Chiều nay trời trở gió, tự dưng tôi thèm được đứng trên chiếc cầu ván bắc ngang con kinh nhỏ của quê mình, lượm những bông sao thả xuống dòng kinh, cho nó bay theo gió, được nhìn những đám lục bình xanh rì lặng lờ trôi theo con nước, được nhìn những chiếc xuồng tam bản buông mái chèo xa xa...
Tôi là người sống ở vùng sông nước, tuổi thơ tôi gắn liền với con kinh nhỏ cạnh nhà và cái cầu ván gập ghềnh bắc ngang kinh. Con kinh không có tên, nhưng vì nằm kế ngôi Đình thần xã Bình Thủy nên người ta gọi nó là kinh Đình Bình Thủy, còn người địa phương chúng tôi thì kêu đơn giản là "cái kinh Đình". Cù lao Bình Thủy là vùng đất hẹp người đông, đồng ruộng nhiều nên kinh rạch cũng chi chít, vậy mà không hiểu sao kinh Đình lại được tôi dành cho một thứ tình cảm thiêng liêng, đó là tình yêu đất mẹ.
Kinh Đình, hai chữ nghe sao mà giản dị quá, không một người con Bình Thủy nào không biết kinh này, không một ai chưa từng đi qua kinh này. Con kinh quá đỗi thân quen, quá gần gũi, gần gũi đến mức đôi khi người ta không chú ý đến con kinh này, nhiều khi người ta quên mất: kinh Đình đó - lớn lao và bình dị vô cùng, là quê hương ta đó, là chốn về bình an. Nhưng mặc cho thế sự ra sao, ngày đêm con kinh này vẫn chảy.
Đối với tôi, từ nhỏ tôi đã sống ở đây, nhà tôi ngay ngã ba sông, phía bên này là vàm kinh Đình, phía sau là con sông Năng Gù, riết rồi quen, có nhiều khi tự hỏi: "Ủa, tự dưng mình trở thành người của sông nước hồi nào hổng biết". Mười mấy năm ở bên cạnh con kinh này, mỗi ngày tôi qua lại hai bên bờ kinh không biết bao nhiêu lần, tôi đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện, chuyện vui có, chuyện buồn cũng có, cả tin tức thời sự... nhưng thôi, mấy chuyện đó là chuyện phiếm. Cái mà tôi chứng kiến được là cái tình mà bà con Bình Thủy đã dành cho con kinh này, tuy không bao giờ nghe ai nói "tôi yêu kinh này quá", "tôi quý kinh này quá", nhưng ai cũng biết rằng con kinh này có một vị trí vô cùng lớn lao trong lòng họ.
Tuổi thơ tôi hằng sâu biết bao kí ức về con kinh này, mỗi năm đến mùa nước đổ thì nước kinh đỏ ngầu phù sa, chan chứa như tình thương yêu của mẹ ; mùa cạn thì con kinh rộng chỉ còn là một lạch nước nhỏ chạy dài, nhưng không bao giờ hết nước. Rồi cứ đến gần Tết thì mặt kinh toàn màu xanh, các bạn biết gì không? Lục bình đó. Lục bình trôi theo con nước theo từng đám, quanh năm lúc nào cũng có lục bình, nhưng gần đến Tết thì có nhiều hơn. Hai bên bờ kinh là nhà cửa đông đúc, thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng ghe xuồng chạy xành xạch. Những người mới đến đây gọi nó là "tiếng ồn" khó chịu, nhưng đối với người sông nước chúng tôi thì đó chính là tuổi thơ đầy nắng gió, là quê hương, là tình yêu, và là rất nhiều, rất nhiều nữa...
Con kinh không phải do tự nhiên có mà do chính những người Bình Thủy đã đào nó. Ngày xưa, những người sống ở vùng Mỹ Hội Đông (Chợ Mới, An Giang) muốn qua được sông Năng Gù bằng xuồng phải vòng lên đầu cù lao rồi đi xuống hoặc chạy xuống đuôi cù lao rồi trở ngược lên, đường khá xa và tốn kém thời gian. Thấy được sự khó khăn đó, năm 1945 Ban Hội tề làng Bình Thủy đã huy động nhân dân đào con kinh này, vừa đào xong thì cuộc Cách mạng tháng tám nổ ra. Từ khi có con kinh, giao thông thuận tiện hơn, đoạn đường từ sông Hậu muồn qua sông Năng Gù rút ngắn chỉ còn bốn cây số. Có kinh thì phải có cầu, vậy là cây cầu nối liền hai bờ kinh Đình được ra đời, kinh được gọi là kinh Đình thì cái cầu cũng tạm kêu là cầu Đình cho gọn. Cái cầu không biết có từ hồi nào, nhưng chắc là đã lâu lắm, cứ vài năm người ta lại sửa chữa, có khi xây mới hoàn toàn. Kinh phí thì không có ai tài trợ, chỉ do những người trong xóm đóng góp, ai có bao nhiêu thì góp bấy nhiêu, không có thì góp công, hì hục mấy ngày trời cây cầu mới làm xong. Khi đó, tôi thấy bên cạnh những giọt mồ hôi của những người làm cầu là những nụ cười mãn nguyện, hình như lúc đó họ thấy rằng mình đã làm được một cái gì đó cho nơi nhau rún của mình, tự dưng lúc ấy nước mắt tôi chực trào...
Vậy mới biết tình làng nghĩa xóm của người dân miền Tây.
Chúng tôi là những người nhà quê, không quen những chiếc cầu dài, rộng nhưng lạnh lùng sắt thép. Trái lại, chiếc cầu của chúng tôi không khang trang, không hiện đại, cũng không phải do kỹ sư nào xây dựng nhưng nó được làm từ chính những cái cây được trồng trong làng, trong xóm, được bàn tay của những người yêu quê hương bàu gọt, bởi vậy chiếc cầu lúc nào cũng ấm áp tình người. Cứ mỗi mùa mưa tới, vào những buổi chiều có gió lớn, chúng tôi thường lượm những bông sao bên gốc cây sao gần đình làng rồi đem lên cầu thả xuống kinh. Những cánh sao buông mình bay theo gió, nó xoay tít, xoay mãi, xoay mãi giữa đời thường nhưng chưa biết đi về đâu, rồi âm thầm rớt xuống mặt nước. Hình ảnh bông sao gợi lên một kiếp nhân sinh bao phen lăn lộn nhưng không biết mình về đâu, để rồi lặng lẽ trở về với đất.
Con kinh đối với tôi có biết bao kỉ niệm mà không thể nào kể hết được.
Vậy mà sắp tới đây chính quyền địa phương đang có chủ trương san lấp con kênh này, thay vào chỗ kinh Đình sẽ là một con đường lớn và một chiếc cầu bắc ngang sông Năng Gù, qua quốc lộ 91. Khi hay tin này tôi nửa vui nửa buồn. Tôi vui vì khi có chiếc cầu như vậy, chúng ta sẽ phải khỏi cái cảnh "qua sông mà phải lụy đò", quê hương tôi sẽ có nhiều điều kiện để phát triển hơn. Còn buồn là vì tôi sắp phải chia tay với con kinh đã từng bảy mươi năm đảm nhiệm sứ mạng làm thông thương hai bên cù lao và mười mấy năm làm thiên đường cho tuổi thơ của tôi. Dĩ nhiên, lắp con kinh Đình thì giao thông không thuận lợi, nhưng tôi không buồn vì chuyện đó mà buồn vì một chuyện khác. Quả thật là con kinh có giá trị về mặt giao thông, nhưng ít ai biết rằng đối với những người con Bình Thủy thì con kinh này còn có giá trị về mặt lịch sử, chính ông cha của họ đã đào con kinh này, đã sống chết với con kinh này, biết bao người đã gắn bó cả cuộc đời mình với con kinh. Nhưng đã hết rồi...?
Có thể bắc chiếc cầu ở một nơi nào khác, hoặc không cần chiếc cầu bắc qua quốc lộ 91 nhưng người Bình Thủy không thể thiếu con kinh. Đơn giản, bời vì con kinh Đình là máu của Bình Thủy, là hồn của Bình Thủy, là quê hương của gần hai mươi ngàn người Bình Thủy. Nếu thiếu quê hương, con người sẽ chết.
Sẽ hụt hẫng thế nào nếu một ngày nào đó đi ngang qua con đường quen thuộc chợt ta thấy rằng con kinh ngày xưa đã không còn? Sẽ trống trải thế nào nếu một người Bình Thủy xa quê trở về nơi nhau rún của mình mà mọi thứ đã đổi thay, không còn được thấy con kinh xưa nữa? Chúng ta sẽ nói như thế nào với thế hệ mai sau là ở đây từng có một con kinh quan trọng về mặt giao thông mà trên thực tế lúc đó nó đã không tồn tại nữa? Chúng ta sẽ giới thiệu với một người bạn lần đầu tiên đặt chân đến quê hương mình như thế nào khi không có con kinh? Một ngày nào đó muốn đi xuồng qua sông Hậu, chợt nhớ ra rằng kinh đình đã không thể tiếp tục làm con đường tắt đưa chúng ta qua sông nữa, thì cảm xúc của chúng ta lúc đó ra sao?
Một ngày nào đó, khi con kinh không còn nữa, với nắm bông sao trên tay, tôi biết thả nó về đâu bây giờ?
23 - 7 - 2010