Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.134
123.140.356
 
Tục Thờ Mẫu Và Nghi Lễ Ngồi Đồng - Múa Bóng Ở Khánh Hoà
Nguyễn Man Nhiên

cùng viết với NGUYỄN TỨ HẢI

 

Từ năm 1653 khi những lưu dân Việt từ các tỉnh phía Bắc theo chân chúa Nguyễn vào khai hoang lập làng, tạo lập cuộc sống mới trên dải đất ven biển cực nam Trung bộ này, họ đã mang theo cả nền văn hóa nơi quê hương bản quán của mình, trong đó có tục thờ Mẫunghi lễ ngồi đồng - múa Bóng. Tín ngưỡng thờ Mẫu từ cái nôi của văn minh Đại Việt là đồng bằng Bắc bộ đến đây giao thoa, hòa nhập cùng tín ngưỡng thờ nữ thần Mẹ xứ sở (Pô Inư Nagar) của dân tộc Chăm bản địa đã làm nên tín ngưỡng thờ Mẫu ở Khánh Hòa đầy bản sắc và độc đáo, để lại những dấu ấn văn hóa quan trọng trong khu vực.

 

Tục thờ Mẫu đã có từ rất lâu ở Việt Nam, do ảnh hưởng từ thời kỳ mẫu hệ xa xưa. Trong quá trình phát triển của lịch sử đã dệt nên hệ thống thần thoại, huyền thoại về Mẹ nhân từ và rất đỗi quyền uy. Người Việt vào định cư ở Khánh Hòa đã tiếp thu có chọn lọc nền văn hóa của người Chăm bản địa. Tục thờ Mẫu như bắt gặp sự đồng điệu trong tâm hồn giữa hai dân tộc Việt - Chăm, với cùng quan niệm về đức Mẹ nhân từ, Mẹ là tất cả. Cùng là biểu tượng văn hóa nên dễ hội nhập, mẹ Chăm cũng như mẹ Việt đều được phụng thờ. Vì thế người Việt tôn thờ nữ thần Pô Nagar của người Chăm như một vị phúc thần, gọi Bà là Thiên Y A Na Thánh Mẫu  hay Bà Chúa Ngọc, vừa linh thiêng vừa gần gũi. Các triều vua nhà Nguyễn cũng phong tặng cho Bà nhiều tước hiệu cao quí như “Thiên Y A Na diễn Ngọc Thánh Phi”, “Hồng nhơn phổ tế linh ứng thượng đẳng thần”… Khu quần thể đền tháp Pô Nagar ở Nha Trang có niên đại xây dựng khoảng từ thế kỷ IX - XIII, là một trong những di tích kiến trúc tôn giáo quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hoá, tín ngưỡng của người Chăm xưa, nay là nơi thờ Mẫu của cả người Chăm (Pô Nagar - nữ thần Mẹ xứ sở) và của người Việt (Thiên Y A Na Thánh Mẫu). Các thế hệ người Việt vừa nối tiếp nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của mình, vừa biết bảo tồn văn hóa Chăm Pa, tôn tạo điện thờ Thiên Y A Na, làm cho ngọn tháp Pô Nagar mãi đứng vững với thời gian.

 

 

Múa Bóng trong lễ hội Tháp Bà

 

Tục thờ Mẫu chiếm vị trí quan trọng trong thế giới tâm linh của người dân, có sức sống mãnh liệt trong văn hóa cộng đồng. Ngoài Tháp Bà Pô Nagar, Khánh Hòa còn có cả một hệ thống kiến trúc thờ tự tín ngưỡng Thiên Y A Na khá đa dạng, gồm các am (Am Chúa ở Diên Điền, Diên Khánh), các miếu thờ độc lập (miếu Cây Ké thôn Phú Lộc Tây, miếu Thiên Y xã Diên Bình, miếu Cổ Chi ở thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh…), các miếu thờ Thiên Y A Na trong quần thể di tích đình làng (đình Vạn Thạnh ở Nha Trang, đình Khánh Cam ở Cam Ranh…), hoặc phối thờ Bà Thiên Y A Na ngay trong đình (trong hầu hết các ngôi đình làng Việt trên đất Khánh Hòa, người dân luôn dành một phần trang trọng để thờ Bà Thiên Y A Na cùng với chư vị thần linh, các bậc Tiền hiền Hậu hiền của địa phương).

 

Tục thờ Mẫu còn được thể hiện qua các huyền thoại, truyền thuyết về Bà Mẹ xứ sở, về Thiên Y Thánh Mẫu, các trò diễn dân gian và điệu múa dâng Bà trong lễ hội… Tục thờ Mẫu còn được thể hiện sinh động qua lối diễn xướng nhạc chầu văn tế Thánh Mẫu, hát dâng hoa, ngồi đồng - múa Bóng.

 

1. Tục thờ Mẫu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng:

 

Điểm nổi bật trên bức tranh toàn cảnh của văn hóa Khánh Hòa là những hình thức lễ hội dân gian, phản ánh rõ nét về lao động sản xuất, phong tục tập quán, tín ngưỡng của nhân dân. Nông dân có tục lệ mùa xuân cúng đình, hát bộ, gọi là lễ hội đình làng. Ngư dân từ mùa xuân đến mùa thu cúng lăng - đình, hát bộ, gọi là lễ hội cầu ngư. Làng nào cũng có đình, vạn lạch cửa biển nào cũng có lăng (thờ Ông Nam Hải, tức cá Voi). Lễ hội đình - lăng ở Khánh Hòa kéo dài từ tháng Giêng đến hết tháng 10, nhưng rộn ràng hơn cả là từ tháng 2 đến hết tháng 5 âm lịch hàng năm. Ngoài ra còn một số lễ hội khác như lễ hội Thiên Y A Na ở Am Chúa (thuộc xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) và lễ hội Tháp Bà ở Nha Trang. Cứ vậy “xuân thu nhị kỳ”, một năm hai mùa vui tế lễ. Nếp sinh hoạt văn hóa này chiếm vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân.

 

Trong đình làng, vị trí của Mẫu rất được tôn vinh, xuất phát từ quan niệm của người dân: “Mẫu sinh ra đất trời, sinh ra thế giới vạn vật, sinh ra con người… Mẫu luôn bảo vệ, chăm lo sự sống, dạy dỗ và dưỡng nuôi con người. Mẫu là tất cả!”. Gian giữa đình là chánh điện thờ Thành hoàng, bên hữu thờ Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ, bên tả thờ Mẫu. Mẫu ở đây tùy từng đình, có đình thờ Ngũ Mẫu (như cụm đình - lăng Cửa Bé thuộc phường Vĩnh Trường), có đình thờ Mẫu Cửu Thiên. Còn gian thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu thì đình nào cũng có. Phần đại lễ hát tuồng thứ lễ dâng Mẫu thì lúc nào cũng phải hát tuồng Bà như vở “Ngũ sắc châu” nói về 5 chị em với 5 màu da khác nhau, đa tài, đẹp sắc, giàu tình cảm, sống nhân hậu, từng giúp vua cha dẹp giặc dữ, cứu dân độ thế.

 

Ở lăng, gian giữa tức chánh điện thờ Ông Nam Hải - được triều đình nhà Nguyễn sắc phong là “Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần” thuộc hàng Thượng đẳng thần, bên tả thờ Bà Vạn Lạch - người mẹ đã có công dạy cho con người biết làm nhà để ở, biết sống đoàn kết vạn chài, bên hữu thờ Bà Thiên Y A Na, gian trong thờ các bậc Tiền hiền.

Lăng cũng như đình, có thờ tự là có lễ tế. Nghi lễ tế Mẫu đều có múa dâng hoa, múa đèn. Trong lễ nghinh thủy triều của lễ hội cầu ngư diễn múa dâng hoa trước, rồi mới đến múa siêu, múa bá trạo sau.

 

Vạn lạch nào giàu khi tế lăng đều tế 3 heo: heo tế Ông Nam Hải, heo tế Mẫu, heo tế Tiền hiền.

 

Tóm lại, từ cấu trúc xây dựng đình - lăng đến các nghi thức lễ tế, các trò diễn xướng đều tập trung tôn vinh vai trò của Mẫu, thể hiện tục thờ đa thần trong đời sống tâm linh dân gian. Người dân rất tin Bà nên thành tâm làm “lễ trả hiếu”, tự nguyện quyên góp tài lực cho làng vào hội. Dân làng quan niệm vào hội “vui hơn Tết”, vì Tết chỉ có 3 ngày, còn hội diễn ra đến 7 ngày! Không khí toàn làng như bừng vui, náo nhiệt, sự rạo rực hiện rõ trên mỗi khuôn mặt người. Con cháu của làng dù làm ăn xa ở đâu cũng về đông đủ. Lễ tế đủ đầy, tuồng hát tưng bừng... là dấu hiệu của sự làm ăn phát đạt, ấm no hạnh phúc. Người ta hy vọng sự may mắn, tấn tài tấn lộc sẽ đến với mọi gia đình, mọi ngành nghề. Đây cũng là mục đích của lễ hội đình - lăng.

 

 

 

Múa Bóng trong lễ hội Tháp Bà

 

Ngoài tế Mẫu trong lễ hội đình - lăng, ở Khánh Hòa còn có lễ hội dành riêng cho Mẫu, đó là lễ tế Thiên Y A Na (còn gọi lễ vía Bà). Hệ thống điện thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na khởi đầu từ Miếu Bà Chăm vùng chùa Suối Ngổ, đến Am Chúa (cả hai đều ở huyện Diên Khánh) rồi đến Tháp Pô  Nagar (người Việt quen gọi là Tháp Bà) bên cửa sông Cái Nha Trang. Hệ thống này từ sâu trong rừng núi đi dần theo lạch sông Cái ra vùng cửa biển. Như vậy Mẫu Thiên Y A Na vùng chùa Suối Ngổ, Am Chúa có trước, tháp Pô Nagar là có sau. Lịch thờ Am Chúa tế ngày 2 tháng 3, tháp Pô Nagar tế ngày 23 tháng 3 âm lịch.

 

Nghi lễ tế Mẫu Thiên Y A Na đã được Việt hóa rất nhiều. Từ phần chính như tắm tượng, múa hát dâng hoa đến các vật tế như thịt heo, hát tuồng thứ lễ dâng Bà, lễ tôn vương và hát bộ kéo dài luôn mấy ngày đêm hoàn toàn theo nghi lễ của hội đình làng Việt. Về quy mô tế, ở Miếu Bà Chăm (vùng chùa suối Ngổ) chỉ làm lễ dâng hương, còn ở Am Chúa đã là một lễ hội mang tính khu vực. Tuy gọi là “am” (nơi thờ tự nhỏ) nhưng Am Chúa nay là một công trình kiến trúc lớn, đồ sộ giống như một ngôi chùa, có ngoại Tam quan, nội Tam quan, sân chầu, bái đường và chính điện (điện thờ). Trong điện thờ được bài trí hệ thống tượng thờ, các vật thờ… rất bài bản. Nơi đây ngày càng thu hút được đông đảo khách thập phương nên đã dần dần được trùng tu tôn tạo rộng lớn hơn trước để có đủ chỗ cho các tín đồ đến đây bái cúng.

 

Đến lễ hội Pô Nagar ở Tháp Bà thì thực sự đã mang tầm cỡ quốc gia vì có rất đông quần chúng tham gia với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa.

 

Trên ngọn đồi Cù Lao nằm sát tả ngạn sông Cái Nha Trang sừng sững một quần thể tháp Chăm mà nhân dân địa phương quen gọi là Tháp Bà. Đây là nơi người Chǎm xưa thờ Bà Pô Inư Nagar (Bà Mẹ Xứ), nữ thần duy nhất trong vô vàn thần của người Chăm được người Việt thờ phụng dưới tôn xưng Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Lễ Vía Bà không những là một lễ hội truyền thống vào loại lớn nhất ở địa phương mà còn thu hút hàng ngàn du khách từ khắp nơi, nhất là các tỉnh phía Nam, nô nức về đây dâng hương, trẩy hội.

 

Trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc Chǎm, hình tượng Pô Inư Nagar chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Theo truyền thuyết, Bà là nữ thần Mẹ của đất nước, người tạo ra cây lúa và dạy dân trồng lúa. Các vua Chăm tôn vinh Bà là “Bà Đại Phúc”, “Người bảo hộ tối cao của Vương quyền”. Đối với người Chăm, việc thờ phụng Pô Inư Nagar đã có từ lâu và tồn tại liên tục trong nhiều thế kỷ ở thánh đô Pô Inư Nagar “được xây dựng ở cạnh Kauthara và cạnh biển”. Định cư trên vùng đất này, người Việt đã tiếp thu những yếu tố đặc sắc của văn hóa Chăm, tạo nên một quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa Việt - Chăm rất độc đáo. Tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu ở Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung bộ có nguồn gốc sâu xa từ tục thờ Mẫu (Mẹ) ở đồng bằng Bắc bộ. Tín ngưỡng ấy chính là hành trang tinh thần của lưu dân Việt mang theo vào đây tờ thuở đi mở cõi.

 

 

Múa Bóng

 

Trước Tháp Chăm với điện thờ Bà và bao câu chuyện huyền thiêng còn đó, người Việt tìm thấy ở tín ngưỡng này điểm tương đồng với những thần thánh cũ ở quê hương bản quán như Mẹ Âu Cơ, Công chúa Liễu Hạnh, Bà Chúa Thượng Ngàn... tuy khác về tên gọi, nhưng vẫn là tiêu biểu cho hình tượng Bà Mẹ đất, Mẹ Thị tộc, Mẹ lúa, những vị Mẫu - Thần khuyến thiện trừng ác, cứu nhân độ thế. Xuất phát từ điểm chung đó, nữ thần Pô Inư Nagar của người Chăm đã được Việt hóa thành Thánh Mẫu Thiên Y A Na hay còn gọi là Bà Chúa Ngọc, được các triều đại phong kiến phong là “thượng đẳng thần” và tiếp tục thờ tự ngay tại trú sở cũ của Bà.

 

Hàng nǎm từ ngày 20 đến 23 tháng 3 âm lịch, lễ vía Bà tức lễ hội Tháp Bà được nhân dân địa phương tổ chức rất trọng thể. Trước đây mọi nghi lễ đều do người Chǎm đảm nhiệm, nay chủ yếu do người Việt tiến hành, vì vậy, có một số thay đổi cho phù hợp với tập quán dân tộc. Trước hết là lễ thay y vào giờ ngọ ngày 20 tháng 3. Khi chủ tế dâng cúng trầm hương, hoa quả và khấn vái xong, mười thiếu nữ nết na, xinh đẹp được Ban tổ chức chọn sẵn bắt đầu tháo gỡ toàn bộ xiêm y, mũ miện cũ của Bà đễ lau chùi tỉ mỉ từng đường nét điêu khắc cho đến khi không còn lấy một hạt bụi nhỏ rồi mới mặc xiêm y, mũ miện mới vào. Trang phục của Bà đều may bằng hàng vải quý, thêu thùa công phu, đính kim tuyến, kim sa lóng lánh.

 

Sau nghi thức tắm tượng và thay y, vị chủ tế bắt đầu một tuần tế gọi là tế gia quan. Sáng ngày 22, các vị tǎng ni, đạo hữu Phật giáo đem hương hoa, ngũ quả, xôi chè, thiết hương án trước tiền sảnh ngôi tháp chính, tụng niệm theo nghi thức nhà Phật, cầu mong Bà phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu. Lễ tế sanh diễn ra đúng nửa đêm 22 rạng 23. Lễ vật có thêm một heo để nguyên con đã cạo lông sạch sẽ và một bát tiết có nhúm lông. Chủ tế đọc vǎn tế thỉnh Bà về chứng giám, có chiêng trống và đội nhạc lễ phụ họa. Lễ tế dứt, diễn ra lễ múa Bóng do các đội múa Bóng người Việt ở địa phương cùng các đội múa Bóng của người Chǎm đến từ Ninh Thuận biểu diễn. Vũ công áo xiêm lộng lẫy, đầu đội hoa tươi, đèn ngũ sắc, uốn lượn nhịp nhàng dưới ánh đèn rực rỡ, cảnh tượng vô cùng ngoạn mục. Những vũ điệu múa Bóng của người Chăm thường điêu luyện, đẹp, có những pha hấp dẫn ghê hồn như vũ công múa trong khi tháp giấy trên đầu đang bốc cháy ngùn ngụt, trong tiếng trống, tiếng kèn dồn dập. Cái khó và nguy hiểm của vũ điệu là những lúc vũ nữ sà sát người xuống mặt đất, uốn lượn như rắn, mà trên đầu ngọn tháp lửa vẫn cháy phừng phừng.

 

Lễ chánh tế cử hành vào rạng sáng 23 tháng 3 theo nghi thức tế thần của người Việt: có chánh tế, bồi tế, tư chúc, thông xướng… đội khǎn xếp, mặc áo thụng xanh, mang hia theo kiểu cung đình. Các động tác dâng hoa, trầm hương, rượu, đọc vǎn tế diễn ra trang nghiêm, thành kính trong âm thanh trầm bổng của dàn nhạc lễ. Trong thời gian lễ hội còn có một số nghi lễ và trò diễn dân gian mang đậm sắc thái đạo Mẫu như xin xǎm, hầu bóng, thu hút hàng vạn lượt người ngày đêm lũ lượt đến chiêm bái, cầu xin Bà ban cho nhiều tài lộc…

 

Hệ thống Mẫu đều là các bậc thánh, tồn tại trong thế giới tâm linh của con người. Trong nghi thức tế Mẫu, việc tế lễ dâng hương là nghĩa cử trả hiếu của con người, thông qua người đại diện là ban chánh tế để “Cửu soát tế vật” (kiểm tra lễ vật), rồi “Cung hiến ca diên tựu án tiền khởi võ” (dâng hiến lời ca, tập trung trước án bắt đầu múa). Con người cầu khẩn hầu mong các thần linh chứng giám, độ trì cho được mùa lúa, bội thu mùa cá, cho quốc thái dân an. Tế Mẫu để ngồi đồng múa bóng thì chánh tế không chỉ dừng lại ở đây mà có sự “nhập xác”. Hồn linh của thần nhập vào xác người rồi múa. Xác múa ấy gọi là múa Bóng. Đây là điểm cốt yếu nhất mà chuyên luận này sẽ tập trung giới thiệu.

 

2. Chuyện kể dân gian và quan điểm của các nhà tôn giáo thần bí về Mẫu:

 

Mẫu trong thế giới tâm linh của người dân không chỉ thể hiện trong các lễ hội văn hóa mà còn được thể hiện một cách sinh động bằng những chuyện kể, sự tích, huyền thoại… Nội dung các chuyện kể chủ yếu phản ánh những việc làm phi phàm của Mẫu chăm lo cho thế giới vạn vật, bảo vệ con người - vốn là những sinh linh của Mẹ.

 

Dân gian có chuyện kể về Mẹ khai thiên lập địa, Mẹ sinh ra đất, ra trời, sinh ra loài người, dạy cho con người biết trồng lúa để sinh sống, hái lá thuốc để chữa bệnh, biết trồng dâu, chăn tằm, dệt vải… Rồi chuyện bà Ngũ Thiên, bà Chúa Kho, bà Liễu Hạnh, bà Nữ Oa... Ở Khánh Hoà có chuyện Thiên Y A Na là tiên nữ bị đọa, ở với vợ chồng ông Tiều bòn khoai, mót lúa, rồi nhập vào cây gió hóa thành trầm kỳ, về sau gặp hoàng tử kết duyên…

 

Chuyện xưa như vậy, chuyện nay sao? Các cụ thủ từ chăm lo tháp Pô Nagar trước đây kể rằng vào các ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng, đặc biệt ngày vía 23 tháng 3 âm lịch, có hiện tượng Mẫu Thiên Y A Na “bay” từ Am Chúa trên núi Đại An về Tháp Bà, rồi lại bay ra Ghềnh Bà mãi ngoài hải đảo thuộc huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Khi Mẫu bay, tà áo dài thướt tha thành vệt sáng dài như dải lụa ngang trời, “nhiều người thấy lắm!”. Dân gian còn truyền tụng rằng cái năm Nhâm Thìn xa xưa, thành phố Nha Trang bị sóng thần, Mẫu cản gió to sóng dữ, chỉ cho sóng chạy dọc đường Độc Lập (nay là đường Thống Nhất), gây thiệt hại không đáng kể. Lại nữa, những ngày đầu tháng 4 năm 1975, Mỹ- Ngụy điên cuồng dùng máy bay ném bom phản công lực lượng giải phóng của Cách mạng tại khu vực Tháp Bà, Xóm Bóng. Mẫu đã đưa tay gạt bom ra, nên bom chỉ nổ ở trên sông và giữa cầu, đâu có vào dân, đâu có vào Tháp!

 

Người dân Khánh Hoà lâu nay thờ mẫu Thiên Y A Na ở các đình, miếu hay trong các điện thờ như Am Chúa hay tháp Pô Nagar. Phàm làm những việc đại sự thắng lợi, người ta tổ chức tế đình hoặc tế lăng; đến ngày vía Mẫu, người ta tổ chức múa dâng hoa, làm lễ trả hiếu, hát bộ, hội hè tưng bừng.

 

Từ đức tin trong thế giới tâm linh của dân gian về Thánh Mẫu, các nhà tôn giáo thần bí đã “tranh thủ” khẳng định học thuyết của mình. Họ cho rằng có hai thế giới và mọi người đều có khả năng gặp được Thánh Mẫu. Thuyết “Tứ phủ công đồng” nhằm khẳng định trên có trời, dưới có đất, giữa có con người và thứ tư nữa là có thế giới của thần linh, của người âm (người đã chết). Họ bảo rằng “âm dương đồng nhất lý” nghĩa là hai cõi giống nhau, con người có thể giao tiếp được thế giới thần tiên ấy.

 

Họ cho rằng trong tâm trí của con người tự nhiên có khả năng sáng suốt đến kỳ lạ, sự sáng suốt kỳ lạ ấy do thần linh can thiệp vào trí não của con người ta mà có. Nghi thức thờ Mẫu được các nhà tôn giáo thần bí xây dựng, bồi đắp lên khá sinh động, trong đó điểm nổi bật là diễn xướng nhạc chầu văn tế thánh mẫu, hát dâng hoa, ngồi đồng múa bóng. Trò diễn nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người muốn vươn tới thế giới thần linh chứa đầy sự thiêng liêng, bí ẩn.

 

3. Lịch thờ và sự sắp xếp điện thờ Mẫu:

 

Ở Khánh Hòa, ngoài các điểm thờ Mẫu ở đình, lăng, tháp, còn có các miếu thờ, điện thờ rải rác ở các làng xóm, hoặc tại gia. Hệ thống điện thờ tại gia là của những người tự đặt mình “có bổn phận” chăm lo hương khói cho Mẫu, đồng thời cũng là những nghệ nhân trong trò diễn dân gian ngồi đồng, múa bóng.

 

 

Múa Bóng

 

3.1 Lịch thờ Mẫu (ngày vía) theo âm lịch:

 

- Vía Thiên Y A Na ở Am Chúa: 2 tháng 3

- Vía Thiên Y A Na ở tháp Pô Nagar: 23 tháng 3

- Vía Ngũ Mẫu (Ngũ Thiên): 8 tháng 5 (Ngũ mẫu tức năm Bà: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ (Ngũ hành). Quan niệm của các nghệ nhân múa Bóng cho rằng Ngũ Mẫu rất quan trọng. Mẫu lấy đất nặn Phật, đất để cây cối sinh sôi, con người sống trên đất, thác về nằm ngủ yên trong lòng đất của mẹ).

- Vía Cửu Thiên Huyền Nữ (lễ Đức mẹ sanh mẹ đỡ): 9 tháng 9

- Vía đức Diêu Trì Kim Mẫu khai thiên lập địa: 18 tháng 10 (Đây là Mẹ của mọi người Mẹ. Mẹ sanh ra năm vị vua: Thiên Hoàng (được mẹ nhường ngôi), Địa Hoàng (Huỳnh Đế), Phục Hy (Thầy thuốc chữa bệnh), Thần Nông (Thần ngũ cốc), Nhơn Hoàng).

 

Ngoài ra còn cúng tế vào các ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng ở các điện thờ tại gia, hoặc ở các điện thờ Mẫu rải rác nơi làng xóm.

 

Nếu gặp mùa màng thất bát, làm ăn đói kém thì lịch tế Mẫu vào các ngày trên không liên tục. Còn ở đình, lăng thì chỉ khi nào tế đình, tế lăng mới tế mẫu.

 

3.2 Sự bài trí và sắp xếp các Thánh Mẫu trong điện thờ:

 

Điện thờ Mẫu thường chỉ một gian, còn rộng hay hẹp tùy từng điều kiện cho phép. Trước cửa chánh điện là bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Bồ Tát tay cầm bình nước cam lồ, đi trên tòa sen, theo sau là đồng tử. Từ bàn thờ Bồ Tát vào trong chánh điện có sân khấu nhỏ dùng để ngồi đồng múa bóng. Ở giữa gọi là chánh điện, có hai bàn thờ ở hai bên gọi là bên tả và bên hữu.

 

Ngồi cao nhất nơi Chánh điện là Đệ Nhất Mẫu, mặc áo nhung đỏ, đầu đội mão uy nghi, hai tay xếp vòng ngay ngắn phía trước, chân đi hài đỏ, khuôn mặt trái xoan hồng hào phúc hậu. Bên cạnh Đệ Nhất Mẫu (phía tả) là Mẫu Đệ Nhị, mặc áo xanh, đầu đội khăn đóng, chân đi hài. Bên cạnh, phía hữu là Mẫu Đệ Tam mặc áo trắng, đầu đội khăn đóng chân đi hài.

 

Giữa chánh điện là đức vua Thiên Hoàng. Hai bên có hai vị quan nhất phẩm hầu. Vua mặc áo vàng, đội mũ cửu long vàng, còn các quan mặc áo xanh, áo đỏ.

 

Ngồi cuối cùng, tức là ngồi đầu của bệ thờ chánh điện: Cậu Nhất ở bên tả, Cậu Út ở bên hữu. Cậu Út mặt mày tròn trịa xinh tươi, dáng vẻ tinh nghịch. Đầu Cậu thắt khăn lưỡi rìu màu xanh, áo cộc tay chỉ cài một cúc ở bụng. Chân Cậu ngồi vắt ngang, một tay để lên đầu gối, một tay vắt vẻo điếu thuốc chuẩn bị đưa lên miệng để hút. Cậu Nhất về cơ bản cũng vậy, xong đáng vẻ có phần chững chạc hơn.

 

Bên tả của bệ thờ chánh điện: điện thờ Quan Thánh (Quan Công), có Châu Xương, Quan Bình, hai hầu cận đắc lực của Quan Công đứng hai bên. Ngồi bên dưới là quan Hoàng Bẩy và quan Hoàng Mười.

 

Bên hữu của bệ chánh điện là Mẫu Chúa Sơn Lâm. Sau lưng Mẫu là bức tranh rừng núi rậm rạp hùng vĩ. Ngồi dưới chân là Cô Bẩy, Cô Mười. Dưới chân bệ chánh điện có tấm gương to, hai bên để các loại mỹ phẩm, nước uống, gối xếp, các loại đồ trang sức như kim găm cài đầu, vòng đeo tay, đeo cổ mạ vàng bạc lấp lánh. Tất nhiên chủ của điện thờ là nữ, vì hầu hết “Cô” mới ngồi đồng múa bóng.

 

Đối diện với gian chánh điện: miếu thờ Cô ngoại cảnh, chuyên trông coi điện thờ Mẫu. Đó là Cô Ba mặc áo trắng, Cô Năm mặc áo xanh. Cả hai Cô dáng vẻ đều xinh tươi, nhanh nhẹn.

 

Có nơi đàn ông ngồi đồng múa bóng, họ nặng về Quan Ngài. Khi múa bóng thường thấy xuất hiện cả Tam thánh là Tề - Huyền – Đô (Tề là Tề Thiên khi đã thành Phật, Huyền là Huyền Dân, Đô là Đô Giông). Đây là các nhân vật trong chuyện thần thoại, trong sử cổ đại Trung Quốc, thường được các nghệ nhân ở hai huyện Ninh Hòa và Vạn Ninh thể hiện.

 

Góc điện thờ đặt một tủ đứng treo phục trang đủ loại, đủ sắc mầu cho nghệ nhân sử dụng trong quá trình múa bóng.

 

Đây là bức tranh tổng thể về điện thờ Mẫu, nơi thường xuyên diễn ra các nghi lễ cúng tế Mẫu và hát chầu văn ngồi đồng múa bóng. Tuy nhiên đây chỉ là đại diện, có tính khái quát, bởi tùy từng người, tùy phái, tùy nơi thờ mà các thánh mẫu được sắp xếp khác nhau. Nếu nặng về Ngũ Mẫu thì Ngũ Mẫu ngồi ở chánh điện như ở điện thờ cụm đình làng Cửa Bé, Vĩnh Trường; nếu nặng về Thiên Y A Na thì mẫu Thiên Y A Na ở vị trí chính như ở điện thờ đình Phước Hải. Còn cho Diêu Trì Kim Mẫu là quan trọng thì Kim Mẫu ngồi cao hơn cả như điện thờ của Cô Năm Vạn Thắng (tất cả đều ở Nha Trang). Nhìn chung, cấu trúc điện thờ mang đậm tính dân gian, nên yếu tố thích nghi rất cao. Sự bài trí sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng nơi. Tuy vậy vẫn không mất đi nét đặc trưng tiêu biểu của nó.

 

Dù có tùy người, tùy phái, tùy cách thế nào chăng nữa, điện thờ Mẫu vẫn có yếu tố chung nhất là ngoài các Mẫu còn có hệ thống các Cô, các Cậu. Bên cạnh Cô Ba nhí nhảnh còn có Cô Năm, Cô Bảy, Cô Mười. Có Cô phải có Cậu. Cậu Út hay “quậy” bên Cậu Nhất chỉnh tề. Ở đây, sự phân biệt cụ thể tính nết từng nhân vật làm phong phú, sinh động trò diễn. Rồi còn có các quan, từ quan nhất phẩm đến quan nhị phẩm, quan hoàng Bẩy, quan hoàng Mười… Có quan nên phải có vua. Ngoài ra còn có các nhân vật trong truyện Tàu, như bộ ba Châu Xương, Quan Bình, Quan Công. Và có cả Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát.

 

Điều đáng chú ý là trong các đình làng, người dân thờ Mẫu để đền ơn sâu đáp nghĩa cả, trả hiếu cho Mẫu. Chữ hiếu ở tại tâm, thờ tự mang tính tượng trưng, nên bàn thờ đơn giản. Còn tại các điện thờ tại gia, bàn thờ có nhiều Thần, cách thờ tự cầu kỳ, cách thể hiện trò diễn trên sân khấu hấp dẫn hơn. Ví dụ: ngôi điện thờ Mẫu trên hòn đá Chữ ở cửa sông Cái, Nha Trang có hàng chục bức tượng được sắp đặt theo ngôi thứ, chức phận cụ thể. Mẫu lớn nhất ở điện thờ này là Thiên Y A Na. Bàn thờ Mẫu ở tư gia thầy Tám Đũa (tức nghệ nhân Lê Bộc ở Xuân Tự, Vạn Hưng, Vạn Ninh) được thiết kế 3 tầng theo lối giật cấp. Trên ngôi cao nhất thờ Tam Tòa Thánh Mẫu có ba bức tượng của Bà Thiên Y, Bà Địa Mẫu và Bà Cửu Thiên ngồi rất uy nghi. Tầng hai có án thờ Ngũ Hành và Quan Thánh. Tầng dưới cùng để bình hoa và kệ đựng sách kinh.

 

3.3 Các đội múa Bóng, các nghệ nhân múa Bóng tiêu biểu ở Khánh Hòa:

 

- Đội Hoa Sơn (Diên Điền, Diên Khánh)

- Đội Kim Thuyền (Suối Đổ, Diên Khánh)

- Đội Nguyên Nhung (thị trấn Diên Khánh)

- Đội Hồng Hoa Điện (Diên Khánh)

- Đội Điện Bà Lương Sơn (Nha Trang)

- Đội Kim Linh Điện (Nha Trang)

- Đội Kim Huyền Ngọc Sơn (Nha Trang)

- Đội Núi Sạn (Nha Trang)

- Đội Bửu Lâm Ngọc (Ninh Hòa)

- Đội Chung Quốc Mẫu (Ninh Hòa)

- Đội Kim Trung Điện (Ninh Hòa)

- Đội Mẹ Hiền Đá Bàn ở Ninh An (Ninh Hòa)

- Đội Năm Mẹ Ngũ Hành (Ninh Hòa)

- Đội Hoa Sen ở Vạn Giã (Vạn Ninh)

- Nghệ nhân Lê Bộc tức thầy Tám Đũa ở thôn Xuân Tự (Vạn Hưng, Vạn Ninh)

- Cô Ba (Suối Cạn, Hòn Hèo, Ninh Hòa)

- Cô Đốc Như ở phường Vạn Thạnh (Nha Trang)

- Cô Năm ở đường 2 tháng 4 (Nha Trang)

- Cô Kiến An ở đường Sinh Trung (Nha Trang)

- Cô Ba Kẹp ở Xóm Bóng, Cù Lao, phường Vĩnh Thọ (Nha Trang)

- Cô Mười Hòa ở Vĩnh Thọ (Nha Trang)

- Gia đình nghệ nhân Lê Tấn ở phường Phương Sơn (Nha Trang)

- Cô Tám Mứt (Diên Thọ, Diên Khánh)

- Nghệ nhân Mười Trầu ở thôn Lập Thạch (Cam Tân, Cam Lâm)

 

4. Quy trình ngồi đồng - múa bóng:

 

Toàn bộ điện thờ được trang hoàng lộng lẫy, khói trầm thơm bay nghi ngút, quyện với hương của hoa, của trái cây, âm thanh nhạc chầu văn ngắt quãng, run rẩy, lốp bốp ngập ngừng. Tất cả như gợi sự mông lung huyền ảo, đưa con người đến với thế giới của mộng du.

 

Hai hàng mâm trái cây chất đầy ăm ắp, xếp ngay ngắn hai bên điện thờ. Trên sân khấu nhỏ, những chiếc chiếu hoa được trải vuông vức, ngồi bên là các ca công và dàn nhạc. Dàn nhạc chầu văn chủ yếu có đàn nguyệt, trống bản, song loan, sáo trúc, gần đây thêm cây đàn ghi-ta điện phím lõm.

 

Trên điện thờ, ngoài trái cây còn có đồ tế là cơm chay, đậu phụ, canh hoa lý được cúng bày la liệt. Sau lễ tế chính, ai đến dự đều được ăn tự do cơm cúng. Người cúng quan niệm rằng con người sống trên đất Mẹ, cây cũng từ đất Mẹ mà cho trái cho hoa, không chỉ nuôi người và mọi sinh linh mà còn làm cho sự sống thêm phần thi vị. Vì vậy các con chọn những bông hoa đẹp nhất, những trái cây tươi ngon nhất, những chén cơm thơm nhất kính dâng lên Mẹ với tất cả tấm lòng thành.

 

Trong số trái cây cúng có mâm trầu cau được xếp nguyên buồng xòe hình đuôi công, bó hoa để giữa trông rất đẹp. Đây là lễ vật trọng tâm, vì chỉ có mâm trầu cau mới được để ngay ngắn giữa điện, trước mặt Mẫu Đệ Nhất. Khi ngồi đồng, mâm cau được tế rất kỹ, lộc mẫu phát đầu tiên cho mọi người trái cau này, rồi mọi người cùng ăn trầu. Có khi Mẫu nhập xác, miệng cũng nhai trầu bỏm bẻm.

 

Đặc biệt là chỉ cúng các loại trái cây và đồ chay. Một phần trái cây do gia chủ điện thờ mua, phần nhiều còn lại do những người “chịu ơn” dâng lễ (hoặc bằng trái cây, hoặc bằng tiền để mua trái cây). Bởi vậy nếu gặp mùa màng thất bát, làm ăn đói kém thì lịch cúng trên cũng không được liên tục.

 

Ngày tế là ngày vía, ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng. Giờ tế tùy chọn giờ tốt trong ngày. Lệ thường sáng từ 8 đến 10 giờ là thời gian cúng tế, 10  đến 11 giờ là hát dâng bông, đến 12 giờ (giờ Ngọ) là giờ Cô ngồi đồng. Thời gian ngồi đồng từ 12 giờ đến 20 giờ trong ngày. Sở dĩ kéo dài như vậy bởi có xen các trò diễn dân gian như múa dâng hoa, múa lục bình, múa đèn. Số Cô ngồi đồng chủ yếu là 1. Có khi  ngồi 2 Cô hoặc cả một tập thể.

 

Nếu là ngày vía Đệ Nhất Mẫu, vía Thiên Y A Na hoặc Ngũ Mẫu… thì Cô làm chủ lễ. Đọc lên ngày vía, địa điểm, họ tên danh tánh xong, chủ lễ cùng các con của người đồng làm lễ dâng hương. Nếu ngày mồng một hay ngày rằm thì chỉ cần vái lạy Mẫu chính của điện, dâng hương đăng, dâng hoa, trái cây, mâm cơm chay lên tế Mẫu và các chư thần, sau đó vào ngồi đồng múa bóng ngay.

 

- Phần nhạc tế: Lễ dâng hương Mẫu có nhạc chầu văn nổi lên trước. Ở một số nơi không có nhạc công thì người ta dùng máy cassette, nếu không có máy thì người ta dùng trống, song loan đổ theo nhạc tế đình.

 

Sau phần nhạc tế là khâu dâng nhang, rượu, tiếp đến là phần múa dâng hoa (ở huyện Vạn Ninh còn gọi là múa rổi, múa trả hiếu).

 

Đoàn múa dâng hoa chủ yếu là người ở Khánh Hòa, đôi khi có sự phối hợp của đội múa ở Phan Rang ra. Nếu lễ lớn có cả đội vũ nhạc từ Sài Gòn đồng tham gia biểu diễn. Trong ngày vía Thiên Y A Na ở Tháp Bà, phần múa dâng hoa tế mẫu chủ yếu do các vũ nữ người Chăm thực hiện.

 

Đoàn múa dâng hoa gồm 6, 8, hoặc có khi đến 12 người nữ. Họ mặc áo dài đủ màu, đầu đội khăn đóng, vai vắt khăn vàng cột xuống chéo thắt lưng, dây lưng dài thướt tha, nhìn chung trang phục rất đẹp mắt. Dàn nhạc gồm có kèn, trống vỗ, sáo nhỏ, mã la và lục lạc nhỏ. Nếu không có nhạc công thì dùng máy cassette.

 

Phần đầu: Đội vũ nữ hai tay kẹp loại dây làm bằng bột giấy quyện với sáp nấu lỏng, xe lại, xoắn như thừng, đốt cháy như nến, gọi là múa dâng hoa linh .

 

Phần hai: Đầu các vũ nữ đội các mâm hoa và trái cây, gọi là múa dâng hoa hay múa lục bình.

 

Phần ba: Đầu các vũ nữ đội các mâm có nến thắp sáng, có mâm tháp cao tầng làm bằng giấy, gắn cờ xí, gắn hoa. Có tháp thì đính các loại bánh in bọc giấy kính đủ màu gọi là múa dâng hoa đăng. Nếu ngày vía mẫu Cửu Thiên thì mâm tháp cao chín tầng, gọi là Cửu trùng đài; ngày vía Ngũ Mẫu thì ngũ tháp đài; ngày vía Thiên Y A Na cũng dựng tháp cao tầng song không phân ngũ hay cửu đài, độ cao mỗi mâm tháp từ 60cm đến 80cm, sau đó tháp giấy chính được đốt cháy lên.

 

Khi múa hát dâng bông, nhìn toàn cảnh trong điện thờ thật tuyệt vời. Hai hàng vũ nữ xinh đẹp, cứ tươi nguyên như mâm hoa trái trên đầu. Họ múa uyển chuyển, khi cong tay, lúc vòng chân, khi sát người trên mặt đất đưa duyên, mình lắc, lúc khoan, lúc nhặt theo điệu nhạc cuốn hút người xem.

 

Phần sau điệu múa nhạc tấu dồn dập, trên đầu người vũ nữ mâm tháp được đốt lên. Ánh lửa bập bùng trong tiếng hú, tiếng vỗ tay của mọi người chung quanh. Nhạc càng sôi động, nhịp phách gõ mạnh hơn, múa càng nhanh hơn. Lúc này đây ta mới thấy được tài nghệ của vũ nữ dân gian tuyệt diệu làm sao, khiến người xem như cũng hòa vào, nhập vào cái hồn của điệu múa.

 

Phần múa dâng hoa của lễ trả hiếu đến đây là hết. Riêng ở các vùng Vạn Ninh, Ninh Hòa, các nghệ nhân thường thêm phần múa siêu, rồi màn Tam thánh Tề- Huyền- Đô xuất hiện hát múa vỗ an chúng dân.

 

Đúng giờ linh (giờ Ngọ), Cô mặc y phục bình thường, mặt tô son điểm phấn xinh tươi. Cô ngồi vào giữa sân khấu nhỏ, trước tấm gương lớn. Hai người phục dịch Cô hai bên, người bên phải hầu y phục, người bên trái hầu nước uống, đồ cúng. Nước hoa thơm nức được vẫy đến mọi người, giờ ngồi đồng bắt đầu.

 

Cô mặc y phục lễ tế, ngồi theo tư thế ngồi thiền. Hay tay chấp phía trước, chân xếp tròn, tấm vải đỏ được phủ lên đầu. Gần 5  phút trôi qua, toàn thân Cô lắc đều, khi tấm vải đỏ được giở ra trông Cô như người khác lạ.

 

Người phục dịch đưa Cô mâm cau ở chánh điện với 3 cây nhang. Cô đỡ mâm cau trên tay, một tay cầm nhang vẫy đều quanh mâm, nhang được cắm lên, mâm cau như được thánh mẫu soi tỏ, và lại được đặt vào giữa điện.

 

Người phục dịch ghé tai Cô thì thầm, nội dung nhằm nhắc Cô có người xin lời khuyên về chuyện làm ăn, hay chuyện nhân tình thế thái, có khi xin thuốc chữa bệnh, Cô gật đầu như chấp nhận điều tâu! Thông thường thì Cô cứ ngồi đồng là múa bóng, hết “Thần” này lại đến “Thánh” khác nhập xác.

 

Sau lễ dâng cau, tấm vải đỏ lại được phủ lên, Cô ngồi đồng lắc mình đều đặn, nhạc tấu lên với giọng hát chầu văn lả lướt. Nội dung bài hát tả cảnh sông hồ, biển trời lai láng… cầu cho đất nước luôn thanh bình, dân no ấm, vua tôi thịnh trị vững bền.

 

Tấm vải đỏ được giở ra, người phục dịch bên phải mặc nhanh y phục cho Cô. Giờ đây trông Cô thật oai phong trong bộ y trang lộng lẫy. Tay tỳ lên chồng gối xếp, Cô dùng một ly rượu nhỏ trên điện thờ, con mắt và khuôn mặt Cô thật khác thường. Mọi người chung quanh nhìn nhau rồi ngồi nghiêm chỉnh. Tất cả cúi đầu vái lạy miệng lầm rầm: “Mẫu chúa Sơn Lâm!”.

 

Mẫu đi một vòng, mắt nhìn bao quát bốn phương, dáng vẻ oai phong lẫm liệt. Người phục dịch bên phải lại đưa cho Cô cặp song kiếm sáng loáng. Cô vái vào chánh điện, chắp kiếm, bất chợt Cô hú nhẹ một tiếng, xoay tròn một vòng rồi đứng tư thế đề kiếm. Bắt đầu cô múa, kiếm lướt nhanh loang loáng, nghe phựt… phựt!… Sức mạnh và tài năng nghệ nhân vượt sức  tưởng tượng đối với người xem. Đây là bài kiếm thuật, qua các thế đánh ta hiểu Cô múa kiếm không phải để khua cho vui. Nhạc đệm bài kiếm thuật vẫn là nhạc chầu văn, nhưng nhịp phách mạnh hơn, sử dụng bộ gõ nhiều hơn.

 

Thời gian múa kiếm kéo dài từ 7 đến 10 phút. Sau bài kiếm Cô ngồi xuống, tư thế cũng đường bệ như ban đầu. Như vậy “hồn Bà chưa rời khỏi xác cô”, Cô nói lời thánh. Ai xin điều gì Cô phán điều ấy. Lời Cô nói nhỏ, giọng rất lạ, vì đây là lúc “Mẫu nói”. Phần này gọi là lời dạy của Mẫu.

 

Người phục dịch đưa Cô mâm cau hoặc trái cây và đĩa tiền lễ (nếu có). Số tiền lễ được Cô xếp vào đĩa trả về cho nguyên chủ, chỉ giữ lại phần nhỏ, rồi Cô lại chia đều vào các đĩa trái cây, cau trầu, thuốc lá phân phát cho tất cả mọi người. Phần này gọi là phát lộc của mẫu. Người nhận lộc cung kính vái vào chánh điện, cất phần quà của mình. Lúc này trước mặt mọi người, Cô thực sự là Thánh Mẫu. Mẫu nhìn ai cũng hiền từ, sâu thẳm, cái nhìn chinh phục mọi người. Ai cũng cảm thấy Mẫu như hiểu mình, hiểu mọi ngõ ngách đời tư của mình, không giấu được. Không khí trong điện thật ấm cúng. Từ Thánh Mẫu đến mọi người đều nhai trầu, môi đỏ mặt hồng hưng phấn. Thời gian kéo dài khoảng 15 phút, “Mẫu thăng”, hoàn hồn lại xác cho Cô, Mẫu không nhập nữa.

 

Tiếp tục lại có người dâng lễ xin lời thánh, mọi nghi lễ lại diễn ra như trên: ngồi đồng > nhập xác > múa bóng > lời Thánh dạy > phát lộc Mẫu. Quá trình này được lập đi lập lại nhiều lần, có khi trên 20 lần, nghĩa là có đến 20 vị Thánh nhập vào xác Cô. Cô múa bóng 20 lần khác nhau theo địa vị, tánh nết của các vị Thánh.

 

Vừa rồi là Mẫu, bây giờ đến Cô. Cô ngồi đồng lắc mình nhè nhẹ, khăn đỏ được giở ra, người phục dịch hớn hở: “Cô Bẩy về!”. Cô cười đưa duyên với tất cả mọi người, Cô mặc áo dài  thướt tha, đầu giắt hoa, tai và tay đeo vòng lấp lánh, nước hoa lài xức thơm phức. Mắt Cô đưa tình, miệng cười xinh tươi. Người phục dịch đưa Cô hai sợi dây xoắn đốt cháy như nến, sáng rực. Cô kẹp vào hai ngón tay, dịu dàng vái vào chánh điện, Cô múa.

 

Sự hóa thân của nghệ nhân trong vai nữ trẻ tuổi mới tuyệt diệu làm sao. Từ nội tâm đến hình thức bên ngoài bộc lộ tính cách của thần cô ở tuổi độ trăng tròn, thông minh nhí nhảnh. Cô thướt tha trong bộ áo dài múa vờn theo ngọn lửa, ánh sáng bập bùng soi vào cặp mắt liếc ngang sống động. Cô múa khi lên cao, khi xuống thấp, đôi cánh tay mềm mại, toàn thân uốn mình như rắn trên nền nhạc chầu văn, lời thơ trữ tình tươi mát. Đôi chân Cô nhảy nhẹ, gót đánh đều trên sàn diễn theo nhịp phách của song loan, tiếng trống bốp bốp, tong tong, tong bốp… hòa vào tiếng đàn nguyệt, tiếng sáo trúc. Lời ca tả trời quang mây đãng, cành lê hoa điểm trắng, bướm vờn bay. Người phục dịch đóng vai trò quản ca thúc giục mọi người vỗ tay cùng hòa nhịp. Cô múa say sưa, cô cười thành tiếng, pha với lời hú nhè nhẹ phát ra thúc tiết tấu điệu múa dồn thêm.

 

Mọi người đồng thanh cổ vũ, vỗ tay đều nhịp, không khí trong điện thờ như hòa vui, nhất là với các vị thường xuyên đến hầu Mẫu, niềm vui thể hiện trên con mắt của họ như đang nói chuyện với thần cô vậy.

 

Nhạc chầu văn đoạn kết bao giờ cũng là lời cầu chúc cuộc sống yên lành. Hai sợi dây cháy cũng vừa ngắn, Cô trao cho người phục dịch, người phục dịch lại trao sợi dây đang cháy cho người đặt quẻ cầu Cô, nếu không thì cho người nào gần đấy. Người nhận lấy sợi dây đang cháy xông quanh mặt, quanh ngực, quanh người mỗi lần một vòng. Sau đó sợi dây được dập lửa, gói cẩn thận cầm về. Người ta quan niệm sợi dây cháy là của thần mẫu, soi quanh mặt như xua đi nỗi rủi ro, xuất u nhập minh, lo kế mưu sinh tính chi được nấy. Cô lại nói lời thánh, lại phát lộc như lần trước.

 

5. Mấy nhận xét ban đầu về bản chất của việc ngồi đồng - múa bóng:

 

5.1 Ngồi đồng:

 

Ngồi đồng như việc tĩnh tâm, thiền định, để phần Thần nhập xác Cô. Các nghệ nhân trong giới “đồng bóng” đều cho rằng ngồi đồng là sự vận động, điều khiển thần kinh, làm chuyển hướng hoạt động của con người từ trạng thái này sang trạng thái khác. Ngồi đồng là tập trung hệ thần kinh, du người sang thế giới khác, thoát tục, cảm nhận  trong não bộ hình ảnh, tiếng nói, cả thế giới sống động của các Thánh Mẫu, các Cô, các Cậu, các vua và cả quần thần… Ngồi đồng là giai đoạn “thần linh nhập xác Cô”. Vì là đa thần nên quá trình ngồi đồng cũng rất đa dạng. Sự độc đáo nằm ở chỗ người ngồi đồng trong cùng một giá đồng lần lượt vào nhiều vai khác nhau.

 

Khi ngồi đồng cũng có nhiều kẻ lợi dụng lòng tin, làm điều bậy bạ, miệng hú, hét, nhảy dựng lên rồi dẫy đành đạch như "đỉa phải vôi", đây là hành động thái quá, hù dọa. Chúng tôi có hỏi một số nghệ nhân về hiện tượng trên, họ trả lời đây là hành vi của những kẻ làm tiền, không phải là người của Mẫu! Họ cũng cho rằng thời nào cũng vậy, đều có kẻ “mua thần, bán thánh”.

 

Ngồi đồng chỉ có ý nghĩa nếu người ngồi đồng thật sự đạt tới trạng thái “yoga tinh thần” một cách cao siêu. Khi đó họ sẽ quên hết thực tại và bắt đầu tiếp cận được những bồng bềnh ảo ảnh thực hư, ẩn chứa trong tâm hồn và tư duy con người. Nếu không có điều ấy thì ngồi đồng chỉ là một hình thức diễn xướng đơn thuần mà thôi.

 

5.2 Múa bóng:

 

Múa bóng là phần tiếp theo sau ngồi đồng. Múa bóng thể hiện tài năng, bản lĩnh của Cô khi hòa mình vào thế giới thần linh.

 

Tuy nghệ nhân hát, múa có bài bản, hành động thể hiện như có chủ định, song tâm sinh lý lại không ở trạng thái bình thường. Trạng thái không bình thường của Cô biểu hiện ở nhiều mặt: như hàng ngày nghệ nhân không biết uống rượu bia, không hút thuốc, không ăn trầu, vậy mà khi ngồi đồng múa bóng lại dùng được tất! Các nghệ nhân lý giải rằng đó là thánh hút thuốc, ăn trầu, thánh dùng bia rượu.

 

Tài năng của các nghệ nhân thể hiện ở chỗ múa đẹp, sinh động và được nhiều Thần nhập xác. Có lúc ta thấy Cô oai phong tay cầm kiếm lệnh, ra dáng  mẫu nghi thiên hạ. Có lúc ta lại thấy Cô với dáng vẻ xinh tươi của tuổi 18 đôi mươi, miệng cười - hú - hát. Được xem nghệ nhân tuổi còn sung sức múa bóng cảnh Cô Năm chơi hoa mới đẹp làm sao! Miệng cô ngậm một cành bông cúc, sau lại chồng tiếp lên một cành nữa là hai, rồi chồng tiếp một cành nữa là ba... trong tiếng hò reo, vỗ tay kích động của mọi người. Còn cảnh Cậu Út nhập xác mới thật vui. “Cậu Út quậy lắm”, ai cũng nói vậy! Nhìn kìa, Cậu Út đi vài thế thái cực quyền, rồi cậu đến bên dàn nhạc cầm cái trống bản, trống lăn tròn trên vòng tay phía trước, trống lăn như trái bóng qua cổ, đến vai được hất lên đầu và quay tít. Trống nhảy múa trên đầu cứ như diễn viên làm xiếc.

 

Ở hai huyện Vạn Ninh và Ninh Hoà, sau phần tế Mẫu có làm lễ tôn vương (phần kết của tế). Thường có ba nhân vật xuất hiện, đó là Tam Thánh Tề - Huyền - Đô. Trong thế giới tâm linh của dân gian, Tam Thánh xuất hiện là để trấn an đời sống cõi trần, ngăn quỹ dữ quậy phá. Vùng này thường có nghi lễ Tá thổ, diễn trò “Phạt xà, trảm mộc” đậm chất phù thủy. Trò diễn được thể hiện bởi các nghệ nhân dân gian đầy tài nghệ, phần lớn trong số các nghệ nhân ấy là những thầy pháp cao tay ấn như thầy Năm Hiển, thầy Bốn Tá, thầy Hai Chẻ, thầy Dư ở xã Vạn Thắng, thầy Ba Chưởng ở Tu Bông, thầy Lê Huấn ở Vạn Hưng… Sau này có thầy Sỹ Hùng, Lê Bộc, Bùi Mãng, tất cả đều ở huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa.

 

Trong trò diễn ấy, Tam thánh đã diệt Mang Vưu Lang, Mang Vưu Hổ, phạt ngũ phương yêu mộc, diệt quỷ dữ Hỏa Linh, đưa Thần Nông về chăm lo ruộng nương. Bấy giờ mới “Trấn giữ được ngũ hành, càn khôn không chuyển, Thượng - trung - hạ, ngũ sắc huy hoàng, phân bốn mùa tám tiết”.

 

Múa bóng nơi đây thường thấy Tề Thiên xuất hiện. Động tác ngoại hình của các nghệ nhân khi thể hiện vai khỉ rất đẹp. Ngoài ra, nghệ nhân lại đọc thơ. Thơ chủ yếu theo thể biền ngẫu, ứng khẩu nhanh, nội dung nói về việc đối nhân xử thế ở đời. Lại có những nghệ nhân viết chữ Hán bằng bút lông khá đẹp.

 

Ở huyện Diên Khánh, ngồi đồng múa bóng gắn bó với hệ thống thờ Mẫu Thiên Y A Na. Ngoài các trò hát múa dâng hoa đăng, nếu nghệ nhân đông, có khi ngồi đồng múa bóng tập thể, nhiều cảnh xem khá rùng rợn.

 

Tại Nha Trang, nhiều nghệ nhân có tiếng như cô Đốc Như ở phường Vạn Thắng, cô Năm đường 2 tháng 4, cô Kiến An đường Sinh Trung, cô Ba Kẹp ở Xóm Bóng. Gia đình nghệ sĩ Lê Tấn ở Phương Sơn giỏi các loại nhạc cụ phục vụ nhạc chầu văn.

 

Nét nổi bật của văn hóa Khánh Hòa là sự đan xen văn hóa Việt - Chăm. Trong tâm linh cộng đồng cư dân, Mẹ Chăm như Mẹ Việt, thờ tự rất chu đáo. Xưa kia, ở tháp Pô Nagar nghi thức hát dâng hoa đăng ngồi đồng múa bóng phát triển mạnh. Chuyện xưa kể lại rằng, khi dân Việt vào ở dải đất ven biển đối diện tháp Pô Nagar, họ đặt tên vùng đất này là Xóm Cồn. Trước có mấy dãy nhà ngang để khách thập phương hành hương đất thánh, vừa là chỗ nghỉ, vừa là nơi các đoàn vũ công tập trung chuẩn bị cho ngày vía Mẫu. Từ chân tháp trở lên là Thánh địa. Các đội múa chỉ được đến các chân trụ lớn của phía trước tháp múa hát, còn các vũ công tài ba, với các vũ khúc truyền thống dành riêng cho phần đại lễ mới được đến cửa chánh điện biểu diễn. Ngày vía Mẫu các bậc đại sư của nghề mới được đến gần. Về sau, khi người Việt đã tiếp thu, ngoài các nghi lễ Tế Mẫu đã định, các nghệ nhân múa bóng nhiều nơi đổ về đây đua tài. Họ có đến chân Tháp, xong chủ yếu chỉ tổ chức ở mấy dãy nhà ngang này, cũng hát dâng bông, nhạc chầu văn ngồi đồng múa bóng. Họ đồn đại Thánh Mẫu linh thiêng, nên không chỉ ngồi đồng múa bóng ngày vía 23 - 3, mà cả ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng, có nhiều người tham dự. Chính vì thế Xóm Cồn được gọi là Xóm Bóng, mặc dù dân ở đây không ai làm nghề múa bóng. Cây cầu bắc ngang qua khúc sông Cái nơi Xóm Bóng này cũng gọi là Cầu Xóm Bóng.

Ở các điện thờ hay các tụ điểm múa bóng, ta thường bắt gặp nhân vật Quan Công, bên cạnh có Quan Bình, Châu Xương ứng hầu. Quan Công là nhân vật chính trong tiểu thuyết “Tam quốc chí” của Trung Quốc. Nghệ nhân dân gian đã lược trích những đoạn hấp dẫn trong tiểu thuyết này chế tác thành các vở tuồng để diễn trong phần đại lễ tế đình hoặc tế Ông Nam Hải trong lễ cầu ngư, gọi là tuồng Ông. Lễ hội cầu ngư phát triển mạnh ở Trung và Nam bộ, đặc biệt ở Khánh Hòa. Quan Công (Quan Ngài) được dân thờ tự vì nghĩa khí trung can sáng như vầng nhật nguyệt. Tinh thần Nho giáo được đề cao trong Tam giáo đồng hành khu vực. Điều lớn hơn nữa, Quan Công xuất hiện như để trấn an lòng người. Với tài thao lược, diệt ác trừ gian nịnh, đem lại thịnh trị thái bình cho đất nước. Trung can sẽ chiến thắng mọi kẻ thù. Kết cấu “có hậu” thường thấy ở vở diễn của tuồng. Đây cũng là những điều mong ước, khao khát của nhân dân. Chính tư tưởng văn hóa dân gian ở các lễ hội đình làng đã ảnh hưởng rất lớn, làm thay đổi diện mạo văn hóa đậm tính tôn giáo như tục tế mẫu ngồi đồng múa bóng .

 

Sức sống của trò diễn múa Bóng trước hết gắn với tục thờ Mẫu lâu đời ở Việt Nam, sau đó nó mang theo mình cả mảng văn hóa dân gian đặc sắc. Đó là hệ thống bài bản hát chầu văn với những giai điệu trữ tình độc đáo. Tuy là hệ thống bài bản, nhưng nhạc làm nền cho lời, lời không bì nhạc mà phải bẻ câu bẻ chữ. Bằng cách luyến láy theo chữ, nghệ nhân mặc sức mà thả hồn thể hiện tình cảm của mình.

 

Điệu nhạc phú dành cho Mẫu, các ông hoàng, các quan lớn. Phú có Phú trung, Phú hạ, Phú mùi. Phú mùi  dành cho các Cô đi dạo chơi.

Điệu nhạc xá dành cho các Cô, các Cậu và cho lúc nhảy múa. Xá có xá thượng là mạnh thêm lên, xá pha quảng là vui tăng lên, gọi là xá quảng.

 

Điệu nhạc quảng dành chủ yếu cho các quan, đặc biệt lúc ngồi phát lộc người ta sử dụng điệu quảng. Điệu nhạc phú, xá, quảng… là những điệu nhạc cơ bản mà các nghệ nhân ở Khánh Hòa hiện nay hay sử dụng trong trò diễn múa bóng. Ngoài các nghệ nhân Khánh Hòa làm ca công, còn có các nghệ nhân ở Huế, Sài Gòn - Gia Định cũng thường xuyên đồng tham gia biểu diễn vào các ngày vía lớn. Tại đây ta sẽ bắt gặp giọng hát chầu văn ở miền Bắc với giai điệu mang các tố chất của dân ca đồng bằng Bắc bộ mà ở Chèo sử dụng rất nhiều. Đến các nghệ nhân Huế, vẫn  tổ hợp ca khúc ấy, song ta lại được nghe giọng hát ngọt ngào, uyển chuyển của điệu hò vùng sông Hương núi Ngự. Nổi bật hơn cả vẫn là các nghệ nhân vùng Nam Trung bộ, ngoài các nét nhạc trữ tình man mác đặc trưng dân ca miền Trung, ta còn nghe yếu tố bi hùng, ai mà không lụy của sân khấu Tuồng. Bởi nghệ thuật hát Tuồng có sự ảnh hưởng lớn đối với toàn bộ văn hóa cộng đồng ở khu vực. Và cũng chính nhiều nghệ sĩ Tuồng trực tiếp đờn ca sáo thổi cho trò diễn múa Bóng này. Cuối cùng là các nghệ sĩ đất Sài Gòn - Gia Định. Họ đờn ca chầu văn hay múa bóng rất giỏi, gần như xiếc. Nét âm nhạc chầu văn của họ chủ yếu vẫn là nhạc chầu Bắc, đôi bài ta như bắt gặp nét nhạc tài tử thính phòng mang hơi ấm của dân ca Nam bộ, mênh mang mênh mang như cánh cò chở nắng sang sông Tiền, sông Hậu.

Tóm lại, về âm nhạc, mặc dù giai điệu chủ đạo vẫn là hát chầu văn tế mẫu từ Bắc vào, xong đến đây nỗi niềm âm nhạc ấy lại được điểm tô thêm làm cho phong phú hơn, sinh động hơn.

 

Hiện nay, múa bóng ở Khánh Hòa tồn tại theo hai phái: phái “Tứ phủ công đồng” và phái “Tam phủ”. Cả hai phái giống nhau ở chỗ là đều thờ Mẫu, ở  nghi thức tế Mẫu, hát chầu văn, múa dâng hoa đăng và có sự nhập xác. Điểm khác cơ bản giữa hai phái là: “Tứ phủ công đồng” quan niệm 4 cõi, bao gồm: Thiên phủ (miền trời): có Mẫu đệ nhất (mẫu Thượng Thiên) cai quản bầu trời, làm chủ các quyền năng mây mưa, gió bão, sấm chớp; Nhạc phủ (miền rừng núi): có Mẫu đệ nhị (mẫu Thượng Ngàn) trông coi miền rừng núi, ban phát của cải cho chúng sinh; Thuỷ phủ (miền sông nước): Mẫu đệ tam (mẫu Thoải) trị vì các miền sông nước, giúp ích cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp; Địa phủ (miền đất): Mẫu đệ tứ (mẫu Địa Phủ) quản lí vùng đất đai, là nguồn gốc cho mọi sự sống. Thánh Mẫu Thiên Y A Na được nhập vào hệ thống tứ phủ và thờ làm Mẫu Thiên. Phái này quan niệm “âm phủ dương gian đồng nhất lý” (hai thế giới giống nhau), thần linh nhập xác Cô, mỗi lần nhập là một lần Cô mặc một bộ đồ (mượn diện tiên). Trong hệ thống Mẫu của phái “Tam phủ” (hay còn gọi là tam cõi hội đồng thiên tiên, thượng - trung - hạ) chỉ có ba vị Mẫu nhất, nhị, và tam, không có  Mẫu đệ tứ. Phái này không ngồi đồng, chỉ đứng trụ, Mẫu nhập xác về một lần, nói lời khuyên giải, nói bài cơ pháp, tuyên truyền để người ta tu thân, làm các việc từ thiện v.v… rồi “thăng” luôn, chứ không nhập xác vô ra như phái “Tứ phủ”. Mặt khác, Mẫu Tam phủ có nhập xác, xong không múa Bóng, Mẫu nhập rồi ngồi xen với các con của mình múa hát dâng hoa đăng, trái cây và các vật cúng tế, Mẫu phát lộc, Mẫu cho người bệnh "thuốc  gia truyền" chữa bá bệnh.

 

6. Tổng kết:

 

Có thể nói Ngồi đồng - múa Bóng trong đầy đủ ý nghĩa của nó không chỉ là một trò diễn đơn thuần mà còn là một hiện tượng văn hóa tâm linh, trong đó hệ tư tưởng tôn giáo thần bí chi phối toàn bộ tuyến hành động của nghi thức ngồi đồng - múa bóng. Tư tưởng này khẳng định rằng con người có khả năng giao cảm do sự sáng suốt đột nhiên trong tâm trí, đưa ta đến cái Chân Thiện Mỹ trong thế giới siêu nhiên. Muốn được vậy, con người phải tĩnh tâm. Tĩnh tâm để du ta sang trạng thái siêu thoát hoàn toàn, ở đó con người được sống trong thế giới thần tiên, cũng sinh động như thực tại xã hội ta đang sống. Từ lý thuyết đến thực tế, xưa nay các nghệ nhân đều cố gắng dùng nghệ thuật nhằm truyền đạt, lý giải mục tiêu ấy cho mọi người. Điểm xuất phát của giáo lý, của trò diễn bắt đầu từ tục thờ Mẫu lâu đời của người Việt. Hình tượng Mẹ trong truyền thuyết dân gian vừa nhân từ tình cảm, vừa có quyền uy tối thượng, như thể hiện sự nhận thức của con người về thế giới vạn vật và lòng khát khao vươn tới chế ngự mọi sức mạnh thần bí trong thiên nhiên. Từ những điều này mà các nhà tôn giáo thần bí đã dựa hẳn vào đời sống tâm linh dân gian để duy trì giáo lý của mình.

 

Hệ tư tưởng giáo lý của tập tục này là khuyên mọi người làm việc thiện, con người sống với con người phải có lòng từ bi bác ái, thần linh ở mọi nơi luôn cứu giúp người lành. Tư tưởng này nghiêng nhiều về đạo Phật. Tuy đây là giáo lý của các nhà thần bí, nhưng mang đậm tính dân gian. Ngoài tam giáo đồng hành là Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo, còn gặp nét riêng là thế giới đa thần. Tất cả các thần có công cứu nhân độ thế đều được thờ tự và nhập xác múa bóng. Các vị thần ở đây mang tính bản địa, không thấy các vị Thánh Tây phương trong các giáo phái Thiên Chúa giáo xuất hiện.

 

Về mặt cơ bản, trò diễn múa Bóng vẫn giữ được nét truyền thống xưa, các nghệ nhân luôn trung thành với tư tưởng giáo lý của mình, tận tâm và hướng thiện. Các thế hệ nghệ nhân nối tiếp nhau giữ gìn và bồi đắp thêm cái hay cái đẹp trong lời ca, điệu múa. Tuy nhiên, hiện nay do sự truyền nghề vừa ít về số lượng, vừa “tam sao thất bản” về chất lượng, nên lớp nghệ nhân sau này không giỏi bằng các lớp người đi trước. Hơn nữa vì hoàn cảnh xã hội, vì sự nhận thức của con người ngày một khoa học hơn đã tác động không nhỏ vào trò diễn. Mặt khác, tính thực dụng đã làm biến thiên ngay trong tư tưởng của một số nghệ nhân tự cho mình là chính thống, làm hạn chế phần nào yếu tố tích cực của trò diễn. Thêm vào đó là một số kẻ “mua thần bán thánh” làm cho trò diễn bị thoái hóa, biến dạng, gây mất lòng tin trong dân gian. Theo các nghệ nhân cao tuổi trong nghề hầu bóng, thật ra ngồi đồng nguyên thủy không thay đổi nhiều trang phục theo từng giá đồng như hiện nay, và việc ban lộc, ban tiền cho người xem cũng chỉ là rất tượng trưng thôi. Còn khi vào đến thành thị hiện nay, ngồi đồng - múa Bóng dần chịu sự chi phối của kinh tế, thương mại khi người ta gắn nó với các yếu tố của đời thường, trở nên nặng về phô trương, hình thức và bị biến tướng đi khá nhiều. Chẳng hạn là tâm lý “tốt lễ dễ kêu”, đồ lễ càng đủ đầy, càng nhiều càng tốt. Làm như vậy thì hầu đồng đã đi xa khỏi bản chất của nó quá nhiều. Đó là chưa kể tới việc hầu đồng bị lợi dụng vào mục đích mê tín dị đoan. Bởi vậy xưa nay diễn xướng dân gian nhạc chầu văn tế Thánh Mẫu, hát dâng hoa, ngồi đồng - múa bóng luôn tồn tại hai trạng thái: một mặt mang tính tích cực, chính thống, nghệ thuật và mặt kia là sự tiêu cực, kỳ dị./.

 

2002 - 2010

 

Nguyễn Man Nhiên
Số lần đọc: 9780
Ngày đăng: 05.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thương yêu trong ca dao Việt Nam - Nguyễn Tiến Văn
Chiều 30 Tết Ở Đình Bảng Xưa - Nguyễn Khôi
Tết Ở Đình Bảng Xưa - Nguyễn Khôi
Bài chòi ngày xuân Xưa và Nay - đi tìm lời giải mã - Phạm Phù sa
Tục Ngữ Khánh Hoà - Lê Khánh Mai
Tìm Hiểu Thang Âm Ngũ Cung Trong Âm Nhạc Huế - Nguyễn Phú Yên
Cây dừa trong văn hóa Tây Nam Bộ - Tiền Văn Triệu
Hệ Thống Phân Loại Nhạc Cụ Trung Quốc - Vương Trung Hiếu
Ma Quỷ Trong Văn Học Việt Nam - Trần Minh Thương
Cách Nói Của Người Miền Tây Nam Bộ Qua Ca Dao - Trần Minh Thương
Cùng một tác giả
Rồng Việt (dân gian)