Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.236
123.154.075
 
Tình yêu mãi xanh
Thanh Giang

Vượt biển từ cảng Marseille mang tâm trạng buồn chia ly. Lên bến cảng Sài Gòn cộng hưởng buồn nô lệ! Nhìn Sở Nhà Rồng đặt trên đất nước mình mà là cơ quan chi nhánh của công ty hàng hải Hoàng Gia Pháp, kẻ tên tắt hai chữ M.I (Messageries Impériales) to tướng gắn trên nóc có hai con rồng chầu bằng đất nung. Trên cao ngạo nghễ  cờ tam sắc xanh-trắng-đỏ. Xung quanh nghểu nghện lính Pháp quần short, nón cối cầm súng canh gác. Dưới bến phu khuân vác người Việt Nam còng lưng cõng bao lúa nặng nối đuôi nhau đem chất xuống những con tàu cũng lúc nhúc cờ tam sắc. Bọn lính coi phu quứt roi gân bò tưới xượi lên những tấm lưng trần đen nhẽm, gầy trơ xương sườn…

 

Lần đầu về Tổ quốc, trông thấy cảnh hành hạ dân mình, Long phẩn nộ, đôi mắt sâu, mày đậm, lông dài long lên sòng sọc. Gương mặt trắng bạch vốn sinh đẻ ở xứ lạnh, chợt đỏ bừng. Một tên lính khoát tay xua anh đi mau. Lạc loài tứ cố vô thân, Long cố nuốt xuống nỗi câm uất!

Học thuộc những tên đường do cha dăn, Long cặp theo bến cảng...qua cầu quây, bỏ đường Quai de l’Arroyo Chinois,  gần đến đường Boulevard de la Somme rẻ trái vào đường Lefèvre, đến ngã tư Boresse rẻ phải đụng ngã tư  Rue d’ Ayot (nay là Nguyễn Thái Bình) rẻ phải, tìm về số 74 cửa hiệu kim khí Sinh Thành. Chua chát thay con đường nào cũng đều mang tên Pháp, đến mọi góc phố, công sở…nhìn đâu cũng thấy cờ Pháp. Anh có cảm giác như đang lạc vào một thị trấn lẻ nào đó của nước Pháp. Nhưng buồn thay lại là Tổ quốc mình. Tổ quốc mà là miền đất lạ, lần đầu tiên ngoài hai mươi tuổi anh mới bước chân về!

Bác Hai, chủ cửa hiệu kim khí Sinh Thành là bạn cố tri của cha, nhưng đang thời ly loạn, tình báo, mật thám như rươi, mặc dù có lá thư gởi gắm bác cũng vặn vẹo Long từ gốc tích ngọn ngành. Long đáp cha ở Gia Định, má ở Long Xuyên. Còn hỏi trước khi sang Pháp, ba cháu làm ở sở nào thì Long ú ớ. Sinh đẻ bên Pháp, lớn lên học hành, giao du với trẻ con Pháp, biết láng máng ba làm cho Sở gì đó của Pháp ở thành phố Lyon; nhưng không vô dân Tây; có chân trong Hội Việt kiều yêu nước. Rồi Long lên Paris học trường Bách khoa (École Polytecnique Supérieure). Đang giữa năm cuối thì cha bảo thôi học, về nước theo Nguyễn Ái Quốc làm cách mạng. Long bần thần, giằng co trong lòng ghê gớm lắm, nhưng vì đạo hiếu trung, Long cắn răng vâng lời cha. Bác Hai hỏi, có những điều Long chưa được nghe cha nói? Thôi thì cứ tình thật nói ra, riêng việc về nước anh nói trớ là để kiếm việc làm. Thử vậy thôi, chứ cũng nhận ra gương mặt tròn khôi ngô hiền nhu của Long có nét giống người bạn cố tri, bác Hai ân cần thu xếp nơi ăn ở cho anh đàng hoàng. Vài hôm, thăm dò bác Hai đủ đức tin, Long nói thiệt ý định và nhờ bác giúp đỡ, chỉ nơi chốn đi tìm Nguyễn Ái Quốc. Bác Hai đáp: “Chỉ có nghe danh nhưng chẳng hề biết gì tung tích Nguyễn Ái Quốc!

Vậy là tiệt đường hy vọng! Trong  những ngày ăn không ngồi rồi Long càng thêm buồn bã. Lắm lúc nhớ ba má, nhớ người yêu, anh ra bến cảng, ngồi nhìn những con tàu chở tài sản Việt Nam rời bến sang Paris mà lòng dậy lên ước muốn trở về Pháp sum hợp gia đình. Nhớ hôm tiễn đứa con trai một ra đi, mẹ và cô em gái đứng khóc ròng! Còn cô người yêu từ là bạn học, rồi yêu nhau thắm thiết; đến nỗi không kềm lòng, nàng chủ động gắn lên môi anh nụ hôn đầu đời say đắm, thì thầm gọi: “Mon Chérie!”. Hôm lên đường, Long trốn biệt, không dám gặp mặt, sợ nàng ôm hôn lần nữa thì rủng chí tơ lòng mà bất hiếu với cha già; coi như tự bóp chết cuộc tình mới là càng thêm tan nát cõi lòng! Ở Pháp, đối với Việt kiều bình đẵng, thương yêu quí trọng nhau. Còn dân Việt ở chính quốc là dân nô lệ da vàng. Mặc cảm ấy đang đè nặng tâm tư, giờ đập vào mắt cái cảnh dân nô lệ bị hà khắc, đày ải, Long càng thối chí! Nhưng đêm đêm trằn trọc, liên hệ lời cha điều lớn lao hơn là thảm trạng mất nước, mất của cải tài nguyên mà cuộc đời mất tự do thì trăm ngàn lần khổ nhục! Công chức làm tay sai cũng bằng nô lệ! Ba cũng đã từng gặp Nguyễn Ái Quốc, được Người cảm hoá, nên càng thổn thức lòng yêu nước, nhưng tiếc thay tuổi già, lực bất tòng tâm, chỉ còn biết phó thác con trai sứ mạng về nước làm cách mạng thay cha. Vâng lời cha, con đã về đến Tổ quốc, nhưng làm sao biết Nguyễn Ái Quốc ở đâu mà tìm?!

Những tháng ngày mịt mù sầu muộn thì quân Nhật chiếm Sài Gòn, ngày 9 -3 đảo chánh Pháp, bắt giam Decoux cùng các vị tai to mặt lớn của Pháp một cách êm ru. Bấy giờ dân Việt lại chịu thêm tầng áp bức của phát xít Nhật, bắt phá lúa trồng đay, dùng lúa thay than chạy máy, trong khi dân đói, ăn củ co, bông súng, mặc quần bố tời. Miền  Bắc chết đói hằng triệu người nghe càng nao lòng khủng khiếp!…

Trước tình cảnh như vậy, Long còn lòng dạ nào trở sang Pháp sum họp gia đình, gặp lại người yêu?! Đã chí hiếu với cha, giờ càng phải tận trung với nước. Bác Martin thủy thủ trên tàu được cha gởi gắm về nước từng động viên: “Ai giỏi vượt qua thử thách, người đó sẽ thành công”. Đường đời lắm cảnh ngộ trớ trêu thách đố số phận con người. Ứng nghiệm, khói lửa chiến tranh ập xuống. Máy bay Mỹ, phe đồng minh ném bom khu vực Thị Nghè và dọc hai bên sông Sài Gòn, nhằm vào những tàu chiến của quân Nhật. Cao xạ pháo quân Nhật bên bờ Thủ Thiêm bắn lên đỏ trời...Phong trào Thanh Niên Tiền phong nổi lên. Long được bác Hai khuyến khích và giới thiệu với anh em khu phố; tuổi trẻ hiếu động không cam thúc thủ, anh hăng hái tham gia. Hoạt động bấy giờ chủ yếu là cứu nạn đồng bào bị máy bay Mỹ oanh tạc, tuyên truyền yêu nước và say mê ca hát những bài: Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên...

Cách mạng Tháng Tám bùng nổ. Căn phố 74 đường d’Ayot trở thành Hội quán của Thanh niên Tiền phong. Thì ra bác Hai vốn là một cơ sở của cách mạng. Long gia nhập “đội xung kích” trang bị gậy tầm vông, dây thừng và dao găm; người chỉ huy là Hoàng Thọ có bộ tướng cao lớn oai vệ thiệt ngon. Nhiệm vụ trong đêm khởi nghĩa cùng với nhiều đơn vị xung kích khác, tiến chiếm các công sở, dinh khâm sai, dinh đốc lý, đài phát thanh, nhà đèn…Khi tiến qua các trại lính bảo an thì đã thấy treo cờ đỏ sao vàng từ hồi nào! Hôm dự lễ mừng Độc lập 2 - 9, Long phát ngợp giữa biển người từ suốt đại lộ Norodom dài xuống trung tâm lễ đài trước dinh đốc lý, nhà hát Tây, tràn ngập cả ba đại lộ Bonard - Charner - De La Somme và ngập cả bùng binh chợ Bến Thành! Rực rỡ trên đài cao băng cờ đỏ chói, kẻ những khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”; “ Tất cả chánh quyền thuộc về Việt Minh”… Long chẳng hiểu Việt Minh là ai, Hoàng Thọ phải giải thích. Thấy ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh ngơ ngác hỏi ông nào vậy? Hoàng Thọ đáp: “ Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc chứ  ai!” Nghe vậy, Long sững sờ giây phút  rồi nhảy dựng lên reo hò như người hoá điên: “Nguyễn Ái Quốc là Hồ Chí Minh! Cha ơi! Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc!…”

Từ  đó Long sát cánh cùng Hoàng Thọ, chiến đấu chống giặc giặc Pháp núp bóng quân Anh - Ấn tái chiếm Sài Gòn và toàn Nam Bộ. Còn nhớ đêm 23 rạng 24 - 9 tấn công diệt bót Signore, anh bị thương tấp về nhà bác Hai điều dưỡng, được nghe bác kể rất xúc động về tiểu đội bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ chiến đấu ngoan cường cho đến người cuối cùng! Hành động anh hùng ấy khiến kẻ thù cũng nể phục, viên sĩ quan người Anh cho sắp hàng ngay ngắn mười thi thể chiến sĩ ta dưới chân cột cờ rồi tập hợp quân lính, hô khẩu lịnh bồng súng chào. Sau đó, Long từ giả bác Hai chuyển xuống miền Tây - rừng U Minh,  công tác Ban Quân giới Khu 9, do có khả năng cơ khí từ trường Bách khoa; nhưng anh dấu biệt từ bên Pháp về. Rồi Long được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Hoà bình lập lại năm 1954, anh cùng đơn vị Quân giới tập kết ra miền Bắc mang theo bao kỉ niệm với mấy má miền Nam…

2

Vượt qua thử thách và cống hiến, Long đã chứng tỏ khả năng cùng bản lĩnh nên được tuyển chọn về tiếp quản và xây dựng sân bay Gia Lâm. Bấy giờ sân bay chỉ vẻn vẹn có một chiếc…xe cứu hỏa của Pháp bỏ lại cùng với những phế thải và rác rưởi tràn ngập. Ít  lâu một cơ duyên bất ngờ, Long được chọn sang Trung Quốc học kỹ thuật động lực hàng không. Đoàn chỉ có bảy người, khi đến sân bay Thiên Tân được đón tiếp rất nồng nhiệt, có băng-rôl chữ to bằng hai thứ tiếng: “Chào mừng các đồng chí Việt Nam đầu tiên sang Trung Quốc học hàng không”.

Quá trình học ở đây có chế độ chơi thể thao, hoặc khiêu vũ, hoặc trượt băng. Từng ở xứ lạnh, Long rất ham thích trượt băng mà chưa có cơ hội, nên hăm hở đăng ký học trượt băng. Huấn luyện viên trượt băng những tưởng là đấng mày râu, ai dè là một tiểu thơ xinh đẹp, kém Long chừng bốn năm tuổi. Tên cô là Việt La, con gái đầu của đại tá Vương - Tư  lệnh sân bay, mẹ là người Nga. Mang hai dòng máu Á - Âu, Việt La đẹp tuyệt trần với vóc người thon thả, đầy đặn, da trắng hồng và đặc biệt làm mê mệt Long là đôi mắt xanh màu  biển … Đôi mắt xanh lại làm sống lên hình ảnh người yêu của Long ở bên Pháp, mối tình đầu giữa chừng vĩnh biệt! Âu cũng là một thách đố ngọt ngào cho bắt bén giữa Long và Việt La từ tình bạn sang một cuộc tình lâm ly! Quan hệ chính đáng, Việt La về thỏ thẻ với mẹ rằng anh chàng Long là con người hay lắm! Mẹ hỏi: “Hay là thế nào?” Việt La hết lời ca tụng phẩm hạnh anh dám từ bỏ cuộc sống ăn học thanh bình, từ bỏ người yêu và tiền đồ tươi sáng trên đất Pháp để lãnh sứ mạng cao cả vâng lời cha về nước làm cách mạng… Mẹ lại bảo: “Vậy hôm nào con xin phép cha, mời Long về nhà ta dùng cơm để mẹ coi mắt anh chàng như thế nào mà con ca ngợi dữ vậy?” Vương tư lệnh cũng xác minh lời con gái, khen Long học kỹ thuật hàng không tiến bộ nhanh, đúng là anh chàng có kiến thức bách khoa vững vàng, thông minh. Bữa cơm gia đình nhà Vương Tư lệnh diễn ra vui vẻ ấm cúng. Người vui nhứt có lẽ là Vương phu nhân. Bà là người Nga, giỏi tiếng Pháp, từ khi lấy chồng về Trung Quốc bà ít có dịp giao tiếp tiếng Pháp với ai, nay được trò chuyện với Long, lại nói giọng Paris rất chuẩn nữa nên bà rất thích và càng quí mến anh. Bà khen Việt La có con mắt biết nhìn khi bình phẩm Long đẹp trai, có đôi mày rậm cương nghị, nhưng đôi mắt thì dịu hiền; biểu hiện tính cách biết cương, biết nhu, thế là người biết; rồi vui miệng cũng thực lòng bà ướm hỏi Long:

­ Việt La và đồng chí Long yêu nhau, gia đình chúng tôi cũng thấy xứng đôi vừa lứa. Vậy đồng chí Long muốn ở rể Trung Quốc, hay cho Việt La về Việt Nam, muốn thế nào?

Trước mối tình đẹp như mơ, câu hỏi làm Long cảm động muốn trào nước mắt! Quá trình yêu nhau chính đáng, không ai cấm cản, nhưng còn nhiệm vụ với đất nước… Tuy nhiên cũng còn đường hy vọng, dứt khoát sao nổi?! Long đành nói loanh quanh:

­ Thưa con hết sức cảm tạ hai bác có lòng thương tưởng. Việc nầy để còn xin ý kiến  đại sứ quán Việt Nam  

Khi  hết chương trình học ở Thiên Tân, bảy anh em được chuyển về sân bay Bắc Kinh  thực tập. Long lại được gia đình họ Vương mời cơm chia tay, do Việt La trổ tài làm món ăn. Mối tình có quá trình dài và sâu nặng, cuộc chia tay lâm ly hơn nhiều so với mối tình hồi bên Pháp. Thực tập xong, Long chuẩn bị về nước, mua quà gởi tặng Việt La kèm lá thư giả biệt! Đại tá Vương có dịp lên Bắc Kinh, nhận quà gởi và trao lại cho Long hộp bánh do chính tay Việt La làm, có đề dòng chữ: Tặng anh Long hộp bánh do em làm để anh dùng trên đường về Việt Nam! Điều làm Long càng xúc động khi Vương tư  lệnh nói thẳng ra lòng mình:

­ Việt La nó khóc quá! Nó yêu đồng chí sâu nặng lắm! Hay là để tôi đến nói với Đại sứ quán Việt Nam, cho Việt La về Hà Nội với đồng chí. Chuyện cưới hỏi tính sau?

Trái tim đau thắt, Long nghẹn ngào hồi lâu mới nói lời từ cõi lòng:

­ Con yêu Việt La cũng bằng Việt La yêu con. Chắc rồi suốt đời con vẫn chôn sâu mối tình nầy! Bởi đất nước Việt Nam còn bị quân thù chia cắt! Là người con của miền Nam, sứ mạng thiêng liêng con phải trở về…Chiến trường!… Dám đâu ước hẹn! Con mong bác Vương và cả bác gái an ủi Việt La sớm nguôi ngoai!…

Đại tá Vương lặng đi hồi lâu rồi ôm hôn Long. Cả hai cùng ngậm ngùi rưng rưng!…

3

Mang hộp bánh người yêu lên xe lửavề Hà Nội, bạn đường đòi khui ra ăn, để lâu hư; nhưng Long giữ khư khư mà hồn vía vất vưởng trên sân trượt băng Thiên Tân. Mãi khi về đến sân bay Gia Lâm anh mới chịu khui hộp bánh chia nhau cùng ăn rồi giữ cái hộp làm kỉ niệm. Với học lực được tin cậy, Long nhận được niềm vui lớn bất ngờ! Trong nhiều loại máy bay Liên Xô viện trợ, có chiếc IL-14-482, đặc biệt dành riêng cho Bác Hồ. Người được giao trọng trách đảm bảo kỹ thuật máy cho Bác là Nguyễn Tường Long. Từ lâu vâng lời cha về nước tìm Nguyễn Ái Quốc, nhưng chỉ gặp lý tưởng của Người, nhìn thấy Người qua hình ảnh Hồ Chí Minh. Bây giờ trực tiếp được nhìn Bác tận mắt, sung sướng đến bồi hồi gan ruột. Hôm Bác đến sân bay đón khách, Long đang kiểm tra máy bay cho Bác đi, trong khi chờ máy bay tới, thấy đã 12 giờ trưa, Bác đến bên ân cần bảo: “Các chú về ăn cơm, đói bụng rồi! Hôm nay Bác sang chỉ đón khách. Đó là ông bà Luật sư Lozbai cùng con gái là ân nhân của Bác, nhận lời mời sang Việt Nam ăn tết”. Được gần Bác là Long đủ no rồi, còn bụng dạ nào về ăn cơm. Bác Hồ đó! Nguyễn Ái  Quốc đó! Anh muốn ôm hôn Bác, muốn nói bao điều rằng con là con của Nguyễn Văn Tường, từng được đón Bác về nhà ở bên Pháp và đã cho con thay cha về nước theo Nguyễn Ái Quốc… Bao nhiêu nỗi niềm trào dâng, Long chỉ biết nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt thầm nhớ đến  cha già mẹ yếu!…

Sau Mậu Thân, giặc Mỹ điên cuồng phản kích, mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Sứ mạng đứa con miền Nam kêu gọi, Long xin trở về chiến trường. Trước lúc lên đường, Long đem hộp bánh kỉ niệm của người yêu, cắt ra một mảnh hình trái tim mang theo trong ba-lô; như mang theo hình bóng Việt La trong cõi lòng. Về đến chiến trường Sài Gòn, anh được biên chế vào một đơn vị biệt động thuộc FK.6. Đang bàn thảo kế hoạch bám vào nội thành, bỗng Long nhận được lệnh Bộ Tư Lệnh Miền gọi về gấp. Đi bộ đường rừng về căn cứ, lòng anh thầm băn khoăn. Số phận con người luôn gặp cảnh ngộ bất ngờ; mong sao có đủ bản lĩnh vượt lên số phận! Anh về đến trạm trực, một cán bộ ra tiếp, hoá ra là phi công Nguyễn Văn Ba đã về trước anh. Ba quê Bến Tre, từng lái chiếc máy bay T.28 lấy được của Mỹ, đã bắn hạ chiếc máy bay C.123 của nguỵ bay ra thả biệt kích ở miền Bắc (sau hoà bình NguyễnVăn Ba được tuyên dương Anh hùng Không quân). Sau khi tay bắt mặt mừng, Ba truyền đạt nhiệm vụ: “ Có một chiến sĩ quân báo (lực lượng của Thành Đoàn), lấy được chiếc trực thăng Mỹ UH-1 từ Đà Lạt, bay về đây, hiện đang ngụy trang tại khu rừng căn cứ của Cục Chính trị Miền. Nhiệm vụ của đồng chí là cùng anh thanh niên ấy, với sự hổ trợ của Cục Hậu cần, tháo rời chiếc trực thăng này và đưa ra Bắc bằng đường bộ…”  Nghe mệnh lệnh: quá sức tưởng tượng, Long tháo mồ hôi hột. Một  thử thách lớn nữa đây!

Long gặp Hùng - anh thanh niên lái trực thăng người đậm đà trẻ trung, kém Long khoảng hơn mười tuổi, thân nhau nhanh, xưng hô bằng chú cháu mà như bạn vong niên, cùng bắt tay thi hành mệnh lệnh. Khi đi kiểm tra chiếc trực thăng, phát hiện có nhiều lỗ đạn, Hùng bảo là hôm bay về căn cứ bị du kích bắn lên dữ quá, phải bay sát ngọn rừng và nhờ có tấm phòng đạn không thôi rụng nụ rồi. Phát hiện tiếp ở khoang đuôi máy bay lấy được túi xách có phiếu lý lịch máy bay, số máy bay, số phi vụ và tên của phi hành đoàn hôm ấy cùng nhiều thứ hữu dụng khác. Từng học kỹ thuật hàng không, Long chưa hề được dạy tháo rời máy bay trực thăng bằng dụng cụ của xe hơi. Vậy mà rồi, với sự trợ giúp của anh em đơn vị Cục Hậu cần, chiếc trực thăng cũng được tháo xong và chất cao ngất nghểu trên ba chiếc xe tải lớn. Tình hình khẩn trương và có tính chất quan trọng, các đồng chí trong Bộ chỉ huy miền và Cục Tham mưu ra đưa tiễn, hạ đạt mệnh lệnh cuối cùng: “Bằng bất cứ giá nào cũng phải đưa đựơc chiếc máy bay trực thăng nầy ra tới Hà Nội nguyên vẹn, lấp ráp nhanh, bay thử tốt, bàn giao xong, trở về chiến trường ngay !

Ngược đường Trường Sơn cực kỳ gian nan là xe chở cồng kềnh, nghểu nghện cao hơn mặt đường năm, sáu mét, lại đường hẹp, lắc la, lắc lư với liên miên đèo dốc, ngầm sâu, vực hẩm! Lắm lúc phải dừng lại nhờ các đồng chí công binh Trường Sơn dùng đủ mọi phương tiện, kể cả dùng thuốc nổ để phá những thân cây ngả nghiêng, hì hục cưa dọn mở lối đi. Xe hơi mà chạy có ngày chỉ được mười cây số! Có lần đoàn xe đang lên dốc, thình lình chiếc xe tăng từ trên dốc lao xuống. Ai nấy hồn vía lên mây xanh, la hét inh ỏi. Anh lái xe tăng may thắng kịp. Coi lại hai đầu xe chỉ còn cách nhau vài mét. Nhìn qua bên đường là vực sâu thăm thẳm, tất cả xanh máu mặt! Cuộc hành trình thiếu bốn ngày nữa là một tháng tròn, đoàn xe đến trạm Thạch Bàn, trạm cuối cùng của Trường Sơn thì được lịnh chuyển hướng về Sơn Tây bằng con đường tắt, không đưa về Hà Nội vì trên đường đi Tọa độ M họ sẽ phát hiện từ trạm không gian vũ tru...

Đến sân bay Hoà Lạc - Sơn Tây, sau khi Long và Hùng được nghỉ vài ngày bồi dưỡng lại sức, bắt tay vào lấp ráp ngay chiếc trực thăng UH.1 với sự hổ trợ của đơn vị không quân vận tải 919. Hà Nội điều lên một xe công trình có đủ phương tiện sửa chửa máy bay và một số thợ cơ khí cho nên sửa chữa được mau lẹ. Nói chung các bộ phận đều nguyên vẹn, chỉ có sửa nhẹ những chỗ vẹo mốp trong quá trình vận chuyển và chỗ bị đạn trong khi bay về căn cứ Lộc Ninh. Chiếc trực thăng lấp ráp hoàn chỉnh chỉ trong mười ngày. Các thông số kỹ thuật của hệ thống điều khiển cơ học và điện tử, các hệ vô tuyến của máy chỉ không lưu đều hoạt động bình thường…Kiểm tra đâu đó chắc ăn, Long báo cáo về Bộ tư lịnh không quân: máy bay thử máy tốt, đề nghị cho bay thử và xin bàn giao. Đề nghị được chấp thuận và hẹn ngày giờ, thiếu tướng Chính ủy sẽ đến chứng kiến cuộc bay thử.

Khi ngồi lên chiếc trực thăng UH.1 cất cánh bay, Long và Hùng dù rất tự tin cũng không sao tránh khỏi phút giây hồi hộp. Chấp hành yêu cầu, Hùng điều khiển bay vài động tác xạ kích mục tiêu và hạ cánh xuống địa hình khó như ruộng nước lấp xấp, hoặc vượt chướng ngại…Cuộc bay thử thành công tốt đẹp, được hết lời ngợi khen của Chính ủy và mọi người có mặt. Ban chỉ huy không đoàn MI-6 được lịnh cùng Long và Hùng lập phương án huấn luyện cấp tốc cho một tổ phi hành của đoàn, chuẩn bị cho tình hình phát triển ở chiến trường. Hùng đã hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện bay chuyển loại trực thăng hệ Mỹ cho tổ phi hành, trong mười tiếng đồng hồ đã bay đơn thuần thục.

4

Trở về chiến trường B.2, mới tới trạm đầu cầu, Long và Hùng chưa kịp đặt bòng xuống, Phó tư lịnh Tư Chu bỗng đâu chạy tới, ôm nhau mừng quá thể. Sau khi nghe Hùng kể tỉ mỉ nhiệm vụ đã hoàn thành tốt đẹp và nóng lòng đòi về chiến trường FK.6, Tư Chu lôi hai chú cháu ra ngoài nói nhỏ: “Chiến dịch bắt đầu rồi! (ý nói chiến dịch Hồ Chí Minh) Hai cậu do Miền quyết định, chắc có nhiệm vụ đặc biệt! Mình về dưới đó trước, nếu còn sống sẽ đón hai cậu ở Sài Gòn!”. Nghe vậy, Long và Hùng nhảy lên reo mừng như con nít, rồi lại trào nước mắt tiễn anh ra cửa rừng về thành. Vùng ven hồi nầy địch thiết lập vành đai phòng thủ Sài Gòn, tăng cường bom đạn cày xới, xe tăng càn ủi chà đi xát lại thành vùng trắng. Chiếc ba lô của Long có mảnh hộp bánh của Việt La cắt hình trái tim tan cùng sắt thép!

Hai chú cháu lại được gọi về Bộ chỉ huy Miền nhận nhiệm vụ mới: chuẩn bị một sân bay để tiếp thu một máy bay của địch trở về với ta. Long và Hùng cùng lên chiếc xe hơi con hiệu Scouts với cán bộ tham mưu, đi nghiên cứu sân bay Phước Bình. Kết hợp đối chiếu bản đồ, Long và Hùng dùng dây đo chiều dài đường băng và quan sát, tìm hiểu địa hình xung quanh sân bay. Nằm ven tiểu lộ 310, sân bay có đường hạ, cất cánh theo hướng Đông Bắc và Tây Nam, chiều dài 1.200 m; 1.000 m có lót ghi nhôm cứng, 200 m đường đất bảo hiểm không lót ghi; chiều rộng 22 m; độ cao so mặt biển 242 m; phía Đông Bắc cách núi Bà Rá khoảng 8 km; cách Sài Gòn 107 km đường chim bay…

Bám lại trận địa E.128 pháo phòng không, Long và Hùng tiếp tục công việc: vẽ lại các ký hiệu trên mặt đường băng, kiểm tra lại mặt đường, xác định độ an toàn, báo cáo về trên và xin lực lượng dọn vệ sinh để tránh tai nạn khi hạ cánh…Cấp trên đến kiểm tra rất hài lòng nhưng còn ngại là đường băng quá ngắn. Long giải thích cho các anh yên tâm: về tính năng kỹ thuật của phản lực cơ F.5E có tốc độ hạ cánh giảm còn 320 đến 300 km/giờ. Khi hạ cánh, máy bay vừa chạm đất, phi công sẽ cho bung dù giảm tốc, đồng thời cánh tà(Volet d’atterrissage) tự động mở ra theo tốc độ máy bay hết cỡ và phi công thắng chân thì máy bay sẽ dừng lại không quá 1.200 m…Bấy giờ một đồng chí trong Bộ chỉ huy vui ra mặt, kề tai nói nhỏ với Long: “Phi công là người của ta, con của đồng chí mình đó!”

Đang sốt ruột mong đón máy bay về hạ cánh, Long và Hùng lại nhận nhiệm vụ cấp bách nữa: “Đi ngay đến Bảo Lộc lái một số máy bay trực thăng UH.1 của quân ngụy vừa bỏ chạy”. Từ Phước Bình, ngồi xe tải Molotova chạy đường rừng ngoằn ngoèo tới giáp Quốc lộ 20 ra ngã ba Tà Lài thì dọc hai bên đường cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng và cờ đỏ sao vàng bay rợp trời! Loa phóng thanh truyền oang oang tin chiến thắng của quân ta. Hùng vỗ tay reo hò còn Long cảm kích bảo rằng: “Cảnh nầy làm chú nhớ trong phim Liên Xô Hồng quân tiến vào Berlin, chiếm toà nhà Quốc hội Đức quốc xã, tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức…” Đến Bảo Lộc, sau khi Long và Hùng được đưa đi xem máy bay thì một số thiết bị quan trọng đã bị chúng gỡ mất, không bay được. Vậy là vội vàng quay về. Còn đi trên đường đã nghe tin: Ngày 8 tháng 4, lúc 8 giờ 15 phút Dinh Độc lập của ngụy quyền bị ném bom… Long và Hùng mừng quýnh, hối lái xe chạy nhanh. Về tới Lộc Ninh thì được biết: Máy bay F.5E đã hạ cánh an toàn! Đồng chí phi công được Tỉnh ủy Phước Long đón về nơi nghỉ. Long và Hùng đêm đó bồn chồn, trông máu sáng để được gặp đồng chí phi công anh hùng! Sáng ngày cán bộ Ban chỉ huy đến, theo sau là một thanh niên trang phục Quân giải phóng mới tinh, thân hình đề đạm, trẻ đẹp, với gương mặt khôi ngô hiền lành, có bộ ria mép xinh xắn, được giới thiệu: “Đây là Nguyễn Thành Trung, người ném bom dinh Độc lập đó! Anh em mình làm quen với nhau đi rồi chúng ta sẽ tiến hành công tác đặc biệt sắp tới ngoạn mục hơn!”

Chiến trường hiếm bạn không quân, thân tình nhau rất nhanh, chuyện trò rôm rả. Nguyễn Thành Trung lớn tuổi hơn Hùng không nhiều, nhưng gọi Long bằng anh, xưng em ngọt ngào:

­ Sau khi ném, bom không trúng mục tiêu, em vòng lại ném lần thứ hai trúng nóc trên của dinh và định bắn vào Toà đại sứ Mỹ, nhưng thấy dân chúng ở dưới chạy tán loạn, sợ trúng dân, em không bắn, bay thẳng qua Nhà Bè bắn một loạt hai mươi li vô mấy bể xăng rồi hạ thấp độ cao còn 50 feet, bay về hạ cánh ở sân bay Phước Bình đã chuẩn bị. Em xem đồng hồ đúng 8 giờ 30 phút. Vừa mở cửa máy bay bước ra, mấy chú mấy anh đã chực sẵn hồi nào, chạy ùa ra mừng rỡ đón em rồi rước luôn về Cục Chính trị Miền!…

Thời gian gần gũi triển khai công tác theo yêu cầu quân chủng, Long còn được nghe Trung bộc bạch tâm tình: Những tháng ngày mong chờ, nghe súng nổ dồn dập sát nách Sài Gòn, làm Trung càng bồn chồn, vừa phập phồng lo nghĩ đến ba má ở quê nhà, nghĩ đến vợ và hai con sẽ như thế nào nếu chuyện chẳng lành!?…Ôi, giây phút quyết định đến thật là căng thẳng! Thiếu tá biên đội trưởng giơ tay vỗ vỗ trán: mật lệnh xuất kích. Trung giơ ngón tay giữa: ám hiệu trục trặc trả lời. Máy bay của Trung ở vị trí số 2 tụt lại rời mặt đất chậm vài mươi giây sau chiếc số 3, rồi vòng trái bay theo ven đô về hướng Chợ Lớn, vòng qua quận 8, lấy chợ Bến Thành làm chuẩn, hướng mục tiêu dinh Độc lập, thực hiện tốt nhiệm vụ trong lúc biên đội còn lại hai chiếc tiếp tục bay theo hướng Bắc để đánh mục tiêu quân giải phóng ở bắc Phan Rang. Khó khăn nguy hiểm nhất là thoát ra được hệ thống chỉ huy ba cấp quản lý khá chặt của sân bay trong cùng một lúc. (Tức đài chỉ huy tại sân bay: 20 km; đài chỉ huy khu vực: 100 km; đài chỉ huy đường dài: trên 100 km). Phải mất thời gian dài tìm sơ hở để lập trình hành động chỉ trong khoảnh khắc: tách khỏi đội hình lúc khởi hành lăn bánh mà che mắt được các đài chỉ huy và tập hạ cánh đường băng ngắn 800 m…

Cơ duyên hạnh ngộ, bộ ba quan hệ nhau như bạn vong niên hết sức thân thiết. Khi Long và Hùng được giao nhiệm vụ ra sân bay Đà Nẵng rồi Qui Nhơn, tiếp thu máy bay địch, phối hợp với đoàn phi hành UH.1 đã được huấn luyện trước đó, thực hành hiệp đồng chiến dịch Hồ Chí Minh thì Nguyễn Thành Trung dẫn đầu biên đội máy bay phản lực A.37 năm chiếc từ sân bay Phan Rang oanh kích xuống phi trường Tân Sơn Nhất…

Trưa ngày 30 tháng 4, các đơn vị reo mừng nhận được bức điện của Bộ tư lịnh không quân tiền phương: “Hồi 11 giờ 30 phút hôm nay, ngụy quyền Sài Gòn, do Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện; các cánh quân ta đang tiến vào Sài Gòn, lực lượng vũ trang cách mạng nội thành và đồng bào đã chiếm giữ các vị trí xung yếu của địch trong toàn thành phố!

Tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất, bộ ba gặp lại, ôm nhau mừng trào nước mắt. Đặt chân lên mảnh đất quê hương, Long bàng hoàng nhớ những ngày cách mạng tháng Tám, giữa bùng binh chợ Bến Thành cầm tầm vông vạt nhọn nhảy lên reo hò: Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc!…Còn Nguyễn Thành Trung thì nóng lòng vợ con đã bị bắt không biết được giải thoát chưa nên lật đật về nhà. Hùng cũng nôn nao báo tin vui về gia đình. Riêng Long chẳng có ai là người thân, trừ cha mẹ bên Pháp mà đến nay không chắc còn mạnh giỏi! Bấy giờ anh cùng đơn vị gom tất cả được 42 máy bay trực thăng UH.1, chọn những chiếc tốt nhất thành lập phân đội: 17 (tiền thân của Trung đoàn 917 không quân), thay phiên nhau bay cảnh giới liên tục bảo vệ bầu trời thành phố. Từ trên máy bay hạ độ cao, Long nhìn rõ từng tốp đông đảo tù binh được giải đi trên xa lộ Đại Hàn. Trên bãi đỗ phi đạo phía tây sân bay Tân Sơn Nhất, nơi biên đội A.37 của Nguyễn Thành Trung ném bom chiều ngày 28 - 4, trông thấy cả khối lượng máy bay nhiều chiếc đủ các loại F-5, AD-6, DC-3… phơi xác ngổn ngang; có chiếc F-5 nằm bẹp, dưới cánh còn đeo 2 quả bom CBU-55…Nhìn về trung tâm thành phố không gian thanh bình bao trùm, tưởng như đất nước chưa hề trải qua cuộc chiến tranh ba mươi năm gian khổ, khốc liệt!

*

Trở lại số nhà 74 Rue d’Ayot thì tên đường đã đổi là Nguyễn Văn Sâm. Hỏi thăm ông chủ tiệm kim khí Sinh Thành thì chủ mới là người Hoa kiều trả lời: không biết! Long ngậm ngùi thương nhớ bác Hai, tìm hiểu xung quanh cũng bặt vô âm tín! Ít lâu Long xin chuyển ngành về cơ quan dân sự của thành phố; rồi tới tuổi nghỉ hưu. Một tình cờ thú vị, cơ quan cấp cho anh một căn hộ nằm trên con đường d’Ayot quê hương, sau giải phóng được đổi tên cùng với tên phường là Nguyễn Thái Bình mà số nhà chỉ cách tiệm Kim khí Sinh Thành xưa vài ba căn. Căn hộ thênh thang mà anh vẫn sống một mình quạnh hiu. Anh cảm nhận trong niềm hạnh phúc lớn lao không nguôi thương nhớ biết bao người ra đi không trở về; hoặc trở về không vẹn toàn thân thể. Còn như anh được trở về trên cung đường khép kín một vòng địa lý!? Từ đất Pháp đáp về con đường d’Ayot coi là quê hương; từ d’Ayot ra đi minh mông đường trần khúc khuỷu…Điểm quay về “hạ cánh an toàn” cũng lại đúng con đường d’Ayot, nhưng vinh quang thay được mang tên Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thái Bình!

Nhân dịp kỉ niệm Quốc khánh 2 - 9 năm đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Một cùng Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Thái Bình mang lẵng hoa đến chúc mừng Nguyễn Tường Long vừa được Chính phủ phong tặng danh hiệu Anh hùng Không quân Việt Nam. Anh xúc động đến bàng hoàng như nằm mơ.

Ngoài bảy mươi tuổi đời, hơn bốn mươi tuổi Đảng, suốt ba mươi năm chinh chiến, không có mối tình nào đẹp bằng hai cuộc tình ở Pháp và Trung Quốc. Dù cho mảnh hộp bánh của Việt La cắt hình trái tim anh mang theo trong ba lô về chiến trường đã bị bom vùi trong cát bụi, song hình ảnh người yêu long lanh đôi mắt xanh màu biển vẫn sống trong anh trẻ trung và mặn nồng suốt đời.  Suốt đời độc thân, chỉ vì không có cuộc tình nào đẹp bằng! Đêm đêm mái đầu bạc trở trăn trên gối chiếc, trong mơ tình yêu vẫn xanh…

Thành phố Hồ Chí Minh, 13 - 11 - 2004

Thanh Giang
Số lần đọc: 2658
Ngày đăng: 01.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện cổ tích về chiếc áo tơi - Trầm Hương
Dòng nước ngọt cho con - Trầm Hương
Khỏa thân màu xám - Lê Đình Trường
Bâng-briêu mùa xuân - Nguyễn Thanh
Bến sông đời người - Nguyễn Thanh
Nắm tro - Kim Quyên
Nghiệp văn - Kim Quyên
Cô gái nhỏ trong cơn bão khô - Lê Đình Trường
Hơ tay trên ngọn khói - Lê Đình Trường
Vẽ lại bức trang xưa - Nguyễn Quang Sáng