Lev Grossman, TIME, Thứ Năm10/2/2011
http://www.time.com/time/health/article/0,8599,2048138-2,00.html
2.
Người ta đang tiêu rất nhiều tiền để cố hiểu nó. Trường Đại học Kỳ dị ba năm tuổi có những khóa học liên bộ môn cho các sinh viên đại học và ngành hành pháp, do NASA tổ chức. Google là một nhà tài trợ sáng lập; giám đốc điều hành của nó và đồng sáng lập viên Larry Page đã nói chuyện ở đó năm ngoái. Người ta bị hấp dẫn vào cái Kỳ dị vì giá trị gây chấn động của nó, giống như sự phô bày điều kỳ dị về trí tuệ, nhưng người ta chững lại vì nó có nhiều hơn họ mong đợi. Và tất nhiên trong trường hợp nó hóa ra là thật, thì nó trở thành điều quan trọng nhất xảy ra cho con người kể từ lúc phát minh ra ngôn ngữ.
Cái Kỳ dị không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới, nó chỉ khá mới thôi. Năm 1965 nhà toán học Anh I.J.Good mô tả một thứ mà ông gọi là một “sự bùng nổ trí tuệ”
Ta hãy định nghĩa một chiếc máy siêuthôngminh là một chiếc máy có thể vượt trội tất cả các hoạt động trí tuệ của bất kỳ con người nào dù thông minh đến đâu. Vì thiết kế ra máy móc là một trong những hoạt động trí tuệ này, nghĩa một chiếc máy siêuthôngminh có thể thiết kế ra những chiếc máy còn thông minh hơn, khi đó chắc chắn có thể có một cuộc “bùng nổ trí tuệ”và trí thông minh của con người sẽ bị rớt lại đằng sau rất xa. Như vậy chiếc máy siêuthôngminh đầu tiên sẽ là sáng chế cuối cùng mà con người cần làm.”
Từ kỳ dị được mượn từ môn vật lý thiên thể: nó nói đến một điểm trong không-thờigian, chẳng hạn bên trong một hốc đen - tại đó các quy luật vật lý thông thường không áp dụng được. Trong những năm 1980 nhà tiểu thuyết viễn tưởng Vernor Vinge đã gắn nó với kịch bản bùng nổ trí tuệ của Good. Trong một hội nghị chuyên đề của NASA năm 1993, Vinge đã tuyên bố rằng “trong vòng 30 năm nữa, chúng ta sẽ có các phương tiện công nghệ để tạo ra trí thông minh siêu nhân. Ít lâu sau đó, kỷ nguyên loài người sẽ kết thúc.”
Vào thời gian đó Kurzweil cũng nghĩ đến cái Kỳ dị. Ông bận tâm về nó từ lúc xuất hiện trong trò vui Tôi có một bí mật. Là một kỹ sư và nhà sáng chế ông đã tạo dựng nhiều cơ nghiệp, ông đã thành lập sau đó bán đi công ty phần mềm đầu tiên của ông khi ông còn đang làm việc ở Viện Công nghệ Massachusett. Ông đã chế ra chiếc máy đọc cho người mù đầu tiên (từ chữ in đọc thành lời) - Stevie Wonder là Khách hàng Số 1 và tiến hành đổi mới trong hàng loạt lĩnh vực kỹ thuật, kể cả máy soạn nhạc tổng hợp và máy nhận dạng lời nói. Ông nắm giữ 39 bằng phát minh sáng chế và 19 bằng tiến sĩ danh dự. Năm 1999 tổng thống Bill Clinton đã tặng ông Huân chương Quốc gia về Công nghệ.
Nhưng Kurzweil còn theo đuổi một sự nghiệp song song như một nhà tương lai học: ông đã xuất bản những tư tưởng của ông về tương lai của loài người và loài-máy trong vòng hai mươi năm, gần đây nhất trong cuốn Cái Kỳ dị đang đến gần, là sách bán chạy nhất năm 2005 khi nó ra đời. Một phim tài liệu cùng tên, nhân vật chính là Kurzweil, Tony Robbins và Alan Dershowitz, cùng với nhiều người khác, phát hành hồi tháng Giêng. (Thực tế Kurzweil là chủ đề của hai bộ phim tài liệu đang lưu hành. Một bộ phim khác, ít thẩm quyền hơn nhưng nhiều thông tin hơn, có tên là Con người Siêu việt.) Bill Gate gọi ông là “người giỏi nhất mà tôi biết trong việc tiên đoán tương lai của trí tuệ nhân tạo.”
Trong đời thực, con người siêu việt là một nhân vật tầm thường có thể được coi là người em thiếu hấp dẫn của Woody Allen. Kurzweil lớn lên ở Queens, N.Y., và thậm chí bạn có thể thấy dấu vết của điều đó trong giọng nói của ông. Năm nay 62 tuổi, ông nói bằng giọng nhẹ nhàng bình thản gần như thôi miên của một người đọc đến 60 bài diễn thuyết trước công chúng trong một năm. Là người biện hộ nhiệt thành nhất của cái Kỳ dị, ông đã nghe tất cả các câu hỏi và rất nhiều lần đánh bạt nỗi ngờ vực. Ông hồn hậu nói về nó. Cung cách của ông gần như là của một người có lỗi: Tôi ước gì có thể đem đến cho các bạn những tin tức ít gây kích động hơn về tương lai, nhưng tôi đã nhìn vào những con số, và đây là điều mà tự chúng nói lên, vậy thì tôi còn có thể nói với các bạn điều gì khác nữa?
Kurzweil bắt đầu quan tâm đến số phận cyborganic của loài người từ năm 1980 như một vấn đề thực tế. Ông cần các phương pháp đo lường và theo dõi sát quá trình công nghệ. Ngay cả những phát minh vĩ đại nhất cũng thất bại nếu chúng đến trước thời của chúng, và ông muốn chắc chắn rằng khi ông công bố phát minh của ông, thì nó đúng thời điểm. “Ngay tại thời gian đó, công nghệ cũng chuyển động nhanh đến mức từ lúc khỏi đầu đến lúc hoàn thành một dự án, thế giới đã khác đi rồi” ông nói, “vậy giống như trong trò chơi bắn bồ câu bằng đất sét - bạn không thể nào bắn trúng đích.” Tất nhiên ông biết định luật Moore, nó nói rằng số transistor bạn có thể đặt vào một vi mạch cứ sau khoảng hai năm lại tăng lên gấp đôi. Kurzweil thử vẽ sơ đồ một đường cong hơi khác: biến thiên theo thời gian của khả năng máy tính, đo bằng MIPS (triệu chỉ thị trong một giây), mà bạn có thể mua với 1.000$
Hóa ra, các con số này lại rất giống với các con số của Moore. Cứ sau hai năm chúng tăng lên hai lần. Được vẽ thành đồ thị, cả hai làm thành những đường cong hàm số mũ, với các giá trị của chúng tăng lên bằng cách nhân với hai chứ không phải bằng những số gia đều đặn trong một đường thẳng. Các đường cong này vẫn giữ vững một cách kỳ quái, ngay cả khi Kurzweil lấy lùi lại nhiều thập kỷ cho đến tận những năm 1990, với những công nghệ máy tính tiền-transistor như rơ le và đèn điện tử chân không.
Sau đó Kurzweil cho chạy những con số đó trên một cụm những chỉ số công nghệ quan trọng khác - sự giảm chi phí chế tạo transistor, sự tăng tốc độ xử lý của các bộ vi xử lý, sự sụt giá của bộ nhớ RAM động lực. Ông còn năng nổ đi tìm những xu hướng trong công nghệ sinh học và xa hơn nữa, - sự giảm chi phí sắp xếp chuỗi DNA và dịch vụ truyền dữ liệu không dây, và sự tăng số lượng máy chủ Internet và các bằng sáng chế công nghệ nanô. Ông luôn luôn tìm thấy cùng một thứ: sự phát triển tăng tốc theo hàm số mũ. “Thật đáng kinh ngạc sao những đường đạn ấy uyển chuyển đến thế” ông nói. “Xuyên qua dày và mỏng, chiến tranh và hòa bình, thịnh vượng và suy thoái.” Kurzweil gọi nó là luật của sự trở về tăng tốc: tiến bộ công nghệ diễn ra theo luật số mũ chứ không phải tuyến tính.
Còn tiếp