Mách ngồi trên một tảng đá. Xa-mơ cũng ngồi trên tảng đá kế bên. Suối Re tháo vát đổ nước qua con lộ đá đỏ, chở theo những tảng đá như thể những tấm lưng voi lặn lội ngùm ngụp theo lòng con suối ra cánh đồng Sre-âm-pênh mướt xanh lá mạ.
Mách hiền khô, mái tóc không loăn xoăn như tóc Si-phol, Xa-phư, hai người lính trẻ măng đang bồng súng đứng gác tận xa chỗ cổng ra vào trại tù binh. Tóc Mách đổ ra hết phía trước, phủ một bên cái trán hơi dô và che khuất một nốt ruồi bên đôi mắt trái. Cánh mũi Mách phập phồng, sóng mũi cao cao vừa vặn với khuôn mặt vuông vuông chữ điền. Mách ngồi nghiêng hẳn vào mình Xa-mơ, thân người hơi vạm vỡ chắn cái bóng nắng oi oi đổ xuống khu vườn mát rượi bóng cây sao, cây xoài, trên sân cát trắng êm êm hai bàn chân...
Đưa mắt nhìn Si-phol, Xa-pư một thoáng, Mách hất nước suối mát lạnh lên tóc Xa-mơ đã thèm. Nước thấm lành lạnh hơi sương núi. Nước chảy róc rách dưới chân. Buổi trưa mùa xuân nắng vẫn oi oi, xôn xao như ngày hè. Xa-mơ đầu gục xuống, âu yếm. Một tay Mách vẹt vẹt mái tóc dày, đen mượt của Xa-mơ, tay kia cứ hất nước gội lên. Nước chảy tuôn xuống đôi vai no no và tấm lưng thon thon của Xa-mơ. Chốc chốc, Xa-mơ kêu “ối” lên một tiếng. Mách dừng tay gội tóc. Mách biết mấy ngón tay của mình vừa chạm vào hai vết thương sau gáy của Xa-mơ ; hai vết thương bằng hai lóng tay út phồng phồng, cồm cộm. Mách ngồi thừ người nhìn đăm đăm vào hai vết thương ấy. Xa-mơ ngước lên.
Mách hỏi :
- Sao Xa-mơ buồn ? Chắc Xa-mơ nhớ cái núi Mo-so phải không ?
Xa-mơ lắc lắc hai vai, khe khẽ :
- Không phải đâu, anh ! Tội nghiệp cái núi Mo-so. Thằng Cum nó phá cái núi, lết cái đít làm dơ núi Mo-so.
Mách hỏi :
- Xa-mơ có ghét thằng Cum nhiều nhiều không ?
Xa-mơ nín im, đầu cúi xuống và hai tay tự vẹt mái tóc sang hai bên, để lộ hai vết thương phồng phồng bầm tím sau gáy. Mách hiểu Xa-mơ muốn nói gì với Mách. Xa-mơ nhắc thằng Cum trên núi Mo-so với Mách đó !
- “Ông lớn” chưa tin cái bụng Xa-mơ sao ? Xa-mơ không phải là củ mì để dành riêng cho thằng Cum ăn đâu –Xa-mơ nói, vai nghiêng một bên, xệ hẳn xuống. Mách lấy tay hất hất nước suối rửa chân cho mình và cho Xa-mơ giờ lâu.
Xa-mơ thủng thẳng đứng dậy, hai tay vận lại chiếc xà-rông che tới ngực ướt sũng nước suối. Cô gái hất hàm, mắt ngó lên chiếu chiếu bóng nắng, e thẹn nói với Mách:
- Anh đi hội ý với ông trời đi, hỏi Xa-mơ có nhớ anh không ? Đi đi, anh !
Mách thôi buồn. Mới đó Mách cười cùn cục trong cổ. Rồi bỗng Mách nhảy thót lên vực đá, đứng đeo cái thắt lưng có vắt cây súng ngắn bên hông.
Mách không đi hỏi ông trời ; Mách đi thẳng vào trại tù binh để mặc cho Xa-mơ đứng một mình trên tảng đá chậm rãi thay chiếc xà-rông kẻ sọc xanh vắt trên nhánh cây ổi rừng.
Mách đảo một vòng quanh trại rồi vội vã bước lên tầng gác một dãy nhà lợp “tôn” rêu mốc. Mách lướt qua nhiều cặp mắt sưng húp của những tên tù binh Pôn-pốt mới vừa bị bắt đêm qua, đêm hôm. Và, anh lại lật đật bước xuống đất. Ở trên nền đất cao ráo, những tên tù binh sắp được thả ra vung vẩy những chiếc võng đen, khăn trùm đen sập xuống vai lộ ra cái cổ đen nhánh, lóng nhóng. Trong tốp tù binh ấy có cả mấy chục cô gái nhìn anh trưởng trại trẻ tuổi cười chúm chím.
Mách đưa tay nắm một đầu võng, nói một thôi dài về chuyện tội ác Pôn-pốt với tốp tù binh đang nhìn Mách. Mách tự giới thiệu anh đã từng đi theo cách mạng, từng nằm rừng ngủ bụi ở Tà-băng-rung, ở Mo-so, ở Tha-ma-băng đánh Lol-nol... Cách mạng thắng Lol-nol, lập tức thằng Pôn-pốt, lêng-xa-ri cướp hết công anh, lường gạt anh. Anh ly khai đội quân Pôn-pốt, lêng-xa-ri đi theo cánh anh Bra-xích, anh Rung làm cách mạng đánh Pôn-pốt tới nay ...
Mách nói thật hăng. Ngực Mách chộn rộn từ khi có Xa-mơ ở núi Mo-so trốn về tìm cách mạng, tìm Mách. Bụng Mách vui vui được sống chung với Xa-mơ, được nhìn Xa-mơ thỉnh thoảng cười chúm chím...
Đang lúc nói chuyện với tốp tù binh, bỗng Mách giật nảy người, đôi mắt đổ sao lốm đốm vì chợt nghe tiếng kêu hớt hơ hớt hải của Xa-mơ trên con lộ đá đỏ.
- Thiếp ! con Thiếp !...
Vừa kêu la, Xa-mơ vừa sải chân chạy tới. Chiếc gậy kẹp dính chiếc xà-rông ướt sũng. Tóc Xa-mơ bay bay phía trước. Chiếc xà-rông giũ lạch phạch, bay bay theo sau. Trước mặt cô gái là lưng núi Bâng-briêu xanh xanh chòm cây sao bị gió lay mạnh. Mươi người đàn bà vận đồ đen như những chiếc bóng nhẹ hửng cũng bị gió lay lay như bóng mấy cây sao, cây xoài đứng trên vách đá.
Và đang lúc những tù binh ngẩn ngơ nhìn ra lưng núi, Mách lật đật trèo lên thang gác, tay quơ vội khẩu tiểu liên treo trên vách ván. Mũi súng ngắm trúng cái lưng, cái vai run lẩy bẩy của Xa-mơ. Đầu óc Mách rối bời bời : Có người tới dẫn Xa-mơ về cái núi Mo-so nữa chăng ? Lẽ nào Xa-mơ không muốn ở đây ăn gạo trắng thay cây non chát ngấm trên rừng. Lẽ nào Xa-mơ chối bỏ không múa Lăm vông, lắc đầu khi nghe tiếng trống bập bập bùng bùng chật nức phum Bâng-briêu và con lộ đá đỏ ? Từ một cô gái trông không ra một cô gái, ốm tong và lép kẹp như chiếc lá héo, như cái vành xà-neng nay đã được no no cái mông, no no hai cái má và lồ lộ hai cái đồng tiền lúc cười chúm chím...
Không thể như vậy được ! Mách không nổ súng. Từ trên tầng gác trại tù binh, Mách đánh đu theo một cành cây tụt nhanh xuống đất và anh vụt đuổi theo Xa-mơ. Nhưng kia, Si-phol, Xa-pư vật ngã Xa-mơ xuống. Xa-mơ vùng vẫy, hất hàm về phía người con gái mặc chiếc xà-rông đen đứng trơ ra như một thân cây chết khô.
Tiếng Xa-mơ khản đặc :
- Thiếp ! Con Thiếp nó về phá cái núi Bâng-briêu nữa kìa. Con Thiếp nó giết Xa-mơ ... Con Thiếp !
Đoạn, Xa-mơ đưa tay vỗ vỗ lên đầu lên tóc. Và chiếc đầu nhỏ nhắn gục sâu xuống. Nắm tay Xa-mơ giơ ra hướng về cô gái đứng trước mươi người đàn bà ăn mặc lôi thôi lếch thếch dụm lại dưới một gốc sao to.
Mách tới.
Mách chợt hiểu tốp người ở Mo-so tìm về phum cũ, tìm anh em cách mạng. Không dần dà một phút, Mách vội vàng ngăn Xa-mơ. Nhưng không ngăn nổi.
Xa-mơ hai tay nắn nắn hai cục đá, sẵn sàng tạt vào mặt Thiếp. Xa-mơ lập đi lập lại với Mách mấy lần câu nói hớt hơ hớt hải nãy giờ. Một bà lão thân người gầy nhom hiện ra. Bà ngồi trên chiếc võng đong đưa dưới cây đòn bắc qua hai vai của hai thiếu nữ. Hai chân bà lão sưng vù, sợ sệt run rẩy trên đất đá. Chính bà cản được hai cái chân Xa-mơ mấy lần chồm chạy ra phía trước. Xa-mơ trố mắt nhìn bà. Lại quay nhìn Mách, Xa-mơ nấc lên tiếng khóc tức tưởi...
***
Như thường lệ, mỗi lần có người bị bọn tàn quân Pôn-pốt lùa lên rừng lên núi trở về, Mách mệt đờ người. Mách ngồi sòng cả buổi, cả ngày, để ghi chép cái biên bản, kể cả những buổi ngồi tra hỏi tù binh. Lần nầy Mách hơi bối rối vì Xa-mơ không chịu lánh mặt để Mách gay vào việc tìm hiểu câu chuyện mới xảy ra giữa Xa-mơ và Thiếp.
Mách ngồi trên ghế mây đặt hơi xa cái bàn nên trông người lùi lũi. Đầu Mách cắm cúi trên tấm giấy trải ra trước mặt. Nhân chứng chủ yếu là bà Thốt mẹ của cô Thiếp đứng kế bên. Sau khi ăn bữa cơm với thịt nai nướng no nê, bà Thốt mới ngồi dậy nổi, dần dần gượng đứng thẳng lên. Tự bà đứng dậy chứ không ai bắt bà phải đứng cả. Mách cản bà mấy lần, mời bà ngồi, nhưng bà vẫn đứng đấy, cố nói thay cho đứa con gái. Hai hố mắt bà trũng sâu, má hóp, những đường gân trên thái dương xanh xao, giần giật. Tóc bà ngắn ngủn, ngắn hơn tóc đứa con gái có đôi mắt mí lót của bà.
- Hồi đó hai đứa như hai con chó con – Bà Thốt rón rén chỉ Xa-mơ và Thiếp, nói.
Sau đó, bà Thốt chấp hai tay trước ngực, cất tiếng kể lể khàn khàn. Tiếng bà như vọng ra từ hai hố mắt sâu thẳm:
- Tụi nầy nó hay cắn nhau chơi chơi lắm. Đi rừng đào củ mì cũng cắn, vô hang đá ngủ cũng cắn. Mà cắn chơi chơi, nhẹ nhẹ thôi chớ không cắn thiệt. Tôi chen vô nằm giữa tụi nó mới thôi hú hí với nhau. Tôi buồn rầu muốn chết mà hai đứa nó có biết gì, lãnh được mấy củ mì ăn xong, uống nước no óc ách cái bụng là được rồi. Sau nầy hai cái tay, hai con mắt của nó mới biết buồn buồn...
Bà Thốt kể chuyện tỉnh táo, giọng khàn khàn càng nhỏ dần, tiếng lặn tiếng nổi nhưng Mách đoán hiểu.
Thiếp chốc chốc chen vào một câu, sợ hãi, đôi mắt hấp háy không dám nhìn Xa-mơ. Hai bàn chân, cả hai bàn tay sưng vù của Thiếp run lẩy bẩy.
Lúc đó là lúc bà Thốt còn thuật loanh quanh chuyện ngủ trong cái hang đá đêm đêm. Cái hang đá chứa ba mươi người, toàn là đàn bà và con gái. Thằng Cum ngồi giữ miệng hang, cái vai cong cong sập xuống thấp hơn mũi súng luôn lắc lư. Đêm tối bưng nhưng người trong hang vẫn thấy sờ sờ trước mặt một thằng Cum đen trại, mặt lấm tấm mụn, hàm răng thưa rỏng ngồi như một con chó dữ.
Đố ai thấy thằng Cum cười. Nhưng có một lần nó phá lên cười ha hả với Xa-mơ.
- Mầy có thằng Mách thương mầy nhiều nhiều phải không Xa-mơ ? Thằng Mách theo cánh Hên-xom-rin đó. Hắn nói xong liền cười ha hả.
Xa-mơ giật mình day lại. Xa-mơ nghe lạnh toát sau gáy, chờ chờ cái sống rựa của thằng Cum bổ lên nữa là xong chuyện. Nhưng thằng Cum vẫn lom khom cái lưng cong vòng ngồi bên cạnh, một tay bốc đất vãi tung tóe. Cô gái chợt nhớ ra lúc đêm mình thuật chuyện nhà cho con Thiếp nghe, nói chuyện như tiếng con chuột kêu tí tục, nho nhỏ vậy mà thằng Cum nghe được. Hai lỗ tai nó lóng quá. Chắc là nó nghe hết cái đoạn mẹ Xa-mơ bị người ta tạt cái sống rựa vào gáy rên ư ử rồi cả thân người sập xuống cái lỗ tự tay bà đào – Người ta bắt bà đào cái lỗ trồng cây dừa cho mát con lộ tráng xi-măng trong thị xã Kô-kông, kế nữa là chuyện Mách. Mách yêu Xa-mơ thật nhiều. Mách hiền khô như cục đất ấy mà nói chuyện cho Xa-mơ nghe êm êm hơn tiếng hàng dương lay nhẹ trước khu Bệnh viện thị xã. Mách thường chèo chiếc xuồng độc mộc đưa Xa-mơ sang Kók-pí – cái phố khép nép dưới chân đồi, bẽn lẽn giấu mặt vào trong không chịu dòm ra biển cả. Mách đưa Xa-mơ lên thăm cái chùa Kók-pí rồi trở về xóm vàm Ba-khon ngồi khỏa nước rửa chân tới sáng...
Mách theo cách mạng.
Từ thị xã Kô-kông Mách ra đi. Hôm ấy Xa-mơ diện chiếc xà-rông kẻ xọc xanh lờ lờ, áo thun đỏ bẻ cổ đi tiễn Mách. Hàng dương ven con lộ đất đỏ không đủ để tiễn người đi. Hàng dương không chịu tiễn người xuống tới bến, trống trải một đoạn, nhưng tiếng ve mùa hè ra rả suốt một quãng sông dài. Tàu chở Mách chưa rời bến thì Xa-mơ chạy tung lên bờ. Xa-mơ chạy miết để khỏi phải dòm thấy bóng biển, bóng Mách và bóng con tàu ra đi...
Chuyện ấy thằng Cum biết hết rồi!
- Thằng Cum nói :
- Xa-mơ nè, mầy với Thiếp đào củ mì nhiều nhiều, gấp mấy lần con chó già Thốt. Tội mầy thương thằng phản động, lớn lắm. Nhưng mầy đừng lo, tao cần cái củ mì.
Không thèm cầm cái củ mì, thằng Cum đưa mấy ngón tay lên miệng làm hiệu. Rồi chỉ tay xuống bụng. Bỏ đi. Tên đội phó một cánh quân Pôn-pốt bước lùi lũi, hấp tấp. Hắn không ngó ngoái lại. Nhưng Xa-mơ hai tay không ngơi nghỉ đào xới đất tìm củ mì.
Mắt cô gái nhắm nghiền và có cảm giác lành lạnh triền miên sau gáy. Thằng Cum giết người đến số trăm chớ phải ít ỏi gì. Thật ra chính tay hắn cầm rựa chém sả vào đầu người khác thì ít, chỉ một vài lần bà con trong phum cãi lại hắn. Hắn không thích ai cãi với hắn cả, và cũng không ưa ai không chịu gọi hắn bằng “Ông lớn”. “Ông lớn” mấy lần lùa dân phum đi lao động lúc chập tối, bắt dân xếp hàng và bắt người đứng sau chém sả sống rựa vào đầu người đứng trước. Hắn đứng nghe đầy tai tiếng lụp bụp của sống rựa va vào sọ người, tiếng rên ư ử, và tiếng giãy chết đành đạch. Người sau cùng hắn mới ra tay. Cũng chẳng cần tới cây rựa, hắn xô ngả nghiêng ngả ngửa người đứng đó như xô ngả cây sao chết khô bị cưa đứt gốc trên rừng.
Xa-mơ chờ đợi cái ngày ấy đến. Nhưng ba bốn ngày trôi qua nó không đến với Xa-mơ. Đang ngồi bốc vỏ củ mì dưới một tán ổi rừng bông tím trổ rộ, thằng Cum bước tới, nói :
- Mầy thương thằng phản động nên mầy không đáng ngủ trong hang. Cái bụng mầy không chịu để trên núi với tụi tao mà – Thằng Cum lại vung cây rựa chỉ xuống lưng núi – Mầy xuống dưới đó đào cái củ nừng đem về. Đi !...
Lạ thay, nghe vậy, Xa-mơ tỉnh hẳn. Cô gái luống ca luống cuống vận lại chiếc xà-rông thật chặt. Lấy khăn trùm kín chiếc võng và cây rựa xong, Xa-mơ lần xuống núi. Xa-mơ chỉ rưng rưng nghĩ ngợi vì từ nay không còn được bà Thốt gảy lưng cho đêm đêm, không còn được con Thiếp gác hai chân lên bụng lúc ngủ...
Xa-mơ đi được một đỗi đường. Lưng núi không có con đường mòn cho Xa-mơ đi. Xa-mơ lao lách qua rất nhiều vách đá lởm chởm, dốc đứng, chẳng thấy một bóng người. Bà con ở Tà-óc, Tà-bong, Bâng-briêu nay ở đâu ? Những người bị lùa lên rừng lên núi nay ở đâu ? Xa-mơ bước lững thững tự hỏi. Bỗng Xa-mơ lùi lại mấy bước, sửng sốt : Trước mặt Xa-mơ hiện ra chiếc võng chở nặng một khối thịt im thin thít. Khẩu súng chúi mũi nằm kế bên. Xa-mơ nén không được, kêu “ối” lên một tiếng hốt hoảng. Và Xa-mơ tiếp tục kêu la vang dậy cả góc rừng. Người nằm trên võng không cục cựa, không trả lời Xa-mơ. Xa-mơ bước tới. Bước tới nữa ... Tiếng lá cây khua xào xạc. Đàn ruồi bay túa ra. Xa-mơ nhắm nghiền mắt lại. Xa-mơ hiểu... Cô run rẩy bước sang con đường khác. Lại hiện ra trước mắt cô một chiếc võng đen sập thụng xuống la đà trên vách đá. Một khẩu súng AK gác ngang xác một đứa trai mặt non choẹt. Kim đồng hồ trên tay người lính Pôn-pốt ấy vẫn xoay rối rít....
Xa-mơ lùi lại. Cô tự vẹt con đường khác để đi. Người cô như mắc trong một tấm lưới, trôi tuột xuống dần...
Trọn một ngày mà khi ngó ngoái lại, Xa-mơ vẫn thấy tảng đá xám đen chỗ thằng Cum thường ngồi. Nhiều tảng đá khác xam xám hao hao hình thù thằng Cum dòm xuống chỗ Xa-mơ. Xa-mơ không dám nhìn lên đỉnh núi, lùi lũi bước đi như thể cô đang dòm ngó chỗ đào bới cái củ mì, củ nừng dưới thung lũng. Cái thung lũng chìm sâu dưới chân núi, những tán thốt nốt như những tán dù đen lơ lửng, chơi vơi. Người Xa-mơ chìm dần trong đám cỏ lông kông, một cánh đồng cỏ lông kông trổ bông vàng tươi phấp phới như đám lúa Ba trăng chín rộ.
Xa-mơ không gặp một bóng người. Bầy trâu rừng trông thấy Xa-mơ bèn cắm cổ chạy rùng rùng tứ phía. Như thể đàn trâu chạy trối chết vậy. Nhưng nào phải đàn trâu rừng. Hoàn toàn không phải đàn trâu rừng. Là vì Xa-mơ nghe tiếng mõ trâu khua lum cum, leng keng dậy vang bên tai ; mỗi con trâu là mỗi cái mõ tre gài thắt vương vướng dưới cổ. Dây buộc cái mõ tre lỏng le và những cổ trâu ốm nhom ốm nhách. Xa-mơ đứng khựng lại, mải miết nhìn con trâu bị thương chỗ bắp đùi phía chân sau. Đôi sừng con trâu bị thương khuỳnh ra cong vút, cái mõm ngăn ngắn và đôi mắt hiền khô nhìn Xa-mơ. Mãi lâu, con trâu bị thương không lẩn chỗ khác trong lúc đàn trâu lạc loài mất hút từ xa, để lại tiếng mõ dậy vang một góc rừng. Và lạ thay, con trâu còn lại một mình nhấc cái chân đau bước lụp tụp tới gần Xa-mơ hơn. Xa-mơ không biết sợ là gì. Xé đôi chiếc khăn trùm đen, Xa-mơ chia cho con trâu một nửa. Xa-mơ cắm cúi ràng rịt vết thương cho trâu. Rồi sau đó cô tự khoanh một chỗ để nằm. Cô chưa nằm, cô ngồi ngửa mặt nhìn cái tán cây dầu che bóng nắng buổi chiều, mát rượi, rồi nhìn ra sóng cỏ lông kông vây kín chung quanh. Cô cảm giác chỗ cô đang ngồi ấm cúng giống cái ổ trứng gà sắp nở.
Đang lúc Xa-mơ ngồi im lìm, con trâu bị thương nhấc cái chân đau đủng đỉnh bước tới. Đứng đấy. Xa-mơ vội vàng đứng lên. Cũng đứng lặng im chỗ ấy. Rồi không biết nghĩ sao, Xa-mơ thoắt cái đã trèo lên đọt cây thốt nốt thấp nhất, kéo ghị mấy tàu lá xanh. Cô tụt xuống. Cô lần lựa thắt một chiếc gàu bằng lá thốt nốt. Thắt xong hai ba chiếc gàu. Để con trâu đứng đấy, Xa-mơ lần xuống suối múc nước. Lòng con suối sâu hun hút bên kia những tảng đá ngồi chông chênh, đàn trâu không thể xuống con suối uống nước được.
Con trâu bị thương mòm mọp xuống chiếc gàu nước trên tay Xa-mơ. Nó uống ừng ực, và cứ nuốt thốc nuốt tháo. Uống xong, nó cứ đứng hoài một chỗ, đôi mắt hiền khô ươn ướt nhìn Xa-mơ. Chốc chốc nó lại đi, lại về. Mỗi lần về có thêm một con trâu khác theo về. Rồi cả đàn trâu cùng về để được uống nước.
Hai ngày trôi qua rất nhanh chóng. Xa-mơ quên tìm chỗ có củ mì, củ nừng. Công việc chăm sóc con trâu bị thương, việc múc nước dưới lòng con suối sâu hun hút đem lên cho trâu uống làm mất thời gian của cô. Cô vui vui phút chốc. Nhìn con trâu bị thương với hai vành tai ve vẩy, đôi mắt hiền khô, Xa-mơ thầm nhủ “Mầy giống con Thiếp lắm! Mầy làm bạn với Xa-mơ nghe !...”
Xa-mơ buồn buồn cầm gàu nước trở lại chỗ nằm. Lá sao khô rơi sột soạt, cồm cộm dưới lưng. Thỉnh thoảng từng đợt lá khô đáp xuống mặt, rải tung toé trên đám cỏ lông kông đang vẩy lên từng đợt sóng. Xa-mơ nằm lắng tai nghe tiếng trống bập bập bùng bùng xa xa. Cô tự hỏi tại sao có được một tiếng trống ấy lúc nầy ? Chung quanh đây là vùng của thằng Cum kiểm soát mà, chỉ có nơi nào Mách ở mới có tiếng trống rủ ren dân phum tụ hội múa Lăm vông thôi ! Xa-mơ nao nao nhớ tới Mách, bụng dạ bồn chồn nhớ cái phố nhỏ Kók-pí dưới chân đồi, bẽn lẽn không thèm nhìn ra biển khơi mênh mông. Nhớ quá. Nhớ bà Thốt và cô Thiếp nữa.
Đang lúc Xa-mơ buồn buồn nghĩ ngợi, bỗng thằng Cum từ trên đỉnh Mo-so trờ tới. Hắn đứng lặng một lúc lâu mới nói :
- Mầy đào được bao nhiêu củ mì ? Báo cáo !...
Cum nói chưa dứt, đàn trâu rùng rùng bỏ chạy. Con trâu bị thương không chạy, nhấc cái chân đau tới gần Xa-mơ hơn. Đứng đấy. Xa-mơ lồm cồm ngồi dậy. Đôi vai Xa-mơ run khe khẽ.
Thằng Cum nói :
- Con trâu giúp được gì cho mầy, cho tao ? Mầy thấy đó, nó yếu hơn bà Thốt nữa mà bóc lột được công của mầy !
Thằng Cum lom khom bước tới một bước. Như gốc củi cong cong cháy đen, Cum tiếp:
- Nó bị đau để sống làm gì ? Nó đeo cái mõ thật tốt mầy thấy đó. Cái mõ khấc tới ba lằn đen giống như cây cột nhà thầy giáo Bon ở Tà-óc vậy. Mầy thấy không?
Cum tiếp tục hỏi :
- Mầy thấy thầy giáo Bon đeo kiếng tối ngày không ? Nó viết chữ thật khéo đó mà.
Xa-mơ nép nép vào mình con trâu bị thương. Và dựa hẳn vào mình nó. Xa-mơ ngửa mặt nhìn thằng Cum, không nói được một tiếng nào. Lâu nay cô không dám nói, ai cũng thế, thành ra quen. Nhưng lần này ngực cô sôi lên căm tức. Lồng ngực cô luôn phập phồng.
Cum thích thú, tiếp :
- Mầy không biết thầy giáo Bon à ? Nhà nó có cây cột bằng cây sao có ba lằn búa xẻ dưới chân. Nó dạy học, ngày ngày nó truyền cho tốp con nít viết cái chữ trên bảng đen. Nó làm gì mầy biết không ? Nó dạy cho đám con nít sau nầy bóc lột đó. Cái tội nó lớn lắm, lớn hơn thằng Mách của mầy nữa, biết chưa ?
Con trâu loay hoay động đậy, bước lụp tụp hoài nhưng không chịu lẩn tránh chỗ nào khác.
Thằng Cum bước tới một bước nữa, nói.
- Mầy kiếm cây kiếng trồng vô hai con mắt nó đi. Nó biết chữ mà. Nó bóc lột hết cái ruột của mầy rồi.
Cum bỗng giận đùng đùng. Hai chân hắn dậm dậm xuống đất và khẩu súng AK lắc lư trên tay :
- Mầy coi ... - Cum vừa hất hàm vừa giơ khẩu súng lên – Mũi súng chĩa thẳng tới vành tai con trâu đang vẩy nhẹ. Một tiếng nổ tóe lửa. Những tiếng cười ha hả tiếp theo. Con trâu rống lên mấy tiếng rồi ngã sập xuống. Xa-mơ cũng ngã té dúi dụi, hai con mắt đổ sao lốm đốm...
Tỉnh dậy, Xa-mơ không thấy thằng Cum đâu nữa. Tại sao nó không giết Xa-mơ đi ? Xa-mơ không sợ đâu ! Xa-mơ thầm nhủ. Lồng ngực Xa-mơ như có cái trống thúc lên, thúc mãi, chộn rộn hơn tiếng lum cum, leng keng của bầy trâu lạc loài giữa rừng. Tai Xa-mơ nghe đầy đặc tiếng mõ trâu, tiếng trâu đi khua lá rừng lào xào. Và hiện ra trước mắt Xa-mơ cái bóng dáng thằng Cum và đồng bọn cố đi gieo cái chết như trước đây nữa. Cái chết đang đè nặng chung quanh Xa-mơ đây ; cái chết vẫn còn đè lên những tán dù thốt nốt chơi vơi, lơ lửng ; cái chết đè nặng lên cả một dân tộc nầy !...
***
Bà Thốt giũ lạch phạch chiếc khăn trùm đen trên vai bà. Ngoài sân, tiếng lá cây thở rì rào triền miên, tiếng con suối Re chảy róc rách. Và tiếng gió núi lùa qua. Vẫn đứng nguyên như cũ, hai hố mắt bà Thốt ngân ngấn nước mắt. Nước mắt không trào ra và chảy lã chã phía ngoài hai hố mắt sâu hoắm của bà được. Giọng bà vẫn tỉnh táo không thay đổi và rung nhè nhẹ như tiếng kêu của miếng da bịt trống không mấy thẳng thốn.
Mách thôi viết. Anh ngửng lên dựa vào thành ghế mây. Một bàn tay anh choãi cằm, và tay kia, chốc chốc vẹt mái tóc đổ xuống trán sang một bên. Cái trán hơi dô càng dô thêm, rịn ướt mồ hôi lấm tấm.
Bỗng Mách lên tiếng vừa lúc hất hàm về phía Xa-mơ :
- Có đúng vậy không, Xa-mơ ?
Mách ôn tồn :
- Cả bà Thốt, cả cô Thiếp đi về Bâng-briêu ở luôn với cách mạng đó. Xa-mơ nghe không ? Bà Thốt nói có đúng vậy không ?
- Xa-mơ chưa dịu cơn tức giận. Cô nguýt Mách :
- Sao không hỏi con Thiếp. Cái miệng con Thiếp biết nói ...
Thiếp nghe vậy đứng chết điếng. Bà Thốt liền đỡ lời đứa con gái đứng bên cạnh.
Bà nói :
- “Ông lớn” ấy à ? Ông Cum ấy à ? Ông Cum có nói gì đâu mà cái tai tui nghe được. À, ông Cum có nói lúc liệng cây rựa xuống chân con Thiếp : “Chuyện đời nó ngộ lắm mầy. Hồi trước mầy với Xa-mơ cắn nhau chơi chơi, bây giờ đừng cắn chơi chơi nữa. Bụng con Xa-mơ ở với đồng bằng chớ không theo mình lên núi đâu. Mầy cắn thiệt cho chảy máu đi, đừng cắn chơi nữa ...”
Bà Thốt đánh rơi chiếc khăn trùm đen xuống đất. Mọi người cùng về với bà đều nhóng cổ lên nhìn. Bà nhìn đáp lại mọi người một thoáng rồi day sang Mách.
Bà nói :
- Có trời mà làm chứng. Tui năn nỉ ông Cum cho tôi chết thay cho Xa-mơ mà ông Cum có chịu đâu. Tôi nói Xa-mơ nó còn ham vui, lâu lâu về phum Bâng-briêu gội đầu, chải tóc ... Còn tôi già rồi, nằm ở cái núi Mo-so luôn cũng tiện. Vậy mà ông Cum không chịu. Con Thiếp nó cũng cãi tôi, không để cho tôi ở luôn trên cái núi Mo-so. Tui ở cái núi Mo-so chỉ một việc dòm ngó chỗ để nó kiếm cái củ nừng thôi mà.
Bà Thốt thôi nói. Bà ngưng một lúc lâu. Thiếp nghe lạnh cóng hai bàn tay như ngâm thật lâu dưới nước suối. Lúc nầy, Thiếp hấp háy đôi mắt nhìn Xa-mơ. Thiếp không chờ đợi bà Thốt nói được nữa. Bà Thốt đuối mệt. Thiếp chấp hai tay trên cái ngực phập phồng, thuật tiếp câu chuyện bà Thốt bỏ dở.
***
Thiếp lò dò xuống chân núi. Cái bóng Thiếp đổ dài trên vách đá như cái bóng cây sao bị gió lay lay, chập choạng. Đi theo lối mòn, hai bàn chân Thiếp không chịu bước, Thiếp có cảm giác hai bàn chân lành lạnh nên chốc chốc hai bàn chân giẫm sâu xuống bãi cỏ lông kông. Mái tóc ngắn ngủn vắt qua hai bên mép tai làm gương mặt Thiếp thon dài hơn những ngày thường ...
Thiếp đang đi bỗng nghe tiếng gió tốc lá cây lào xào : Xa-mơ hiện ra đầu tóc rối bù ôm chầm lấy Thiếp :
- Mầy chưa bỏ tao à ? – Xa-mơ hốt hoảng nấc nghẹn.
-Thiếp lạnh lùng hỏi ?
- Củ mì đâu ?
Xa-mơ như không nghe thấy gì, đứng nhìn Thiếp từ đầu tới chân. Và Xa-mơ òa lên khóc. Xa-mơ khóc Thiếp như khóc con trâu bị thằng Cum bắn chảy máu tai cách đây mấy ngày.
Thiếp đứng trơ trơ chỗ thằng Cum đứng hôm nào. Chiếc võng đen bung trải ra dưới chân hai cô gái.
- Mầy chịu ngồi với tao chớ Xa-mơ, để tao giết con chí trên tóc mầy. Mẹ thấy chí trên tóc mầy nhiều lắm. Khuất cái núi, nhưng tao cũng dòm thấy như mẹ vậy.
Giọng Thiếp đổi khác :
- Con trâu già bốc lột mầy, không bắt chí được cho mầy. Mầy chịu ngồi xuống với tao đi. Ngồi xuống !...
Tuy vậy, Xa-mơ nghe tiếng Thiếp hay hay hơn tiếng ngàn lá cây khua xào xạc, tiếng mõ trâu rộn rực một góc rừng, và còn hay hơn tiếng con chim bay bay ngang mặt mỗi lần Xa-mơ nằm nghe gió núi vi vu. Xa-mơ liền túm lấy chiếc xà-rông, nhón chân một cái rồi ngồi sụp xuống bên cạnh Thiếp. Xông lên mũi Xa-mơ mùi mồ hôi, mùi ẩm mốc lá rừng. Xa-mơ thích thích, đôi mắt đen láy nhìn hoài gương mặt người bạn thân cùng phum Bâng-briêu lâu ngày gặp lại.
Thiếp vén hết tóc gáy Xa-mơ lên. Cái cổ Xa-mơ hơi nhóng cao nhưng no no hơn cái cổ Thiếp. Chắc là Xa-mơ ăn củ mì nhiều hơn mọi lần ! Thiếp nhớ và tin lời thằng Cum nói hôm trước với Thiếp.
Xa-mơ cúi gầm xuống, thôi hỏi nữa và để mặc cho Thiếp xốc xốc mấy ngón tay vô tóc. Xa-mơ không có cảm giác ngưa ngứa trên da đầu, cũng không êm ái như trước kia bà Thốt và cô Thiếp bắt chí cho Xa-mơ. Xa-mơ ngửa một bàn tay ra đón chí, và chờ tiện thể cắn cóc cóc những con chí bò nhột nhột bàn tay ngửa ra. Mãi lâu, Xa-mơ không đón được con chí nào...
Thiếp đoán biết tâm trạng Xa-mơ, Thiếp tiếp tục vét vét tóc sau gáy Xa-mơ lên. Mấy ngón tay xốc xốc vô tóc lóng ca lóng cóng của Thiếp bỗng bấm miết miết vào. Xa-mơ lấy làm lạ, ngửng lên. Xa-mơ hất tung mớ tóc ngược lên. Nhưng không kịp rồi. Đầu cô bị giằn xuống, mặt mũi chúi xuống chiếc võng đen. Cô vừa chợt nhận ra cái sống rựa sả vào sau gáy thì máu thấm ướt tới cổ, tới vai, hai tay Xa-mơ run lẩy bẩy, mấy ngón tay lần lựa đan vào nhau và bó chặt sau gáy. Xa-mơ bất tỉnh...
Thiếp biến mất. Thiếp vụt chạy lên núi. Và hai con mắt Thiếp cứ nhắm nghiền. Cắm cúi chạy... Thiếp chạy loanh quanh cái hang chứa ba mươi người đang ngủ tới lúc gà rừng tao tác báo canh hai cô mới chui vào hang, ôm cứng ngắt bà Thốt.
Bà Thốt nghe xong, không khóc. Nước mắt bà khô quánh không còn để khóc người chết nữa. Bà nhìn đứa con gái trừng trừng. Trong bóng đêm dày đặc, Thiếp lăn lóc dưới chân bà Thốt. Thiếp lăn lộn mãi và đánh thức mọi người dậy. Ba mươi người trong hang thức dậy nhìn Thiếp trừng trừng. Thiếp như nghe tiếng mọi người dồn hỏi : “Con Xa-mơ đâu ? Mầy giấu nó ở đâu ? Đi đem nó về ngay!”...
Và Thiếp hoảng sợ chạy đi tìm Xa-mơ lập tức.
Trời tỏ mặt, Thiếp mới tới chỗ Xa-mơ, nhưng cô không thấy Xa-mơ đâu nữa! Vậy là Xa-mơ còn sống ! Xa-mơ còn biết chạy trốn mình ! Thiếp thầm nhủ vậy rồi cái cổ Thiếp nấc nghẹn. Thiếp quên khóc. Hai tay Thiếp bưng lấy khuôn mặt thon dài, hai bàn tay không đủ để che cái mặt. Thiếp bung chạy trở về cái hang trên núi.
Thiếp không tìm thấy Cum. Thiếp vào hang với mẹ.
Bà Thốt nằm sóng soài trên đất đá, mặt phủ lên chiếc khăn trùm đen. Bà nằm như chết. Thiếp lay lay hai chân bà dậy. Tiếng khóc của Thiếp làm chật chội cái hang, làm mấy chục người trong hang ngơ ngác nhìn Thiếp, nhìn bà Thốt. Mãi khuya hôm đó bà Thốt mới thức dậy, lồm cồm bò ra ngoài. Lâu nay bà không ra ngoài lúc nửa đêm khiến mọi người trong hang ngạc nhiên ngồi bật dậy và cùng kéo hết ra miệng hang với bà.
Bà Thốt ra tới miệng hang vẫn còn nắm kéo cánh tay cô Thiếp. Bà bước thẳng tới chỗ thằng Cum ngồi, một tay kia lăm lăm cây rựa.
Thằng Cum ngủ gật giật mình thức dậy, ngửa mặt nhìn tán cây tối hù trên đầu. Chung quanh hắn bóng tối bao phủ, dày đặc. Và dường như có một cơn gió vùi dập thổi tới khiến hắn cảm giác có một tốp người vây quanh xin chia phần củ mì, củ nừng để chống đói lúc đêm. Hắn cũng đang đói. Hắn khỏa khỏa tay và lắc đầu với mọi người rồi thiêm thiếp ngủ. Thằng Cum thức canh hoài thay cho thằng Xa-qual, thằng Xa-xoa đị phục kích đánh xe chở gạo của anh em Mách dưới cảng Kông-pông-xôm nên khó tỉnh táo trong lúc nầy được.
Bà Thốt không ra hiệu với mọi người cái giờ bà hành động. Bà trở cái lưỡi rựa trên tay bà...
Thằng Cum đầu như bị va mạnh vào cái tảng đá lớn ngồi kế bên. Không phải tảng đá mà là lưỡi rựa của bà Thốt và cô Thiếp vút vào đầu liên tiếp mấy cái thật đáng. Hắn bật ngửa ra. Những người trong hang tay không rời cây rựa, bồng xốc bà Thốt và lần đi xuống núi. Những tảng đá trăng trắng trong đêm là ánh lửa dẫn dắt mọi người đi lặng lẽ...
Thuật xong, Thiếp vẫn giữ hai bàn tay chấp lại trên ngực. Chốc sau, ngực Thiếp ngả quỵ xuống đất, người nhoài ra và từ từ co lại.
- Con nhỏ nói đúng đó “Ông lớn” ! – Tiếng bà Thốt khàn khàn, ấp úng.
Mười nhân chứng cũng nói lời bà Thốt mới vừa nói. Chộn rộn hẳn lên. Mười nhân chứng tiến tới chỗ Mách ngồi. Mỗi người xin một ý kiến. Mách đứng dậy, lắng nghe. Cái biên bản Mách ghi lời khai cuối cùng còn chừa một khoảng trống và hiện lên những nét mực kéo xổ xuống nhòe nhòe, tím thẫm.
Mách đứng thẫn thờ, hai mí mắt không còn sụp xuống nữa. Mách đứng nghe hết ý kiến mọi người xong mới cùng với Si-phol, Xa-pư tới đỡ Thiếp dậy. Xa-mơ nửa muốn cùng đỡ Thiếp với Mách, nửa dần dà. Và cuối cùng, Xa-mơ khóc thút thít, nước mắt chảy xuống hai gò má no no, lã chã. Xa-mơ lại lẩn thẩn bước ra đứng một mình bên vực suối.
Mách kêu với theo :
- Đợi Thiếp chút nè, Xa-mơ !...
Xa-mơ nghe tiếng Mách văng vẳng. Tiếng Mách quyện với tiếng ngàn lá thì thào, tiếng suối Re chảy róc rách và tiếng trống bập bùng xa xa... Xa-mơ nghe tiếng trống rõ nhất. Tiếng trống thúc lên từng hồi. Tiếng trống đong đầy cánh đồng Sre-ầm-pênh lơ lửng những tấm dù đen và những cột khói trắng mờ mờ bay bay theo triền núi.
Mách tới. Thiếp lẩn thẩn bước theo sau. Ba người đứng bên vực suối chỉ một mình Mách không khóc. Nhưng Mách cũng không nói gì thêm. Anh nheo nheo mắt nhìn cái bóng nắng ấm áp đậu nguyên trên mái tóc người yêu dấu !
Kô-kông – Năm Mẹ mất do ngã sông (12/8/1979)