Trời mưa Trời gió đùng đùng
Cha con chú Dùng đi lượm cứt trâu
(Ca dao)
Ngày nay, những chiếc áo đi mưa bằng nhựa trong suốt, in hoa, đủ màu sắc được bày bán trên khắp hang cùng ngõ hẹp của đất nước. Việc mua một chiếc áo mưa không còn là điều bận tâm đối với mọi người. Giá của nó rất rẻ. Chiếc áo đi mưa bằng nhựa trở thành một vật dụng rất bình thường trong cuộc sống. Nhưng vào thời mẹ còn nhỏ, thời bà ngoại, bà cố của con, bà cố của mẹ, có nghĩa là lùi lại khoảng thời gian năm mươi, một trăm năm trước thôi, chiếc áo đi mưa bằng nhựa ngày nay là báu vật của Thượng Đế. Ông bà của chúng ta có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến món quà kỳ diệu đó. Và lẽ đương nhiên, ông bà sẽ vui sướng vô ngần nếu như có được nó. Nó sẽ vô cùng hữu dụng trong đời sống của những người đi mở đất. Tấm nhựa vừa là chiếc áo che mưa, là mái nhà, là chiếc áo quan, là chiếc lu đựng nước... Chỉ một tấm nhựa mong manh thôi, nó đã làm nên bao sự thay đổi trong đời sống con người.
Con đi nhà trẻ. Trời mưa mù mịt. Mẹ đưa con an toàn đến trường bằng chiếc áo đi mưa bằng nhựa. Trời vẫn còn mưa. Mẹ phóng xe đến cơ quan. Chiếc áo mưa giúp mẹ giữ được người khô ráo, chỉ mặt và tóc mẹ bị ướt chút đỉnh. Mẹ bước vào văn phòng. Mưa tối trời tối đất cũng không ảnh hưởng gì mấy đến công việc của mẹ. Mẹ dán mắt nhìn qua khung cửa kiếng. Mưa rơi xối xả trên những mái nhà. Đã lâu lắm rồi mẹ không nhìn thấy mưa thấm xuống mặt đất, chảy tràn thành sông suối. Dòng máu nông dân trong huyết quản mẹ chảy tràn mãnh liệt. Mẹ thèm được tắm mưa, được dầm chân trong đất như thời thơ bé. Thời thơ bé của mẹ đã trôi qua. Thời thơ bé của con đã hoàn toàn khác mẹ. Và vì thế, chiếc áo mưa của nửa thế kỷ này và nửa thế kỷ sau đã trở thành chuyện cổ tích...
Chiếc áo đi mưa thời ông bà của mẹ được gọi là “áo tơi”. Những người còn sống trong dòng họ hôm nay, chỉ có bà ngoại con là còn biết kết áo tơi. Chiếc áo ấy được kết bằng những tấm lá dừa nước. Bà ngoại con chằm lá, cuốn tròn rồi khâu nó lại bằng một sợi dây lạt. Bà ngoại con đã trùm chiếc áo tơi đi cắt cỏ, cấy lúa, bơi xuồng giăng câu trong mưa bão bằng chiếc áo tơi ấy. Những hạt mưa bắn vào chiếc áo tơi dội lên thứ âm thanh đơn điệu, buồn bã. Những tấm lá mong manh ấy qua bàn tay chịu thương chịu khó của những người phụ nữ biến thành những chiếc áo đi mưa dù không được hữu dụng như tấm nhựa, nhưng nó cũng che chở cho con người ấm áp, chống lại cái lạnh để kiên trì, bền bỉ làm việc trên những cánh đồng. Ngoại con đã từng mặc áo tơi đi cấy lúa.
Thời của bà ngoại con đã bắt đầu có áo mưa bằng cao su. Nhưng nó đắt quá. Bà ngoại nghèo nên không dám mơ có nó, đành lầm lũi trở về nhà kết những tấm lá làm áo tơi để đi mưa... Ngồi chằm lá dừa nước dưới ánh đèn dầu leo lét, bà ngoại con kể về ông cố của mẹ- người có công khai phá mảnh đất mà con đang lẫm chẫm những bước chân đầu tiên, nơi chôn nhau cắt rún của mẹ. Con yêu, có được mảnh đất quê hương quả là điều khó nhọc. Ông cố của mẹ đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, và cả máu nữa. Hành trình mồ hôi, nước mắt và máu của ông cố mẹ đổ dài từ rẻo đất miền Trung xa tít tắp đến cù lao vùng chót mũi phía Tây Nam Bộ chập chùng sóng vỗ. Ngày nay, những người dân trên cù lao này vẫn thường gọi những người như ông cố con là dân GHE BẦU.
Vâng, ông cố của mẹ đã khởi đầu hành trình mở đất bằng chiếc ghe bầu. Chiếc ghe bầu ấy tròn như cái thúng, được đan bằng những thanh vỏ tre mỏng manh, mềm mại. Từ một làng nghèo ven biển miền Trung, ông cố đã thử thời vận bằng chiếc ghe bầu bé nhỏ. Ông mang xuống chiếc ghe bầu vài thứ thiết yếu như gạo, mắm, muối, chiếc cà ràng dùng để nấu nướng, chiếc áo tơi che mưa che nắng. Một mái chèo, ông bơi chiếc ghe bầu vượt biển, men theo bờ biển mà đi. Chiếc thuyền bằng những sợi vỏ tre mềm mại đã đương đầu với sóng to gió lớn, nắng mưa, bão tố, cả những cơn sóng thần hung hãn. Chiếc ghe bầu nương theo biển với bao bất trắc, hiểm nguy mà đi. Ông cố đã học bài học ngàn năm trước của tổ tiên: lấy nhu thắng cương. Cứ như thế, chiếc ghe bầu như chiếc lá mong manh của ông đã chinh phục hàng ngàn cây số đường biển.
Với sự dũng cảm, kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại, ông cố đã đến được mảnh đất cù lao giữa bốn bề sóng xô này. Ông neo chiếc ghe bầu vào một gốc bần nở hoa trắng xóa. Cây bần với bộ rể tua tủa chỉa lên trời, lá xanh biếc đẹp mê hồn làm ông ngơ ngẩn. Ông càng ngơ ngẩn hơn khi được biết vua Gia Long từng chạy nạn đến nơi này, đã từng ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của bần, đặt cho cho loài cây ấy là “thủy liễu”.
Bên trong rặng thủy liễu xanh ngắt soi bóng xuống dòng sông là cánh rừng đầy hoang vu, thú dữ. Hàng đàn khỉ vây quanh lấy ông nhún nhảy, khò khẹt. Ông sống hòa bình với chúng, phát những lưỡi dao khai phá đầu tiên... Sự siêng năng, cần cù của ông đã được đền đáp. Ruộng lúa bạt ngàn của ông ngày càng được mở rộng. Ông đắp bờ đê ngăn mặn. Tôm cá ngập đầy dưới chân ông. Ông chỉ cho dân địa phương biết đan những chiếc ghe bầu, thúng, rổ, sàng, nia tinh xảo từ những cây tre mọc lên hào phóng khắp cù lao. Nhưng vì ông là dân ngụ cư thấp cổ bé miệng, tính tình lại hiền lành, chất phác, ông không thể đương đầu với bọn quan làng đầy mưu ma chước quỷ, xảo quyệt, lợi dụng mọi giấy tờ để chiếm đất, đuổi ông đi.
Ông cố con nuốt lại tủi nhục, uất ức có lúc bùng lên suýt làm ông cầm dao lăn xả vào chúng, nhìn ra cánh rừng ngập mặn bạt ngàn rồi khoác chiếc áo tơi, lầm lũi giữa góc trời phương Nam đầy mưa gió mà đi. Chiếc áo tơi đã che mưa cho ông. Những hạt mưa đập vào chiếc áo chằm bằng lá nghe lộp độp, rào rào. Ông lại bền bỉ, nhẫn nại cuốc đất, phát rừng, lại đắp bờ đê ngăn mặn, lại trồng bông nơi những giồng cát se sợi dệt vải. Những giọt mồ hôi, cả máu của ông thấm xuống đất lại được đền bù. Vài ba lần khẩn hoang rồi lại bị tước đoạt, ông cố đã biết khôn ngoan hơn để giữ đất. Lần cuối cùng ông đành dùng sự mỹ miều, quyến rũ của những đồng tiền vàng để được yên thân.
Nhờ cần mẫn, siêng năng, biết tính toán, được đất mới đãi ngộ, ông cố trở thành một hào phú trong làng. Ông có trong tay hàng trăm mẫu đất, đàn trâu hàng trăm con. Ngôi nhà ông có nhiều người ăn kẻ ở. Dù trở thành một phú hộ nhưng ông cố sống rất đạm bạc, cần kiệm. Bà ngoại kể ông cố rất “tham công tiếc việc”. Sáng còn tinh mơ là ông đã có mặt ngoài đồng. Trời mưa, để kịp mùa vụ, ông vẫn khoác chiếc áo tơi cày ruộng. Trưa ông ăn cơm với canh bí rợ và muối ớt. Chiều tối mịt mới về nhà. Hình ảnh ông cố đã trở thành biểu tượng cho sự cần kiệm của quê mẹ. Nếu có vẽ ông thì con hãy vẽ chân dung người nông dân một nắng hai sương của đầu thế kỷ 20 với dáng người cao lớn, khệnh khạng bước đi, đầu đội chiếc nón chằm bằng lá dừa nước và khoác chiếc áo tơi cũng chằm bằng lá dừa nước. Trên vai ông là một cái phảng hay dao phát cỏ. Bao giờ ông cũng mang vác đi ra khỏi nhà một cái gì đó và mang vác về nhà một cái gì đó.
Hồi đó mảnh đất này còn quá đỗi hoang vu. Ông cố đi khai phá rừng gặp cọp. Trông thấy chúng ông kinh hoàng kêu lên “cọp” rồi ngã vật ra chết giấc vì kinh hãi. Nỗi sợ đã cứu sống ông. Con cọp bỏ đi có lẽ vì không nỡ ăn thịt người đã tôn vinh nó. Nỗi sợ cọp của ông cố đã đi vào chuyện cổ tích của mảnh đất quê hương. Mẹ đã từng nghe những chuyện cổ tích đại loại như vậy từ thời còn thơ bé bên bếp lửa hồng. Bà ngoại con rất có khiếu kể chuyện cổ tích. Bà ngoại là quyển sách sống về ca dao, tục ngữ, về những câu chuyện cổ tích, cả những nỗi đau khổ đầy huyền thoại và bí ẩn của dân làng. Bà biết, bà đồng cảm và bà đã kể nó ra. Tất nhiên, có những bí mật bà mang theo xuống đáy mồ. Điều ấy lớn lên rồi mẹ mới hiểu. Nhưng có một điều duy nhứt mẹ biết là ngoại con còn biết chằm áo tơi bằng những tấm lá, dù giờ đây chẳng còn ai mặc nữa...
Ông cố là người đàn ông nhiều vợ nhưng tốt bụng. Có người bảo ông vì tốt bụng nên mới nhiều vợ. Ngày ấy, người đàn ông nhiều vợ là người đàn ông phải tài giỏi, đầy sức mạnh và được tôn vinh, khâm phục. Bà vợ nào của ông cũng xinh đẹp, giỏi giang. Quả là ông thật tài giỏi mới làm cho 3 bà yêu thương nhau, bênh vực, nương tựa nhau như chị em ruột thịt để trong ấm ngoài êm. Mỗi bà một nhiệm vụ, một quyền lợi, một bổn phận và lẽ tất nhiên là được ông yêu thương như nhau để không ai thấy mình bị tổn thương. Bà cả coi chuyện bếp núc, người ăn kẻ ở trong nhà. Bà hai khỏe mạnh nên thường đi thăm đồng, cùng lo việc canh tác với ông. Bà ba khôn khéo, có chút ít chữ nghĩa làm công việc tiếp khách, giao dịch với quan làng. Chưa hết đâu, ông còn có bà út, mối lương duyên hoàn toàn không định trước. Bà vợ thứ tư của ông vốn là một phụ nữ Ấn. Bà làm nghề buôn vải và biết xem cả chỉ tay. Bà có một vẻ đẹp huyền bí, mê hồn. Một lần bà mang vải đến nhà ông cố chào hàng. Ông cần mua một trăm tấm vải. Người phụ nữ Ấn trao vải cho ông. Ánh mắt sóng sánh, sâu thẳm của bà đã hút hồn ông. Người phụ nữ ấy bị chinh phục bởi một người đàn ông cao lớn, mạnh mẽ, hào phóng (Ông vốn tiết kiệm, khe khắt với chính mình nhưng rất hào phóng với người ngoài. Phải chăng tính cách ấy đã di truyền cho cháu con ông, trở thành một cách sống như “cố tật”). Người phụ nữ Ấn đã đã ở lại với ông, từ giã nghề buôn vải dạo rày đây mai đó.
Chắc hẳn “bà út” phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách mới hòa đồng được với gia đình gồm ba bà vợ với lũ con của ông. Vì việc có thêm bà vợ người Ấn mà ông bị đổi tên thành “Ông Chà”. Người dân làng quen gọi bà út là “Chà già”. Kinh ông Chà, đất ông Chà có tên từ đó. Bà út sinh cho ông những đứa con gái, con trai đẹp tuyệt trần. Sự pha tạp hai dòng máu, sự kết hợp diệu kỳ ấy đã làm cho mảnh đất cù lao này thêm phong phú và làm giàu có thêm những câu chuyện cổ tích về ông cố.
Đất đai ông Chà cò bay thẳng cánh rồi cũng phải chia tam xẻ tứ. Rồi chiến tranh, rồi loạn lạc... Bà ngoại khi về làm dâu, làm vợ đã kê đôi vai mảnh mai, yếu ớt gánh lấy giang sơn nhà chồng. Bà giành giật từng tất đất của nhà chồng sau bao nhiêu biến động xã hội. Mảnh đất này đã thấm máu bao nhiêu chiến sĩ vô danh. Bà ngoại con đã khoác áo tơi cấy lúa giữa cơn mưa xối xả, ăn cơm với canh bí rợ và muối ớt, bà ngoại tiết kiệm từng đồng, ăn mắm hút vòi nuôi đàn con đi học mà không phải bán đi một tất đất. Để hôm nay đây, khi con tròn một tuổi, mẹ đưa con về quê ngoại, đôi chân trắng hồng, bé xíu xinh xinh của con chạm trên mảnh đất quê hương, con chập chững đi những bước đầu tiên trên đất. Con còn có một mảnh đất để tìm về. Và con yêu, mẹ chợt sững người khi nhìn ngắm con. Đôi mắt to tròn, sâu thẳm ngơ ngác dưới đôi mày rậm của con, sóng mũi dọc dừa cao thẳng của con phảng phất chút gì câu chuyện cổ tích về mối lương duyên của ông cố và người phụ nữ Ấn xa xôi, huyền bí. Chuyện cổ tích sống lại diệu kỳ. Không có gì mất đi. Nước mắt mẹ chợt trào ra vì đôi chân trần của mẹ, đôi chân trần của con đang trở về ĐẤT MẸ...