Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.827 tác phẩm
2.759 tác giả
279
122.868.448
 
Chuông ngân chạnh nhớ yêu đầu
Kiệt Tấn

« Ma đưa lối quỷ đem đường

Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi »

Kiều

 

 

Tôi ngồi xếp bằng rất nghề và rất gọn dưới Phật đài. Cứ xem thế ngồi, có thể xác định được người việt gốc cũ hay gốc mới. Dân gốc cũ ăn thì ngồi xếp bằng (kiểu ăn giỗ), ỉa thì ngồi chồm hổm (kiểu cóc ngồi). Dân gốc mới lâm vào tư thế này người cứ bật ngửa ra đằng sau, hay cứ lắc la lắc lư như con lật đật.

 

Tôi bắt đầu ê a theo mọi người, quyển kinh chú đặt ngang tầm rún: “A di rị đa tỳ ca lan đế, Á Nàm Dành di rị đa tỳ ca lan đa, dà di nị, dà dà na...” Ngôi chùa tọa lạc vùng ngoại ô Paris, không xa nghĩa địa mấy. Tôi được vợ chồng người bạn mời tham dự lễ cầu siêu cho ông già vừa mất ở Sài gòn. Trên Phật đài, một vị sư trẻ nện chày trên một cái mõ lớn để giữ nhịp. Giọng sư rền rền rất tốt (tưởng có thể hát opéra được). Tóc sư mọc lún phún một lớp dày, không nhẵn thín như các nhà sư tôi thấy ở chùa hồi nhỏ. A di rị đa... dà dà na...

 

Buổi sáng hôm đó trời quang mây tạnh. Trời vừa chớm thu mát mẻ. Trên mảnh kính đục nằm nghiêng trên mái chùa, bóng tàn lá gì như thể lá chuối phất phơ. Bóng đen và ánh sáng đùa giỡn với nhau thật linh động. Một chút mùi thiền ngấm vào hồn. Lòng tôi thanh tịnh nhưng đồng thời cũng nao nức ham sống. Một lần nữa tôi nhận thức tôi chưa thể tu được. Tôi chợt cảm ngộ cái không khí ngày xưa tôi thường theo má lên chùa lạy Phật. Chùa là một ngôi nhà lá nằm trong miệt vườn Vĩnh long. Đó là chánh điện thờ Phật. Trong sân chùa có một cái am nhỏ để thờ các Bà các Cô và dành cho đồng bóng. Hình như chùa không có tên, hoặc có tên mà tôi không nhớ ra trong bộ óc chưa già mà đã lẫn này. Chỉ quen gọi là chùa Bà Đội.

 

Hồi nhỏ tôi đi chùa không phải vì tin Trời hay tin Phật gì ráo. Chùa có hủ tiếu chay, có xôi có chè. Ngày cúng cô hồn có cả heo quay, thủ vĩ, bánh ít nhưn lạp xưởng. Và dĩ nhiên ăn ỏ chùa thì đúng là “ăn chùa”. Từ ngữ này sau đó lọt vào thế tục thành tiếng lóng: “ăn chùa”, “chơi chùa”, “tiền chùa”,... và có lần tôi đã bị một em chỉnh: bộ “của chùa” sao cứ tằn mằn hoài vậy? Kẻ cắp gặp bà già, mặt mày tôi sượng trân.

 

Tuy chưa biết tin Trời Phật nhưng tôi cũng không có lý do gì chính đáng để chống báng việc đi chùa lạy Phật với má tôi cả. Trái lại, dần dần theo năm tháng, tôi tìm được một lạc thú mới khi lên chùa. Nhưng cái vui vốn lại dính liền với cái khổ (sau này tôi mới biết Phật đã nói như vậy từ khuya)

 

Ô em áo đỏ bay bay,

Bên chùa chợt ngó, bụng hoài tương tư.

 

Quả vậy, lần đầu tiên trong đời tôi biết tương tư, vào tuổi xuân 11 hoặc 12 gì đó. Tương tư một cô gái nhỏ cùng đi theo mẹ lễ chùa (và ăn chùa) như tôi. Cô bé có đôi mắt lớn dễ thương, ưa nhìn. Hai đứa tôi chỉ lén lén ngó nhau, chớ đứa nào cũng nhát hít, chẳng ai dám nói với ai một câu nào, tuy trong lòng đã có bụng ưa. Nhưng rồi xa nhau cũng vì nhút nhát. Tình yêu đầu đành để cuốn theo chiều gió... sau chùa. Bây giờ mỗi lần nghe tiếng đại hồng chung ngân nga tôi thấy tim mình rúng động, ngẫm ra mới biết:

 

Chuông ngân chạnh nhớ yêu đầu,

Tóc xưa giờ đã qua cầu gió bay...

 

Tôi theo má đi chùa giống như nghị gật theo chân lãnh tụ, lập trường tạm gọi là khá vững. Ngược lại, ba tôi thì đối lập 150 phần trăm. Âu đó cũng là cái nghiệp của ông. Tiếc thay ông không làm chánh trị. Nếu lọt vào chính trường thì ông sẽ đứng về phe đối lập... cho tới chết. Nếu không còn ai để chống thì ông sẽ quay ra đối lập với chính mình.

 

Ba tôi lúc còn ở miệt vườn cũng học chữ nho, vận khăn đóng áo dài và búi tóc. Nhưng ông là người đầu tiên trong dòng họ tự ý xởn tóc, bận sơ mi và ra thành học chữ quốc ngữ. Khổ nỗi khi ông viết thư thì tỉ như gián điệp viết mật mã, chỉ mình tôi khám phá được bí mật, đọc và hiểu nổi. Ông cũng biết chút ít bùa chú. Khi tôi bị sưng hàm, ông khóan bùa Lỗ Ban dán lên chỗ đau thì thấy có xọp thiệt. Nhưng ông vẫn không tin. Mấy đời trước, dòng họ tôi nhiều vị làm pháp sư có tiếng. Ba tôi kể một bận ông chú pháp sư của tôi đi cầu ở bờ sông nước lớn ban đêm. Bỗng thấy Bà xẹt, ông chơi cắc cớ bắt ấn một cái, buộc Bà phải đứng lại cái rụp (mới biết tay ấn ông cao!) Sau khi phóng uế xong, ông lơ đãng khoát nước rửa, nên buông lơi tay ấn, thừa cơ Bà xẹt tiếp trúng đầu ông một cái bật ngửa lọt xuống sông. Khi người ta vớt được ông lên thì ông bị á khẩu. Sau đó phải rước sư phụ của ông tới giải phép, ông mới nói lại được, nhưng đồng thời cũng bị phế hết võ công, giải nghệ thầy pháp luôn.

 

Đã ghét thầy pháp, ba tôi lại còn đại kỵ đồng bóng. Ông nói mấy bọn đó gieo rắc dị đoan, lừa đời dối thế, dụ con nít, gạt bà già. Không phải vô cớ đâu. Hồi ở Xóm Mới, chủ nhà của tôi là một người đàn bà góa bụa, có đứa con cứ đau yếu hoài, nên mời bóng tới cúng rỗi trừ căn. Má tôi cũng nhân thể mời bóng sau đó ghé nhà mình lên đồng một phát. Bóng này là bóng đực rựa, có cái hỗn danh độc nhất vô nhị võ lâm là “Mười Lòng Thòng” (cái tên không khá được). Bóng dọn bàn hương án giữa nhà bà chủ rồi gõ trống hát rỗi... “vui lắm Lịnh bà ơi!”... Một chập, say nhang đèn hay sao không biết, tự nhiên bóng nổi hứng hát tiếp: “ứ ự ứ ự... bây giờ gia chủ làm Lan... ứ ư... ta làm Điệp... ứ ư... thì gia đạo mới yên... ứ ứ ứ...”, khiến bà chủ nhà nghe qua đỏ mặt tía tai, còn lối xóm thì che miệng cười thầm. Đã thế, Mười Lòng Thòng còn quấn một cái khăn lau mặt trước rún, vừa hát rỗi vừa ưỡn ẹo trông rất quái gở. Bọn con nít chúng tôi thì coi như pha cái đề nghị “Lan và Điệp” của Mười Lòng Thòng với bà chủ. Chúng tôi biết chắc sau khi màn vũ chấm dứt sẽ có màn thí cô hồn, thế nào cũng vớ được chút kẹo đậu phọng, kẹo mè, bánh men, bánh gai, thèo lèo cứt chuột. Chúng tôi hờm sẵn.

 

Rời nhà bà chủ, bóng ghé nhà tôi để má tôi cầu đồng. Bóng hỏi gia chủ có cái khăn đỏ để phủ đầu không? Má tôi nói không có khăn đỏ, chỉ có khăn vằn ăn trầu của bà mà thôi. Bóng nói “không có khăn đỏ xài đỡ khăn vằn cũng được”. Khăn vằn vừa chụp lên đầu là hắn ợ ngáp một hơi rồi cười ăng ắc: đồng đã nhập! Đồng trả lời vớ vẩn mấy câu hỏi rồi mở túi hành nghề lấy mấy viên thuốc tễ bán cho má tôi để trị chứng ăn không tiêu. Má tôi vừa đặt tiền xong là đồng đánh tiếng “thôi ta kiếu gia chủ ta thăng”, đoạn ợ một cái thiệt dài rồi thăng luôn. Sau khi Mười Lòng Thòng ra về, ba tôi nói: “Bà cho tôi mượn cái khăn vằn của bà để đi làm ăn như thằng cha hồi nãy coi vậy mà khá!” Dĩ nhiên má tôi cũng không phải bạ đâu tin đó: bà liệng mấy viên thuốc tễ xuống đường mương kèm theo câu rủa “thứ đồ mắc dịch!”

 

Nhưng không phải kinh nghiệm chiến trường nào cũng “mắc dịch” như vậy. Hồi tản cư mới về thành tôi bị đau chứng gì không biết, ho luôn hai ba tháng muốn đứt hơi mà không có thuốc uống. Kế bên nhà có ông (bà?) bóng lại cái một tối lên đồng, lấy một tách nước lạnh vẽ bùa lẳn tẳn đưa cho tôi uống, vậy mà dứt ho luôn. Thành thử bây giờ ai hỏi tôi tin bùa chú hoặc quỷ thần hay không, tôi không biết thế nào mà trả lời dứt khoát cho được. Ba tôi thì vẫn đối lập là cái cẳng. Chẳng những không tin cốt đồng mà còn nghi cả cái vụ bán nam bán nữ của bóng. Ông xúi anh rể tôi: Bữa nào mầy rình thằng chả đi đái rồi xông ra kéo quần coi thử.

 

Nói ông già, cần phải phân biệt ông già vợ và ông già ruột, nhứt là trong trường hợp đặc thù của tôi. Khi tôi nói ông già, nên hiểu là ông già ruột, tức ba tôi đó. Ông già vợ tôi thích nuôi cá thia thia và nuôi gà đá độ, đặc biệt là gà nòi. Một bữa ba tôi ghé nhà thăm anh suôi. Thấy ông đang ngồi chuốt cựa gà ngoài sân, ba tôi kề tai nói nhỏ: anh đi đá vịt với tôi vui hơn. Đá vịt? Ông già vợ tôi tưởng ông già tôi nói lộn, cho nói lại. Ba tôi vẫn nhất quyết là đá vịt chớ không phải đá gà. Ông cho thêm chi tiết: Bà Tư Cắc Kè ở xóm ti ?? mới có mấy con vịt mái tơ ngộ lắm. Bấy giờ ông già vợ tôi mới hiểu ra, nhưng chỉ cười trừ. Rốt cuộc, mạnh ai nấy theo nghiệp căn của mình, một đàng đá gà dài dài, một đàng đá vịt mút mùa (lệ thủy).

 

Hồi ở Vĩnh long, tôi cư ngụ cả thảy ba nơi, mà nơi nào cũng ở gần bên hoặc ngó ngang nhà chứa: căn nhà đầu tiên là nhà của anh tôi do Sở Bách Phần cấp cho, tôi ở tạm đó để anh tôi tiện kèm bài vở. Ngày ngày “tung trời xanh, én nô đùa reo mừng...” tôi phải đi ngang một cái “bọt đền” dành cho lính tây và lính lê dương xả xú báp. Lúc nào cũng có một hai cô son phấn toe toét, đứng chống nạnh trước nhà chứa hút thuốc phì phà, áo hở ngực phơi hai quả tuyết lê thắt dưới cho trồi lên, trông phát ớn ché đậu. Mỗi bận đi ngang tôi đều kéo nón xuống che ngang mày, nhưng dưới vành nón không ai để ý tôi liếc xéo qua một bên, bên mặt hay bên trái tùy theo bận đi hay bận về. Mấy ả đâu thèm để ý đồ nhóc con, vậy mà tôi cứ lo sợ mấy ả nghe được tiếng nuốt nước bọt của mình. Qua khỏi nhà chứa tới đầu đường, trước khi tới trường Cao Tiểu tôi quẹo trái, đi ngang một cái Miễu Bà khá lớn nằm trên một gò đất cao, dưới gốc một cây da xà già nua, nhánh rễ chằng chịt. Tôi giở nón cúi đầu chào Miễu, mà trong bụng cứ nơm nớp không yên. Nghe đồn Miễu linh lắm, ai có ý nghĩ gì xằng bậy, Bà biết được vật chết liền. Thành thử thằng lỏi cũng hơi teo.

 

Một bữa tự nhiên mắt tôi nổi mụt lẹo. Ba tôi cười nói: tại mầy ngó tầm bậy chớ gì? Tôi đâm hoảng, tưởng ông đọc được thấu tim đen của mình. Má tôi nói ông đừng có chộ thằng nhỏ; rồi bà mua lười ươi hột é về ngâm cho tôi uống không có đường cho hạ hỏa, mụt lặn. Ba tôi kiếm ở đâu không biết cặp kiếng mát, đưa cho tôi với cọng rau răm biểu giắt lỗ tai để chống ô uế. Tôi cũng bấm bụng nghe theo. Mỗi lần đi ngang bọt đền tôi cứ lo rui rủi có ả nào cắc cớ hỏi “sao hôm nay em đeo kiếng mát?” tôi sẽ không biết trả lời ra làm sao. Nhưng rồi sau đó tôi lại tự hỏi chẳng biết có ả nào để ý cái lối hóa trang kỳ cục của tôi không nữa: thằng lỏi với cặp kiếng mát bự tổ chảng và cọng rau răm tòn teng ở tai!

 

Qua đâu hai năm sau tôi về ở với ba má tôi gần rạp hát Lạc Thanh. Ngang nhà, bên kia đường, sau một khoảng đất trống là nhà ông Bảy Trào, vừa giặt ủi vừa nuôi em. Khách tìm hoa cứ vô rậm rật. Có một bà đĩ già người Miên lai, tên Ba Lĩ (Marie?) rất ba gai, mỗi lần say rượu là cởi trần ngồi bên lề đường, đụng ai chửi nấy, đụng gì chửi nấy. Vậy mà gặp tôi là một mực “chào cậu” và hỏi thăm sức khỏe. Nhà tôi cũng chỉ đủ ăn, chẳng hách về mặt tài chánh, nhưng được cái tôi học giỏi có hạng, mà xóm tôi thì lại khoái và nể những người học giỏi. Chẳng riêng xóm tôi mà cả tỉnh đều vậy. Như bận nọ, tôi đưa một em bán nước dừa ở ngoài chợ về xóm vắng ban đêm, một đám côn đồ ganh tị chận đường kiếm chuyện, tính đập tôi một trận cho bõ ghét. Em bé bèn lột guốc cao gót ra cầm ở tay, đoạn lấy thân bồ liễu án ngữ trước người tôi rồi hét: “Tụi bay đừng có đụng tới anh Kiệt của tao! Anh Kiệt tao đậu tới... hai cái tú tài!” Nhưng một tú hai tú gì bọn kia cũng vẫn sấn tới. Em bé dọa la làng bọn kia mới chịu de. Tôi mở ngoặc như vậy để cho thấy học giỏi có thớ với xóm làng và mấy em trong tỉnh lẻ dữ lắm.

 

Nhưng khổ nỗi, ở ngay tại xóm mình, có thớ kiểu đó cũng hơi kẹt. Xóm tôi có ông Bảy Hoàng, cả ngày nhậu li bì, mặt mũi đỏ lưỡng, sần sùi, vậy mà sanh bốn cô con gái cô nào cũng đẹp như tiên, nét mặt giống như cô gái mà họa sĩ Lê Trung thường vẽ lịch. Bốn cô đều tứ chiếng giang hồ, đổi kép như thay áo. Tôi trông mấy cô ngực mông đâu ra đó, cũng ham lắm. Nhưng đối với mấy cô, tôi là loại thư sinh chân chỉ hạt bột, gặp cũng chào hỏi nể nang... vậy thôi. Riêng tôi cứ thầm ao ước được sống một màn liêu trai, một trong bốn cô là hồ ly tinh, nửa đêm đổi xác làm mỹ nhân đến dụ dỗ gã thư sinh mặt trắng (dù mặt tôi cũng không được trắng gì cho lắm).

 

Đâu có ai ngờ ít lâu sau giấc mơ đó thành sự thật – hay sự thật đã đi vào giấc mơ? Theo diễn tiến tự nhiên của trời đất, tôi chấm dứt giai đoạn “thằng lỏi”, thân thể cũng tăng trưởng theo. Chợt một đêm tôi nằm mơ thấy một người đàn bà đẹp (hao hao giống cả bốn cô) cởi áo phơi ngực trắng phau, và tôi xuất... hạn dầm dề. Tôi phải thức dậy thay quần mà trong bụng lo lắm, dù cảm giác ngất ngây còn tần ngần trong cơ thể. Tôi không dám tâm sự với ai. Nhưng đến lần thứ ba thì tôi hoảng quá đành phải “thú thiệt với đại ca”. Đại ca đây là anh tôi. Nguy thay! Tôi đâu dè mình trót trao duyên lầm tướng cướp! Thay vì giảng cho tôi một đoạn về “người con trai sắp nhổ giò nên biết”, anh chàng lại hù tôi bị bịnh “lở đập” (?), nếu tiếp tục coi chừng cu bị thụt mất. Cách trị: không một lời, lại thêm một tràng cười chế nhạo. Đọc báo thấy quảng cáo “Cửu long hoàn” trị di tinh, mộng tinh, tôi lén mua và lén uống thử. Nhưng càng uống thuốc bổ thận tôi lại càng lở đập dữ hơn. Vì thế, lúc đi tè thỉnh thoảng tôi lại “hò dô ta! nắm cu kéo ra” thăm chừng, lỡ thằng bé thụt mất thì kể như đời tàn trong ngõ hẹp.

 

Quá sức lo lắng và sợ hãi, người tôi vàng võ xanh xao. Má tôi thấy vậy sợ tôi bị quỷ trù ma ám hay Bà Cô gì đó quở, nên biểu tôi theo bà vô chùa lạy Phật, niệm kinh sám hối, may ra nhờ đó mà tai qua nạn khỏi. Tôi cũng nghe lời, nghị gật lại theo gót lãnh tụ. Nhưng bây giờ lập trường nghị gật đã có rung rinh phần nào so với thời thơ ấu. Vì lẽ sau những chuyến bay đêm, mộng mị ngực nghiếc, hồ ly và lở đập, ý niệm tội lỗi nảy sinh trong đầu tôi. Tôi cảm thấy mình nhớp nháp, do đó đâm ra sợ, sợ khi quỳ trước bàn Phật hay trong am Bà. Nhiều đêm tôi bị dày vò bởi các cặp ý niệm đối nghịch tốt-xấu, thiện-ác, sạch-dơ, trên-dưới, tội-phước, đau-khoái, vui-khổ... và bị trì kéo giữa cái bọt đền và cái miễu Bà lúc trước, rồi giữa cái nhà chứa và cái nhà chùa bây giờ.

 

Dĩ nhiên đi chùa là một lẽ, còn lở đập là một lẽ khác. Do đó, lạy thì có lạy thật đấy, mà lở thì vẫn cứ lở tự nhiên. Rồi chuyện gì phải đến đã đến: chuyện lở đập thấu đến tai ba tôi (kẻ bán rao không nói chắc ai cũng đã đoán biết). Ba tôi cười (lại cười!) hà hà rồi dạy rằng: “mầy uống Cửu long hoàn làm gì mất công, cứ cầm hai chục đồng qua Bảy Trào, ổng bổ cho một thang thuốc là hết lở đập liền, mà lại còn khỏe re nữa!” Tôi bán tín bán nghi, không biết ông già nói chơi hay nói giỡn, nên chỉ dám ghi nhận để đó. Và tiếp tục bay đêm một mình. Và tiếp tục bị dày vò. Và tiếp tục bị trì kéo.

 

Thời gian này sự xung đột lập trường giữa ba và má tôi xảy ra như cơm bữa, sự xung dột mang màu sắc của một cuộc thánh chiến giữa ác quỷ và thiên thần. Má tôi niệm kinh lần chuỗi, ông châm chọc là biết chuỗi có bao nhiêu hột rồi mà còn làm bộ đếm hoài. Má tôi cúng lạy, ông chỉ trích muốn ăn con gà cần gì phải lạy nó rồi mới dám đem xuống ăn. Giận lắm má tôi cũng chỉ đến mức sử dụng văn chương, đại khái: “ông đừng có “hành chánh” tui, “ông đừng có thiên ám địa hôn tui”. tôi đoán bà muốn nói gì. Đôi khi tôi phải đóng vai trọng tài xây-cái-nại, hoặc nhân chứng thời cuộc bất đắc dĩ. Tôi cũng bớt hành nghề nghị gật. Bên kia đường nhà Bảy Trào vẫn xôn xao ngoài ngõ thiếu gì yến anh. Bên này đường đêm đêm tôi chong đèn học bài và mơ tưởng một cuộc tam canh dạ đáo của hồ ly nữ, khuya tàn đêm muộn nhẹ bước chiêm bao tưởng lạc đường, rưng rưng mùi phấn bỗng ngùi thương, sương đầm vạt áo mong manh lệ... Cái nhà chùa của tôi càng lúc càng mờ nhạt dần sau cái màn sương vạt áo của yêu nữ.

 

Và nó tiếp tục mờ nhạt đến tưởng chừng như biến mất trong nhãn trường của tôi khi tôi lên Sài gòn học (tôi học quá giỏi, tỉnh lẻ hết lớp). Trước khi bước chân vào Sài gòn hoa lệ, tôi học trọ một năm ở Mỹ tho. Năm này tôi có cô bồ đầu tiên trong đời. Nhà trọ tôi ở cạnh nhà em tại Bến đò. Bên kia bờ (ba la?) là chùa Vĩnh tràng. Tôi thường đưa em qua đó, không phải để đi vào trong chùa mà là để đi ra đàng sau chùa, ngồi giữa mấy cái mả đá tỏ tình cùng tính chuyện tương lai.

 

Trên lối đi giữa các mồ mả có dựng một tấm bảng, trên viết mấy chữ như sau: “Xin đừng lợi dụng chốn tôn nghiêm mà làm điều thất giáo”. Tôi không làm điều thất giáo, chẳng phải vì muốn tôn trọng lời dặn của nhà chùa. Chẳng qua, cái thuở đó tôi quá cù lần, mà xiêm y của các cô lại là một trò “đố vui để chọc” đối với thủ thuật thô sơ của tôi.

 

Lên Sài gòn tôi chẳng còn thiết tha gì đến chùa miễu nữa, ngoại trừ cái chùa Chà và. Nhưng tôi đến đó không phải để thực hành tín ngưỡng hay quay về với thiền môn, mà là để... ăn hủ tiếu tôm cua bên vỉa hè cạnh chùa.

 

Ở chốn phồn hoa đô thị, nhà chùa tôi không biết, chớ nhà chứa thì đã bắt đầu biết một hai nhờ bọn đàn anh tận tình hướng dẫn. Thỉnh thoảng cuối tháng tôi về thăm nhà. Bốn cô con gái mỹ miều của ông Bảy Hoàng đã tung cánh chim biệt mù đâu mất. “Mây xưa cũng bỏ non về, em xưa cũng giã câu thề đó đây...” Tôi thấy buồn buồn. Trông mặt mày của thằng quý tử mình thất thần, má tôi lại dắt tôi lên chùa lạy Phật, ăn chay và ngủ lại luôn ở chùa. Đó là một đêm đầu hạ trăng sáng, yên tĩnh. tôi nằm trên bộ ván ngựa mát lạnh ngó ánh trăng trong dần dần đổi chỗ trên nền đất ngoài hè, nóc chùa theo bóng trăng lên cũng dần dần thu ngắn lại. Đằng xa mờ mờ mái am xanh lạnh lẽo kỳ quái. Cây vú sữa khua lá xào xạc. Trong không khí hâm hấp có mùi hoa cam, hoa lài. Lòng tôi lắng tịnh. Chợt bóng một cành cây lay gió như cánh tay ngoắc làm dậy lại ở trí tôi giấc mơ không thành với hồ ly nữ. Qua tâm khảm tôi, yêu nữ đã lọt vào nhà chùa. Rồi đây biết có ngày nào (và bằng cách nào?) tôi có thể mang mùi thiền vào nhà chứa để giải nghiệp (hay để tạo thêm nghiệp chướng?)

 

Bẵng đi một dạo bốn năm đằng đẵng tôi xa hẳn cuộc thánh chiến giữa ác quỷ và thiên thần, xa hẳn sự giằng co giữa nhà chùa và yêu nữ để lọt vào thế giới của nhà tu và... đực rựa. Đó là thời kỳ tôi du học Canada, tại một đại học công giáo ở Québec. Xứ đã lạnh lẽo mà năm học đầu tôi chỉ có toàn là bạn trai nên cô đơn và buồn bã hết nói, buồn tới mức khủng hoảng, mất ngủ triền miên. Một bận cuối năm, bọn ở nhà trọ đều về quê ăn Giáng sinh hết, bỏ lại tôi một mình ở nhà trọ hơn mười ngày. Xung quanh xứ lạ quê người, nhà cửa đóng im ỉm. Buồn quá tôi lang thang ra phía sau trường, leo lên một ngọn đồi nhỏ nhìn tuyết xuống rợp trời trên thành phố dưới chân đồi. Cô đơn mãnh liệt tới mức tạo cho tôi một cảm giác đau đớn vật chất, như một mũi tên bắn thủng qua đầu. Cô đơn muốn ngất xỉu. Xung quanh chỉ có tuyết rơi và tuyết rơi. Thình lình tôi chợt thấy mình tan ra trong tuyết. Tôi và vũ trụ chỉ là một. Cảm giác tạo nên ngây ngất mãnh liệt bàng hoàng. cô đơn chợt tan biến. Tôi sảng khoái trở về gác trọ ngủ vùi một giấc hơn hai mươi bốn tiếng đồng hồ, bỏ cả cơm nước (hay đúng hơn là bánh mì và xúp). Dĩ nhiên thời gian sau tôi phải cố lôi kéo cho bằng được yêu nữ vào đời mình, khi đó cuộc sống tôi mới trở lại quân bình. Nhưng đó là loại chuyện “kéo dài xa tít tận chân trời”, xin miễn bàn sâu tán rộng ở đây. Goodbye yêu nữ!

 

Trở về nước, tôi thuê nhà ở Bàn cờ, sau chùa Kỳ viên, gần chùa Tam tông miếu. Giữa hai kiểng chùa những tưởng tôi được chở che khỏi ác nghiệp. Ngờ đâu cách chùa Kỳ viên mấy căn nhà lại là động của các yêu nữ. Má tôi còn lui tới chùa, còn tôi thì tuyệt nhiên không. Nếu bà là thân mẫu của thầy Mạnh tử, không rõ bà có quyết định dời nhà không nữa, và nếu dời, dời đi đâu? Nhưng cho dù không muốn dời đi nữa, mà hoàn cảnh đưa đẩy bắt buộc dời thì cũng phải dời.

 

Tôi dọn về Hàng xanh. Cũng lại giữa hai kiểng chùa: chùa Liên hoa và chùa Long vân tự. Hai chùa không được biết nhiều nhờ tu hành, mà nổi tiếng là vùng ẩn núp của nhiều du đãng. Má tôi không lui tới hai chùa này. Nghị gật càng có lý do để thống nhất hành động với lãnh tụ. Cách nhà không xa là thạch động của hai yêu nữ, một nữ đầm lai và một nữ kia to khỏe không kém, ngực mông rất phây phây. Lần này không phải ông già tôi điềm chỉ chỗ “đá vịt” mà là ông già vợ... của anh tôi, tức một ông suôi khác của ba tôi. Tôi bắt đầu kiểm điểm lại các nơi cư ngụ của mình, và nhận thấy có sự trùng hợp kỳ lạ: lẩn quẩn tôi vẫn ở cạnh bên, ngang hông, đối diện, xéo xéo... với “nhà chứa” và “nhà chùa”. Gần như một chướng nghiệp. Nhưng lần này có thêm một loại nhà khác nữa xen vào đời sống thân mật của mình mà tôi chưa có dịp ghi nhận: “nhà mồ”. Từ nhà tôi quẹo ra xa lộ, đi lên một đỗi không xa là nghĩa trang Quân đội. Về sau, loại nhà này cứ lởn vởn xáp lại gần chỗ tôi cư ngụ nên tôi mới bắt đầu để ý.

 

Rồi đất nước chiến tranh dai dẳng cho tới lúc Sài gòn sập tiệm. Tôi tình cờ đi tu nghiệp ở Pháp trước cái ngày hắc ám đó hai tháng. Vợ con tôi nhào đại lên một chiếc tàu Đại hàn đậu ngoài Tân cảng nên kịp di tản may mắn vào phút chót. Tôi và vợ con tốt phước, tôi cho là phần lớn cũng nhờ công đức của má tôi hay đi chùa lạy Phật. Mà tôi không kẹt nhưng má tôi kẹt. Một tay bà bồng ẵm hai đúa con tôi từ nhỏ, tụi nhỏ theo má chạy mất! Bặt tin hai tháng sau, bà buồn rầu lâm bệnh rồi trút hơi thở cuối cùng tại nhà tôi. Ba tôi chôn cất bà tại Nghĩa trang Tương tế. Như vậy chưa yên, nghĩa trang bị giải tỏa sau đó, bà được mai táng lần thứ hai trong khuỷnh vườn nhỏ của ông suôi (thứ hai) tại Thủ đức. Như vậy không biết đã yên chưa. Ba tôi thì đang lâm bệnh nặng sợ không qua khỏi tuổi tám lăm. Người nhà đã nhắc hòm sẵn. Khi xưa ba tôi thường dặn tao có chết tụi bây chôn thẳng xuống đất làm phân bón, khỏi cần hòm (ông đã bán cái hòm tự đóng cho mình để có tiền xây xài). Từ ngày nhà nước kêu gọi mọi người bón phân cho chế độ, ông đổi ý đòi chôn cất có hòm đàng hoàng. Tôi còn nhớ những ngày ở ngang nhà Bảy Trào, khi đóng đồ mộc trong trại ba tôi thường hát nghêu ngao: “Ôi quỷ vô thường đâu có vị người tri kỷ, còn đó âm dương lại đưa rước vô chừng”. Lần trước được tin má chết tôi không khóc, lần này nếu được tin ba chết có lẽ tôi cũng sẽ không khóc . “Thế gian tiếu ngã bất tang thương, ngã tiếu thế gian khấp đoạn trường”, đó cũng là một câu ba tôi thường hay hát.

 

Tôi ở Paris ngót nghét cũng đã mười năm, trong ba căn nhà khác nhau, nhà nào cũng ở gần nghĩa địa. Lần đầu tiên ở đường Pyrénées, gần nghĩa địa Père Lachaise. Lần thứ hai ở đường Odessa gần nghĩa địa Montparnasse. Lần thứ ba về Bagnolet, trở lại nghĩa địa Père Lachaise, cộng thêm nghĩa địa Bagnolet. Tôi thường tự nhủ như vậy cũng tiện, lúc biết mình sắp chết có thể đi bộ ra nhà mồ, tiết kiệm được một vé métro. Ở đây tôi không quen một vị sư nào nên chẳng biết chùa nào mà đi. Nhà chứa thì ở tại các khu dành riêng, yêu nữ và khách hàng mặc cả lộ liễu coi chẳng văn nghệ một chút nào. Tôi ngán ngẩm và hơn nữa cũng chẳng có nhu cầu. Thằng lớn thằng bé gì cũng đã mỏi mệt sau mấy mươi năm thế sự thăng trầm. Nhà chùa: vãn! Nhà chứa: vãn. Chỉ còn lại nhà mồ. Tôi giật mình!

 

Trong khoảng thời gian thất nghiệp tôi thường ra nghĩa địa Père Lachaise ngồi nghiền ngẫm sự đời. Hình như kinh Phật cũng có khuyên người ta thỉnh thoảng nên ra nghĩa địa mà suy tư đời sống và kiếp người. Suy tư chán mà tôi chẳng thấy mình được soi sáng thêm một chút nào. Tôi quay ra tìm kiếm mối liên hệ giữa ba yếu tố không ngớt quanh quẩn trong cuộc sống của tôi: nhà chùa, nhà chứa, nhà mồ. Tôi cố tìm vị trí thích hợp tương đối của nhà này đối với nhà kia. Tôi xoay chỗ tuần tự các nhà, rồi ngắm nghía các mô thức do mình đề ra: nhà chùa-nhà chứa-nhà mồ, nhà chùa-nhà mồ-nhà chứa, nhà chứa-nhà mồ-nhà chùa, nhà chứa-nhà chùa-nhà mồ, nhà mồ-nhà chứa-nhà chùa, nhà mồ-nhà chùa-nhà chứa. Hết. Cả thảy sáu mô thức, không thể hơn được. Với mỗi mô thức tôi bóp trán cố hình dung một cảnh ngộ phù hợp với hoàn cảnh đó tuần tự theo đời sống của một kiếp người: Lúc thất nghiệp tôi có khối thì giờ để bóp trán. Nhưng rồi không có cái nào ổn hết. Nếu thuận theo cái lý của Kiều thì diễn tiến hợp lý phải là: nhà chứa-nhà chùa-nhà mồ. May nhờ có Giác Duyên trực sẵn ở sông Tiền đường để vớt lên, bằng không thì Kiều đã đi tàu suốt ra nghĩa địa, sè sè nấm đất bên đàng, dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh. Nhưng hoàn cảnh đó chỉ thích hợp với yêu nữ. Gặp trường hợp đực rựa như tôi mới tính làm sao? Có lẽ tôi sẽ đi tu và dựng một cái am mây nằm giữa nhà chứa và nhà mồ. Biết đâu nhờ chó dắt tôi có thể vớt được Kiều mang về chùa (để làm gì? nghi lắm!) Hoặc giả có thể chờ khi trăng lặn, hồ ly tinh sẽ đội mồ trút xác biến thành con gái Bảy Hoàng đột nhập vào chùa tìm chàng thư sinh mặt trắng (để làm gì? bí mật!) Hoặc giả yêu nữ và hồ ly tinh đụng độ nhau rồi đánh ghen ngay tại chùa chờ ông đạo ra... giảng hòa? Cũng không ổn. Bóp trán một hồi nữa tôi nhức đầu như thể Tề thiên bị vòng kim cô xiết chặt. Tôi bỏ cuộc. Nhưng chính lúc đó tôi nhận thức tâm mình còn quá vọng chấp, còn quá phân biệt (có cái nhà chùa, có cái nhà chứa, có cái nhà mồ), thành thử cứ oan khổ triền miên không dứt. Có thể chăng ba nhà chỉ là một nhà? Mà một nhà cũng không phảimột nhà? Nếu má tôi còn sống chắc chắn bà sẽ rầy tôi: “Con đừng nói tầm bậy mà có tội với Trời Phật”. Nếu ba tôi có đây kể như ông sẽ chửi tôi: “Mầy mà tu kiểu đó thì tao đốt chùa!” Má tôi đúng, ba tôi đúng, tôi sai? Má tôi sai, ba tôi sai, tôi đúng? Má tôi sai, ba tôi sai, tôi sai?

 

Trả lời có lẽ giờ đây chỉ còn chăng ngọn lửa chập chờn trên mái chùa đang bốc cháy trong tâm tưởng của tôi./.

 

Kiệt Tấn
Số lần đọc: 2020
Ngày đăng: 01.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chấp Theo Lối Cũ Là Không Đúng - Phùng Hi
Tầm gửi - Chu Lê
Đi Tìm Vua Lê - Phùng Thành Chủng
Vịt và người - Phạm Toàn
Hoa nở cho người - Quý Thể
Chuyện Của Người Già - Trần Minh Nguyệt
Chuyến Xe - Kinh Dương Vương
Một Chút gì để nhớ - Phạm Văn Nhàn
Linh hồn ong chúa - Hoa Ngõ Hạnh
Xử Nữ - Hà Thúc Sinh