Dinh Cây Si ở đầu Truông Sim, ngó xuống hố ruộng lầy Cây Si. Từ xa đã thấy một vùng cây cổ thụ xanh um nổi lên bên lau lách sim mua bạc màu cằn cỗi. Lập xuân, cây bùi to mấy người ôm rụng bông trắng muốt thành lớp đệm êm trên đám lá vàng. Cây si ôm lấy cây bùi, quỳ hẳn ra đường truông tạo ra một mái rèm bí ẩn. Ai cũng nói năm xưa voi rừng qua đây, một con sa lầy, cả đàn đứng dưới mái rèm và khóc. Tiết tháng mười đầy sương mù lạnh căm. Tôi biết, bên bờ đầm lầy, dưới vạt điên điển rung rinh, lũ chim mỏ nhác khuôn mặt lầm lũi đang xăm những con trùn chỉ màu đỏ.
Năm lên mười tuổi, mùa hè tôi lên Truông Sim hái sim. Lật ngửa cái nón cời ra nắm cành sim rung, trái chín rụng lộp độp trong lòng nón. Tôi cởi quần dài, gút hai ống lại đổ đầy trái chín quàng lên cổ đi lặc lè trên sỏi lạo xạo. Người lớn thường dặn, mùa sim những con cọp ra cửa rừng ngồi rình mò con nít. Hồi nớ tôi chưa khi mô thấy cọp, chỉ thấy trên bức bình phong hình cuốn thư trước dinh Cây Si con vật có hai mắt màu đỏ, hai lỗ tai hình tai sim tím rịm, nhe hàm răng trắng nhởn. Thất kinh, lũ trẻ truyền nhau ăn sim phải ngắt bốn dái tai bỏ đi đề phòng cọp ra bứt lại tai mình.
Cuối cùng, ông cọp mảnh sành, mẻ chai, vôi vữa trên bức bình phong hình cuốn thư cũng trở thành quen thuộc. Mùa gặt thả trâu ăn rạ dưới đầm lầy, buổi trưa chúng tôi trèo vô dinh ngủ. Ông cọp thản nhiên ngó bọn chào mào tro nghiện trái bùi chín đỏ, tưng bừng đánh nhau chí chóe trên nóc dinh. Giấc ngủ bình yên trong gió nồm và trái rụng kéo dài suốt mùa hè. Những người đàn ông đi gặt lúa, những người đàn bà đi củi nắng nôi qua truông về ngang cũng thả đòn gánh ra ngồi. Bóng mát phủ phê của cây si, cây bùi ban phát ân huệ cho nông dân cả làng Trung Phước.
Mùa đông ảm đạm dậy mùi mưa và mùi lá mục trên nóc dinh, người đi rừng thưa thớt. Ông thủ lễ của làng nói, bữa ni cho tới ngày khai hạ, ai đốn một cái cây trong rừng vác về ngang qua dinh sẽ bị ngài vật chết. Nói chỉ để nhắc chớ không ai to gan lớn mật chặt cây trước ngày khai hạ. Rạng sáng ngày mùng bảy Tết, cả làng đốt đốc lội vô truông. Bọn nhỏ giữ trâu lon ton xách gà, khệ nện bưng xôi đi theo người lớn. Những bó đuốc sặt như những con rắn lửa bò về hội tụ quanh dinh. Ngày mai mới là ngày Tết, ngày mai mới là ngày làng được đi củi chặt cây sau khi chiêng trống tùng bi li đã gióng.
Những đêm khai hạ trong đời chẳng thể nào quên. Những đêm như rứa bỗng dài ra khi trái tim một người con đẻ sơn tràng được tưới tắm trong ánh đạo rừng của ngài sơn thần xứ sở. Năm tôi mười sáu tuổi có chuyện động trời xảy ra. Một đứa trong bọn giữ trâu lấy ná cao su bắn vỡ con mắt đỏ lòm bên phải của ngài trên bức bình phong. Nước từ hốc mắt mảnh chai ứa ra có mùi tanh của máu. Ba bữa sau về nhà, nó ngã lăn ra chết. Từ đó, bọn tôi chỉ dám đứng ngoài bức rèm rễ si rón rén ngó ngài thương tật lòng thấy rưng rưng. Mãi mãi sau ni, lòng cũng rưng rưng mỗi khi nhớ tới mấy câu thơ của người chú họ.
Người hẹn tôi về Trung Phước chơi
Mừng đêm khai hạ đuốc hoa bơi
Núi xa un đúc niềm cao vọng
Rừng cũ xanh ươm mộng thiếu thời…
(Tường Linh)
+
Ông chú bỏ làng tha hương. Trong tim còn nhớ mừng ngày khai hạ…
Dinh sơn thần Cây Si ở làng Trung Phước huyện Nông Sơn tỉnh Quảng Nam.