Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.148.243
 
Cuộc Tranh Luận Văn Nghệ Giữa Sáu Nhà Văn Pháp Hiện Đại
Trần Thiện Đạo

 

ĐIỆN TÍN

 

Người, nơi và ngày gửi: Trần Thiện-Đạo, Paris, 5-XII-64

Nơi nhận và ngày nhận: Tòa soạn VĂN, Sai-gòn 7-XII-64

 

TIN  GIỜ   CHÓT

Tạp chí Clarté (Áng sáng) cơ quan ngôn luận của nhánh sinh viên tả khuynh Pháp, trong số tháng Mười-một 1964, phát hành cuối tháng này, loan báo rằng thứ 4 09-12-64 sắp tới đây tạp chí sẽ tổ chức tại thính đường Mutualité, số 3 đường Saint-Victor, Paris-V, vào lúc 20giờ30 tối, một cuộc thảo luận (chắc chắn là sôi nổi) giữa những nhà văn:

1-       Jean-Paul Sartre, giải thưởng văn chương Nobel 1964

2-       Simone de Beauvoir.

3-       Yves Berger, nhà văn đã tranh luận cùng Jean-Paul Sartre về văn nghệ đầu năm nay (bạn đọc đã được dịp đọc bài của ông trong văn số 21, 1-10-64).

4-       Jorge Semprun, bỉnh bút tuần báo le Nouvel Observateur.

5-       Jean-Pierre Faye, giải thưởng Renaudot 1964 (xem bài giới thiệu trong số VĂN này).

Năm nhà văn trên đây sẽ thảo luận cùng nhau trước mặt thính giả (chắc chắn là sẽ đông) về một đề tài mấu chốt của văn nghệ (và nghệ thuật nói chung). Que peut la littérature ?, (Văn nghệ có tác dụng gì ?) và sẽ trả lời những câu hỏi của thính giả về những đề mục liên hệ mật thiết với đề tài trên:

1-       Chức năng của nhà văn trong thế giới hỗn độn hiện tại.

2-       Vấn đề dấn thân, đầu thế của nhà văn hiện đại.

3-       Tương quan giữa văn nghệ và cách mạng (nên nhớ: nhà xuất bản Julliard, Paris, mới vừa cho phát hành cuốn Littérature et Révolution, Văn nghệ và cách mạng của Léon Trotsky).

Tuy vẫn phải bận nhiều công việc tư, gia đình, sinh sống, chúng tôi xin hứa cùng bạn đọc sẽ đi tham dự cuộc thảo luận quan trọng này, ngõ hầu đáp ứng tấm thịnh tình của bạn đọc đối với chúng tôi bấy lâu nay, bằng một bài tường thuật cặn kẽ và khách quan trong một kỳ sau.

 

TRẦN THIỆN-ĐẠO

 

Tường thuật của Trần Thiện Đạo

 

Đối với chúng tôi, thính đường Mutualité, 3, đường Saint - Victor, Paris-5è, không phải là một nơi xa lạ: từ mười mấy năm nay, chúng tôi đã có dịp đến đây hoặc để dự thính những cuộc hội họp chánh trị hay trình diễn văn nghệ, hoặc để tham dự trực tiếp những cuộc hội họp nói trên (cuộc trình diễn văn nghệ cuối cùng trước buổi hôm nay mà chúng tôi được hân hạnh làm khán giả và thính giả là buổi trình diễn lạc quyên giúp đồng bào bị nạn lụt ở miền Trung Việt - Nam, với sự hợp tác của hai nữ kịch sĩ danh tiếng Phùng-Há và Kim-Cương, nhạc sĩ Trần Văn Khê, và một đoàn văn nghệ sinh viên Việt Nam ở Pháp), nhưng chúng tôi có thể bảo rằng tối hôm nay, thứ tư, 9 tháng chạp 1964, là lần đầu tiên chúng tôi đi dự thính và tham dự một buổi tranh luận về văn nghệ giữa sáu nhà văn hiện đại Pháp, trước thành phần thính giả số đông là sinh viên và trí thức, và cố nhiên, hết sức trẻ và hăng, và cũng là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến một dạ hội văn hóa với một trình độ tương đối cao được hưởng ứng nồng nhiệt đến mức nầy: theo sự nhẩm tính ước lượng của chúng tôi hôm qua có độ hơn bốn ngàn người có mặt trong thính đường không còn một chỗ trống nào cả, kể cả những chổ đứng, và chúng tôi ở bên trong (dự đoán trước số người đi dự thính, chúng tôi đã khôn ngoan đến đây gần một giờ đồng hồ trước giờ khai mạc đã định), nghe thấy rõ ràng tiếng oa thị ồn ào của những người vô phước đến đúng giờ, thất vọng bị chặn lại không được vào trong (số người phải đứng ngoài như vậy bao nhiêu? kẹt trong thính đường, chúng tôi không thể biết rõ, chỉ biết là họ hết sức ồn ào).

 

Như chúng tôi đã kịp thời loan báo cùng bạn đọc trong số Văn trước (Văn- 24, 15-12-64), buổi tranh luận về văn nghệ nầy do tạp chí Clarté, Ánh Sáng, cơ quan của một chi nhánh sinh viên tả khuynh Pháp, tổ chức, tụ họp, sáu nhà văn hiện đại Pháp, đại diện cho nhiều xu hướng chánh trị và văn nghệ, nếu không đối lập, thì cũng cách biệt nhau, quanh một để tài then chốt đối với nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng, và hết sức hấp dẫn đối với những ai yêu thích văn nghệ và hằng theo dõi sinh hoạt văn nghệ:

 

Que peut la littérature?

Văn nghệ có tác dụng gì?

 

(Khiến chúng tôi chợt nhớ tới cuộc phỏng vấn các nhà văn nhà thơ ở Nam Việt Nam của ký giả Nguiễn Ngu-Í mấy năm trước trong tạp chí Bách Khoa - cuộc phỏng vấn nầy hết sức hữu ích, chỉ tiếc một điều là Nguiễn Ngu-Í, có lẽ vì muốn được lòng mọi người, đã tốn công và thì giờ với bất cứ người nào đã xuất bản bất cứ cái gì của mình, cho dẫu cái nầy không mấy giá trị. Chúng tôi nghĩ cũng nên chọn lựa – không khe khắt, mà rộng rãi). Ban tổ chức buổi tranh luận nầy đã mời sáu nhà văn, như trên vừa nói, có xu hướng văn nghệ và chánh trị khác nhau (có khác nhau thì mới tranh luận, bằng không khác nhau thì nói với nhau chuyện gì?):

 

1)    Jorge Semprun, nhà văn cực tả, tác giả cuốn Le Grand Voyave( Một cuộc du hành xa) và cũng là một người hoạt động chính trị trực tiếp.

 

2)    Jean Ricardou, đại diện cho trường phái tiểu thuyết mới.

 

3)    Simone de Beauvoir, người bạn đồng hành trên con đường triết học, văn nghệ, chánh trị và đời tư của Jean-Paul Sartre.

 

4)    Yves Berger, tác giả cuốn Sud (Miền Nam) giải thưởng văn chương Femina 1962, người đã cùng Claude Simon tấn công quan niệm văn nghệ của Jean-Paul Sartre hồi đầu năm nay (xem Văn -17, 1/9/64 và Văn – 21 1/11/64).

 

5)    Jean–Paul Sartre, giải Noel 1964, đã từ khước giải nầy (xem Văn – 21 và Văn – 23, 1/12/64).

 

6)    Jean–Pierre Faye, giải thưởng văn chương Renaudot 1964, với cuốn l’Ecluse (Cửa chắn-nước), mà chúng tôi có dịp giới thiệu cùng bạn đọc trong một bài ngắn mới đây. Đại diện cho nhóm văn nghệ tiền phong Tel Quel (Cứ- y - như -vậy ).

 

Tất cả sáu nhà văn trên đều có mặt trên thuyết đàn (thính giả đặc biệt hoan nghinh nhiệt liệt Jean-Paul Sartre: nhà văn nầy, giá như ông nhận giải Nobel, tối nay lẽ ra đang ở trên con đường đi Stockholm, Thụy Điển, để được chính thức trao tặng giải nọ ngày hôm sau, thứ năm 10-12-64) dưới quyền chủ tọa của ông Yves Buin, nguyên chủ bút tạp chí Clarté, và vốn là người đã tiếp xúc và phỏng vấn Jean-Paul Sartre đầu năm nay trong tạp chí – bài phỏng vấn dài và sâu sắc này đang được giáo sư Nguyễn Văn Trung giảng dạy trong Đại học Văn-Khoa Sài Gòn hiện nay.

 

Trước khi trao lời cho nhà văn Jorge Sempurn là nhà văn đồng chí hướng chánh trị và văn nghệ với mình, ông Yves Buin đọc một bài diễn văn, đối với những người hằng theo dõi đường lối trước kia của tạp chí và của đảng của ông, hết sức là khoáng đạt rộng rãi, khai mạc buổi thảo luận; ông cho rằng một cuộc hội thảo tranh luận về văn nghệ giữa những nhà văn xu hướng chánh trị và văn nghệ khác nhau như hôm nay điển hình và tiêu biểu cho đường lối riêng biệt của nước Pháp để đi đến chủ-nghĩa xã-hội. Đồng thời ông tố cáo chủ nghĩa Staline và chủ nghĩa Idanov đã làm tê liệt bao nhiêu nguồn hứng văn nghệ một thời gian dài ở Liên–Xô và các nước xã hội, và vốn đã giết chết biết bao nhiêu tài năng chớm nở, nhưng chóng tàn dưới áp lực của một chánh quyền chuyên chánh không hiểu nổi đặc tính và bản chất của văn nghệ. Cuối cùng, ông đề cao nhà văn Paul Nizan, vốn là người bạn quá cố đồng học và đồng chí hướng với Jean-Paul Sartre, và vốn đã bị đảng Cộng-Sản Pháp lúc bấy giờ thóa mạ không tiếc lời.

 

Đến lượt nhà văn Cộng Sản Jorge Semprun, và cũng là một người hoạt động chánh trị trực tiếp, tiếp lời Yves Buin lên diễn đàn. Cũng như Yves Buin, ông lên lời tố cáo chủ nghĩa Staline (đã làm tê liệt và giết chết v…v…./.) và đòi cho văn nghệ một chỗ đứng tự trị, không bị chánh trị trói buộc - lời tuyên bố nầy quả là một cái gì quá ư mới mẻ và bất ngờ, của một nhà văn lệ thuộc vào một đảng phái chủ trương lãnh đạo văn nghệ và quả tình chứng tỏ rằng đang có một sự biến chuyển lớn lao trong đường lối lãnh đạo văn nghệ của đảng chánh trị nọ. Ông cho rằng, nhìn vào tình trạng văn nghệ Trung-Cộng hiện thời, ông nhận thấy rõ rệt cái nghèo nàn của nền văn nghệ Liên-Xô thời trước, chỉ vì văn nghệ ở kia và ở đây đã bị lệ thuộc chặt chẽ vào chánh trị. Ông bảo rằng nhà văn phải thiết yếu có tinh thần trách nhiệm trước khi đặt bút, nhưng không phải vì vậy mà nhà văn lệ thuộc mình hẳn vào đường lối chánh trị, vì làm như vậy, tức là khiến cho văn mình bị tù túng một cách tiên nghiệm thì tác phẩm được tạo ra trong tình trạng tinh thần đó sẽ không giữ được tính chất thẩm mỹ nó buộc phải có để có thể là một tác phẩm nghệ thuật.

 

Một tràng pháo tay hoan nghinh lời tranh luận bất ngờ nầy của nhà văn Jorge Semprun, bất ngờ từ chỗ do một nhà văn cực tả thốt ra. Tiếp lời ông là nhà văn Jean Ricardou, đại diện của nhóm tiểu thuyết mới (Claude Simon, Alain Robbe–Grillet, Michel Butor)

 

Jean Ricardou không thừa nhận cả hai quan niệm văn nghệ, muôn thuở đối lập với nhau, quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật và quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh, mà ông gọi là l’art pour l’artl’art pour l’homme. Trước khi giải thích tại sao hai quan niệm văn nghệ nói trên không thích hợp với đường lối của nhóm tiểu thuyết mới, Jean Ricardou nhắc lại ý kiến của Roland Barthes, mà mấy tháng trước đây Claude Simon đã biểu đồng tình trong một bài luận chiến với Jean-Paul Sartre (bạn đọc có thể xem lại: Văn - 17, và Văn - 21), ý kiến chia người viết văn ra làm hai hạng: nhà văn, l’écrivain, và nhà dùng–văn l’écrivant . Nhà văn lấy ngôn ngữ làm vật-liệu cho công trình sáng tạo này nằm chính trong ngôn ngữ. Còn nhà dùng-văn thì dùng ngôn ngữ làm phương-tiện nâng đỡ một thông điệp vốn nằm ở ngoài ngôn ngữ. Đến đây, diễn giả liền đặt ra câu hỏi mà hình như cả thính đường ngóng chờ từ lâu: Vậy thì văn nghệ là gì? Và nó để làm gì? Với một giọng rắn rỏi, diễn giả đáp: Văn nghệ, chính là tra hỏi ngoại giới bằng cách bắt nó phục tòng ngôn ngữ la littérature, c’est questionner le monder en le soumettant au langage (chúng tôi không dám chắc đây là nguyên văn, nhưng ít ra đây cũng là nguyên ý của diễn giả) – Chợt giữa cái im lặng bằng phẳng trong thính đường, vọt ra tiếng ồn ào, ban đầu còn thì thầm, mấy giây sau trở nên vang dội, phản đối lời tuyên bố trên của diễn giả: trong tiếng ồn ào phản đối này, chúng tôi trông thấy Jean Ricardou đối đáp thính giả, nhưng tiếc không nghe rõ lời nói của ông. Rồi im lặng trở lại. Diễn giả tham luận tiếp – Cũng bởi vì văn nghệ là tra hỏi ngoại giới, cho nên, đối với diễn giả, nhà văn muốn lựa chọn đề tài nào thì lựa chọn, miễn là cho thích hợp với sở tài của mình : Không có thứ đề tài tiên quyết, và cũng không có thứ độc giả qui định trước. Kết luận, ông bảo rằng nghệ thuật, tức là người, và văn nghệ, tức là mời đọc : l’art, c’est l’homme; la litterature, c’est donner à lire.

 

Thính đường, tuy đã phản đối diễn giả ngay giữa bài tham luận của ông, cũng vỗ tay chào lúc ông ngồi xuống chỗ cũ. Chủ tọa trao lời lại cho nhà văn phái thứ nhì Simone de Beauvoir (tác giả cuốn le Deuxième Sexe), vốn là người bạn đường đời của Jean-Paul Sartre.

 

* CUỘC TRANH LUẬN:

“VĂN NGHỆ CÓ TÁC DỤNG GÌ”

Bài của TRẦN THIỆN ĐẠO

 

cuộc tranh luận văn nghệ giữa sáu nhà văn Pháp hiện đại

 

tường thuật của TRẦN THIỆN ĐẠO

 

LTS.   Vì bản thảo thất lạc nên chúng tôi đã giới thiệu

phần đầu bài tường thuật này trong VĂN số 25

 

Nay xin đăng tiếp phần cuối và xin hẹn trong những số tới, chúng tôi sẽ đăng những bài tham luận của Jorge Semprun, Jean Ricardou - những nhà văn đã tham dự cuộc Tranh luận văn nghệ này.

 

VĂN

 

II

 

Vóc người nhỏ thó, gương mặt thông minh, giọng nói đanh thép và mau lẹ - sáu năm trước, chúng tôi đã được tiếp xúc cũng vóc người đó, gương mặt đó, và đã nghe thấy cũng giọng nói đó, đến nay, vẫn không thay đổi – Simone de Beauvoir căn cứ nhận định vế văn nghệ của mình trên quan niệm triết lý hiện sinh, và điều này không phải là một điều lạ đối với thính giả nói chung, đối với chúng tôi, nói riêng: sự nghiệp văn nghệ và triết lý của Simone đe Beauvoir, từ hai chục năm nay, tiến bước song song với sự nghiệp văn nghệ và triết lý của Jean-Paul Sartre (hệt như một cặp đôi nhà văn Pháp khác: cặp đôi Elsa Triolet và Louis Aragon). Trình bày sơ lược lại những nét chánh của nền triết lý hiện sinh xong, Simone de Beauvoir khẳng định một cách hợp lý rằng con người cũng đau đớn, vì giữa y và ngoại giới luôn luôn có một sự chia cách, cho nên con người lúc nào cũng lo toan lấp đầy khoảng trống đó, mỗi người một thể cách; và riêng nhà văn, nhà văn viết văn chính là để tìm thấy lại trạng thái sung mãn, la plenitude, mà y cảm thấy thiếu thốn, bằng cách cố gắng xóa bỏ cho bằng được sự chia cách giữa y và ngoại giới thù hằn. Chính vì vậy mà văn nghệ không là một hành tác nằm ở ngoài con người và nằm ở ngoài cuộc sống: văn nghệ thiết yếu gắn bó với con người tạo ra nó (nhà văn) và với cuộc đời chung quanh (xã hội). Tách rời ra khỏi nhà văn, ra khỏi xã hội, văn nghệ sẽ không giữ được bản chất và đặc tính của nó nữa: vì văn nghệ vốn là mối dây liên lạc giao tiếp con người với con người, và dẫn con người tới thông cảm hổ tương: và đây là một trong những tác dụng chánh của văn nghệ trên bình diện nhận bản. Ngoài tác dụng làm mối dây liên lạc cảm thông giữa người và người, văn nghệ còn có một tác dụng khác không kém quan trọng: Văn nghệ mặc khải cho chúng ta trông thấy rõ bản chất đích thực của ngoại giới, vốn không phải là một vật thể đứng chựng, bất động, đã được quy định một lần cho đến cùng, mà vốn là một dự phóng (Simone de Beauvoir, nếu trí nhớ của chúng tôi không phai nhạt, đã dùng từ devenir), nghĩa là một thứ tổng hòa các hoàn cảnh quay cuồng bao trùm vây lấy nhà văn, une sorte de tơurnoiement des situations qui engloblent l’écrivain (một lần nữa, chúng tôi không bị trí nhớ của mình lừa gạt thì đây là nguyên văn, hay ít ra cũng là nguyên ý của Simone de Beauvoir: thật ra, ý niệm về sự tổng hòa các hoàn cảnh chung quanh này đã được Jean-Paul Sartre trình bày trong bài phỏng vấn do Yves Buin ghi trong tạp chí Clarté tháng 3 và 4, 1964). Tác phẩm của nhà văn biểu hiện của sự tổng hòa này.

 

Tham luận của Simone de Beauvoir chấm dứt với lời khẳng định trên trong những tràng pháo tay kéo dài mấy phút. Chúng tôi từ xa tưởng chừng như trông thấy vóc người nhỏ thó đó thâu mình lại trên chiếc ghế đã rời khi nãy. Chủ tọa lên tiếng cám ơn (hình như vậy, chúng tôi không nghe rõ) Simone de Beauvoir, rồi giới thiệu diễn giả kế tiếp là nhà văn Yves Berger.

 

Nếu như tham luận của Simone de Beauvoir căn cứ trên nền tảng triết lý hiện sinh dẫn đến một quan niệm văn nghệ đầu thế và dấn thân, thì ngược lại, Yves Berger dựa trên những nhận định cá nhân để đi đến một quan niệm khác hẳn, nếu không bảo là đối lập. Những bạn đã có dịp đọc tác phẩm nổi tiếng một thời của ông, cuốn Sud (Miền Nam), giải thưởng Fémina 1962, vốn là một cuốn tiểu thuyết có thể bảo là gọt dũa, tài hoa, và bài tranh luận cùng Jean-Paul Sartre của ông đầu năm nay (xem VĂN – 21) sẽ không lấy làm ngạc nhiên về quan niệm văn nghệ trình bày trong bài tham luận tối hôm nay, quan niệm chúng tôi cũng có dịp nhắc tới trong một tiểu luận nọ (xem VĂN – 17), quan niệm mà thính giả tối nay có lẽ không tán đồng – từng chặp, suốt bài tham luận của ông, chúng tôi đã nghe thấy quanh mình nhiều tiếng thì thào chê trách, có khi là tiếng ồn ào, phản đối.

 

Lập lại những ý kiến đã tỏ tường trong bài tranh luận nọ, Yves Berger khẳng định rằng thực tại và văn nghệ là hai phạm trù dị biệt, tách rời hẳn nhau; nhà văn khi cầm viết là đã tự đặt mình vào trong một thế giới nội tâm của mình, cái thế giới hằng được ý hướng tìm một lối thoát siêu hình cho thân phận làm người bi đát của mình che chở và đùm bọc, ngăn chặn mọi xâm chiếm từ ngoài thọc vào. Mà cho dẫu nhà văn có muốn đầu thế, dấn thân vào xã hội đi nữa, văn chương của y cũng không có thế lực gì đối với thực tại, và y viết văn chính là để trốn tránh thực tại, trốn tránh cái chết, dầu y nhận thức được sự kiện này hay không. Vậy thì văn nghệ không hề và sẽ không bao giờ có tác dụng gì đối với thực tại nói chung, đối với xã hội nói riêng. Sách in không hề có tác dụng nào khác hơn là khơi dậy năng khiếu văn nghệ của người đọc, provoquer une vocation littéraire, nếu như người đọc này đã sẵn có năng khiếu đó, còn nếu như người đọc không có mộng viết văn, không có năng khiếu viết văn, thì văn nghệ cống hiến cho anh ta một thế giới mơ mộng, un monde de rêve, giúp anh ta chống lại thực tại một cách có hiệu lực. Ám chỉ câu nói bộc trực nọ của Jean-Paul Sartre tháng tư vừa qua “Trước mặt một đứa trẻ chết đói, cuốn la Nausée không có giá trị gì cả”, trong bài phỏng vấn nổi tiếng của Jacqueline Piatier (xem VĂN – 17; bản dịch của chúng tôi),  Yves Berger khẳng định tiếp  theo rằng, sách in không hề có hiệu lực giúp cho trẻ con khỏi chết đói; chẳng hạn như sách của Sartre có kéo được các nước chậm tiến ra khỏi tình trạng thiếu ăn thiếu mặc đâu, có giúp cho vô số trẻ em ở các nước này khỏi nạn đói đâu. Nhưng văn nghệ có thể giúp cho con người, cho người đọc, sống được thoải mái giây phút, vì rằng nghệ phẩm có một thế lực đặc biệt là lôi cuốn độc giả vào trong cuộc sống khác hẳn cuộc sống hàng ngày, vào trong một cuộc sống thanh thản, thanh bạch khiến y quên đi cuộc sống rộn rịp, tới tấp của thực tại trong chốc lát: như vậy, văn nghệ, đối với Yves Berger, là một nơi dành cho con người trốn tránh thực tại, một chỗ ngơi nghỉ cho những ai, đã mệt nhọc trong cuộc sống thường nhựt, muốn tìm đến một bầu không khí mát mẻ. Yves Berger còn cho rằng, chỉ sau khi cách mạng đã bùng nổ, người ta mới khám phá ra các cuốn sách (mà người ta tưởng) đã có công xây dựng nó.

 

Lời khẳng định cuối cùng này của Yves Berger có lẽ không được khán giả tán đồng mấy, cho nên khi ông kết thúc bài tham luận, ngồi xuống, chỉ có một vài tiếng vỗ tay rời rạc, rụt rè, chừng như người vỗ tay không dám bộc lộ thẳng thắn sự hoan nghinh của mình, sợ những người lân cận chung quanh lên tiếng phản đối. Mấy tiếng vỗ tay lạc lõng trên bỗng chợt mất hút trong một sự im lặng lạ lùng., lạ lùng đến quái dị; chúng tôi tin rằng trọn cả thính đường bấy giờ đều cảm thấy cái cảm tính lạ lùng, quái dị này: đương ở trong thính đường chật ních bốn ngàn người lúc nào cũng lồng trong một bối âm không ồn ào thì cũng rù rì, thì chợt lọt hẳn vào trong một sự im lặng tưởng chừng như mọi người bỗng dưng hóa thành tượng đá bất động và trầm mặc. Cái gì thế kia? Cái gì thế kia?

 

Thì ra, từ lúc buổi thảo luận được khai mạc đến giờ, thính giả không ngừng nao nao chờ đợi giây phút đặc biệt này, chờ đợi nhà văn vẫn còn thanh thế và uy tín đối với họ, trải qua bao nhiêu phong trào văn nghệ mới (tiểu thuyết mới, phong trào tiền phong Tel Quel; phong trào pop-art – popular art; nghệ thuật bình dân, nhưng thật ra, không bình dân chút nào – v.v…): Jean-Paul Sartre. Nhưng cái im lặng nọ chỉ là cái im lặng trước tiếng reo mừng làm chấn động cả thính đường và tưởng chừng sẽ không bao giờ chấm dứt, khi nhà văn hiện sinh này từ từ rời ghế tiến đến trước máy vi âm sau mấy lời giới thiệu lấy lệ của chủ tọa: Yves Buin.

 

Tiếng hoan hô reo mừng, tiếng vỗ tay chào đón vẫn tiếp tục – ba phút? Năm phút? Suốt thời gian này, lạ lùng thay, riêng chúng tôi, chúng tôi lại không có phản ứng hòa đồng cùng thính đường – có lẽ vì chúng tôi bẩm tánh không hay hùa với số đông, cho dẫu số đông này hoan nghinh một người mà mình đang tìm hiểu và hâm mộ; mà, lạ lùng thay, trong đầu óc chúng tôi lảng vảng mãi, không làm sao xua đuổi được, mấy câu vè thuần túy Việt Nam, nhưng hết sức vô duyên trong trường hợp này:

 

Con cóc trong hang,

Con cóc ngồi đó,

Con cóc nhảy đi…v.v…

 

Cho đến lúc định thần lại, nhìn kỹ hình thù xấu xí, gương mặt sần sùi mà cặp kiếng đồi mồi không che giấu nổi cái vẻ thô kệch, nhìn kỹ dáng vóc ấy của Jean-Paul Sartre, chúng tôi mới chợt nhớ rằng trước kia chính Jean-Paul Sartre đã ví mình với cóc, và bảo rằng mình có một gương mặt cóc, un visage de crapaud. Mà thật vậy, thân xác Jean-Paul Sartre xấu tướng tệ, lùn lùn, mập mập, khom khom, với cặp kiếng lồi ra hai bên sóng mũi giống hệt hai con mắt cóc; quả tình là hình thù một con cóc biết nói, và biết tư tưởng: tinh thần cư ngụ ở bất luận thân xác nào.

 

Mọi việc đều có chung kỳ, tiếng reo mừng nọ cũng chấm dứt, nhường lại cho thính đường cái im lặng khi nãy: chúng tôi đã đòi phen đi nghe diễn thuyết, và chúng tôi có thể đoan chắc rằng chúng tôi chưa từng nghe một diễn giả nào được nghe một cách thành kính như Jean-Paul Sartre tối nay – suốt bài tham luận của ông, chúng tôi không hề nghe thấy một tiếng ho, một cựa quậy, một hắt mũi. Quả là một đám tín đồ đang ngưỡng mộ một giáo chủ.

 

Jean-Paul Sartre dành phần đầu bài tham luận của mình bài bác quan niệm văn nghệ của các địch thủ một chiều, nhứt là quan niệm ngôn ngữ/ vật liệu của Jean Ricardou và quan niệm phi thực tại của Yves Berger. Ông cho rằng cốt yếu là nội dung, hình thức có thay đổi mà nội dung không thay đổi, thì cái hình thức đó rốt cuộc cũng không thay đổi: bởi các hình thức do ngôn ngữ thiết lập, mà ngôn ngữ vốn được cấu tạo bằng dấu hiệu (chữ viết, âm), dấu hiệu này không hề thay đổi, thành ra những cái mà người ta gọi là mới chỉ mới ở cách sắp xếp mà thôi. Bài bác quan niệm của Yves Berger, ông khẳng định rằng, dầu muốn dầu không, văn nghệ tự nó cũng là một thực tại rồi, tách nó ra khỏi thực tại quả là một điều không hợp lý. Chúng tôi vừa cố gắng tóm tắt luận cứ của Jean-Paul Sartre nhưng chúng tôi thú nhận rằng tham luận của ông có phần nào khó theo dõi, khó ở chỗ ông sính dùng nhiều từ triết lý thường có ý nghĩa đặc biệt, khó ở chỗ luận cứ của ông quá ư chặt chẽ, nhiều tiểu dị, nuances, tuy rằng lời lẽ ông lúc nào cũng trong sáng và cô đọng. Cũng may là chúng tôi có dịp tiếp xúc trước những tiểu luận, phỏng vấn, đại luận về văn nghệ (chẳng hạn như Qu’est-ce que la littérature? Văn nghệ là gì? In trong tập Situations II; bài phỏng vấn sâu sắc đăng trong tạp chí Clarté, tháng 3 và 4/1964 do Yves Buin ghi, và nhiều nữa): những sách, bài báo này đã giúp chúng tôi theo dõi kịp và đầy đủ ý tưởng và ý kiến của ông tối hôm nay.

 

Sau khi đã bài bác mấy quan niệm văn nghệ kể trên xong, Jean-Paul Sartre nhận định tiếp theo rằng văn nghệ không chỉ bao gồm có tiểu thuyết mà luôn cả loại luận thuyết mà ông gọi là les essais. Ông bảo rằng nếu muốn hiểu rõ văn nghệ là gì, cần phải đứng ở địa vị và ở vai trò người đọc để suy luận. Văn nghệ được cấu thành bằng chữ nghĩa, mà chữ nghĩa chỉ là một loại dấu hiệu, signes (ở Pháp hiện thời đang có một khoa nghiên cứu mới, gọi là sémiologie, tạm dịch là dấu hiệu học, do Roland Barthes đề xướng chiếu theo ý kiến của nhà ngữ học danh tiếng quá cố Ferdinand de Saussure, khảo cứu ý nghĩa các dấu hiệu mà chữ viết là một), nhà văn viết văn, tức là dùng các dấu hiệu đó sáng tạo ra một thứ bản nhạc, người đọc là người diễn tấu bài nhạc đó (Nguyên văn: L’auteur écrit une partition, le lecteur l’exécute) vì đối với ông, người đọc không phải là kẻ thụ động, mà là một người cộng tác với tác giả, và đây là điều quan trọng: y cũng là một người sáng tạo. Y sáng tạo ở chỗ y thực hành tự do của mình trong lúc y tổ hợp lại một toàn thể ý nghĩa do nhà văn bày ra. Nhưng tại sao y đọc sách? Jean-Paul Sartre khẳng định: chúng ta đọc sách để tìm một ý nghĩa cho cuộc đời của chúng ta vốn bao giờ cũng dở dang (Chúng tôi đã ghi lẹ: on lit pour trouver un sens à sa vie qui est mai vécue). Sách đem lại cho chúng ta một ý nghĩa, nhưng một ý nghĩa chưa được giải rõ, non élucidé, đem lại cho đời sống ngẫu sinh của chúng ta ý nghĩa chưa được giải rõ đó – thế lực, tác dụng của văn nghệ nằm trọn ở sự kiện này.

 

Lời giải đáp trên chấm dứt bài tham luận quá ư hàm súc và đọng đặc ý niệm mới mẻ của Jean-Paul Sartre. Tiếng vỗ tay, lời hoan hô vang dội thính đường, lấp cả mấy câu đối thoại giữa diễn giả và chủ tọa, chúng tôi đã để hết tâm trí và lắng tai cũng vẫn không làm sao nghe rõ được hai người trao đổi với nhau điều gì. Chỉ trông thấy sau đó, Jean-Paul Sartre từ từ về chỗ ngồi cũ, nhường máy vi âm lại cho nhà văn Jean-Pierre Faye.

 

Đến đây, chúng tôi xin được phép thú nhận rằng chúng tôi đã cố ý bỏ quên nhà văn này. Vì thật ra, Jean-Pierre Faye cũng đã có tham luận ngay sau khi nhà văn Jean Ricardou trình bày quan niệm văn nghệ của mình. Chúng tôi không thuật lại bài tham luận của ông, chúng tôi xin chịu lỗi cùng bạn đọc, vì chúng tôi không hiểu rõ ràng và thấu đáo những ý niệm, những luận cứ ông đã giải bày trong tham luận. Thật vậy, Jean-Pierre Faye, vốn là người chỉ đạo của nhóm tiền phong Tel Quel, có lẽ đã dùng một lối diễn đạt khác thường, khiến chúng tôi, một kẻ chưa theo kịp đà tiến triển của phong trào văn nghệ này, đành ngồi bó tay và… nghỉ mệt. Chỉ nghe ông bàn về tương quan giữa sự thật và lịch sử mà thôi, không có liên hệ mật thiết với chủ đề hôm nay.

 

Nhưng lần này, trước máy vi âm, kế tiếp Jean-Paul Sartre, và có lẽ vì đứng địa vị một người kết thúc một cuộc thảo luận, Jean-Pierre Faye tỏ ra giản dị hơn nhiều. Ông nhắc lại hành động của Jean-Paul Sartre trong thời kỳ chiến tranh với Algérie và chứng minh  rằng giá như tác giả cuốn les Mots (Chữ nghĩa) không có mộ sự nghiệp văn chương và triết lý đồ sộ, thì hành động chống chiến tranh dơ bẩn nọ đã không có ảnh hưởng lớn lao như nó đã có. Âu cũng là một cách khẳng định rằng văn nghệ có tác dụng, và có tác dụng hữu ích, và đây có lẽ là kết luận chúng ta rút được từ buổi hội thảo quan trong này.

 

Bốn giờ đồng hồ đã qua. Đã gần một giờ khuya. Sau mấy câu hỏi và lời đáp ngắn trao đổi giữa thính giả và sáu diễn giả, ông Yves Buin liền tuyên bố bế mạc, cho biết rằng các bài tham luận của sáu nhà văn có mặt trên diễn đàn sẽ được ấn hành chung trong một loại sách bỏ túi, và mong mỏi thính giả sẽ đi sâu vào quan niệm văn nghệ của sáu nhà văn đó một cách tỉ mỉ và cặn kẽ hơn. Một tràng vỗ tay chót chấm dứt buổi thảo luận, mọi hân hoan lũ lượt kéo ra về, mỗi người một ý nghĩ riêng tư.

 

*

Chúng tôi vừa cố gắng tường thuật một cách khách quan và cặn kẽ, trong chừng mực có thể có, buổi thảo luận văn nghệ giữa sáu nhà văn hiện đại Pháp có xu hướng văn nghệ và chánh trị khác nhau (bạn đọc hẳn đã nhận thấy rõ rằng chúng tôi có ý nhấn mạnh điều này). Có một điều chúng tôi muốn thưa cùng bạn đọc là chúng tôi đã tường thuật lại theo trí nhớ, vốn thường hay lừa gạt chúng ta, và theo mấy câu nguyên văn ghi vội trong cuốn sổ tay; và chúng tôi đã phải làm việc trong những điều kiện vô cùng khó khăn: ngồi xa diễn đàn, tốc ký lại dốt, không có máy ghi âm, và, nêéu bạn đọc cho phép, bụng đói – vừa đi làm về, không kịp ăn uống tử tế. Chúng tôi xin hứa là sẽ viết tiếp một tiểu luận giới thiệu kỹ càng, khúc chiết hơn, quan niệm văn nghệ của sáu nhà văn đã tham dự buổi thảo luận hôm nay, khi cuốn sách nọ được ấn hành, như chủ tọa Yves Buin đã cho biết.

 

Xét cho cùng, chúng ta nhận thấy rằng quan niệm về tác dụng của văn nghệ của sáu nhà văn trên có thể chia ra làm ba chiều hướng rõ rệt: (1) Jorge Semprun, kẹt trong đường lối lãnh đạo văn nghệ của đảng ông, đòi được tự trị trong lãnh vực văn nghệ, vì văn nghệ có thế lực soi sáng thêm chánh trị; (2) Yves Berger, Jean Ricadou, ôm ấp một nền văn nghệ thuần túy, ở ngoài thực tại, cho rằng văn nghệ chỉ có tác dụng giúp chúng ta trốn tránh được thực tại; (3) Jean-Paul Sartre và, cố nhiên, Simone de Beauvoir, chủ trương một nền văn nghệ đầu thế, dấn thân, xuất phát từ triết thuyết hiện sinh, văn nghệ chỉ là một cách thức hành động, của con người muốn thực hiện lấy mình, và vì vậy, tác dụng của nó là một sự kiện hiển nhiên không chối cãi được. (Riêng Jean Ricadou, tuy có mặt trên diễn đàn, hình như không có ý tranh luận, nên đã một phần nào lệch sang một đề tài không mấy sát với chủ đề của buổi thảo luận). Trong ba chiều hướng tóm tắt trên đây, suy theo phản ứng của bốn ngàn thính giả, thì chiều hướng thứ ba, quan niệm một nền văn nghệ đầu thế, có lẽ là chiều hướng được nhiều người tán thành và riêng chúng tôi, chúng tôi là một trong số bốn ngàn thính giả đó

 

TRẦN THIỆN-ĐẠO

10-12-64

(Phần II, viết lại 5-1-65)       

Trung thành với bản scan mà các bạn đã gửi cho VCV. Nhà văn Đặng Kim Côn chuyển ra word

 

 

 

Trần Thiện Đạo
Số lần đọc: 1586
Ngày đăng: 17.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhớ Mai Thảo - Nguyễn Xuân Hoàng
Kỉ niệm một chuyến đi với Hà Ân - Nguyễn Hiếu
Giữ đất - Huỳnh Kim
Tưởng Nhớ Anh Hoàng Ngọc Hiến - Lại Nguyên Ân
Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường - Ban Mai
Ai Về Quê Cũ Cho Tôi Nhắn - Mây Ngàn Phương
Di Sản Nỗi Buồn - Nguyễn Hàng Tình
Gặp Lại Sài Gòn - Thụy Vi
Ngày của Mẹ, Cám Ơn Con - Nguyễn Xuân Tường Vy
Riêng Với Cù Lao - Lê Trâm