Phụ lục
Lời dẫn: Trong bài” Mai Lâm- Nguyễn Đắc Lộc: nhà văn” bất đắc dĩ”, nhắc chuyện thời tiền chiến có hai vị cùng sử dụng bút hiệu MAI LÂM. Một là Mai Lâm- Đoàn Văn Thăng, hai là Mai Lâm-Nguyễn Đắc Lộc.
“Mai Lâm-Đoàn Văn Thăng còn khóc lầm Tản Đà qua đời- trong khi“ Tản Đà vừa uống rượu, vừa ngâm nga” Nực cười cho bác Mai Lâm / Thương nhau chi mấy mà lầm khóc nhau”– vậy bài thơ đáp tạ, viết giọng “ hước ngạo” kia của Tản Đà, ông trích từ đâu?( bạn tôi đặt câu hỏi).
Đó là câu chuyện văn chương khoảng 80 năm rồi - không chỉ bạn tôi, mà thiển nghĩ, không ít bạn đọc chung một thắc mắc” chẳng biết hỏi ai bây giờ?”.
Bài thơ “ Viếng Tản Đà” đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy khoảng 1933 ( chủ nhiệm Vũ Đình Long), sáu năm sau Tản Đà mới qui tiên ( 17-6- 1930 ở Ngã Tư Sở, ngoại thành Hà Nội)- và Mai Lâm-Đoàn Văn Thăng làm 2 câu đối Nôm ( viếng Tản Đà” qua đời thật sự”):
” Bác thật” về” ư? Tiệc Rượu Thần Tiên mong đãi khách;
Tôi ở mãi ! Tình Thơ Non Nước vẫn lưu người !”
(“ …hình như 2 câu này không được phổ biến, hay có mà tôi không biết, vào 1966 tại miền Nam… tôi mới được đọc. Thật là hân hạnh cho tôi, vì còn được đọc cả 2 câu bằng chữ Hán, do nhà danh họa Đới Ngoạn Quân dịch..” “– Hoàng Ngọc Liên chú thích)
Mai Lâm - Đoàn Văn Thăng sinh 191? – 1995 - tp.HCM), sau khi qua đời ở xóm Nhà thờ Công giáo Hoàng Mai ( phường 16, quận Gò vấp ), ông để lại vài bản thảo:” Bảy Thánh Vịnh Thống Hối”,”Ngôi sao lạ”,”Duyên thơ”, và tập thơ dịch “ Sấm truyền”.…(có lẽ là”oeuvre posthume “ ).Ông Thăng là thân sinh nữ thi sĩ Đoàn Ngọc Kiều Nga ( vợ cố thi sĩ Trần Thúc Vũ), hiện sinh sống ở Hoa Kỳ.
…và dưới đây trích đăng nguyên bản 2 bài thơ “ Viếng Tản Đà” / Mai Lâm – Đoàn Văn Thăng, và
“ Cười ông Mai Lâm” / Tản Đà-Nguyễn Khắc Hiếu.
(theo bài viết :” Về đôi câu đối khóc cụ Tản Đà…. / Hoàng Ngọc Liên ( 1930 - ) đã phổ biến trên báo mạng hải ngoại từ 2003).
t.p.
1.- VIẾNG TẢN ĐÀ
Mai Lâm- ĐOÀN VĂN THĂNG
Ôi thôi ! hỡi bác Tản Đà,
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời
Xa trông mây nước ngậm ngùi,
Tấm lòng thương nhớ, mấy lời viếng thăm.
Nhớ ai vấn vít tơ tằm,
Nước non bao kẻ đồng tâm hẹn hò.
Thơ đầy túi, rượu lưng bồ,
Dẫu nho kiết, cũng danh nho nước nhà.
Ôi thôi ! hỡi bác Tản Đà,
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời!
Bác với tôi…Bác với tôi,
Tuy không quen biết, cũng người đồng bang .
Lại thêm cùng mối văn chương,
Chung tình non nước, tơ vương bên lòng.
Bấy lâu tôi những ước mong,
Có phen dun dủi tương phùng hai ta.
Ôi thôi ! hỡi bác Tản Đà,
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời !
Làm chi vội mấy, bác ơi!
Chí cao, nghiệp cả, ai người nối theo?
Thuyền nan ai giữ mái chéo?
Con tàu bản quốc ai liều sóng khơi?
Bức dư đồ rách, ai bồi ?
Báo An Nam nghỉ, ai rồi lại ra ?
Ôi thôi ! hỡi bác Tản Đà,
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời !
Mai Lâm-Đoàn Văn Thăng [].
(Hoàng Mai, hè 1933)
2.-CƯỜI ÔNG MAI LÂM.
Tản Đà- NGUYỄN KHẮC HIẾU
( Tiểu thuyết thứ bẩy, 1933)
Nực cười cho bác Mai Lâm,
Thương nhau chi mấy mà lầm khóc nhau ?
Suối vàng ai đã vội đâu ?
Mà cho ai nhớ ai sầu, hỡi ai!
Tóc tơ vương vít còn dài,
Con tằm còn trả nợ đời chưa xong.
Lửa hương còn chất bên lòng
Nho tàn còn vẫn trong vòng trăm năm.
Nực cười cho bác Mai Lâm,
Thương nhau chi mấy mà lầm khóc nhau ?
*
Đôi ta đồng quốc, đồng châu,
Lại trong thanh khí tương cầu tương thân.
Gặp nhau rồi cũng có lần,
Cùng nhau còn ở cõi trần trăm năm.
*
Nực cười cho bác Mai Lâm,
Thương nhau chi mấy mà lầm khóc nhau ?
Cõi đời đã lánh xa đâu ?
Mà cho ai tiếc, ai sầu, hỡi ai ?
Bức dư đồ rách chưa bồi,
Báo An Nam nghỉ, biết đời nào ra ?
Hủ nho vô ích nước nhà,
Rượu thơ còn vẫn la cà trăm năm.
*
Nực cười cho bác Mai Lâm,
Thương nhau chi mấy mà lầm khóc nhau?
Hồn thơ đã mất đi đâu,
Mà cho ai khóc, ai sầu hỡi ai ?
Dưới trên còn đất còn trời,
Còn non, còn nước, còn người nước non.
“Đà” chưa cạn, “Tản “chưa mòn,
Còn ai Thi sĩ, lại còn Tri âm.
Nực cười cho bác Mai Lâm,
Thương nhau chi mấy mà lầm khóc nhau?
Tản Đà-Nguyễn Khắc Hiếu