Alan Rusbridger, guardian.co.uk, Thứ Sáu 28/01/2011
http://www.guardian.co.uk/media/2011/jan/28/wikileaks-julian-assange-alan-rusbridger#history-link-box
2
Tại Guardian chúng tôi có những lý do riêng để quan sát sự lớn lên của Wikileaks với sự quan tâm lớn và ít nhiều tôn trọng. Trong hai trường hợp - liên quan đến ngân hàng Barclays và Trafigura - site này cuối cùng đã giữ những tài liệu mà các tòa án Anh đã ra lệnh hủy bỏ. Có một thời kỳ xấu năm 2008/9 khi tòa án tối cao London theo thói quen không chỉ cấm công bố các tài liệu được công chúng quan tâm nhiều mà đồng thời còn ngăn ngừa việc báo cáo sự tồn tại của bản thân các vụ kiện ra tòa và các bên liên quan trong đó. Một hãng luật sư tư vấn ở London đã vươn ra quá tầm bản thân nó khi nó thậm chí cố mở trộng phạm vi lệnh cấm đến việc báo cáo cho các cuộc thảo luận ở nghị viện về các tài liệu có trên mạng WikiLeaks.
Các quan toà cũng lúng túng không kém các tập đoàn toàn cầu trước hiện tượng xuất bản mới này. Trong một phiên tòa hồi tháng Ba 2009 tòa án tối cao ở London quyết định không ai được phép in những tài liệu về chiến lược trốn thuế của Barclay - mặc dầu những tài liệu ấy đã có trên website của WikiLeaks để cho cả thế giới đọc. Luật pháp lúc ấy trông có vẻ hơi ngớ ngẩn.
Nhưng hình thức xuất bản mới, không thể phá hủy được này đã đưa những vấn đề sắc nhọn vào tiêu điểm. Đối với mọi Trafigura có thể có những trường hợp khác trong đó WikikLeaks có thể được sử dụng để bôi nhọ hoặc hủy diệt một ai đó. Điều đó làm cho Assange thành một nhân vật vô cùng mạnh. Sự việc có những càu nhàu trong số các đồng nghiệp về tính độc đoán và bí mật của ông ta không làm giảm bớt những nỗi sợ về ông trùm truyền thông mới này. Các câu hỏi vẫn liên tiếp kéo đến: gương mặt lờ mờ của vị “Thượng đế thích đùa” này là ai? Làm thế nào ông ta và đội ngũ của ông ta có thể đảm bảo chắc chắn về tính xác thực của một tài liệu nào đó? Ai là người định ra cái khung đạo đức nó quyết định thông tin nào nên được công bố, và thông tin nào thì không? Tất cả những điều đó có nghĩa rằng Assange trong nhiều khía cạnh, có lẽ nhiều hơn số ông chờ đón, có một vai trò không giống vai trò của một biên tập viên thông thường.
Như cuốn sách này mô tả, sự tràn một cách ngoạn mục của WikiLeaks vào con mắt và trí tưởng tượng của công chúng rộng lớn của thế giới bắt đầu bằng cuộc họp tháng Sáu năm 2010 giữa Mick Davies của Guardian và Assange. Davies đã tìm ra Assange sau khi đọc những nội dung ban đầu tiết lộ về việc tìm thấy một khối lượng khổng lồ những tài liệu quân sự và ngoại giao.
Anh muốn thuyết phục Assange rằng câu chuyện này có thể có tác động và ý nghĩa lớn hơn nhiều nếu ông ta sẵn lòng liên minh với một hoặc hai tờ báo - cho dù trong con mắt của một số hăccơ chúng tôi có thể là cổ hủ, nhát và thỏa hiệp như thế nào. Thế là một thỏa thuận bắt đầu.
Và như vậy một sự hợp tác độc nhất vô nhị đã sinh ra giữa (ban đầu) ba tờ báo, chàng lãng tử Australia bí ẩn và cái tổ chức khó nắm bắt của ông ta, WikiLeaks, dù nó thật sự là cái gì. Điều ấy chưa bao giờ trở nên rõ ràng. Assange, nói đơn giản, là rất khó liên lạc, thay đổi số điện thoại di động, địa chỉ email và mật mã các phòng chat thường xuyên như ông ta thay đổi chỗ ở. Thình thoảng ông ta xuất hiện cùng với một đồng nghiệp khác - có thể là một nhà báo, một hắccơ, một luật sư hay một người trợ giúp không nói rõ - nhưng, thường thì ông ta đi một mình. Không bao giờ hoàn toàn rõ ràng ông ta đang ở múi giờ nào. Sự khác nhau giữa ngày và đêm, một điều quan trọng đối với phần lớn người ta, dường như ông ta ít quan tâm.
Bây giờ bắt đầu vào một hoạt động báo chí khá truyền thống, cho dù có sử dụng kỹ năng phân tích dữ liệu và hình ảnh mà mãi đến gần đây không được biết đến trong các phòng tin của tòa báo. Davis Leigh, biên tập viên phóng sự điều tra của Guardian, tiêu hết cả mùa hè ngốn ngấu đọc các tài liệu ấy. Phó tổng biên tập phụ trách tin tức, Ian Katz, lúc này bắt đầu dàn xếp các lực lượng rộng lớn hơn. Các đội đặc biệt được tập hợp lại tại những góc hỗn tạp của các văn phòng Guardian ở King’s Cross, London, để xử lý lượng thông tin lưu trữ khổng lồ. Các đội tương tự cũng được tập hợp ở New York và Hamburg - và, sau đó, tại Madrid và Paris.
Việc đầu tiên phải làm là xây dựng một động cơ tìm kiếm có khả năng đọc hiểu các dữ liệu, tiếp theo đưa cho các nhà phân tích ngoại vụ và các phóng viên nước ngoài có hiểu biết chi tiết về cuộc xung đột Afghanistan và Iraq. Việc cuối cùng trong nghiệp vụ báo chí nặng nề là đưa vào một quá trình biên tập sao cho không có cái gì mà chúng tôi công bố có thể gây nguy hiểm hay làm tổn hại đến nguồn cung cấp tin hay các hoạt động đặc biệt thỏa hiệp tích cực. Tất cả những việc này đòi hỏi nhiều thời gian, nỗ lực, năng lượng và sức chịu đựng. Làm cho các file có ý nghĩa không phải là chuyện dễ dàng chốc lát. Trong lịch sử của báo chí có rất ít, nếu có, trường hợp giống như thế này, trong đó những hãng tin phải xử lý một cơ sở dữ liệu mênh mông như thế - chúng tôi ước lượng nó phải có khỏang 300 triệu từ (để so sánh, các tài liệu của Lầu Năm góc do New York Times xuất bản năm 1971 có hai triệu rưởi từ). Sau khi được biên tập, các tài liệu được phân chia giữa năm tờ báo (cuối cùng) và gửi cho WikiLeaks, là người thông qua tất cả các bản biên tập của chúng tôi.
Phạm vi của quá trình biên tập và phạm vi tương đối hạn chế của việc công bố những bức điện thật sự rõ ràng đã bị nhiều nhà bình luận bỏ qua - trong đó có những nhà báo hàng đầu của Hoa Kỳ - họ nói một cách chê bai “cái đống rác dù muốn dù không” của những bức điện và nguy hiểm chúng sẽ gây cho cuộc sống. Nhưng, cho đến nay, chưa hề có “đống rác khổng lồ” nào cả. Chỉ có hai nghìn trong số 250.000 bức điện đã được công bố, và sáu tháng sau sự công bố đầu tiên những nhật ký chiến tranh, không ai có thể chứng minh bất kỳ thiệt hại nào đến tính mạng hay sự an toàn của ai.
Không thể nào viết câu chuyện này mà không kể về câu chuyện của bản thân Assange, mặc dầu rõ ràng là vấn đề chung của WikiLeaks và triết lý mà nó đại diện có ý nghĩa lâu dài hơn. Hơn một tác giả đã so sánh ông với John Wilkes, một nghị viên phóng đãng thế kỷ 18 và một nhà biên tập đã liều mạng và phóng khoáng trong những trận hỗn chiến vì tự do ngôn luận. Những người khác đã so sánh ông với Daniel Ellsberg, nguồn rò rỉ tin của Lầu Năm góc, mà cựu thường trực biên tập New York Times, Max Frankel, đã mô tả là “một con người tài trí xảo quyệt và sâu cay, và một tính khí bốc đồng.”
Truyền thông và công chúng bị giằng co giữa những người thấy Assange như một loại đấng cứu thế ảo và những người coi ông ta như một gã James Bond du đãng. Mỗi bên phản ánh một cách cực đoan về ông ta những sức mạnh siêu nhân thiện hay ác. Kịch bản lại càng trở nên rối hơn vào tháng Mười Hai khi, phần nào do hoàn cảnh tại ngoại hầu tra của ông ta, Assange phải sống ở Ellingham Hall, một trang viên Georgi được lập trên hàng trăm arc trong vùng nông thôn Suffolk. Như thể một kịch bản của Stieg Larsson đã được chuyển cho nhà văn của Downton Abbey, Julian Fellowes.
Ít có người thấy Assange là một người dễ hợp tác. Jack Shafer, nhà bình luận của tờ tạp chí mạng Slate nắm bắt tính cách của ông ta trong một chân dung như sau:
“Ássange làm cho các nhà báo làm việc với ông ta khốn đốn vì ông ta không chịu thích nghi với bất kỳ vai trò nào họ muốn ở ông ta. Ông ta hành động như một nguồn rò rỉ tin khi điều ấy thích hợp với ông ta. Ông ta hóa trang thành nhà xuất bản hay người cung cấp bài cho các báo khi điều ấy là thuận lợi. Giống như một nhân viên PR, ông ta vận động các hãng tin để quảng bá tối đa cho các “khách hàng” của ông ta, hoặc có lúc ông ta đe dọa ném những quả bom thông tin giống như một tên khiêu khích. Ông ta là một kẻ thay hình đổi dạng quỷ quyệt không bao giờ chịu ngồi yên, một nhà thương lượng không thể đoán trước, người liên tục thay đổi các điều kiện thương lượng.”
Chắc chắn chúng tôi có những thời khắc khó khăn hay căng thẳng trong tiến trình hợp tác làm việc. Phần lớn chúng do những khó khăn về thông tin liên lạc mở, thông thường bởi thân phận của Assange cũng như đôi khi sự xáo trộn các nguồn tin, trung gian và nhà xuất bản. Các tin nhắn mã hóa không thể thay thế cho các cuộc nói chuyện. Và, trong khi chắc chắn Assange là nguồn chủ yếu cung cấp các tài liệu, ông ta không hề là một nguồn thông thường - ông ta không phải là nguồn nguyên thủy và chắc chắn không phải là nguồn kín đáo. Gần đây, ông ta thậm chí không còn là một nguồn nữa. Nếu có, thì ông ta là một giống mới của người trunggian-côngbố – một vai trò đôi khi khó chịu trong đó ông ta tìm cách để có một mức độ kiểm soát cao hơn đối với tài liệu của nguồn (và thậm chí một dạng “quyền sở hữu” hoàn thành với những lời hăm dọa kiện ra tòa về thất thoát thu nhập). Có lúc chính WikiLeaks bung ra một đợt tiết lộ làm Assange giận điên lên, thì tình hình trở nên trớ trêu đến gần như hài hước. Các vấn đề đạo đức gắn với quan hệ pháp lý mới này giữa biên tập và nguồn còn trở nên phức tạp hơn nữa khi nó hàm ý dường như chúng tôi đã thiếu bảo vệ Assange - như một “nguồn” - cách nào đó, do đã không tìm hiểu sâu những cáo buộc tình dục nhằm vào ông ta ở Thụy Điển. Điều ấy có vẻ không phải là một lý lẽ thuyết phục đối với chúng tôi, mặc dù có những người - không quá mạnh khi gọi họ là “những môn đồ”- không sẵn lòng tưởng tượng ra bất kỳ câu chuyện kể nào vượt ra ngoài câu chuyện về vết nhơ ấy.
Những chuyện khó chịu này nói chung được vượt qua - đôi khi được làm dịu đi bởi một cốc vang hay bởi đáp ứng được cái khẩu vị đặc biệt của Assange về những cuộc nói chuyện đòi hỏi chính xác và thấu đáo về mặt trí thức. Như Sarah Ellison của tờ Vanity Fair kết luận về vấn đề này: “Dù khác nhau như thế nào, kết quả là phi thường. Với bề rộng, chiều sâu và độ chính xác dường ấy của các thông tin rò rỉ, thì sự hợp tác này đã tạo ra, dù nhìn dưới bất kỳ tiêu chuẩn nào, một trong những món lời lớn nhất của báo chí trong vòng 30 năm qua.”
(Còn tiếp)