Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.210
123.151.802
 
Dòng nước ngọt cho con
Trầm Hương

Hơn một tuổi, con đã biết mở vòi nước để nghịch. Nước bắn vào mặt con tung tóe. Con giơ đôi bàn tay mũm mĩm, vụng về ra hứng. Nước làm con cười lên khanh khách, nứt nẻ vì thích thú. Đời sống thị dân, nước máy trở thành một nhu cầu thiết yếu, tiện dụng. Cần có nước ư? Con chỉ mở vòi là có. Vòi nước gắn trên tường, trong phòng tắm, phòng khách, hành lang, nhà bếp... Tùy theo thiết kế của ngôi nhà ít hay nhiều tiền mà có ít hay nhiều vòi nước. Ông bà ta ngày xưa cũng có quan niệm: ngôi nhà nào có nhiều nước, đầy ắp trong những phương tiện chứa nước như chum, vại, lu, hũ.., ngôi nhà ấy sẽ có cuộc sống sung túc, đầm ấm. Ngày nay, thiết kế một tòa nhà thông minh không thể không kể đến sự tiện dụng của những rô-mi-nê. Thật dễ chịu nếu như được ngâm mình trong bồn tắm trong những trưa hè nóng nực, được bơi trong những hồ bơi. Con đã thỏa thích nhu thế nào khi được đùa gỡn trong hồ bơi tí hon của riêng con... Nước! Nước là một nhu cầu bình thường nhưng cần thiết cho đời sống biết bao!

 

 Con thử tưởng tượng một ngày bị cúp nước, nhiều ngày bị cúp nước. Mọi sản xuất sẽ bị ngừng trệ. Thành phố sẽ hết sức bẩn thỉu, hoang vu, tù túng, bẩn chật... Điều khủng khiếp ấy thi thoảng đã diễn ra, sẽ diễn ra, có khả năng tồi tệ và trầm trọng hơn trong một thành phố có mật độ dân cư đông đúc một cách khác thường. Nhưng con yêu, dù sao thì nước đối với con giờ đây chỉ là sự tiện dụng. Bằng tất cả mọi khả năng có thể, mẹ dành nước ưu tiên cho sinh hoạt của con. Một em bé không thể thiếu nước. Sự ưu tiên ấy của xã hội sẽ làm cho con thấy nước là một thứ tất yếu dành cho đời sống, khi cần là có, không có gì để bận tâm. Nhưng con có biết đâu, triệu triệu con người trên trái đất này, từ người nông dân chân lấm tay bùn đến những nhà khoa học, những nhà nghiên cứu đang thao thức, trăn trở, khắc khoải ngày đêm vì nước....

 

Tuổi thơ của mẹ đã từng chứng kiến niềm mong đợi nước. Ngày ấy điện chưa về nông thôn, mạng lưới thủy lợi nội đồng chưa hoàn chỉnh, tất cả đều chỉ mong đợi ở nước trời. Con thử tưởng tượng cả cánh đồng khô hạn, nứt nẻ chờ mưa. Con hãy tưởng tượng cảnh những hạt mầm khô quắt dưới cái nắng như thiêu đốt. Năm ấy mưa muộn. Những vạt mạ khô cằn, vàng úa. Đất nứt ra từng mảng... Một vệt mây đen trên nền trời đủ làm lòng người nông dân mừng khấp khởi. Nhưng những cơn gió đã cuốn mây đi. Bầu trời trở lại trong veo. Niềm hy vọng cũng trở thành màu trắng. Sống vào cuối thập kỷ 70 của thế kỷ 20 mà người dân quê mẹ vẫn còn tin vào phép màu làm ra mưa là do lòng thành tâm của người dưới trần gian đối với thượng đế. Buổi sáng hôm đó mẹ đã chứng kiến đoàn người rồng rắn kéo đến đình làng.

 

Đợi cho những bậc kỳ lão cúng vái xong, đoàn người tự động xếp thành hàng dài đi diễu qua con đường làng. Dẫn đầu đoàn người đi cầu mưa là đội lân. Trống đánh thùng thùng, ông địa múa may. Không khí thật náo nhiệt. Đoàn người vừa đi, vừa cầm mái chèo tượng trưng ( có cả chèo thật, hoặc gậy tre, tầm vông, cây lau, sậy… hoặc bất cứ khúc cây nào nhặt được) bơi trong không khí, vừa kéo dài giọng hát:

 

“Lạy Trời mưa xuống

Cho dân làm ruộng

Lúa đổ đầy kho

Dân ăn cho no

Dân chèo cho mạnh...”

 

Cứ mỗi đằng sau câu đồng dao, đoàn người đồng thanh hò lên phụ họa: “bơi, bơi”. Đồng thời hàng trăm cánh tay cầm hàng trăm mái chèo tượng trưng bơi loạn xạ trong không khí. Một bà lão trong bộ quần áo màu nâu, tay cầm cây roi đầy vẻ uy quyền dứ vào đít ông địa, làm bộ quắc mắt hỏi:

 

- Chừng nào mưa, chừng nào mưa?!

 

Hàng trăm đôi mắt của những con người khát mưa đổ dồn về phía ông địa trông đợi và hy vọng, thể như chính ông địa là người có quyền năng làm ra mưa. Người đóng vai ông địa lăng xăng nói:

 

- Chiều mưa, chiều mưa. Bà con yên trí, chiều nay mưa liền mà!

 

Đó là “ông địa” khôn, biết thức thời. Còn nếu như ông địa nào dại dột, thật thà  trả lời “Còn lâu mới mưa” hoặc “Có Trời mới biết được”, lập tức anh ta sẽ nhận lấy trận đòn nhừ tử của hàng trăm con người. Họ đánh anh ta tàn tệ để tống đi đều xúi quẩy rồi thay vào đó là một ông địa biết điều khác. Đoàn người cứ tiếp tục bơi trên đường, giữa nắng và khát, bụi cuộn lên mù mịt. Nhưng họ cứ đi, giọng khàn vỡ vì bài đồng dao “Lạy Trời mưa xuống”.

 

Cho đến giờ, bài đồng dao ấy vẫn còn ong ong, nhức nhối trong đầu mẹ. Con yêu, khi con lớn lên, hạt gạo không còn là điều bận tâm lo nghĩ. Và bài đồng dao khao khát gọi mưa của những năm khốn khó đã trở thành chuyện cổ tích. Cái tập tục đi bơi cầu mưa cũng đã trở thành huyền thoại, lùi vào cát bụi thời gian. Nhưng cuối thập kỷ 70 của thế kỷ 20, tuổi thơ mẹ đã từng chứng kiến. Cũng như thời niên thiếu của mẹ đã từng chứng kiến cảnh bà ngoại gánh đôi thùng nước, chân trần bước đi như chạy trên cát bỏng. Thùng nước của bà bị lủng, bà phải chạy đi cho thật nhanh cho dù có bỏng chân, cho dù tấm lưng mảnh của bà mỏi ra, sắp gãy quặt. Bà phải gánh nhanh để kịp mang nước về nhà. Con sông trước nhà ngoại mùa nắng đã ngập mặn. Để có nước ngọt dùng trong sinh hoạt hàng ngày, bà ngoại con phải đi hơn cây số, vượt qua con đường ngập cát để gánh nước về nhà. Vậy đó, sống trên biển nước mà người dân luôn khát nước. Cái điều xem chừng bình thường kia, nước ngọt, nhu cầu thiết yếu của con người bước sang thập kỷ cuối cùng của kỷ nguyên này càng trở nên bức bách, trầm trọng.

 

Mẹ đã từng đi qua dòng kênh san sát nhà sàn xuyên qua cánh đồng mùa nước nổi. Những bà mẹ mang con gái ra bến nước tắm rửa, giặt giũ. Bà mẹ thải chất dơ ra dòng kênh. Con gái bà lại tắm chất dơ đó. Rồi thế hệ sau lại tiếp nối sự tắm rửa và giặt giũ đó. Chưa kể nước lũ tràn về mang theo những chất bẩn, rác rưởi và hôi thối chảy ra dòng kênh. Đồng bào nơi vùng trũng Đồng Tháp Mười sống trên biển nước mênh mông mà luôn đói nước sạch!

 

 Con đang sống trong một thời kỳ mà một thiên tai khủng khiếp có thể xảy ra vào khoảng giữa thế kỷ 21: Mực nước biển dâng sẽ làm đồng bằng sông Cửu Long teo tóp dần và biến mất trong 150 năm, xóa đi lịch sử bồi tích kéo dài 6.000 năm trước đó. Chàng thủy tinh hung hãn lần này mang đến vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long sức tàn phá ghê gớm. Chưa kể đến tài nguyên sông Mekong bị khai thác bằng những con đập chắn từ Trung Quốc, Lào, Thái Lan.... Khi về đến Việt Nam, lượng nước Mekong giảm dần, cùng với quá trình biển dâng, sẽ nhấn chìm đồng bằng thân yêu trong biển mặn. Nước, tiếng gọi nước ngọt lúc ấy sẽ dội vào đâu giữa tứ bề xôn xao sóng vỗ. Mẹ nói ra điều này có lẽ còn quá sớm và mẹ quá đa cảm trước những dự cảm lớn lao và viển vông. Nhưng con yêu, từ cuối thế kỷ 20, chuyên ngành dự báo thiên tai đã gióng lên một hồi chuông thống thiết về một thiên tai khủng khiếp ấy. Mẹ quá bé nhỏ, con càng bé nhỏ mong manh. Nhưng tiền đồ của con thuộc về thế kỷ 21. Nói ra những điều xem chừng như lớn lao và viển vông này với con có lẽ là quá sớm. Nhưng mẹ cảm thấy cần thiết để chia sẻ cùng con dự cảm ấy, để lớn lên, dù không làm gì được để góp phần ngăn chận một thiên tai khủng khiếp thì con cũng có được sự đa cảm, băn khoăn lo lắng để cùng chia sẻ với đồng bào nỗi lo, bài toán khó giải đáp cho thế kỷ mà con sẽ sống. Và rồi lũ lụt trước mắt hàng năm nữa. Đồng bằng sông Cửu Long phải đương đầu với những cơn lũ lụt, phải nương theo lũ mà sống.

 

Con yêu, khi con nằm trong chăn êm nệm ấm, khi con được ấp ủ, nâng niu trong vòng tay của mẹ, với những thứ phấn rơm, dầu tắm, xà phòng an toàn và tiện dụng dành cho trẻ em của hãng Johnson's Baby, khi con ra đời trong căn phòng sinh của bệnh viện với tất cả phương tiện, khả năng có được nhằm làm giảm cơn đau chuyển dạ, thì còn có những em bé cùng lúc được sinh ra trong những ngôi nhà sàn ngập nước vì mưa lũ. Em bé mới chào đời đã nếm mùi gian khổ của lũ lụt. Người mẹ bọc con trong chiếc khăn đã tã, lấy thân hình che chở, sưởi ấm cho con. “Chỗ ướt mẹ nằm chỗ ráo để con”. Lúc ấy, con sẽ thấu hiểu thế nào là tình mẫu tử trong những hoàn cảnh bất lợi...

 

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, nỗi khổ của người dân sống trong vùng nước lũ tràn về vẫn le lói niềm hy vọng của một mùa sau tươi sáng. Sự ướt át, giá lạnh, lênh đênh mà họ đã trải được đền bù bằng sức sống của những hạt mầm ngập trong phù sa màu mỡ.

 

Còn những người lính đặc công đã từng lạc giữa cánh rừng ngập mặn thì sao? Vây quanh những người lính là cánh rừng chỉ toàn bần, mắm, đước... Nước mặn tứ bề. Họ hoàn toàn mất phương hướng, không còn chút hy vọng gì trước cái khát và cái đói dày vò, hành hạ. Họ cầm hơi bằng những con ốc, con cá sống tanh tưởi. Cái khát vẫn dày vò họ. Mắt họ hoa lên. Họ dường như tuyệt vọng. Chợt một người lính nhận ra có một con chim cứ vục đầu xuống vũng nước mà uống. Uống thỏa thuê nó lại tắm, rửa lông rồi bay đi. Người lính ấy lao tới. Thì ra đó là một cái “mội” nước nhỏ đang dâng lên. Người lính giơ tay hứng nước, nếm thử. “Nước ngọt. Trời ơi, nước ngọt, sống rồi!”. Người lính reo lên mừng rỡ. Anh ôm chầm lấy đồng đội mà hét, mà cười như điên dại vì được sống. Phải, những mạch nước ngầm chứa nước ngọt hiếm hoi đã cứu sống họ. Trong hoàn cảnh ấy, một giọt nước ngọt cũng đã quí như vàng. Có nước ngọt cũng đồng nghĩa với sự sống. Có biết bao đồng đội họ hy sinh giữa bát quái trận đồ lòng lạch và rừng vì khát. Những người lính đã hy sinh vì mất nước. Những “mội” nước ngọt hiếm hoi ấy quả là vị thần hộ mệnh cho họ. Mang nước ngọt về cho đồng đội cũng là vấn đề nan giải, đôi khi phải đổi bằng máu. Kẻ thù hủy diệt sự sống của những người lính không chỉ bằng bom đạn mà còn cắt đi nguồn nước ngọt của họ. Giặc kiểm soát mọi nguồn nước tiếp tế đến cánh rừng ngập mặn ven thành phố này. Nhiều người lính đã hy sinh vì nước...

 

Con yêu, điều mẹ gửi gắm đến con khi nói về nước là sự khó nhọc, là sự hy sinh. Nào phải đâu nước là hợp chất đơn thuần giữa hydro và oxy. Nước còn có linh hồn, cái nôi của sự sống. Đất và nước không thể tách rời nhau. Không có nước, những hạt mầm sẽ chết khô trong đất. Đất và nước đã trở thành biểu tượng thiêng liêng khi nói về tổ quốc. ĐẤT MẸ - ĐẤT NƯỚC - TỔ QUỐC - Tất cả đã hòa quyện nhau làm một.

Trầm Hương
Số lần đọc: 2805
Ngày đăng: 31.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bâng-briêu mùa xuân - Nguyễn Thanh
Bến sông đời người - Nguyễn Thanh
Nắm tro - Kim Quyên
Nghiệp văn - Kim Quyên
Cô gái nhỏ trong cơn bão khô - Lê Đình Trường
Hơ tay trên ngọn khói - Lê Đình Trường
Vẽ lại bức trang xưa - Nguyễn Quang Sáng
Dâm nữ - Trầm Hương
Mùa dưa gang - Kim Quyên
Mưa nửa đêm - Kim Quyên