Bà tôi kể lại rằng: Hội vật làng tôi có từ thế kỉ thứ Mười, khi vua Lê Đại Hành xuất quân chinh phạt phương Nam trở về. Năm ấy, thời tiết rất đẹp, mưa thuận gió hoà, cảnh vật xinh tươi, đại quân của Nhà vua ca khúc khải hoàn trở về, ngang qua núi Cấm (Quyển Sơn - Hà Nam), Ngài cho quân dựng trại nghỉ ngơi, liên hoan ăn mừng thắng trận. Những cuộc thi đấu vật, đấu võ, thi bắn cung kéo dài suốt mấy ngày đêm, có tiếng hát, tiếng nhạc cổ vũ tưng bừng nhộp nhịp. Bỗng dưng trời nổi cơn dông tố dữ dội. Một cơn gió lớn đã cuốn phăng lá cờ suý của nghĩa quân đi mất. Nhiều đô vật trong nghĩa quân đã sốt sắng đuổi theo tìm và lạc vào làng tôi. Sau đó, họ đã ở lại dựng nhà dựng cửa, lấy vợ, sinh con đẻ cái và sống đời đời kiếp kiếp với dân làng. Từ đấy, hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, làng lại tưng bừng mở hội thi đấu vật vào ngày mười hai Tết. Đó cũng là lễ hội cầu may: cầu cho sức khoẻ dồi dào để làm việc đồng áng, cầu cho mưa thuận gió hoà để mùa màng bội thu cho thóc lúa đầy nhà, lợn gà đầy sân và đó cũng là nơi con gái trong làng ra xem để kén chồng. Họ chọn mặt gửi vàng vào những đô vật nào cường tráng, khoẻ mạnh và hiền lành nhất để có cơ hội nhờ mai mối lấy làm chồng. Những điều đó đã len lỏi, thấm sâu vào kí ức tuổi thơ tôi cho đến tận bây giờ như một niềm tự hào rất đỗi thiêng liêng về mảnh đất quê nhà có truyền thống ngàn năm văn vật, như một điều thiêng liêng sâu kín nhất mà ở đó tôi có thể cảm nhận được tính cộng đồng sâu sắc và rõ nét trong văn hoá làng xã ở hội vật làng tôi.
Tôi còn nhớ, ngày ấy, đêm đêm, sau những bộn bề lo toan của công việc đồng áng, dân làng tôi lại rủ nhau kéo đến sân đình để vừa trò chuyện, vừa xem các đô vật luyện tập. Các trai đinh khoẻ mạnh cởi trần, mặc quần đùi, những thớ thịt nổi lên cuồn cuộn. Họ quăng quật nhau uỳnh uỵch dưới nền sân gạch nhễ nhại ánh trăng. Họ ghì nhau xuống và thở dốc như những con trâu đã mệt nhoài sau những đường cầy trầy trật và khó nhọc. Các cụ ông cao tuổi vừa giảng dạy, chỉ bảo cho từng miếng đánh, vừa cười nói với vẻ hài lòng vì những đô vật do mình dạy bảo đã tiếp thu nhanh và vận dụng rất tốt. Lũ trẻ con chúng tôi quên cả đùa nghịch, chạy nhảy, cứ đứng một chỗ mà xem, mà há hốc mồm ra kinh ngạc, nhìn trân trối vào từng cặp đô vật to khoẻ, mình trần, mồ hôi bóng nhẫy đang lao vào nhau như hai con trâu húc nhau để rồi khi có một đô vật nào đó bị quật ngã uỵch ra sân là cả bọn lại nhảy cẫng lên, vỗ tay reo hò cổ vũ làm náo loạn cả sân đình. Rồi thế hệ các anh của tôi, bạn bè tôi cũng từ lò đào tạo vật của làng mà trở thành những đô vật có đẳng cấp, tham gia thi đấu ở nhiều nơi.
Sau Tết Nguyên đán, làng mở hội thi vật, đồng thời cũng là ngày hội làng lớn nhất trong năm: Hội cầu may chuẩn bị cho một vụ mới khi mà ngày mùa bận rộn đang ngấp nghé gõ cửa từng ngôi nhà, từng ngõ xóm. Sau khi các cụ già tế lễ trời đất, cầu tài, cầu lộc, cầu con đàn cháu đống, cầu sức khoẻ dồi dào, cầu mưa thuận gió hoà xong thì hội vật bắt đầu. Cụ ông cao niên và có phẩm hạnh nhất trong làng sẽ đốt hương bỏ vào chiếc đỉnh đồng rất lớn đặt ở giữa sân đình. Cạnh đó là lá quốc kì và lá cờ thần phần phật tung bay trong gió. Cụ lầm rầm khấn vài trời đất rồi đánh vang ba hồi trống lớn khai hội. Lúc này, dân làng và khách thập phương đến từ những làng bên cạnh, thậm chí đến từ những nơi rất xa đã nô nức kéo về từ sớm, đông đến hàng nghìn người, đứng chờ chật kín cả đường làng, cũng bắt đầu lục tục kéo nhau vào xem hội. Lũ trẻ con chúng tôi cũng vội vã chen chúc nhau trèo lên, bu kín trên những cành đa, rễ đa cổ thụ, trên những cây bàng, nghển cổ ngó vào trong đám đông xem hội để hò hét, cổ vũ. Chiếc loa phóng thanh treo trên ngọn cây đa gọi vang tên của từng đô vật vào sới chào khán giả. Những đô vật mặc quần ngắn, thắt đai với nhiều màu sắc khác nhau. Đô vật cao tuổi nhất là những cụ ông tuổi đã ngoài sáu mươi nhưng da thịt đỏ au, gân cốt còn săn chắc, rắn rỏi đến những đô vật tí hon khoảng chừng sáu, bảy tuổi, mặt còn non choẹt, búng ra sữa. Tất cả đi quanh sới vật một vòng, vái chào khán giả và nhận được những chàng pháo tay tán thưởng rào rào.
Hội vật thường kéo dài đến lúc chiều muộn, sau khi các đô vật ngoài làng không còn ai đăng kí tham gia thi đấu với những đô vật đã chiến thắng trong làng. Phần thưởng dành cho người chiến thắng là một chiếc đai thắt lưng, một khoản tiền nhỏ và đô vật khoẻ nhất làng sẽ được ghi danh vào bảng vàng đặt trang trọng trong đình làng. Người đó sẽ được cả làng trọng vọng.
Rồi bất ngờ cơn lốc của thị trường ập đến, phá vỡ tan tành cái không khí trang nghiêm, linh thiêng và háo hức của dân làng vào mỗi kỳ lễ hội. Sau Tết Nguyên đán, các trai đinh lần lượt bỏ làng đi làm ăn xa nơi đất khách quê người. Trong làng, chỉ còn phụ nữ, người già và trẻ con cùng những chàng trai có số phận hẩm hiu. Sân đình trở nên vắng vẻ, ngơ ngác vào mỗi buổi tối và hội vật mặc dù vẫn được tổ chức hàng năm nhưng lại vắng như phiên chợ chiều. Suốt từ trước Tết Nguyên đán cho tới Rằm tháng Giêng, những kẻ đi làm ăn xa lần lượt trở về, cùng với những người dân trong làng từ già trẻ, lớn bé không ai còn tha thiết gì ra sân đình nữa. Họ ngồi túm tụm lại với nhau, vừa tham gia, vừa chầu rìa đông nghìn nghịt bên những chiếu bạc: chơi cờ tướng ăn tiền, tá lả, chắn, ba cây, rút xì, xổ số... ăn tiền. Những chiếu bạc được bày ra khắp nơi, từ trong các gia đình ra đến ngoài ngõ và dọc khắp đường làng, thậm chí ở ngay cả cổng đình và vào tận trong sân đình. Họ chơi cờ bạc với hy vọng rằng năm mới gặp may được tiền, được dây đỏ là cả năm sẽ trúng lớn, ăn nên làm ra. Hội vật bị quên lãng, chẳng còn trống dong cờ mở, chẳng có những người già đức độ ra đánh trống nữa mà do mấy đứa choai choai vừa vật nhau, vừa làm trọng tài, vừa đánh trống. Xung quanh sới vật là lũ con nít thi nhau nói tục chửi bậy, mấy bà trung niên không có việc gì làm rủ nhau ra cổ vũ cho con cái của mình cùng mấy gã thanh niên "ái nam ái nữ" không biết chơi cờ bạc, hoặc những gã đã ngồi chơi bạc quá lâu, đã mỏi gối, đau lưng hoa mắt, nhức đầu và cháy túi ra ngó ngó nghiêng nghiêng cho giãn gân giãn cốt. Những người trong Ban tổ chức trước đây thì im hơi lặng tiếng, lặn mất tăm không thấy động tĩnh gì. Hội làng buồn bã, lưa thưa để cho những thú vui bài bạc lấn át và xô vào quên lãng.
Tôi chợt thấy chạnh lòng và day dứt buồn, tủi thân khi ngày hội vật lại về. Liệu có còn ai đứng ra tổ chức? Liệu có còn những đô vật chuyên nghiệp đứng ra đọ sức? Rồi tất cả sẽ đi đâu về đâu khi thời gian vẫn cứ phũ phàng trôi qua, phủ lên lễ hội dân gian một lớp bụi xoá mờ quá khứ. Hội vật làng tôi biết đến bao giờ mới trở lại ngày xưa?!./.
Tháng 2 -2000
(In trong Mùa hoa lộc vừng - Tập ký và tản văn - NXB Thanh Niên, 2007)