Không hẹn mà nên, thời điểm Hoàng Cầm chào đời lại là lúc các làng quan họ nao nức đợi sáng hôm sau mở hội: đó là lúc gần nửa đêm 12 tháng Giêng. Chẳng biết có phải vì thế mà cái chất “âm tính”, “nữ tính” nó ám vào thơ ông. Nhưng quả thật những bài hay nhất, những gì hấp dẫn nhất trong thơ Hoàng Cầm, tập trung ở tập “Về Kinh Bắc”, đều ám ảnh bóng hình người con gái Kinh Bắc xưa…
Câu thơ mở đầu Về Kinh Bắc là một lời khấn nguyện: “Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc”. Để rồi trong suốt 48 bài qua 8 nhịp tuần du, tiếng Mẹ cứ trở đi trở lại như một âm chủ trong toàn bộ tổ khúc thơ đầy màu sắc ấn tượng chủ nghĩa, như một sức mạnh ngầm nối kết những liên tưởng, ẩn dụ, cảm nhận tản mác, tạo nên một thế giới vừa thực vừa ảo. Để rồi gấp tập thơ lại, ta cứ nao lòng vì câu hát ru cuối cùng: “Lớn lên / Em đừng tìm mẹ phía cơn mưa”. Một nỗi buồn bí ẩn, không giải thích được, một kinh nghiệm trả giá một đời?
Sự thực là Về Kinh Bắc đã được khởi hứng và nuôi dưỡng trong suốt mấy tháng mùa rét Đông Xuân 1959 – 1960 từ nỗi niềm của đứa con tơi tả chỉ còn một con đường: tìm về quê mẹ nương náu trong lòng mẹ. Cũng tức là tự bứt khỏi thực tại để chìm đắm vào quá khứ một đi không trở lại. Hoàng Cầm nhớ về mẹ mình, “một cô gái Kinh Bắc có nhan sắc, óng ả, kiều diễm, có đôi mắt ‘lúng liếng’ thật tình tứ, dáng đi đài các uyển chuyển thanh tao”. Mẹ ông là cô gái làng quan họ Bựu – Xim, cùng làng với bà Trần Thị Tần vợ yêu quan Đại tư đồ Nguyễn Nghiễm, mẹ của thi hào Nguyễn Du. Về Kinh Bắc hẳn đã mang sẵn trong máu mình nỗi u uẩn của người con gái hát quan họ tuyệt vời nhưng chính tài hoa ấy lại khiến người chồng nghiêm khắc hững hờ lạnh nhạt trong hơn mười năm, để đứa con đầu lòng phải ra đời trong cảnh đơn chiếc một đêm lạnh giá…
Đứa con ấy chưa kịp lớn bao nhiêu đã lại chuốc lấy cho riêng mình một nỗi u uẩn. U uẩn từ mối tình “Chị – Em” kỳ lạ hiếm hoi trong lịch sử văn học. Mối “tình” này đã được báo chí lạm thác đến mức nhàm chán, và tác giả cũng đã kể nhiều đến mức có lúc có thể lẫn lộn việc thực với tưởng tượng. Tôi muốn quên đi huyền thoại ngoài thơ để chỉ nói về huyền thọai trong thơ. Về những ấn tượng không thể nào phai của chùm “Cây – Lá - Quả - Cỏ” mà hình bóng “Chị” trùm lên.
Chị “trầu cay má đỏ” là trung tâm toả không khí ngây ngây men erotic của đêm chơi tam cúc “nghé cây bài tìm hơi tóc ấm”, “ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì” (riêng tôi thích cái dị bản “thơm dậy tuổi đương thì” hơn là “thơm đọng”, vì tuổi đương thì là tuổi dậy chứ chưa đọng).
Chị với chiếc “váy Đình Bảng” có lần “xoạc cành ngang” trên cây ổi có thể làm các chàng quân tử “dùng dằng đi chẳng dứt” còn hơn là cô thiếu nữ ngủ ngày “yếm đào trễ xuống dưới nương long” của nữ sĩ họ Hồ. Chiếc “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” làm câu mở đầu bài thơ Lá Diêu Bông, theo lối “hứng” của ca dao, đã trở thành một huyền thoại văn chương. Mấy ông bạn già của Hoàng Cầm từng bình luận: ai bảo ông ngạo thần ngạo thánh, dám ví cái váy của cô gái quê với cái cửa võng thiêng liêng chốn đình chùa, nên bị Thánh phạt đến nửa đời là phải! Vâng, cái váy con gái Đình Bảng một thời là “mốt” thời trang Kinh Bắc, mẹ cậu Việt (tên thật Hoàng Cầm là Bùi Tằng Việt) từng mặc, chị Vinh thần tượng của cậu từng mặc. Theo như tác giả miêu tả, nó buông chùng xuống mu bàn chân giống kiểu buông của cửa võng (cửa võng thật ra là thứ rèm trướng cách địêu, bằng gỗ, buông nửa chừng như cánh võng trước mặt ban thờ trong hậu cung đình chùa); mặc cho đúng mốt Đình Bảng là biết chếp nếp trên thắt lưng để phía dưới có nhiều pli, càng nhiều pli càng đẹp, khi đó dáng cô gái đi chẳng khác đi trên sóng rập rờn.
Chị với chiếc Lá Diêu Bông có thể trở thành một mục từ trong từ điển văn học! Chiếc Lá Diêu Bông nổi tiếng đến mức nhạc sĩ Trần Tiến chỉ đưa cái tên ấy vào một câu trong bài hát “Sao em nỡ vội lấy chồng” đã mang tiếng là “phổ nhạc bài thơ Hoàng Cầm”. Lá Diêu Bông là cái lá gì? Trong hơn 30 năm kể từ khi bài thơ ra đời, không ít người đã hỏi. Bây giờ thì chắc ai cũng biết đó là cái lá không hề có, do chị bịa ra để dối em, đúng ra là do nhà thơ bịa ra (và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến bao nhiêu suy dĩên, bao nhiêu rắc rối cho ông!). Chính tác giả nói ông cũng không biết tại sao mình nghĩ ra cái tên ấy. Theo tôi, cái tên đã hình thành một cách vô thức từ những liên tưởng do hai âm “diêu” và “bông” gợi lên. “Diêu” gợi nghĩa “phiêu diêu”, “bông” gợi nghĩa “bông lông” hoặc “nhẹ như bông”. Lá Diêu Bông là một cái lá bay phiêu diêu, vô định. Có lẽ hiểu như thế nên nhạc sĩ Văn Cao từng có lần vẽ hai cái lá bay làm “bìa” cho một tập Về Kinh Bắc do Hoàng Cầm chép tay. Xin dừng một chút ở chuyện này. Vào cái năm 1982 ấy, số người tìm đến quán rượu Hoàng Cầm ở 43 Lý Quốc Sư Hà Nội xin ông chép tay bản thảo Về Kinh Bắc đã không còn giới hạn trong phạm vi các “fan” ở Hà Nội. Từ TPHCM ra thăm lại quê hương, tôi cũng xin Hoàng Cầm một tập để đem về cho bạn bè văn thơ trong ấy thưởng thức, kể cả bản thân tôi, đến lúc ấy mới chỉ có trong tay ba bài “Cây tam cúc”, “Lá Diêu Bông”, “Quả vườn ổi”. Hoàng Cầm chép xong, tôi bắt chước ông Lâm “toét”(tức Lâm cà phê) xin hoạ sĩ Bùi Xuân Phái vẽ cho hai bức “phụ bản”, ông đã vẽ hai cô gái quan họ. Mở ngoặc nói thêm: ông Lâm là người mến tài các hoạ sĩ nên đã trở thành nhà sưu tập tranh có hạng ở Hà Nội, từ đó ông lại “chơi” cả một số bản thảo của các nhà văn nhà thơ nổi tiếng nhưng chưa được phép công bố, có lẽ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm là món đầu tiên thuộc loại đó. Vào năm 1982 thì bản thảo Về Kinh Bắc mà Hoàng Cầm chép tay và Bùi Xuân Phái vẽ phụ bản, sở hữu của ông Lâm từ nhiều năm trước, bỗng biến mất! Khi đề nghị tác giả VKB chép, tôi có chủ ý làm lại một bản để thay cho bản đã mất của ông Lâm. Còn “oách” hơn bản kia, vì nó sẽ có một cái “bìa” do Văn Cao vẽ. Hồi ấy, nhạc sĩ được coi là người minh họa tác phẩm và vẽ bìa sách văn học tài hoa nhất. Do quý mến đứa em làm thơ cùng chí hướng, ông đã thực hiện rất nhanh cái “bìa” Về Kinh Bắc trên tờ giấy thếp (chắc là bằng khổ A4 bây giờ). Tiếc thay, tập chép quí giá ấy (có thể nói là vô giá) – với thủ bút Hoàng Cầm, tranh phụ bản Bùi Xuân Phái, tranh bìa Văn Cao - đã không thể nào tìm lại được nữa!
Về Kinh Bắc còn có rất nhiều hình bóng gái Kinh Bắc mà tác giả gọi chung là “Em”. Em cam phận hồng nhan đày đọa: “gánh gạo về dinh phú hộ/ nứt vai thành sẹo lá lan đao”, “ chở nứa sang bờ duyên phận…da mỡ đông tuốt sẹo ngang thân”, em tắm đêm “tung toé dội gầu trăng nước giếng… còn bủn rủn sẹo ngang sẹo dọc” và bỗng kinh hoàng “ấp vú mình trần con dế trũi”. (Tắm đêm, bài thơ lạ lùng như bức tranh theo chủ nghĩa xuất biểu - expressionnism). Em dân ca quan họ trong bức tứ bình minh họa thành ngữ dân gian về ‘tướng’ dành cho phái nữ: “Lại xót mắt em mi trường khép bóng”, “Chân em dài đi không biết mỏi”, “Má hồng em lại nổi”, “Lưng thon thon cắm sào em đợi” (Theo đuổi) . Có cả em âm thầm “nén nghẹn búp thanh xuân” nơi cửa Phật “chuông chùa cởi yếm, chuông sớm đội khăn, câu kinh tê tê mười ngón tay măng… ong bay vai áo tiểu thon mình” (rất có thể em đây là nhân vật của “Hồn bướm mơ tiên” Khái Hưng). Cả em “hình nhân má điệp tóc mực tàu… da trắng bóc/ phủ bụi tàn nhang… mai nhảy vào đám lửa giỗ đầu”. Và em bảng lảng trong thiên nhiên, khí hậu Kinh Bắc: “Gió vào trăm cửa, gió ra hồng da trinh nữ”, “châu chấu ma vờn cổ yếm xây”. Trong lịch sử Kinh Bắc: “Thấy phẩm Huệ xênh xang năm sắc áo/ biết lòng chim sáo chim di”. Em của các lễ hội dân gian một thuở: hội thi sợi bún, thi ăn mía thổi cơm, thi đánh đu, hát đúm, thi dệt vải, thêu gấm, hội chen Nga Hoàng…Cái hội chen này của vùng Kinh Bắc xưa thật là hấp dẫn, độc đáo. Mỗi năm một đêm đúng vào đêm nguyệt tận “tối như đêm 30”, trai gái đàn ông đàn bà đợi cụ Tiên chỉ nổi trống, đèn đuốc tắt hết, là nhào vào “chen”, những đôi yêu nhau mà không lấy được nhau tận dụng thời gian vàng ngọc này để thoả cái tình phải nén trong lòng. Nhưng dù mê đắm thế nào cũng phải “tỉnh táo” căn sao cho đúng ba hồi trống, kẻo đèn đuốc bừng lên mà chưa kịp buông nhau ra là làng bắt vạ. Nhà thơ đã nhập vào tâm tư của cô gái lỡ gặp người thương quá ba hồi trống, cả hai bị bắt trói cột đình. Đã liều thì liều một thể, cô thầm ước (hay thầm hát, một điệu quan họ): “Thì trói cả đôi/Xin trói cả đời/Cột lim ư gãy rồi/Giường nhung ư sóng đôi”.
(Báo Phụ Nữ TPHCM Xuân 2001(?). Bản gửi từ tác giả
Câu ca dao này như sau: “Đa mi tắc đa mao/ Chiết yêu nhi đại huyệt/ Hồng kiểm đa dâm thuỷ/ Trường túc bất tri lao” hoặc “Trường mi hậu hậu mao…”