Có lẽ chẳng đâu như ở ta, tháng giêng lại nhiều lễ hội như vậy. Cứ thử đếm mà xem, phát sợ lên ngay. Không chỉ sợ, cả tự hào cũng có!
Lễ đầu tiên, ngay từ giao thừa, có thể còn sớm hơn một chút nữa, các cửa chùa cũng đã chật ních những người là người. Những ngày đầu năm, giờ phút thiêng liêng, chùa chiền chẳng bao giờ vắng bóng phật tử. Cũng chẳng hiểu người ta đi xin lộc đầu năm hay người ta đi vãn cảnh chùa, tìm một sự bình an trong tâm hồn, trong cõi riêng của lòng mình nữa. Có lẽ người đi xin lộc nhiều hơn người vãn cảnh. Biết bao nhiêu cho đủ với lòng tham con người? Chốn linh thiêng, chắc Phật biết hết. Vậy mà người trần chỉ luôn sẵn thổ lộ lòng tin và luôn che dấu lòng tham, đâu có biết Phật vẫn hằng bên ta. Âý vậy mà biết bao thói xấu của người đời vẫn được phô ra ngay trước cửa Phật.
Vẫn thích thói ăn chơi. Dân mình là vậy. Các cụ nói: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”mà lị. Đi hội đi hè cả năm không biết bao giờ dứt. Những gần tám nghìn cái cơ mà. Hết hội này đến hội khác. Có những hội chỉ một ngày, có những hội kéo dài hai, ba tháng. Thoải mái hội để chúng ta đi chơi, nếu chúng ta có tiền, có sức khoẻ và thời gian.
Năm nào đầu xuân, mình cũng đi chùa. Không cầu lộc, cầu tài mà là cầu sự thanh thản trong tâm hồn. Chẳng hiểu sao, khi hết thời, lại hay ngẫm cái sự đời đến thế. Bởi ngẫm nhiều cái sự đời cho nên trong đầu luôn vẩn vơ cái ý nghĩ bất an về cuộc đời trong cái lúc đáng ra phải vất hết cái sự đời đi để mà thanh thản. Bởi trong người không thanh thản, nên đến cửa chùa, cũng chỉ xin sự thanh thản trong lòng.
Có mấy cách lý giải về niềm tin vào sự linh thiêng, mong chờ vào sự linh thiêng. Có thể là do con người đã quá cùng cực, bế tắc. Cũng có thể con người chưa thoả mãn những gì đã đạt được. Cũng có thể con người ta luôn phải sống trong chờ đợi, hy vọng. Những điều đó làm con người ta thêm tin, tìm đến cái đức tin để bấu víu. Dẫu rằng ai cũng biết, niềm tin đó nó xa xôi và mơ hồ. Nói như vậy cũng vẫn chưa đủ. Cuộc sống luôn tạo ra cho con người ta những éo le cần phải xử lý. Nhiều khi không thể xử lý được, không lý giải được. Vậy là cần một điểm tựa. Đó chính là niềm tin mơ hồ vào chốn linh thiêng. Mơ hồ vì không lý giải được và vì thế mới có những ngày chờ đợi, những phút hy vọng. Sống trong hy vọng mơ hồ còn hơn là sống trong sự thật nghiệt ngã. Một lời dạy rất hay của Phật: “Phá sản lớn nhất của cuộc đời là tuyệt vọng”. Con người ta đến với cửa Phật chưa hẳn đến mức tuyệt vọng, vẫn còn nơi để gửi gắm niềm tin, niềm hy vọng.
Cũng có thể con người ta không tìm được cái gọi là giá trị thật của cuộc đời? Rất nhiều điều chúng ta không thể lý giải được ở cuộc sống hiện tại mà đáng ra, theo cái lý của nhà Phật, cũng là theo cái lý thường của cuộc sống, nó đáng phải diễn ra như thế. Giống như, gieo gió phải gặt bão, cái ác đáng phải bị trừng phạt. Vậy mà nhiều khi, cái ác trong cuộc đời lại vẫn nhởn nhơ, nhởn nhơ như thách thức với công lý cuộc đời, thách thức cả với sự bao dung nhân hậu của Phật nữa. Cũng rất nhiều trường hợp xảy ra trong cuộc sống, mà cứ theo lý lẽ của ông bà ta “ở hiền gặp lành” thì người ở hiền luôn lại gặp phải tai bay vạ gió. Cái ác sao chỉ rơi vào người hiền, chỉ rơi vào dân lành, giai tầng thấp cổ bé họng. Tại sao thế? Câu hỏi được gửi vào Đức Phật để tìm sự trả lời. Đó cũng lại là niềm tin, niềm hy vọng mong manh gửi nơi cửa Phật.
Năm nay đến thăm vợ chồng anh bạn, mà trong năm gia đình có đại tang không đi đâu được. Nhân tiện cùng rủ nhau đi lễ Phủ Tây Hồ. Phủ Tây Hồ là một trong nhiều nơi thờ bà Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử mà dân ta tin yêu.
Ngày thường, đứng phía đầu đường Thanh Niên, qua mặt hồ mênh mang nhìn sang, Phủ chìm dưới bóng cây rậm rạp và bóng nước. Một bức tranh thuỷ mặc. Một vị thế tạo nên dấu ấn của sự thoát tục, linh thiêng. Đến đây, với cảnh sắc đó, con người cảm thấy như được tắm rửa để trong sạch hơn, lương thiện hơn, thoát tục hơn. Trong không gian yên ả, mát lạnh, người trần như đã thoát xác. Tiếng chuông thỉnh lên nghe tưởng xa vời mà lại như mời gọi. Lẫn trong tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng khấn đều đều là hương thơm nhè nhẹ, là sương mờ, là tiếng sóng vỗ của nước, tiếng chim hót và cả tiếng gió nữa…Chốn bồng lai có phải như vậy không? Một khoảng không gian lặng đi trong tĩnh mịch và thuần khiết.
Nhưng hôm nay mới mồng bốn tết, vẫn là những ngày đầu năm, chốn linh thiêng, thâm u với cảnh nước, cảnh rừng cây với tiếng chim không còn nữa. Thay vào đó là ồn ào, nhiễu loạn của biển người mênh mông. Tất cả khoảng trống ven hồ là ôtô, là xe máy, là đoàn đoàn người đi cầu, đi khấn dập dìu. Người ra người vào lũ lượt. Bỗng dưng bị cảm giác trần tục lấn át. Tất cả chen nhau vào đặt lễ và khấn và vái và cầu và xin. Cái sự trần tục nơi cửa Phật trang nghiêm này mang ảnh hưởng từ cuộc sống xô bồ ngoài đời. Hòm công đức và bàn ghi công đức đặt mọi chỗ và xếp hàng dãy. Tiền lẻ được vất đầy trên bàn lễ, nơi các thánh uy nghiêm đang giơ tay niệm chú hay bắt quyết. Thánh nào, Phật nào cần những đồng tiền lẻ đó không biết. Chỉ thấy đó là một sự buông tuồng, trơ tráo nơi cửa Phật theo thói quen cùng với những hành vi không suy nghĩ, không người hướng dẫn. Ấy vậy mà vẫn vô số người cho đó là lòng thành. “Tôi chỉ xin góp một giọt dầu…”
Cùng với hành động “góp một giọt dầu”, một cảnh khác trái ngược của những người đi lễ vào lúc giao thừa, “các phật tử” sẵn sàng mắt trước mắt sau, thậm chí lợi dụng đám đông ùa vào bẻ các cành cây nơi cửa Phật. Họ có hiểu hành động đó là ăn cắp của Phật hay không? Thật đáng thương, họ không cho là như vậy. Họ bao biện “chỉ xin ít lộc của Thánh”mà thôi.
Trần tục hơn nữa là các dãy bán hàng ăn uống. Hồ Tây xưa nay vốn nổi tiếng với đặc sản tôm, ốc và cá. Đặc biệt là bánh tôm và bún ốc.Từ đây, các sản phẩm đó được chế biến để phục vụ các phật tử sau khi làm tròn nghĩa vụ với đấng linh thiêng. Đường vào là đường của những lời cầu khấn được viết bằng chữ Nho và các lễ vật giả như cành vàng lá ngọc để dâng lên Phật. Đường ra là đường của những lời mời chào lẫn với mùi dầu mỡ chế biến thức ăn. Tôi những cám cảnh cho dãy nhà hàng dài như bất tận đó, cũng chẳng thể hiểu nổi sao nhà hàng lại nhiều như vậy. Dường như có đoạn đường nào mới mà khách thập phương đi được thì lập tức quán hàng được cấp phép mọc ra ngay đến đó. Người nghèo nương tựa cửa Phật đã đành, nay thì lại thêm cả chính quyền cũng dựa vào cửa Phật kiếm chác. Lại thấy cái sự trần trụi của con người hơn. Vẫn là đó những tiếng mời chào, vẫn mùi xào nấu toả ra khắp nẻo đường đi. Trạnh nghĩ, người đời cũng chẳng chay tịnh cho lắm. Có đâu là những sự cần phải giữ mình trong sạch khi đi lễ chùa!
Mình không phải thuộc trường phái tân tiến. Nghĩa là cũng rất yêu và nhớ những cái “xửa xưa”. Nhưng lại nghĩ, dạo này người ta khai thác vốn cổ khí nhiều. Những Unesco, những di sản, những bảo tồn, những gìn giữ, những phát huy, những đậm đà bản sắc, những gì gì nữa vô kể…cứ như một câu là phải kèm theo một câu “đậm đà bản sắc” mới thành người Việt Nam. Ấy vậy mà cái văn hoá người dân có nâng lên được mấy phân thì không rõ, chỉ thấy những hủ tục như ngày càng nhiều thêm.
Caí tội hay ngẫm làm mình buồn nên cũng chẳng muốn viết ra đây. Chỉ mong, chỉ mong thế này thôi, cái quan họ nó sẽ được ở mãi với Bắc Ninh, sẽ được dạy trong trường phổ thông như trong đề án đã trình, cái hát xoan cứ ở mãi cái làng nào đó trên Phú Thọ, cái đờn ca tài tử cứ sống ở Long An. Chẳng cần “nét cô nét cậu” gì hết. Mình cực đoan nghĩ vậy đấy. Cứ tuyên truyền cho lắm vào, cứ di sản cho lắm vào mà lại để cái vụ Vịnh Hạ Long chết người nào đó xảy ra nữa thì có mà chỉ biết kêu “Ối giời ơi…!” Đừng kêu gọi bàu bán “di sản thiên nhiên thế giới” làm gì nữa.
Tháng giêng lễ hội nhiều, cũng cố gắng đi được mấy cái rồi. Cảm nhận chung, cái dung tục được mang vào lễ hội nhiều hơn cái “chất xưa tinh tuý”. Hôm nay mưa nhấm nhắc, lòng người cũng nhấm nhắc. Viết mấy chữ để tự giải toả cho mình thôi./.
23/2/11