Thằng Cò là học sinh giỏi môn Văn của Trường PTTH huyện nhà. Giỏi như thế nào? Này nhé: nó đạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi môn Văn của tỉnh. Văn của nó hay lắm. Chẳng hạn người trần mắt thịt như chúng ta trông thấy cái lá đa rơi thì viết là cái lá đa rơi. Nó lại viết rằng nó nghe tiếng cái lá đa rơi rất khẻ như là rơi nghiêng. Cứ như là một phát minh về vật lý: cái lá đa rơi nghiêng về nguyên tắc gây ra tiếng động nghe phải khẻ hơn khi nó rơi ngang hoặc rơi đứng. Tài thật! Tả cái nắng nung người vào tháng sáu nó viết nước ruộng như bị ai nấu, chết cả cá cờ, nóng đến nỗi cua không chịu được phải ngoi lên bờ. Nhờ những ví von như thế trước hết nó chinh phục được thầy giáo dạy môn Văn, sau đó đến bạn bè cùng lớp. Trong lịch sử văn học Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX đã từng có một cậu bé mười lăm mười sáu tuổi cho xuất bản tập thơ Điêu tàn, tập thơ xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam thời ấy như một niềm kinh dị. Đó là Chế Lan Viên. Tôi không dám so sánh thằng Cò với Chế Lan Viên mà chỉ dám lưu ý bạn đọc về độ tuổi vì năm nay thằng Cò tròn mười lăm tuổi. Vì giỏi môn Văn như thế nên hôm nay nó có vinh dự được ngồi ở hàng ghế đầu trong Hội trường huyện. Hội trường chăng đèn kết hoa, căng khẩu hiệu chào đón một vị cán bộ tận Trung ương về thăm. Câu khẩu hiệu Nhiệt liệt chào mừng và kèm theo đó là một dãy dài các cụm từ nêu rõ bằng cấp và chức vụ của ông. Sau cuộc hội kiến ở Văn phòng UBND huyện, người ta dẫn ông đi thăm cánh đồng có lợi nhuận 80 triệu đồng/hecta/năm, thăm trại lợn nuôi theo phong cách công nghiệp của bà Năm. Hôm trước bà vừa mới xuất chuồng mất vài chục con, bù lại người ta mượn lợn của hàng xóm thả vào để chuồng trại đỡ vắng vẻ. Vì khác đàn nên lợn cắn nhau chí choé, người ta giải thích với ông cán bộ rằng tính tình càng hung dữ thì lợn nuôi càng chóng lớn. Ngoài ra huyện nhà có thành tích gì thì đem khoe bằng hết, trong đó có thành tích học tập của thằng Cò. Hôm nay nó được nghỉ học và ngồi ở hàng ghế đầu, người ta rỉ tai nó là nghe giới thiệu đến tên và thành tích học tập thì đứng dậy, trước hết đưa hai tay lên quá đầu vỗ tay, sau đó có thể nói dăm ba câu chào mừng ông cán bộ, xuất khẩu thành thơ được thì càng tốt.
Trong sự hồi hộp chờ đợi, thằng Cò kiên trì ngồi nghe hết bài giáo huấn của ông cán bộ rồi đến đáp từ của Chủ tịch huyện. Mãi rồi cũng đến cái phút giây nó đăng quang, người ta tuyên đọc thành tích, mời nó đứng dậy và bước lên sân khấu. Ông cán bộ cấp trên bắt tay rồi xoa đầu nó, khen nó đôi câu nhưng vì quá cảm động nó không kịp nghe ra ông ấy nói gì. Bất ngờ nó đọc hai câu xuất khẩu thành thơ:
Hoan hô ông về thăm làng
Ta càng phấn khởi ta càng thi đua.
Ông cán bộ sung sướng đưa hai tay lên quá đầu vỗ tay. Cả hội trường vỗ tay kéo dài như sấm dậy. Trong cái không khí hân hoan tràn ngập ấy, người ta thấy ông cán bộ đưa tay hết lục túi áo rồi đến túi quần, cuối cùng lôi ra một cái bật lửa ga. Cái bật lửa chưa được dùng mấy nên ga còn đầy. Ông xoa đầu thằng Cò rồi dúi vào tay nó chiếc bật lửa ga, nói rằng bác tặng cháu làm kỷ niệm.
Cầm chiếc bật lửa ga trong tay thằng Cò hơi ngỡ ngàng. Trước hết nó nghĩ ngay đến công dụng của cái bật lửa ga, của này đem về cho bố nó châm đóm hút thuốc lào rõ tiện. Hoặc là khi dong trâu ra đồng ăn cỏ, cầm nắm rơm khô cùng với lũ bạn tìm lỗ chuột để hun khói thì đố anh nào chạy thoát. Nhưng có lẽ nào lại nói ra những sự thật ấy giữa bá quan thiên hạ? Không được! Nó vốn là người nhanh trí, thì nó là học sinh giỏi môn Văn mà lị! Nó giơ cao cái bật lửa ga, nói một hơi dài:
- Bác tặng con cái bật lửa ga này rất là có ý nghĩa. Có nghĩa là bác trao cho con ngọn lửa tượng trưng cho ý chí cách mạng, ngọn lửa sẽ được kế tiếp từ bác đến đến thế hệ chúng con, ngọn lửa bất diệt không bao giờ tắt.
Rồi nó giơ hai tay lên quá đầu vỗ tay. Mũi ông cán bộ cấp trên nở ra, nụ cười trên môi ông khoan dung và tươi như hoa. Còn cả hội trường thì vỗ tay như sấm dậy./.
Hà Nội 2011