Chiều qua trên đường về nhà, tôi đã gây ra một vụ va quẹt xe, vụ đụng chạm nhẹ. Nói công bằng lỗi về phần tôi nhiều hơn. Hai người cùng ngã, hai chiếc xe cùng bị trầy sướt, không biết người ấy ra sao. Còn tôi chẳng đau đớn gì cả, chỉ một phen mất hồn. Một người lạ giúp tôi dựng chiếc xe cub 81 cổ đưa tôi đi lại hằng ngày. Người đụng chạm với tôi là một thanh niên, có vẻ là một anh nhà giàu, vẻ anh chị, hắn ăn mặc sang trọng, đi chiếc @ rất mới, hắn xót xa vì mấy chỗ sơn trầy. Hắn lên giọng sừng sộ bắt tôi bồi thường. May quá có một anh chàng từ trong tiệm ăn chạy ra can thiệp. Về sau tôi biết đó là Sơn, một học trò cũ của tôi. Sơn bênh vực tôi:
- Anh kia, lỗi về phần anh. Anh dẫn xe bác đi sửa nhanh đi !
- Ông này đi sai, tôi đâu có lỗi mà bắt tôi dẫn xe ông ta đi sửa?
Sơn, lườm người ấy. Bây gìơ hình như hắn đã nhận ra đang nói chuyện với ai. Chắc hắn ta biết tên, biết mặt Sơn nên tỏ ra ngoan ngoãn. Dẫn xe tôi đi. Sơn nói:” Mời thầy đi uống nước với chúng em”
Tất cả kéo nhau vào nhà hàng. Một nhà hàng có mặt tiền bằng kính bóng lộn rất sang trọng. Trên bàn tiệc ê hề thức ăn, toàn cao lương mỹ vị và đủ cả các thứ rượu. Nhiều hơn cả là bia. Sơn ngồi đầu bàn, vị trí quan trọng nhất và cả bọn đều tỏ ra trọng vọng Sơn, không dám gọi tên, gọi hắn là “đại ca”. Theo cái cách tiêu tiền thì buổi tiệc này Sơn là “chủ xị” Tôi thấy một cái túi vải tuềnh toàng để giữa hai chân hắn. Thỉnh thoảng hắn cúi xuống rút ra một xấp tiền loại trăm ngàn còn mới cứng. Hắn cao hứng cho mấy đứa con gái tiếp viên, theo kiểu “Thúc Sinh quen thói bốc rời” ông chủ nhà hàng, một người Tàu bụng phệ coi đại ca là thượng khách. Theo cách đối xử và lối nói chuyện của bọn đàn em thì cái nhà hàng to lớn sang trọng này nằm dưới sự bảo kê của băng Sơn. Hắn chỉ cần lên tiếng thì chủ nhà hàng từ tầng dưới vội chạy lên. Lời nói của hắn là mệnh lệnh.
- Bây đâu? Lấy ly. Mở bia mời thầy giáo của tao!
Hắn nhìn tôi một lúc, nói:
- Chắc thầy quên em?
- Xin lỗi em, thầy không nhớ. Nhớ làm sao nổi hàng ngàn học trò trong hơn 40 năm dạy học của thầy.
- Em nhắc lại chuyện này chắc thầy nhớ liền. Năm…năm gì đó em cũng chẳng nhớ, trường tiểu học thị trấn Trung An. Thời ấy cả huyện chỉ mới có một trường tiểu học, có hai lớp nhất, nhất A và nhất B. Thầy dạy lớp nhất A. Em tên là Sơn, Nguyễn Đình Sơn, sau này anh em thấy ngực em xăm hình ông cọp nên thêm vào cái biệt danh là “Hổ”, nên gọi là Sơn Hổ. Hồi đó em nhỏ người nhỏ tuổi, rắn mắt và hay nói chuyện, thầy bắt lên ngồi bàn đầu, dãy bên trái gần cửa sổ, nhìn ra cây khế ngọt. Lúc đó Bọn chúng con rất nghịch ngợm, cơm nhà không đủ no, mà dân chúng quanh vùng ai cũng thế cả quanh năm khoai sắn, chẳng có miếng cá thịt. Con sông chảy qua làng chỉ có loài cá mương, cá này chuyên ăn phân người, không ăn mồi câu. Đi bắn chim bằng ná cao su, năm thì mười họa mới hạ được con chim chào mào, sè sẻ, nhổ lông, nướng chín, chia nhau hai ba đứa không đủ nhét kẻ răng. Một hôm, cả đoàn thợ săn chúng con ngồi trong bóng mát cây mít già nhà lão Bá thấy đàn gà của lão đi qua. Thế là em bắn một phát, trúng con gà mái tơ. Nó không chết liền, dẫy đành đạch kêu oang oác. Bọn chúng con liền lao tới vặn cổ, đem ra bờ sông nhổ lông, làm thịt, lên bờ nhen lửa nướng, chấm muối ớt. Ngon ơi là ngon…Chuyện vỡ lỡ, lão Bá đến trường kiện. Hôm đó thầy xử. Thầy nói nhiều lắm, thầy quất em mười roi mây, quất thẳng tay cho em nhớ và thầy nói, nếu các em bắn được con chim, thầy sẽ cùng chúng em nhặt chim, nhổ lông làm thịt, nướng chia phần nhau, mỗi người một tí cũng ngon vì đó là chuyện tài thiện xạ và khó nhọc. Còn đây là gà nhà người ta nuôi, bắn con gà nhà dễ quá, không xứng danh anh hùng. Chẳng tài cán gì, ai cũng làm được và hạ được nó cũng chẳng vẻ vang… Hắn quay qua bọn đàn em kể chuyện về tôi. Hắn có một trí nhớ rất tốt. Hắn nhớ thật nhiều chuyện. Không hiểu sao hắn xem tôi, một ông giáo già nua lụm khụm là thần tượng, và hắn rất hãnh diện về ông thầy cũ của mình. Cái thằng bé oắt con, thằng nhóc lắm lời ngày trước thường bị bọn học trò trong lớp ăn hiếp, trêu chọc là ”con nhái” đã thành bậc đàn anh, một con hổ chính hiệu.
Một tên đàn em cầm lon bia khui đánh bóc, rót tràn ly. Hắn không dám đưa cho tôi mà trao cho Sơn Hổ để đại ca mời tôi. Sơn Hổ kính cẩn nâng ly bia vàng óng tràn bọt đưa tôi. Tôi đang khát nước nâng ly bia. Bỗng một thằng đàn em, mở thêm ba bốn lon và rót đầy ly tất cả mọi người. Hắn hô to:
- Anh em ta chúc sức khoẻ ông thầy của đại ca ! Trăm phần trăm đi!
Có người nào đó nói:
- Thôi cho xin 50, anh em ơi, cuộc vui còn dài, lo gì?
Tôi nâng ly rượu lên, hớp một hớp, để xuống. Có tiếng la to :”
Không được! Lệ ở đây phải cạn ly mới được đặt xuống!” Tôi vẫn thường uống bia rượu, không sợ say song xưa nay tôi chỉ quen uống theo kiểu vừa ăn vừa uống, từng hớp một. Bây giờ ngồi với bọn giang hồ này bắt “trăm phần trăm” gọi là uống nạp. Tôi chịu không nổi, xin được uống từ từ. Bọn chúng nói khéo về cái luật lệ uống bia, với lại lần này được đối đãi trọng vọng và nhất là trước mặt đại ca Sơn Hổ của bọn này, tôi cũng cao hứng làm người hùng, la to:
- Ừ thì trăm phần trăm, sợ gì !
Và tôi nhắm mắt lại lấy hết sức nốc, nhiều lần chất bia muốn trào ra song tôi cố nuốt. Chưa cạn cốc tôi có cảm tưởng, chỉ thêm một giọt nữa thôi thì tôi ọc ra. Tôi chưa kịp ngồi xuống thì, ôi thôi, không cầm được nữa rồi. Tôi tống ra tất cả ! Tội nghiệp Sơn Hổ, tôi ngồi đối diện hắn, phun rượu và thức ăn đầy mặt mày áo quần hắn, tôi hổ thẹn quá, song chẳng biết làm gì trong cái cảnh khó xử này. Cả bọn đàn em thất kinh. Xưa nay chưa kẻ nào xúc phạm đại ca kiểu ấy. Đại ca tỏ ra tỉnh táo gỡ rối cho tôi:
- Không sao ! Không hề gì ! Ai lại chẳng gặp cảnh này?
Tôi có dịp quan sát Sơn Hổ, trong bọn giang hồ hảo hán này trông hắn có vẻ thư sinh hơn cả, mặt mày khôi ngô, da dẻ trắng trẻo, mái tóc xanh mướt và tay chân gầy nhom, thế sao bọn kia lại tỏ ra rất vị nể đại ca ? Cả bọn đàn em thấy chủ soái hôm nay đổi khác, tất cả đều xúm vào, lấy khăn lau, hối bọn tiếp viên đến giúp, Sơn Hổ lên tiếng trấn an:
- Không hề chi đâu thầy. Thầy đừng ngại. Ai uống bia rượu lại chẳng có lúc “cho chó ăn chè!”
Lạ thật, tôi không hiểu vì sao thái độ hắn kì dị thế này. Hắn giả vờ nói thế và vui cười cho mọi người yên tâm, nhất là cho tôi đỡ khó chịu, song theo tôi quan sát thì đầu óc hắn đang suy nghĩ lung lắm. Hảo hán này đang trong tâm trạng không được vui. Một nổi buồn cọng với sự hổ thẹn thể hiện rất rõ trên nét mặt giang hồ này. Lạ thật hắn đã nghĩ gì, đã cảm thấy điều gì ?
*
Mấy ngày trước chiếc cub 81 cũ kĩ của tôi, nó trở chứng. Tôi phải dẫn bộ mới thấy có chỗ chữa xe của ông lão và thằng bé. Ông lão lên tiếng:
- Xe sao phải dẫn đó thầy Hai?
- Đạp mãi không nổ.
- Bọn bán lẻ xăng dọc đường ác lắm, chúng mua ga-doan (gas oil ) pha vào bán cho lời, làm khổ người ta, chạy lâu còn bị “rốc” máy. Thôi thầy Hai ngồi ghế chờ ông cháu tui coi xe cho.
Vừa lúc ấy có tiếng xe gầm rú trên đường. Ba thằng nằm mọp trên ba chiếc xe gắn máy lướt qua. Xe cộ trên đường sợ hãi liền tạt vào sát lề. Thằng bé, dừng tay lại đứng lên nhìn. Ông lão la:
- Làm việc đi Tèo, coi cái bọn “yêng hùng xa lộ” làm chi?
Mấy năm sau giải phóng vắng chúng được vài năm. Nay tái xuất giang hồ. Thằng cháu :
- Yêng hùng xa lộ là gì hả nội?
- Hồi đầu những năm 60 xa lộ Saigon Biên Hoà mới làm, đường sáu làn xe chạy êm như ru tốt lắm. Bọn thanh niên sắm xe gắn máy thường rủ nhau lên trên đó mà đua. Bọn này chạy xe bạt mạng. Ngày nào trên xa lộ cũng có tai nạn. Bọn đó gọi là yêng hùng xa lộ.
Tôi nhìn ra thấy ba tên thanh niên nằm mọp trên xe chạy qua rất nhanh. Không biết chúng dùng xe gì. Ông lão nói:
- Đó là mấy chiếc”Xu xì po” của bọn giật dọc, bọn ăn cướp. Cách đây vài ngày có mấy thằng ngồi uống cà phê quán mụ Lé, trước cửa ngân Hàng phát triển nông nghiệp. Chúng cho một thằng vào trong xem người nào đến lảnh tiền nhiều. Dùng điện thoại di động gọi cho đồng bọn chạy xe theo cướp, rồi phóng hết tốc lực chạy trốn. Mình thấy ba thằng, hai thằng chạy sau gọi là cản địa, còn thằng chạy trước giữ tiền. Bọn cản địa có cả hàng nóng (súng). Mỗi lần chúng cướp cả trăm triệu…
*
Tôi thấy cách tiêu tiền của bọn Sơn Hổ, tôi hơi ngờ ngơ…Chỉ một lúc sau tôi lại nghe rạo rực trong người rất khó chịu. Tôi đứng lên, hỏi toa-lét. Chính Sơn Hổ dẫn tôi đi. Vào toa-lét tôi ôm lấy cái lavabô, gục xuống nôn lấy nôn để. Sơn Hổ đứng sau nhìn tôi mữa, ái ngại. Chúng tôi cùng đi ra, ngồi vào bàn. Giờ đây Sơn Hổ ngồi yên, không ăn, không uống và có cái rất lạ là hắn không mời tôi, vẻ băn khoăn, nói, thằng Dần đưa tao mượn cái chìa khoá chiếc 67 của mày. Tao đi có công chuyện. Bọn bây ngồi lại với ông giáo nhưng tao cấm thằng nào ép ông giáo ăn hay uống. Hắn đi, chừng nửa giờ sau Sơn Hổ về, tay cầm hai chai bia Saigon . Hắn nhìn tôi nói:
- Hai chai bia này thì thầy phải uống …
Tôi không hiểu do đâu lại có cái mệnh lệnh kì quái đó. Tôi thắc mắc:
- Vì sao?
Sơn Hổ cười :
- Ông thầy cứ giả bộ hoài…
Tôi vẫn không hiểu, ngơ ngác hỏi:
- Tôi nói thật tình, tôi không hiểu ý em .
Lần này thì Sơn Hổ chơi bài ngửa:
- Mới đây ông thầy phỉ nhổ những đồng tiền dơ bẩn không chịu uống bia bọn em mời chứ gì?
À hoá ra hắn tưởng nhầm tôi nôn là vì nghĩ hắn đãi tôi bằng đồng tiền bất lương. Hắn suy nghĩ sâu xa thực. Lần này hắn kiếm đâu ra hai chai bia mà theo hắn là đồng tiền sạch, như bài học năm xưa, hồi bắn trộm gà. Tôi tò mò:”Em kiếm đâu ra chai bia đặc biệt này? “
Sơn Hổ:
- Bằng sức lao động chân chính của em. Em mượn xe thằng Dần chạy mấy cuốc xe thồ, kiếm được hơn mười ngàn.
Không còn nghi ngờ gì nữa, nhân đây tôi dùng từ lóng hỏi luôn:
- “Phi vụ” vừa qua các cậu kiếm được bao nhiêu?
- Chúng em chưa đếm. Chắc nhiều lắm, toàn bạc trăm ngàn, xách nặng tay.
Ăn nhậu xong rồi mới đếm, được bao nhiêu chia đều…
- Ngoài tiền ra còn có gì không?
- Hai người đi lảnh tiền là cán bộ lớn tuổi, một nam một nữ, tay mơ chưa có kinh nghiệm, cô gái chở ông cán bộ già bằng xe Citi 100. Túi tiền treo lủng lẳng nơi ghi đông, may mà khi bị giật chỉ lạng quạng chớ không té. Ngoài tiền ra còn có giấy tờ sổ sách chứng từ. Chúng em định đốt tất cả để phi tang!
Tôi nói:
- Đừng! Đừng đốt, tội người ta. Họ chỉ là những nhân viên bình thường, mất tiền còn mất cả chứng từ, cơ quan công an nghi ngờ hỏi han, mất việc mà không chừng ở tù cả đám, tội nghiệp vợ con họ. Trả giấy tờ cho họ. Còn tiền thì các chú lỡ tiêu bao nhiêu đó rồi thì dừng lại. Tôi nói thật lòng, tôi mong em và các chú đem tiền đến công an trả. Tôi tin với thiện chí đó cơ quan pháp luật họ sẽ chẳng truy tố…
Cả bọn ngơ ngác, nhìn Sơn Hổ. Hắn không nói gì, tôi tưởng hắn không để ý lời tôi nói. Hắn cúi xuống xách túi tiền lên, kêu chủ quán tính tiền rồi cả bọn kéo nhau đi.
Sơn Hổ chạy gần tới chợ, bỗng có tiếng la to ”Cướp! Cướp!…” Có chiếc xe Xu sì-po rú ga vọt lên. Một tên ghiền ma tuý giật dây chuyền, thằng này là tay ngang, đi ăn cướp mà mặc chiếc áo phông màu đỏ. Có tiếng thét to:
- Thằng áo đỏ! Thằng áo đỏ!
Thằng giật dọc đã vượt lên trước. Trên đường đầy chướng gại vật, ghế nhựa và đủ thứ vật dụng dân vất ngổn ngang. Sơn Hổ với tài lái xe tránh được cả. Song không may cho hắn, có đứa bé vụt chạy băng qua đường ngay trước đầu xe. Không thể nào tránh được. Sơn Hổ ngã rất nặng. Xương đùi gãy. Nhiều người xúm lại đỡ hắn lên băng ca. Người ta cởi áo hắn ra thấy có hình xăm đầu hổ. Giấy tờ và túi tiền. Mấy người công an cùng ồ lên:
- Thằng Sơn Hổ, khét tiếng lâu nay có lệnh truy nã đặc biệt toàn quốc đây rồi, nay lại cướp giật ngân hàng, bằng chứng rành rành. Nay hổ núi thành hổ què, vô cũi nằm, không khéo còn “dựa cột” !
*
Mấy ngày sau có tên đàn em báo cho tôi biết Sơn Hổ đem tiền đi trả trên đường bị tóm oan uỗng. Tôi liền đến công an. Một sĩ quan công an tiếp tôi. Anh ta không có vẻ chú ý nghe tôi nói, nhìn tôi nghi ngờ, nghe xong anh ta nói:” Thôi cụ về đi, để chúng tôi nghiên cứu” Tôi bước ra khỏi phòng, chưa xa nghe ai đó thốt lên:”Hắn lại thuê một lão già đến gỡ tội!” Tiếp theo là nhiều tiếng cười chế riễu./.