Mai Thảo
Nhà văn Mai Thảo, một trong những tác giả lớn của văn chương Việt Nam, là chủ nhiệm tạp chí Văn [từ tháng Chín, năm 1996, ông đã giao tờ báo cho Nguyễn Xuân Hoàng trông coi], một tờ báo văn nghệ phát hành hàng tháng tại Hoa Kỳ. Tác giả của Tháng Giêng Cỏ Non, của Đêm Giã Từ Hà Nội... đã từng một thời làm say mê người đọc Việt Nam trong thập niên 50 và 60.
Giờ đây trên một "bàn viết lữ thứ", trong một căn phòng nhỏ nằm tại trung tâm Little Saigon, nơi ông vừa dùng làm tòa soạn vừa dùng làm nơi ăn chốn ở của mình, Mai Thảo đã cầm bút trở lại. Sức sáng tạo của ông tuy không còn mạnh như xưa, nhưng điều đó không có nghĩa là ông chịu vứt bút, nghỉ tay.
Trên tạp chí Văn tại hải ngoại qua mục Sổ Tay hàng tháng, Mai Thảo đã ghi chép lại nhũng biến cố liên quan đến sinh hoạt văn học ở hải ngoại, một cách đều đặn và bằng một chủ quan mạnh mẽ của một người cầm bút thận trọng. Những người viết văn học sử Việt Nam khi ghi lại giai đoạn 1954-1975 không thể không nói đến dòng văn học đã tách ra khỏi "triều đại Tự Lực Văn Đoàn".
Người ta nói khi những người Bắc di cư vào Nam, và khi tạp chí Sáng Tạo ra đời, một dòng văn học mới cũng bắt đầu chảy vào dòng văn học của Việt Nam. Nhà văn Mai Thảo lúc đó là một trong những người dựng nên bảng hiệu Sáng Tạo, đã thổi vào văn học nghệ thuật Việt Nam một hơi thở mới, một đời sống mới. Từ ấy đến nay, sau những thăng trầm của thời thế, nhà văn Mai Thảo vẫn tiếp tục "ở" với văn chương Việt Nam chúng ta. Ông đã đến Hoa Kỳ như một thuyền nhân, và ông sống tại miền Nam Cali như một văn nhân thời thế.
Chúng tôi đến thăm ông vào buổi sáng Chủ Nhật [năm 1993]. Cái quán ăn quen thuộc Song Long nằm trên đường Bolsa, giữa hai con đường Bushard và Magnolia, là "cổng vào" nhà trọ của ông. Căn phòng của một người đàn ông cầm bút, lớn tuổi, độc thân, sao mà ngăn nắp, gọn gàng đến thế! Một chiếc giường đơn, một bàn viết, một kệ sách, mấy tấm ảnh treo trên tường, ảnh của tác giả, ảnh của Vũ Hoàng Chương...
Chúng tôi ngồi bệt xuống sàn nhà, tựa lưng vào giường. Mai Thảo rót rượu vào cái ly thủy tinh, uống một ngụm nhỏ. Ông nhắc lại thời chúng tôi [ông và tôi] làm báo Văn tại Sài gòn. Thời chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng còn sống, thời Trần Phong Giao làm thư ký tòa soạn, và sau đó là thời Nguyễn Xuân Hoàng...
NXH: Ông có thể nói đôi chút về việc làm của ông hiện nay?
MT: Sau khi Cộng sản Hà Nội vào Sài gòn, ít lâu sau thì tôi vượt biên đến Mỹ và tôi đã tục bản trở lại tờ báo Văn ở California từ năm 1982. Cho tới nay [1993], tờ báo đã sống được 11 năm với trên một trăm số báo phát hành đều đặn và liên tục không bị đứt đoạn một tháng nào. Đó là do nơi tôi đã làm quen với tờ báo từ khi còn ở bên nhà và cái công việc của tôi ở Mỹ về tờ tạp chí thì được sự hỗ trợ rất tốt đẹp rất nhiều mặt của bạn đọc khắp nơi cũng như của các thân hữu hợp tác.
NXH: Trên tạp chí Văn có một mục mới mà ở quê nhà trước năm 1975 tờ báo này không có, đó là mục Sổ Tay Mai Thảo. Ông có thể cho biết ông đã viết Sổ Tay trong chiều hướng nào?
MT: Các bài Sổ Tay Hàng Tháng mà tôi viết chỉ có một mục đích rất là đơn giản, như là một tấm gương để soi vào những sự việc đã xảy ra trong tháng, ghi chép những sự việc đó, chủ yếu là sinh hoạt văn học nghệ thuật. Chỉ có vậy mà thôi. Tôi thấy điều gì, biết được điều gì thì tôi ghi lại những điều đó trong Sổ Tay. Thường thường, nó chiếm một chỗ nhất định, nó có một chỗ để tôi luôn luôn nhắc tới bằng hữu khắp nơi qua những chuyến đi của tôi về các địa phương, tôi thích nhắc tới những sinh hoạt địa phương như tại San Jose, hoặc Texas, hay là Hoa Thịnh Đốn chẳng hạn. Mục đích của Sổ Tay là chỉ cho người đọc thấy được một phần nào của sinh hoạt nghệ thuật của chúng ta ở ngoài nước.
NXH: Nhân ông nói đến những chuyến đi và những thành phố nơi ông đến nó thường phản ảnh được trong Sổ Tay của ông. Ông có thể cho biết thêm về những chuyến đi xa hàng năm của ông. Thời gian ông đi là bao lâu và các chuyến đi đó có ảnh hưởng gì trong việc viết lách cũng trong việc điều hành tờ Văn?
MT: Hồi ra khỏi nước tới giờ, nhịp viết của tôi không còn được mạnh mẽ, phong phú như thời kỳ còn ở quê nhà. Tôi cũng viết và làm những công việc mà tôi phải làm chứ không còn viết ngày này qua ngày khác như là lúc tôi còn viết văn, còn làm báo ở Việt Nam. Cho nên cái việc đi đến các địa phương, chỉ là những cuộc thăm viếng bằng hữu mà tôi có rất đông ở Mỹ cũng như ở Châu Âu và các nơi khác. Thường là anh em đón tôi tới chơi, mà tôi đi sang chơi thì cũng không có chỗ nào là ở lâu cả. Một tuần, quá lắm là mười ngày thôi, thời giờ để làm báo Văn cũng bị cản trở bởi những chuyến đi đó. Và những chuyến đi đó cho tôi thấy được sinh hoạt của từng địa phương mà tôi sẽ không thấy rõ nếu không tiếp xúc với anh em của từng địa phương một. Tôi thích nói về chuyến đi này vì trong đó có tình bằng hữu, có sự quen biết, phần lớn là đã có rất từ lâu, từ ba, bốn mươi năm về trước ở quê nhà và sự gặp lại nhau trên quê người là một cái điều không phải chỉ riêng tôi mà tôi nghĩ tất cả mọi người đều yêu thích.
NXH: Ông có biết những chuyến đi xa của ông là sự ao ước của biết bao nhiêu người cầm bút tại hải ngoại. Họ muốn được đi như ông, muốn được đến những nơi có bạn bè cũ như ông, nhưng vì đời sống của họ khó khăn, công việc của họ còn bề bộn, sự ao ước đó chỉ là những mơ tưởng mà thôi. Ông có nghĩ là ông hạnh phúc không?
MT: Nếu mà tự tôi, tôi đã không đi được nhiều như đã đi trong mười mấy năm qua. Nhưng phần lớn có thể nói là có nhiều bạn hữu ở vùng này hoặc vùng khác gọi điện thoại nói cho tôi biết là họ muốn mời tôi đến chơi và đài thọ tất cả những chi phí chuyển dịch như máy bay, ăn ở. Bởi vậy tôi mới có thể đi một cách dễ dàng như thế được. Chứ nếu tôi bỏ tiền túi ra, thì cũng không thể đi bất cứ lúc nào muốn đi là được. Về tờ báo Văn, trong 11 năm nay, đã được làm tại nhà in có thể gọi là một nhà in ở nhà, mặc dầu tôi không phải là chủ của nó nhưng mà nhà in nó rất thân thiết, đó là nhà in Kim Printing bây giờ ở Los Angeles. Nhà in đó đã làm tờ báo Văn 11 năm nay. Họ rất biết công việc của tờ báo được thực hiện như thế nào và tôi chỉ có việc chọn lựa bài vở rồi gởi lên cho họ đánh máy, rồi in, gần như mọi chuyện có thể nói là tôi làm lấy một mình rất nhàn hạ. Do vậy mà tháng nào tôi cũng có thể đi vắng mươi ngày mà tờ báo vẫn được ra đúng thời hạn.
NXH: Hiện nay ông có dự trù cho ra một tác phẩm mới nào không?
MT: Tôi có hai truyện dài viết cho một tờ báo mà người chủ nhiệm như một em gái của tôi. Đó là tờ Sài Gòn Nhỏ do Hoàng Dược Thảo làm chủ nhiệm. Hai truyện đó viết đã xong, tôi đã nhận lời bán cho hai nhà xuất bản ở đây nhưng họ chưa in và tôi cũng chưa đưa bản thảo chung kết cho họ. Bởi vì nếu đưa thì phải sửa chữa lại những chương, những đoạn ở trong hai tiểu thuyết đó. Ngoài ra, các truyện của tôi in ở hải ngoại, so với ở quê nhà thì không có nhiều vì ngày xưa khi còn ở Việt Nam thì nhiều lắm. Ở đây, từ hồi sang được mười mấy năm, mới có năm, sáu tập truyện ngắn và một tập thơ được in mà thôi. Còn hai truyện dài như tôi vừa nói, vì tôi đã nhận lời bán cho hai nhà xuất bản thì thế nào cũng phải giao cho họ, sau khi đã sửa chữa lại một ít.
NXH: Ông vừa nói đến một tập thơ, với tư cách là người đọc, chúng tôi thấy tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền được rất nhiều người yêu chuộng. Một số nhà phê bình cho rằng thơ ông trội hơn văn ông. Ông nghĩ sao? Ông có thể nói tại sao từ một người viết tiểu thuyết ông đã nhảy sang làm thơ?
MT: Thời kỳ còn trẻ tuổi, tôi làm rất nhiều thơ nhưng khi vào tới miền Nam Việt Nam, viết văn, làm báo, trở thành một người tiểu thuyết gia thì tôi ngưng làm thơ lại. Tới khi sang đến nước Mỹ, đời sống ở Huê Kỳ có những lúc nó trống vắng quá, không biết làm gì cả, thì trong những khoảng trống, tôi làm ít thơ để chơi thôi. Hoặc là ở trên những chuyến xe buýt hoặc là trong những buổi chiều một mình, tôi làm thơ theo thể tứ tuyệt, thể bốn câu hai mươi tám chữ. Những đoạn thơ ngắn như vậy cũng đã có nghĩa là làm những đoạn thơ đó để chơi thôi. Chứ tôi không phải là một thi sĩ toàn phần. Thí dụ như nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ Tô Thùy Yên, hay nhà thơ Nguyên Sa. Tôi không phải là những người đó. Thế nhưng không ngờ những bài thơ của tôi lọt mắt xanh của anh Đỗ Đình Tuân, giám đốc nhà xuất bản Văn Khoa. Anh ấy rất thích những đoạn thơ của tôi và nằng nặc đòi tôi phải thâu thập lại để cho anh xuất bản thành một tập sách. Do đó mới có tập thơ được in ra. Chứ nếu không có nhà xuất bản hỏi thì ý định in tập thơ không bao giờ đến với tôi hết.
NXH: Trong thời gian ông sống tại Hoa Kỳ, ông đọc và thích tác giả nào nhiều hơn cả. Tại sao? Và qua tạp chí Văn hải ngoại những tác giả nào đã được ông khám phá ra khi ông chọn tác phẩm họ để giới thiệu cho người đọc và những người viết đó hiện nay có còn tiếp tục cầm bút hay không?
MT: Tờ tạp chí Văn từ đầu tới bây giờ, khi có tôi đứng coi sóc là một điểm khởi hành cho những người viết mới và nó đã làm công việc từ ở Việt Nam cho tới bây giờ. Nói rằng là tôi thích một nhà văn nào hoặc là đã thành danh hoặc nằm ở trong những người viết mới, thì miễn cho tôi câu trả lời đó bởi vì người nào tôi cũng quý trọng ngang nhau hết. Nhưng tôi đặc biệt yêu mến một lớp nhà văn trẻ khởi viết từ ở hải ngoại bởi vì đó là một điều rất bất ngờ đối với tôi. Thoạt đầu, tôi nghĩ là những người trẻ tuổi cũng có ở trong đời sống hải ngoại với dòng mưu sinh chật vật bây giờ và với những chân trời mới của những người trẻ tuổi, nó không phải là cái chân trời của văn chương, mà chân trời đó đã có một cách rất tốt đẹp với những lên đường số nhiều, ở trong đó có một đặc điểm là rất nhiều những nhà văn phái nữ. Họ viết rất được, họ là những người chưa từng viết ở Sàigòn bao giờ. Sang đến bên này, chẳng những họ không hề quên ngôn ngữ của tiếng Việt mà lúc viết ra thành văn, trở thành nhà văn thì họ trở thành một nhà văn mới rất là xuất sắc với văn chương của họ, không thua gì những người viết ở nhà hồi trước. Đó là tôi nói chung chứ nói riêng biệt ra một người nào thì tôi không muốn kể ra ở đây, bởi vì kể thì tôi phải kể rất nhiều người trong cùng một lúc. Còn những người đã cùng, từng làm văn học nghệ thuật với tôi ở bên nhà thì bây giờ tôi rất là vui thích có nhiều người tuổi đã cao nhưng vẫn còn làm văn học nghệ thuật khiến cho cái dòng văn học nghệ thuật ở hải ngoại chúng ta có cả lớp người trước, có cả lớp người mới đã là một điều rất là đặc biệt.
NXH: Ông có đọc hay theo dõi đời sống văn học trong nước không?
MT: Cái đọc một đời của tôi ưu tiên là đọc những bằng hữu của tôi trước đã. Những bằng hữu đó, trong suốt mấy chục năm vừa qua, đã phải đi vào con đường khổ hình gọi là đi tù. Cộng sản bắt đi tù, họ không còn viết được gì nữa, hoặc là những điều họ viết ra đều không được nhắc, in ra, không được phép phổ biến. Bây giờ thì một phần lớn đã sang đây, tôi đã gặp lại họ. Còn văn chương ở ngoài Bắc thì tôi chỉ đọc một số sách, báo mà người đem đến cho tôi mà thôi, chứ không có chuyện tìm đọc những sách, báo đó. Mặc dầu tôi biết ở Pháp, ở Canada, có chỗ phổ biến những sách báo của Hà Nội. Chỉ bởi vì tôi không thích. Trong một chế độ như chế độ vô sản chuyên chính ở Hà Nội tôi coi văn chương có ở trong chế độ đó là thứ văn chương phục tòng chế độ, không có tự do. Cho nên nếu nói chung, thì những sách báo của Hà Nội tôi đọc ít thôi, không có nhiều. Đọc lại những cái của Nguyễn Bính, của Quang Dũng, của Văn Cao, là những người tôi đã yêu mến họ từ thời kỳ Tiền chiến, đọc tôi còn thấy thích, thấy lại họ sau bao nhiêu năm với văn chương, chữ nghĩa của họ. Còn những người sau này thì tôi đọc rất ít, mà tôi cũng không có ý kiến gì cả. Bởi vì cái đọc của tôi đã như vậy thì những nhận xét của tôi cũng không thể nào tới nơi tới chốn được.
NXH: Ông nói ông ít có dịp đọc những tác phẩm trong nước, điều này cũng có thể hiểu là ông đã có đọc qua đôi cuốn. Xin ông cho biết ông đã đọc những cuốn nào và nếu có thể ông cho biết ý kiến của ông?
MT: Tôi có đọc mấy cuốn tiểu thuyết của Dương Thu Hương, một hai cuốn của Phạm Thị Hoài, một vài truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Đó là những người đang được ở trong nước và cả ngoài nước, nhắc đến họ như là những nhà văn có một tinh thần đối kháng nào đó đối với chế độ. Một số những sách của những tác giả vừa kể tôi thấy cũng là được thôi. Chứ không có gì là xứng đáng để gây một chấn động hết. Và tôi chỉ thích có mỗi một điều là những lúc được ở trong văn của họ thì rất giống với văn chương, mà họ gọi là "văn chương ngụy" của miền Nam Việt Nam. Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài..., cái lúc được nhất của họ là cái lúc họ ở gần chúng ta nhất... Tôi không nghĩ rằng mình nói như vậy là hơi quá, nhưng tôi nghĩ một phần như vậy là vì họ đã bắt chước cái cách viết tiểu thuyết, cách viết truyện ngắn của những nhà văn ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
NXH: Theo ông, có một thứ văn chương trong nước và văn chương ngoài nước hay không? Và có chăng một dòng văn chương phản kháng trong nước?
MT: Ở ngoài nước, trong thời gian gần đây thôi, chứ trước không có chuyện ấy, có một số tạp chí, tờ báo, đã đề xướng một chủ trương như là không còn có biên giới, không còn có biên thùy giữa trong nước với ở ngoài nước nữa, và đưa ra cái gọi là trình bày và phổ biến một số các bài báo, hoặc là một số các tác phẩm của những người ở trong nước. Nói cho rõ là của những người chuyên làm báo ở Hà Nội. Công việc đó, tôi không làm và tôi cũng không đồng ý. Bởi vì tôi cho rằng công việc đó chưa tới lúc làm được, chưa đem lại được một kết quả tốt cho ở trong nước lẫn ở ngoài nước. Bởi vì chế độ chúng ta không thể chấp nhận được. Và những khi nói về Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, hay Phạm Thị Hoài, nói đó là những tác phẩm chống đối chế độ, thì sự chống đối đó chưa được rõ rệt. Điều thứ hai sự chống đối đó, theo như tôi thấy, bây giờ lại gần như là bị ngưng đọng lại rồi. Bởi vì nó không đến đâu, hoặc là những nhà văn đó không còn có bản lĩnh, một bản lĩnh chống đối tới cùng, hoặc là những sự chống đối đã bị đè bẹp bởi chế độ. Nhưng việc làm của những tờ báo ở đây, ở trên chiều hướng đó, tôi cũng không có ý kiến gì. Mỗi người làm một việc, thực hiện một diễn đàn thì phải chịu trách nhiệm với công việc của mình. Mà những anh em làm báo đối với tôi là quen biết hết cả. Tôi chỉ có nói với họ như vậy mà thôi. Nghĩa là làm một điều gì, chủ trương một chủ trương nào, thì phải suy nghĩ cho kỹ về cái hơn thiệt cho công việc chung. Tôi nhắc lại điều đó, tôi cho rằng các trao đổi, các giao lưu ở trong nước với ở ngoài nước phải ở trong một không khí mới, là một không khí cởi mở rõ rệt. Ở trong nước cũng như ở ngoài nước, phải có tự do cho con người, phải có quyền sống, quyền làm người cho con người mới được. Chứ còn các chữ nghĩa của Hà Nội, họ cho phép được in ra, thì nhiều khi do một mục đích ngắn hạn của họ để họ tạo ra một ảo tưởng đã có cởi mở hay cởi trói gì đó. Họ tạo ảo tưởng đó mà thôi, chứ họ dẹp đi là họ dẹp, chứ không phải là đã có các thay đổi hoặc đã có những cởi mở đích thực. Điều đó tôi không hề tin, cho đến giờ phút này, tôi thấy không hề có.
NXH: Ông vừa nói đến mấy suy nghĩ về người viết tiểu thuyết trong nước, ông có thể đưa ra một cái nhìn về văn chương Việt Nam hải ngoại. Ông bi quan hay lạc quan, về những ngòi bút mới mà họ vừa xuất hiện trong những năm ở hải ngoại. Ông nghĩ họ sẽ đóng góp như thế nào trong nền văn chương Việt Nam?
MT: Thời gian mấy năm trở lại đây, có một số anh em ở Mỹ và ở các nơi có viết những bài nói về sự bế tắc của những người làm văn học nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại, gióng lên những tiếng chuông báo động về sự bế tắc đó. Tôi không hề đồng ý với chuyện đó bao giờ. Tôi thấy rằng từ 1975 ra đến nước ngoài, văn học nghệ thuật hải ngoại của chúng ta dẫu chưa làm được tất cả những điều mà nó muốn làm, nó đã tạo dựng những điều chính là có một nền văn học nghệ thuật hải ngoại đích thực ở đây. Chúng ta coi thường văn học nghệ thuật của Hà Nội, của chế độ ở nhà là có lý do để coi thường nó, bởi vì chúng ta có một nền văn học nghệ thuật ở đây, tôi cho là hơn nhiều đối với nền văn học nghệ thuật phát đi từ Hà Nội. Tôi không có bi quan gì hết, tôi hiểu những khó khăn của tất cả mọi người qua những trở lực của chính bản thân và tôi cho là chúng ta không nên đòi hỏi gì nhiều quá. Hãy để nguyên như vậy đi, rồi nó lên từ từ. Những người không biết nhìn không thấy là văn học nghệ thuật hải ngoại của ta mỗi một ngày một tốt đẹp hơn lên, đâu có điều gì là phải bận tâm hay phải báo động. Chúng ta không có một bế tắc nào cả. Nhưng ở đây, hoàn cảnh làm việc, hoàn cảnh sinh sống đều rất khó khăn, cho nên văn học nghệ thuật hải ngoại của ta trên từng địa hạt này, địa hạt nọ, có những lúc không phát triển được, bởi vì những người ở trong bộ môn đó đang gặp những khó khăn về mưu sinh, đang gặp những khó khăn về đời sống, nhưng đâu phải như vậy là văn học của ta ở ngoài nước là đi xuống, là bế tắc! Không, tôi không nhìn thấy điều đó bao giờ mà tôi cho là nói chung, rất được, rất đáng khen ngợi bởi vì hoàn cảnh và thị trường chữ nghĩa của chúng ta từ bao nhiêu năm nay ở ngoài nước, không thuận tiện cho công việc làm của tất cả mọi người mà chúng ta đã cố gắng làm tất cả những gì chúng ta có thể làm được.
NXH: Tôi chia sẻ sự lạc quan ấy của ông. Xin được trở lại chuyện những bài thơ của ông có thể đọc những câu thơ mới nhất, hay những câu thơ thích nhất của ông?
MT: Câu hỏi này cũng hơi kẹt cho tôi, bởi vì tôi tối kỵ đọc thơ của mình kể cả trong lúc sinh hoạt thân mật nữa. Bây giờ lại đọc thơ đó cho biết bao nhiêu người nghe nhưng tôi cũng nể anh tới đây, tôi đọc bốn câu thôi. Bốn câu thơ ở trong thơ mà tôi đã nói là những câu thơ làm chơi lúc cuối đời cho đỡ buồn, chứ không phải tôi là một thi sĩ toàn phần. Bốn câu thơ nằm ở trong tập Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền:
“Em đi vừa khuất trên đầu phố
Anh đuổi theo sau bóng đã nhòa
Đứng sững mới hay lìa cách đã
Sơn cùng thủy tận giữa đôi ta”
NXH: Xin được hỏi ông một câu sau cùng, ông có nhắn nhủ gì với những người viết mới hiện nay ở hải ngoại cũng như những người cầm bút ở trong nước?
MT: Những anh chị em mới viết ở ngoài nước và các anh chị em nếu còn viết được ở quê nhà, tôi chỉ muốn nói một điều duy nhất: ở với văn chương, ở suốt cuộc đời, không làm thơ, không viết văn nữa nhưng ở với văn chương thì ở hết cuộc đời của mình. Đó là một điều tuyệt diệu. Cố gắng ở với nó, sẽ thấy nó là một điều tuyệt diệu, nếu ta ở được với nó không phải chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, mà tôi nhắc lại là ở với nó đến suốt cuộc đời./.
California 1993