Trương thị Thịnh –Đinh Cường .Café San Fran.
Thế nào mùa hè năm nay tôi cũng theo Andrew lên San Fran xem tranh Picasso …viết thêm của Nguyễn xuân Hoàng, người bạn Don Juan của tôi trên blog VOA của anh làm tôi cũng nôn nao mong trở lại San Francisco, đã bao nhiêu năm rồi không nhớ, từ lần đi từ San José cùng chị Trương thị Thịnh, người họa sĩ đàn chị đáng kính của chúng tôi, tốt nghiệp thủ khoa khoá 1 trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định năm 1957, Quế Hương người bạn đã gặp và thân kể từ khi chị cùng cơ quan về làm việc tại Sài Gòn những năm 80, chị là hoạ sĩ được đào tạo từ trường mỹ thuật ở Mỹ, hôm đó có cả nhà thơ Lưu hy Lạc và Thân trọng Mẩn … Lưu hy Lạc đã kể những ngày sống lang thang, giang hồ ở thành phố San Fran. này .Tiếc là tôi chưa được ghé thăm anh chị Duy Thanh-Trúc Liên như Du tử Lê vào tháng vừa qua…
“…chúng tôi đứng trước cánh cửa sắt lỗ mỗ thời gian chung cư hai tầng. Đường Polk. Khúc giữa Clay và California St.Tôi không biết building ngả mầu này được xây cất từ năm nào? Chỉ biết , đó là nơi ở thứ hai của Nguyễn duy Thanh. Người họa sĩ có “những ngón tay bắt được của trời “.Một nơi chốn đã lên men, đóng váng 33 năm, kể từ sau biến cố tháng 4 -1975, khi ông chấm dứt hợp đồng làm việc với chính phủ Mỹ tại tiểu bang Hawaii…” (Duy Thanh, đầu mối đưa tới sự ra đời tạp chí Sáng Tạo? – dutule.com ) Ba hoạ sĩ thuộc nhóm Sáng Tạo, Thái Tuấn, Ngọc Dũng đã mất, nay chỉ còn mình anh, 80 tuổi, nét bút còn vung mạnh, được nhìn thấy trên các tạp chí Khởi Hành và Việt Báo Xuân năm nay, mong anh an vui cùng gia đình nơi vùng vịnh Frisco quen thuộc ấy…
Duy Thanh –Chim ,mực tàu (coll.DC)
Trong một góc nhỏ nơi ngồi vẽ tranh, tôi thường dán lên vách ảnh Picasso, như một tấm gương về sự làm việc không ngừng nghỉ cho nghệ thuật. Và câu nói của ông mà tôi rất thích: “ Không thể làm cái gì được nếu không có cô đơn…Ở tôi tranh là một tổng số những phá huỷ. Tôi vẽ một bức tranh rồi tôi phá đi. Nhưng rốt cuộc chẳng có gì mất cả, màu đỏ mà tôi lấy đi ở một chỗ này sẽ lại hiện ra ở đâu đó, ở một chỗ khác …”
Niềm vui ở đây là đi xem các Viện Bảo Tàng, các Gallery. Thỉnh thoảng tôi lại lang thang trong National Gallery of Art Washington để nhìn lại tranh của Modigliani, Matisse, Picasso …vẫn còn thấy xúc động :
…’’như sáng mai nào trong viện bảo tàng
đứng cạnh những tranh Modigliani
chất sơn dầu cũ kỹ hàng trăm năm
như còn ám ảnh ta
màu đỏ sậm ,mầu vàng đất
và những đường viền đen run rẩy
những khoả thân nằm …”
(Cuối ngày buồn ,thơ DC )
Mắt xanh (chân dung Jeanne Hébuterne 1917)
Phải chăng, Modigliani, người họa sĩ có mái tóc bồng, khuôn mặt u buồn, đôi mắt sâu, dáng cao sang, luôn quấn chiếc foulard màu đỏ sậm, quần velours nâu, xuất hiện ở cái xòm Montmartre hồi đầu thế kỷ hai mươi, nơi tụ hội của các hoạ sĩ tứ xứ kéo đến …Cuộc đời mà tôi được đọc qua nhiều sách, một cuộc đời bi thảm, ngắn ngủi. Tranh thường vẽ đơn độc một người với đôi mắt muộn sầu màu xanh tro. Đến Paris năm 22 tuổi, 36 tuổi chết vì bệnh lao tại một nhà thương thí. Làm nhớ Quách Thoại :
’Thoại ơi Thoại ơi không biết khóc ,
nhưng giòng nước mắt uớp mặn môi “
( Thanh Tâm Tuyền) .
Làm nhớ Thạch Lam ,cũng chết vì lao phổi năm 33 tuổi tại làng Yên Phụ, ven Hồ Tây –Hà Nội :
“Chiều mưa bụi đã bay
À ơi cơn gió ẩm ngày
Sao lòng con ấm những ngày năm xưa “
( Khi qua phà Bính -Nguyễn tường Giang )
Người du mục ngủ -Henri Rousseau .Museum of Modern Art ,New York
Có ngày cuối tuần, đi chuyến tàu nhanh cùng Nguyễn mạnh Hùng lên New York, chỉ kịp mua vé vào xem giờ cuối trước khi Museum of Modern Art đóng cửa, ở đó có các bức tranh là dấu mốc của nghệ thuật hiện đại Tây Phương như “Dance” của Matisse, ’’Les Demoiselles d ‘ Avignon “của Picasso,’’Starry Night “ cuả Van Gogh, ‘’The Sleeping Gipsi “của Henri Rousseau …Khi xuống vội cầu thang ra về, tôi còn bắt gặp cái tượng đồng ‘’Con Dê” của Picasso nằm trong khoảng sân nhỏ bên trong Viện Bảo Tàng .
Tượng này Picasso đã làm bằng những miếng đồng vụn (làm nhớ Mai Chửng ), lượm lặt bất chợt ở nhiều nơi trên đường phố vào năm 1950, nay là sưu tập của Bà Simon Guggenheim tặng lại Viện Bảo Tàng. Nếu trong “Guernica”, hình tượng ngựa bị choáng ngợp, vùng vẫy, bị đè nén với bóng đen hăm dọa của tô-rô, tượng trưng cho chiến tranh, thì những nét vẽ về Dê và tượng Con Dê, Picasso đã cho ta thấy một sự sung mãn về sức lực, hạnh phúc. Cũng như rất nhiều bức tranh thơ mộng của Chagall, đã thường đưa hình tượng Dê bay bổng bên cạnh chiếc đồng hồ, thành phố, đàn violon, hoa và thiếu nữ…
Con Dê, tượng đồng Picasso .1950
Picasso, tảng mặt trời rực sáng của hội họa hiện đại, ông mất đi (năm 1973 tại lâu đài riêng ở Mougins, Pháp ) để lại cả hàng chục ngàn tranh, dessins, tượng, gốm …và Jacqueline, người vợ trẻ sau cùng của Picasso, một buổi sáng nào, đã tự bắn phát súng vào đầu mình tự tử trước sự trống vắng trên cõi đời, dù đang nằm trên một gia tài đồ sộ…Ngay chính Picasso, con người làm ra vàng bằng ngón tay nguệch ngoạc trên khăn trải bàn ở các quán, cũng không thích sở hữu .”Mà sở hữu của cải vật chất có ý nghĩa gì kia chứ,trong khi ta sở hữu trong ta cả vũ trụ .” Tiền bạc, ngân phiếu ông không bao giờ mang trong người. Những năm cuối đời, Jacqueline là người chi tiền, Người ta đôi khi có lời trách Picasso là hà tiện thế nào đó. Không đúng. Từ thời buổi khó sống trước ấy, ông đã giữ lại cái vinh dự vung tiền rồi. Ông quý trọng không phải chính đồng tiền mà là cái sức lao động mà đồng tiền là biểu tượng. Ông đã tặng tranh không cần tính toán cho bạn bè ( như Bùi xuân Phái của phố cổ Hà Nội ) làm cho nhiều người được giàu ra vì những tấm tranh được tặng ấy. Cả người thợ chuyên hớt tóc cho ông …Đam mê độc nhất của ông là làm việc ( lại nhớ người bạn thiết Nguyễn Trung, luôn làm việc trong cõi riêng của mình không ngừng nghỉ ) là tác phẩm. Ông nói:
‘’Vẽ là cục nợ của tôi “. Với tôi, Picasso đúng là một khuôn mặt thần kỳ trong thế giới nghệ thuật./.
Virginia 3.Feb.2011