Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.082
123.164.175
 
Ngôn Ngữ Tĩnh Vật Nơi Thơ Lê Nguyệt Minh
Nguyễn Văn Trang

Tìm một tần số rung cảm với thơ của Lê Nguyệt Minh không phải là chuyện đơn giản. Bạn cứ mường tượng như đang xem vở kịch “En Attendant Godot” (Trong khi chờ đợi Godot) của Alain Robbe Grillet. Kéo màn. Những chiếc ghế gỗ cũ kỹ trống vắng bao quanh chiếc bàn với những ly rượu cạn ngụ ý có người vào đây vừa mới ra đi. Một lão già dáng vẻ phong trần bước vào kéo ghế ngồi tư lự nhìn lên khoảng không. Quanh quẩn với những hình tượng như thế cho đến khi hạ màn. Chả ra cái quái gì. Mua vé thật uổng tiền. Nhưng nếu bạn tìm hiểu “Văn chương Vắng Bóng Người” và “Godot” là từ ám chỉ Thượng Đế thì bạn sẽ cảm nhận được nỗi tuyệt vọng của con người trong khi mỏi mòn chờ đợi Thượng Đế. Và gần như Thượng Đế không bao giờ hiện hữu. Bạn đang xem và nghe ngôn ngữ tĩnh vật trần tình với bạn. Và bạn là người phiên dịch cho chính mình qua không gian cũng như diễn biến của vở kịch.

 

Nói thế, tôi không có ý đối chiếu thơ của Lê Nguyệt Minh với trường phái  “Văn Chương Vắng Bóng Người” của Grillet, nhưng để dẫn chứng mối tương quan phức tạp giữa người đọc và một tác phẩm mà nơi đó tác giả gửi cho ta mã đầu ra (output) và đòi hỏi ta giải mã (decode) khi tiếp nhận.

 

Có thể ví thơ của Lê Nguyệt Minh như một lăng kính có nhiều mặt, một nhất thể có nhiều đường dẫn vào. Và tùy vào góc đứng của mỗi người, ta sẽ nhận ra những chân dung, những hình tượng khác nhau. Tùy vào khởi điểm từ những lối đi khác nhau, ta đạt được nhất thể đó ở nhỡn quan khác nhau.

 

Trong chiều hướng trên, tôi muốn nói đến một tầm nhìn riêng: Ngôn Ngữ Tĩnh Vật nơi thơ của Lê Nguyệt Minh.

 

Tôi nhốt một âm thanh

Trong tiếng quạt quay gầm gừ nóng bức

Tôi nhốt tôi vào ngày bội bực

Mặc kệ tình yêu, tôi nhốt anh…

 

Âm thanh gầm gừ nóng bức thốt lên tình yêu rực lửa mà ta khao khát nắm níu giữ lại bên ta và cho ta mãi mãi. “Nhốt” và “Mặc kệ” phải chăng ta muốn giấu nó cho riêng mình và bất chấp thế nhân gọi đó là ngôn từ nào.

 

Đúng nghĩa hơn, một tình yêu hất tất bật cuộc đời ra ngoài êm ả:

 

Ngủ ngoan lành

Chỉ còn em như cây so đũa

Đứng tội tình nhìn mình soi gương

Thành phố bỏ quên

một đôi tình nhân trong kỷ niệm

Em đã mang lửa và đốt lên

Những giá lạnh trong anh

Tưởng đã ngủ yên sau nhiều trăn trở

Anh lại hồn nhiên sau mưa nắng phong trần

Mặc kệ sông Cổ Chiên cứ chảy về đâu

Mặc kệ Hàm Luông những ngày chấp chới

Nơi hò hẹn trên lầu cao đầy gió

Anh có mơ em khói thuốc kiêu kì….

 

 Và để rồi cúi chào số phận :

 

Tôi nhốt cả tiếng khóc

Vừa thổn thức đã qua đời…

 

Hay màu sắc rũ lòng:

 

Đen như áo mặc chiều nay

Soi gương thấy mình tả tơi gió

Cố vờn hoa, cố vờn mây, chỉ thấy cây hờn tủi

Muốn chạy đi mà chân vẫn ngại ngùng…

 

Vẫy tay đầy bóng tối

Trong quạnh hiu người bôi xóa

Từng mảng sáng đời mình

Một hôm thắp rực rỡ trời

Tình đang bỏ bùa cho chăn gối

Những người ngồi đã giấu tôi?

 

Lấm tấm trong thơ Nguyệt Minh là lời nói của tĩnh vật vây quanh trong một không gian sống hạn hẹp lại trải ra miền đam mê mênh mông, miền cuồng nhiệt yêu thương vượt bến bờ cho dù đôi khi hụt hẫng hay thu lại chính mình nặng chìm trong ảo ảnh và hoang vắng.

 

Nhà thì chật mà lòng thì rộng quá

Làm sao nghe được tiếng gõ cửa bây giờ

Lòng rộng như trời trong tay áo

Giấu vào đâu cũng thấy gió và mây…

 

Chờ đợi tiếng gõ cửa, một âm thanh chết của tĩnh vật, sẽ mang đến hơi thở hồi sinh cho cô quạnh. Mà quạnh quẽ nơi ta không bao giờ khép kín trong ta vì nó chỉ có ý nghĩa trong tương quan rộng mở với người và với đời. Đời càng bao la, ta càng lẻ loi.

 

Em có phải là mưa, nắng

Ồn ã Sài Gòn, ồn ã cô đơn?

 

Ở tình yêu, hoài niệm, cô đơn qua thơ của Nguyệt Minh ta bắt gặp sức sáng tạo hình tượng và tĩnh vật đầy mới lạ, là một loại hình ngôn ngữ bùa chú vượt rào khuôn sáo kinh điển:

 

Có phải nhớ đã hóa thành chữ

Viết lên đêm bâng quơ mỏi mòn

Bức tượng gỗ đổ mồ hôi trán

Khi thấy tôi lẻ loi…

 

Hay là :

 

Hà Nội sáng nay

Như bùa phép

Xua anh đi giá lạnh

Chưa kịp cầm tay mà trời bay mất

Bay đi đâu, trời đâu thể dối mình….

 

Và trống vắng:

 

Những buổi chiều bong bong bong bong

Từng mảng tối trong màu xanh hoang loạn

Người yếu đuối mơ thấy mình biến mất

Bay mãi mê qua giá lạnh mùa hè

Những buổi chiều lê thê

Không biết đi về đâu cho đỡ nhớ.

 

Rồi băn khoăn:

 

Sao anh lại nhìn em như lá

Hồn nhiên rơi lai vãng xuống buồn

Nếu có ngày gặp lại

Anh có còn thản nhiên xanh…

 

Hình tượng hóa tĩnh vật phơi bày chia ly, mất nhau, nỗi niềm và nước mắt:

Không còn bình để cho hoa vỡ

Nước thản nhiên chảy tràn ra sách

Những trang sách không đủ hồn nhiên

Đứng co ra xó nhà khóc lóc

Một hôm, chiếc bình pha lê của tôi

                 bực mình vô cớ

Tự ốm và đổ bể

Những cánh hoa không nơi trú chân

Hoa không có bình như mùa đông hoa cúc

Tôi đứng trân trối nhìn chiếc bình qua đời

                        mà lòng không khóc

Không có ai ở đây cho tôi la lối

Tôi cô đơn thế đấy,

    nhưng lòng đầy ánh sáng của sự sám hối

Cầu nguyện cho bình về với ban mai….

 

Lời của tĩnh vật lắm lúc nói cho ta nghe đời bẩn đục. Con người không xứng đáng tồn tại hồn nhiên, phơi bày nét trong sạch như thiên nhiên, nhưng không vì thế mà ta rơi vào hố tuyệt vọng. Thiên nhiên vỗ về ta qua cơn đau và sẽ trả lại ta nét chân chính của phận người.

 

Dòng suối trong không chảy nữa

Sỏi bỏ đi trong áo của người đời

Đời bỏ đầy ước mơ trên lá

Đêm nghe cây hát khúc thầm thì…

 

Cùng với ngao ngán đó, Nguyệt Minh viết:

 

Buồn lên hương

Buồn ngồi đan hết một đêm dài

Rồi quàng lên tóc sớm mai

Chút bông đùa của nắng…

 

Trong guồng máy tất bật của cuộc sống, đôi khi nó khiến ta thay hình đổi dạng để có lúc ta ngỡ ngàng không nhận ra chính mình. Hãy nhìn vào chiếc gương soi, một tĩnh vật vẽ lại chân dung của ta-xa-ta.

 

Minh

Là những buổi sáng bắt buộc phải soi gương

Thấy mình trẻ hơn những mùa nông nổi

Minh

Nghĩa là tự biết mình không còn Minh nữa

Minh đã hóa thành bão…

 

Lê Nguyệt Minh là một nhà thơ trẻ. Đọc thơ Nguyệt Minh để nhận ra nét bức phá trong ngôn ngữ thi ca, trong văn phong, tiết nhịp, màu sắc và hình tượng nhân cách hóa  tình người  của lớp thi nhân trẻ đương thời.

 

Đọc thơ Nguyệt Minh để thấy ngọt ngào trong yêu đương, ngậm ngùi trong nhớ nhung và mất mát. Để thấy cuộc sống hối hả, quay cuồng đến chóng mặt khiến con người bị vong thân và lắm lúc bàng hoàng tìm lại cái “ TÔI” thất lạc. Để thấy bản ngã bị chẻ đôi cho rộn ràng lẫn cô đơn.

 

Lê Nguyệt Minh: Đôi khi tôi hay ngồi nhìn mọi thứ quanh mình và nói chuyện với chúng một cách lặng lẽ và âm thầm. Mỗi thứ trong cuộc sống của chúng ta đều có số phận riêng của nó. Con người có cái đau đớn hay niềm hạnh phúc của mình thì có lẽ “tĩnh vật” cũng có cái “cuộc đời” của riêng nó. Bạn đã bao giờ đau chưa? Bạn đã bao giờ thấy được cuộc sống quanh mình, không hẳn chỉ là trong mối quan hệ với những người đang sống, mà cả những vật khác cũng… đang sống và đang sẻ chia với bạn. Khi trái tim mình rung lên những nhịp đập ấm áp, ngay cả khi đơn lẻ một mình, mình vẫn không hề cảm thấy… đơn lẻ”.

Nguyễn Văn Trang
Số lần đọc: 1437
Ngày đăng: 22.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 - Vương Trí Nhàn
Vài ý nghĩ sau khi đọc “Dị hương” của Sương Nguyệt Minh - Đặng Văn Sinh
Đào Bá Đoàn, người đi bỏ mặc nhân gian - Phùng Văn Khai
Đọc: Sông Chảy Về Núi của Nguyễn Lệ Uyên - Phạm Văn Nhàn
Cảm nhận khi đọc Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa Của Trần văn Sơn - Phạm Văn Nhàn
Đôi Điều Cảm Nhận Về: Hạt Bụi & Hoa Quỳnh - Mang Viên Long
Hòa Âm âm âm âm...của Nguyễn Lương Vỵ - Phạm Văn Nhàn
Giêng Xanh: Nỗi Buồn Như Hơi Thở… - Tô Hoàng
Lâm Hảo Dũng, Quê Nhà Khuất Cuối Chân Mây. - Nguyễn Lệ Uyên
Đọc Thơ Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê) - Trần Vấn Lệ
Cùng một tác giả