Không ít người nghĩ cách tân là đi tìm sự đổi mới về hình thức, về công nghệ biểu đạt. Thơ tự do không vần, thơ văn xuôi thay cho thơ vần luật, thơ tự hành (ecriture automatique), thơ “tân hình thức” (phải gọi là thơ “điển thức mới” mới đúng nghĩa gốc tiếng Mỹ cũng như đúng tinh thần của nó. New formalism: trở lại điển thức với những nét mới. Dana Gioia người khởi xướng ra nó bảo là “the revival of traditional forms” – sự sống lại của những hình thức truyền thống); thơ – hình; thơ – âm, thơ – trình diễn… Ở phương Tây, những tìm tòi như thế tác động mạnh tới nền thơ, vì thơ nói riêng và tòan bộ văn học nghệ thuật của họ mang tính tự trị cao, sinh hoạt văn học nghệ thuật tự nó đòi hỏi sự đổi mới không ngừng không khác nhu cầu đổi mốt quần áo, xe hơi… Tuy nhiên, phải thấy những cách tân quan trọng và thành công đều xuất phát từ sự thức tỉnh đời sống nội tâm do tác động của hoàn cảnh xã hội hoặc những phát kiến mới về thế giới quan – nhân sinh quan. Từ nhịp tâm hồn mới ra nhịp thơ mới. Chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa siêu thực, phong trào Beat… là như thế. Đó chính là “cách tân từ cách tâm”. Những cách tân thuần túy hình thức khó sống và khó truyền: thơ xếp hình (calligrammes), thơ con chữ (lettrisme), thơ cụ thể, thơ-vật thể…
Ở ta, mấy chục năm nay, hình thức cách tân duy nhất thành công là thơ tự do (có và không vần). Từ chỗ bị đánh (Nguyễn Đình Thi), sau không bị đánh nhưng vẫn lép vế, nay nó ngang ngửa với thơ vần điệu. Những thể nghiệm mới lạ khác về hình thức từ Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường những năm 1960, 1970, đến Nguyễn Quang Thiều hồi gần đây… hầu như mới chỉ đánh thức những khát vọng bứt phá khỏi lối mòn vòng khép nơi những người làm thơ trẻ, chưa thành trào lưu hay trường phái, nói gì chinh phục được công chúng rộng. Công lớn nhất của các nhà cách tân ta phải ghi nhận: phá vỡ tư duy định hình về thơ hàng nửa thế kỷ của giới văn chương và “quản lý văn chương”, khiến người ta phải “cho qua” mọi hình thức thơ có thể. Giống như cho qua rằng cái gọi là “áo” không nhất định phải có cổ áo, tay áo, thân áo, khuy áo… mà là mọi tấm vật liệu có thể che lên nửa trên thân, vải, da hay giấy, kể cả… vẽ lên da. Thế mà cũng phải mất đến vài chục năm!
Trong khi đó, cái mới do “cách tâm” vẫn dễ truyền cảm hơn. Xúc cảm mới, tình cảm mới, tâm trạng mới tạo nên giọng điệu mới, thi ánh mới, từ pháp mới, cú pháp mới, cấu trúc mới… Tuy chưa mới bao nhiêu về thể điệu, cấu trúc, từ pháp, cú pháp, nhưng Vi Thùy Linh chẳng hạn, gây chấn động nhờ cảm hứng bạo liệt, tuôn trào của người đàn bà yêu một thứ tình khát dục không cần kiềm chế hay giấu giếm, là tiếng nói chân thực của một bộ phận lớp trẻ thời chuyển tiếp hai thiên kỷ.
Nhóm “Mở miệng” sẽ có vị trí trong lịch sử thơ Việt, ghi dấu buổi giao thời hỗn loạn, cái tục tĩu, rác rưởi, “hạ cấp” ngang nhiên đòi quyền ngôn luận bình đẳng với cái đạo đức (giả), vàng son (rỏm), “cao quí” (bịp). Những hình thức như giễu nhại, thay lắp từ, khai thác vốn từ lóng – ngọng của giới bụi đời rất ăn với tinh thần dân túy cực đoan của nhóm trẻ bản lĩnh này. Nhóm này “cách tâm” và “cách tân” đồng bộ. Nếu là ở phương Tây thì chẳng thua gì Dada!
Xem ra cái “cách tâm” nhiều khi còn khó nuốt hơn cái “cách tân”. Xưa, cùng làm thơ không vần, nhưng Trần Mai Ninh đâu bị đánh, mà Nguyễn Đình Thi bị, sâu xa là vì “cái tâm” tạch-tạch-xè ủy mị trong thơ ông bị coi là không lợi cho cuộc chiến.
Cuối cùng, “cách tân” hay “cách tâm”, đều quý cho Thơ, cho Nghệ thuật, vì nó biểu thị linh hồn của mọi sáng tạo: khát vọng Tự Do./.