Hồi rất nhỏ, bố thường kể, nhà mình còn có họ ở phương Nam đấy. Phương Nam hồi đó, trong trí tưởng tượng của mình thật xa xôi. Không biết vì điều gì, ông nội đã lưu lạc vào tận mảnh đất ấy, với cái tên nghe cũng kỳ kỳ, là lạ, Long Bình Điền. Một xã của huyện chợ Gạo, Tiền Giang.
Mình chưa khi nào gặp ông nội. Khi mình một tuổi, ông đã đi xa. Chỉ nhớ về ông qua lời kể của bố, đã thức suốt đêm, đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài phố, khi chấm xong lá số tử vi cho mình, Giáp Tý, giờ Dần…
Mình nghĩ, không biết bao giờ mới tới được một phần họ hàng thân thuộc ở một nơi xa xôi như thế. Gần hai ngàn cây số.
Thế rồi mười năm sau. Mười chín tuổi, lần đầu tiên lặn lội một mình tới đúng địa chỉ của nhà ông nội. Khi đó bố đã mất, và có lẽ các cô chú cũng không thể nào nhớ hay hình dung nổi một cô cháu sinh sau đẻ muộn như thế nào.
Một trưa rất nắng, sau hai ngày ngồi trên tàu từ Hà Nội vào Nam, mình xách một cái túi xách lớn và một chiếc vali nặng trịch quần áo, bước vào sân nhà. Thấy ông chú đang đứng lom khom ở bếp nấu đồ ăn, suýt nữa tưởng nhầm là bố. Chú giống bố như đúc. Và nói cháu là Minh. Chú nhìn mình ngỡ ngàng, xa lạ và quen thuộc và nói một câu thật nhẹ tênh: Vào nhà uống nước cho đỡ khát. Chú có một cung cách hiền lành, chất phác khác với bố rất nhiều, bố hào hoa và khảng khái.
Giữa một ngôi nhà, toàn người miền Tây, giọng bắc kỳ của mình sang sảng, chua chua, cứ chòi lòi khua khoắng giữa ba gian. Bà nội ngồi trên giường, nói nhỏ nhẹ: Con nhỏ này, nói giọng y như bố mày.
Ngày xưa, khi vào đây thăm ông bà, có lẽ bố cũng sang sảng và lưu loát nói chuyện quê nhà ngoài Bắc.
Thế nào đó, tự nhiên như một định mệnh, mình đã ở phương Nam được một quãng thời gian dài. Đôi khi lại về thăm quê nội. Ban đầu, thấy thật lạ lẫm, rồi cứ thành quen, thành quen. Hôm chú gọi điện nói bà nội mất rồi. Lúc ấy, mắt cay xè vì ân hận.
Mình không bao giờ quên được, lần cuối cùng gặp bà, vì mải đi chơi quá, bỏ bà ngồi tận sâu sau cửa, đưa tay chới với gọi mình quay lại, mà chân cứ lao đi vui chơi với hai người bạn. Sau này, nghĩ cứ ăn năn mãi, không biết đó là lần cuối cùng được nhìn thấy bà.
Hôm rày, sáng cuối năm, khi những tình yêu cùng mình chạy xe từ thành phố về quê nội. Không còn thấy bà ngồi sau cửa như mấy năm trước nữa. Bà đã theo ông đi rất xa. Chỉ còn chú vẫn đứng bán hàng và nấu nướng trong sân, và cô quanh năm có cái bần thần buồn buồn, và thím thì cười hiền lành, một nụ cười dịu dàng dễ mến, và con cún con năm nào, vẫn sủa inh ỏi mỗi khi thấy người mới. Tất cả mọi thứ cứ chầm chậm trôi đi, trôi đi. Mình sao vẫn trẻ con, bỏ mặc thím đứng làm bánh xèo cho mấy đứa sau gian bếp đầy lửa, còn mình thì leo lên chiếc xe đạp điện của đứa em, đòi những tình yêu chụp ảnh, chụp ảnh nào không thương tiếc.
Ta có thể lớn khôn ở đâu đó, nhưng trở về nhà, ta vẫn chỉ là đứa trẻ nhỏ tinh nghịch phải không? Khi Phương vừa đọc sách, vừa thở hắt ra: làm ơn lớn lên đi cho thiên hạ nhờ!
Bây giờ đã sang năm mới, khi mình chạy xe loanh quanh ngắm phố phường Sài Gòn, những con đường rợp hào hoa, ánh sáng chói lòa, sao mình chỉ nhớ con đường mấy chục cây chạy xe về quê nội hôm trước. Con đường đã vắng những đoàn xe về quê hương ăn Tết. Chỉ nhớ ngờm ngợm mai vàng, mai đầy những góc chợ nho nhỏ hai bên đường. Mai nở bung cánh vàng, tươi rói bên hiên những ngôi nhà quay ra mặt phố. Đâu cũng mai. Đâu cũng cúc. Cảm giác như trời đất đã hóa thân vào trong cái màu vàng của tết, của mai, khỏe khoắn và mộc mạc, nhưng vẫn đa tình. Tình yêu bảo: Hoa mai phải là quốc hoa chứ? Nhưng sao lúc ấy, lòng chỉ nhớ đào hoa xứ bắc, rực rỡ, kiêu kì trước đông phong.
Anh trai bảo: Hồi anh đi lính, cứ tết đến, ở phương Nam, bọn tao thường rất thích cài một cành mai lên ngực áo.
Em rất nhỏ tuổi, không hình dung ra những thời khắc lãng mạn ấy.
Bây giờ, khi có dịp, chạy xe máy mấy chục cây số, băng qua mùa xuân đầy nắng, băng qua những khoảng màu sắc tươi tắn, hân hoan của mai của cúc, mới cảm nhận được cái tết miền Nam thật mênh mông và chói chang. Không lành lạnh, se se và ấm cúng kiểu như mùa đông ngoài kia.
Nhất là khi ta chạy xe qua một ô ruộng, thấy người ta trồng cúc đang nở, vàng rực lên, từng chậu từng chậu một. Cả một khoảng vuông không gian nho nhỏ đấy, toàn cúc là cúc. Lúc đó, nếu có cái máu giang hồ anh chị nhiều lên một chút, chắc sẽ nhào vô cái thửa ruộng kia và “chôm” ngay một chậu, bỏ lên xe, chạy về tận nhà chú.
Thật kỳ lạ, đi thêm đoạn đường ngắn nữa, mình thấy cả một đầm sen, những bông sen đã đi vắng, ngủ quên đâu đó, trả lại mặt ruộng cái màu lá xanh cũ ủ ê ảm đạm, hắt lên trời một tình ý vời vợi tiếc nuối. Lúc đó mới vỡ ra hai câu Kiều:
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
Bây giờ, lòng mới chợt nhớ sen, nhớ cúc. Mới chợt hiểu, có những thứ, phải đợi thời khắc làm cho vỡ ta, mình mới hiểu, mình đã khờ khạo quá lâu!
Sài Gòn, Tết 2011