Lev Grossman, TIME, Thứ Năm10/2/2011
http://www.time.com/time/health/article/0,8599,2048138-4,00.html
4.
Nhưng mục tiêu của ông hơi khác với mục tiêu của Grey. Đối với Kurzweil, vấn đề giữ được càng khỏe càng tốt không quan trọng lắm, vấn đề là làm sao sống được đến khi cái Kỳ dị xuất hiện. Nó là một nỗ lực chuyển giao. Một khi trí tuệ nhân tạo siêu thông minh xuất hiện, được trang bị bằng công nghệ na nô tiên tiến, chúng thực sự có khả năng vật lộn với những vấn đề cơ thể vô cùng phức tạp liên quan đến tuổi già của con người. Như một lựa chọn thay thế, đến lúc đó chúng ta sẽ có khả năng chuyển trí tuệ của chúng ta sang những cấu trúc vững chắc như máy tính hoặc rô bôt. Ông và nhiều Singularitarian khác coi lời tuyên bố rằng nhiều người đang sống hiện nay sẽ kết thúc bằng sự bất tử chức năng là nghiêm túc.
Đó là một ý tưởng vừa cấp tiến vừa cổ lỗ. Trong bài thơ “Giương buồm tới Byzantium,” W.B Yeats mô tả tình trạng khó chịu về thân xác của loài người như một linh hồn bị buộc vào một con vật chết. Thay vì thế, sao không cởi nó ra và buộc nó vào một rô bôt bất tử? nhưng Kurzweil thấy rằng sự kéo dài tuổi thọ của con người còn gây ra nhiều chống đối trong số cử tọa của ông hơn là những đường cong hàm số mũ của ông. “Có những người không thể chấp nhận rằng máy tính có thể thông minh hơn con người,” ông nói. “Nhưng ý tưởng về những thay đổi đáng kể tuổi thọ của con người - dường như đặc biệt gây tranh cãi. Người ta đầu tư quá nhiều cố gắng cá nhân vào những triết học đề cập đến vấn đề cuộc sống và cái chết. Tôi muốn nói rằng đó là lý do chủ yếu chúng ta có tôn giáo.
Tất nhiên, rất nhiều người nghĩ cái Kỳ dị là vớ vẩn. - một tưởng tượng, một ý nghĩ mơ tưởng, một phiên bản Thung lũng Silicon của câu chuyện Phúc Âm về Trạng thái mê ly, bởi một người kiếm sống bằng cách tung ra những tuyên bố kỳ quặc và chống đỡ chúng bằng một khoa học giả hiệu. Phần lớn những người phê phán nghiêm túc tập trung vào vấn đề liệu máy tính có thể thật sự trở nên thông minh hay không.
Toàn bộ lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), được dành cho vấn đề này. Nhưng hiện tại AI chưa tạo ra một loại trí thông minh mà chúng ta liên tưởng tới loài người hoặc ngay cả tới máy tính biết nói trong phim ảnh - HAL hay C3PO hay Data. Những AI hiện nay có khả năng chỉ làm chủ lĩnh vực hết sức chuyên biệt, như hiểu những câu hỏi tìm kiếm hoặc chơi cờ. Chúng hoạt động trong một khuôn khổ tham chiếu cực kỳ chuyên biệt. Chúng không trò chuyện trong các bữa tiệc. Chúng thông minh, nhưng chỉ theo một định nghĩa thông minh hết sức hẹp. Loại thông minh mà Kurzweil nói đến, được gọi là AI mạnh, hay trí tuệ nhân tạo tổng quát, vẫn chưa tồn tại.
Tại sao? Rõ ràng chúng ta vẫn còn chờ đợi xuất hiện cái sức mạnh máy tính tăng vọt theo hàm số mũ ấy. Nhưng cũng có khả năng có những sự kiện tiếp diễn trong bộ não chúng ta mà không thể sao chép bằng điện tử cho dù chúng ta có ném vào chúng bao nhiêu MIPS chăng nữa. Kiến trúc hóahọc-thầnkinh tạo ra những hỗn loạn vụt đến vụt đi mà chúng ta biết như ý thức của con người có thể là quá phức tạp và tương tự để tái tạo trong silicon dạng số. Nhà sinh học Denis Bray là một trong ít giọng nói phản biện trong hội nghị cấp cao Singularity mùa hè vừa qua. “Mặc dầu các thành tố sinh học tác động theo cách tương thích với các thành tố trong các mạch điện tử,” ông lập luận, trong một cuộc tranh luận gọi là Các tế bào có thể làm những việc gì mà các rô bôt không thể, “chúng bị đẩy ra một bên bởi số lượng khổng lồ các trạng thái khác nhau mà chúng không thể thích ứng. Nhiều quá trình sinh hóa đã tạo ra những biến thể hóa học của các phân tử protein, được đa dạng hóa hơn nữa bởi liên kết với những cấu trúc khác tại những vị trí xác định của một tế bào. Kết quả là sự bùng phát tổ hợp của các trạng thái tạo cho các cơ thể sống một khả năng hầu như vô tận lưu trữ thông tin liên quan đến những điều kiện quá khứ và hiện tại và một khả năng độc đáo chuẩn bị cho những sự kiện tương lai.” Điều đó làm cho những con số 1 và 0 mà máy tính xử lý trông khá thô.
Nằm bên dưới những thách đố thực tế là một loạt những thách đố về triết học. giả sử chúng ta đã chế tạo được một máy tính có thể nói năng hành động theo cách không thể phân biệt được với con người - nói cách khác, một máy tính có thể qua được phép thử Turing. (Nói một cách thiếu chặt chẽ, những máy tính như thế có khả năng qua được như một con người trong một phép thử mù) Điều đó có nghĩa là máy tính có tri giác như con người không? Hay nó chỉ là một thiết bị tự động cực kỳ tinh vi nhưng về bản chất là máy móc, không có những lóe sáng bí ẩn của ý thức - một chiếc máy không có con ma nào trong đó? Và làm thế nào chúng ta biết được?
Thậm chí nếu bạn chấp nhận rằng cái Kỳ dị là đáng tin, bạn vẫn còn bị ám ảnh bởi một búi những câu hỏi không thể trả lời. Nếu bạn có thể quét (scan) ý thức của tôi vào một máy tính, tôi có còn là tôi nữa không? Địa chính trị và kinh tế xã hội của cái Kỳ dị là gì? Ai quyết định người nào sẽ được làm thành bất tử? Ai vạch ra đường ranh giữa có tri giác và vô tri giác? Và khi chúng ta đến gần sự bất tử, toàn tri và toàn năng, liệu cuộc sống của chúng ta còn ý nghĩa gì không? Đánh bại cái chết, liệu chúng ta có mất đi bản chất người của mình không?
Kurzweil thừa nhận rằng có một mức độ rủi ro cơ bản liên quan đến cái Kỳ dị mà ta không thể trừ bỏ đi được, đơn giản bởi vì chúng ta không biết một trí tuệ nhân tạo cực kỳ tối tân, thấy bản thân nó là một cư dân mới được tạo thành trên hành tinh Trái Đất này, sẽ chọn làm gì. Nó có thể không cảm thấy tranh đua với chúng ta về tài khéo. Một trong những mục tiêu của Viện Kỳ dị là bảo đảm chắc chắn rằng trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ phát triển, mà còn thân thiện nữa. Bạn không cần là một cyborg siêu thông minh mới hiểu rằng đưa một hình thức sống cao hơn vào sinh quyển của bạn là một sai lầm cơ bản của những người theo thuyết Darwin.
Nếu cái Kỳ dị đang đến gần, những câu hỏi này sắp có câu trả lời dù bạn muốn hay không, và Kurzweil nghĩ rằng cố gắng trì hoãn cái Kỳ dị bằng cách ngăn cấm các công nghệ không những không thể mà còn là vô đạo đức và có thể nguy hiểm. “Cần có một chế độ độc tài toàn trị để thực hiện sự cấm đoán như thế,” ông nói. “Cấm như thế không có tác dụng. Nó sẽ chỉ đẩy những công nghệ đó vào bí mật, nơi mà các nhà khoa học có trách nhiệm mà chúng ta đang trông cậy vào để tạo ra sự bảo vệ sẽ không dễ dàng tiếp cận các công cụ đó.”
Kurzweil là một người thích tranh luận đến cùng và có lòng kiên nhẫn hầu như dã man. Ông không mệt mỏi trong việc dồn những người phê phán vào thế bí sao cho ông có thể trả lời họ, hết điểm này đến điểm khác, thận trọng và tỉ mỉ.
Còn tiếp.