Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
794
123.240.077
 
Chấp Theo Lối Cũ Là Không Đúng
Phùng Hi

Cô Bân, sinh viên ngữ văn đại học sư phạm. Cô từ quê ra phố trọ học gần trường. Sáng trưa chiều tối cô mang túi quàng vai, dáng ốm tong, da tái mét, theo chân bạn rong khắp phố phường, học tất tật mọi thứ được nhà nước lẫn tư nhân mở ra. Đại loại khóa học nào cũng thòng câu: Muốn biết thêm chi tiết xin vui lòng truy cập xinviec.vn (xin việc chấm van nài). Tức không thể không học để lấy giấy chứng nhận bổ sung vô hồ sơ xin việc sau này.

 

Người ta gọi thế hệ của Bân bằng cái tên rất số má và đầy biến cố: thế hệ 8x. Bân nhớ đã giải thích cái tên này nhiều lần, nhưng mẹ Bân vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa. Sau bốn năm, Bân cầm tấm bằng cử nhân văn chương về lại quê nhà, mang niềm vinh hạnh cho gia đình có gốc ba đời cuốc ruộng. Cuốc ruộng? Vâng, đó là nghề tính từ thời ông cố Bân trở lại đây. Tới đời thứ tư, đời chị em Bân có thể còn nghi ngờ, chứ đời thứ năm chắc chắn hết cuốc ruộng. Không phải con cháu Bân giỏi giang làm ông này bà nọ mà vì đô thị lấn hết ruộng nương.

 

Hàng xóm nói: “Con Bân, con gái ông bà Dư dạy tận cấp ba lựng, từ lớp 10 trở lên đấy”. Hàng xóm đâu biết ngoài tấm bằng cử nhân văn chương, Bân có thể quăng ra đầy bàn và ghi đến mỏi tay các loại bằng cấp trong hồ sơ xin việc: tin học, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, ứng xử cộng đồng, môi trường thân thiện v.v… và đặc biệt có giấy chứng nhận “soạn giáo án điện tử” loại giỏi. Cô Bân nếu được bổ đi dạy thì chỉ “dư sức” trở lên! Cô nộp ngay hồ sơ xin việc tại phòng tổ chức sở giáo dục, việc còn lại của cô khá dày: Thuê truyện tranh về đọc say mê. Chạy xe máy ra tiệm net cách nhà một quãng đồng, mê say chat chit. Tiếp chuyện trai làng vui vẻ lúc sẩm tối. Và chờ ngày được đi dạy.

 

Hai mùa khai trường qua đi, Bân nói với cha:

- Con xin việc ở đài truyền hình nghen cha?

- Không, cha chỉ muốn con đi dạy. Làm đài truyền hình có khác gì xướng ca vô loại.

Bân lén nộp đơn ở đài truyền hình, sơ vấn - rớt. Bân nộp đơn tòa soạn báo địa phương, phỏng vấn - rớt. Bân nộp đơn một công ty du lịch, rớt luôn. Bân kết luận: chắc số mình chỉ có đi dạy thôi!

 

Một mùa khai trường nữa lại đến, cha nói với Bân:

- Để cha tới sở giáo dục van nài thử coi.

Cô Bân buồn rầu:

- Chắc không được đâu cha.

Ông Dư dự định thế rồi nghỉ làm cho da bớt xạm nắng. Ông tắm rửa ngày hai lần cho tróc hết mọi cáu bẩn ở kẽ tay kẽ chân; đi tiệm hớt tóc và cạo sạch râu. Đúng tuần sau, ông diện bộ đồ tây ủi láng tưng vào, trông cũng bảnh, ra dáng người có tiền. Sớm bửng, sương thu còn la đà chưa tan trên đồng, ông cưỡi xe máy hăng hái ra đi. Trưa trật, từ sở giáo dục hay một nơi nào đó quay về, ông đăm chiêu bẳn tính. Vợ và con gái hỏi, chẳng thèm trả lời. Ba ngày sau ông nói với bà Dư:

- Tôi kêu bán miếng rẫy, lo con Bân đi dạy.

Bà Dư nghe, tròn mắt hỏi lại:

- Ông nói sao tôi chẳng hiểu.

- Bà làm như hồi giờ bà thông minh lắm – Ông Dư phẩy tay đi lên nhà trên.

Hai tháng sau Bân dạy tại trường cấp ba huyện nhà và miếng rẫy đẹp nhất, gần hai hec-ta khu vực suối Cái của ông Dư đã đổi chủ. Chủ mới đang thu hoạch vụ khóm, ai hỏi cứ úp mở không nói rõ mua rẫy giá bao nhiêu.

*

Nghe tin Bân đi dạy và cả tin ông Dư bán rẫy, chú Năm của Bân tới thăm. Bân ngồi máy tính thay tên mình lên giáo án chép từ mạng trong tiếng hát ồn ào của Kasim Hoàng Vũ, nghiêng đầu chào chú tươi rói. Chú Năm phấn khích : “Anh chị vậy mà hay. Nay con Bân hai sáu tuổi rồi, đi dạy mới kiếm thằng chồng đỡ đỡ, chứ ở nhà ưng trai làng thì tiêu đời. Gì chớ dòng họ mình có cô giáo cấp ba rồi, ai dám khinh”. Bà Dư chép miệng: “Nó học hành tốn kém quá chừng, bây giờ mất miếng rẫy nữa”. Chú Năm trấn an: “Con cái trên hết chớ chị, của cải làm ra mấy hồi”.

 

Ông bạn già của ông Dư mờ sáng đến chơi, uống ly trà ấm người. Ông bạn ngó cây ổi trụi lá trong tiết cuối đông, nói: “Anh tính vậy cũng được. Giả sử con Bân tiếp tục ở nhà ba năm nữa mới được bổ đi dạy, tính ra thiệt hại hơn nhiều. Trai có lứa gái có thì, không đợi được đâu”. Ông Dư trầm ngâm: “Thương con đành vậy chứ tôi tiếc miếng rẫy lắm. Bây giờ ngày tối đi ra đi vào chẳng biết làm gì, phát bực”. Ông bạn chia sẻ: “Coi như trước đây nó học đại học chữ to, nay mất thêm tiền cho nó học đại học chữ nhỏ. Thời buổi người điên của đảo. Bây giờ chơi cây cảnh đi, đi rừng với tôi, bứng gốc me, bằng lăng, lim, lộc vừng về trồng, có tiền lắm”. Ông Dư phá rừng làm rẫy lấy tiền cho con ăn học, bây giờ con đi dạy, mất rẫy, ông lại quay ra phá rừng khốc liệt hơn.

 

 

Có cô bạn cảnh ngộ như Bân, nói với mẹ: “Con Bân bạn con được đi dạy rồi”. Mẹ cô ngồi lò tráng bánh, mồ hôi mồ kê ròng ròng, trừng mắt: “Nó được, sao mày không được?”. Cô bạn ghé tai mẹ nói thầm gì đó, bà mẹ bỗng la to: “Tao làm gì còn tiền nữa, không đi dạy thì ở nhà phụ tráng bánh với tao, rồi mở lớp dạy kèm. Cái gì tới khắc tới!”. Cô bạn vung trôn múa đít: “Không là cô giáo, dạy kèm có ma nó học”.

 

Một bà hàng xóm có đứa con gái dạy tiểu học, nói oang oang giữa đám đàn bà đang chổng mông dặm ruộng: “Nhà ông Dư có rẫy, chớ gặp nhà tui hả, lấy đâu xin cho con đi dạy. May, con gái tui hồi đó đi dạy không mất đồng xu cắt bạc nào”. Bà khác ngứa cổ độp liền: “Bà khéo so, con bà dạy cấp một còn nó dạy cấp ba”. Bà nọ hứ dài: “Thế con gái tui đi dạy không ăn lương chắc”.

 

Chẳng rõ tin tức rò từ đâu, ông giáo già tổ trưởng tổ Văn biết Bân đi dạy là nhờ cha cô bán rẫy. Ông không dám nói với ai, sợ nhiều người biết chuyện, tội cho cổ. Nhẩm tính lương cô Bân đi dạy không ăn, không uống, không mặc quần áo thì mất hơn ba năm mới đủ tiền mua miếng rẫy trả lại cho cha. Biết cái điều vô lí vô sự đó nên ông châm chước, thương cô Bân có phần lôm côm trong nghề.

 

Một ông cán bộ huyện đáng kính, có cậu con trai học lớp Bân chủ nhiệm. Hôm họp phụ huynh, gặp cô Bân, ông cười lớn kiểu nhà quan, nói với mọi người: “Cô giáo trẻ đẹp, tài năng thế này là vốn quí của huyện ta đây”. Ông kia đứng gần, kéo ông cán bộ nọ lui ra, nói nhỏ: “Nè, cổ là con gái lão Dư gần nhà tui. Lão phải bán rẫy lo cho cổ đi dạy đấy”. Tưởng đâu ông cán bộ ra chiều bức xúc, xứng đáng bậc quan chi phụ mẫu, ai dè ổng tỉnh bơ: “Phải vậy thôi, chứ chẳng lẽ học xong rồi ở nhà làm ruộng à”.

 

Với ai Bân giấu, chứ với anh người yêu Bân nói thiệt mình được đi dạy là nhờ cha bỏ tiền chạy, nhưng Bân giấu chuyện bán rẫy, che đi nửa sự thực. Anh người yêu về khoe với mẹ, bà mẹ hồ hởi: “Hôm nào con đưa cô giáo về coi mắt”. Bà nói thế chứ trong bụng đã ưng, được con dâu cô giáo đã tốt, đằng này thêm cha mẹ lại giàu. Không giàu sao đủ tiền lo con đi dạy?

 

Ô hay, chục người cả chục không thấy ai phản đối, dè bỉu, phẫn nộ chuyện nhà cô Bân bán rẫy chạy chỗ dạy cho cô? Họ tán đồng và còn cho đấy là hành động khôn ngoan. Tịnh không thấy mấy từ “hối lộ”, “tham nhũng”, “đút lót”… để nhận định vụ việc. Họ chẳng cần biết tiền ông Dư bán rẫy kia đi đâu về đâu, miễn cô Bân được đi dạy là quí rồi. Đó, nếu anh cứ suy xét theo logic kiểu cũ, tức học xong phải được bổ nhiệm chứ gì? Chỉ tổ chuốc bực mình! Phản đối ư? Coi chừng bị cho là hâm, chậm tiến, chậm tiêu, gàn dở, nông cạn, gì gì đó nữa, nói chung lại là đồ cá biệt. Cá biệt thì không được số đông thừa nhận. Mọi người thấy đó, mọi việc cứ êm thấm, guồng máy cứ chạy đều, chẳng ai chê trách. Chiếc wave Tàu cũ kĩ vẫn cứ cọc cạch chạy đều, nếu chê thì quẳng cả xe chứ thay mới một cái nhông chính hãng Nhật Bản, chẳng cải thiện được gì.

 

Quả nhiên Chấp theo lối cũ là không đúng (1).

*

Hôm trên đường đến trường, trời nắng như đổ lửa, đến đường nhựa cũng bốc hơi như có khói đốt đồng, Bân đi mô tô, mặt mũi bịt kín bưng chỉ ló hai con mắt nhưng anh bạn cùng khóa nhận ra. Anh không đứng lại, chào to: “Đi dạy à?” rồi gò lưng đạp xe đi tiếp, vai anh gầy nhô lên, bên cao bên thấp, chưn cẳng dài ngoằng. Sau cái thoáng gặp, Bân về bứt rứt mấy ngày. Nhớ ngày anh bạn cùng nộp đơn, anh thiệt thà, vui vẻ, mạnh mẽ, hồ hởi, xốc nổi, gì gì đó nữa, nói với nhân viên phòng tổ chức: “Em có thể đi bất cứ đâu, vùng cao hay hải đảo đều được”, nhưng người ta đâu có ngó ngàng. Bân đầy đủ bằng cấp, cha Bân phải bán miếng rẫy nữa kia. Bân được đi dạy hợp lẽ thôi, nhưng hễ nghĩ tới anh bạn là Bân thấy bất công đổ dồn lên anh. Giá như anh đứng lại để Bân giãi bày thế nọ thế kia, anh sẽ thấy ít bất công hơn? Và cũng để Bân bớt xót xa, hổ thẹn. Anh bạn đã giúp Bân chuyện học hành thi cử bao lần, cả cái luận văn tốt nghiệp được giao, trùng đề tài anh lưu tâm, anh cũng biếu luôn. Bân ngại, nói: “Để anh gởi báo chuyên ngành đăng kiếm tiền chứ”. Anh bảo: “Khỏi lo, tôi còn nhiều đề tài lắm”. Anh bạn xấu trai nhưng tài hoa, giỏi giang, thông minh đó là một trong số ít bạn sau cùng chưa đi dạy. Nghe đâu anh tới sở giáo dục, rụt rè hỏi sao em chưa được phân công công tác. Ông phó phòng tổ chức kính mến trả lời: “Cậu thông cảm, họ ngoài tấm bằng cử nhân như anh, còn có nhiều bằng cấp khác, ngoại ngữ nè, tin học nè v.v… chúng tôi phải ưu tiên trước”. Bân nghe buồn, muốn xé hết mấy thứ bằng cấp linh tinh để tỏ rõ bất bình. Giá như gia đình anh bạn có rẫy… như gia đình Bân, họ trả lời sao nhỉ? À, họ sẽ trả lời với người đến sau: “Anh ta tốt nghiệp loại giỏi nên chúng tôi ưu tiên trước đấy thôi”. Khốn nạn, đời thiếu gì cách để lươn lẹo.

 

Bân dạy học một năm lấy được chồng, hai năm sinh con. Trước đó Bân ước ao có tiền mua miếng rẫy trả cho cha, nay giá rẫy tăng theo cấp số nhân với công bội 2, chỉ có trúng số độc đắc mới may ra. Tiền lương không đủ tiêu, tiền đâu mua vé số, đàn bà ai mua vé số, coi như chuyện mua lại rẫy nằm ngoài cả ước mơ! Từ lúc sinh con, về thăm cha mẹ đã khó, nói chi báo hiếu. Bân chỉ thoáng nghĩ cho sang, chứ cứ dằn vặt chuyện báo hiếu ấy à, già mất! Chồng Bân làm kế toán ủy ban xã, đồng tiền bỏ không lọt giếng, nhưng không đưa cho Bân, gởi cả tiết kiệm. Bân nói với cô bạn chưa đi dạy, chưa chồng: “Tao thấy đàn ông phải hào phóng mày ạ. Đẹp trai, nhà giàu, sức khỏe, tinh lực… mà keo kẹt cũng coi như bỏ. Tao cay đắng cái tính kẹo của thằng chồng”. Nhớ cái thảo thơm của mấy anh bạn học ngày xưa mà tiếc nuối, thương phận nữ nhi. Bây giờ trông Bân lồ lộ hương sắc gái một con. May (Rủi), nhan sắc lộ sớm từ hồi sinh viên, chắc gì Bân được (thèm) làm cô giáo. Mỗi khi trường có lễ lạc, quan trên về thăm, tay hiệu trưởng nức tiếng “hào hoa” cố xếp Bân ngồi cạnh vị đại biểu “bự”. Lúc đầu Bân hãnh diện vì mình xinh, sau giật mình, hóa ra tay hiệu trưởng coi mình như món hàng “kính biếu, kính dâng”.

 

Bân đi thao giảng cấp tỉnh đạt giải triển vọng, làm giống như thi Idol, vinh dự hơn dạy giỏi. Bài giảng đánh máy vào phần mềm powerpoint, cả tổ văn xúm góp ý mấy ngày liền, đem dạy thử trên học trò của trường cũng mấy ngày liền, thuộc lòng luôn. Khi “thi đấu” với đồng nghiệp chỉ mỗi rê chuột bấm nút, bài giảng hiện lên màn hình xanh đỏ lòe loẹt, rồi nói theo lời người khác góp ý. Vậy là thành công.

 

Xã hội đã chấp nhận chuyện gia đình Bân bỏ tiền lo cho cô đi dạy, còn có phần ngưỡng mộ đằng khác. Học trò thì thầm nhà cô giàu lắm mới đi dạy được đó. Chúng trọng cô, trọng cái giàu, cái khôn ngoan của nhà cô. Thật là nan tư nghị. Trên lớp cô dạy thế nào nhỉ? Ngôn ngữ nói cô dùng là ngôn ngữ truyện tranh: đanh, gọn. Ngôn ngữ viết cô dùng là ngôn ngữ chat chit, càng trúng gu bọn trẻ, chẳng thấy ai phàn nàn, phản hồi phản hiếc gì ráo. Miễn học trò làm văn không lẫn lộn giữa Chí Phèo của Việt Nam với lão A.Q bên Trung Quốc là được. Cô giáo trẻ, đẹp, sang trọng, dễ mến, trò nào chả thíc.

 

Ông Dư trồng cây cảnh bán có tiền, cô lại về xin thêm đắp vô lương. Cả cái xe máy đang đi, Bân nói với cha cho cô mượn, mấy năm rồi chưa trả nổi để thằng em cưới vợ. Ông Dư không dám nhắc, sợ con gái cưng buồn. Lâu lâu thấy Bân vắng mặt ở trường đôi tháng, ra cô đang học cao học. Thoáng cái hai năm, cô lấy bằng thạc sĩ. Lại cũng anh bạn chưa đi dạy kia giúp cho cái luận văn, đề tài: “So sánh văn học bình dân và văn học hiện đại qua phiên chợ Tết”, được đánh giá cao. Anh bạn đúng mẫu đàn ông chiếm vị trí thứ nhất: xấu trai nhưng thông minh. Đẹp trai, không thông minh như chồng Bân, cần xếp hạng bét.

 

Mỗi khi ngồi chờ dạy, Bân bàn toàn chuyện trên ti vi, từ chuyện an ninh, xe tông đến trò chơi ai chọn giá đúng, nhưng bàn tích cực nhất vẫn chuyện phim dài tập. Cô cười khanh khách khi giảng tục đố thanh hay giảng thanh đố tục trong phòng chờ đông người. Cô vui tươi hay đang che dấu nỗi thất vọng thầm kín? Tiếp cô nói giá thịt, tiền rau, giá sữa các loại. Nếu chê trách cô giáo sao không thấy trăn trở chuyên môn thì oan cô Bân quá, vì cô đâu nói chuyện ấy một mình. Bân đối đáp hồn nhiên như chị nấu bếp tập thể thời bao cấp, quên phứt mình có bằng thạc sĩ văn chương. Rồi cô khoe tới đứa con, đến độ cả trường đều biết con cô Bân ăn bột ngày nào, biết bò ngày nào, biết đứng chựng ngày nào, đi mẫu giáo ngày nào, biết hát tình ca ngày nào, biết đòi bỏ tù ông ngoại ngày nào. Thôi ớn, không kể nữa.

 

Báo chuyên ngành liên tục bàn nóng về môn ngữ văn trong trường phổ thông, nhưng chưa khi nào thấy cô Bân cầm lên đọc. Ai chỉ cái tin độc: ngoại tình, giết người, động đất, sex… cô cầm lên coi đúng chỗ đó rồi bỏ xuống. Ôi dào, cô quay ra than thở học trò biếng học và vô lễ. Chỉ cách mỗi 8x thời cô và 9x thời học trò nay mà cô Bân làm như thời vàng son của nền giáo dục nước nhà vừa đi qua trong hối tiếc. Thì cũng chính Bân nghĩ chứ dại gì khai, rằng Bân thời đi học chưa hề đọc một tác phẩm văn học đích thực nào, ngay đến quyển “sống mòn” của Nam Cao, đứa bạn bỏ sờ sờ trước mắt, thèm mượn đọc đâu. Vậy mà Bân là giáo viên văn trung học phổ thông đấy, ngạc nhiên chưa! Ai ngạc nhiên? Bân ngạc nhiên chính mình chứ ai vô. Cái này không phải tại Bân à nghen! Ngày Bân học phổ thông, bao nhiêu môn học vây quanh khủng bố, rảnh đâu đọc? Ngày Bân học đại học, cái cần là chứng chỉ A B C tin học, ngoại ngữ; đi thư viện nghe chừng xa xỉ và có tội với thời gian. Còn bây giờ đi dạy, người ta đâu có kiểm tra nổi giáo viên “đọc” hay “không đọc”, chỉ kiểm tra các loại giáo án và sổ sách: sổ báo giảng, sổ điểm, sổ kế hoạch, sổ dự giờ, sổ ghi chép, sổ chủ nhiệm, sổ tư liệu, sổ … trời ơi, kính thưa các loại sổ. Mà đọc làm gì nhỉ? Không đọc vẫn dạy được tác phẩm này, tác gia kia. Nếu đọc để dạy thì cần quái gì tốn mấy năm đại học? Đọc nhiều quá rồi rồ chữ như mấy ông văn nghệ sĩ cấp trường của Bân ấy à, nghe bắt mắc cỡ dùm! Giờ Bân là thạc sĩ - giáo viên giỏi cấp tỉnh, xem ra nhứt rồi.

 

Quả nhiên Chấp theo lối cũ là không đúng./.

 

(*) Lời Phật hoàng Trần Nhân Tông đáp trả tăng sinh.

1 / 4/ 2010

Phùng Hi
Số lần đọc: 1558
Ngày đăng: 28.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đi Tìm Vua Lê - Phùng Thành Chủng
Vịt và người - Phạm Toàn
Hoa nở cho người - Quý Thể
Chuyện Của Người Già - Trần Minh Nguyệt
Chuyến Xe - Kinh Dương Vương
Một Chút gì để nhớ - Phạm Văn Nhàn
Linh hồn ong chúa - Hoa Ngõ Hạnh
Xử Nữ - Hà Thúc Sinh
Có Miền Sông Nước - Lê Văn Thiện
Bệnh Xá Cuối năm - Trần Hoài Thư
Cùng một tác giả
Bào Tỷ Ông Nghị (truyện ngắn)