Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.269
123.157.658
 
Từ Thích Giả Ngộ đến Thích Giác Ngộ
Kiệt Tấn

D. Kongtrül Rinpoché. người dịch : Kiệt Tấn

 

Môn thể thao khoái nhứt của tôi : cười !

Đạt lai Lạt ma

 

Dẫn nhập

 

Dzigar Kongtrül Rinpoché sinh năm 1964 tại miền bắc Ấn độ, mẹ cha là những người Tây tạng tị nạn. Đến Mỹ từ lúc hãy còn rất trẻ, ông sáng lập nhiều trung tâm an tịnh. Ông là một trong những bậc thầy trẻ rất được kính trọng của Phật giáo hiện đại.

 

Bài sau đây là chương nói về đề tài Bỡn cợt trích từ quyển It’s up to You, Tùy ở Bạn, (Shambhala Publications, Inc., Boston 2005). Kiệt Tấn chuyển ngữ. Người dịch tự ý viết nghiêng những chỗ muốn nhấn mạnh.

 

Nên bỡn cợt

 

Trong đời sống, mọi người đều có thể bỡn cợt. Có tinh thần bỡn cợt không có nghĩa là bạ đâu cười đó, cũng không phải là vui nhộn dài dài. Nó có nghĩa là thấu rõ cái bản chất huyễn ảo của các hiện tượng, và trong cuộc đời vốn cũng huyễn ảo này, ta luôn luôn va chạm với những hoàn cảnh mà tự ta muốn tránh né.

 

Bỡn cợt cho phép ta thấy, nghĩ cho cùng, thì mọi việc tự nó không có ý nghĩa nặng chình chịch như ta thường gán lên nó. Điều thiệt sự quan trọng là phải buông xả tất cả những gì mà ta cứ quyết tình bám víu cho bằng được. Cái trí tuệ qui ngã và các cảm xúc của ta vốn là những ảo tưởng thê thảm. Dĩ nhiên chúng ta có cảm tưởng là chúng quả tình có thiệt : cái thảm kịch của tôi, cái thảm kịch của anh, những sự giành giựt giữa chúng ta. Chúng ta cố tình vẽ vời ra những tình tiết lâm ly để được phản ứng lại (cho mệt chơi). Nhưng thiệt ra thì tất cả mọi chuyện chỉ xảy ra trong cái « đỉnh cao trí tuệ » của ta ! Và chính đó là lối cợt đùa vô lượng của nghiệp chướng. Bạn có thể cười cợt lên sự mỉa mai của nghiệp chướng, hoặc bạn có thể cố bám một cách tuyệt vọng vào ba cái chuyện bịa đặt riêng tư của mình : tùy bạn quyết định.

 

Đưa bỡn cợt vào tất cả các sắc diện của đời sống là một điều vô cùng thiết yếu, ngay cả trong những hoàn cảnh tích cực như trạng thái thanh thản, hòa hợp và an bình. Khi ta coi chúng quá nghiêm chỉnh, sự thanh thản sẽ hóa thành buồn bã, an bình trở nên ngán ngẫm và hòa hợp trở thành mất tự nhiên. Nếu muốn duy trì một sự hòa hợp, một sự an bình và một niềm vui trung thực, ta cần phải biết cắt đứt cái trầm trọng của hoàn cảnh bằng cách kêu gọi đến tinh thần bỡn cợt.

 

Chữ nghĩa bất lực để diễn tả tinh thần bỡn cợt. Nó nảy ra từ tim ta, rồi một nụ cười chợt hiện, và một tiếng cười bật ra khỏi cổ họng. Nó ban một viễn tượng mới và một kích thước mới cho mọi hoàn cảnh. Nó quả thiệt là một người bạn tuyệt hảo và đôi khi chính nó là người bạn duy nhứt mà ta có thể có được. Khi ta trải qua những giai đoạn đặc biệt khó khăn, khi mọi người đều lánh xa ta, khi đó chỉ còn có mỗi cái bỡn cợt là ở lại với ta mà thôi. Không nên coi nó quá sức nghiêm chỉnh, cái cuộc đời ngắn ngủi này với cái bè đám lỉnh kỉnh ba má, bà con, vợ chồng, tình nhơn, con cái, nghề nghiệp và tiền bạc rối rắm. Thiệt ra thì cái nghiêm chỉnh ở đây rất là tức cười. Nhứt là ta biết rằng cuối cùng thì ta cũng phải vứt bỏ hết và ra đi, y như là câu ngạn ngữ Tây tạng : « Như một cọng tóc quèn nhổ ra khỏi thỏi bơ ». Ta cần dành cái thời gian vô cùng ngắn ngủi trên cõi đời này để cố thử đánh thức ta dậy khỏi cái giấc mơ nghiêm trọng.

 

Coi mọi việc đều nghiêm chỉnh quả thiệt có ích lợi gì không ?

 

Có rất nhiều việc ta có thể thực hiện được trong khoảng đời người ngắn ngủi này, chẳng hạn như thấu hiểu cái bản chất đích thực của nó cũng như của các hiện tượng trong trời đất. Quả thiệt là lố bịch khi ta tự coi mình nghiêm chỉnh đầy người những lúc ta cất bước đi phom phom với một cái va li nhỏ đựng đầy hồ sơ trong tay, hoặc giả đang hiu hiu lái một chiếc xế BMW láng coóng, hoặc giả ta đang nhí nhố trò chuyện với bạn bè qua một cái điện thoại di động kiểu chót nhứt. Tới lúc nào đó, ta cần phải biết tự bảo : « Thôi nghe ! Đủ rồi ! Bỏ đi tám ! » Điều này không có nghĩa là ta không nên quan tâm tới trí tuệ và các cảm xúc của mình, hoặc không nên đề cập tới một số vấn đề và thảo luận về chúng. Điều cốt yếu là ta phải tự hỏi xem tất cả cái vẻ nghiêm chỉnh táo bón kinh niên đó nó có đem tới cho ta một chút gì hay không ?

 

Coi mọi việc quá sức nghiêm trọng cũng có thể là một hăng đi cáp khủng khiếp. Buổi sáng, trước khi bước ra khỏi giường, ta đã bắt đầu tổ chức cái ngày trước mặt của mình, bởi lẽ nếu ta không trù liệu gì hết, có thể ta sẽ nằm dài người ra đó, và rồi sẽ không có một việc gì được làm nên. Rồi do đó, ta sẽ bị đuổi việc, sẽ bị vợ nhà khinh bỉ, mọi người sẽ coi ta là một thằng vô tích sự : và ta sẽ đồng ý là cái chắc ! Dĩ nhiên là ta cần phải hoạch định công việc. Nhưng nếu ta coi mọi việc quá sức nghiêm chỉnh, ta sẽ hành hạ não óc và thân xác mình, và ta sẽ làm hư hết một ngày quý báu bằng cách biến nó thành bức xúc, nhọc nhằn và rối rắm [i].

 

Khi ta thức dậy buổi sáng, các ý nghĩ và cảm giác sẽ tự nhiên hiện đến cho ta. Tầm mức quan trọng mà ta ban cho chúng chỉ tùy thuộc ở ta. Có một số người không bao giờ coi bất cứ việc gì là nghiêm chỉnh,, cho tới mức họ có vẻ như « ba trợn ». Thế nhưng, loại người này sống ít bị bức xúc về tinh thần và thể xác hơn là những người xem công việc của mình quá quan trọng. Điều này không có nghĩa là ta nên buông thùa một cách vô trách nhiệm, nhưng mà là ta nên đặt mọi việc vào một viễn tượng rộng lớn hơn, và ta phải giữ một thái độ tích cực hơn trong đời sống.

 

Một thái độ tích cực hơn không có nghĩa là ta không nuôi dưỡng những ý tưởng tốt. Điều đó có nghĩa là ta không nên rơi vào cái bẫy vốn coi tất cả mọi việc đều hết sức nghiêm chỉnh, tất cả những gì ta làm, ta nghe, ta thấy, ta cảm nhận, và do đó mà tạo ra bế tắc với tất cả những ai ta muốn thiết lập một liên hệ. Ngay chính tôi đây, tôi cũng mệt phờ người vì cảm thấy mình quá sức nghiêm chỉnh. Thiệt tình mà nói, điều đó làm cho tôi hết xí quách ! Mặt khác, nếu bỗng nhiên đùng một cái mà bỏ rơi hết những gì ta vốn dành cho chúng một tầm quan trọng quá mức cũng không phải là giải quyết vấn đề. Điều đó không đi tới đâu hết. Ngược lại, tỏ ra biết bỡn cợt và phần nào biết coi nhẹ mọi việc có thể là lối thoát khả dĩ duy nhứt.

 

Nếu bạn bị rơi vào cái bẫy nghiêm chỉnh, và ngay cả nếu nghiệp chướng khiến cho bạn xáp vô mọi hoàn cảnh một cách nghiêm trọng, bạn cũng có thể cố gắng xả nhẹ bớt cái gọng kềm. Đó là một hình thức hành đạo sâu sắc.

 

Thực hành tinh thần bỡn cợt

 

Giống như một ông già quan sát lũ con nít đang nô đùa, ta cần phải dự phóng mọi việc vượt lên trên vẻ nghiêm trọng mà thường khi ta úp chụp lên chúng. Dù cho lũ con nít có nghiêm chỉnh cách mấy đi nữa trong trò chơi của mình, ông già cũng ngó thấy chúng quả thiệt là tức cười, và ông già không xem những trò chơi đó như những gì có thiệt. Ta có thể quan sát các ý tưởng và cảm xúc của mình y chang như vậy. Không gán cho chúng một tầm quan trọng quá mức, ta chỉ coi chúng như là những trò chơi con nít, do đó ta sẽ mở ra cho chúng một không gian rộng lớn hơn. Trí tuệ của một người hành đạo cần phải được như vậy.

 

Đưa bỡn cợt vào thực hành không bao giờ quá sớm hoặc quá trễ. Trong quyển Kho tàng của dharmadhatsu (Kho tàng của cõi thực), ngài Khünkhyen Longchenpa đã mô tả nhưa sau các trải nghiệm của mình khi tất cả các điểm chuẩn thông thường đã bị dẹp bỏ : « Từ khi tôi đạt tới sự hoàn thành đó, tất cả mọi điểm chuẩn của tôi đều tan biến. Cái nền tảng dựa trên đó ta bám víu vào cái « tôi » và cái « anh » sụp đổ. Cái « anh » nó ở đâu, và cái « tôi » nó ở đâu ? Ai là bạn, ai là thù ? Trong trạng thái tự do không ngằn mé này, mọi việc đều đột nhiên bay bổng lên một mình vào thời điểm thuận lợi. Khi tôi nhìn người khác, họ hiện ra dưới mắt tôi như là trẻ nít : họ xem những việc không thiệt như là có thiệt, họ xem những điều hư ngụy như là chân lý, họ cố gắng sở hữu những gì mà họ không thế nào sở hữu được. Ha ! ha ! Tôi phá lên cười ngặt nghẽo khi ngó thấy cảnh tượng lạ lùng đó ! »

 

Khi đạt tới mức hoàn thành đó, ta nhận thức được sự hóa hiện phù phép của các dáng dấp bên ngoài (giả tướng) ngay lúc chúng mới vừa xuất hiện. Toan tính giản lược chúng bằng cách dán lên đó các nhãn hiệu thể hiện bằng những từ ngữ thiện, ác tốt, xấu, đúng, sai, khi đó sẽ trở thành một trò chơi kỳ quặc và phù phiếm.

 

Quan sát trí tuệ là chìa khóa cho phép ta khai triển một tinh thần bỡn cợt tốt đẹp hơn , một thái độ tích cực hơn, đồng thời một ý thức sâu sắc hơn về tính cách phù du của đời sống. Nếu bạn thấu hiểu rằng không có gì hiện hữu vững chắc, không có gì thường tồn lâu bền, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy dễ chịu với cái cõi « không biết » quanh mình. Khi đó bạn sẽ trải nghiệm sự nhẹ nhàng và tính trong sáng của mọi vật như nó là như thế. Ta có thể sống thường trực trong trạng thái tinh thần này.

 

Điều cốt lõi có thể tóm lược như sau : đừng coi mình quá nghiêm chỉnh, và các cảm xúc của mình cũng vậy. Hãy tìm một cái « tôi » nào khác hơn để mà xác định mình. Nghĩa là xác định mình với cái bản chất thiệt sự của mình, chớ không phải là con người với một nhân cách phân tán. Bạn sẽ không còn dành cho các cảm xúc xuất phát từ cái ngã (giả danh) của mình một tầm quan trọng như trước kia nữa. Thế nhưng, ngay cả nếu bạn tiếp tục làm bình thường các công việc hằng ngày của mình thì cái ngã cũng sẽ không hoàn toàn chi phối cuộc đời bạn, nếu bạn nhìn công việc với đôi mắt bỡn cợt. Mối liên hệ quan trọng nhứt mà bạn có thể duy trì với chính mình vốn là cái tinh thần bỡn cợt xuất phát từ tận đáy tim mình.

 

Đối xử với cái « ngã » như một tên hề [ii]

 

Thử tưởng tượng bạn đối xử với cái ngã như là một tên hề. Hề là những nhân vật rất dễ mê. Dĩ nhiên họ làm cho ta cười, nhưng cũng có thể tỏ ra dọa nạt, và ngay cả độc ác. Cần phải cẩn trọng trước các « trò » phỉnh phờ của họ. Bởi lẽ họ có thể xô ta vào vòng bối rối bằng cách biến ta thành trò cười, hoặc mang ta ra chế diễu trước mọi người. Nếu họ tỏ ra gây hấn quá mức, bạn có thể mong muốn được ngồi ở hàng chót, và sẵn sàng để tự vệ. Những tên hề bắt buộc ta lâm vào thế thủ. Tương tự, ta cần phải đề cao cảnh giác đối với cái ngã. Bằng không, các trò hề của nó rất có thể khiến cho bạn chới với !

 

Một bữa nọ, đang lúc tôi giải thích rằng cái ngã có thể so sánh với một tên hề, bỗng nhiên có một thính giả chợt nổi giận đùng đùng. Sau đó tôi được biết ông ta là một diễn viên hề chuyên nghiệp. Bởi lẽ, theo giáo lý nhà Phật thì cái ngã bị mất tín nhiệm, và vì thế mà ông ta có cảm tưởng tôi khinh miệt hết những người hành nghề như ông ta. Điều đó cho thấy chính ngay cả những người hề cũng coi cái ngã của mình vô cùng nghiêm chỉnh, tới mức làm khổ họ ². Sau đó, ông ta tham dự buổi lễ phát nguyện hạnh bồ tát. Ngày hôm đó, trong những danh hiệu mà tôi đã lựa chọn sẵn, và rồi do một sự trùng hợp lạ lùng, khi tới phiên ông ta tiến lên để nhận danh hiệu của mình, thì hóa ra nó lại là « Vua Cười » ! Sau cái hồi trục trặc vui vui này thì mọi chuyện của ông đều diễn tiến tốt đẹp.

 

Khi ta bị trái ý, ta bị khủng hoảng hoặc ta có vấn đề sức khỏe, thì thiệt khó lòng mà bỡn cợt cho được. Nhưng không xem các tình cảnh này quá quan trọng cũng đã là một bước khởi đầu tốt đẹp rồi. Khi cảm thấy mình bắt đầu xem chúng quá quan trọng, ta có thể tự bảo : « Thôi nghe cha nội ! Đủ lắm rồi ! » Hãy làm một cái gì đó để thoát khỏi tình trạng bất ổn này : nhảy tưng tưng tại chỗ, lăn lộn trong cát nóng, nhào xuống hồ nước lạnh để dựng đầu mình dậy (chớ quên mở mắt kiếng ra !). Nhưng dù có quyết định làm gì đi chăng nữa, bạn cũng phải cố thoát ra cái ngục tù của trí tuệ : càng cố gắng buông xả, bạn càng mau chóng nhận thấy rằng thái độ này đem tới cho bạn rất nhiều điều tốt đẹp.

 

Như Shantideva đã nói : « Tất cả đều có thể trở nên dễ dàng hơn nhờ ở thực hành ». Hãy cười lăn lộn đi, rồi mọi việc sẽ được khai thông ! Bạn sẽ không còn giống như cái tên hề chuyên nghiệp đã nói : khôi hài với kẻ khác, nhưng vô cùng nghiêm chỉnh với mình.

 

Các cô gái có được cái may mắn là biết rộ cười lên ngặt nghẽo vì một tiếng « ừ » hoặc một tiếng « không » (ndt : có lẽ nhờ vậy mà nình bà sống lâu hơn nình ông). Những chuỗi cười rộ thiệt sự, chớ không phải là nén cười lí nhí, giựt gân, hoặc tự mãn, là cách xoa bóp đích thực của con tim. Chúng giúp cho ta đạt được niềm vui hồn nhiên gắn liền với đời sống.

 

Tất cả mọi hình thái vui sướng như cười hinh hích, cười tồ tồ hay cười ngất ngất lên, giống như những người già rung cái bụng phệ của mình lên để mà cười hả hê sẽ khiến cho ta không còn xem cái cuộc đời  hết sức  ngắn ngủi này quá đỗi nghiêm trọng.

 

Cái « nghiệp chướng » không thể cải tiến được

 

Dù cho mọi việc có tỏ ra tiêu cực cách mấy đi nữa, làm sao ta có thể chờ đợi cho chúng tự mình cải tiến ? Tất cả những trạng huống này hoàn toàn lệ thuộc vào bánh xe luân hồi. Ta không thể nào thoát khỏi cái vòng sinh, lão, bịnh, tử. Ta không thể sống suốt đời để tự soi mình trong gương mà cài nút áo, hoặc khóc kể lâm ly trước các dấu hiệu của tuổi già. Ngược lại, tốt hơn hết ta nên thể hiện tinh thần bỡn cợt khi trải qua các giai đoạn không thể tránh né đó của đời sống.

 

Khi bịnh hoạn tới, ta chớ nên buồn rầu, trách móc kẻ khác hoặc trách móc ta. Nếu biết duy trì tinh thần bỡn cợt, cho dù bịnh hoạn ta vẫn có thể giữ cho mình vui tính. Khi cái chết đến, ta có thể chết trong niềm vui trung thực, và thấm thía cái cợt nhả khi nhớ lại cuộc đời mà ta đã trải qua, bởi lẽ ta đã bắt gặp được Tam bảo, ta đã thực hành được Phật pháp, và ta đã nhận thức được bản chất của trí tuệ. Một khi đã thấu rõ tính cách huyễn ảo của các ý tưởng (niệm) và cảm xúc (thọ), ta sẽ hiểu rằng khi coi chúng quá nghiêm chỉnh (chấp), ta đã đi ngược lại hết các mục tiêu mà mình đã đề ra.

 

Sự giải thoát sẽ hiện ra mỗi khi các luận tưởng đã thiệt sự tiêu tán hết. Cho dù chúng có xoáy vòng bên mặt, xoáy vòng bên trái, cho dù chúng có bay lên, có cuồn cuộn, các ý tưởng vẫn luôn luôn chỉ là ý tưởng mà thôi. Việc hành đạo và tinh thần bỡn cợt sẽ khiến cho chúng tiêu tán đi hết. Vượt lên cao hơn các chuyển động của trí tuệ sẽ là một điều hết sức tuyệt vời và giải thoát. Nhưng nếu bạn không thể thực hiện được điều này thì ngay cái ước muốn đi tới đó cũng đã là hết sức tích cực rồi. Dưới con mắt nhìn bỡn cợt thì chính ngay các luận tưởng và cảm xúc là một tấn kịch rộn ràng. Ta có thể thưởng thức chúng y như là ông già quan sát một cách thoải mái các trò chơi của lũ con nít. Chính lúc đó, các ý tưởng (vọng niệm) sẽ thiệt sự hiện nguyên hình như chúng là thế đó, thay vì chúng được ta tưởng tượng dưới những hình tướng hư giả.

 

Đó là mục tiêu hành đạo của chúng ta. Mỗi đoạn đường là một công cuộc tìm kiếm chân lý. Ta có thể đạt được chân lý của mọi sự (mọi pháp) như chúng là (thực tướng), bằng cách để cho chúng được thể hiện lên một cách trung thực trong cái tự do riêng tư của mình. Như kinh pháp đã dạy, công việc thiền định sẽ phong phú hơn rất nhiều nếu nó không bị ta « chế biến », nghĩa là bị dấy bẩn bởi các ý niệm. Cũng giống như là nước sẽ trong nếu ta không khuấy động nó, điều đó có nghĩa là hãy để cho trí tuệ được y nguyên như nó là, như vậy./.

 

D. Kongtrül Rinpoché

 

 

Giai thoại

 

Trong lần phỏng vấn đức Đạt lai Lạt ma, nhà báo nêu câu hỏi :

- Xin Ngài cho biết kiếp sau Ngài muốn đầu thai làm con gì ?

- Kiếp sau tôi muốn đầu thai làm con cào cào

- ??? Xin Ngài giải thích vì sao Ngài muốn đầu thai làm con cào cào ?

- Tại vì trong thế giới con cào cào không có chiến tranh tôn giáo.

 

Chú thích :

 

Trích Em điên xõa tóc :

« Thú vật đâu có ngu như tôi. Đâu có con chó nào làm thơ, đâu có con chim nào đặt nhạc, đâu có con dế nào viết văn. Toàn những thứ bày đặt mà con người rất lấy làm hãnh diện về cái tài biến chế, đẻ ra tôn giáo, chính trị, triết lý của mình » (Kiệt Tấn)

Tôn giáo. Chiến tranh tôn giáo. « Loạn cào cào » ! Rất đáng hãnh diện. Cái hãnh diện có « bộ-mặt-rất-người »

Hoan hô ! Hoan hô !

 

Khi Đức Phật mỉm cười

 

Thích ca Mâu ni trong một lần giảng đạo ở núi Linh sơn đã không nói một lời nào, Ngài chỉ vào đóa hoa tươi, giơ một ngón tay lên cao rồi mỉm cười và ngồi xuống. Với hành động ấy, các tín đồ đều không hiểu ý Ngài, duy có một đệ tử là Ma ha Ca diếp cũng nhìn hoa mà cười. Phật tổ gật đầu khen ngợi. Sau này Ca diếp trở thành một đại tín đồ am hiểu sâu sắc Phật lý bên cạnh Phật tổ.

 

Thực ra, điều Phật tổ muốn cáo dụ ở đây đối với Phật gia có nghĩa cốtyếu nhất là khi đối diện với nỗi khổ của chúng sinh, chúng ta luôn luôn cần đến nụ cười để giải thoát./.

 

(trích Danh ngôn Trang tử, chương 2- HoàngThuần Thuần ( Văn hóa, 2008)

 

Chú thích 

[i] Trong truyện « Vườn chanh miệt biển », người dịch có viết : « Chính vì nhiều lúc đối đầu với một vấn đề và cho rằng nó quá sức trọng đại mà thành ra không giải quyết được gì hết. Càng giải quyết chỉ càng làm cho nó rắc rối thêm. (…) Nói cho cùng, chính vì sống là chuyện hết sức nghiêm chỉnh nên ta phải… cười để mà sống. Không có thái độ nào cà chớn cho bằng thái độ nghiêm chỉnh kinh niên. Nếu chơi chữ thì « nghiêm chỉnh quả là là thái độ không nghiêm chỉnh một chút nào hết ». Một thái độ vọng chấp tột bực ».

 

[ii] Trong loạt bài “Sự đời” của mình, người dịch đã có lần phát biểu: “Trong đời sống, có hai thái độ: những người cà rỡn vốn là hề nhưng biết mình là hề, và những người nghiêm chỉnh vốn cũng là hề nhưng lại không biết mình là hề”

 

Kiệt Tấn
Số lần đọc: 1934
Ngày đăng: 09.03.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ Tô Thùy Yên, quán trọ hồn đông-phương - Nguyễn Vy Khanh
Triết học nào cho thế kỷ 21. tiếp - Đặng Phùng Quân
Về Những Thể Nghiệm Thơ Gần Đây - Hoàng Hưng
Triết học nào cho thế kỷ 21 - Đặng Phùng Quân
Phổ lời - Nam Dao
Dịch và tán phét về thơ Prévert : Mấy lời đính chính. - Phan Huy Đường
Một ý tưởng sắp "duy vật biện chứng" - Phan Huy Đường
Dịch và tán phét về thơ Prévert - Phan Huy Đường
Nguyên Sa, Nhà Báo, Nhà Thơ - Nguyễn Vy Khanh
Ở Biên Giới Của Vô Biên Và Tương Lai - Hoàng Hưng