Washingtonpost, 11.02. 2011, Phạm Nguyên Trường dịch
Xin chào tất cả các quí vị
Trong cuộc đời mình, chẳng mấy khi chúng ta có dịp chứng kiến những thời khắc làm nên lịch sử. Đây chính là một trong những thời khắc như thế. Đây chính là một trong những giai đoạn như thế.
Nhân dân Ai Cập đã lên tiếng, tiếng nói của họ đã được lắng nghe, và Ai Cập không bao giờ còn như cũ nữa.
Tổng thống Mubarak đã đáp ứng khát vọng thay đổi của nhân dân Ai Cập bằng cách từ chức.
Nhưng đấy không phải là sự kết thúc của quá trình chuyển tiếp. Đấy mới là bắt đầu. Tôi tin chắc rằng phía trước là những ngày đầy khó khăn và nhiều vấn đề còn chưa có câu trả lời.
Nhưng tôi tin tưởng rằng nhân dân Ai Cập có thể tìm được câu trả lời và sẽ làm việc một cách hòa bình, với tinh thần xây dựng và đoàn kết như trong mấy tuần gần đây, vì người dân Ai Cập đã thể hiện một cách rõ ràng rằng chỉ có một nền dân chủ thực sự mới có thể song hành cùng thời đại.
Lực lượng vũ trang, người bảo vệ đất nước, đã làm việc với tinh thần yêu nước và đầy trách nhiệm và sẽ phải bảo đảm cho một chuyển giao đáng tin cậy trước con mắt người dân Ai Cập. Điều đó có nghĩa là bảo vệ quyền của các công dân Ai Cập, dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, soạn lại hiến pháp và các điều luật khác để cho sự thay đổi này là không thể đảo ngược được và đưa ra một lộ trình rõ ràng cho những cuộc bầu cử công bằng và tự do.
Trước hết, việc chuyển giao phải đưa được tiếng nói của tất cả mọi người Ai Cập lên bàn nghị sự, vì tinh thần của phong trào phản đối bất bạo động và sự kiên nhẫn mà người dân Ai Cập đã thể hiện có thể là luồng gió đầy sức mạnh thúc đẩy công cuộc chuyển hóa này.
Hợp chủng quốc Hoa Kì sẽ tiếp tục là người bạn và đối tác của Ai Cập. Chúng ta sẵn sàng cung cấp mọi sự giúp đỡ cần thiết và khi có yêu cầu nhằm theo đuổi một sự chuyển hóa tin cậy được đến nền dân chủ.
Tôi cũng tin tưởng rằng sự khéo léo và tinh thần dám nghĩ dám làm của các thanh niên Ai Cập được thể hiện trong mấy ngày vừa qua có thể được kết hợp lại nhằm tạo ra những cơ hội mới, công việc mới và ngành nghề kinh doanh mới đủ sức làm cho tiềm năng phi thường của thế hệ này cất cánh.
Và tôi biết rằng nước Ai Cập dân chủ có thể thúc đẩy vai trò của người lãnh đạo có trách nhiệm không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới nữa.
Ai Cập đã từng đóng vai trò then chốt trong suốt hơn 6.000 năm trong lịch sử nhân loại. Nhưng mấy tuần gần đây bánh xe của lịch sử phải chạy trên những con đường gập ghềnh, đấy là lúc nhân dân Ai Cập đòi hỏi những quyền phổ quát của mình. Chúng ta đã thấy cảnh những ông bố và những bà mẹ mang con trên vai để chứng tỏ cho chúng thấy rằng tự do thật sự nghĩa là thế nào. Chúng ta đã thấy các thanh niên Ai Cập nói: “Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi là người thật sự có giá trị. Tiếng nói của tôi đã được lắng nghe. Mặc dù tôi chỉ là một cá nhân đơn độc, đây là cách thức hoạt động của một nền dân chủ thật sự”.
Chúng ta đã thấy những người phản đối liên tục hô lớn: “selmeyah, selmeyah -- "Chúng ta là những người bất bạo động ". Chúng ta đã thấy quân đội không bắn vào nhân dân mà họ có trách nhiệm bảo vệ. Và chúng ta thấy các bác sĩ cũng như những y tá đã lao ra đường phố đế chăm sóc những người bị thương; chúng ta đã thấy những người tình nguyện kiểm tra những người đi biểu tình để đảm bảo rằng họ không mang theo vũ khí.
Chúng ta đã thấy những người có đạo đang cầu nguyện và những người theo đạo Hồi và theo đạo Công giáo hô vang: “Chúng ta là một”. Và mặc dù chúng ta biết rằng tình trạng căng thẳng giữa các tôn giáo còn chia rẽ nhiều người trong thế giới này và không một sự kiện đơn lẻ nào có thể ngay lập tức xóa bỏ được sự cách biệt quá lớn đó, nhưng những hình ảnh đó nhắc nhở chúng ta rằng bản chất của chúng ta không phải là những khác biệt đó. Bản chất của chúng ta là nhân tính mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ.
Và trên hết, chúng ta đã nhìn thấy một thế hệ mới xuất hiện – một thế hệ sử dụng khả năng sáng tạo, tài năng và công nghệ nhằm đòi hỏi chính phủ đại diện cho những niềm hi vọng của họ chứ không phải là nỗi sợ của họ, đòi hỏi một chính phủ có trách nhiệm đối với những khát vọng vô biên của họ.
Một người Ai Cập đã nói một cách đơn giản: “Trong những ngày vừa qua nhiều người đã phát hiện ra rằng họ có một giá trị nào đó. Và đấy là điều không bao giờ có thể mất được nữa”.
Đấy chính là sức mạnh của phẩm giá của con người, và đấy là điều không bao giờ có thể phủ nhận được. Nhân dân Ai Cập đã truyền cản hứng cho chúng ta, họ đã làm như thế bằng cách đóng dấu “dối trá” lên câu nói: công lí tuyệt vời nhất là công lí giành được bằng bạo lực
Đối với Ai Cập, đấy là sức mạnh đạo đức của bất bạo động – không phải là chủ nghĩa khủng bố, không phải là giết người một cách vô tâm – mà là bất bạo động, sức mạnh đạo đức một lần nữa đã hướng cánh cung của lịch sử về phía công lí.
Và trong khi những hình ảnh và âm thanh mà chúng ta nghe thấy đều là từ Ai Cập, nhưng chúng ta không thể không nghe thấy tiếng vọng của lịch sử, tiếng vọng từ việc nhân dân Đức giật đổ bức tường, từ các sinh viên Indonesia xuống đường, từ Gandhi dẫn dắt dân tộc ông đi theo con đường công lí.
Như Martin Luther King đã nói trong khi chào mừng sự ra đời của một dân tộc mới ở Ghana đồng thời tìm cách hoàn thiện chính dân tộc mình: “Một cái gì đó trong tâm hồn đang thét lên đòi tự do”.
Đấy là những tiếng thét đến từ quảng trường Tahrir. Và cả thế giới đã ghi nhận.
Ngày hôm nay thuộc về nhân dân Ai Cập, và nhân dân Mĩ cảm động trước những hình ảnh ở Cairo và trên toàn đất nước Ai Cập vì chúng ta cũng là những con người và đấy chính là thế giới mà chúng ta muốn con cái mình được lớn lên trong đó.
Từ "Tahrir" nghĩa là giải phóng. Đây là từ nói tới cái điều đang thét lên đòi tự do trong tâm hồn chúng ta. Hãy để nó mãi mãi nhắc chở chúng ta về nhân dân Ai Cập, về những việc họ đã làm, về những điều mà họ ủng hộ và về cách thức họ thay đổi đất nước của mình và trong khi làm như thế họ đã thay đổi cả thế giới.
Xin cám ơn các vị.
Nguồn: http://projects.washingtonpost.com/obama-speeches/speech/559/