Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.197
123.151.334
 
Hơ tay trên ngọn khói
Lê Đình Trường

Đó là những này mưa dài.

 

Đêm mưa hôm đó tôi đứng giảng bài cho một lớp của trường bổ túc văn hóa. Tiếng mưa rơi vang động, dữ dằn trên mái tôn làm mờ tiếng nói của tôi. Ngực tôi mòn đi vì cố nói thật to. Dưới chân tôi là nền đất nhão, đất bết vào dép thành những mảng bè ra. Bên ngoài trời tối đen. Thỉnh thoảng, qua ánh chớp, tôi thấy những hạt mưa trong vắt rơi mau. Tôi nhìn xuống những học sinh của tôi. Tất cả học sinh trong phòng nhỏ này đều cố gắng một cách nhọc nhằn để hiểu những lời giảng, ghi nhớ những ký hiệu được quy ước. Ngoài phố kia, vẫn trong đêm mưa này, người ta đang ngồi nhâm nhi cà phê, người ta đang ở trong phòng tắm hơi sang trọng, người ta đang yêu nhau... - Dòng đời đang tuôn chảy một cách náo nhiệt, rát bỏng. Nó quay con người, nó cuốn con người tuôn theo dòng chảy ấy. Thế mà, thầy trò chúng tôi vẫn trong căn phòng tẹp nhẹp này như biệt lập với dòng đời có thực kia... Liệu sự cố gắng của chúng tôi có vô vọng không? Câu hỏi tự dưng vang trong đầu tôi, khiến tôi thả rơi viên phấn. Nó rơi nhẹ nhàng xuống nền đất ướt không một tiếng động. Nhưng cái vạch trắng theo đường rơi của nó cứ dính vào đầu tôi. Dường như tất cả những ánh mắt phía dưới đều nhìn thấy cử chỉ ấy của tôi. Chúng tôi cùng im lặng. Sự im lặng đẫm đầy cô đơn, có thể bật khóc được.

 

Chúng tôi im lặng như thế cho đến lúc ra về. Trời đã ngớt mưa. Đường phố gần như sũng nước. Tôi ngước mặt đón những sợi mưa nhỏ. Thần kinh tôi dịu lại. Tôi nghe tiếng chân người đi phía sau tôi đang bước nhanh lên. Một người đến bên cạnh và kêu nhỏ: “Thầy!” Nghe giọng nói quen, tôi thốt: “À! Dũng. Đêm nay em ngủ đâu?” Dũng đáp: “Dạ, em ngủ ở nhà người bạn”. Nơi làm việc của Dũng cách thị xã gần hai mươi cây số. Để theo học lớp bổ túc văn hóa ban đêm này, buổi chiều Dũng phải đạp xe hết quãng đường ấy để đến lớp. Khi tan học, Dũng tìm một nơi nào đó để ngủ qua đêm. Sáng hôm sau, Dũng thức thật sớm đạp xe về nơi làm việc. Có nhiều buổi sớm mai tôi gặp Dũng trên đường trở về nơi làm việc, đôi mắt Dũng còn buồn ngủ, đỏ hoe...

 

Tôi định rẽ vào quán cà phê mua một bao thuốc đen. Dũng kéo tay tôi lại: “Đừng mua ở đây. Khi đi ngang qua người bán thuốc lá nào nghèo nhất, hãy mua. Mình mua giúp họ!” Tôi ngạc nhiên. Chúng tôi đến góc đường trước mặt. Một em bé gái đang ngồi run sau tủ thuốc, cả người em ướt mưa, Dũng cay đắng: “Đây là em bé nghèo nhất trần gian”. Dũng moi tất cả tiền trong túi đặt mạnh lên tủ và tạo giọng giễu cợt: “Đừng bán thuốc lá dỡm nhé!” Cô bé nói lính quýnh, thật tội tình: “Dạ, đâu có”. Dũng nghiêng mặt cắm điếu thuốc vào ngọn lửa. Tôi thấy gương mặt của Dũng đanh lại, giận giữ. Thái độ của Dũng thật quá đáng, vô lý. Chúng tôi rời chỗ tủ thuốc. Dũng thở dài: “Đôi khi phải ngụy tạo sự giá băng mới sống được”. Tôi: “Đóng kịch với chính mình làm chi cho khổ”.

 

Chúng tôi chia tay. Điếu thuốc của tôi vẫn chưa đốt. Còn lại một mình tôi cảm thấy lảo đảo. Có một đứa học trò bản lĩnh, dày dạn như Dũng đi bên cạnh trong những đêm buồn như thế này, thật là sự an ủi quý báu. Hãy còn mưa lất phất trên mọi con đường. Trời mờ sắc xám tro. Khi đi ngang tượng đài Hải Đăng, tôi thấy người đàn bà mất trí đang ngồi nấp trong lùm cây - bà ta gí thanh củi vào hòn lửa thổi. Khói bùng lên mù mịt. Hầu như đêm nào bà cũng trở về nơi đó, đốt lửa, rồi hơ bàn tay trên ngọn khói. Bỗng, trong tôi, có một sự khát thèm đến rồ dại không kềm giữ được - tôi dừng lại chỗ cái thân xác như một đống lá chuối khô mục ấy. Tôi nghiêng mình xuống và bật ra tiếng ho...

 

Bà ta ngẩng lên, thấy trên môi tôi có điếu thuốc chưa đốt, bà giơ thanh củi lên. Tôi đưa bàn tay chạm nhẹ vào thanh củi, cúi mặt đốt thuốc. Qua ánh sáng của than hồng, trong làn khói, đôi mắt bà như đang chìm sâu đáy nước. Bà nhìn tôi bằng đôi mắt rung rinh sâu thẳm ấy. Chúng tôi như đang chiêm ngắm nhau - chiêm ngắm sự bất ngờ, hiếm có.

 

*

Đó là một buổi chiều.

 

Tôi chở bé Quỳnh, con tôi đi ăn kem. Trong quán, giữa chốn đông người, trông bé Quỳnh thật nhỏ bé, mỏng manh. Bé mặc áo đầm trắng, thân dưới của áo bùng ra thật rộng. Bé đi lẫm chẫm hệt như con chim bồ câu trắng. Đi. Dừng lại, nhặt chiếc bong bóng vừa rời khỏi tay. Đi. Dừng lại nghiêng ngó. Đi. Ngóng cổ nhìn người bạn nhỏ giống nó đang ngồi ăn kem. Đi. Đôi mắt bừng sáng, kinh ngạc khi nghe tiếng chuông cà rem mong manh ngoài đường phố vọng lại...

 

Bé Quỳnh chẳng màng đến ly kem tôi đã gọi cho bé. Bé mải mê đi tìm những đóa hoa trong chậu cảnh. Tôi để cho bé tự do. Và, khoảng một phút tôi lịm người đi trong nỗi đau riêng, xao lãng quên trông chừng bé Quỳnh. Khi đưa mắt tìm con, tôi chợt thấy bé Quỳnh đang đứng trước một người ăn mày. Gã bị hủi. Gã đang ngồi trên nền nhà trong quán. Ngón chân, ngón tay của gã đều rụng hết cả. Xương hàm tôi như bị ai siết cứng lại, không thể  bật ra tiếng kêu. Con tôi đang vung vẩy chiếc bong bóng trong tay và bước về phía người ăn mày: “Nè! Cho chú nè!” Chiếc bong bóng chạm vào mặt ông ta. Hai bàn tay của gã chống xuống đất, đẩy thân mình lùi ra sau. Bé Quỳnh lại bước tới, gã lại lùi ra sau. Đôi mắt dưới đôi mày trụi lũi của gã mở to nhìn bé Quỳnh không chớp.

 

Tôi bật dậy, chạy về phía con tôi.

 

Tôi ôm bé Quỳnh vào lòng. Tôi nhìn thấy hai hàng nước mắt ngắn, mỏng trên gương mặt gã. Tôi cầm lấy cái que, mang chiếc bong bóng đặt trước mặt người ăn mày: “Chú cầm lấy. Bé Quỳnh muốn tặng chú”. Người ăn mày nín lặng nhìn chiếc bong bóng màu rực rỡ, thật to đang rung rinh trên nền gạch hoa.

 

Khi tôi bước đến quầy trả tiền kem, cả người tôi hãy còn rung lên trong nỗi sợ hãi. Tôi siết chặt bé Quỳnh vào ngực, quay lưng rảo bước đến chỗ gửi xe đạp. Tôi thầm khâm phục mình đã nhanh trí một cách tuyệt vời: Để lại chiếc bong bóng cho người ăn mày. Chiếc bong bóng đã chạm vào người gã, thì bé Quỳnh không thể cầm lấy để vung vẩy.

 

Nhưng trên đường về, tôi đau đớn cả lòng, khi nghĩ đến hình ảnh trớ trêu: Gã ăn mày đói rách với chiếc bong bóng sặc sỡ.

*

Những ngày mưa. Những ngày nắng.

 

Tôi đạp xe một cách đều đặn đến để dạy kèm Anh ngữ cho hai mẹ con của một người đàn bà. Căn nhà lộng lẫy với nền thật cao, phải bước lên những bậc thang dài để qua cửa ngôi nhà ấy. Chiếc xe đạp han rỉ của tôi xiêu vẹo tựa vào bậc thềm. Người đàn bà, mỗi khi ngồi vào bàn học đều mặc áo ngủ. Da thịt bà trắng hồng trông thật khỏe mạnh. Tôi giả bộ mặt trơ như đá. Và chỉ tập trung vào một công việc duy nhất là hướng dẫn mẹ con bà học.. Một năm trôi qua, tôi dạy và tôi nhận tiền. Chỉ thế, giữa tôi và họ không hề có một mối dây tình cảm nào chứng tỏ chúng tôi đã tiếp xúc với nhau. Đôi khi tôi đi phố, tình cờ tôi và bà đứng cạnh nhau cùng mua hàng chung một quầy, nhưng cả hai không hề chào nhau.

 

Cô bé gái của bà được mười hai tuổi. Cũng giống mẹ. Tình cảm của nó giá lạnh đến  tàn nhẫn. Dường như không bao giờ nó biết nói một lời ngọt ngào bày tỏ sự thân thiện với người khác. Đôi mắt nó nhìn tôi, nó cũng muốn chứng tỏ rằng, tôi dạy nó và tôi được trả tiền. Đối với tôi, món tiền hàng tháng ấy cho là cần thiết thì nói cũng thật cần thiết, nhưng cho là không cần thiết cũng được, chả sao! Tôi hãy còn sự liều lĩnh, bất cần, không biết chiều lụy. Điều này giúp cho tôi sống nhiều lắm.

 

Nhưng tôi chưa hiểu được một tình trạng quái lạ: qua bao nhiêu ngày tháng rồi, chúng tôi tiếp xúc với nhau qua những trang sách, lắng nghe từng giọng nói của nhau, cùng thực hiện những quy định về phương pháp học tập, nhưng những lời thăm hỏi quan tâm đến hoàn cảnh của mỗi người hoàn toàn biệt tích. Như là cả ba người chúng tôi không hề biết đến thứ ngôn ngữ biểu lộ tình cảm ấy. Một hôm, cô bé bị bệnh nhưng cô vẫn cố gắng ngồi vào bàn học. Trong tôi, bỗng tràn ngập một niềm thương cảm. Tôi nói: “Nếu mệt, Tâm có thể nằm nghỉ”. Tâm cúi mặt xuống quyển sách, giọng nói của nó xa lạ và tàn nhẫn: “Xin thầy làm công việc của thầy”. Người mẹ mở quyển sách của bà ra: “Thôi, chúng ta bắt đầu đi...” Tôi bảo Tâm đọc một bài tập đọc trong quyển sách của cô. Khi đọc đến cuối trang, Tâm nhìn và hất mặt với tôi: ra dấu cho tôi hãy lật tiếp trang sách cho cô. Máu trong người tôi như sôi lên và tôi cảm thấy môi mình rung rung. Tôi vờ ngạc nhiên, nhìn người đàn bà: “Tay của Tâm bị đau?” Tôi cảm thấy người đàn bà như vừa bị tôi quất một roi lên làn da trắng hồng của bà. Mặt bà hơi nhăn lại. Nhưng bà xóa ngay. Tự tay bà lật sang trang cho con. Nhưng Tâm không đọc tiếp. Cô  bé im lặng. Đôi mắt Tâm chỉ hơi máy động. Đột nhiên, căn phòng nơi chúng tôi đang ngồi rơi vào cõi hư vô. Hoang vắng và lặng lẽ vô cùng. Tôi  hỏi bà bằng tiếng Anh: “Bà không được hạnh phúc?” vẻ mặt thản nhiên, bà đáp lại cũng bằng ngôn ngữ ấy với giọng điệu thật tuyệt vời: “Ô! Tôi hạnh phúc trong thế giới của tôi”. Tôi xếp sách lại và đứng lên - tôi muốn ra ngoài với chiếc xe đạp thân yêu của tôi. Bà như cảm biết được việc tôi sẽ không bao giờ đến đây nữa, bà lặng lẽ theo sau có vẻ như tiễn tôi về. Tôi quay lại, bà đã đứng ở cửa ra vào. Bên trong, Tâm đang ngồi với dáng vẻ như cũ.

*

Tôi không bao giờ trở lại ngôi nhà lộng lẫy đó nữa.

 

Hôm ấy, trên đường về, trước mặt tôi hiện lên hình ảnh: Tên dô-kề của trò đời đang ngồi trên lưng ngựa, tay nó cầm roi. Đầu ngọn roi có những tia gai nhọn. Gã cười  âm hiểm. Gã vung ngọn roi quất vào mặt, vào ngực tôi từng roi đĩnh đạc, chính xác. Tôi vùng vẫy, kêu trời. Người tôi đầy máu. Đôi mắt tôi, tuyệt vọng, luôn theo dõi đường roi. Tôi cố quật ngã tên dô-kề và con ngựa ấy. Thích thú, gã bật lên tiếng kêu đắc thắng. Gã thúc ngựa chồm lên, cắm những móng sắt xuống người tôi...

 

Trong tôi, bây giờ là hình ảnh của bé Quỳnh.

 

Trong tôi, bây giờ là gương mặt của Dũng đang đanh lại, giận dữ khi nhìn cô bé bán thuốc lá ngồi co ro dưới mưa, và Dũng bất lực không thể nào giúp đỡ gì được.

 

Trong tôi, bây giờ là hình ảnh chiếc bong bóng đỏ rực rung rinh trước gương mặt đau đớn của gã cùi.

 

Ha! Ha! Ba phải chiến thắng tên dô-kề ấy. Bé Quỳnh của ba, con có tin không?

 

Trong ba có người đàn bà mất trí đang ngồi nép vào thềm đá cao, gí thanh củi vào hòn than. Bà phùng má thổi đến tàn hơi - Trong đám khói mù cay xé lòng, hai bàn tay gầy của bà mãi trôi đi...

Lê Đình Trường
Số lần đọc: 2652
Ngày đăng: 29.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dâm nữ - Trầm Hương
Mùa dưa gang - Kim Quyên
Mưa nửa đêm - Kim Quyên
Trăng muộn - Lá Me
Tai ngược - Phạm Lưu Vũ
Người của mỗi người - Dạ Ngân
Người duy nhất - Dạ Ngân
Điểm tựa trắng - Lê Đình Trường
Muỗi đói - Lê Đình Trường
Mũi lấn - Anh Động
Cùng một tác giả
Điểm tựa trắng (truyện ngắn)
Muỗi đói (truyện ngắn)
Thập giá gỗ (truyện ngắn)
Vẻ đẹp (truyện ngắn)
Bia mộ (truyện ngắn)
Có mưa trên núi (truyện ngắn)
Khỏa thân màu xám (truyện ngắn)