hàng đầu viết diễn văn cho Tổng thống Diệm đọc, và Đinh Hùng muốn in thơ ở K.L.Â.Q., ắt phải” cậy ông ta đề tựa” .

Vẫn theo Du Tử Lê- hồi đó Thế Phong gặp Đoàn Thêm, đã nói ngay:

“ … Anh Đinh Hùng rất buồn khi phải cậy anh đề tựa…”

Đoàn Thêm trả lời:

- Đó là tự ý Đinh Hùng cậy nhờ tôi…”

Thế Phong bồi thêm:

-vThế mà.. thực sự anh ấy không cảm thấy sung sướng một chút nào ?!”

 

Gần đây,khi hỏi về chuyện ấy, chính miệng Đinh Hùng tiết lộ Du Tử Lê hay- viết tựa kia là ngoài ý muốn Đinh Hùng. Thật ra, chẳng phải ông Đoàn Thêm bắt buộc phải có’ tựa”- nhưng muốn được in thơ ( tại Kim Lai Ấn quán) thì đành phải nhờ tới Đoàn quân thôi. Cùng năm, Đinh Hùng gửi” Đường vào tình sử’ dự giải Văn chương Toàn quốc- thì Ban giám khảo bộ môn Thơ là” học giả “ Đông Hồ và thi sĩ  Thanh Tâm Tuyền, cả hai  bỏ phiếu tán thành Đinh Hùng chiếm giải 1 “.

Trước khi trình Phủ Tổng thống” ngự lãm”, theo tôn ti phép vua,  phải qua ông Ngô Trọng Hiếu- Bộ trưởng Bộ Công dân vụ.

Nhưng…

Lại phải thêm chữ” nhưng”  Ban Giám khảo Thơ gửi bản đề nghị đề cử Đinh Hùng xứng đáng chiếm giải 1 - thì giám khảo viên Phạm Đình Tân ( ở ban khác ) nhất nhất không đồng tình treo giải quán quân Bộ môn thơ cho Đinh Hùng. Bởi, Phạm Đình Tân còn là chủ soái” cái gọi là” Tinh Việt Văn Đoàn”, chủ nhiệm tuần báo” Văn đàn”- lại” ” có bác sĩ Trần Kim Tuyến ( văn hữu xưa trong nhóm) nay Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị- Xã hội ( một tên khác:  Mật Vụ) –từng là dịch sách” Định mệnh con người” do Nxb Văn đàn in ấn.

Do vậy, Phạm Đình Tân muốn” cậy nhờ  ông  Trần Kim Tuyến- “ kính chuyển tờ phúc trình mật”  ý kiến ‘Tinh Việt  Văn đoàn” không đồng tình treo Giải 1 thơ về tay tác giả tác phầm” Đường vào tình sử” .

 

Tổng  thống Diệm đọc xong  phúc trình- cho gọi ngay ông Lê Văn Thái ( tự Thái Trắng- phụ tá  ông Trần Kim Tuyến)  vào Dinh.

 

Tổng thống Diệm phán:

- Sao treo giải  Thơ cho  một cuốn như ri …?

-    Ông Lê Văn Thái- cánh tay phải Bác sĩ  Tuyến, Chánh sở Mật Vụ -  hoảng hốt- vì đọc hay chưa  hề đọc “ Đường vào tình sử  thì  không biết::

-    “…dù có đọc, tôi ( Du Tử Lê)  chắc người ấy chả hiểu gì …?

-    Và ông Lê Văn Thái đành khất Tổng thống phúc trình đầy đủ sau.

-    Vẫn theo Du Tử Lê ( Năm sắc diện…. – sách đã dẫn) ), ông Lê Văn Thái  bèn “ ” ra  La Pagode” ( ngã tư Lê Thánh Tôn + Tự Do) hy vọng gặp được Thế Phong, chàng ta  thường ngồi cà phê cùng bạn bè tại đây.  Tay này thường ăn sáng, với bánh kẹp  Croque Monsieur, và ly cà phê đen” tổ bố” ( (khi rủng rỉnh quý kim ) – Du Tử Lê viết vậy. .

-    Từ lâu” Quán Cái Chùa” là nơi gặp gỡ của anh em làm văn chương. Tìm ai, chúng ta ( đây vẫn là Du Tử Lê ) chỉ cần sáng sáng hoặc chiều chiều là gặp thôi. Và Thái Trắng đã gặp được Thế Phong thật. Rồi Thái Trắng dạm ý - thì  T.P. trả lời đại để:

-    ..  đem Bàng Bá Lân so với Đinh Hùng- ai là người xứng đáng chiếm giải quán quân Thơ năm nay ư ?  Kẻ xứng đáng thì không thể Bàng Bá Lân được, mà phải  là Đinh  Hùng, bởi lẽ :  Đinh Hùng trúng giải là làm vinh dự cho giải Thơ -  còn giải  thưởng thì không thể tạo vinh dự cho Đinh Hùng được ! ).

-    Sau cùng, Hội đồng Giám khảo Giải văn chương Tổng thống năm 1961 đề bạt Đinh Hùng chính thức nhận giải 1- lại còn được bầu làm đại diện viết diễn từ đọc trước quan khách vào ngày Tổng thống trao giải tại Dinh Độc Lập. Và “ thơ  dự giải Bàng Bá Lân “– từ “ chuồng” Tinh Viêt văn đoàn”( Công giáo) -  chủ xị Phạm Đình Tân ‘ thả”gà tranh giải thơ “ bay vụt  ra –  nhưng chẳng mấy chốc  bị đánh bật ra ngoài lề  một cách không thương tiếc !

 

Bài thơ Kỳ nữ của Đinh Hùng được Thế Lữ khen từ thời mới vào nghề, liệu có thể gọi là một bài thơ hay ?  Thật ra thì không hay lắm, nhưng ít ra cũng làm điểm tựa cho tác giả tin khả năng  thi ca bước đầu không tệ lắm đâu  ! Có những câu:

 

“ Có con đường sao mọc lúc ta đi

Cả chiều sương mây phủ lối ta về

Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ

Vì người em có bao phép nhiệm mầu

Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc

Ta đặt Em lên ngai thờ  Nữ sắc ….”

 

hoặc rất” mô- nô -tôn”( monotonie ) , như   trong” Thần  Tụng “:

 

“…. Mây lòng vương giả bơ vơ từ thuở suy vong nửa cuộc giao tranh sầy đến tâm tình gỗ đá, kẻ phong sương, người lữ quán đã chưa kinh kỳ ảo tưởng, đã xoay nghiêng gác phấn lầu son. Từng điểm tinh anh lang thang những chiều tái tạo, bốn mùa hôn phối hiện lên thanh sắc cỏ cây, màu quân tử, nét văn khô, tuy chẳng cơn mưa móc từ bi cũng bừng nở…”.

 

Xu hướng  thơ Đinh Hùng – đó là thơ viết theo hướng hoài vọng cá nhân. Và chưa có một thi sĩ nào có thể đem cái riêng tư sầu kín phản ánh qua thơ trung thực hơn Đinh Hùng- hoặc  nói  một cách khác -  thì thơ ông đầy tính chất thần kỳ, ma quái, ý tưởng càng quái đản, nào hồn ma siêu phách, thế giới âm ty – nhưng   thơ tình yêu  lại  rất cuồng nhiệt cụ thể! Đôi khi thôi, đọc thơ Đinh Hùng, người đọc hình dung được trong đầu thế giới vàng son, cung ngà, điện ngọc- như phảng phát đâu đây:

 

“ Gió trăng ngự uyển buồn sâu sắc

Thử bước vào xem cung điện ma ..”

 

Đinh Hùng  thường bị ám ảnh, luẩn quẩn- thơ chàng thi nhân của lầu son, gác tía, xưa  kia thích than mây, khóc gió – thì nay đã không còn! Bây giờ thế kỷ XX, chàng đành chấp nhận mặc bộ complet từ phương Tây du nhập, dấn thân đời trần tục, ta bà- lại không thể dễ  quên thế giới hồng hoang!

 

Bùi Giáng- một thi nhân rất  gần Đinh Hùng  qua thi ca – lại rất khác biệt với con người ngoài đời. Đinh Hùng  bình thường trong đời sống nhân sinh - còn Bùi  Giáng nửa điên, nửa tỉnh-  riêng lần đánh giá thi tài Đinh Hùng lần này lại rất tỉnh ( hoặc thời đoạn sống này Bùi Giáng chưa  mê điên chăng ):

 

“…Đinh Hùng là thi sĩ muốn khai phá một nẻo đường đưa tới thế giới hồng hoang, nơi đây con người trút bỏ hết hình hài, thể phách, tinh anh cũ; mà đắm mình trong một bầu không khí ảo huyền, trác tuyệt, đầy những sương lá phong thần. Thi sĩ quên mối lo eo sèo thế sự. Cuộc sống tủi buồn của nhân thế đã xa biết bao! Tiếng cưới, tiếng khóc ở đây có những âm vang kỳ ảo: “ Trận cười tan hợp núi sông/ Còn mơ kỳ thú lạ lùng cỏ hoa / Hý trường đổi lớp phong ba / Mượn tay ngụy tạo xóa nhòa bể dâu….”  ).

 

Nỗi buồn tiếc nuối thế giới hồng hoang từ thế kỷ nào vẫn lẩn quất mạnh mẽ trong tâm can Đinh Hùng - nét dị biệt khác hẳn thơ Vũ Hoàng Chương. Nỗi buồn trừu tượng mênh mang, siêu thực cách ảo hóa, ngông cuồng vô lối, “ sinh ra lầm thế kỷ “.  Thơ V.H.C già cỗi, ảo mộng, người đọc dễ nhìn được tương lai sớm lụi tàn. Còn thơ tình Đinh Hùng trẻ trung, tươi, duyên dáng, ngây thơ, sâu sắc hồn nhiên, dung dị :

 

“… Trời hồng chắc má em tươi

Nước trong, chắc miệng em cưới thêm xinh

Em đi hoài cảm một mình

Hai lòng riêng, để mối tình cô đơn …”

 

Phút xuất thế đối với thi nhân- tuy tác giả muốn trốn chạy thế sự đa tạp, ngổn ngang để chui mình sâu trrong vỏ ốc – thi nhân sẽ không còn muốn sống hòa nhập với xã hội- nếu có-  thi nhân muốn được nhìn là người từ một bộ lạc xa xôi, nay phiêu lãng về thăm:

 

“ Qua xứ ma sầu ta mất trí

Thiêu đi tập sách vẽ hoa nguyền …”

 

Với tình yêu- Đinh Hùng rất trân trọng- lại si mê cuồng dại tới mất trí, và chung thủy thì tới tận  cùng! Tỷ dụ  bài” Gửi người dưới mộ” –nàng thơ ngoài đời  tên Liên. Thời kỳ này  ông đang theo học ở Trường Bưởi, Nàng Liên là mối tình đầu Đinh Hùng chăng ?  Nàng  qua đời vào mùa thu - khiến thi nhân nuối tiếc, nhớ thương, đêm đêm nguyện cầu, rồi khóc nàng:

 

“ … Trời cuối thu rồi em ở đâu ?

Nằm bên đất lạnh chắc em sầu

Thu ơi ! đánh thức hồn ma dậy

Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu

Em mất về đâu, mộng về đâu ?

Đêm đêm ta nguyện với ta cầu….. “

 

Ở một tác phẩm văn xuôi khác” Đốt lò hương cũ”(Saigon 1971- Nxb Nhân sinh thâu thập từ nhiều bài viết trên các báo cho xuất bản ( sau khi tác giả đã qua đời )-  tác giả nhớ bạn văn thơ qua đời trước ông, với bài mang tựa:” Gửi người bạn bên kia trần lụy”:

 

Cái tin” cả bầy văn tinh tối nay tụ họp tại nhà Bạch Liên “ ( không biết có phải Bạch Liên và Liên” mối tình đầu Đinh Hùng” là một chăng?)với những tên tuổi như Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Thạch Lam  vv…”Thâm Tâm,  Vũ Trọng Can, Tô Ngọc  Vân,  Lê Văn Trương, Vũ Xuân Tự vv... ( thời tiền chiến) và  Chế Vũ ( Hồ Xuân Tịnh),   Quách Thoại  vv.. ( thời hậu chiến) .

 

Theo tôi, một bài thơ viết theo lối” thơ  xuôi “-  bài “ thơ xuôi duy nhất của Đinh Hùng”-  là “ Hoài niệm”. Có thể nói không sợ lầm, “ thơ tự do Đinh Hùng ” có ý tưởng thật phóng khoáng, lối diễn đạt không theo qui luật nào- mà  cả đời thơ Đinh Hùng chỉ làm  theo qui luật có sẵn :

(…………………………………….)

… Bạn là người chung tình

Gần nhau không hẹn

Lòng giữ nguyên hương hoa bình minh

Bên đèn tâm sự

Bạn với  tôi như đôi hình viễn xứ

Đôi bóng phù du

Không dưng mà thương nhớ

Không đâu mà ngẩn ngơ

Rủ bướm chim theo vào giấc ngủ

Thả sầu trên con thuyền mây đưa

Trời giăng sao tỏ

Đêm mùa thu

Cửa phòng tôi bỏ ngỏ

Giấc mộng tôi hững hờ

Ta biết giăng buồn ngày ta còn nhỏ

Ai biết ta buồn vì lòng ngây thơ ?

Nhìn cuộc đời

Tin rằng hạnh ngộ

Bạn yêu giăng và tôi yêu gió

Cười nụ cưới đơn sơ…”

(………………………………………….)

 

( Hoài niệm bầy văn tinh )

 

Đinh Hùng qua đời lúc 5 giờ sáng 24 / 8/ 1967 tại Nhà thương Bình dân, và trước đó vài ngày, tôi có ghé lại thăm. Đinh Hùng ngồi trên đệm chiếc giường một, bụng trương to chẳng khác thiếu phụ ôm bụng trống sửa soạn lâm bồn. Bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện Bình dân - nhờ bác sĩ Phạm Biểu Tâm đích thân lái xe hơi đưa từ Bệnh viện Cộng Hòa sang đây, để chính bác sĩ giám đốc chăm sóc, theo dõi tình hình sức khỏe Đinh Hùng.

 

Giáo sư bác sĩ Phạm Biểu Tâm rất tốt, hào sảng, có lòng với bạn văn chương, không chỉ với Đinh Hùng mà thôi. Bẩy năm trước, ông là bác sĩ điều trị ung thư gan cho chủ soái  Nguyễn Đức Quỳnh ( nhóm Hàn Thuyên  tiền chiến) một cách tận tình.

 

Tôi còn  nhớ như in-  gặp tôi, anh hỏi:

- …bao giờ ông vào Không quân ? nhớ là  ngày đầu tiên mặc bộ đồ treilli, thì nhớ vào trình diện tôi đầu tiên nhé !

 

Giọng the thé- chỉ Đinh Hùng có -mà không thể lẫn  bất cứ ai -  từ âm vang, tiết tấu, giọng điệu, kể cà lời giới thiệu’ chủ soái Tao đàn” ( tôi  thường nối điêu đùa cợt: “ tao đàn, mày hát, nó nghe”-  đến lần đầu tiên tôi vô Saigon ( trước  4 ngày Điện Biên phủ thất thủ ) –chúng tôi cùng vào sàn nhảy “ Lệ Uyên”  nằm trên đường Tổng đốc Phương ( Châu văn Liêm, quận 5  bây giờ )- vẫn là giọng the thé Đinh  Hùng vang lên mừng rỡ gặp “ cô ca ve quen”.  Đinh Hùng người nhỏ thó, mặc complet  khiêu vũ,  như cuộn tròn  muốn bay lên, thì cô vũ nữ kềm  lại. Hình như lần ấy Thái Thủy rủ đi, lẽ đương nhiên “ nhân viên trong ban Tao đàn chi ‘ địa” !

 

Lại nhớ tới ngày đầu 1965 ngồi trong Câu lạc bộ Trại Huấn luyện Cát Lở ( Vũng  Tàu) – thì đâu đây tiếng Đinh Hùng giới thiệu ;”… chương trình “ Tao đàn” bữa nay giới thiệu cô X (tôi quên tên ngâm sĩ”) với  bài thơ “ Soi gương” của  Thế Phong “. ( bài lục bát đăng trên tạp chí “  Tân Phong” – Nguyễn Thị Vinh chủ nhiệm).

Vẫn là giọng the thé dễ nhớ của Đinh Hùng sau 11 năm.

 

Có một lần nữa, tôi đến phòng anh chị thuê ở trên lầu 1- số 7 Trần Văn Thạch, Tân Định, Saigon 1 – (nay là Nguyễn Hữu Cầu). Từ phòng cuối dẫy lầu 1, anh thong dong đi bộ ra tiếp tôi, dáng điệu  bơ phờ, vì  chưa đủ” cữ thuốc “ ( thuốc phiện).  Cầm theo tập thơ” Đường vào tình sử”- lời đề tặng ký từ 1961( năm anh được Giải thưởng thơ Tổng thống VNCH )- “ bản Liên Tài  nét chữ “ rồng bay phượng múa’ điệu nghệ- đặc biệt “ chữ đề tặng … ( mực mầu đen) Thế Phong ( mầu mực hồng) “.

 

Đài Phát thanh Saigon loan tin Đinh Hùng qua đời- bạn văn đi đưa tang  Đinh Hùng gần như đông đủ- nhưng thiếu” tên Thế Phong  mặc  đồ lính Không quân đang ” ắc ê”  bài học quân sự căn bản.- không dám  mạnh miệng xin  cấp trên cấp phép xuất trại để đi đưa Đinh Hùng tới nơi an nghỉ cuối cùng! Không biết  nàng Hoài Diệu “- bữa nào mà anh đón vào một chiều thứ 7 - trước cửa nhà số 38 Tú Xương, có mặt đưa tiễn không đây ?

 

Tạp chí Văn ( N.Đình Vượng chủ báo- Trần Phong Giao  thư ký gom bài)  ra mắt một số đặc biệt  về Đinh Hùng. Gồm nhiều bài chiêu niệm: Bàng Bá Lân, Vũ Hoàng Chương,  ( 2 bài diễn thuyết các ngày 8/10 và 8/12/ 1967 / Saigon ), Mai Thảo, Trần Tuấn Kiệt, Thanh Nam, Thái Thủy, Kiên Giang_ Hà Huy Hà, Cao Tiêu, Huy Quang, Phan Lạc Phúc, Văn Quang, Tô Kiều Ngân, Tiểu Nguyên Tử vv… Chỉ một bài báo (potin) ngắn của Dương Tấn Trương là”  giá trị nhất”( theo tôi mà thôi). Luật sư Trương viết báo, qua bút danh Tiểu  Nguyên Tử  từng sống ở Hà Nội , khoảng thời gian Tự lực văn đoàn hoạt động báo chí, văn chương rôm rả ( 1932-1942) – thì luật sư Trương quen biết nhiều bạn văn như Thế Lữ, Khái Hưng, Tchya, Lãng Nhân vv. mà  lại không  biết Đinh Hùng.“…Đinh Hùng nổi tiếng về sau. Và sau ngày di cư, dân chúng miền Nam mới biết được thi sĩ Đinh Hùng, qua Đài Phát Thanh.(…) Giọng ngâm hơi ngọng – vì lưỡi hơi ngắn, nhưng tứ thơ dồi dào, lời văn ngào ngạt, khiến cho tất cả thính giả, nghĩa là tòan dân đều biết Đinh Hùng. Tiểu Nguyên Tử chỉ quen với  Đinh Hùng sau  này, vì Đinh Hùng bị chủ đất đưa ra Tòa, đòi dỡ căn nhà lá một chái của nhà thơ. Đinh Hùng nhờ một luật sư thân với T.N.T. như bóng với hình, bênh vực.  Và sau khi luật sư thành công, Đinh Hùng trả công, bằng một bức tranh vẽ… “ cái xóm nhà lá ấy”, do một bạn họa sĩ tạo nên, theo lời yêu cầu của thi sĩ. Bức tranh ấy hiện đang còn được treo tại phòng giấy luật sư, ngay cửa chánh.  Rồi lại hay tin Đinh Hùng bệnh nặng, Đinh Hùng chết. Và là một đám tang long trọng…(…) Ở xứ người, một thi sĩ ở trong địa vị của Đinh Hùng, nghĩa là chẳng những nổi danh vì một tập thơ, mà lại còn… nổi tiếng qua Đài Phát Thanh – như “ Jean Cocteau”  chẳng  hạn -  đã được giàu có trong lúc sống.   Và sung sướng trọng đãi từ ngày nổi danh cho đến  … mấy chục năm sau ngày chết. Xứ ta, thi sĩ hữu tài chỉ được trọng đãi sau ngày chết….  Nhứt là nhờ ngày chết ấy lại lọt trong thời kỳ bầu cử ….“

(  nhật báo” Dân Chúng “ số 1004/ngày 4/9/1967).

 

“ Và quả thật khi giã từ cuộc đời- thì ra đi chỉ một mình-  tất cả để lại sau lưng, có ai mang theo được gì! Tôi lẩm nhẩm mấy câu thơ nhớ được- từ” Hoài niệm” dành tặng “ văn tinh Đinh Hùng chữ của Đ.H.- TP chú thích)  – ngay  ỡ bãi cỏ quân trường - nơi lính tráng bị cấm trại 100% -dịp  bầu cử Tổng thống  VNCH (1967)- liên danh Nguyễn Văn Thiệu & Nguyễn cao Kỳ:

 

“… Mộng cung tần

Xoay nghiêng mặt gối

Ai cười? Ai nói? Ai xênh ca

Lênh đênh nước biển trăng nhòa

Những vì sao lạ đã xa xuống gần

Trời buồn giáng điệu giai nhân

Trái đất xoay vần -  đứng lặng mà nghe

Rạt rào sóng nhạc pha lê

Đêm tàn, núi đổ - Ra đi một mình ..”

 

Saigon 1997.

(30 tết Canh Dần, chuẩn  bị đón tân xuân Tân Mão -  sao nhớ  Đinh Hùng  lạ thường !)

 

( trích từ “ Chiêu niệm 4 nhà văn Saigon /  Thế Phong / Nxb Đồng Nai “.Bài  này đọc lại có sửa chữa,  thêm, bớt ). Bản gửi từ tác giả.

 

Thế Phong
Số lần đọc: 2356
Ngày đăng: 05.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vũ Hoàng Chương: ” …Thơ Ta Chẳng Viết Cho Đời… “ - Thế Phong
Quà xuân của nhà văn hoá Hữu Ngọc - Vân Long
Trăn trở về danh cầm họ Nguyễn - Lâm Bích Thủy
Từ Chi - “một hiện tượng - một sự kiện dân tộc học” 1 - Đỗ Ngọc Thạch
Từ Chi - “một hiện tượng - một sự kiện dân tộc học” 2 - Đỗ Ngọc Thạch
Văn Cao, Mùa Xuân Cuối Cùng - Phạm Đình Trọng
Cao Xuân Huy, Mùa thu gẫy cánh - 1 - Thụy Khuê
Cao Xuân Huy, Mùa thu gẫy cánh - 2 - Thụy Khuê
Đoàn Chuẩn với giọt thu cuối cùng - Vân Long
Nhớ Anh Khương Minh Ngọc - Hào Vũ